Mọi người thân mến,
Mấy hôm nay thấy các cún gặp vấn đề về tiêu hóa, mình xin phép được chia xẻ với mọi người kinh nghiệm cho cún ăn của gia đình mình trước cún khi tách đàn. Mình cũng xin phép được mạo muội phân tích một số lý do tại sao các cún bị đi ngoài hoặc đi phân không vàng, không vào khuôn như khi cún còn ở nhà mình, theo như bạn Animal Rescue có đề cập.
Nếu gạt ngoài các yếu tố môi trường như thay đổi thời tiết, cún bị lạnh, bị căng thẳng, bị lây bênh, thì qua những gì mọi người viết, mình nghĩ cún bị đi ngoài ra do:
Mọi người cho cún ăn quá nhiều đạm và chất béo.
Mình không biết khi ăn gan xay, ăn tiết, ăn phổi, ăn cổ ngan, mọi người cho cún ăn liều lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, mong mọi người hiểu rằng lượng đạm (và cholesterol) trong ngũ tạng động vật là rất cao và đạm này khó tiêu hóa hơn nhiều so với đạm trong thịt nạc.
Khi còn ở nhà mình, trung bình, 1 ngày, 1 cún ăn khoảng 1 lạng thịt nạc xay (chia làm 3 bữa). Tất nhiên là khi cún lớn hơn thì cần lượng đạm lớn hơn việc tăng lượng đạm và thay đổi loại đạm đột ngột chắc chắn sẽ khiến cún bị đi ngoài.
Mình đã tìm hiểu rất nhiều trên internet và được biết, nước xương hầm chưa hẳn đã tốt cho cún. Nước xương hầm cũng chưa hẳn chứa nhiều canxi hơn là canxi trong thịt nạc. Hơn nữa, nếu mọi người dùng xương ống, lượng mỡ béo trong nước xương là rất lớn.
Cún con cần các chất bổ như đạm, béo, canxi, nhưng đó là phải là các chất cún hấp thụ được.
Mong mọi người làm một thí nghiệm nhỏ. Với trời lạnh thế này, sau khi hầm xương và để nguội, mọi người sẽ thấy một lớp mỡ khá dầy phủ trên bề mặt nước xương. Điều tương tự xảy ra với việc nấu cổ ngan, cổ gà.
Vì vậy, nếu mọi người không bỏ lớp mỡ đó đi, mọi người tưởng tượng làm sao hệ tiêu hóa của cún có thể xử lý lượng chất lớn như vậy ạ?
Nếu cún của mọi người đi ngoài phân hơi thẫm, có mùi tức là đã có một lượng đạm và chất béo lớn không được tiêu hóa và bị thải ra ngoài đấy. Ngoài việc cún bị ốm thì đây cũng là một sự lãng phí lớn cho ngân sách gia đình.
Để tạo một khẩu phần cân bằng cho cún, mọi người có thể cân nhắc một số lưu ý sau:
1. Trong súp thịt, nấu thêm khoai tây, bí đỏ đã bỏ hạt (bí đỏ rất tốt cho việc hàn gắn thành ruột bị tổn thương), thêm 1 vài lá rau. Các loại rau củ cần thái nhỏ để cún tiêu hóa tốt.
2. Không nấu các thức ăn nhiều đường như khoai lang cho cún ăn.
3. Các loại nguyên liệu nấu phải tươi ngon.
4. Không cần cho cún ăn quá nhiều cơm. Thịt nên xay hoặc băm. Còn khi cún khoảng 3 tháng, có thể bắt đầu cho ăn thịt thái miếng to hơn để tập xé.
5. Mọi người cũng đặc biệt lưu ý là cún còn nhỏ, đừng cho ăn cơm cứng.
Mình nghĩ rằng cún ở gia đình mình tiêu hóa tốt vì thực ra, mình cho cún ăn cơm luôn chan nước thịt, có thịt và khoai tây. Gia đình mình không cho cún ăn cơm với thịt khan đâu ạ. Hơn nữa, khi chan súp, bao giờ mình cũng đun nước súp nóng. Chan vào cơm, để một lúc để nước ngấm vào hạt cơm cho mềm, cún sẽ dễ tiêu hóa hơn.
6. Thiết tha mong mọi người KHÔNG lạm dụng nước xương, nước béo trong thực đơn của cún. Mọi người hãy nghĩ cún giống trẻ con. Ở VN, các bà các chị vì nghĩ nước xương nhiều canxi nên rất hay ninh xương nấu bột cho con.
Tuy nhiên, nhiều trẻ bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, thiếu can xi vì cách nấu này vì như trên mình đã phân tích thực ra nước xương không bổ như mọi người nghĩ và canxi trong nước xương rất khó hấp thu với cún con. Mọi người cũng không nên lạm dụng cho cún ăn lục phủ ngũ tạng khi cún còn nhỏ.
7. Trời lạnh, nên cho cún ăn thức ăn hơi âm ấm, sẽ dễ tiêu hóa hơn rất nhiều. Khi cho cún uống sữa Dielac, cũng nên uống hơi ấm ấm. Bữa đầu tiên buổi sáng của cún KHÔNG cho sữa tươi lạnh.
8. Nếu cún ăn thừa, bỏ thức ăn đi ngay.
9. Ăn xong, lập tức rửa bát, úp khô.
10. Buổi tối trời lạnh cần giữ ấm cho cún Cún bị lạnh là sẽ bị đầu bụng.
Thu