Cỏ mực là loài mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Đó là loài cây nhỏ, thân có lông; lá mọc đối hình xoan dài, có lông hai mặt; hoa trắng nhỏ; đặc điểm nổi bật của cây này là khi vò nát có màu đen như mực - cho nên có tên gọi là "cỏ mực". Trong dân gian thường gọi là " cỏ nhọ nồi", còn gọi là "hạn liên thảo", "mặc hạn liên", "kim lăng thảo"... Tên khoa học là Eclipta prostrata L. [E. Alba (L.) Hassk].
Các nghiên cứu trong y học hiện đại đã phát hiện thấy trong cỏ mực có saponin, tanin, chất đắng, caroten, ancaloit, tinh dầu, vitamin E, vitamin A... Cỏ mực có những tác dụng dược lý như sau:
>
1. Cầm máu: Chất tanin trong cỏ mực có tác dụng làm tăng tốc độ đông máu. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành thực nghiệm: cắt đứt động mạch đùi chó, dùng bột cỏ mực tán mịn đắp lên chỗ đứt, ấn nhẹ vào, thấy có tác dụng cầm máu tốt.
2. Diệt khuẩn, tiêu viêm: Có tác dụng diệt một số tụ cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu (bacillus diphtheria), trực khuẩn viêm ruột (bacillus enteritidis) và có tác dụng nhất định đối với amip. Được dùng để chữa trị một số bệnh nhiễm khuẩn và bệnh ngoài da.
3. Tăng cường miễn dịch, ức chế ung thư: Kích hoạt hệ miễn dịch, đặc biệt là đối với tế bào limphô T (T - lymphocytes); có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt đối với ung thư dạ dày.
Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai.