• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Vú em của những chú chó tật nguyền

kelangdu261

New Member
TT - Tên bà là Nguyễn Thị Bích Vân, nhưng những người dân quanh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (190 Hàm Tử, P.1, Q.5, TP.HCM) vẫn thường gọi là “bà Vân vú em của chó”.

Năm nay bà 54 tuổi, không nhà không cửa, không chồng con, sống nhờ vào mái hiên, vỉa hè hơn 10 năm qua. Gia tài của bà vỏn vẹn chỉ có chiếc xe đạp, bốn cái chuồng với một bầy chó đủ loài.

Hằng ngày bà kiếm sống bằng cách đi lượm ve chai, rửa chén bát thuê ở các quán. Với số tiền ít ỏi kiếm được, bà ăn uống nhín nhịn để nuôi một bầy chó hơn 20 con, đó là những con chó bị người ta bỏ rơi ngoài đường, hay những con chó bị bệnh tật, mù lòa bị chủ vứt bỏ ở bệnh viện chó. Bất kỳ con chó nào bị chủ bỏ rơi bà đều đem chúng về nuôi như những đứa con cưng của mình.

Hằng đêm, bên vỉa hè vắng lạnh, người ta thấy người phụ nữ này cùng những con chó hoang ngủ bên nhau như những người bạn. Điều kỳ diệu là bằng tình thương của bà, những con chó ốm yếu, bệnh tật đều trở nên khỏe đẹp dưới bàn tay chăm nom của bà.

Một người dân ở đây kể lại: “Nhiều khi trời mưa tầm tả, bà dầm mưa che chắn cho đàn chó như gà mẹ xòe cánh ấp ủ cho đàn con vậy. Có người nói bà điên, nhưng sống ở đây tui biết, bà hoàn toàn bình thường, chỉ có cái tội là yêu chó hơn bản thân mình mà thôi. Có những lúc cơm không có mà ăn nhưng bà vẫn cố vay mượn mua chút sữa cho con chó bị bệnh"…

Ở bệnh viện chó trên đường Lý Thường Kiệt, bà Vân thuộc tên hết tất cả các bác sỹ thú y ở đây. Bởi suốt 10 năm qua, bà đã lui tới đây không biết bao nhiêu lần để chạy chữa cho những con chó hoang bị chủ bỏ rơi… Mỗi khi chó chết, người ta lại thấy bà chảy nước mắt ẵm xác chúng qua Phạm Thế Hiển để thiêu.

Sống bên vỉa hè, bà phải đi mua từng xô nước cho chó uống và tắm rửa cho chúng. Bà chăm nom chúng như một người mẹ. Dù mình có phải nhịn đói nhưng chưa bao giờ bà để cho đàn chó phải đói. Bà ăn uống kham khổ, tiền bạc kiếm được thì dành dụm mua thức ăn cho chó. Những con bị bệnh nặng, bà còn vào tận siêu thị mua cả thức ăn loại ngon nhập khẩu bồi dưỡng cho chúng

Kể về chuyện đời mình, bà tâm sự: “Trước kia cô cũng có một gia đình, nhà cửa, nhưng vì nuôi chó quá nhiều nên phải ra sống bờ sống bụi thế này. Lúc đầu vì tình cờ thấy một vài con chó bị bỏ rơi nên đem về nuôi, riết rồi như cái nghiệp. Hễ ở đâu có chó bị què, bị bệnh, bị đui chột là người ta kêu tui. Cứ lứa này đến lứa khác, không dứt ra được… Tui thương tụi nó vì khi khỏe mạnh thì người ta ôm ấp, đến khi bệnh tật thì người ta đẩy chúng ra đường! Làm người ai lại làm thế, ai lại nỡ bỏ nhau khi hoạn nạn…? Nghĩ thế nên tui ráng làm thuê làm mướn để nuôi tụi nó, mặc cho thiên hạ dèm pha”.

