• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Voi Khăm Bun phải sống ! Khăm Bun cố lên !

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Voi Khăm Bun phải sống ! Khăm Bun cố lên !

Vừa qua có nhiều tin, bài và dư luận về số phận của một cá thể Voi Khăm Bun (tên khoa học Elaphas Maximus - một trong những loài có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới) bị thương nặng phần bàn chân trước trái sau hơn một năm đã chữa trị theo các phương thuốc dân gian nhưng vết thương không khỏi. Voi Khăm Bun được đưa về Liên Đoàn Xiếc Việt Nam tại Hà nội chăm sóc và điều trị hơn ba năm, đã có lúc tưởng như khỏi hoàn toàn, nhưng gần đây tình trạng vết thương lại xấu đi và diễn biến phức tạp.

Bác sỹ Greenvet được Liên Đoàn Xiếc Việt Nam mời cộng tác với tư cách đại diện chuyên môn của website Vietpet.com- Cộng đồng những người yêu thú cưng Việt nam, tham khảo ý kiến các chuyên gia nước ngoài, cung cấp các tài liệu chuyên về chăm sóc, phòng trị các bệnh về chân của voi.

Phần viết dưới đây về hiện trạng vết thương, những khó khăn và khả năng cứu chữa cho Khăm Bun tổng hợp từ các tài liệu, trao đổi và ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, các cơ quan đầu ngành của Thú Y Việt nam với mục đích : " Chữa khỏi bệnh cho Khăm Bun góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm".


Voi Khăm Bun ( Ảnh LĐX VN cung cấp )

VẾT THƯƠNG CHÂN CỦA VOI KHĂM BUN ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG.​

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Jonathan Cracknell, Giám đốc Động vật học Marwell Wildlife, Vương Quốc Anh, Cố vấn Thú Y cho Hội Chuyên Khoa Voi và động vật có vú BIAZA, Cố vấn cho Dự án Voi Toàn cầu và Tiến sĩ Michael Lynch, Bác sĩ Thú Y sở Thú Melbourne Australia, ông đã tham gia điều trị một cá thể voi có bệnh ở chân gần giống như Voi Khăm Bun.

Tổ chức Động vật Châu Á ( Animals Asia Foundation ) đã giúp Liên Đoàn Xiếc Việt Nam mời hai Chuyên Gia đầu ngành Voi Thế Giới nói trên trực tiếp thăm khám lâm sàng, nghiên cứu tài liệu và có văn bản ngày 8/5/2009 đánh giá tình trạng voi Khăm Bun như sau:

- Dù vết thương bẫy thòng lọng gây ra gần như đã liền lại quanh chân, vẫn còn một vết thương hở không lành được, trên da đã nhiễm trùng, sưng tấy sâu chừng 5 cm, mưng mủ chảy ra nhỏ giọt từ vết thương. Trên lòng bàn chân trái là một vết nứt rất sâu. Ít nhất một ngón chân đã bị hủy và những ngón chân còn lại đều biến dạng. Nhiều khả năng xương chân cũng bị tổn thương và nhiễm trùng.

- Cả hai chuyên gia khi được hỏi đều tin rằng: Những vần đề ở chân của Voi Khăm Bun đều đặc biệt nghiêm trọng. Hai Ông khẩn thiết yêu cầu Việt nam hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia trên thế giới về chăm sóc và điều trị voi.

Bác sỹ Thú Y Nathan Henry đến từ Hoa - Kỳ với cùng nhận định : Lý do chữa trị kéo dài tới vài năm không khỏi vết thương có thể do viêm tổn thương nhiễm trùng xương. Không loại trừ có dị vật bên trong.


Chân bị thương của Khăm Bun- ảnh chụp ngày 10/4/2009- Vietpet.com


KHẢ NĂNG CỨU CHỮA CHO VOI KHĂM BUN.​


Vì cơ thể nặng nề luôn dồn vào bốn chân, nên chăm sóc, phòng và điều trị bệnh về chân của loài voi là khó khăn và nan giải nhất trong các bệnh của voi, đặc biệt những con voi không được nuôi trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, hoang dã ( Captive Elephants ).

Tiến sĩ Jonathan Cracknell và Tiến sĩ Michael Lynch cho biết:" Điều trị hiệu quả các vấn đề ở chân voi thường phải mất nhiều năm cùng với sự chăm sóc thú y hợp lý, điều kiện nuôi dưỡng tốt, khẩu phần ăn thích hợp cùng với huấn luyện hành vi để giảm căng thẳng gây ra trong thời gian điều trị".

Hai ông đã nêu ra những biện pháp điều trị vết thương cụ thể, chi tiết : xử lý sát trùng vết thương, sử dụng kháng sinh... và những thay đổi cần thiết về cách chăm sóc, chuồng trại và huấn luyện hành vi.

Phẫu thuật cho Voi Khăm Bun để xác định rõ nguyên nhân viêm nhiễm trùng lâu ngày, loại bỏ phần mô chết, dị vật nếu có là ý kiến chung của các chuyên gia đã khám cho Voi Khăm Bun. Tuy nhiên việc gây mê cho voi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên việc phẫu thuật chân voi cần có các bác sỹ thú y giàu kinh nghiệm đảm nhiệm.


