Phu Dung
Moderator
Thứ sáu, 06/01/2012 07:02
(ĐSCT) Đã hai năm nay, những người đi tập thể dục buổi sáng và khách dạo chơi trong công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) thường bắt gặp một phụ nữ đẩy một chiếc xe với những chiếc túi đựng tấm, thóc, chuối để cho chim sẻ, bồ câu, sóc trong công viên ăn. Không phải là nhân viên của công ty cây xanh, chị bỏ thời gian, công sức và tiền bạc làm công việc này một cách tự nguyện, chỉ vì tấm lòng dành cho muông thú sống hoang dã trong công viên.
Chị Liễu cho chim ăn trước cổng Cung văn hóa Lao động - công viên Tao Đàn
NẶNG MỘT CHỮ THƯƠNG
Nhà khá gần công viên Tao Đàn nên chị Liễu thường đi tập thể dục tại đây. Chị nhớ lại: “Trong những lần đi bộ cách đây chừng hai năm, tôi chợt nhận thấy lũ chim, sóc trong công viên có dáng vẻ gầy yếu, lông xơ xác, luôn nháo nhác tìm ăn. Nhưng công viên Tao Đàn rất ít cây có hạt, có trái làm thức ăn cho chúng. Thấy thương quá. Vậy là từ đó mỗi sáng đi tập thể dục, tôi kết hợp mang thức ăn ra cho chúng. Trước đây mỗi ngày tôi mua khoảng ba ký tấm và thóc cho chim sẻ và chim bồ câu, ba ký chuối cho sóc. Sau này lũ chim sóc kéo đến ăn đông hơn, sinh sôi nhiều hơn nên mua thêm”.
Khoảng bảy giờ sáng, bất kể ngày mưa hay nắng, chị Liễu kéo chiếc xe nhỏ đem thức ăn đến bốn điểm quen thuộc trong công viên. Lũ chim thì chỉ cần rải gạo thóc ra, còn chuối cho sóc thì phải cắt từng lát xếp dưới các gốc cây, để chúng có thể nhào xuống tha lên dễ dàng. “Ban đầu chúng chưa quen nên rất nhát, nhất là lũ sóc luôn sợ người ta bắt. Nay thì chúng dạn lắm, vừa thấy mình xuất hiện là bồ câu, chim sẻ sà xuống vây quanh, còn lũ sóc thì thập thò, nhảy cuống quýt trên cành. Dễ thương lắm...” - gương mặt chị bừng sáng khi nói về niềm vui của mình.
Có một dạo chị Liễu bị bệnh, phải nằm viện mất hai tuần. “Tôi sốt ruột lắm. Cứ nghĩ những con chim, sóc bị đói, mỗi ngày trông ngóng mình mà không thấy, thương lắm. Vậy là phải nhờ hai cô bạn, người lo mua thức ăn, người cho ăn giúp. Họ cũng thương những con vật sống hoang dã như tôi, nên vui vẻ nhận lời”.
NHỮNG CÁI BẪY TAI ÁC
Cách đây chừng nửa năm, chị Liễu nhận thấy lũ chim, sóc đang đông vui dường như thưa vắng dần. Đã thế, chúng còn tỏ ra e dè, sợ sệt. Chị tìm hiểu và một số người thường xuyên có mặt trong công viên cho biết, thời gian gần đây có một gã chuyên dùng luới và bẫy bắt chim, sóc trong công viên để làm mồi nhậu và bán. Phẫn nộ và đau xót, chị quyết truy tìm bằng được gã thợ săn nọ. Và chị choáng váng khi phát hiện người đó lại chính là một nhân viên chăm sóc cây xanh của công viên.
