Hoa mai và thơ(sưu tầm)
Muà Xuân là nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân, họa sĩ. Đứng trước phong cảnh mùa Xuân, với trăm hoa đua nhau khoe sắc, những lộc non mơn mởn xanh um của muôn loài thảo mộc... người ta cảm xúc, rung động, rồi cảm hứng, viết lên những vần thơ, nốt nhạc để ngợi ca, ghi lại những hình ảnh tươi đẹp của Chúa Xuân.
Trong thế giới lộng lẫy muôn hoa, muôn sắc của trời xuân đó, mai được trân quý và dành cho nhiều tình cảm nhất. Người Trung Quốc lấy hoa mai tượng trưng cho tinh thần và khí tiết của dân tộc mình, coi đó là “quốc hoa”, bởi chính tính chất chịu đựng sương gió lạnh lẽo, đâm chồi nảy lộc trong tiết đông rét buốt, se sắt của nó. Cũng chính tính chất đó, các thi nhân khen tặng hoa mai là đứng đầu trăm hoa và dành cho nó nhiều bài thơ vịnh nổi tiếng. Tô Đông Pha đã viết:
“Phân phân sơ nghi nguyệt quảy thụ,
Liên liên độc dữ tham hoàng hôn”
(Những cánh hoa mai rơi lả tả mới ngỡ rằng trăng rải ánh vàng trên cây,
Nhà thơ như hòa làm một với hoa mai lúc hoàng hôn)
Mai lả tả ánh vàng vương cành lá
Người với hoa là một giữa hoàng hôn.
(Phước Đức dịch)
Còn Lâm Hòa Tĩnh thì ngắm mai:
“Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn”
(Bóng thưa của hoa nằm ngang giữa làn nước trong ở nơi cạn,
Hương thầm của hoa làm lung lay bóng nguyệt lúc hoàng hôn)
Bóng hoa vắt ngang làn nước biếc
Hương thầm lay nguyệt lúc hoàng hôn.
(Phước Đức dịch)
Thế ấy, mỗi người mỗi cách nhìn, mỗi tâm trạng khác nhau khi ngắm nhìn, thưởng thức hoa mai nở. Phần lớn, các thi nhân thường mượn hoa, mượn cảnh để gởi gắm tình cảm của mình. Các thiền sư cũng thế! Nhưng đối với thiền sư, những người đã mượn không làm có, thì hầu như hoa cỏ, thiên nhiên, vũ trụ vạn hữu đều hiển lộ pháp thân: “Mở mắt nhìn cuộc đời, thấy mình hiện muôn nơi, ôi pháp thân mầu nhiệm, sanh tử chẳng đầy vơi”. Vì vậy, trước khung cảnh muôn hoa, muôn sắc của mùa Xuân gọi mời như thế- ai có thể dửng dưng? - thiền sư cũng mượn hoa, mượn trăng, mượn chút trầm hương thoang thoảng, ngất ngây, ghi lại đôi dòng thi hứng, mà có lẽ, ai cũng thấy rằng, trong đó có ẩn chứa, bàng bạc đạo lý thâm sâu, huyền nhiệm.
Một thiền sư thi sĩ đời Đường đã vun mộng xuân cho “Gốc mai già” thêm ý vị:
“Hỏa ngược phong thao thủy tí căn
Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân
Dông phong vị khẳng tùy hàn thử
Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn”
Lửa gió trái mùa nước ngâm thân
Sương cưa, tuyết khắc hằn rêu phong
Dẫu xuân chưa đến mặc lạnh nóng
Lại cứ đâm chồi tỏa ngát hương.
