• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Những câu chuyện về động vật

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Hắc tinh tinh lên kế hoạch tấn công người

Cứ mỗi sáng sớm, con hắc tinh tinh tên là Satino tại vườn thú Furuvik (Thụy Điển) lại đi nhặt đá bỏ vào một chỗ, rồi vài giờ sau dùng để ném vào khách tham quan.
Các nhà khoa học tại Đại học tổng hợp Lunds (Thụy Điển) cho rằng đây là biểu hiện đầu tiên khẳng định loài tinh tinh có khả năng tính toán cho hành động của nó trong tương lai.

Nhiều năm qua, Santino thu gom đá và ném vào khách tham quan -Ảnh: BBC News và Mail Online​

Những nhà động vật học đều biết rằng, loài khỉ nói chung và tinh tinh nói riêng thường chọn các hòn đá để làm công cụ đập trái cây, hoặc dùng cành cây chọc vào tổ mối để kiếm mồi. Tuy nhiên chưa bao giờ họ ghi nhận được trường hợp họ nhà khỉ lại có động thái chuẩn bị việc gì đó cho sự kiện diễn ra trong ngày.
Vậy Satino có gì khác biệt so với đồng loại?

Con hắc tinh tinh đã 30 tuổi này thu lượm những viên đá một cách bình thản. Nó không bị tác động bởi nhu cầu vật chất (đói bụng), hay tác động về tình cảm (con người trêu chọc). Hành động của nó diễn ra khi vườn thú chưa mở cửa và khi người xuất hiện thì nó dùng đá ném vào họ.

Điều này diễn ra cách đây 14 năm trước, khi Santino trở thành con đực đầu đàn. Các nhân viên của vườn thú không hiểu vì sao Santino lại nhặt những viên đá xung quanh đảo nơi nó sinh sống để "xây" tường thành. Người ta chỉ biết rằng ngay từ khi còn nhỏ, Santino đã thích trò ném đá. Nhưng sau khoảng 6 tuần thì "thú chơi" này của nó biến mất.

Nhà nghiên cứu Mathias Osvath thuộc Đại học tổng hợp Lunds, người viết báo cáo về Santino, nói: "Có thể tất cả loài khỉ đều có một thế giới nội tâm và hình dung phức tạp về tương lai. Chúng có thể lên kế hoạch mà chúng sẽ tiến hành trong ngày". Tuy nhiên cho đến nay, các nhà khoa học chưa có bằng chứng để kết luận về nhận định này. Suy luận của Osvath được rút ra từ kinh nghiệm ở vườn thú, còn trong thiên nhiên chưa có các khảo cứu cụ thể. Người ta hy vọng rằng, sau khi công bố thông tin này, các nhà khoa học sẽ chú ý hơn nữa về các hành vi của động vật được nuôi để có những nghiên cứu và kết luận mới về đời sống của chúng.

Cũng cần nói thêm, dù Satino ném đá vào khách tham quan, nhưng chỉ làm cho họ hoảng sợ, chứ chưa làm ai bị xây xát. Bởi con hắc tinh tinh này nhắm rất tồi.

(Theo Membrana.ru)
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Chim mái biết ngăn chặn ngoại tình

Con mái trong loài chim ăn kiến biết cách tạo ra những âm thanh khiến những "chị em" độc thân khác không thể nghe được những giai điệu tán tỉnh của bạn đời.


Một con chim ăn kiến ở Ecuador. Ảnh: birdfinders.co.uk.

Chim ăn kiến (Thamnophilidae) sống ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Mỹ. Chúng ăn kiến, côn trùng và một số động vật chân đốt. Sau khi theo dõi một thời gian dài, các chuyên gia Đại học Oxford (Anh) nhận thấy các cặp vợ chồng chim ăn kiến thường song ca với nhau khi phải tranh giành lãnh thổ hoặc thi thố với các cặp khác.

Nhưng khi chim trống tới gần một con mái khác thì bản song ca vụt tắt, nhường chỗ cho những giai điệu phức tạp hơn của con cái nhằm ngăn chặn tín hiệu ve vãn của con trống. Trong nhiều trường hợp, chim mái hót thật to để lấn át giai điệu yêu đương của "chồng".

Ở nhiều loài chim, con đực dùng tiếng hót để ngăn cản kẻ khác ve vãn "vợ". Một số loài chim sống ở các đô thị biết cách thay đổi kiểu hót và âm vực để át âm thanh ồn ào trên đường phố. Nhưng phát hiện mới là bằng chứng đầu tiên cho thấy hành vi “ngăn chặn tín hiệu yêu đương” giữa các cặp uyên ương trong thế giới của loài chim.

