Đầu cơ nghiệp
ThienNhien.Net – Từ xa xưa, hình ảnh con trâu cần cù chịu khó đã trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” - câu thành ngữ ấy nay vẫn còn nguyên giá trị ở nhiều vùng quê Việt mặc dù con trâu gắn với cái cày không còn phổ biến như trước. Quá trình đô thị hóa và những biến chuyển của nền kinh tế khiến mục đích nuôi và khai thác sức trâu cũng có khác, trở nên đa dạng hơn.
Nhắc đến trâu người ta dễ dàng liên tưởng đến nhà nông. Câu ca êm ái và thân tình: "Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..." đủ cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa họ đến nhường nào. Lưng trâu cũng là nơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của biết bao người. Nhiều ước mơ, hoài bão từ thuở nhỏ đã được hình thành và nuôi nấng từ đây.
(Ảnh trên: Lý Long, Ảnh dưới: Nguyễn Đức Tùng).
Trên những cánh đồng sâu, có lẽ không sức kéo tự nhiên nào sánh được với sức trâu.
Những chú trâu cần mẫn đi từng đường cày, cam chịu dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè
đến cái rét cắt da của mùa đông.
(Ảnh trên: André FRASSATI, Ảnh dưới: VietNamNet).
Và có lẽ không có con vật nào mang lại lợi ích nhiều mà lại dễ nuôi như con vật này.
Chỉ cần cỏ, rơm. (Ảnh: Trần Hải).
Vài chú trâu nhởn nhơ gặm cỏ hay đang đầm mình trên cánh đồng nắng không còn là hình ảnh xa lạ.
Nó làm cho khung cảnh làng quê thêm yên bình và thơ mộng. (Ảnh: A Bảo).
Người nông dân bao đời dựa vào sức trâu và sức mình để tồn tại và phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vì thế, mà không phải ngẫu nhiên, con vật gần gũi ấy đã đi vào đời sống văn hóa dân gian như thơ ca, hội họa ...
(Minh họa: Tranh Đông Hồ).
Lại nhớ đến những ngày cả nước sôi nổi chuẩn bị cho SEA Games 22, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam,
hình ảnh con trâu đã được nhắc đến và trở thành biểu tượng
cho giải thi đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Anh Tuấn).
Trong thời kỳ mới, con trâu không chỉ gắn bó với đồng ruộng.
Đa phần các đàn trâu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được chuyển hóa sang nuôi lấy thịt
khi các dự án khu công nghiệp dần chiếm chỗ đất làm nông. (Ảnh: A Bảo)
Trâu cũng thường được sử dụng làm phương tiện vận chuyển, (Ảnh: ThienNhien.Net)
hay phục vụ du lịch. (Ảnh: ThienNhien.Net)
Nhưng cũng có một vài nơi, trâu bị biến thành đồng lõa với lâm tặc, góp phần phá hủy những cánh rừng (Ảnh: Vũ Công Điền)
Và chú nghé con này lớn lên sẽ được dùng vào việc gì đây? Cày cấy, kéo gỗ, chở đá, phục vụ du khách hay bị giết để lấy thịt? (Ảnh: Trần Hải)
Một số người lo lắng cho sự tồn tại bền vững của đàn trâu và đang tìm cách bảo tồn.
(Ảnh: Wikimedia)
Trâu là vật tế lễ đối với một số dân tộc, cũng là vật thi đấu trong lễ hội ở nhiều nơi.
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng 9 tháng 8, chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng 9 tháng 8 thì về chọi trâu”.
Lễ hội chọi trâu của người dân thị xã Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, với mong muốn cho cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam).
Trong thành tựu trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới của Việt Nam, một phần có sự đóng góp của đàn trâu. Nghị quyết "Tam nông" được thông qua mới đây được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến cơ bản trong xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững cho quốc gia. Hy vọng rằng nhờ đó, đàn trâu của Việt Nam cũng sẽ có một tương lai rộng mở hơn.
(Ảnh: Thành Tiến)
Bước vào năm Kỷ Sửu 2009, vào thời điểm đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập với thế giới, lại giữa cơn bão khủng hoảng kinh tế này, con trâu càng nhắc nhở chúng ta rằng chớ quên cái nền tảng "chân quê" của xã hội và con người Việt Nam. Cho dù mai đây, con trâu có thể vắng dần trên đồng ruộng nhưng mãi mãi nó sẽ là một thông điệp sâu sắc nhấn mạnh về gốc gác của một dân tộc phát triển, trường tồn nhờ vào sức lực và sự cần cù của con trâu. Và chính cuộc sống gắn bó với con trâu trong lao động đã tạo nên phần nào cái cốt cách của con người Việt Nam.