(Nguyên Hùng dịch)
Hoa mai có tính kiên định. Thời tiết có thể thuyên chuyển đôi chút, có khi Xuân đến sớm, hay muộn hơn so với thời gian, nhưng không vì thế mà hoa mai trễ nãi việc đơm hoa kết nụ của mình. Trơ gan cùng tuế nguyệt, giữa sương tuyết lạnh lùng, mai vẫn âm thầm đơm hương, và đến thời khắc, dẫu gió Xuân chưa về, mai vẫn khai hoa. Phải chăng thiền sư muốn nhắn gởi cùng hậu thế, rằng kẻ hành đạo, tinh chuyên giới đức, thiền định, đến độ chín muồi thì kết quả tự nhiên thành? Hơn thế nữa, hoa mai còn biết tự khẳng định mình, không bị thời tiết đổi thay làm cho thay đổi, hễ cứ đến đúng thời điểm là đơm hoa, tỏa ngát hương; huống là người xuất gia, bậc xuất trần thượng sĩ, há lại bị lợi danh làm cho lung lạc, để cho bát phong lôi cuốn, để cho cuộc sống cuốn mình đi như dòng nước cuốn trôi củi mục sao!
Còn đây là cảm hứng của thiền sư Hư Chu Phổ Độ:
“Thường ức Tây Hồ xử sĩ gia
Sơ chi linh nhụy tự hoành tà
Tinh minh nhất phiếm đương thời sự
Chỉ phiến thanh hương bất phiến hoa”
Thường nhớ Tây Hồ kẻ ẩn danh
Yêu mai mộc mạc nhụy nghiêng cành
Tinh khôi một đóa hoa vừa nở
Chẳng thiếu hoa, hương lại thiếu thanh.
(Nguyên Hùng dịch)
Ấy, thiền sư lại mượn hoa để nói người nữa đấy! Tây Hồ vốn là Lâm Hòa Tĩnh, tên thật là Lâm Bô, người Tiền Đường (Hàng Châu), học giỏi nhưng không chịu ra làm quan, tự ẩn mình trên núi Cô Sơn, làm bạn với hoa mai và chim hạc. Thiền sư thấy vậy, biết rằng đó là thú thanh tao, xa lánh chính trường để không bị lợi danh làm hoen ố tâm hồn, kể cũng hay, nhưng như thế chỉ có”sắc” mà không “hương”. Cũng lạ, không hiểu sao Hư Chu lại cho hoa mai thiếu “thanh hương” (hương trong, tinh khiết), nhưng dụng ý chê trách Lâm ẩn sĩ thì rõ ràng. Lâm Hoà Tĩnh tự nhốt mình trên núi để được thanh cao, để giữ khí tiết của mình, hóa ra là không đủ can đảm đối diện với cuộc đời, đối diện với sự thật, với những thứ mà mình cho đó là thấp hèn; vô hình trung, mình đã tự hạ thấp khí tiết, sĩ khí của mình. Nếu thực sự mình thanh cao, sĩ khí, thì ở đâu, mình cũng là mình, không gì có thể lay chuyển được, đâu cần phải xa lánh cuộc đời. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mới hay. Thiền sư thì khác, lấy chỗ “phiền não” làm “Bồ đề”, tức là làm chủ chính mình. Nói cách khác, đó là sự thiết lập một cấu trúc thăng bằng giữa chủ thể và đối tượng, giữa nội tại và thế giới bên ngoài, do một lực lượng nội tại thâm sâu, hùng hậu của chủ thể tâm linh. Bằng thế ấy, thiền sư thong dong tự tại thõng tay đi giữa cuộc đời.
Mượn hoa, mượn cảnh để gởi gắm tình cảm của thi nhân, hay chuyển tải ý đạo của thiền sư, đã trở nên quen thuộc với mọi người. Hoa mai trải qua những tháng ngày đông giá buốt, trong sương tuyết lạnh lùng, vẫn âm thầm đơm hoa, kết nhụy, tượng trưng cho tiết tháo của những bậc hiền nhân quân tử giữa những cơn biến động của cuộc đời, đã trở thành đề tài ngâm vịnh của thi nhân và thiền sư. Tuy mỗi cách nhìn có khác, nhưng ai cũng dành cho mai một vị trí cao quý trong các loài hoa.
(Dã Hạt-Báo Giác Ngộ, số Xuân 2002)
(buddhismtoday.com)