“Chim mái tìm cách ngăn chặn tín hiệu tỏ tình của bạn đời để con chim trống không thể quyến rũ một con chim mái nào đó chưa có đôi lứa”, Joseph Tobias, một chuyên gia của Đại học Oxford, phát biểu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng mục đích của hành vi ngăn chặn tín hiệu là làm cho mức độ hấp dẫn của con đực giảm hoặc cho con mái đơn thân kia biết rằng "trái tim của chim trống đang hót đã có chủ". Những phát hiện mới ở loài chim ăn kiến có thể giúp giới chuyên gia sinh học hiểu rõ hơn về cách thức phát triển của tín hiệu giao tiếp trong quá trình tiến hóa của động vật.

Hiện các nhà khoa học đã tìm ra hơn 200 loài chim ăn kiến. Chúng sở hữu thân hình nhỏ nhắn, đôi cánh tròn và cặp chân khỏe. Lông của chúng có màu xám sẫm, hung đỏ, trắng, nâu. Phần lớn chim ăn kiến sống trong rừng, một số sống ở núi và đồng bằng. Chim mái thường đẻ hai trứng một lứa. Chim trống và chim mái thay nhau ấp trứng và kiếm mồi. Sau khi trứng nở, mỗi con sẽ chăm sóc một chim non.

Minh Long (theo Livescience)
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Rách quần vì vật nhau với chuột túi

Một người đàn ông ở Australia bị xây xước mông và rách quần lót trong lúc vật nhau với một con chuột túi, sau khi nó xô cửa sổ xông vào phòng ngủ của anh.

Anh Beat Ettlin, 42 tuổi, cùng vợ và con gái ngồi co rúm người dưới chăn trong khi con chuột túi nhảy vào giường của họ. Sau đó, nó xông sang phòng ngủ của con trai anh. Cậu bé hét lên và Ettlin phải ra tay.

Ảnh minh họa​

Anh cố hết sức ghì lấy đầu của con vật cao khoảng 1m75 và kéo nó ra cửa trước. Con chuột túi bị thương và chạy vào khu bảo tồn ở gần ngôi nhà tại ngoại ô thủ đô Canberra.

Bên trong nhà, con vật này đã làm hư hỏng nhiều đồ đạc và để lại nhiều vết máu trên tường. "Tôi chỉ sợ nó nhảy chồm lên người chúng tôi", Verity Beman, vợ của Ettlin, nói. Cô gọi chồng là người hùng mặc đồ lót hiệu Bonds - một nhãn hiệu được ưa chuộng ở Australia.

Ettlin, 42 tuổi xuất thân từ Thụy Sĩ, cho rằng anh may mắn. "Ban đầu tôi cứ nghĩ chắc là tên ninja dở hơi nào nhảy vào phòng ngủ đây", anh nói.

Chuột túi rất phổ biến ở ngoại ô Canberra, song chúng ít khi xâm nhập vào nhà dân.
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Bí quyết sống lâu của loài xấu nhất hành tinh

Khác với nhiều động vật, chuột chũi trụi lông hầu như không có biểu hiện của sự lão hóa. Chúng sống lâu gấp 9 lần các loài chuột có kích thước tương đương và hiếm khi mắc ung thư.


Chuột chũi trụi lông. Ảnh: Animals.

Với lớp da nhăn nhúm màu hồng và hàm răng kiếm, chuột chũi trụi lông sống ở khu vực Đông Phi được xếp vào nhóm những động vật xấu xí nhất hành tinh. Tuy nhiên, chúng là loài có tuổi thọ cao hàng đầu trong họ động vật gặm nhấm và sức khỏe luôn trong tình trạng tốt nhất suốt cuộc đời.

Nhóm chuyên gia của Đại học Texas (Mỹ) phát hiện ra rằng chuội chũi trụi lông có khả năng loại bỏ những protein bị tổn thương một cách hiệu quả, đồng thời giữ lại những protein ổn định và có chất lượng cao. Nhờ đó mà chúng không mang những biểu hiện thông thường của sự lão hóa như suy giảm chức năng não.

Ở hầu hết các sinh vật, protein được sinh ra rồi lại tiêu hủy. Các tổ hợp protein có chức năng loại bỏ chất thải sẽ chọn những protein bị tổn thương và tái tạo amino axit của chúng để hình thành protein mới. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rất ít protein của chuột chũi trụi lông bị đánh dấu để tiêu hủy. Điều này cho thấy chúng không những sở hữu nhiều protein tốt mà còn có cơ chế loại bỏ những protein bị tổn thương hiệu quả hơn. Nhờ đó protein bị tổn thương không tích tụ và tàn phá tế bào.

