HLV khi dạy chó cũng hay "thương cho roi cho vọt"... em thấy trong số những người vào đọc topic này có những bác, anh là chuyên gia huấn luyện của các trung tâm có tiếng. Nhưng không thấy ai lên tiếng cả. Mọi người có thể chia sẻ chút ít kinh nghiệm thực tế của mình được không ạ? Em rất muốn biết ý kiến của những người chuyên nghiệp.
Nhu cương kết hợp, cây gậy đi liền củ cà rốt. Việc đánh đập tàn nhẫn (dùng gậy gộc quật...), thường xuyên thì mình e là phản tác dụng. Tuy nhiên nghiêm giọng, đét mông thì khi cần mình sẵn sàng sử dụng.
Nên sáng tạo nhiều trò chơi, hoạt động để nâng cao ý thức tự giác (một khái niệm hơi xa với với những con vật) của chó, kích thích nó chơi mà học (3 ngày 1 trò mới, phức tạp hơn), khiến nó luôn vui vẻ, và không biết chán. Dần dần trí thông minh, sự bật, độ phản xạ, khéo léo của chó cũng tăng lên. Khi nó tự tin thì nó dễ dàng hiểu và tuân lệnh chủ hơn.
Khi chó sợ sệt, thì sợi dây giao tiếp giữa người và chó rất lỏng lẻo, dè chừng. Với HLV quá nóng tính và dữ đòn, khi con vật thực hiện lệnh nó còn sợ không biết mình có bị ăn đòn tiếp hay không. Nó không thoải mái, mà không thoải mái, làm động tác loạng quạng thì lại ăn đòn..... Kiểu như các bác mắng con khi nó làm toán vậy. Lập tức dừng lại khi chó thấy mệt hoặc không đủ sức tập trung. Những lúc vậy, mình cho nó chạy nhảy, lăn lộn ở bãi cỏ thoải mái trong 5 phút mà không bất kỳ lệnh nào.
Ngoài ra phương pháp luyện tập một chó lớn đã huấn luyện tốt cùng một chó con chưa biết gì rất hiệu quả. Hai con sẽ học và điều chỉnh hành vi lẫn cho nhau. Ví dụ: con chó lớn được chủ lấy ra thị phạm sẽ phải tuân lệnh nghiêm chỉnh hơn trước mặt chó con. Còn chó con học tập ngay động tác của chó lớn mà không phải đoán mò xem chủ muốn gì. Chủ đét đit chó con cũng khiến chó lớn biết điều mà học hành chó tử tế và ngược lại.
Các clip mình post lên đây, không có mục đích quảng cáo
. Mình chỉ muốn mọi người cảm nhận thấy con chó của mình nó vui vẻ, hạnh phúc khi thực hiện những bài học. Ngoài ra nếu mọi người xem clip sẽ thấy, một con chó tử tế cần phải hoà nhập với tất cả các thành viên trong gia đình. Muốn có điều đó, từng thành viên trong gia đình phải tôn trọng, yêu thương nhưng phải là người chủ thực sự của nó. Không nên có chuyện, với ông chủ, chó là con cưng, với bà chủ, chó là của nợ, với con, chó lại là đứa du côn. Cách cư xử của thành viên trong gia đình phải hết sức nhất quán.
Mỗi ông chủ chó nên biết lượng sức mình, mới nuôi thì nuôi 01 Lab hoặc Golden hoặc Cocker Spaniel cho dễ chăm sóc. Chủ và chó cùng học chơi với nhau. Khi có kinh nghiệm hơn (>2 năm) thì mới nuôi GSD, Rottweiller. Cao hơn nữa là các chó khủng như Ngao Tạng, Pit Bull. Mình nhấn mạnh chữ "nuôi" ở đây không chỉ là cho ăn, dắt đi vệ sinh, cho phối giống, đẻ đái ... mấy cái đó tạo hoá đã hình thành trong mỗi động vật. Nuôi là có cả dạy dỗ, huấn luyện, chăm sóc. Nếu không có thời gian thì mua chó từ 6 tháng tuổi trở lên. Bận quá cắn răng chọn một trung tâm huấn luyện nào tử tế cho chó đi học 3 tháng. Trẻ con vẫn phải đến trường đấy thôi, có mấy ông bố bà mẹ giữ con ở nhà tự dạy được đâu.
Hiện giờ mỗi lần ra công viên, mình cho cả cu con trai 8 tuổi dắt Lab Bin 1.5 tuổi và Lab Vic của HieuKTS 4 tháng tuổi đi cùng. Mình để cho cu con trai 8 tuổi thử cầm dây, huấn luyện Vic. Hầu như Vic chả mấy khi nghe lệnh của ông con trai, cũng là cách để ông con biết bố mẹ bực mình thế nào khi nó không vâng lời. Nhân huấn luyện chó, dạy luôn cả người.
Trình bày, tranh luận lý thuyết thì rất dài dòng mà chả chứng mình điều gì nhiều, anh em nào dạy chó thì bảo bạn gái, vợ hoặc em quay, chụp hình lại, rồi cũng chia xẻ với mọi người. Đó là những thực tế sống động chứng minh cho từng quan điểm.