Chim Nghĩa điểu
Cập nhật lúc 09 giờ 08 phút, ngày 09/07/2007
Làng chơi chim “Nghĩa điểu”
Giadinh.net - Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân và cuối thu, những làng ven sông Cầu của tỉnh Bắc Ninh lại tưng bừng mở hội thi chim bồ câu. Mấy năm gần đây, phong trào nuôi “nghĩa điểu” đi thi lan rộng không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà lôi cuốn cả một số địa phương cùng tham gia.
Bắt nguồn từ “nghĩa điểu”
Theo ông Mẫn Bá Duy, Chủ nhiệm CLB Liên hiệp phóng điểu huyện Yên Phong (Bắc Ninh), chuyện nuôi chim bồ câu thi đã có từ lâu lắm ở vùng Kinh Bắc mà gốc gác tại tổng Chờ, nay là vùng thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Tương truyền, ngày xưa vùng này chuyên cung cấp chim bồ câu đưa thư cho vùng biên ải phía Bắc để báo tin cho kinh thành Thăng Long. Để giữ nghề nuôi chim bồ câu đưa thư (xưa các cụ gọi loài này là “nghĩa điểu”), trong thời thái bình thịnh trị, hàng năm dân tổng Chờ đã mở hội thi “nghĩa điểu” để bảo tồn nòi giống những con chim thông minh này. Đến đời ông Duy thì có gián đoạn hai lần, đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, tục thi chim bắt đầu được khôi phục lại từ thôn Trác Bút thuộc tổng Chờ ngày xưa.
Ông Nguyễn Hành, Chi Hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Trác Bút cho biết, đến nay toàn thôn có 32 hộ nuôi chim bồ câu thi, dân vùng này gọi những hộ nuôi chim thi là phường “nghĩa điểu”. Các hộ dân nuôi chim thi luôn được mọi người dân trong làng trọng vọng và kính nể.
Bởi lẽ, nuôi chim bồ câu thì dễ nhưng nuôi chim bồ câu để đi thi thì không đơn giản chút nào, thêm nữa vì lý do kinh tế thì nuôi chim thi khá tốn kém đối với các hộ dân thuần nông! Bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông Duy cho biết nhà bà nuôi hai đàn chim thi, mỗi năm phải “chi” cho chúng ăn đến nửa tấn thóc, chưa kể tiền thuốc men. Điều quan trọng nhất là thời gian dành luyện chúng để biết đi thi, chồng bà suốt ngày để ý vào đấy. Bà Vân cười vui: “Nói các chú thông cảm cho, nhiều khi ông nhà tôi yêu chim hơn cả... tôi. Nhưng đàn ông làng này thế cũng được, thà rằng yêu chim còn hơn... yêu cái khác thì khổ lắm!”.
Những "lão phóng điểu" thường xuyên năm nào cũng giật giải thi chim của phường chim Yên Vỹ (Yên Phong, Bắc Ninh).
Những phường nuôi “nghĩa điểu” của huyện đến nay vẫn giữ được nét truyền thống ngày xưa, đó là luôn tương trợ giúp nhau trong bất cứ công to việc nhỏ của gia đình, kể cả việc hỗ trợ giống chim thi hay bày cách làm ăn để khá giả lên. “Việc nuôi chim thi từ trước đến nay luôn được coi là một thú chơi tao nhã của vùng Kinh Bắc, nhưng chơi mà không để hoàn cảnh gia đình lụn bại mới là hay. Do vậy trong phường chim, không gia đình nào được phép úi xùi, đói kém, vợ con nheo nhóc” - ông Duy nói. Ông còn cho hay, từ khi các phường “nghĩa điểu” mở rộng ra các huyện khác, tỉnh khác thì câu lạc bộ đã ra quy định mới: Trước khi khai hội thi “nghĩa điểu”, các phường còn phải tổ chức lễ chào cờ, hát quốc ca cho thật hoành tráng sau mới tuyên bố khai hội.
Kỹ nghệ “luyện chim”
Ông Nguyễn Văn Hỹ, 78 tuổi, ngụ tại thôn Yên Vĩ, xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong được mệnh danh là “lão phóng điểu” khét tiếng của tỉnh Bắc Ninh (vì năm nào xách lồng chim đi hội thi cũng ẵm giải), cho hay: “Có người chơi chim thi cả đời mà không bao giờ giật được giải. Muốn ăn giải to thì chim cũng phải được luyện thi như... người vậy!”. Ông Hỹ cho hay mỗi kỳ mở hội, có 250 đến 300 đàn chim được đem ra thi đấu mà chỉ có bốn giải: Nhất, nhì, ba, tư được trao thì đủ biết là “khó khăn” như thế nào!
Để có một đàn chim đi thi gồm 8 con hay 10 con, tuỳ theo ban tổ chức hội năm đó quy định. Người nuôi chim thi ngay từ đầu tháng 10, 11 phải đi chọn “tông chim”, hay gọi là chim giống. Thường những người sành chơi chim thi hay tìm chọn những người có chim thi đạt giải, mua lại một đôi chim trong đàn về gây để “tạo tông”.
Chim để chọn luyện thi phải đảm bảo các yếu tố: mình chắc nịch, nhiều lông, ít thịt, cánh trường, mắt tròn, con ngươi nhỏ và chính giữa mắt. Những con chim này mua về được gia chủ chăm chút như báu vật, chúng được cho ăn, tẩm bổ như thóc nếp, uống nước mưa... sau khoảng một tháng thì đẻ ra thế hệ thứ hai (hàng con) lại tiếp tục chăm bẵm như thế một thời gian để thế hệ (hàng con) đẻ ra thế hệ tiếp (hàng cháu) rồi mới bắt đầu tuyển chọn từng con đạt tiêu chuẩn để “luyện”. Lúc này đàn chim đã có ba thế hệ gồm ông, cha, con (cháu) thì đôi chim ông bà ( thế hệ đầu) được gọi là đầu đàn. Việc huấn luyện đôi đầu đàn này rất quan trọng vì chúng dẫn dắt cả đàn chim bay đến tầm “thượng” hay tầm “trung”, tầm “hạ”.
Thời gian đầu “luyện điểu” giúp chim đầu đàn hướng dẫn định vị nơi cất cánh và nơi hạ cánh cùng một điểm, đòi hỏi người nuôi chim phải có tính kiên nhẫn cao. Người nuôi chim sáng ra mở cửa lồng tại sân nhà mình rồi xua chim bay lên. Khi chúng đã quen bay lên rồi hạ xuống sân nhà mình được khoảng một tuần, người nuôi chim lại tiếp tục mang lồng chim ra đầu ngõ mở rồi xua chúng bay lên.
Tiếp đến, đưa chúng đi cự ly xa hơn để mở lồng. Đàn chim bay lên phải luyện làm sao cho bay chụm lại không được bay tản ra mỗi con một hướng, đòi hỏi người nuôi chim lúc này phải có... cách mở cửa lồng thật nhanh, dứt khoát. Lồng chim để huấn luyện thường được thiết kế như kiểu lồng bàn úp mâm cơm. Khi mở cửa lồng chim phải làm sao đôi chim đầu đàn vọt lên trước, các con chim khác nhất loạt vỗ cánh bay vọt lên theo, mỗi lần mở lồng huấn luyện như thế chỉ trong vài giây tích tắc!
"Lão phóng điểu" Nguyễn Văn Hỹ đang chăm sóc đàn "nghĩa điểu" để phục vụ hội thi sang năm.
Cả đàn chim đông tới gần 10 con như vậy, khi bay lên phải bay theo hình xoáy trôn ốc lên trời cao trong bán kính xê dịch bắt buộc không quá 50m! Khi chúng cất cánh bay cao đến bao giờ người ở dưới đất nhìn thấy cả đàn bay chụm lại chỉ to bằng... cái chén uống nước, tiếp đến khi hạ cánh phải đầy đủ cả “quân số” là đạt tiêu chuẩn. Cả đàn cùng bay nhưng bay thấp hay để một con bay cách lẻ hoặc bay theo kiểu đàn dài là “tản”, đều không đạt yêu cầu. Thời gian để huấn luyện “bay chụm”, bay cao đến mức “thượng chim” bằng cái chén uống nước, khi ấy người nuôi chim mới dám tự tin xách lồng chim đi thi hội.
Ông Mẫn Bá Duy hồ hởi cho biết: CLB Liên hiệp phóng điểu được thành lập từ năm 1977, tiền thân là Hội phóng điểu mùa thu huyện Yên Phong.
Đến nay Hội không còn giới hạn phạm vi trong huyện nữa mà mở rộng đến 5 huyện của ba tỉnh, thành gồm: Yên Phong (Bắc Ninh); Hiệp Hoà, Lục Nam (Bắc Giang); Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội) và sắp tới kết nạp thêm Mê Linh (Vĩnh Phúc).
Đến nay, Câu lạc bộ đã quy tụ được gần 1.000 hội viên nuôi chim bồ câu thi.
Ông Hỹ cho hay, khi nuôi chim bồ câu đã đạt tiêu chuẩn đi thi thì người nuôi mới thấm thía hai chữ “nghĩa điểu”. Đời ông năm nay đã gần 80 tuổi, nuôi chim thi từ thủa còn đương trai mà chưa bao giờ nếm thịt chim bồ câu. Ông Hỹ kể ngày trước, làng ông chưa có điện thoại như bây giờ, ông đi chơi xa bao giờ cũng xách một đôi chim đi theo, có việc gì nhắn gửi về nhà là ông viết mảnh giấy buộc vào chân chim. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau là con chim buộc thư đã đập cánh phành phạch trước hiên nhà, để vợ ông ra gỡ thư xem.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, thôn Yên Vỹ kể cách đây bốn năm anh đi bộ đội đóng quân ở Ninh Bình có mang đôi chim trong đàn “nghĩa điểu” của nhà đến doanh trại để nuôi. Khi anh đi vắng, không may một chú chim bị diều hâu vồ chết, con chim còn lại lẻ loi được anh phóng thích. Hai tháng sau về phép thăm nhà, bố anh kể lại con chim đã về cách đây một tháng, nó đã bay từ Ninh Bình về đến Yên Phong (Bắc Ninh) để nhập vào đàn cũ!
Chủ tịch Câu lạc bộ Liên hiệp phóng điểu Yên Phong, Mẫn Bá Duy cho biết, mỗi khi khai hội có hàng trăm đàn “nghĩa điểu” vào cuộc thi bay vọt lên trời cao, xong cuộc thi ai về nhà nấy còn đàn chim thi đã vỗ cánh bay về nhà, cho dù cuộc thi tổ chức ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam. Trong dịp lễ hội 990 năm Thăng Long vừa qua, 10 phường chim của thôn Trác Bút về Hà Nội thả chim tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hai ngày sau, những người trong các phường mới về đến nhà nhưng những đàn chim của nhà nào đã về nhà nấy trước khi ông chủ chim về mà không thiếu con nào.
Đỗ Hữu Lực