“Chúng tôi tin rằng mức độ protein tổn thương ở chuột chũi trụi lông không quan trọng bằng khả năng loại bỏ những phần tổn thương một cách hiệu quả”, tiến sĩ sinh hóa Asish Chaudhuri, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Sau khi so sánh mô của chuột chũi trụi lông với chuột bạch thí nghiệm, nhóm chuyên gia nhận thấy mô của chuột chũi trụi lông tỏ ra hiệu quả hơn trong việc xử lý các protein bị tổn thương bởi tình trạng căng thẳng.

Theo tiến sĩ Viviana Perez, trưởng nhóm nghiên cứu, những tập hợp protein bị tổn thương gây nên những tác động xấu đối với tế bào. Chúng là thủ phạm gây nên các bệnh suy giảm chức năng thần kinh như Alzheimer, Parkinson, Huntington và Lou Gehrig. Nếu bắt chước được khả năng loại bỏ protein tổn thương của chuột chũi trụi lông, các nhà khoa học sẽ tìm ra nhiều loại thuốc có khả năng điều trị hiệu quả các bệnh này.

Nhóm nghiên cứu cho biết, họ sẽ tiếp tục tìm hiểu xem liệu mô của các loài động vật sống lâu khác có cơ chế loại bỏ protein tổn thương giống chuột chũi trụi lông hay không. Sau đó, họ sẽ xem xét cả mô của động vật linh trưởng và con người.

Minh Long (theo Science Daily)
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Bò sinh đôi không giống nhau

Một cuộc tranh cãi khá gay gắt nổ ra giữa các chuyên gia về động vật sau khi một 'cô' bò cái tại trang trại Mudgley Lodge, Anh, đẻ cặp bê có màu lông khác nhau.

Hai chú bê con cùng một mẹ sinh ra nhưng lại khác nhau. Ảnh: Telegraph.

Trường hợp hy hữu này xảy ra khi ông chủ Vic Phillips cho ghép đôi giữa con bò đực Eric dòng Aberdeen Angus với con bò cái Simmental tên Jemima. Kết quả của cuộc giao phối này là sự ra đời của hai chú bê Ernie và Emily. Trong khi Ernie có màu lông xám tương tự như mẹ thì Emily lại mang màu hung đen giống bố.

Theo Telegraph, trường hợp bò cái sinh đôi mà cho ra hai chú bê giống khác nhau là chuyện rất hiếm. Anh Philips khẳng định, gia đình chỉ có một con bò đực duy nhất là Eric nên khả năng có con bò đực khác giao phối với Jemima là rất ít.

"Tôi chưa từng gặp trường hợp như thế này trước đó. Tôi không biết làm sao mà việc này lại xảy ra. Chỉ có khả năng là cô bò cái này đã giao phối với hai anh bò đực khác loài cùng một lúc và hai trứng cùng thụ thai", một chuyên gia về loài bò Aberdeen-Angus cho biết.

Ngoisao
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Cừu hai mặt ở Iceland

Con cừu với hai mặt đầy đủ các bộ phận như mắt, tai, mũi miệng.

Con cừu với hai mặt đầy đủ các bộ phận như mắt, tai, mũi miệng.​

Con cừu khác thường chào đời hôm 17/3 tại trang trại Hlidartungu thuộc vùng Olfus, miền nam Iceland. Trong khi tất cả những con cừu ra đời tại trang trại từ trước tới nay đều bình thường thì có một con lại có tới hai mặt.
Bác sĩ thú y địa phương Pall Stefansson cho hay cừu 2 mặt rất hiếm mặc dù ông đã nghe nói đến 2 trường hợp tương tự trong những năm qua.

Con cừu 2 mặt đã sống sót qua đêm đầu tiên. Tuy nhiên, nó đã chết sau khi các bác sĩ nhận ra rằng nó không thể nâng nổi cái đầu lên.

Dan Tri
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Gõ kiến đầu đỏ

Gõ kiến đầu đỏ (Picus rabieri) cũng giống như những loại chim khác cùng họ, chúng có chân khỏe, đuôi cứng và ngắn thích nghi với việc bám vào thân cây. Chim có mỏ khỏe dùng để khoét lỗ ở cây tìm kiếm côn trùng, chúng có thể gõ vào thân cây với gia tốc gấp 10 lần gia tốc trọng trường. Chim đực đỉnh đầu đỏ, chim cái có bộ lông màu xanh lá cây. Gõ kiến đầu đỏ thường ở rừng thường xanh và vùng cây bụi thứ sinh, chim sinh sản trong khoảng tháng 5 - 6. Trên thế giới, Gõ kiến đầu đỏ được tìm thấy ở Việt Nam, Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc. Tại Việt Nam, chúng phân bổ ở vùng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.


Thiên Nhiên
 
Top