• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Một Câu Chuyện Buồn: Bữa Tiệc đêm Cuối Năm

Ti Bui

Member
BỮA TIỆC ĐÊM CUỐI NĂM​

Truyện ngắn của Di Li


Anh phải tống con chó này đi.

Viễn thở dài, cái nắm tròn xoe chạy đi chạy lại trước mặt anh trở nên nhòe nhoẹt. Màu trắng toát như tuyết đã biến thành những quầng xanh, đỏ, vàng. Những đốm màu sắc mờ ảo có vẻ đang tiến sát lại gần anh. Viễn hầu như không còn nhìn thấy gì, song bàn tay lạnh buốt cảm thấy một luồng hơi nóng ẩm ướt. Anh lắc mạnh đầu, đôi mắt nâu tròn xoe buồn bã đang ở phía trước. Nó rón rén đặt bàn chân cũng đã lạnh toát lên tay Viễn. Anh lặng lẽ cúi xuống, cọ một bên má vào tai con chó. Con Vích không ngần ngại đáp trả lại bằng sự âu yếm cố hữu của loài chó. Mùi hôi quen thuộc phả qua khứu giác đã tê liệt làm Viễn thấy cay đắng.

Đã ba ngày nay dạ dày anh rỗng không, đương nhiên con Vích cũng thế, chỉ kém anh một ngày, vì anh đã để dành lại nửa cái bánh mì cuối cùng. Qua một ngày đêm, mẩu bánh mì đông cứng dưới nhiệt độ 100C. Viễn ngâm nó vào nước nóng. Loài chó không ăn dè, hoặc giả nó biết đó là miếng ăn cuối cùng song không kìm nén được bản năng truyền kiếp. Chiếc đĩa đựng mẩu bánh mì ngâm nước chỉ sau hai phút đã sạch sẽ không tì vết. Nó ngước mắt lên nhìn anh dò hỏi, giống hệt thế này. Không, không phải như thế này. Viễn kinh hoàng khi bắt gặp đôi mắt con Vích. Vòng tròn màu nâu mở lớn như không phải đôi mắt chó. Nó hiểu tất cả, nó đang thương hại anh. Viễn quay đi lảng tránh ánh nhìn của nó. Khắp người anh run rẩy, vì đói, vì lạnh, và vì nhục nhã.

Anh gặp con Vích rất tình cờ. Một ngày áp Tết, Viễn đang trên đường về nhà trên chiếc xe đạp cũng rệu rã như người chủ của nó. Song bụng anh rất vui. Trong túi áo ngực của Viễn có một xấp tiền mỏng gấp làm đôi. Đó là tiền thù lao dạy học cho một đứa trẻ lớp năm và tiền công khuân vác dọn dẹp cho một gia đình chuyển nhà mới, cộng thêm món nợ nho nhỏ tưởng không thể nào đòi được từ một người bạn cũ. Viễn chưa bao giờ có nhiều tiền như thế từ ngày lên thành phố trọ học. Lúc đỗ xe ở một ngã tư, có một gã áp sát Viễn. Theo phản xạ, Viễn túm chặt lấy túi áo ngực.

- Mua chó không em giai?

Viễn nhìn xuống tay gã. Bên dưới là một chiếc lồng sắt rỉ, với túm lông trắng nhỏ xíu. Viễn nhếch mép méo xệch.

- Người còn đang đói ăn. Ai dám chơi thú xa xỉ thế.

- Mua đi, bán rẻ cho chú mày. Một trăm thôi được con chó sang cửa sang nhà. Giống Nhật thuần chủng đấy.

- Thôi, nuôi chó lằng nhằng lắm. – Viễn sốt ruột nhìn cột đèn đỏ đang nhảy số.

- Năm chục nhé, ngày Tết có con chó đón khách… - Gã bán chó níu lấy cánh tay Viễn.

Anh nhìn hắn ta chờn chợn. Một thằng nghiện ngập đạo chích không từ thứ gì, thậm chí là một con chó mới đẻ. Bất thình lình một luồng gió lạnh thốc qua, Viễn thoáng rùng mình. Cùng lúc, con chó rên lên khe khẽ. Vòng tròn màu nâu ngước nhìn Viễn. Nó lạnh, và có lẽ cũng đang đói như Viễn. Anh buột miệng.

- Được rồi, năm chục, đưa chó đây.

Gã kia mừng rỡ, mở cửa chuồng và đưa cục bông dúm dó cho Viễn. Anh rút tiền, cho con chó vào bụng, kéo phéc mơ tuya lại và nhấn bàn đạp.

Làn da bụng của anh ấm dần lên. Một vật thể sống đang ngọ ngoạy bên dưới. Viễn vẫn chưa hết ngơ ngác vì hành động bốc đồng vừa rồi. Có lẽ anh sẽ đem tặng nó cho một cô bạn nào đó cùng lớp. Một lần nữa đèn đỏ. Viễn phanh kít lại và không nén nổi tò mò liếc mẳt vào trong bụng áo. Chẳng trông thấy gì ngoài hai đốm sáng rực đang ngơ ngác nhìn lên. Sinh vật này, nó cũng cô đơn như Viễn.

Đêm giao thừa đầu tiên ở một thành phố xa lạ, Viễn không còn cô độc. Anh đã có con Vích. Nó là một con chó còn đang bú sữa mẹ. Nuôi nó thật dễ. Anh chỉ cần một ống xi lanh nhựa và hộp sữa đặc, vậy là con Vích đã có thể ăn Tết. Khi rút ra khỏi bụng áo, sườn con Vích hóp lại như lão ăn mày sắp chết đói. Anh pha sữa bằng nước ấm, hút đầy một ống xi lanh, đặt nó nằm ngửa trên bàn tay trái và đặt xi lanh vào bên mép, rồi đẩy từ từ. Những ngày đầu không quen với công việc kỳ quặc này, Viễn luôn làm nó sặc đến trợn cả mắt. Sau vài ống xi lanh sữa thì bụng nó căng tròn như mặt trống, đi lại khụng khiệng khó nhọc và thỉnh thoảng ngã lăn kềnh vì cái bụng nặng nề. Đêm đầu tiên, nó rên ư ử vì nhớ mẹ. Viễn đành bọc nó vào bụng mình. Nó bò lổm ngổm trong chăn ấm, ngủ không yên giấc, giật mình liên tục hệt một đứa trẻ. Nó đã bị giằng ra khỏi mẹ, cũng không khác gì Viễn, cô độc trên cõi đời này từ lúc lọt lòng.

Nhưng chỉ hai ngày sau, con Vích đã quên biến mất câu chuyện đau lòng của mình. Nó hớn hở đi theo Viễn như thể đã tìm thấy người mẹ thứ hai. Cũng giống như những đứa trẻ con mới đẻ, con Vích không ăn được nhiều, song ăn liên tục, cứ hai tiếng ăn một lần. Buổi sáng đến lớp, Viễn thường lừa lúc ra chơi lại tạt về nhà nhồi cho nó một xi lanh sữa rồi mới vào học tiếp.

Chuyện Viễn nuôi một con chó mới đẻ trong nhà trọ đều khiến bạn bè phì cười, không phải vì một gã nghèo kiết xác học đòi thú chơi xa xỉ mà vì những hành động luẩn quẩn của một trang nam nhi chẳng khác nào bà mẹ sề đang lấn bấn vì con. Mặc dù việc có con chó trở nên cực kỳ bất tiện, kể cả những lúc đi làm thêm, anh đều phải mau chóng về nhà cho nó ăn, Viễn vẫn không thể rời con Vích. Sợi dây tình cảm duy nhất khiến tâm hồn khô cằn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là lương thực cho ngày mai đã mềm dần trở lại. Mỗi lần con Vích ra đón anh bằng cái đuôi ngắn ngủn xoay tít trên lớp da bụng lép kẹp, Viễn thấy lòng rộn lên pha chút xót xa. Anh vẫn chưa quen với việc này, chưa quen với ý nghĩ rằng có một sinh vật đang đợi mình trở về.

Đấy là chuyện của một năm về trước. Con Vích bây giờ không ăn bằng xi lanh nữa. Cơ thể của con chó một tuổi ngày một đòi hỏi nhiều hơn. Con Vích có dáng dấp của một nàng chó quý tộc. Có thể bố mẹ và người chủ trước của nó cũng thuộc giống quý tộc. Mớ lông trắng toát mượt mà rủ sát đất, dáng người tròn lẳn, bốn chân lùn chũn, mũi đen lay láy luôn ẩm ướt và đôi mắt nâu tinh anh là tất cả những gì khiến bất kỳ người chủ nào sở hữu đều thấy tự nào. Viễn chăm sóc nó cũng chẳng khác gì một con chó quý tộc. Vích được tắm táp hàng ngày đến thơm nức, ăn trong bát đĩa sạch sẽ và ngày lễ đều được thắt nơ, là mẩu lụa đỏ mà Viễn nhặt được trong lần phục vụ tiệc tối ở một nhà hàng. Mùa đông con Vích có hai chiếc gi lê thay ra thay vào, được chế từ một trong hai chiếc áo nỉ dài tay duy nhất của Viễn. Nó chưa bao giờ bị đói, ít ra là như Viễn. Ví thử có những bận đã hết sạch thực phẩm, anh luôn để dành lại một chút cho Vích. Anh đói, còn có thể suy nghĩ tìm cách xoay sở, còn con Vích, nó đói, chỉ còn biết trông vào một người duy nhất là anh.

Con Vích mới đầu có vẻ ngạc nhiên vì đã qua bữa mà chủ nó chưa lấy ra chiếc đĩa màu vàng chanh quen thuộc. Nó cũng ngạc nhiên khi không thấy Viễn lách cách bát đĩa như thường lệ. Chủ nó không ăn, nó lấy lý do gì để mà đòi hỏi. Đến bữa thứ ba thì Vích hết chịu nổi, nó chống hai chân lên sủa riết róng như thói quen muôn thuở của loài chó. Sau dường mệt quá, nó đành nằm ẹp xuống đất mà rít lên thảm thiết. Nhưng bây giờ, nó không sủa, không rít, không rên ư ử, mà im lặng chạm nhẹ cái lưỡi màu hồng lên mặt Viễn. Viễn không dám nhìn vào đôi đồng tử buồn bã ấy. Dường như con Vích đã mất đi bản năng của loài chó, và đôi mắt tinh khôn kia chỉ còn toát ra một cái nhìn thông cảm.


Viễn đứng bật dậy. Anh cuống cuồng mặc thêm áo cho con chó như sợ mình sẽ thay đổi quyết định. Anh lấy sợi dây xích inox hầu như chẳng dùng bao giờ tròng vào cổ Vích rồi vội vàng dắt nó ra cửa. Anh không hy vọng sẽ có người đi mua chó vào một chiều cuối năm như thế này. Nếu gặp may, anh sẽ gặp được bà mẹ nhân từ nào đó đưa con gái đi chơi chợ hoa. Đứa nhỏ nhất định sẽ thích con Vích, và bà mẹ buộc lòng phải chiều ý con gái. Số tiền ít ỏi đủ để Viễn sống qua năm ngày Tết cho đến khi nhận được công việc mới. Bằng không, cực chẳng đã, anh sẽ cho không bất kỳ người nào muốn nhận con chó này, bất kỳ người nào có thể cung cấp ngày hai đĩa cơm cho con Vích. Ít ra nó cũng không bị chết đói. Anh có thể nhịn thêm năm ngày nữa, còn con Vích thì không thể.

Mới đầu con Vích có vẻ vui lắm. Nó ít được đi chơi. Nó chõ mồm vào những người khệ nệ ôm cành đào đi ngang qua mặt và sủa ầm lên thích thú. Hầu như ai đi qua cũng đều phải liếc mắt nhìn Vích. Nó là một con vật đẹp và duyên dáng. Thỉnh thoảng Viễn ra hiệu cho nó đứng thẳng một lúc bằng hai chân trước, chắp tay chào, giơ tay vẫy rồi nhảy thăng bằng qua một cái que. Chẳng mấy chốc nó tụ tập quanh mình một đám đông như gánh xiếc. Vích được vài chiếc bánh và kẹo lót dạ, càng phấn chấn. Tuy nhiên, ngày cuối năm ai cũng bận cả, không ai muốn bận tâm nhiều về một con chó.

Trời đã sẩm tối, chợ vãn dần và Vích không còn khán giả. Lúc này nó đã thấm mệt và nằm ẹp bụng xuống đất. Chợt có bốn bàn chân dừng lại trước mặt Vích. Nó giật mình sủa dữ dội. Loài chó rất nhạy cảm với cái đẹp và cực kỳ căm ghét những kẻ lôi thôi luộm thuộm, dáng vẻ không đàng hoàng.

- Chó bán bao nhiêu?

- Năm trăm.

- Mày có điên không đấy. Chó Nhật hết thời từ cách đây hai mươi năm rồi. Bây giờ bọn này chỉ cho vào nồi thôi. – Tiếng cười phá lên trộn lẫn tiếng chó sủa riết róng.

- Nó biết làm nhiều trò, phân biệt được khách lạ và hiểu được gần hai chục khẩu lệnh.

Hai gã kia quay sang trao đổi với nhau khe khẽ.

- Bây giờ cân hơi chỉ năm nghìn một ký. Con này chắc độ bảy cân là hết đất.

- Hai chục nhé. – Một gã cúi xuống định nhấc thử con chó nhưng Vích đã lùi lại, hai mép nhếch lên lộ chiếc răng nanh dữ tợn.

- A con này láo, sắp vào nồi đến nơi còn tinh tướng.

Viễn thấy chân tay bải hoải tựa hồ cơn đói đến giờ mới hạ gục thân xác kiệt quệ của anh. Viễn nhấc con chó trên tay rồi bước thẳng ra khỏi khu chợ. Gió xuân mướt lạnh thổi những cánh đào rụng lả tả và táp vào mái tóc rối bù của anh. Chỉ còn chưa đầy năm tiếng nữa là đến giao thừa.

***​

Anh phải tống con chó này đi.

Con Vích bây giờ đã thay đổi tính cách. Nó không còn là con chó nhắng nhít như thời trẻ nít. Một mùa giao thừa nữa trôi qua làm nó trưởng thành hơn. Nó đã đuổi kịp tuổi anh. Nếu là con người thì có thể nó đã là một cô gái 20 tuổi. Dường như càng ngày con Vích càng mất dần bản năng hoang dại của loài chó. Nhìn vào mắt Viễn, nó có thể hiểu hết tất cả những gì đang diễn ra trong đầu anh, và điều đó làm anh thấy khổ sở.

Cách đây một tuần, có người tình cờ nhìn thấy anh dắt con Vích đi dạo. Thực tế là một tuần anh mới cho phép mình dành thời gian làm chuyện xa xỉ đó một lần. Người đàn ông ngồi trong chiếc Subaru màu tím than. Ông ta dừng lại phía bên kia ngõ và quan sát cả người lẫn chó qua cửa sổ kính đen. Vích mặc gi lê nỉ xám, tuy đã cũ nhưng rất sạch sẽ, cổ thắt nơ đỏ. Vích là một con chó có giáo dục và kiêu hãnh, nên thấy người lạ nó không sấn đến chúi mũi vào lốp xe đánh hơi như thói quen của loài bốn chân. Trái lại nó nhẩn nha, nghển cổ ngắm đường phố. Biết rằng có người đang chiêm ngưỡng mình, nó hứng chí đứng thẳng bằng hai chân sau và đưa tay vẫy. Viễn cũng hứng chí không kém, anh ngồi thụp xuống vỉa hè, giơ thẳng hai cánh tay ra trước để con Vích nhảy qua nhảy lại như đang biểu diễn trên sân khấu lớn ở Monte Carlo. Sau rốt, Viễn bước đi một quãng và giả bộ làm rơi bao thuốc. Ngay lập tức, Vích lao vút tới ngoạm vật đánh rơi và chạy vượt lên thả vào tay chủ.

Người đàn ông hạ cửa kính xuống và ngoắc Viễn lại gần.

- Có bán chó không?

