Tiếp sức với cả nhà VP những ngày cuối năm, tôi xin có bài “Tản mạn câu đối cuối năm” hầu chuyện mọi người:
Bắt đầu với câu đối Mao Trạch Đông gửi viếng Hồ Chủ Tịch năm 1969:
“Chí khí quán sơn hà, Việt Nam anh hùng duy hữu nhất
Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song”
Đây là một kiếu câu đối ca ngợi quen thuộc thường dùng trong các chùa chiền lăng mộ, hiếu hỉ.đề cao công ơn ân đức của các bậc anh hùng, vĩ nhân. Mao chủ tịch đã khéo léo lồng tên Bác vào hai chữ đầu của vế đối (qua phiên âm). Cùng một kiểu đối lồng tên, lồng địa danh như vậy ngày nay ở ta có ông Hà Sĩ Phu có những vế đối đề tặng rất hay, mời các bạn xem một vài câu đối của ông: Đây là câu đối đề tặng nhà thơ Phùng Quán:
“Nhất Quán tận can trường
Trùng Phùng lưu cốt cách”
Hay như một câu khác hay hơn đề tặng nhà thơ Hoàng Cầm (Bùi Việt Tằng) tác giả bài “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng, Hoàng Cầm quê Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh còn gọi là làng Lạc Thổ:
“Khúc nhạc trong thơ, mỗi tiếng thêm say hồn Lạc Thổ
Câu thơ như vẽ, thiên thu còn đọng nét Đông Hồ”
Đây là kiểu đối lấy cảnh tả người, không ca ngợi trực tiếp, chỉ cần miêu tả tác phẩm để qua đó ca ngợi tác giả. Lời thơ ca ngợi thật diệu kỳ bay bổng.
Lại còn một kiểu đối khác mà theo tôi rất tình tứ, đưa đẩy thường gặp trong những cảnh gái trai. Tương truyền vua Lê Thánh Tông là vị Vua giỏi chữ, khi dả dạng về quê thấy cô thôn nữ đẹp bèn ra vế đối ẫm ờ bỏ lửng:
“Gạo trắng, nước trong, mến cảnh, lại càng thêm mến cả….
Cô gái đối lại:
“Cát lầm, gió bụi, lo đời, lo đấy hãy lo cho….
Một câu đối hoàn chỉnh mà bỏ ngỏ! Cô thôn nữ này sau trở thành Hoàng hậu, (Thân mẫu của vua Lê Hiến Tông.)
Đấy là chuyện vua chúa, còn trong dân thường một câu đối cũng rất tình tứ và nhã nhặn là vế đối của chị hàng phở. Chị này góa chồng nhưng vẫn còn mặn mòi có nhiều người ve vãn tán tỉnh. Đây là vế đối của chị:
“Nạc mỡ làm chi, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em lời tái giá”
Vế đối này sử dụng toàn những từ có trong nghề bán phở: Nạc, Mỡ, Chín, Tái, Gía ,nhưng câu thơ vẫn đầy nhã nhặn và tình tứ. Cũng có nhiều vế đối lại của nhiều người làm nghề khác nhau, như ông bán tiết canh:
“Hành tỏi vừa thôi, khách hăng tiết đấy, hãy thêm cho khách đủ mùi răm!”
Hay như ông thầy thuốc:
“ Thuốc thang chưa đỡ, thày còn bốc nữa, không nghe thầy còn phải bóp xoa!”
Các vế đối sau đều sử dụng những từ chuyên môn, đối đáp đúng, nhưng rõ ràng câu thơ vẫn còn thô thiển không xứng tầm, vậy nên chắc đến bây giờ nàng vẫn còn chưa tái giá…(Chú ý: nàng này chắc chắn ở trong Nam bộ vì ngoài Bắc phở không có giá…bác nào có đ/k thì xem xem quán nào là quán của nàng – đến ăn ủng hộ ??? Thank!). Nhân đây cũng nói luôn: có ông Vietpet nào mà dùng toàn từ chuyên nghành nuôi chó mèo đối được thì chắc nàng tái giá đấy !
