Chuẩn bị khi... không còn dầu mỏ (bài 2)
Chuẩn bị khi... không còn dầu mỏ
TT - Đã có những địa phương nhỏ trên thế giới nhanh chóng chuyển mình thích ứng với tương lai ảm đạm của tình trạng giá dầu ngất ngưởng. Thị trấn Totnes ở Xứ Wales là một trong số đó.
Hãy tưởng tượng một cuộc sống mà mỗi buổi sáng bạn đạp xe đến chỗ làm và đến chiều trở về nhà đánh chén bữa tối bằng thực phẩm sản xuất tại địa phương. Có thể sau bữa ăn bạn sẽ đi bộ trên những con phố vắng bóng ôtô, đến một quán bar mua đồ uống bằng tiền chỉ có ở xứ mình và gật gù thưởng thức âm nhạc.
Nghe cứ như thể một câu chuyện thần tiên, sự trở lại của cuộc sống giản dị mà cha ông ta đã từng trải qua, trước khi dầu hỏa cùng nền văn hóa tiêu dùng trỗi dậy và thống trị thế giới. Nhưng trên thực tế đó lại là cuộc sống không còn dựa vào năng lượng mà người dân tại rất nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến trong một tương lai không còn dầu mỏ.
Thị trấn chuyển đổi
Ý tưởng này đã dẫn đến "Sáng kiến chuyển đổi", một phong trào khuyến khích các thị trấn, làng mạc và thành phố trên thế giới bắt đầu tiến trình chuẩn bị cho cuộc sống không có dầu. "Thị trấn chuyển đổi" đầu tiên được hình thành tại Kinsale (Ireland) và thật sự xuất hiện, gây tiếng vang lớn ở Totnes vùng Devon thuộc Xứ Wales vào năm 2006.
Biến cả một thị trấn với 8.500 dân như Totnes có ý thức về một thế giới không dầu mỏ, không carbon là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những người đi tiên phong bảo vệ ý tưởng này "dịch" nó ra thành việc trở lại với những giá trị cộng đồng giản dị. Điểm trung tâm của sự chuyển đổi chính là khả năng tự cung tự cấp: tự trồng cây ăn quả của chính bạn có thể giúp bạn sống sót mà không cần đến dầu mỏ.
Khi hết dầu, con người sẽ buộc phải giảm sử dụng năng lượng. Trong một thế giới thiếu năng lượng, hoạt động chuyên chở lương thực và giao thông sẽ bị hạn chế tối đa. Các thị trấn chuyển đổi đã vạch ra "con đường giảm năng lượng" từng bước. Trong vòng một năm qua, thị trấn Totnes đã chuẩn bị bằng biện pháp trồng cây lương thực để có nguồn cung thực phẩm khẩn cấp, thành lập và xây dựng các công ty năng lượng tại địa phương để tăng khả năng tự cung cấp. Ngoài ra, một hệ thống tái chế rác của thị trấn được hình thành. Thay vì trả tiền cho các doanh nghiệp nơi khác đến dọn rác, thị trấn tự tái chế rác tại nhà máy địa phương, tạo ra bột giấy. Việc sử dụng ôtô cũng bị hạn chế tối đa.
Chính quyền Totnes ra lệnh cấm các hoạt động khuyến khích tiêu dùng quá mức, phát triển hệ thống điện từ gió và năng lượng mặt trời, xây dựng các tòa nhà tiêu thụ ít năng lượng. Một năm trước, Totnes đã phát hành đồng bảng Totnes sử dụng tại các cửa hàng trong vùng. "Khi các nền kinh tế gặp khó khăn, đồng tiền của vùng phát triển mạnh mẽ” - ông Rob Hopkins, kiến trúc sư của ý tưởng "thị trấn chuyển đổi" tại Totnes - khẳng định.
Từ Kinsale và Totnes, đến nay đã có 50 thị trấn và làng tại Anh tham gia phong trào chuyển đổi. Hàng trăm khu vực khác tại New Zealand và Úc cũng bắt đầu xây dựng cộng đồng theo ý tưởng này. "Chúng ta sẽ phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu và bắt đầu một xã hội không có khí carbon trong vòng 20 năm nữa - ông Hopkins khẳng định - Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác nếu muốn con cháu chúng ta có cuộc sống".
Nhà tiên phong
Ông Hopkins, 38 tuổi, người gốc Ireland, tin rằng chỉ trong vài năm nữa thế giới sẽ cạn kiệt dầu mỏ. Những năm 1990, ông dạy học tại Kinsale và bắt đầu đọc các tài liệu về nguy cơ dầu mỏ cạn kiệt. "Đó là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất mà nhân loại phải trải qua" - ông suy nghĩ như vậy. Cùng các sinh viên, ông bắt đầu theo đuổi kế hoạch gồm nhiều bước chuyển đổi Kinsale thành một thị trấn ít phụ thuộc vào dầu mỏ.
Dự án của ông được sự ủng hộ của hàng ngàn người dân địa phương. Hopkins thậm chí còn xây dựng một ngôi nhà bằng nguyên liệu tái chế tại Kinsale. Tuy nhiên, ngôi nhà của ông bị đốt phá do có một số người dị ứng với những ý tưởng mới mẻ của ông. Chán nản, Hopkins quyết định rời Ireland và đến Totnes.
Tại đây, Hopkins tiếp tục theo đuổi mô hình có sẵn từ Kinsale. Trong một năm đầu, ông chỉ đi khắp thị trấn phổ biến ý tưởng và thảo luận với người dân. Đến tháng 12-2006, dự án chính thức được khởi động. Và vỏn vẹn sáu tháng, những nền tảng cơ bản của một "thị trấn chuyển đổi" đã thành hình.