THẾ ANH
_____________________________________

mình ko post hình lên được. mọi người có thể sang web # để xem. thật tột nghiệp cho bà Vân và đàn chó đáng thương. có ai bik bà Vân giờ ở đâu không? muốn tới gửi bà ít tiền mà không biết địa chỉ
 

CookySaigon

Member
Bác Langdu ơi có phải cô Vân tội nghiệp mà Bác kể là người trong câu chuyện dưới đây không ạ....Nếu đúng thì bác liên hệ với chị TiBui (Bảo Châu) thì sẽ biết rõ về cô hiện nay.....Thật vui và Cảm động vì các ace Diễn Đàn VP nhà mình sống thật tình cảm và đầy lòng nhân ái... :-bd:-bd :-bd

Xin bấm vào đây...
http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=12663

(Nhân tiện Chúc Mừng Thành Viên Mớiiiii.....với bài viết đầu tay nhé....lưu ý đừng viết kiểu chátchít ...:) ....Bị xóa bài oan uổng nhể...:sick: )
 

cao yến xuân

New Member
mọi người khi nào có dịp đến thăm cô thì thông báo cho em biết nhé , em rất muốn đến và giúp đỡ cho cô
 

Vipz.14

Member
Có người nói bà điên, nhưng sống ở đây tui biết, bà hoàn toàn bình thường, chỉ có cái tội là yêu chó hơn bản thân mình mà thôi
Mỗi khi chó chết, người ta lại thấy bà chảy nước mắt ẵm xác chúng qua Phạm Thế Hiển để thiêu
Tui thương tụi nó vì khi khỏe mạnh thì người ta ôm ấp, đến khi bệnh tật thì người ta đẩy chúng ra đường! Làm người ai lại làm thế, ai lại nỡ bỏ nhau khi hoạn nạn…? Nghĩ thế nên tui ráng làm thuê làm mướn để nuôi tụi nó, mặc cho thiên hạ dèm pha
Sống ở đời cần có một tấm lòng. Tại sao nói người ta "điên" khi họ làm việc tốt trong khi mình thì đứng đằng xa chỉ tay năm ngón? Không phải mình là người đã lựa chọn để không làm việc tốt giống như họ đang làm, rồi kéo theo cái hội đồng toàn là cừu như mình, rỗi hơi rách việc dèm pha nọ kia để đẩy xa con người tốt đẹp đó ra khỏi xã hội của mình hay sao?

Sống chung trong một xã hội, một cộng đồng, là con người với nhau trước hết đừng bao giờ cố tình đào thải nhau. Không sớm thì muộn chính bản thân mình cũng sẽ bị người khác đào thải. Phải tự hỏi tại sao mình ăn uống no đủ, có thời gian rảnh để mà dèm pha người khác, lại không làm được như con người khốn khổ, nghèo đói, tuổi cao sức yếu, thiếu thốn đủ mọi đường kia? Người phụ nữ ấy có một nghị lực phi thường. Cái phi thường đó cần phải được tôn trọng, nhất là khi trong hoàn cảnh của những con người đang ngồi trước bàn vi tính đây lại dễ dàng và bình thường hơn rất nhiều so với một mình người phụ nữ ấy.

Dèm Pha là Hèn.

Sống cùng trên Địa cầu, vận động, phát triển, ra đời và chết đi cùng mọi sinh - vật - thể khác mà bỏ mặc nhau trong lúc hoạn nạn.
Như vậy là có tội.

Nếu đã tiếp nhận một sinh vật khác vào môi trường của mình và sống cùng mình, thì hãy đối xử với sinh vật đó như máu mủ, ruột thịt, hãy sống có trách nhiệm với tất cả những gì mình bắt gặp trong cuộc sống. Trách nhiệm chưa đủ, cần phải có tình thương nữa. Nếu bản thân mình đã không giúp đỡ gì cho ai được, thì ít nhất hãy ngậm miệng vào, im lặng và làm công việc "riêng" của bản thân mình, chứ đừng có dè bỉu người ta bằng cái hèn hạ vô liêm sỉ trong con người mình.

