Trích dẫn đoạn văn sau:
Ông Sáu Mơ và 21 con chó săn
Sở dĩ người ta gọi là T.Đ là "làng chó" cũng đúng thôi tuy không ẩn ý miệt thị, mắng chửi gì nhau cả, chỉ vì cái làng này nuôi rất lắm chó.
Ai xa lạ đi qua nghe tiếng sủa đồng thanh râm ran của bầy chó hàng trăm con cũng đủ sởn da gà, dựng tóc gáy lên, hoặc ít ra cũng phải điên đầu vài phút vì những tiếng hú sủa ghê ghê dài dòng của nó. Ở đây họ không nuôi chó kiểng vì tốn kém, hoặc loại chó khờ chỉ biết trông nhà, người ta lại nghĩ kế nuôi chó săn, một thứ chó tinh khôn vào bậc nhất trong việc kiếm thịt rừng. Với cái mũi ngửi thính xa hàng trăm mét, hít sâu xuống lòng đất vài tấc đã trở thành tai ương của loài thú. Từ những ả rùa nằm ngái ngủ suốt mùa khô dưới tầng lá mục, đến các chú nai tơ, chồn, mễn… đều bị đánh hơi phát giác đến từng hang ổ, con người chỉ cần nhanh nhẹn di chuyển bước chân, thính tai theo tiếng sủa đã thấy con mồi trước mặt. Và nhẹ nhàng nâng súng "đòm" một cái là xong.
Loài chó mà cả làng T.Đ nuôi lớn không quá 10kg, có màu lông đen tuyền hoặc lem luốc vằn vện trông chẳng có "mã" gì của loài "khuyển" nòi thứ thiệt, chân của chúng dài ngoằng, mồm nhọn, bụng thon sát đến tận lưng, mặt mày gớm ghiếc, nanh ác, thoạt nhìn cứ tưởng chó sói. Các chú đã trở thành "thám thính viên" đắc lực cho nghề đi săn đầy hồi hộp, thú vị và rất chi là mệt nhọc.
Không phải ai cũng nuôi được chó săn một cách dễ dàng. Phải biết chọn lựa tướng mạo, mặt mày, râu ria, chân cẳng, mắt mũi… thấy đạt tiêu chuẩn là mua bắt về ngay, giá bao nhiêu cũng gật. Ông Sáu Mơ là người cực kỳ giỏi trong việc tuyển lựa và nuôi chó săn. Vào thời điểm cuối năm con Dê, ông đã có trong tay 21 "khuyển thủ" rất tinh nhạy trong việc đánh hơi kiếm mồi. Con lớn tuổi nhất 15, con nhỏ một tuổi. Quá tò mò về cái sự lạ "nuôi chó săn cho thuê”, tôi bơi tắt một mình qua Sông Bé giữa mùa lũ đến thăm ông, tìm hiểu sự thể xem có giống những lời đồn đại kia không? Bầy chó 21 con ào ra sủa ran, bao vây kín lấy tôi, chúng nhe răng thè lưỡi đỏ lòm có ý dậm dọa. Tôi hoảng hồn suýt nữa nhảy ùm xuống tránh nạn. Rất may, bỗng nghe có một tiếng quát lớn, đanh:
- Vào!
Cả lũ chó cụp đuôi tản mát khắp vườn, ngoan ngoãn nằm tụm năm, tụm ba im re dưới mấy gốc cây mít, gốc điều. Ông không giống những gì tôi tưởng, dáng người nhỏ, gầy guộc, tuổi đã ngoài bảy mươi, mắt kém, chân đi vòng kiềng, lại mắc chứng bệnh sốt rét kinh niên. Tôi hỏi ông:
- Sức lực đâu mà bác đi săn nổi với cả lũ chó đông đúc vậy? Nuôi để cho người ta thuê?
- Ừ!
- Thuê làm sao bác?
- Mỗi ngày đêm, một con đi săn, trúng trật chi không biết, cứ nộp cho đây 30 ngàn đồng. Còn trúng con mồi lớn thì biếu lại một chân (một phần tư con), tất nhiên là phải tự giác. Nếu không lần sau đừng có hòng mà thuê.
Ông nói quá tự tin và hách hách, khiến tôi tò mò tợn, vồ vập hỏi ngay:
- Người ta không thuê chỗ này thì thuê chỗ khác!
- Chó đâu mà khôn lắm thế?
- Những người thợ săn xa lạ kiểu như tôi, làm sao dụ lũ chó của ông đi được?
- Đi tất, chúng thích nữa là khác, chỉ cần cậu thổi cái khèn bằng ống le này là lũ chó của tôi tập hợp theo cậu ngay!
