• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thú vui sưu tầm tem.

NguyenNhuThach

Active Member
Bông bụp, một loài hoa dân dã mà cách gọi tên lại càng dân dã… cái hàng rào dâm bụt đỏ thắm màu hoa đó chưa từng bao giờ ngăn cách hai nhà hàng xóm mặc dù người ta trồng chúng làm hàng rào… có những buổi trưa hè trốn ngủ lén chui rào sang nhà hàng xóm… thôn xóm nghèo nên không có trò chơi nào hấp dẫn hơn trò chơi bán đồ hàng… anh ngắt cuống nhụy hoa nhấm vị ngòn ngọt trước khi đưa em xé nhuyễn cánh hoa, cắt nhỏ lá cây… trong trí tưởng tượng của trẻ thơ đó là những mâm cao lương mỹ vị…
Em theo đời cơm áo, mai ra cùng phố thị xôn xao…
Thôn xóm cũ không còn… con phố cũ giờ đã sang trọng hơn… rào bông bụp quê mùa không còn ai ưa thích… bờ tường cao vời vợi ngăn cách đôi nhà… mới đó mà đã xưa vậy sao…



 

huyenmeo

Member
Quốc hoa của Malayisa trên tem:




Quốc hoa Korea:


Tem Nhật và Hàn Quốc:
Mình cũng có mấy chiếc trong bộ tem Mailai này đó bạn. Nhưng bây giờ chả còn mấy ai sưu tầm nữa cả, bộ tem của mình cũng đã lâu rồi ko bỏ ra nữa :( - một phần cũng vì mình đi xa nhà- chịp!
 

NguyenNhuThach

Active Member
Hoa cúc trắng-Marguerite
Ở miền ôn đới,Cúc trắng là một loài hoa nhỏ thường mọc hoang, có những cánh trắng ngần thuôn dài, đầu tròn, mọc toả ra quanh chiếc nhụy lớn màu vàng tươi. Trẻ em thích hái cúc dại để xâu thành chuỗi đeo tay, đeo cổ; các cô gái thích ngắt hoa cúc trắng kết thành từng bó mang về cắm trong chiếc lọ thủy tinh trong veo... hoa đẹp một cách trong trắng ngây thơ.
Người Anh gọi hoa cúc dại là daisy có lẽ bắt nguồn từ tiếng Anh cổ, day's eye, có nghĩa là con mắt ban ngày, vì hoa nở cùng với ánh sáng ban mai rồi khép những cánh trắng lại khi chiều xuống.
Trong thần thoại La Mã, bông cúc trắng bé nhỏ là hoá thân của Belides, một trong các nữ thần chăm sóc các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu là Ephigeus thì vị thần cai quản các vườn cây, Vertumrus, trông thấy và đem lòng yêu thích muốn chiếm đoạt. Vertumrus ra sức săn đuổi Belides. Để bảo vệ nàng thoát khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa đã biến nàng thành một đoá cúc trắng...
Còn người Ái Nhĩ Lan cổ cho rằng hoa cúc trắng là linh hồn của những hài nhi đã chết khi vừa mới sinh ra. Chúa rải hoa cúc khắp núi đồi, thảo nguyên, khắp trần gian để làm vơi đi nỗi buồn của những người cha mẹ... truyền thuyết dùng để giải thích tại sao cúc trắng mang ý nghĩa trong trắng, ngây thơ.
Người ta cũng kể rằng, Vua St Louis(Louis IX- là vua nước Pháp từ năm 1226 tới khi băng hà*) đã cho khắc hình hoa cúc trắng cùng với hoa diên vĩ và thánh giá trên chiếc nhẫn của Ông. Chiếc nhẫn này, theo lời nhà Vua, tượng trưng cho tất cả những gì ông yêu quý nhất: đức tin, nước Pháp và vợ ông - hoàng hậu Marguerite. Người Pháp gọi hoa cúc trắng là Marguerite từ đó...
Marguerite được người Bồ Đào Nha mang trồng thành luống ở Canary và Madeira từ hơn 200 năm trước; ngày nay hoa cúc trắng là một trong những loài hoa được trồng để cắt cành nhiều nhất.
Nhật có 2 quốc hoa đó là Hoa anh đào - biểu tượng cho quốc gia; và Cúc biểu tượng cho Hoàng gia.
Hoa cúc trắng trong đời thường đẹp một cách đơn giản nhưng đậm đà thiết tha, tuỳ theo kích thước lớn nhỏ mà chúng thuộc nhóm Chrysanthemum frutescens hay Chrysanthemum maximum.
Cây cúc trắng có thể cao đến cả mét, thân có cạnh và nham nhám, xanh ngắt. Lá màu xanh đậm hơi dài và ít chia thùy.
Hoa có thể to đến 10cm đường kính với 12-30 cánh hoa thuôn dài trắng ngần mọc quanh đầu nhụy kép to màu vàng tươi.


(*) Louis IX là vị vua duy nhất của nước Pháp được phong thánh và vì thế nên có nhiều địa điểm được đặt theo tên của Thánh Louis, tiêu biểu là Saint Louis, Missouri ở Hoa Kỳ... Louis IX cũng là vị vua thiết lập Pháp viện tối cao Paris.

 

NguyenNhuThach

Active Member
Thông tin, liên lạc trong lịch sử Việt Nam .
--------------------------------------------------------------------------------

Khá nhiều người nhầm tưởng rằng từ khi nước ta thuộc Pháp mới bắt đầu có ngành thông tin liên lạc bằng thư từ, điện báo, điện thoại. Thực ra, từ thời Lý Thái Tôn (1028-1054), để chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh, triều đình đã đặt ra các trạm thư, các thư tịch cũ gọi là nhà trạm.
Từ năm Quý Mùi 1043, Lý Thái Tôn đã cho phân chia các đường quan lộ ra từng cung một, mỗi cung có đặt một nhà trạm gọi là cung dịch hay là trạm dịch, để chạy công văn. Nhà trạm chuyên coi việc chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh, lại cùng làm nơi nghỉ chân, thay ngựa, thay phu của các quan chức sai đi các việc. Mỗi cung đường dài chừng 20 cây số. Tới thời Hồ Quý Ly (1400-1407), nhà Hồ đã mở rộng thêm đường cái quan để thuận tiện việc giao thông liên lạc qua các nhà trạm. Đó chính là hoạt động của ngành bưu điện của Việt Nam thời xưa.
Khi Lê Lợi kháng chiến chống nhà Minh (1418), Trần Nguyên Hãn, lúc đó đang còn đi bán dầu, có nuôi được đôi chim bồ câu và dạy chúng biết đưa thư. Ông đem theo cả đôi chim đưa thư vào Lam Sơn theo phò Lê Lợi. Lúc đóng quân ở thành Võ Ninh, ông bị quân Minh vây chặt. Nhưng đôi chim câu ấy đã đem được thư biểu về cho Lê Lợi. Nhờ vậy, Lê Lợi đã kịp cho quân đến Võ Ninh phá giặc, giải vây cho Trần Nguyên Hãn. Đó là một thành tích đáng kể của hoạt động bưu điện của ta xưa.
Mỗi triều đại, đều có sự chăm lo cho việc bưu chính. Đến cuối thế kỷ 17, nhà Lê đã tổ chức hệ thống bưu chính khá chặt chẽ. Trên các quan lộ đã có 54 cung dịch. Mỗi cung có nhà trạm xây tường, lợp lá, chung quanh có hào, bốn góc đều đặt chòi canh. Mỗi trạm do một người đội trạm phụ trách, có một phó đội, 10 phu trạm và bốn con ngựa tốt. Các cung phân bố hợp lý dọc đường huyết mạch từ bắc vào nam. Đến triều Nguyễn, trạm dịch tăng lên rất nhiều bố trí theo quan lộ từ Huế vào Nam kỳ và từ Huế ra Bắc thành (Hà Nội). Những viên chức nhà trạm thuộc Bộ binh trông nom, hưởng lương như lính và được miễn mọi tạp dịch. ở các tỉnh thì nhà án sát phát lương và giao công việc cho họ. Tại kinh đô Thăng Long có Trạm Hà Trung, nay còn dấu tích là phố Ngõ Trạm, giáp phố Hà Trung, gần chợ Hàng Da.
Lính trạm ăn mặc như người dân thường, chỉ khác là khi đi công vụ họ có đeo chuông hoặc cái nhạc trên vai. Như thế để mọi người biết mà tránh cho lính trạm đi không bị cản vướng. Qua đò, qua sông, bao giờ lính trạm cũng được đi trước. Lính trạm thường phải đi bộ, có việc khẩn mới được dùng ngựa. Người lính trạm cưỡi ngựa, để không bị ai cản trở trên đường, thường tay cầm một nắm lông gà hoặc một bó đuốc cháy dở để làm hiệu cho mọi người phải tránh. Có tục: phải tránh hòn than, lông gà là do từ sự phải tránh lính trạm đi ngựa. Cũng do đó mà có việc phê hai chữ hỏa tốc vào những công văn khẩn cấp. Đặc biệt, phu trạm đem tin chiến trường về kinh còn cầm thêm lá cờ lệnh mầu đỏ. Đến thời Nguyễn, hoạt động bưu chính lại kiện toàn thêm một bước. Công văn chuyển đi phải đựng trong ống tre to, gọi là ống công văn, hai đầu có buộc dây, gắn nhựa thông, đóng dấu kỹ lưỡng. Lính trạm có đeo hỏa bài trên cổ, báo hiệu đi gấp. Hỏa bài làm bằng gỗ sơn trắng viền đỏ, có khắc chữ mỗ huyện hỏa bài. Phu trạm là những người dai sức chạy bộ giỏi. Họ làm việc chạy chuyển công văn từ Huế ra Hà Nội, đường dài 700 cây số, mà chỉ trong 8 ngày là tới.
Cho đến thời Pháp thuộc, ở nước ta bắt đầu có tổ chức bưu điện, bưu chính theo kiểu châu Âu. Ngày 11-4-1860, thủy quân Pháp đã mở bưu cục đầu tiên ở Việt Nam, nhưng mới dùng trong nội bộ binh lính viễn chinh. Hai năm sau, ngày 17-3-1862, đường dây thép đầu tiên được khánh thành là đường dây thép Sài Gòn - Biên Hòa. Bức điện tín đầu tiên được đánh đi từ Biên Hòa lúc 6 giờ 53 phút, đúng 3 phút sau, ở Sài Gòn, tướng Bonard nhận được. Sở Bưu điện Sài Gòn khánh thành ngày 31-1-1863 nhưng chỉ để cho chính quyền sử dụng. Đến đầu năm 1864, cùng với việc phát hành đợt tem thư đầu tiên(tem Pháp), dân chúng được sử dụng bưu điện. Khi đó, người ta chưa quen dùng bưu điện, nên cả vùng Sài Gòn chỉ có duy nhất một ông bưu tá. Mỗi ngày ông bưu tá đi hai chuyến thư bằng một chiếc xe kéo. Ông ngồi nghễu nghện trên xe, dừng trước mỗi nhà có thư tín, ông dõng dạc kêu tên gia chủ ra nhận thư tín, nghe trịnh trọng như kêu danh các sĩ tử thi đỗ thời xưa.


Người lính phu trạm Việt Nam thuở xưa.
(Theo lichsuvn.info)
 

NguyenNhuThach

Active Member
(tiếp theo)
Tem sử dụng ở VN trước năm 1889 và Tem Indochine (Đông Dương)
Năm 1876, Pháp mở bưu cục Hải Phòng do Giám đốc Sở Kho bạc phụ trách - mở thêm bưu cục Quy Nhơn do một thư ký lãnh sự trông coi. Năm 1878 đã có 19 bưu cục ở Nam Kỳ mở thêm ngân vụ điện. Thời gian này, bưu điện nằm trong tổ chức kho bạc.
Năm 1882, Bưu điện Nam Kỳ tách khỏi kho bạc, thành cơ quan riêng. Lúc này, Bưu điện đã có 150 nhân viên làm việc ở 24 bưu cụcNam Kỳ, 02 bưu cục Cam-pu-chia. Những bưu cục này chỉ đặt ở thành phố và một số địa bàn quân sự quan trọng,ở huyện, xã không có bưu cục, nhân viên thu thuế làm thêm việc bán tem.
Tháng 4/1882, sau khi triều đình Nguyễn ký hòa ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp, Pháp mở các bưu cục ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Ninh Bình (Bắc Kỳ), Huế, Thuận An, Quy Nhơn (Trung Kỳ) vàmột số trạm liên lạc với các đơn vị quân đội đóng ở Cao Bằng, Lào Cai. Đến đây, Pháp đă mở bưu cục ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả Việt Nam.
Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng vào những năm 1886-1887 đã có tem dùng riêng cho Nam Kỳ là loại tem thương mại của Pháp in đè C.CH và giá mặt mới (C.CH viết tắt chữ COCHIN-CHINE là Nam Kỳ).
Năm 1888, chính quyền Pháp cũng dùng loại tem này nhưng có in đè 2 chữ A và T cùng giá mặt mới dùng riêng cho Trung Kỳ và Bắc Kỳ (A viết tắt chữ ANNAM là Trung Kỳ và T viết tắt chữ TONKIN là Bắc Kỳ).
Năm 1889 tem ĐÔNG Dương (INDOCHINE) chính thức ra đời dùng chung cho cả 3 nước Việt - Lào - Cam-pu-chia. Đây là loại tem thuộc địa Pháp (1881) được in đè chữINDOCHINE, con số 1889 hoặc 89, hai chữ R D(R viết tắt tên của toàn quyền RICHAUD và D viết tắt tên của giám đốc Bưu điện DES)
Năm 1892, Pháp phát hành tem ĐÔNG Dương, in hình 2 người phụ nữ Pháp ngồi trên thuyền, nâng cao lá cờ 3 sắc, tượng trưng cho ngành thương mại hàng hải, rải lá cờ nước Pháp trên mặt biển. Giá mặt trên tem là 04 xu.
Năm 1897, sau khi đã mở bưu cục ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả Việt Nam và ĐÔNG Dương, Pháp từng bước kiện toàn bộ. máy bưu điện. Năm 1925, mở thêm ban bưu điện ở trường thương mại Hà Nội đào tạo nhân viên bưu điện với chương trình học 02 năm.

Tháng 3/1936, đường xe lứa Hà Nội - Sài Gòn được khánh thành, tạo phương tiện bưu vận mới xuyên Việt. Năm 1938, Hàng không bưu chính tiếp tục mở rộng qua các chuyến bay Hà Nội - Côn Minh, Hà Nội - Sài Gòn- Hồng Kông, Hà Nội - Vạn Tượng - Sài Gòn.Thời kỳ 1897 -1945, Pháp đã xoá bỏ hệ thống vận chuyển tin tức kiểu phong kiến (chỉ dành cho nhu cầu công vụ), thay vào đó là việc phục vụ. rộng hơn và cho nhiều đối tượng, từng bước xã hội hóa ngành bưu chính. Việc lập hệ thống bưu chính nông thôn tuy còn hạn hẹp, song đã kích thích việc sử dụng bưu chính của người dân, góp phần quan trọng cho việc phát hành một số mẫu tem mới, phát triển doanh thu bưu chính.Kể từ khi con tem đầu tiên cho tới khi tem ĐÔNG Dương cuối cùng do người Pháp cho lưu hành tại nước ta, tổng cộng có 75 bộ tem, 493 mẫu tem, 01 mẫu blốc.

Năm Bính Tuất ( 1886 ), Pháp cho in đè chữ C.CH (Cochinchine ) trên những con tem Pháp để dành riêng cho các thuộc địa ở Đông Dương.Tem Cochin-Chine tổng cộng chỉ phát hành có 5 mẫu như sau:


Tem Đông Dương được bắt đầu tính từ năm 1889 với 2 mẫu tem Pháp được in đè chữ Indochine và năm 1889.
Đây được xem là 2 mẫu tem Đông Dương đầu tiên.




4 con tem này hiện nay giá khoảng hơn 1500USD:


Bộ tem thuộc địa ( timbres coloniaux ) có in chữ Đông Dương (Indochine) đầu tiên 1892 gồm 21 mẫu với 19 mẫu in chữ Indochine và 2 mẫu in đè giá mặt mới. Tuy nhiên theo NST Nguyễn Bảo Tụng, chỉ thấy thống kê 13 giá mặt : 0.01fr, 0.04fr, 0.05fr, 0.1fr, 0.15fr, 0.20fr, 0.25fr, 0.30fr, 0.40fr,0.50fr, 0.75fr, 1 fr, 2fr. Tem này vẽ hình một chiếc ghe đang xông pha nơi biển cả, trên thuyền có 2 người đang ngồi ở 2 phía đối diện, tượng trưng cho Hàng hải và Thương Mại, nâng cao 1 cái sừng phong phú ( corne d'abondance ) và 1 lá cờ của nước Pháp. Giới thiệu với các bạn 3 mẫu :
(sưu tầm)
 

NguyenNhuThach

Active Member



Bưu Điện Đông Dương bắt đầu phát hành tem Hàng Không Bưu Chính vào năm 1933 với một serie cả chục tem đủ các giá mặt , những con tem này được in rất đẹp cùng một hình chiếc máy bay một động cơ mà dân ta thường gọi là máy bay đầm già.Ngày phát hành 1 tháng 6 năm 1933 cho đến hết năm 1941 là đủ 20 tem mang mã số SCOTT từ C1 đến C17...tem mang mã số C5 với giá mặt 11 xu phát hành năm 1938..tem mang mã số C6A , C10A và C13A phát hành năm 1941.Hai con tem cuối cùng của hàng không bưu chính Đông Dương cùng một design hình máy bay phát hành năm 1949 với giá mặt 20 đồng và 30 đồng đây là 2 con tem có giá trị cao trong serie tem này.


Ngoài ra Bưu Điện Đông Dương còn cho in ra một loại bì thư in sẳn hình con tem mang giá mặt 36 xu dùng để gởi theo máy bay. Loại bì thư in sẳn tem này có kích thước nhỏ 11.5X9 cm , có 2 loại bì này(loại không in chữ trên bì và có in nhiều hàng chữ nhỏ poste aerienne indochine)

 

NguyenNhuThach

Active Member
Nói về tem Hàng Không Bưu Chính của Đông Dương thì ngoài bộ máy bay như trên còn có bộ tem 6 con với tiêu đề Chad to Rhine ...đây là bộ tem được nhiều nước thuộc địa cùng xài chung một mẫu (common design types) , bộ tem mang hình ảnh cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã của lực lượng France Libre dưới quyền chỉ huy của tướng De Gaule .Sáu con tem mang hình ảnh khác nhau từ cuộc chiến bên Phi Châu cho đến ngày đổ bộ Normandie và giải phóng Paris .

 

NguyenNhuThach

Active Member
Bộ tem "Giờ trái đất"
Ngày 11/3/2009 vừa qua, Bưu chính Úc chính thức phát hành bộ tem "Giờ Trái Đất".
Giờ trái đất là sáng kiến của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Úc, với mục đích nâng cao nhận thức của con người về hiện tượng nóng lên của trái đất và chỉ cho mỗi người một hành động rất nhỏ nhưng cùng nhau tạo nên một tác động lớn trong việc giảm hiệu ứng nhà kính, sự phát thải khí và cứu hành tinh của chúng ta.
Ba mẫu tem được thiết kể bởi họa sĩ Hoyne Design và đều có dòng chữ đặc biệt:” Earth Hour 8.30 pm 28.03.09”. Bộ tem được trình bày bằng những hình ảnh đơn giản về 3 loại vật trong đó có 2 loại đang bị đe dọa.

Thông điệp được gửi qua những mẫu tem:
Tắt đèn .
Tắt công tắc điện .
Tiết kiệm năng lượng.


 

NguyenNhuThach

Active Member

Chim săn mồi Alderney
Ngày 15 tháng 05 năm 2008, Alderney đã phát hành một bộ tem hết sức thú vị về loài chim săn mồi ở Alderney.Bộ tem này gồm 6 con.
34p Chim ó Buteo buteo
40p Chim ưng Falco peregrinus
48p Chim cắt Falco tinnunculus
51p Chim cú Tyto alba
53p Chim cú Asio otus
74p Chim bồ cắt Accipiter nisus

Tem Bướm 2008 của Alderney
Trong muôn loài sinh vật trên trái đất đầy quyến rũ này, Bướm luôn chiếm một vị trí đặc biệt với vẻ đẹp rực rỡ nhưng cũng rất tao nhã.Chúng ta thật khó có thể cầm lòng khi ngắm nhìn những cánh Bướm tung tăng trong nắng sớm. Lúc đó, ta bỗng nghe lòng mình thanh thản đến lạ.
Alderney hiện có khoảng 30 loài Bướm, một số loài có số lượng rất lớn, đó là nơi mà người ta "có thể ngắm nhiều loài Bướm đẹp cùng một lúc". Những cánh Bướm xinh đẹp lại tung tăng trên bộ tem "Bướm Alderney" được đảo quốc này phát hành ngày 28-02-2008, mang đến cho người sưu tập một bộ tem thật dễ thương.


Địa hạt Guernsey (tiếng Pháp: Bailliage de Guernesey) là một thuộc địa Hoàng gia của Anh trong eo biển Anh về phía bờ biển Normandy.
Ngoài chính đảo Guernsey, nó cũng gồm Alderney, Sark, Herm, Jethou, Brecqhou, Burhou, Lihou và những tiểu đảo khác. Mặc dù việc phòng thủ của những đảo này là trách nhiệm của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Guernsay không phải là một phần của Vương quốc Anh mà là một sở hữu riêng của Hoàng gia, giống như Đảo Man. Guernsey cũng không phải thành viên của Liên minh châu Âu. Đảo Guernsey được chia thành 10 xã. Cùng với Địa hạt Jersey, nó nằm trong nhóm đảo được biết đến với tên Quần đảo Eo biển
.
 

NguyenNhuThach

Active Member
Chiếc xe trượt do những chú chó kéo vẫn lao nhanh trong thế giới của băng tuyết. Không có đường lộ rõ ràng mà chỉ toàn là tuyết trắng mênh mông. Người và thú chỉ dựa vào trí nhớ, phương hướng và kinh nghiệm để chạy dọc theo những tuyến đường mòn.
Một vùng mênh mông trắng xoá… chỉ có tuyết và tuyết… thỉnh thoảng nổi lên tiếng gió hú vang… âm 30ºC… âm 50ºC… thế nhưng “sự im lặng màu trắng” chết người đó vẫn không làm chùn bước người đưa thư và các chú chó dũng cảm nơi miền Bắc Cực.

Sự kiện "chó Balto trên tem



Năm 1858, British Columbia trở thành thuộc địa của Anh; rồi phong trào tìm vàng đã lôi kéo nhiều người đến sinh sống nhằm thực hiện giấc mộng vàng. Vài thị trấn được hình thành trong vùng băng tuyết. Như một nhu cầu bức thiết, nơi nào có cư dân, nơi đó có bưu điện. Hệ thống bưu chính ở Bắc Cực hình thành từ đó. Xe trượt do chó kéo, một phương tiện giao thông độc đáo trên băng tuyết, được dùng cho những chuyến hành trình giao nhận thư. Cụm từ Dog Team Mail hay Sled Dog Mail dùng để chỉ phương thức phục vụ này.

