Chó Laika bay vào vũ trụ- chuyến bay cảm tử.
Chó Laika bay vào vũ trụ- chuyến bay cảm tử.
Con người buộc phải sử dụng động vật thí nghiệm là không thể thiếu được cho các công trình nghiên cứu khoa học : Sinh học, y học, vũ trụ...
Chó Laika được sử dụng để nghiên cứu sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện không trọng lực. Và chính nhiệm vụ này đã giúp Laika trở thành sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ.
Cái gì cũng có mặt trái của nó. Laika đã hy sinh trong sứ mạng cao cả của mình trên con tàu Sputnic-2 được phóng lên quỹ đạo trái đất ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Liên xô.
Cái chết của Laika gây nhiều tranh cãi, bí ẩn.
Ngay trước thời điểm phóng tàu, Laika được tắm rửa sạch sẽ bằng dung dịch pha cồn, lông được chải chuốt cẩn thận, và thuốc iốt được bôi vào những vị trí gắn các thiết bị cảm biến theo dõi chức năng cơ thể và được đưa vào khoang lái tàu Sputnik-2. Tất cả đã sẵn sàng.
Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik-2 được phóng lên quỹ đạo trái đất, mang theo Laika.
Theo các tín hiệu thu được từ các thiết bị cảm biến gắn trên thân thì trong quá trình phóng tàu, nhịp tim của Laika tăng cao gấp 3 lần bình thường. Sau khi tàu đạt đến trạng thái không trọng lực thì nhịp tim của Laika lại bắt đầu giảm mạnh.
Ngay ngày hôm đó, Đài Phát thanh Moskva cho phát đi thông tin rằng những tín hiệu từ Sputnik-2 cho thấy: hoạt động của các thiết bị khoa học vẫn diễn ra bình thường và Laika vẫn sống.
6 ngày sau đó, trái đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik-2. Các thông tin do Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ 4 của chuyến du hành.
Không lâu sau khi Sputnik-2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik-2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử, một đi không trở lại.
Hơn nữa, lượng thức ăn và ôxy chỉ đủ cho Laika dùng 10 ngày, trong khi sứ mệnh của Sputnik-2 sẽ kéo dài tới tháng 4/1958.
Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu, nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất.
Tuyên bố này đã gây sửng sốt cho không ít người và làm dấy lên làn sóng phản đối hành vi ngược đãi động vật. Hiệp hội Bảo vệ Chó Quốc gia của Anh kêu gọi những người nuôi chó hãy dành một phút mặc niệm Laika.
Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo trái đất ở điểm gần nhất là 225km và xa nhất là 1.671km với vận tốc 28.968km/giờ, ngày 14/4/1958, Sputnik-2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về trái đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.
Sự thật về cái chết của Laika
Phải tới cuối tháng 10/2002, tức đúng 45 năm sau ngày Laika được phóng vào vũ trụ, tại Hội nghị Không gian vũ trụ Thế giới được tổ chức tại Mỹ, sự thật về cái chết của Laika mới được tiết lộ.
Báo cáo của Tiến sĩ Dimitri Malashenkov thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học ở Moskva đã giúp chấm dứt những suy đoán kéo dài hàng thập kỷ về cái chết của Laika.
Theo đó, những cảm biến gắn trên người Laika ghi nhận rằng ngay sau khi khoang lái đạt vận tốc gần 28.968km/giờ, nhịp tim của Laika đã tăng gấp 3 lần bình thường do nóng, sợ hãi và căng thẳng.
Sau từ 5 - 7 giờ trên quỹ đạo (tức là sau khoảng 4 vòng bay quanh trái đất), trạm kiểm soát mặt đất không nhận được thêm bất cứ một tín hiệu sống nào của Laika.
Tượng đài chó Laika tại Nga.
Về nguyên nhân gây ra cái chết của Laika, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học đều nhất trí rằng Laika đã chết do hoảng sợ quá độ khi Sputnik-2 ở vào tình trạng không trọng lực, và trục trặc của hệ thống điều hòa đã khiến nhiệt độ khoang lái tăng cao quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sống.
Theo Tiến Dũng
ANTG
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)