HIẾU TRUNG (Theo CNN, Guardian)
Chuẩn bị khi... không còn dầu mỏ
TT - Đã có những địa phương nhỏ trên thế giới nhanh chóng chuyển mình thích ứng với tương lai ảm đạm của tình trạng giá dầu ngất ngưởng. Thị trấn Totnes ở Xứ Wales là một trong số đó.
Hãy tưởng tượng một cuộc sống mà mỗi buổi sáng bạn đạp xe đến chỗ làm và đến chiều trở về nhà đánh chén bữa tối bằng thực phẩm sản xuất tại địa phương. Có thể sau bữa ăn bạn sẽ đi bộ trên những con phố vắng bóng ôtô, đến một quán bar mua đồ uống bằng tiền chỉ có ở xứ mình và gật gù thưởng thức âm nhạc.
Nghe cứ như thể một câu chuyện thần tiên, sự trở lại của cuộc sống giản dị mà cha ông ta đã từng trải qua, trước khi dầu hỏa cùng nền văn hóa tiêu dùng trỗi dậy và thống trị thế giới. Nhưng trên thực tế đó lại là cuộc sống không còn dựa vào năng lượng mà người dân tại rất nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến trong một tương lai không còn dầu mỏ.
Thị trấn chuyển đổi
Ý tưởng này đã dẫn đến "Sáng kiến chuyển đổi", một phong trào khuyến khích các thị trấn, làng mạc và thành phố trên thế giới bắt đầu tiến trình chuẩn bị cho cuộc sống không có dầu. "Thị trấn chuyển đổi" đầu tiên được hình thành tại Kinsale (Ireland) và thật sự xuất hiện, gây tiếng vang lớn ở Totnes vùng Devon thuộc Xứ Wales vào năm 2006.
Biến cả một thị trấn với 8.500 dân như Totnes có ý thức về một thế giới không dầu mỏ, không carbon là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những người đi tiên phong bảo vệ ý tưởng này "dịch" nó ra thành việc trở lại với những giá trị cộng đồng giản dị. Điểm trung tâm của sự chuyển đổi chính là khả năng tự cung tự cấp: tự trồng cây ăn quả của chính bạn có thể giúp bạn sống sót mà không cần đến dầu mỏ.
Khi hết dầu, con người sẽ buộc phải giảm sử dụng năng lượng. Trong một thế giới thiếu năng lượng, hoạt động chuyên chở lương thực và giao thông sẽ bị hạn chế tối đa. Các thị trấn chuyển đổi đã vạch ra "con đường giảm năng lượng" từng bước. Trong vòng một năm qua, thị trấn Totnes đã chuẩn bị bằng biện pháp trồng cây lương thực để có nguồn cung thực phẩm khẩn cấp, thành lập và xây dựng các công ty năng lượng tại địa phương để tăng khả năng tự cung cấp. Ngoài ra, một hệ thống tái chế rác của thị trấn được hình thành. Thay vì trả tiền cho các doanh nghiệp nơi khác đến dọn rác, thị trấn tự tái chế rác tại nhà máy địa phương, tạo ra bột giấy. Việc sử dụng ôtô cũng bị hạn chế tối đa.
Chính quyền Totnes ra lệnh cấm các hoạt động khuyến khích tiêu dùng quá mức, phát triển hệ thống điện từ gió và năng lượng mặt trời, xây dựng các tòa nhà tiêu thụ ít năng lượng. Một năm trước, Totnes đã phát hành đồng bảng Totnes sử dụng tại các cửa hàng trong vùng. "Khi các nền kinh tế gặp khó khăn, đồng tiền của vùng phát triển mạnh mẽ” - ông Rob Hopkins, kiến trúc sư của ý tưởng "thị trấn chuyển đổi" tại Totnes - khẳng định.
Từ Kinsale và Totnes, đến nay đã có 50 thị trấn và làng tại Anh tham gia phong trào chuyển đổi. Hàng trăm khu vực khác tại New Zealand và Úc cũng bắt đầu xây dựng cộng đồng theo ý tưởng này. "Chúng ta sẽ phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu và bắt đầu một xã hội không có khí carbon trong vòng 20 năm nữa - ông Hopkins khẳng định - Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác nếu muốn con cháu chúng ta có cuộc sống".
Nhà tiên phong
Ông Hopkins, 38 tuổi, người gốc Ireland, tin rằng chỉ trong vài năm nữa thế giới sẽ cạn kiệt dầu mỏ. Những năm 1990, ông dạy học tại Kinsale và bắt đầu đọc các tài liệu về nguy cơ dầu mỏ cạn kiệt. "Đó là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất mà nhân loại phải trải qua" - ông suy nghĩ như vậy. Cùng các sinh viên, ông bắt đầu theo đuổi kế hoạch gồm nhiều bước chuyển đổi Kinsale thành một thị trấn ít phụ thuộc vào dầu mỏ.
Dự án của ông được sự ủng hộ của hàng ngàn người dân địa phương. Hopkins thậm chí còn xây dựng một ngôi nhà bằng nguyên liệu tái chế tại Kinsale. Tuy nhiên, ngôi nhà của ông bị đốt phá do có một số người dị ứng với những ý tưởng mới mẻ của ông. Chán nản, Hopkins quyết định rời Ireland và đến Totnes.
Tại đây, Hopkins tiếp tục theo đuổi mô hình có sẵn từ Kinsale. Trong một năm đầu, ông chỉ đi khắp thị trấn phổ biến ý tưởng và thảo luận với người dân. Đến tháng 12-2006, dự án chính thức được khởi động. Và vỏn vẹn sáu tháng, những nền tảng cơ bản của một "thị trấn chuyển đổi" đã thành hình.
HIẾU TRUNG (Theo CNN, Guardian)