(Ảnh trên: A Bảo, Ảnh dưới: ThienNhien.Net)
Hà Thu
TTXuân -
Tôi tuổi Tân Sửu, thuở bé thơ lại có một thời gian chăn trâu, thế nên năm Kỷ Sửu tới, lòng tôi chợt nhớ những đàn trâu ngày cũ. Tôi quyết định viết một điều gì đó về con trâu đồng bằng sông Cửu Long, mà trâu đồng bằng thì có nhiều chuyện để nói.
Chú bé chăn trâu ở Châu Đốc - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Hơn 300 năm trước, ông cha ta đi chinh phục, mở rộng vùng đất phương Nam. Thuở ấy đồng bằng Nam bộ là vùng đất hoang vu rừng rậm, không có máy móc phục vụ khẩn hoang, nếu như không có sự trợ giúp đắc lực của sức trâu thì người khó lòng khẩn hoang nhanh chóng đến thế. Vì vậy có thể nói con trâu đã góp một yếu tố quan trọng trong công cuộc làm rộng dài đất nước.
Theo chân người khai phá
Theo dân gian: mồng một tết cha, mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy. Nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long còn có một cái tết nữa - đó là tết trâu. Tết trâu diễn ra cùng ngày với tết thầy và khá long trọng.
“Tậu trâu” vẫn là công việc đầu tiên, quan trọng bậc nhất của một đời nông dân. Vào nửa đầu thế kỷ 20 trở về tiền khẩn hoang, đại bộ phận nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đều có trâu. Con trâu trở thành phương tiện mưu sinh chủ lực giống như ngày nay người nông dân có máy cày hay thị dân có quán cà phê vậy.
Trong nếp nghĩ của người đồng bằng sông Cửu Long xưa, vị thế của từng gia đình trong làng xóm, xã hội được tính qua số lượng đàn trâu của họ. Những gia đình khẩn hoang được 30-40 công đất trở lên đã buộc phải có trâu. Những địa chủ thì có từ mấy chục đến mấy trăm con trâu. Hình ảnh con trâu gặm cỏ trên đồng và âm thanh ngày mùa rộn ràng bởi tiếng “ví, thá” của thợ cày, tiếng chân trâu quẫy nước, tiếng nghé ngọ... đã khắc họa nên bức tranh đồng quê đi vào thơ ca và vào tâm thức chúng ta.
Đời sống nông dân lúc bấy giờ vận hành theo nếp của thời trâu cày. Con nít 7-8 tuổi đã được cha mẹ trao cho sợi dây vàm buộc mũi trâu trước khi trao cho chúng quyển sách đến trường. Gia đình kha khá một tí thì giữ trâu nhà, còn nghèo thì đi ở đợ giữ trâu. Hình ảnh một em bé ốm tong, còi cọc quảy gói đi sang làng khác giữ trâu mướn cả năm trời mới được về nhà là chuyện thường.
Khoác đời chăn trâu là khoác kiếp dầm sương dãi nắng, niềm vui chỉ là những trò chơi truyền thống của cánh mục đồng, cứ dần theo ngày tháng và nó làm héo hon luôn cả một tâm hồn. Lớn lên một chút, cỡ 13-14 tuổi, là trẻ em được tập cầm cày. Thời ấy người ta nhìn nhận thanh niên qua luống cày của họ, giống như ngày nay xóm ấp nhìn nhận thanh niên có trình độ đại học. Một luống cày đẹp đôi khi được đánh tiếng gả cho một cô vợ đẹp.
Chính con trâu đã đỡ đần cho người khẩn hoang. Nếu trước đây đất phát cỏ, một lực điền phải phát cật lực một ngày chỉ được một công thì nay một đôi trâu khỏe cày một ngày 6-8 công. Trâu còn được sử dụng vào việc bừa trục, một kỹ thuật làm đất mềm tơi ra vừa diệt cỏ, vừa cấy rất dễ mà năng suất cao hơn cấy nọc. Kỹ thuật ấy cũng là tiền đề cho kỹ thuật sạ lúa sau này. Nếu không có trâu thì khi nhổ mạ xong người ta phải gánh mạ vào ruộng cho thợ cấy, công việc rất nặng nhọc.