Trong vũ trụ tất cả mọi vật thể đều tồn tại dưới một dạng năng lượng. Con người cũng như vậy, cũng là một dạng năng lượng. Không cần giúp đỡ ai quá nhiều, quá rõ ràng. Chỉ cần một lời hỏi thăm động viên, một nụ cười thân thiện.. là ta đã truyền năng lượng từ ta đến những người xung quanh, tiếp thêm nghị lực cho họ để tất cả cùng sống tốt hơn, sống sao cho xứng đáng. Chỉ cần có như vậy thôi. Thế mà vẫn có những kẻ đã không làm được chút ấy, mà còn đui mù đi nhìn nhận người khác bằng ánh nhìn khinh miệt, soi mói, sỉ nhục. Chắc bình thường họ cũng hay bị người khác đối xử như thế, nên giờ nhìn gì cũng thấy "điên" hết cả. Không cận, phải đeo kính, nhưng mà vẫn bị loạn thị.

Mình thấy thương cho bà ấy quá. Một con người có nghĩa cử cao đẹp như vậy mà không được sự cảm thông, giúp đỡ, không được công nhận bởi chính quyền địa phương, cả nước Việt Nam này, đúng là một nghịch lí. Cái này chắc phải được mở mắt ra khoảng hàng thế kỉ nữa. Tìm trên cả cái đất nước này, cả mấy cái nước láng giềng nữa.. liệu có dễ gặp được một con người nào sống cao thượng, nhân ái, văn minh như vậy không?

Mình từng đọc bài viết về bà Vân lâu lâu rồi. Thật sự mình chưa từng bao giờ nghe về một ai - giống như vậy. Mình thật sự khâm phục bà , thấy thương cho hoàn cảnh của bà. Một người như vậy, niềm tự hào hiếm hoi của những đất nước lấy thịt chó mèo làm truyền thống "xả xui" đang sống ngay xung quanh mình. Vậy mà không được trân trọng, còn bị đối xử tàn nhẫn.. nuôi hơn 20 con chó, vì chúng mà phải sống dưới gầm cầu, ăn ở tạm bợ, bị chịu đựng dèm pha, đàm tiếu, tuổi cao gần đất xa trời, không con cái, không cháu chắt mà phải làm việc cật lực để nuôi các đứa "con" thực thụ của mình. Thử hỏi, người ta còn trân trọng được nổi cái gì khác?

Nhớ hồi lớp 1, các cô giáo vẫn hay ngân nga câu "lá lành đùm lá rách".. bây giờ có mấy ai còn trân trọng, thực hiện lời dạy ấy? Đối với khá nhiều người, kể cả một bộ phận học sinh bây giờ, nó cũng chỉ còn là lí thuyết. Dường như quá hiếm các tấm gương xung quanh cuộc sống sinh hoạt hàng ngày để chúng noi theo. Đến khi có thì chúng sẽ nghiễm nhiên nghĩ là "dở hơi", "bất bình thường"... và cứ thế đến các thế hệ sau rồi cũng sẽ có những ý nghĩ tương tự như vậy. Thật quá là sai trái.

Cầu mong bà Vân và những con người có tấm lòng tốt đẹp có những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, ở hiền gặp lành, cái kết của câu chuyện là một cái kết có hậu, tốt đẹp như những gì đã xây dựng nên câu chuyện ấy.
 

cao yến xuân

New Member
em vừa biết thông tin là cô vân đang sống ở hóc môn hay củ chi gì đó , bầy chó của cô được các bác sĩ thú ý gần đó chăm sóc rất kỹ , nghe mà mừng cho cô , sắp đến có dịp em sẽ ghé và gửi cho cô ít quà ..,mong sau này cuộc sống của cô sẽ bớt cơ cực hơn
 

ngoclap68

Member
Tiếc quá cô ở Hồ Chí Minh không thì mình cũng đến thăm hỏi cô, biết đâu cô cháu có thể san sẻ gánh nặng cho nhau. nếu bạn nào HCM đi thăm cho mình gửi lời hỏi thăm cô nha! chúc cô mạnh khỏe sống lâu để các chú cún có 1 mái nhà để ở
 

lovebibo

Member
That su rat kham phuc co Van...uoc gi minh trung so.se xay dung ngay nhung ngoi nha mo cho nhung chu cho meo homeless va nguoi homeless. Ma troi ko cho minh trung so, cho toan nhung nguoi khong co tam long yeu thuong dong vat...khong cong bang.. :(
 

Ti Bui

Member
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/398278/Ngon-lua-cuoc-song---Ky-3%C2%A0-Bai-hoc-tu-via-he.html

