• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Nước mắt loài voọc

Trong vai người có nhu cầu mua voọc chà vá để lấy da thuộc bông làm cảnh, chúng tôi dễ dàng tiếp cận, chứng kiến những cảnh buôn bán, xẻ thịt loài động vật này để nấu cao ở khu vực Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cận Tết, nhu cầu của các đại gia ở dưới xuôi tìm mua loài động vật sách đỏ này rất nhiều. Người dân cho biết, voọc ở đây một con nặng 10kg, giá 1 triệu đồng.

HÀNH QUYẾT THÚ QUÝ HIẾM
Vào những ngày này, Vườn quốc gia Vũ Quang mưa lâm thâm, giá lạnh, núi rừng phủ kín sương mù dày đặc. Đây cũng là vào mùa đi săn của người dân sống ở các xã Hương Quang và Hương Điền (Vũ Quang).

Vượt 70 cây số, trong vai người đi mua voọc ngũ sắc (người dân địa phương gọi là voọc chà vá năm màu), chúng tôi trực chỉ xã Hương Quang. Người dân ở đây cho biết vừa bán hết và “nhiệt tình” bảo chúng tôi chờ họ vào rừng săn khoảng vài ngày là có voọc đưa về bán. Thợ săn H. còn khuyên “đặt cọc” cho anh ta một trăm ngàn đồng rồi yên tâm về nhà nghỉ, lúc nào có “hàng” sẽ điện thoại lên lấy. “Gần Tết rồi nên nhiều người rất muốn mua để về lấy da thuộc làm cảnh. Vì vậy cứ săn được con nào là họ tìm đến mua liền. Anh mà không đặt cọc thì khó mua lắm” - H. “doạ” tôi.

Theo những người đi săn, thông thường mỗi con voọc nặng khoảng 9 - 10kg, thịt của loài động vật sách đỏ này giá một trăm ngàn đồng một ký hơi. Trong khi đó, thịt khỉ giá 120 - 130 ngàn đồng một ký. Lý do của sự chênh lệnh giá giữa thịt khỉ và thịt voọc được họ lý giải rằng, thịt khỉ ngon hơn thịt voọc và cao khỉ chất lượng cũng hơn cao voọc. “Mùa mưa này voọc thường leo trên các cành cây hót, nên cánh thợ săn chúng tôi rất dễ phát hiện ra nơi ẩn náu của chúng” - một thợ săn cho biết.

Đang lân la tìm hiểu, chúng tôi được một người phụ nữ giới thiệu: “Hôm qua nhà anh T. săn được một con đang tìm người mua. Anh đến đó chắc là có”. Sau đó, người phụ nữ này tận tình dẫn chúng tôi đến nhà T.

Vừa bước chân vào nhà, thợ săn T. vừa rót nước mời vừa phân trần: “Hôm qua tìm người mua mỏi cả mắt không thấy, sợ để lâu thịt nó hư nên tôi đang chuẩn bị làm thịt nấu cao. Nếu cần gấp quá anh cứ đặt cọc 100 ngàn đồng, tôi vào rừng đi săn khoảng vài ngày về kiểu gì cũng có “hàng””. Như để chứng minh địa chỉ của mình “uy tín”, T. dắt chúng tôi ra sau sân giếng. Tại đây, một con linh trưởng thân màu xám, đầu, chân có nhiều màu sắc khác nhau, nằm trên sân. Đưa tay chỉ về nó, T. cho biết: “Con này bị thương quá nặng nên bộ da của nó không thuộc được”.
Khi T. đang huyên thuyên “quảng cáo” với chúng tôi thịt voọc có thể sử dụng nấu cao, bộ da nó sấy khô đưa đi thuộc có giá trên triệu đồng, thì cũng là lúc người nhà anh ta tưới nước sôi lên mình con vật tội nghiệp, rồi thay nhau cạo lông. Xong, họ ném nó vào nồi nước rửa qua, chuẩn bị đưa lên đống lửa đã được nhen sẵn để thui. Tiếp đó, họ mổ bụng lấy lục phủ ngũ tạng con vật, rồi chặt nó ra thành nhiều miếng cho vào nồi nấu cao.

Trong lúc đang nói chuyện với thợ săn T. thì một người đàn ông trạc 35 tuổi, da ngăm đen bước vào nhà. T. nhanh nhảu giới thiệu tên là Ngọc, cũng là một thợ săn có hạng trong vùng. Vừa ngồi xuống, Ngọc móc từ trong túi áo ra một viên đạn ria (một loại đạn dùng cho súng săn, chứa nhiều mảnh kim loại nhỏ, khi bắn chùm kim loại này bung ra xung quanh, gây sát thương rất rộng) to bằng ngón tay cái, phía ngoài được sơn đỏ, khoe với T.: “Em mới kiếm được loại đạn này ở dưới thị trấn Đức Thọ. Nghe nói đạn này mà bắn thì cả đàn cũng chết chứ nói gì một vài con”.

“TÔI CHƯA BIẾT CON VOỌC LÀ CON GÌ” (!?)
Nạn săn bắn thú rừng không chỉ xảy ra ở xã Hương Quang, tình trạng này cũng rất phổ biến ở xã Hương Điền. Do sống giữa rừng, người dân ở hai xã này chủ yếu sống dựa vào nghề khai thác gỗ trái phép và săn bắn thú rừng. Hàng ngày, nhiều loại thú quý hiếm đang dần biến mất khỏi Vườn quốc gia Vũ Quang, vì ngoài săn bắn họ còn đặt bẫy để bắt thú. Trong một ngày ở đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều loài thú bị săn, bẫy được đưa ra khỏi rừng mỗi buổi chiều. Những con vật xấu số này sau đó sẽ được người nhà của các thợ săn đưa đến bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Một số thợ săn chỉ cần đưa thú ra khỏi rừng là có đầu nậu đón mua, nhưng bán theo kiểu này thì giá rẻ hơn.

Ông Mai Thiết Sơn - Phó giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, cho biết: “Trong năm 2009, Vườn quốc gia Vũ Quang đã ba lần truy quét tình trạng săn bắn ở các xã Hương Quang và Hương Điền. Chúng tôi đã tháo dỡ hàng trăm loại bẫy bị người dân nơi đây cài đặt trong rừng. Theo đó, chúng tôi cũng bắt được 2 vụ vận chuyển voọc từ trong rừng ra. Trong đó có một con đã chết nên chúng tôi đưa đi thuộc da làm tiêu bản nghiên cứu, con còn sống thì đưa thả lại rừng”.

Chúng tôi kể lại những gì mắt thấy tai nghe về việc người dân săn bắn, buôn bán, làm thịt voọc. Ông Sơn lý giải: “Các anh là người nơi khác đến, vì vậy có thể tiếp cận những người săn bắn, buôn bán voọc dễ. Riêng chúng tôi, mỗi lần truy quét họ chỉ cần thấy bóng là nhà này thông báo cho nhà kia đem đi nơi khác giấu”.

Ông Trần Đức Táo - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang, nói: “Tôi chưa biết con voọc là con gì cả. Tôi nghĩ voọc ở các khu vực sinh thái chứ ở đây không có” (!?). Ông Táo cho biết, trong năm 2009, Hạt Kiểm lâm Vũ Quang không xử lý được vụ vận chuyển buôn bán động vật hoang dã nào.

Chúng tôi lấy làm tiếc không thể đăng lên báo những bức ảnh các tư thể voọc bị hành hình vì nó quá giống... hình hài một con người! Thế cho nên đành giới thiệu hình ảnh con voọc tự do, bên cạnh hình ảnh một con sắp bị làm thịt để so sánh.

Voọc chà vá
Một con voọc chà vá bị giết



VĂN TÌNH
 
Top