Thăm khám lâm sàng cho Khăm Bun.​

NHỮNG KHÓ KHĂN.​


1. Về chẩn đoán bệnh.

Thạc sỹ Nguyễn Hải Đăng ( Liên Đoàn Xiếc Việt Nam ) cho biết: ngoài phẫu thuật hiện không có máy móc nào dùng chẩn đoán hình ảnh ( X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp...) để xác định nguyên nhân vết thương nhiễm trùng kéo dài ở chân voi.

2. Về điều trị bệnh.


Vi khuẩn gây viêm ở chân voi Khăm Bun đã kháng lại với hầu hết các loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trung Tâm Chẩn đoán Thú Y Trung Ương ( Cục Thú Y ) đã lấy mẫu dịch mủ ở chân voi phát hiện có vi khuẩn Streptococcus sp, Clostridium pefringen, E. coli, Shigenlla sp. Thử Kháng sinh đồ các loại vi khuẩn này đã kháng thuốc: Ciprofloxacin, Pefloxacin, Enrofloxacin, Penicillin, Kanamycin, Tetracyclin, Clidamycin, Colistin là những thuốc kháng sinh thông dụng.

3. Về Phẫu thuật.

Việt nam chưa có các bác sỹ thú y chuyên, có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật chân voi.
Hậu phẫu là một khó khăn vì voi rất dễ tự phá hủy hoặc làm hỏng, nhiễm trùng vết phẫu thuật. Thạc sỹ Nguyễn Hải Đăng đã thiết kế loại "ủng đặc biệt" cho voi sau phẫu thuật.






Bác sỹ Thú Y Nathan Henry trao đổi chuyên môn với Thạc sỹ Nguyễn Hải Đăng (LĐX VN ).

THUẬN LỢI CĂN BẢN​


Voi Khăm Bun đang được cả nước quan tâm. Việc chăm sóc, chữa chạy cứu cái chân của voi Khăm Bun không còn trong phạm vi của Liên Đoàn Xiếc Việt Nam nữa mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta - những người yêu thiên nhiên thiết tha với bảo tồn động vật quý hiếm.

Voi Khăm Bun phải sống ! Khăm Bun cố lên !

Bác sỹ Thú Y Hoàng Ngọc Báu- Vietpet.com
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Đôi điều về bàn chân voi.

Đôi điều về bàn chân voi.

Một con voi Châu Phi nặng 6.000 kg, toàn trọng lực chỉ dồn vào khoảng 1700 cm2 mặt đất. Khi voi đứng tại chỗ trọng lượng dồn vào 1 chân là:1500 kg/ chân ( 83kg/ cm2 ) , khi đi bình thường: 2000 kg/ chân( 110 kg/ cm2), đi chậm: 3000 kg/ chân, (168 kg/ cm2 ). Như vậy bàn chân voi luôn chịu một trọng lượng rất nặng của cơ thể trong mọi tư thế chuyển động.

Cấu trúc giải phẫu xương chân voi lại là các ngón với nhiều đốt tương tự các loại động vật khác. Chúng thật mỏng manh nếu không có vận động thường xuyên và tập luyện tự nhiên trong điều kiện hoang dã.

Trong điều kiện nuôi nhốt tại các vườn thú, các trục trặc về chân voi càng gia tăng vì thiếu rèn luyện vận động, độ ẩm cao và điều kiện vệ sinh không tốt kết hợp với thiếu hiểu biết về chăm sóc bàn chân cũng làm cho các lớp da chân dễ bong ra, nếu là các vết thương khó tránh khỏi nhiễm trùng và lâu lành, đặc biệt ở vùng bàn và móng chân.

Mặc dù giống voi Châu Á đã được thuần hoá trên 5000 năm, nhưng các điều kiện tự nhiên cần có cho voi nuôi nhốt vẫn cần được đặc biệt chú ý. Các vấn đề về chân còn bị ảnh hưởng từ các stress tâm lý đối với voi nuôi nhốt: bực bội, không thoải mái, phải thực hiện các động tác " dậm chân tại chỗ" rất vô lý.

Như vậy để giữ sức khoẻ cho voi nuôi nhốt, các bác sỹ thú y không thể không chăm sóc bộ chân voi. Chân voi nói lên sức khoẻ của voi.

Viết theo : The Elephant's Foot - IOWA State University Press Ames ( IS)
 