Gặp phải “nghịch cảnh”, chị tìm gặp người có trách nhiệm của công viên Tao Đàn nhờ can thiệp. Qua một người quen làm ở Báo CATP, chị nêu bức xúc và được anh Năm Tu Huýt lên tiếng ở chuyên mục “Chuyện hàng tuần”... Chị bảo: “Nhờ vậy mà cũng đỡ được một thời gian dài anh ạ. Thời gian sau này tôi lại nghe nói người ta vẫn bắt chim, sóc nhưng kín đáo hơn, lựa lúc vắng vẻ hơn. Một lần cho chúng ăn xong, tôi phát hiện trên đám đất có rất nhiều đinh, móc sắt để chăng lưới. Vậy là hôm sau phải đem theo chiếc kềm để nhổ đinh...”.
Chị có một người quen là bạn của ông Giám đốc Công ty công viên cây xanh. Một lần bức xúc, chị nhờ người này “nói giùm với ông giám đốc một tiếng”. Ít bữa sau chị gọi điện hỏi thăm, người bạn bảo: “Thôi đi chị ạ. Với chị chuyện đó là lớn, còn với người ta lại là chuyện nhỏ. Trong công viên không có chim sóc thì đã chết ai đâu?”. Chị cười buồn: “Tôi vẫn định có dịp thì xin gặp ông giám đốc để trình bày. Biết đâu gặp người có tâm, người ta sẽ can thiệp. Ít nhất thì trong các công viên cũng nên có những tấm biển cấm săn bắn chim, thú. Một công viên cả trăm tuổi đời, nhiều cây cổ thụ, nhiều người dạo chơi thư giãn như công viên Tao Đàn mà vắng bóng những con vật vui tươi như chim, sóc cũng buồn lắm chứ”.
NIỀM VUI LAN TỎA
Hồi đầu thấy chị Liễu cho chim và sóc ăn, đôi người lấy làm lạ nói “chị này sao mà rảnh quá, dư tiền đi làm chuyện tào lao”. Nhưng cũng không ít người đã nhìn chị với con mắt cảm tình, mến phục. Nhiều nhân viên bảo vệ và công nhân công ty cây xanh ở Tao Đàn khuyến khích, giúp đỡ chị. Không ít các bà, các cô nói họ muốn làm như chị lắm nhưng không có điều kiện thời gian, xin góp tiền để chị mua thức ăn cho lũ chim, sóc. Thời gian gần đây, một chàng trai phụ thêm công việc của chị, mua mỗi ngày hai ký thóc. Một bà cụ bán thuốc lá, nước ngọt trước cổng Cung văn hóa Lao động cũng dành tiền mua thóc cho chim ăn. Một ông già thường đi bộ tập thể dục trong công viên nói: “Tôi xin thay mặt những con chim, con sóc cảm ơn cô. Nhờ cô mà chúng nó được ăn no. Ở thành phố mình cũng nhiều công viên có chim, có sóc lắm, nhưng tụi nó ở đây có phước mới gặp được cô”.
Có một bà thường đi dạo ở một công viên khác nghe kể về chị, liền tìm gặp. “Bà ấy bàn với tôi thành lập một câu lạc bộ hay Hội bảo vệ động vật hoang dã trong công viên ở TPHCM. Sẽ không thiếu người góp công góp của, cùng nhau chăm sóc chim thú, chặn tay kẻ xấu. Tôi thấy ý đó cũng hay lắm, nhưng thú thật là mình không đủ sức khỏe và cũng không có khả năng tổ chức” - chị lấy làm tiếc khi nói về điều này.
Chị Liễu nhớ mãi hình ảnh một người cha dắt con đi dạo trong công viên. Cả hai say sưa nhìn chị cho chim sóc ăn, đứa bé chạy đến xin tham gia cùng chị. Khi ra về, người cha dắt con lại và nói: “Việc làm của chị không chỉ tốt cho những con vật, mà trẻ em và ngay cả người lớn chúng tôi cũng học được tình yêu đối với thiên nhiên, muông thú. Khi mà xã hội vẫn còn những điều ác, điều bất nhân thì những việc làm từ tâm như chị là gieo mầm thiện, gieo tình yêu thương. Quý lắm chị ạ”.