Gánh... cuộc đời

Sau mỗi lần đi lượm rác về, bà lại thấy đàn chó của mình ngày một nhiều hơn. Con què quặt, con bị mù hai mắt... Bà chẳng nỡ bỏ con nào. Đến bây giờ trong căn nhà của bà có đến 50 con chó và hơn 10 con mèo. Sau bao năm lây lất cùng chiếc xe kéo chó trên vỉa hè, tưởng rằng niềm tin yêu vào cuộc sống của bà đã bị hư hao, ai ngờ bà vẫn lạc quan nói: “Đời còn nhiều người tốt lắm, ráng sống và góp vui với đời theo cách của mình!”.

Thời gian sau lúc bài báo đăng lên, liên hệ với bà thật khó. Khi thì bà bảo đang đi hỏa thiêu mấy con chó vừa chết, khi lại đang lần mò ở các bệnh viện chó để mang về những con chó bệnh tật bị bỏ rơi. Có lúc bà lại đẩy chiếc xe kéo chó ẩn mình đâu đó. Dường như bà sợ, nhưng hỏi bà nói chẳng biết sợ cái gì.

Tên bà là Nguyễn Thị Bích Vân, nhưng trước đây những người dân quanh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (190 Hàm Tử, P.1, Q.5) vẫn thường gọi là “bà Vân vú em của chó”. Năm nay bà 54 tuổi, không nhà không cửa, không chồng con, sống nhờ vào mái hiên, vỉa hè gần 20 năm qua. Gia tài của bà vỏn vẹn chỉ có chiếc xe đạp, bốn cái chuồng với một bầy chó đủ các loại. Nay thì cuộc sống của bà đã khác, chiếc xe kéo chó ngày nào chẳng còn, thay vào đó là một căn nhà rộng rãi...

Ngày gặp lại, cuộc sống hiện tại của bà Vân đỡ hơn nhiều, nhưng bà vẫn bị ám ảnh bởi những ngày đã qua. Bà kể: “Sau khi báo đăng, người ta ùn ùn tìm đến. Người đi xe hơi, kẻ đi xe đạp. Người một con chó, người hai ba con mèo. Con thì lành lặn, con thì mù cả hai mắt, con thì gãy chân... họ giao hết cho tui. Nhiều người còn chẳng thèm gửi gắm, họ lén khi tui đi lượm rác rồi xích con chó già lại bên chiếc xe kéo. Điện thoại từ các bệnh viện chó cũng nhiều hơn trước, số chó bị chủ bỏ rơi quá nhiều, các bác sĩ thú y gọi điện cầu cứu... Chỉ chưa đến một tuần mà số chó và mèo của tui tăng lên gần gấp ba, nếu trước đây chỉ độ 20 con thì lúc đó có khi lên đến gần 60 con. Nhiều con ốm yếu không qua được, tui lại phải chạy vạy lo tiền hỏa táng cho chúng”.

Không chỉ vậy, nhiều đêm liền sau đó bà chẳng thể nào chợp mắt được vì bọn “cẩu tặc”. Bà trở thành mục tiêu của nhiều tay chuyên bắt trộm chó. Bà nhớ lại: “Tụi nó cứ lởn vởn quanh xe chó hằng đêm. Nhiều đứa còn liều lĩnh hăm dọa: Tui sẽ thịt bà cùng bầy chó! Có đứa lại mặc cả ra giá, xúi tui cứ nhận thật nhiều chó rồi bán lại cho chúng để kiếm tiền. Sợ chúng làm liều, tui phải thức suốt đêm canh bầy chó và lo cho thân mình”.

Cái khó của người đàn bà gầy gò và chiếc xe kéo chó càng tăng thêm khi bầy chó ngày một đông hơn. Người ta không còn cho bà sống tạm bên vỉa hè nữa, bà phải dời đi nơi khác. Không thu nhập ổn định, bà sẽ về đâu với bầy chó mèo hơn 60 con? Bà bấm bụng làm liều, đem cái xe đẩy gắn bó với đời mình gần 20 năm qua rao bán. Rồi bà chạy vạy vay mượn thêm để thuê một căn nhà giữa đồng hoang ở Q.7 (TP.HCM). Đó là những ngày cận tết vừa qua. Lần đầu tiên sau 20 năm, bà và những con chó tật nguyền không phải ngồi ở vỉa hè đón tết.