chienvet

Chuyên gia thú y
Voi Khăm Bun

Vâng đọc bài của bác mới thấy rõ vấn đề. Trước đây đọc qua các bài báo khác cũng chỉ biết tình hình chung, nhưng chưa thực sự biết được vấn đề cụ thể của voi Khăm Bun. Với nhiều loài vi khuẩn trong vết dò thế cộng thêm sự kháng nhiều loại kháng sinh như thế thì quả là điều trị cho voi là một vấn đề không hề đơn giản. Vì thế với sự tham gia của nhiều chuyên gia hy vọng rằng chúng ta có thể làm được một điều kì diệu cho voi Khăm Bun. Việc phẫu thuật cho voi là một chỉ định cần thiết. Nhưng thiết nghĩ với một khối lượng như thế thì sức nặng của voi dồn đều về 4 chân. Thì sau khi phẫu thuật vấn đề bảo vệ cho chân được phẫu thuật là rất cần thiết, và vô cùng quan trọng. Vậy bác sĩ Greenvet có thể cho chúng ta biết:" Ủng thiết kế cho voi đi để bảo vệ và điều trị vết thương ở bàn chân như thế nào ? Voi to vậy thì có gì khó khăn làm ủng cho voi ?". Và chiếc ủng bảo vệ đó có gây khó khăn gì cho chú voi của chúng ta khi đứng cũng như khi di chuyển không?
Rất cảm ơn BS về sự quan tâm đặc biệt đến chú voi của chúng ta.:-bd
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Vậy bác sĩ Greenvet có thể cho biết:" Ủng thiết kế cho voi đi để bảo vệ và điều trị vết thương ở bàn chân như thế nào ? Voi to vậy thì có gì khó khăn làm ủng cho voi ?". Và chiếc ủng bảo vệ đó có gây khó khăn gì cho chú voi của chúng ta khi đứng cũng như khi di chuyển không?
Rất cảm ơn BS về sự quan tâm đặc biệt đến chú voi của chúng ta.:-bd
Băng bó, cố định sau phẫu thuật chân voi rất khó khăn. Dưới đây là cách chế một chiếc "ủng" đồng thời cũng có thể là băng bó vết mổ hậu phẫu. Chất liệu thường là bằng thép. Có thể tháo mở được để kiểm tra vết mổ hoặc rửa sát trùng hàng ngày.Tất nhiên không thể tránh khỏi phản ứng khó chịu của voi. Cần kết hợp với điều kiện chuồng trại, đặc biệt nền chuồng tránh độ ẩm cao và nhiễm trùng.

Theo : The Elephant's Foot - IOWA State University Press Ames ( IS)
 

amifidele

Member
Con trai "vua voi" Ama Kông chữa bệnh cho Khăm Bun

Nghe tin chú voi Khăm Bun đang cần thầy thuốc và đồng thời nhận được lời mời của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Khăm Phết Lào (con trai "vua voi" Ama Kông) đã nhanh chóng ra Hà Nội. Trong hành lý của anh có 5 bọc thuốc, mỗi bọc 5kg.

Báo CAND đã đăng bài "Số phận đặc biệt của voi Khăm Bun", đề cập đến tình trạng vết thương ở chân trước của Khăm Bun khi bị săn bắt cách đây hơn 3 năm có dấu hiệu nặng hơn. Chú voi này còn là món quà do Thủ tướng Chính phủ tặng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chính vì vậy, việc cứu chữa cho Khăm Bun càng cần thiết và có ý nghĩa.

Cuộc gặp mặt xúc động giữa người Tây Nguyên và… voi ở Hà Nội
Rất quan tâm đến chú voi con Khăm Bun, nhất là tình trạng vết thương hơn 3 năm vẫn chưa lành, nên khi nghe tin con trai "vua voi"Ama Kông, một người thợ săn và thuần dưỡng voi có tiếng vừa từ Đắk Lắk ra Hà Nội thăm, khám và chữa bệnh cho Khăm Bun, tôi rất mừng. Gặp Khăm Phết Lào (tên thường gọi là Amasumay), câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh chủ đề là chú voi Khăm Bun.

Khăm Phết Lào cho biết, ngay từ bé đã được cha anh, "vua voi" Ama Kông truyền dạy cho cách săn bắt, thuần dưỡng, chăm sóc và chữa trị cho voi theo lối cổ truyền. Nghe tin Khăm Bun đang cần thầy thuốc và đồng thời nhận được lời mời của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên anh nhanh chóng ra Hà Nội. Trong hành lý của anh có 5 bọc thuốc, mỗi bọc 5kg.

Anh cho biết, tự thân con voi trong tự nhiên khi bị thương còn biết tìm các loài lá cây rừng, hay cọ vết thương vào tổ mối để chữa trị. Các bậc tiền bối trong gia tộc anh cách đây 300 năm đã theo dõi và học được cách chữa trị này của loài voi và bào chế ra loài thuốc đặc trị. Anh hy vọng, sau khi thăm, khám cho voi sẽ tìm ra căn nguyên căn bệnh và có phương pháp điều trị hữu hiệu.

Trong khi trò chuyện với Khăm Phết Lào, tôi còn được biết thêm một người con của Tây Nguyên khác mà anh tình cờ gặp ở sân bay Nội Bài. Đó là ông Ama Bèm Niê Kdăm, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk. Biết Khăm Phết Lào ra Hà Nội chữa bệnh cho một chú voi con của Tây Nguyên đang bị thương, ông rất hoan nghênh và nhập đoàn luôn.

9h ngày 13/5, chúng tôi theo đoàn "công tác" của Khăm Phết Lào gồm 4 người đến từ Tây Nguyên đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Trước khi lên phòng đồng chí Giám đốc, phải đi qua khu chuồng voi. Vừa dừng chân, cả đoàn ngạc nhiên trước những động tác quơ chân, quỵ gối, cúi đầu của một con voi già. Sau giây lát ngạc nhiên, Khăm Phết Lào bảo, chào mọi người.