MINH PHONG
Nguồn: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=707&id=453977
(ĐSCT) Đã hai năm nay, những người đi tập thể dục buổi sáng và khách dạo chơi trong công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) thường bắt gặp một phụ nữ đẩy một chiếc xe với những chiếc túi đựng tấm, thóc, chuối để cho chim sẻ, bồ câu, sóc trong công viên ăn. Không phải là nhân viên của công ty cây xanh, chị bỏ thời gian, công sức và tiền bạc làm công việc này một cách tự nguyện, chỉ vì tấm lòng dành cho muông thú sống hoang dã trong công viên.
Chị Liễu cho chim ăn trước cổng Cung văn hóa Lao động - công viên Tao Đàn
NẶNG MỘT CHỮ THƯƠNG
Nhà khá gần công viên Tao Đàn nên chị Liễu thường đi tập thể dục tại đây. Chị nhớ lại: “Trong những lần đi bộ cách đây chừng hai năm, tôi chợt nhận thấy lũ chim, sóc trong công viên có dáng vẻ gầy yếu, lông xơ xác, luôn nháo nhác tìm ăn. Nhưng công viên Tao Đàn rất ít cây có hạt, có trái làm thức ăn cho chúng. Thấy thương quá. Vậy là từ đó mỗi sáng đi tập thể dục, tôi kết hợp mang thức ăn ra cho chúng. Trước đây mỗi ngày tôi mua khoảng ba ký tấm và thóc cho chim sẻ và chim bồ câu, ba ký chuối cho sóc. Sau này lũ chim sóc kéo đến ăn đông hơn, sinh sôi nhiều hơn nên mua thêm”.
Khoảng bảy giờ sáng, bất kể ngày mưa hay nắng, chị Liễu kéo chiếc xe nhỏ đem thức ăn đến bốn điểm quen thuộc trong công viên. Lũ chim thì chỉ cần rải gạo thóc ra, còn chuối cho sóc thì phải cắt từng lát xếp dưới các gốc cây, để chúng có thể nhào xuống tha lên dễ dàng. “Ban đầu chúng chưa quen nên rất nhát, nhất là lũ sóc luôn sợ người ta bắt. Nay thì chúng dạn lắm, vừa thấy mình xuất hiện là bồ câu, chim sẻ sà xuống vây quanh, còn lũ sóc thì thập thò, nhảy cuống quýt trên cành. Dễ thương lắm...” - gương mặt chị bừng sáng khi nói về niềm vui của mình.
Có một dạo chị Liễu bị bệnh, phải nằm viện mất hai tuần. “Tôi sốt ruột lắm. Cứ nghĩ những con chim, sóc bị đói, mỗi ngày trông ngóng mình mà không thấy, thương lắm. Vậy là phải nhờ hai cô bạn, người lo mua thức ăn, người cho ăn giúp. Họ cũng thương những con vật sống hoang dã như tôi, nên vui vẻ nhận lời”.
NHỮNG CÁI BẪY TAI ÁC
Cách đây chừng nửa năm, chị Liễu nhận thấy lũ chim, sóc đang đông vui dường như thưa vắng dần. Đã thế, chúng còn tỏ ra e dè, sợ sệt. Chị tìm hiểu và một số người thường xuyên có mặt trong công viên cho biết, thời gian gần đây có một gã chuyên dùng luới và bẫy bắt chim, sóc trong công viên để làm mồi nhậu và bán. Phẫn nộ và đau xót, chị quyết truy tìm bằng được gã thợ săn nọ. Và chị choáng váng khi phát hiện người đó lại chính là một nhân viên chăm sóc cây xanh của công viên.