Những người có trâu đã sử dụng trâu để “mông mạ” vào ruộng, năng suất gấp 20-30 người gánh. Con trâu còn được sử dụng đạp rơm thay cho việc đập lúa bằng tay, giống như chiếc máy suốt lúa ngày nay. Trâu cũng được dùng kéo cộ để kéo lúa từ ngoài đồng về sân nhà. Ngoài ra trâu còn được dùng làm sức kéo để chuyên chở vật dụng.
Không thể hình dung được nếu không có sức trâu thì lưu dân khẩn đất sẽ gặp khó khăn đến cỡ nào. Dù người Pháp có xẻ kênh thủy lợi dày đặc để đưa nước xổ phèn, tạo điều kiện cho người khẩn hoang đến được những vùng đất xa xôi nhất thì cũng chỉ khai thác được những diện tích nhỏ lẻ, manh mún nếu không có sức trâu. Chính nhờ sức trâu nên diện tích khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển nhanh chóng. Xin lấy số liệu của hai tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu để chứng minh điều đó: năm 1880 hai tỉnh này chỉ mới khai phá được 20.000ha, nhưng đến 50 năm sau lưu dân đã khai khẩn đến 600.000ha.
Nghĩa đỡ đần
Trong từng gia đình nông dân, trâu gánh vác phần việc nặng nề nhất. Nông dân vì vậy có nếp sống, cách ứng xử với con trâu như người bạn đồng cam cộng khổ. Chiều xuống, khi đàn trâu lũ lượt về chuồng, những lão nông tri điền ra kiểm tra bằng việc nhìn vào hông trâu, nếu hông trâu đã căng đầy thì trâu no cỏ, bằng ngược lại họ la rầy con cái rồi lọ mọ đi cắt cỏ cho trâu ăn thêm. Đêm đến, các ông lão ra chuồng trâu để xem con cúi un muỗi còn cháy hay đã tắt, vì sợ trâu bị muỗi đốt. Trâu làm mùa xong thì đã kiệt sức, rất ốm, cổ lở lói vì mang ách, lúc này lúa đã lên xanh kín đồng nên các chủ trâu phải tìm những vùng đất hoang, cỏ nhiều để bồi dưỡng sức trâu.
Cũng giống như mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam, chỉ khác là ở vùng Hậu Giang người ta gọi đó là mùa cầm trâu. Ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá... có chung một cánh đồng rộng hơn 100.000ha có tên gọi là đồng “chó ngáp”, còn hoang dã. Mùa mưa cỏ mọc đến ngang lưng quần, thế là cày bừa xong nông dân khăn gói, cơm khô... lũ lượt cỡi trâu về đồng “chó ngáp” cầm để bồi dưỡng sức trâu. Trâu đi từng đàn dài dằng dặc.
Lùa trâu vào đồng xong, người ta đào đất đắp một cái nền cao khỏi mặt nước gọi là đắp độn trâu, để cho trâu ngày thì đi lang thang ăn cỏ, tối về độn nằm ngủ. Đầu tiên là phải hướng dẫn trâu về 2-3 buổi chiều, sau đó trâu quen, chúng tự về. Và đó cũng là ngày mà chủ trâu khăn gói về quê, để trâu ở lại sống đời hoang dã ba tháng trời không có người chăn giữ. Hàng chục ngàn con trâu cứ tự do đi dọc về ngang trên cánh đồng ấy.
Thuở ấy thi thoảng cũng có kẻ trộm trâu và khi có dịch bệnh làm trâu chết hàng loạt. Nhiều người ở gần đồng “chó ngáp” chống xuồng vào để kiếm thịt trâu ăn, vì thịt trâu rất đặc biệt, dù chúng có chết mười ngày thì phần thịt nằm phía dưới nước vẫn còn tươi rỏ máu. Khi gió chướng sòng thổi về phóng khoáng, những cánh đồng vàng mơ bông lúa thì chủ trâu vào đồng “chó ngáp” để cỡi trâu về vào mùa cộ lúa. Đó là thời khắc chứa đựng cả sự ngậm ngùi, người thì gặp lại trâu mừng đến rớt nước mắt, kẻ thì chờ đến khuya, trâu không về độn cũng đứng khóc giữa đồng hoang.