Tôi đã từng đến chuồng voi này, đã từng đứng chụp ảnh chú voi vừa làm động tác nghiêng mình kính cẩn chào kia, nhưng nào có được chú ta đón tiếp với thái độ trọng thị ấy đâu nhỉ. Lúc này, ông Ama Bèm Niê Kdăm mới bảo, đó là nó nhận ra người Tây Nguyên. Ôi! Thật tài tình, trong đoàn không ai từng huấn luyện nó cả, chỉ là họ đến từ Tây Nguyên, vùng đất mà nó từng sinh sống. Thế mà nó sớm nhận ra "đồng hương" và đón tiếp nồng nhiệt.

Tôi rất tiếc không chụp được một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này, còn đồng chí Lương Xuân Tý, Phó trưởng Ban Thư ký Tòa soạn của Báo CAND thì may mắn hơn, ông đã quay được một phần "nghi lễ" chào đón có thể coi là xuất thần này.





Khăm Phết Lào - con trai Ama Kông (bên trái) khám bệnh cho chú voi Khăm Bun (Ảnh: X.T).

Khi chúng tôi cho biết màn chào hỏi của 1 trong 5 con voi đang cột ở chuồng, ông Hợp rất ngạc nhiên. Ông bảo, đoàn Xiếc thú huấn luyện voi chào nhưng nó chỉ thực hiện khi có tín hiệu hoặc nhận được lệnh của huấn luyện viên. Quả là một bất ngờ thú vị. Khi quay trở lại chuồng voi, tôi mới biết con voi vừa thực hiện nghi thức chào tên La. Nghe ông Hợp giới thiệu nó là con voi cái, Khăm Phết Lào chợt nhăn trán. Đi hết dãy chuồng voi, Khăm Phết Lào khẳng định, nó là con đực, rồi ông lại chỉ một con khác bảo đó cũng là con đực.

Đến lúc này, ông Hợp thành thật bảo, lâu nay anh em trong đoàn đều nghĩ, 4 con voi lớn của đoàn đều là voi cái, chỉ có voi con Khăm Bun mới là đực (Khăm Bun có hai ngà). Nghe vậy, Khăm Phết Lào lại giải thích cách nhận diện voi cái và voi đực. Trường hợp hai con voi đực của đoàn lâu nay bị nhầm là voi cái được phân loại là voi đực không có ngà (có 4 loại voi đực: Có hai ngà; một ngà phía bên trái; một ngà phía bên phải và không ngà). Cách nhận biết voi đực căn cứ vào đầu, tai, bộ phận sinh dục. Đến lúc này, cả người chăm sóc voi và người huấn luyện voi mới biết, mặc dù gắn bó với nó mấy chục năm mà đến tận khi gặp con trai của "vua voi", họ mới biết chính xác giới tính nó.

Bắt bệnh cho Khăm Bun
Đây là một chú voi đẹp, khỏe, nhìn thấy Khăm Bun, Khăm Phết Lào nói ngay. Quả thực, Khăm Bun có làn da căng, bóng mượt và vóc dáng to, khỏe. Chính vì thế, khi xem xét vết thương ở chân cho Khăm Bun, Khăm Phết Lào bảo rằng, nếu cưa chân sẽ làm hỏng hết con voi.

Bác sỹ thú y của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nguyễn Hải Đăng cho Khăm Phết Lào biết chi tiết quá trình chữa trị vết thương, phác đồ điều trị… Khăm Phết Lào nhìn từng tấm ảnh phóng to ghi lại những vết thương và sự di chuyển của các vết thương ở chân của Khăm Bun và dõi theo trình bày của vị bác sỹ 3 năm liền gắn bó với việc điều trị cho nó.

Cuối cùng ông nói, theo kinh nghiệm của bản thân, có thể chân Khăm Bun bị một vật gì đó đâm vào và đang mắc ở trong. Ông đặc biệt lưu ý đến khả năng vật lạ đâm vào phần gân của chân. Một giả thiết thứ hai ông nêu ra, là có thể Khăm Bun bị một áp xe lớn. Để có biện pháp điều trị tốt nhất, theo ông nên mổ để biết rõ cái gì ở bên trong. Ông hoàn toàn đồng ý với phương pháp kết hợp đông tây y để điều trị cho Khăm Bun.

Ông Hợp cho biết, ngày 14/5, sẽ có một đoàn bác sỹ thú y của các tổ chức quốc tế đến thăm, khám bệnh cho Khăm Bun. Ông hy vọng, cùng với họ, Khăm Phết Lào sẽ giúp tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho Khăm Bun. Trước đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đề nghị sự giúp đỡ của Tổ chức động vật châu Á.

Sau khi tham khảo ý kiến của Tiến sỹ Jonathan Crackcall, Giám đốc Động vật học, Marwell Wildlife, Anh quốc, cố vấn thú y cho Hội Chuyên khoa Voi và động vật hữu nhũ BIAZA, cố vấn EEHV cho Dự án Quản lý voi toàn cầu và Tiến sỹ Michael Lynch, Sở thú Melbourne, Australia, Tổ chức Động vật châu Á cho biết, cả hai chuyên gia đều cho rằng vết thương này rất nghiêm trọng, không thể lành lại trừ khi thay đổi cách nuôi dưỡng, chăm sóc thú y và rất cần thiết phải tìm sự hỗ trợ của chuyên gia. Tổ chức này đã đưa ra những biện pháp điều trị vết thương.