Có sống trong vùng băng tuyết bao phủ quanh năm suốt tháng mới hiểu nổi hết sự can đảm và kiên cường của những con người mang trọng trách “Nối tin yêu giữa Người Và Người” nơi đây.
Vào cuối những năm 1920 và đầu 1930, Ed Whitehouse ký hợp đồng giao nhận thư từ vào mùa đông giữa Dawson City và Stewart Island bằng đoàn chó riêng của ông. Thường thường chiếc xe trượt do chó kéo của Ed chở khoảng 230kg thư từ, bưu phẩm từ bưu điện trung tâm Dawson đến các trạm dọc suốt tới Stewart, rồi từ đó đi đến Scroggie Creek… ngược dòng sông Stewart và đáo ngược lại. Đoạn đường dài 161km này là một trong những chặng đường gian khổ nhất của lịch sử đưa thư miền Bắc Cực.

Đoàn chó của Ed là giống chó Alaska malamutes, ông chăm sóc chúng rất cẩn thận, cho chúng ăn bằng những thức ăn pha trộn riêng theo từng bữa ăn. Tối đến, nếu có điều kiện ông luôn cho chúng nghỉ trong lều hay cabin để cơ bắp được thư giãn.
Trong suốt cuộc đời làm công việc đưa thư nơi Bắc Cực, ông chưa từng làm mất một lá thư cũng như chưa bị mất đi một chú chó nào.
Ed đã kể lại: có lần trong lúc vượt qua mặt băng đóng trên sông Yukon, gặp chỗ băng mỏng ông và chiếc xe kéo bị chìm vào lớp nước đang đông đá. Ở Bắc cực đây là mối nguy hiểm nhất vì nước sông cực kỳ lạnh sẽ làm đông cứng người trong chốc lát, thế nhưng đoàn chó đã cứu mạng ông, chúng lôi ông và cả chiếc xe kéo ra khỏi nước, mang ông về đến cabin gần nhất và sưởi ấm ông.

Tháng 1 năm 1925, một trận dịch Bạch hầu đe doạ tính mạng nhiều trẻ em ở Nome.Thuốc đặc trị đã hết, bão tuyết lại cô lập tỉnh lỵ này những núi băng trơn trợt. Trạm y tế tỉnh lỵ Nome chỉ có mỗi cách gởi điện khẩn đến Anchorage cầu cứu. Thuốc được gởi cấp tốc đến Nenana bằng xe lửa và những người hùng cùng các chú chó dũng cảm của bưu điện Nenana trong vòng 5 ngày rưỡi đã vượt qua chặng đường dài 674 dặm (1.085km) giữa mịt mù bão tuyết để mang thuốc tới Nome kịp thời, cứu thoát tính mạng của các thiên thần nhỏ.
Nổi bật nhất trong cuộc “giao hàng” lịch sử này phải kể đến Gunnar Kaasen cùng đàn chó do chú chó Balto dẫn đầu thực hiện đoạn đường chót đến Nome, đoạn đường gian truân nguy hiểm nhất. Những người hùng này đã nhận được huân chương cao quý của ngành Y và riêng Gunnar cùng chú chó Balto đã được dựng tượng kỷ niệm ở New York.Câu chuyện cũng được dựng thành phim và bộ phim hoạt hình "Chú chó Balto" đã được trình chiếu trên tuyền hình cách đây không lâu,xin xem ở đây:
http://forum.vietpet.com/showthread.php?p=153498#post153498


Ngày nay hàng năm người ta vẫn tổ chức cuộc đua mang tên Great Race of Mercy hay 1925 Serum Run to Nome với sự tham gia của nhiều đoàn người và chó trên khắp thế giới, để thể hiện lại sự kiện hào hùng này.

 
Top