Chó - người và những chiêm nghiệm sống...

Hỏi bà vì sao lại yêu những con chó đến vậy, bà chỉ nói đơn giản: “Tui nuôi chúng vì muốn giữ gìn sự nghĩa tình của con người. Khi nó khỏe mạnh thì người ta ôm ấp, vuốt ve, khi bệnh tật thì vứt nó ra đường, tại sao lại đối xử tệ như vậy? Nếu không biết ơn nghĩa dù là điều nhỏ nhất thì tệ lắm! Tui đã chứng kiến nhiều cảnh, khi chó bệnh thì họ mang đến gửi cho tui, đến khi thấy nó khỏe mạnh thì nằng nặc xin chuộc lại. Những trường hợp như vậy tui từ chối hẳn, không nhận của họ bất cứ thứ gì...

Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng buồn như vậy. Có lần tui chứng kiến cảnh một ông già, chẳng biết ông có con cái hay không nhưng mấy chục năm liền chỉ thấy ông thui thủi một mình làm bạn cùng con chó. Đến khi già yếu, biết mình khó qua khỏi ông mới mang nó đến gửi tui. Thấy cảnh ông già rơm rớm nước mắt chia tay nó mà tui không thể nào cầm lòng được. Sau đó mấy lần ông có ghé thăm rồi bặt tin... Mới đây tui mới biết ông cụ vừa qua đời. Vậy đó, tui nuôi chúng như một sự chia sẻ về tinh thần với chủ nhân của chúng...”.

Còn nhớ sau khi bà dời về Q.7, một số người tốt bụng vẫn tìm đến nơi vỉa hè cũ để gặp bà. Không thấy bà, họ hỏi han những người quanh đó để xin số điện thoại, địa chỉ của bà. Biết họ tìm bà để giúp đỡ, có người ra giá: “Tiền nhận được, bà chia tui một nửa!”. Nhắc lại chuyện cũ, bà cười nhẹ tênh: “Chắc họ cũng nghèo khó nên mới làm thế. Thôi kệ họ, xem như mình san sẻ với họ chút lòng tốt của thiên hạ thôi mà”.

Điều làm bà Vân vui nhất là có thêm rất nhiều bạn, được gặp nhiều người tốt sau dạo ấy. Bà kể có nhiều người ở tận Campuchia cũng gửi về cho bà ít thuốc men chữa trị cho chó. Những cuộc gọi điện hỏi thăm ngày cũng nhiều hơn, bà không còn cảm thấy cô đơn như trước nữa. Có nhiều người mời bà về tận Củ Chi, Đồng Nai, Long An... ở cùng họ. Nhưng bà đều từ chối vì sợ ở xa không có bệnh viện thú y để chăm lo cho bầy chó tật nguyền. Giờ đây, mỗi ngày bà vẫn đi nhặt rác, làm thuê quanh xóm để kiếm thêm tiền nuôi thân. Bà nói đối với bà như vậy là đủ rồi, chỉ mong sao có được sức khỏe để tiếp tục hành trình của đời mình.

Hằng ngày bà đi chợ, tự nấu nướng cho lũ chó mèo hơn 60 con. Bà không cho chúng ăn thịt, hỏi tại sao, bà cười: “Để bớt đi tính hung hãn của loài thú, bớt cắn xé đồng loại hơn. Bởi tui tin rằng sự thanh tịnh không chỉ giúp con người sống tốt hơn, mà còn có thể cải biến cả những con vật!”.

Chẳng hiểu niềm tin của bà đúng hay sai, nhưng tôi biết nó là sự chiêm nghiệm của một người từng lấy lề đường làm nhà, lấy loài thú tật nguyền làm bạn. Ấy là con người dám lấy tình thương yêu mà đối đãi bình đẳng cùng cuộc sống, bất kể đó là với người hay loài vật, bất kể đó là sự nguyên lành hay khiếm khuyết...

THẾ ANH


 
Top