Ngoài ra, bác sỹ thú y Hoa Kỳ Nathan Henry cũng đã tới thăm, khám lâm sàng cho Khăm Bun và đưa ra lời khuyên nên mời chuyên gia giỏi để điều trị bởi vết thương rất nghiêm trọng.

Để có kết luận cuối cùng cho việc điều trị vết thương mà chú voi Khăm Bun đã chịu đựng trong suốt 3 năm, việc thăm, khám của các chuyên gia thú y về voi vô cùng cần thiết. Cùng với họ, Khăm Phết Lào sẽ sớm tìm ra phác đồ điều trị hữu hiệu.

Cao Hồng
CAND

 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Tìm bác sỹ giỏi phẫu thuật cho voi Khăm Bun

Tìm bác sỹ giỏi phẫu thuật cho voi Khăm Bun​

08:34:50 15/05/2009, cập nhật cách đây 1 giờ

Liên đoàn Xiếc Việt Nam có công văn đề xuất lên cơ quan quản lý của ngành Thú y về thành phần các bác sỹ tham gia phẫu thuật cho voi Khăm Bun. Dự kiến ca phẫu thuật sẽ được tiến hành vào ngày 17/5.

Như Báo CAND đã đưa tin, tại cuộc hội chẩn ngày 14/5, bác sỹ thú y đến từ Vườn thú Hà Nội nhận định, Khăm Bun bị lỗ rò sâu có diện tích rộng, có dịch màu vàng, mùi hôi; các tế bào sừng, cơ bị hoại tử; đế móng viêm và có hiện tượng rách; chân viêm sâu, nghi lỗ rò thông với bàn chân trước. Sức khỏe của voi tốt, bằng chứng là vận động nhanh, ăn uống bình thường.

Bác sỹ này đề nghị hướng xử lý là phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử, xử lý vết thương và phòng nhiễm trùng tại chỗ, chống nhiễm trùng toàn thân bằng kháng sinh và ngâm chân trong dung dịch Povidone - Iodine 10%.

Bác sỹ thú y Nguyễn Hải Đăng cho biết, trong quá trình điều trị cho Khăm Bun, anh đã từng dùng ủng bằng bạt tự thiết kế để giữ khô vết thương. Phần đế, anh đã lót thuốc lá và bông để tránh gây khập khiễng. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ dùng được trong mùa đông. Anh từng thí nghiệm việc đeo ủng và gác chân voi để tránh bị nhiễm bẩn. Vấn đề giữ sạch, khô vết thương sau phẫu thuật có thể sẽ được dùng bằng một loại ủng bằng bạt nhưng thoáng mát và phải gác chân voi như thử nghiệm.

Đại diện Viện Thú y TW, Trung tâm Chẩn đoán thú y quốc gia và các bác sỹ thú y của website Vietpet.com, Vườn thú quốc gia đã đề cử những người có tay nghề, cũng có mặt trong cuộc hội chẩn, thực hiện ca phẫu thuật cho Khăm Bun. Thạc sỹ Đỗ Trọng Minh được đề xuất là "thuyền trưởng" ca phẫu thuật. Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ có công văn đề xuất lên cơ quan quản lý của ngành Thú y về việc này.

Đại diện của diễn đàn những người yêu thú cưng Việt Nam (Vietpet.com) cho biết, bác sỹ Nathan Henry sẵn sàng tham gia ca phẫu thuật

Cao Hồng

Theo CAND online : http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/...-gioi-phau-thuat-cho-voi-Kham-Bun/2732268.epi
 

amifidele

Member
(TT&VH) - Trước tình trạng thương tật ở chân trước (trái) voi Khăm Bun, sáng qua (14/5), Liên đoàn xiếc Việt Nam mời các chuyên gia về thú y của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Viện Thú y Trung ương, Vườn thú Hà Nội... đến khám, hội chẩn về mức độ thương tật, thành lập một ê-kíp mổ có uy tín cũng như chuyên môn cao để tiến hành phẫu thuật vết thương cho Khăm Bun...

Khám vết thương bằng... máy dò kim loại

Ông Minh, chuyên gia về voi, đại diện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương sau khi nghe báo cáo tình hình chữa trị cũng như xem lại toàn bộ phác đồ điều trị cho voi mà Liên đoàn Xiếc đã tiến hành trong thời gian qua đã cho rằng: “Nếu như chúng ta cứ chậm trễ và cứ chữa theo kiểu cũ mà không tiến triển thì ắt vết thương còn vấn đề phải nghiên cứu lại”.



Buổi “hội chẩn” cho voi Khăm Bun

Nghĩa là, bên trong vết thương có dị vật mà khả năng cao nhất là một mẩu kim loại làm bẫy. Trong khi chúng ta không có phương tiện để chiếu chụp phần bên trong của vết thương thì cách tốt nhất hãy dùng máy dò kim loại để khám cho voi. Nếu có tín hiệu thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa mà tiến hành phẫu thuật lấy di vật đó ra, đồng thời “đánh vào tận hang ổ, quét sạch lũ vi trùng gây bệnh”, vệ sinh chuồng trại thật tốt chắc chắn sẽ thành công. Còn chuyện bảo trả voi về rừng rồi khắc nó tự di chân vào lá cây, bãi cỏ hoặc ăn thứ này thứ khác tự nó sẽ khỏi tôi cho là không có căn cứ khoa học!