Nhiều ông già, bà già khóc thật nhiều khi những con trâu già của mình qua đời. Họ nhớ đến nghĩa đỡ đần của nó trong lúc chân ướt chân ráo về đây dựng nghiệp. Đa số nông dân không ăn thịt trâu, họ có một niềm tin tín ngưỡng rằng trâu là con vật hiền lành, chung thủy, giúp người nên khi nó chết sẽ trở thành vật linh, ai ăn thịt nó sẽ mang tội với trời đất. Theo dân gian: mồng một tết cha, mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy. Nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long còn có một cái tết nữa - đó là tết trâu.
Tết trâu diễn ra cùng ngày với tết thầy và khá long trọng. Sáng mồng ba tết, tất cả những người nuôi trâu đều đặt bàn hương án trước chuồng trâu rồi bày hoa quả đèn nhang... để cúng bái. Trâu được cho ăn bánh tét, uống rượu và được lì xì tiền mừng tuổi (tiền này do chú mục đồng nhận thay). Cách xử sự của nông dân đồng bằng sông Cửu Long giống với đạo nghĩa giữa người với người.
Con trâu là người bạn thân thiết của trẻ em nông thôn VN - Ảnh: T.T.D.
Chỉ còn lại ký ức
Giờ đây vai trò của con trâu trong nông nghiệp bị loại dần để thay vào các máy móc hiện đại. Và khi chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ra đời thì vai trò lịch sử của con trâu gần như chấm dứt. Đi từ TP.HCM về mũi Cà Mau bây giờ họa hoằn lắm mới nhìn thấy một con trâu.
Số liệu của tỉnh Bạc Liêu năm 2008 ghi rằng toàn tỉnh có 4.000 con trâu, bò. Họ không thể tách ra trâu bao nhiêu con, tôi nghĩ trong đó trâu chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp vì ngày nay gần như không còn ai sử dụng sức trâu để cày kéo nữa, mà người ta đang chú ý đến vai trò mới của chúng, đó là “giá trị thương phẩm”. Ngày xưa người ta đã biết thịt trâu có công dụng điều trị bệnh, trong đông y sừng trâu được gọi là ngưu giác, có tính đại hàn, trị được các bệnh đại nhiệt theo nguyên tắc khắc hỏa. Thịt trâu trong ngũ hành thuộc hành thủy, trị được các bệnh thủy thủy (tê thấp). Và ngày nay thịt trâu được nhìn nhận là một thứ thực phẩm bổ dưỡng.
Da trâu thuộc da rất tốt và sừng trâu làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Thế nên nhiều lò mổ trâu, nhiều thương lái ra đời. Họ thu mua trâu lại rồi cho ăn đủ mập để chở đi các đô thị bán. Quán trâu hầm sả, cháo trâu... mọc lên như nấm. Gần đây, vùng Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng có những cửa hàng chuyên làm và bán khô trâu. Mỗi dịp tết một cửa hàng tiêu thụ đến hàng chục tấn thịt trâu và khô trâu được gọi là đặc sản miền Tây Nam bộ. Đến một lúc nào đó trâu sẽ hoàn toàn vắng bóng trên đồng đất đồng bằng sông Cửu Long thì con cháu chúng ta sẽ đi vào thảo cầm viên xem trâu bằng ánh mắt vô cảm, đánh đồng với các loài cọp, beo.
Ngay từ thế kỷ thứ 6 nền văn minh lúa nước Việt Nam đã khai mở và phát triển một bước nhảy vọt. Đó là lúc người nông dân cổ biết thuần hóa trâu và sử dụng vào việc cày, bừa. Hơn mười thế kỷ sau, nghệ thuật sử dụng sức trâu tiến vào phương Nam để biến đồng bằng sông Cửu Long hoang hóa thành một vùng trồng lúa lớn nhất nước chỉ sau 300 năm. Và cũng chỉ sau 50 năm nghệ thuật sử dụng sức trâu ấy đã bị loại bỏ. Âu đó cũng là một quy luật tất yếu của sự phát triển.
