Tiêm vaccine Dại chó lại trúng sang người !
Tiêm vaccine Dại chó lại trúng sang người !
Cô giáo Nguyễn Thi Nguyệt.
http://vietbao.vn/Suc-khoe/Tiem-thuoc-phong-dai-cho-cho-trung-sang-nguoi/10772190/248/
Thực hiện quy định về phòng chống chó dại, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, 44 tuổi (Trường THCS Phúc Hà, TP Thái Nguyên) dắt chó đi tiêm. Liều vacxin bệnh dại, lẽ ra phải được đưa vào con chó, chẳng hiểu sao lại phóng thẳng sang người cô. Đêm hôm đó, cô lên cơn co giật. Nhiều ngày sau, chân phải bắt đầu teo.
Chuyện xảy ra ngày 7/4 tại điểm tiêm phòng dại của xóm Đồng Xe (xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương - nơi cô Nguyệt ở). Người được giao nhiệm vụ tiêm phòng là anh Trương Quốc Khoa, công an xã. Khi đến lượt mình, chị Nguyệt dắt chó vào tiêm. Thế nhưng, không hiểu sao mũi tiêm không đi vào mông con chó mà lại cắm vào người chị. Hoảng sợ, chị Nguyệt hỏi anh Khoa: "Liệu tiêm nhầm có nguy hiểm không?" Anh Khoa trả lời: "Không sao, coi như chị được tiêm phòng dại".
Mặc dù vết tiêm khá đau, chị vẫn cố lê bước về nhà. 11h trưa, anh Toan, chồng chị Nguyệt, thấy vợ nằm vật trên giường. Khi biết chuyện, anh vội ra gặp tổ tiêm phòng, đề nghị lập biên bản sự việc để có lý do đi khám bệnh. Dù đã hết sức năn nỉ nhưng yêu cầu của anh Toàn vẫn không được chấp nhận, vì... hết giờ làm việc. Sau đó, anh Toàn lại gặp anh Khoa một lần nữa để hỏi cách giải độc thuốc, nhưng anh Khoa bó tay.
Đầu giờ chiều, chị Nguyệt bắt đầu lên cơn sốt, chân tay tê dại. Anh Toàn hoảng sợ vội chở vợ đi khắp nơi, từ trạm y tế Mỏ Bạch, tới Sở Y tế và Trung tâm Vệ sinh Dịch tễ Tỉnh để tìm thuốc giải độc cho vợ nhưng đều bị từ chối.
Chiều tối hôm đó, anh Toàn đưa vợ trở lại UBND xã, ông Chủ tịch xã đã yêu cầu trạm y tế khám vết thương và tìm biện pháp điều trị, đồng thời yêu cầu tổ tiêm phòng chó dại lập biên bản việc tiêm nhầm thuốc vào người chị Nguyệt. Thế nhưng, Trạm y tế xã, với trình độ hạn hẹp, đã không biết làm gì khác ngoài nặn máu khỏi vết thương của nạn nhân.
Đêm hôm ấy, chị Nguyệt lên cơn co giật. Sáng hôm sau, anh Toàn đưa vợ tới bệnh viện Bạch Mai (HN). Sau khi khám, bệnh viện đã yêu cầu chị nhập viện.
Ngày 16/4 (tức là sau 8 ngày nằm viện), hai vợ chồng lại dắt díu nhau về khám tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Tại đây, các bác sĩ đã xác định chị Nguyệt
bị tiêm thuốc phòng chó dại vào đúng đường đi của dây thần kinh hông to bên phải. Đau dây thần kinh tọa phải. Mất cân xứng giữa hai mông phải và trái. Đây là dấu hiệu cho thấy đã có hiện tượng teo cơ. Chị Nguyệt được bệnh viện cho thuốc về nhà điều trị nhưng đến nay chân phải vẫn tiếp tục teo, nửa người bên phải có biểu hiện khó điều khiển và mất cảm giác đau.
Ngửa mặt kêu trời!
Sau khi sự việc xảy ra, không cơ quan nào của tỉnh Thái Nguyên đứng ra chịu trách nhiệm. Trong suốt thời gian nằm nhà chữa bệnh, chị Nguyệt chỉ được các cơ quan này thăm hai lần với 2 kg đường và 2 hộp sữa. Bảo hiểm y tế tỉnh từ chối thanh toán kinh phí chữa bệnh vì lý do tai nạn này không nằm trong diện được chi trả.
Còn anh Trương Đức Khoa, người thực hiện mũi tiêm nhầm, thì giải thích: "Tôi tiêm phòng cho đàn chó theo phân công của thú y huyện. Trước đợt tiêm tôi đã được tập huấn. Do sơ suất, tôi tiêm nhầm vào người chị Nguyệt. Đây thực sự là một sơ suất, tôi đã đến xin lỗi gia đình chị".
Ngày 29/4, ban chỉ đạo giải quyết việc của cô giáo Nguyệt đã tổ chức một cuộc họp, bao gồm đại diện Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Thú y và Công ty Bảo Việt của tỉnh. Tại đây, ông Đỗ Văn Mận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Nguyên, đã không nói một lời về trách nhiệm của mình trong quản lý cán bộ thú y, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị Nguyệt.
Ấn tượng hơn cả là hướng giải quyết mà các cơ quan chức năng đưa ra tại cuộc họp nói trên: "Đề nghị các cơ quan chức năng trong điều kiện cho phép tạo điều kiện cho nạn nhân". Không hiểu, các cơ quan chức năng mà họ ám chỉ ở đây là những cơ quan nào?
Hiện gia đình cô giáo Nguyệt sống trong sự tuyệt vọng cùng cực. Chồng chị không có công ăn việc làm. Trong hai đứa con thì cháu lớn 14 tuổi bị tật bẩm sinh, không thể đi lại, phải tiểu tiện tại giường. Tất cả gia đình chỉ trông vào đồng lương giáo viên ít ỏi của cô Nguyệt. Nếu sức khỏe không bình phục và không tiếp tục lên lớp, cô Nguyệt chỉ có thể nhận 85% lương cho cả 4 miệng ăn.
(Theo Lao Động)
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)
Lời Bình :
Tai nạn hy hữu trên thật đáng tiếc. Vì lực lượng ngành Thú Y Cơ sở rất mỏng nên phải "tập huấn" cho các " Thú y viên bất tắc dĩ", họ có thể là bác thợ cày, ông cất vó, bà buôn rau... oai phong hơn là ông công an xã như trên !
Do kém hiểu biết lại không có chuyên môn nên họ không thể bảo đảm các kỹ thuật tiêm chủng cho đàn chó.
Tai nạn cho người thì có báo viết, kiện cáo, bảo hiểm... còn tai nạn truyền lây dịch bệnh cho đàn chó gây ốm , chết do tiêm chủng sai kỹ thuật, dùng chung bơm kim tiêm thì có ai nhắc đến ?