Phẫu thuật rồi đi “xăngđan tẩm thuốc” cho voi
Phương án được nhiều người có mặt trong buổi hội chẩn đồng ý nhất vẫn là phẫu thuật, mở rộng vết thương (chứ không cắt chân). Bà Quỳnh, Phòng kỹ thuật, Vườn thú Hà Nội cho biết: “Xem kết quả mẫu bệnh phẩm của Khăm Bun xét nghiệm hôm 28/4, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều loại vi khuẩn, nhiều nhất là vi khuẩn yếm khí. Vì vậy, phải nhanh chóng phẫu thuật cắt bỏ các tổ chức hoại tử, đồng thời mở rộng vết thương từ đế bàn chân lên đến cổ chân sau đó tiến hành phòng nhiễm trùng tại chỗ, ngâm chân voi vào dung dịch chống khuẩn, chống nhiễm trùng toàn thân cho voi bằng kháng sinh... Trường hợp vi khuẩn mẫn cảm với thuốc thì phải ngay lập tức lập kháng sinh đồ cho từng loại kháng sinh trong mỗi lần, đợt điều trị.



Vết thương của voi Khăm Bun nhận được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia

Tuy nhiên để tiến hành phẫu thuật (cho người hay động vật) chắc chắn phải gây mê nhưng vấn đề đặt ra ở đây là gây mê với liều lượng thế nào, phương pháp gây mê ra sao thì lại là cả một vấn đề bởi theo ông Tạ Duy Nhẫn, cơ địa của mỗi con thú rất khác nhau, không thể lúc nào cũng định mức được thuốc mê để gây mê. Trả lời băn khoăn này của ông Nhẫn, ông Minh có cao kiến là hãy gây mê qua tĩnh mạch, lượng thuốc vừa ít vừa không làm hại đến sức khỏe của voi. Sau khi gây mê, voi “ngủ kềnh” thì nhanh chóng phẫu thuật, tìm di vật, kiểm tra xương... Nếu đúng là nhiễm trùng xương thì hãy mạnh dạn làm theo kiểu “Hoa Đà” là cạo sạch xương, tra kháng sinh và diệt khuẩn...


Mô hình xăng đan cho voi

Bổ sung ý kiến ông Minh, ông Nguyễn Hải Đăng, chuyên viên chăn nuôi - thú y của Liên đoàn Xiếc cho rằng, sau khi phẫu thuật xong sẽ tiến hành cho voi “đi sandal (xăng-đan) tẩm thuốc”, hàng ngày cột và treo chân voi lên một giá đỡ để tránh tiếp xúc với nền chuồng. Đây cũng chính là phương pháp mà ông Đăng đã áp dụng trong lần chữa trị đầu tiên cho Khăm Bun. Tuy nhiên, ông Đăng cũng lưu ý là không biết “đóng giày cho voi” bằng chất liệu gì để vừa chịu được trọng lượng đè xuống của cơ thể voi, vừa thoáng khí, vừa bền, nhẹ, tạo thoải mái cho voi? Trong khi, theo nghiên cứu, một ca chữa trị vết thương cho voi trên thế giới ít nhất cũng phải mất 8 tháng. Thế nên, vấn đề hậu phẫu vẫn đang làm “rối trí” các nhà chuyên môn tham gia cuộc hội chẩn...

Kêu gọi sự giúp đỡ
Thống nhất là sẽ phẫu thuật nhưng cả khi kết thúc cuộc hội chẩn, nhiều người vẫn chưa thể biết chắc chắn cơ quan, tổ chức và ê-kíp bác sĩ nào sẽ nhận trách nhiệm phẫu thuật cho voi Khăm Bun vì rất nhiều lý do. Ông Doanh, đại diên Viện Thú y TW giải thích: “Đất nước chúng ta có nhiều bác sĩ thú y giỏi. Tuy nhiên, chúng ta lại không có bác sĩ thú y chuyên về giải phẫu voi. Trong khi đó, đụng đến Khăm Bun là rất nhạy cảm”.

“Có bệnh thì vái tứ phương”. Cuối buổi hội chẩn, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, GĐ Liên Đoàn Xiếc Việt Nam đã thiết tha: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức y tế về động vật, đặc biệt là về voi trên toàn thế giới hãy quan tâm, đến và giúp chúng tôi phẫu thuật cho Khăm Bun, để tiến tới huấn luyện voi trở thành “nghệ sĩ xiếc không lời” như đã hứa với công chúng!

Huy Thông

Bác sĩ greenvet là người đầu tiên bên trái ảnh.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Tôi đã cung cấp cho Liên Đoàn Xiếc Việt Nam các địa chỉ của Viện Voi Quốc Gia Thái Lan ( National Elephants Institute ), Cứu hộ voi lưu động ( Elephants Mobile Clinics )...