Nói rồi ông chạy vô nhà cầm khèn ra phồng mang, trợn mắt thổi. Một điệu nhạc quái lạ phát ra rất có bài bản, lũ chó vẫy đuôi hóng hớt lăng xăng quanh chân ông chờ lệnh, một lúc ông mới ra hiệu giải tán. Ông đưa khèn bảo tôi thổi thử. Tôi mày mò theo sự hướng dẫn của ông cả chục lần mới phù hợp đúng y chang bản nhạc quái lạ kia. Lũ chó bắt được tín hiệu ngay, vội dậm chân, dỏng tai chờ xuất kích. Làm quen chúng không mấy khó khi bản nhạc khèn le cất lên đúng âm gió, đúng cung bậc. À, ra thế!
Tôi cảm thấy thú vị thực sự, một bí quyết hay nhưng hết sức đơn giản, học lỏm dễ ợt. Cái khó nhất là làm sao tuyển lựa, nuôi dạy được một chú chó săn tinh khôn thế kia. Trong lúc ông đã có trong tay "trung đội chó" mà chưa hề nhầm lẫn về tính năng tác chiến của từng con. Tôi phục ông thực sự, ông còn cẩn thận ghi chép vào sổ chiến công của mỗi con qua việc săn bắt thú. Nhiều nhất là chú Lê Nai (15 tuổi, trưởng đàn) bắt được 89 con thú lớn nhỏ khác nhau, ít nhất là "nàng" Lê Heo phát hiện và bắt được 7 con tất cả vì tuổi đời còn nhỏ - một năm tuổi. Còn 19 chú chó săn còn lại đều lập công từ vài chục đến vài trăm con thú rừng. Quả là một con số hết sức lớn. Sở dĩ ông đặt những cái tên kỳ quặc và buồn cuời như thế chỉ vì ông vốn là họ Lê. Con nào bắt được thú thì đặt tên chính con thú đó để ghi nhớ chiến công đầu của mỗi con. Bắt được nai thì ông đặt Lê - Nai, bắt được heo đặt Lê - Heo, bắt được rùa đặt ngay Lê - Rùa, bắt gấu đặt Lê - Gấu… 21 con chó săn đều có 21 tên riêng của mỗi loài thú rừng mà ông không quên gắn thêm phần họ Lê đậm tình người ấy để gọi thân thiết.
Điều lạ lùng hơn trong nghề nuôi dạy chó mà ông có được, nhiều tay thợ săn muốn chiếm đoạt lũ chó quý này khi thuê mướn. Hơn ai hết, họ biết cặn kẽ tính năng săn mồi tuyệt vời của mỗi con nhưng đành chịu. Các chú lại ngoan ngoãn trở về với ông sau những đợt đi săn "làm thuê" dài ngày mà không bị dụ dỗ. Có chú còn bị chủ săn giam giữ vài tháng đến một năm vẫn tìm đường quay về, thân xác gầy guộc, mắt đổ ghèn vì nhớ ông. Chắc chắn ông có một bí quyết gì khác để quyến dụ lũ chó trung thành tận tuỵ phục vụ chủ đến cùng mà chúng không hề có ý thức phản bội.
Ngồi tiếp tôi trên chiếu rượu đã vào kỳ say dướt, ông cũng không hề hé nửa lời về điều này. Các dịch vụ cho thuê chó săn ở các miền sơn cước miền Đông đã làm cho cuộc sống già nua, đơn độc của ông thêm phần khấm khá. Vào mùa khô, cả lũ chó 21 con đều có "công ăn việc làm". Ông ở nhà chỉ lo việc "nội trợ" và mua lương thực thực phẩm gồm: 42 lon gạo, 3kg cá, 2kg thịt trong một ngày cho chúng xơi để có sức lực mà đi làm thuê nuôi ông. Khi chia tay, tôi hỏi ông câu cuối:
- Mỗi năm bác thu nhập từ các dịch vụ này bao nhiêu?
Ông lắc đầu quầy quậy. Tôi chào ông Sáu Mơ rồi vội vã ra về. Đối với tôi, có lẽ những cái chưa biết ấy cũng chỉ nên dừng lại bằng những điều đã biết mà hồi nãy tôi có dịp tiếp xúc với ông như một sự quảng cáo cho cái dịch vụ này, vì ông lầm tưởng tôi là một tay thợ săn mới toe, có ý tìm đường đến đây thuê chó. Sở dĩ cái làng chó T.Đ đang vào hồi nuôi nấng thịnh vượng về số lượng ấy chỉ là sự bắt chước máy móc kiểu cách ông Sáu Mơ nhưng bắt chước không nổi. Ở miền rừng ai cũng ao ước "săn" được một "trung đội chó" tinh khôn, thiện nghệ săn bắt như của ông để cho thuê quả là không dễ dàng gì.
Tôi đi qua làng chó T.Đ nằm đầu thượng nguồn Sông Bé, để lại sau lưng hàng ngàn tiếng chó sủa râm ran và trước mắt tôi cả khu rừng miền Đông bước sang mùa xuân hiện ra phơi phới, tươi xanh. Thật khốn nạn cho loài thú rừng, nếu ai cũng nuôi dạy, huấn luyện được 21 con chó săn thiện nghệ như ông Sáu Mơ vào thời buổi môi sinh đang cần gìn giữ.
Đấy cũng là một nghịch lý đáng buồn của năm con chó.