Giờ đây những cánh đồng thời trâu cày chỉ còn lại trong ký ức, ở đó có câu hò: Trên đồng cạn dưới đồng sâu. Anh cày em cấy con trâu nọ đi bừa. Câu hát nói với ta rằng có một thuở đời người và đời trâu bện chặt vất vả trên cánh đồng trái tính trái nết cho đất nước rộng dài, cho bao mùa vàng nuôi nấng người đồng bằng sông Cửu Long từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế nó đáng nhớ lắm chứ!
Phan Trung Nghĩa
(Dân trí) -
Sáng sớm mồng 7 Tết Kỷ Sửu (1/2/2009), lần đầu tiên người dân Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) được chứng kiến lễ hội cày tịch điền đã từ lâu bị mai một.
Thời xưa, vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Từ đó, lễ được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp. “Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ”.
Cũng như nhiều loại hình văn hóa, lễ hội tịch điền Đọi Sơn mới được khôi phục cùng nhiều lễ hội truyền thống khác trong mấy năm gần đây, sinh hoạt văn hóa dân gian vì thế có phần hồi sinh và khởi sắc. Ngày mở hội dưới chân núi Đọi, câu chuyện nhà vua đi cày được tái khởi trong sự khâm phục của những người nông dân. Nhưng ngay từ hôm trước, nhiều hoạt động của lễ hội đã bắt đầu. Đặc biệt, 30 con trâu cái được các họa sỹ đến từ nhiều nơi trên đất nước vẽ lên mình những bức tranh khá lạ, mang nhiều ý tưởng khác nhau với màu sắc sặc sỡ. Sau đó, trâu sẽ được mang ra để cày ruộng vào sáng hôm sau trong lễ tịch điền mà thợ cày là nhà vua và những vị bô lão.
Trong những lễ hội dân gian cổ truyền, người dân thường xem đó như cơ hội để chơi, để gặp gỡ sau khi cả năm vất vả với việc đồng áng qua cách nói “tháng ăn chơi”, thế nhưng lễ tịch điền lại là lúc để cho trâu vào ách, xuống đồng đi cày.
Con đường dẫn vào lễ hội tịch điền Đọi Sơn
Người dân hồi hộp chờ xem vua đi cày ruộng
Nhiều khách thập phương phải băng đồng để vào xem hội vì con đường nhỏ dẫn đến ruộng cày tịch điền đã không còn chỗ bởi đoàn rước cờ và kiệu
Trong tiếng trống Đọi Tam giòn rã, các nghi thức cổ xưa của lễ hội cày tịch điền dần hiện ra
Người nông dân chất phác, quanh năm mải miết việc đồng áng đang dắt trâu ra thửa ruộng cày tịch điền ngỡ ngàng trong vòng vây hàng nghìn người
Trâu, chủ trâu và thợ cày xuất hiện trong những bộ cánh mới trước mắt người nông dân Đọi Sơn
Dắt trâu ra ruộng
Những người có “chân” trong lễ hội thì rất hãnh diện với dân làng
Chủ nào lắp vai cày cho trâu nấy
Khi lắp cày xong, trâu được mang ra cày thử cùng các thợ cày giỏi
Nông dân ngày nay đã bớt vất vả khi chuyển sang cày máy. Nhưng theo kinh nghiệm của thợ cày, những thửa ruộng nhỏ với bờ khúc khủy thì cày trâu vẫn là lựa chọn tốt nhất
Nhiều nghé không chịu rời trâu mẹ nửa bước nên BTC đành cho 2 mẹ con cùng đi cày
Tái hiện hình ảnh nhà vua trong lễ tịch điền
Con trâu có bức tranh trên mình được đánh giá là đẹp nhất sẽ dùng
để nhà vua đi cày trong lễ tịch điền
Vua là người xuống ruộng cày 3 sá ruộng đầu tiên
Tiếp đến là bô lão, các bô lão khá vất trong xá cày nhưng rất phấn khởi
Nhà vua với áo bào, tay cày, tay roi xua trâu cày miết
Trâu cày đến đâu hạt giống được gieo đến đó
Hữu Nghị
Năm mới Kỷ Sửu, là người làm trong ngành nông nghiệp, amifidele xin mượn hình ảnh và những bài viết hay về chú trâu thân thương, mến chúc cả nhà
SỨC KHOẺ DẺO DAI NHƯ TRÂU ĐỂ TẠO RA NHIỀU CỦA CẢI CHO GIA ĐÌNH, CHO XÃ HỘI VÀ CHO ĐẤT NƯỚC.