Gặp phải “nghịch cảnh”, chị tìm gặp người có trách nhiệm của công viên Tao Đàn nhờ can thiệp. Qua một người quen làm ở Báo CATP, chị nêu bức xúc và được anh Năm Tu Huýt lên tiếng ở chuyên mục “Chuyện hàng tuần”... Chị bảo: “Nhờ vậy mà cũng đỡ được một thời gian dài anh ạ. Thời gian sau này tôi lại nghe nói người ta vẫn bắt chim, sóc nhưng kín đáo hơn, lựa lúc vắng vẻ hơn. Một lần cho chúng ăn xong, tôi phát hiện trên đám đất có rất nhiều đinh, móc sắt để chăng lưới. Vậy là hôm sau phải đem theo chiếc kềm để nhổ đinh...”.
Chị có một người quen là bạn của ông Giám đốc Công ty công viên cây xanh. Một lần bức xúc, chị nhờ người này “nói giùm với ông giám đốc một tiếng”. Ít bữa sau chị gọi điện hỏi thăm, người bạn bảo: “Thôi đi chị ạ. Với chị chuyện đó là lớn, còn với người ta lại là chuyện nhỏ. Trong công viên không có chim sóc thì đã chết ai đâu?”. Chị cười buồn: “Tôi vẫn định có dịp thì xin gặp ông giám đốc để trình bày. Biết đâu gặp người có tâm, người ta sẽ can thiệp. Ít nhất thì trong các công viên cũng nên có những tấm biển cấm săn bắn chim, thú. Một công viên cả trăm tuổi đời, nhiều cây cổ thụ, nhiều người dạo chơi thư giãn như công viên Tao Đàn mà vắng bóng những con vật vui tươi như chim, sóc cũng buồn lắm chứ”.
NIỀM VUI LAN TỎA
Hồi đầu thấy chị Liễu cho chim và sóc ăn, đôi người lấy làm lạ nói “chị này sao mà rảnh quá, dư tiền đi làm chuyện tào lao”. Nhưng cũng không ít người đã nhìn chị với con mắt cảm tình, mến phục. Nhiều nhân viên bảo vệ và công nhân công ty cây xanh ở Tao Đàn khuyến khích, giúp đỡ chị. Không ít các bà, các cô nói họ muốn làm như chị lắm nhưng không có điều kiện thời gian, xin góp tiền để chị mua thức ăn cho lũ chim, sóc. Thời gian gần đây, một chàng trai phụ thêm công việc của chị, mua mỗi ngày hai ký thóc. Một bà cụ bán thuốc lá, nước ngọt trước cổng Cung văn hóa Lao động cũng dành tiền mua thóc cho chim ăn. Một ông già thường đi bộ tập thể dục trong công viên nói: “Tôi xin thay mặt những con chim, con sóc cảm ơn cô. Nhờ cô mà chúng nó được ăn no. Ở thành phố mình cũng nhiều công viên có chim, có sóc lắm, nhưng tụi nó ở đây có phước mới gặp được cô”.
Có một bà thường đi dạo ở một công viên khác nghe kể về chị, liền tìm gặp. “Bà ấy bàn với tôi thành lập một câu lạc bộ hay Hội bảo vệ động vật hoang dã trong công viên ở TPHCM. Sẽ không thiếu người góp công góp của, cùng nhau chăm sóc chim thú, chặn tay kẻ xấu. Tôi thấy ý đó cũng hay lắm, nhưng thú thật là mình không đủ sức khỏe và cũng không có khả năng tổ chức” - chị lấy làm tiếc khi nói về điều này.
Chị Liễu nhớ mãi hình ảnh một người cha dắt con đi dạo trong công viên. Cả hai say sưa nhìn chị cho chim sóc ăn, đứa bé chạy đến xin tham gia cùng chị. Khi ra về, người cha dắt con lại và nói: “Việc làm của chị không chỉ tốt cho những con vật, mà trẻ em và ngay cả người lớn chúng tôi cũng học được tình yêu đối với thiên nhiên, muông thú. Khi mà xã hội vẫn còn những điều ác, điều bất nhân thì những việc làm từ tâm như chị là gieo mầm thiện, gieo tình yêu thương. Quý lắm chị ạ”.
MINH PHONG
Nguồn: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=707&id=453977