Một câu đối hay nữa cũng của dân thường ở mãi tận bên Tàu là câu đối của người buôn than, muối. Nghề này ngày xưa vốn là một nghề buôn có tính sống còn của người dân TQ nên quan lại thường hay nhũng nhiễu đòi ăn, có một ông quan thường hay bắt chẹt dân buôn muối mà lại luôn cho mình là quan hay chữ. Một lần khi bắt được người buôn nọ, người buôn xin ra một vế đối như sau:
“Than khứ diêm qui, hắc bạch phân minh sơn thủy hóa” dịch là:
“Than đi muối về, đen trắng rõ ràng hàng hóa từ rừng từ biển ”
Thật là một câu đối hay, rõ ràng, phân minh, như than như muối, như đen như trắng, như rừng như biển. Lời thơ như một dấu hỏi “phân minh như thế mà hà cớ gì lại bắt ??” đập vào mặt tên tham quan… Vế đối này là một trong những vế đối hay mà khó.
Ở Việt Nam ta còn có một thể loại đối hay dùng trong dân gian là vừa đối vừa chơi chữ hoặc vừa đối vừa nói trại. Kiểu đối này thường thì thanh thanh, tục tục kiểu như “ Đến Củ Chi..” “Vượt Cù Mông…” “Trai Hóc Môn…”Gái Gò Công..” “Thầy dạy sinh..” “Cô tiểu thương ..” ..vv mà các bạn chắc ai cũng biết. Bỏ qua yếu tố thô tục thì kiểu đối này cũng hay, dí dỏm và thông minh. Nhẹ nhàng hơn có câu đối như câu đối năm Giáp tí:
“Giáp tí thì Giáp, giáp tí thôi, thôi đừng có giáp”
Trong câu này riêng chữ “tí” được dùng với ít nhất là ba nghĩa: tí (tẹo), tí (chuột), tí (ti), Lại có một kiểu câu đối nữa là chơi chữ Việt Pháp, Việt Anh, khá thú vị thời thuộc Pháp như:
“Hai chân duỗi thẳng Đơ (2)
Sáu cỗ xe xúm Xít” (6)
Hoặc như:
“Chó gâu đi cắn trộm, Lợn ỉn ốm nằm nhà” (go,ill)
Những năm trước còn có một kiểu đối dạng “hô khẩu hiệu” đọc lên thấy “nhàn nhạt” nhưng nay dân tình hình như đã thực tế hóa hơn nên ít người còn viết…(“Nhàn nhạt” nhưng nhiều khi thấy “nhơ nhớ” !!!)
Trở lại với các câu đối xưa, trước đây có cụ Nguyễn Khuyến là ra nhiều câu đối hay nhất nhưng bản thân tôi ngưỡng mộ nhất là các câu đối của Cao Bá Quát. Ông là người tài ba nhưng cao ngạo ngang ngược đầy cá tính:
“ Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
cà đời chỉ có cúi mình trước hoa mai. Vế đối hay nhất của ông theo tôi là vế đối khi ở tù:
“Một chiếc cùm lim chân có Đế, ba vòng xích sắt bước thì Vương”
khẩu khí của câu thơ thật kiêu hãnh cho thấy một bậc trượng phu quân tử khí tiết tài ba, coi Đế Vương chỉ ở dưới chân mình - ở dưới chân chỉ bọn thấp hèn, cản trở, dùng hai từ “một" và “ba” là hai từ chỉ số lượng nhỏ đầy ý coi thường….giống như kiểu “..ba đồng một mớ đàn ông..”.
Còn các câu đối tết, đối xuân từ xưa tới nay thì nhiều vô kể, câu nào cũng hay cũng đẹp, và cũng theo cảm nhận riêng: có một câu đối đi vào lòng người nhất, câu đối này không có Tết, không có Xuân, không Giao thừa không Nguyên đán mà vẫn tràn ngập vẻ rộn ràng của xuân, vẻ đầm ấm của tết, đầy đủ sắc màu, âm, mùi, hương vị của ngày Tết, đó là:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo , bánh chưng xanh”
Một câu đối Tết giản dị đầy chất Việt, qua đây cũng xin cám ơn tác giả của câu đối này.