Liên Đoàn Xiếc Việt nam đã "vái tứ phương", được sự nhiệt tình ủng hộ của nhiều Ban Ngành và Các Tổ Chức Quốc tế, các chuyên gia cao cấp nhất về voi như: Tiến sĩ Jonathan Cracknell, Giám đốc Động vật học Marwell Wildlife, Vương Quốc Anh, Cố vấn Thú Y cho Hội Chuyên Khoa Voi và động vật có vú BIAZA, Cố vấn cho Dự án Voi Toàn cầu và Tiến sĩ Michael Lynch, Bác sĩ Thú Y sở Thú Melbourne Australia. Có khá nhiều Đoàn nước ngoài tới thăm hỏi và góp ý. Cả Đông Tây Y kết hợp với cây thuốc của Khămphết Lào...

Trong những ngày qua công việc rất khẩn trương, đã có Hội chẩn ngày hôm qua với quyết định mổ xử lý vết thương, Cục Thú Y sẽ thành lập một kíp mổ cho Khăm Bun.

Hy vọng thành công và may mắn đến với Khăm Bun.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Tin mới nhất về Voi Khăm Bun.

Tin mới nhất về Voi Khăm Bun.


Tình trạng vết thương không đến nỗi quá tồi !

Đó là điều bất ngờ của những người tham gia, chứng kiến ca phẫu thuật xử lý vết thương nhiễm trùng lâu ngày của voi Khăm Bun vào lúc 10.00 sáng nay tại Liên Đoàn Xiếc Việt nam.

Ca phẫu thuật nhanh hơn dự kiến, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ kể từ lúc gây mê. Đến gần 12h hôm nay voi Khăm Bun đã tỉnh hẳn không bị bất cứ một tai biến gì trong phẫu thuật.

Sau khi thông rửa thăm dò vào từ miệng to nhất tới các ngóc ngách của của lỗ dò, các bác sỹ Thú y, các nhà chuyên môn đều có cùng một kết luận: khu vực mô bào hoại tử chưa gây ảnh hưởng tới các xương bàn của voi Khăm Bun. Không phải cắt, rạch bất cứ phần nào của vết thương. Bên trong sâu của vết thương có rỉ máu tươi trong lúc lau rửa chứng tỏ đã có những phần tế bào mới phát triển do kết quả của những lần điều trị trước đây.

Chúng tôi thở phào vì không phải phẫu thuật phức tạp mà chỉ là " Xử lý vết thương nhiễm trùng" bàn chân của Khăm Bun.

Khó khăn và hồi hộp nhất là gây mê cho voi Khăm Bun, có nhiều tình huống bất ngờ về thế nằm của voi sau gây mê chưa phù hợp nên toàn bộ mọi người đều phải " Dô ta" chung sức xoay lại một cơ thể khổng lồ nặng gần một tấn.

"Các Bác sỹ Thú Y Việt nam giỏi quá!". Đó là nhận xét của Bác sỹ Thú Y Nathan Henry đến từ Hoa Kỳ sau ca phẫu thuật. Theo ông thì cái mạnh dạn, táo bạo và gấp rút quyết định xử lý chân voi Khăm Bun ngày hôm nay là một nhân tố quyết định thành công. Đây cũng là một kết quả " có hậu" của sự kiện " Voi Khăm Bun" trong thời gian qua.

Nhưng cái khó khăn trước mắt là hộ lý và chăm sóc vết thương hậu phẫu. Vì sự phức tạp của điều trị chân voi có thể kéo dài hàng năm trời.

Tập thể các Bác sỹ Thú y, các nhà chuyên môn cùng Liên Đoàn Xiếc Việt nam đã họp sau phẫu thuật và đề ra được biện pháp xử lý tiếp vết thương, chống nhiễm trùng và chăm sóc sức khoẻ cho voi Khăm Bun tối ưu nhất.

Chúc cho Voi Khăm Bun chóng bình phục. Chúc mừng Liên Đoàn Xiếc Việt Nam và các bác sỹ thú y, các nhà chuyên môn chăm nuôi thú bước đầu thành công đáp ứng sự mong đợi của những người yêu thú trong cả nước.


Trưởng kíp mổ Thạc sỹ BSTY Đỗ Trọng Minh và Tiến sỹ Doanh.


Đã sẵn sàng.


Tình huống bất ngờ: phải lật lại tư thế voi để phẫu thuật.


Khăm Bun đã ngủ say.


Thăm dò lỗ nhiễm trùng.


Hoàn tất.


Tỉnh hẳn sau 2 giờ gây mê.


Chúc mừng thành công.​


 

chienvet

Chuyên gia thú y
Chúc mừng Khăm Bun đã qua được ca phẫu thuật

Vâng, mấy hôm nay cũng theo dõi tình hình của Khăm Bun liên tục với các nguồn tin nhiều chiều trên báo chí và internet, giờ đọc tin của bác sỹ Greenvet đã cho thấy rõ được quá trình phẫu thuật voi Khăm Bun như thế nào. Vì bác cũng là người có mặt trong cuộc phẫu thuật nên nguồn tin có thể nói là nóng hổi và mang tính chuyên môn cao.

Điều đầu tiên là thở phào vì Khăm Bun đã không gặp rắc rối gì trong quá trình phẫu thuật. Điều lo ngại nhất là các BS của ta không có nhiều kinh nghiệm về voi, nhưng tất cả các khâu đã được chuẩn bị và thực hiện thành công: từ việc gây mê, cầm máu, xử lý vết thương..

Nhưng từng thế thôi chưa đủ. Điều mà chúng ta quan tâm tiếp theo là vấn đề hậu phẫu cho voi. Bây giờ voi đã tỉnh, voi không như người mà có thể nằm im để dưỡng thương. Vì vậy tôi muốn hỏi bác sĩ là vấn đề hậu phẫu đã được đề ra như thế nào trước khi tiến hành phẫu thuật?. Và cho đến lúc này thì nó đã được thực hiện như thế nào?, có sự việc nào diễn ra ngoài chủ định của những người tham gia mổ không?

Rất cảm ơn BS đã cho chúng ta biết được tình hình của Khăm Bun vài giờ ngay sau ca mổ.
 

duc_NA

Member
mong bác sĩ GV cập nhật tin tức voi Khăm Bun thường xuyên sau phẫu thuật, chúc voi Khăm Bun nhanh khoẻ. Voi Khăm Bun cố lên!!!
 

thanhcong

Member
Cháu vừa đọc về Voi Khăm Bun báo TTVN số 138 ra ngày 18/5/2009 xong .Mừng quá Chúc mừng bác cùng toàn thể ê-kíp mổ chúc mừng voi Khăm Bun sớm khỏi bệnh.Đúng là " Ca chữa voi chỉ người Việt mới làm được". BS của VN quá chuẩn he he(cũng không quên phần đóng góp của BS Nathan Henry)
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
...Vì vậy tôi muốn hỏi bác sĩ là Vấn đề hậu phẫu đã được đề ra như thế nào trước khi tiến hành phẫu thuật?. Và cho đến lúc này thì nó đã được thực hiện như thế nào?, có sự việc nào diễn ra ngoài chủ định của những người tham gia mổ không?
Vấn đề bạn hỏi cũng là điều mà toàn bởi kíp mổ đặc biệt quan tâm. Hậu phẫu quyết định trên 80% thành bại của ca mổ.

Đại diện cho kíp mổ, Thạc sỹ Bác sỹ Thú Y Đỗ Trọng Minh ( Cục Thú Y ) cho biết :

"Phương pháp hộ lý, chăm sóc và dùng thuốc cho voi Khăm Bun phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của các bác sỹ Thú y, chuyên gia của kíp mổ ít nhất 7 ngày sau phẫu thuật. Việc dùng thuốc dân gian chữa cho Khăm Bun có thể rất tốt nhưng phải qua thăm khám kiểm tra chuyên môn sau đợt điều trị đầu tiên. Cần có kiểm định khoa học bất kỳ loại thuốc gì chưa rõ nguồn gốc."

Hướng điều trị sau phẫu thuật cho voi Khăm Bun được nhất trí như sau:

1. Ngâm chân voi vào dung dịch BETADINE ( 10% povidone-iodine ) ở nhiệt độ: ấm phù hợp cơ thể voi.

Tác dụng rất tốt của BETADINE 10% povidone-iodine sát trùng nhanh, sạch vết thương ( phổ diệt các loại vi khuẩn Gram dương và âm ( Gr+ và Gr- ) rất rộng, BETADINE còn tác dụng mạnh trị nấm, mốc, nguyên bào và virus. Làm tăng sinh tế bào, chóng lành vết thương.

2. Liệu pháp kháng sinh: Chọn lựa loại kháng sinh tốt nhất mà vi khuẩn vết thương chưa kháng thuốc để điều trị cho Khăm Bun.

3. Giữ khu nuôi voi sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên khử trùng nền sàn, dụng cụ chăn nuôi bằng Chloramin B. Chế độ ăn uống theo khẩu phần đang được Liên Đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện cho Khăm Bun.


Bà xã của Bác sỹ Thú Y Nathan Henry, chị Melisa với Voi Khăm Bun sau khi tỉnh thuốc ngủ.


Giây phút thư giãn sau ca mổ.
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Vấn đề bạn hỏi cũng là điều mà toàn bởi kíp mổ đặc biệt quan tâm. Hậu phẫu quyết định trên 80% thành bại của ca mổ.


3. Giữ khu nuôi voi sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên khử trùng nền sàn, dụng cụ chăn nuôi bằng Chloramin B. Chế độ ăn uống theo khẩu phần đang được Liên Đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện cho Khăm Bun.
[/CENTER]
Xin chúc mừng các Bác sĩ , Mục 3 là khá quan trọng sau khi giải phẩu, Xin lưu ý Virkon có thể phun xịt trong môi trường không gian voi đang ở để giảm mật độ vi rút và vi khuẩn trong môi trường mà không ảnh hưởng sức khoẻ của thú .
 

VPR237

Member
Bác Dingoo có thể cho biết thêm chi tiết về thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại Virkon được không ạ ? Nếu tốt hơn, tiện dùng hơn thì sao ta lại không gợi ý dùng tảy sach môi trường nuôi voi Khăm Bun ?

Liên Đoàn Xiếc Việt Nam được rất nhiều Ban, Ngành và nhân dân quan tâm, giúp đỡ chăm sóc, chữa trị cho Khăm Bun. Họ vẫn rất cần cao kiến của các chuyên gia.

Tất cả vì Voi Khăm Bun !
 

thanhcong

Member
Cháu đọc báo thấy bảo có thể phần điều trị hậu phẫu có
khi lên đến 10 năm phải không ah
 
Top