Viễn ngần ngừ.

- Chó để nuôi, không bán.

- Một triệu có bán không?

Viễn kinh ngạc, song anh im lặng không nói gì.

- Triệu rưởi nhé.

- Tôi… con chó này…. tôi… nuôi từ nhỏ… không bán được.

- Hai triệu. Giá cuối cùng.

Viễn ngạt thở. Anh há hốc miệng không nói được câu nào. Con Vích hiểu rằng cuộc đàm phán này đang xoay quanh số phận của nó, nên có vẻ hết sức căng thẳng. Nó đi tới đi lui dưới chân Viễn, thi thoảng ngước cặp mắt màu nâu lên nhìn chủ. Sau cùng Viễn thốt lên.

- Không, tôi không bán nó được.

Người đàn ông, hoặc là kẻ thừa thãi không biết làm cách nào giải quyết cho hết đống tiền khổng lồ của mình, hoặc là kẻ đã quen với quyền muốn gì được nấy, và thỉnh thoảng muốn khẳng định lại điều này cho chắc chắn. Ông ta đưa cho Viễn một tấm các vi dít sau khi giải thích lý do rằng mình đang muốn tìm một món quà sinh nhật cho con trai mà chưa nghĩ ra được ý tưởng nào vì thứ gì trên khắp cái thành phố rộng lớn này cậu ta cũng có rồi.

- Nếu thay đổi ý định, hãy gọi điện cho tôi. Chỉ trong vòng một tuần thôi, vì nếu qua sinh nhật của con trai tôi, con chó này là thứ vô dụng không đáng một xu.

Nói xong, ông ta kéo cửa kính và chiếc xe màu xanh tím lướt đi hầu không một tiếng động. Khi chiếc xe đã khuất dạng, Viễn dường như nghe thấy tiếng thở hắt ra của con chó. Anh cúi xuống, áp miệng vào cái tai có mùi hôi quen thuộc.

- Tao hứa, sẽ giữ mày ở lại cho đến ngày cuối cùng của mày.

Vích đáp trả bằng cái lưỡi màu hồng ẩm ướt và kêu khe khẽ một tiếng đầy biết ơn.

Nhưng giờ thì anh sắp phản bội lời hứa của mình. Phản bội một con người, Viễn cho rằng cũng không hèn hạ bằng phản bội một con chó, trong khi nó không mảy may có ý nghĩ phản bội anh. Sáng nay, người chủ cho thuê nhà đã cảnh cáo rằng nếu anh không tạm ứng ít nhất là nửa số tiền nhà của quý tới, thì tốt nhất anh nên đón giao thừa trên vỉa hè. Ông ta nói thế nào sẽ làm thế ấy, và anh nên lấy đó làm lòng biết ơn, vì ông ta đã dằn lòng cho cả người lẫn chó thuê một ngôi nhà kiên cố với giá rẻ mạt nhất thành phố này.

Viễn đã vun lại đống tài sản của mình để cố tìm cho ra một thứ khả dĩ có thể đổi lấy tiền. Song vật duy nhất có thể bán được là chiếc xe đạp quý giá của anh, cũng đã ra đi từ tháng trước để kiếm một khoản bù đắp vào học phí. Mấy tháng nay Viễn bị mất việc. Năm cuối, bài vở của anh ngập đầu và không ông chủ nào chấp nhận lịch làm việc thất thường của Viễn.

Viễn đi tới đi lui theo chiều dọc ngắn ngủn của ngôi nhà, chiếc các vi dít nhàu nát trong lòng bàn tay. Con Vích ngồi yên lặng trong góc quan sát chủ nó. Cuối cùng, nó ngập ngừng tiến vài bước về phía chiếc thùng các tông, trên nóc có chiếc áo gi lê nỉ gấp gọn ghẽ. Nó dùng răng cắn chiếc áo và kéo lê ra trước mặt Viễn, đầu cúi xuống nhẫn nhục. Nó muốn thay áo đi chơi? Hay nó biết Viễn sắp ra một quyết định ảnh hưởng đến sinh mệnh của nó, nên có ý nói rằng hãy chuẩn bị đồ đạc cho nó, nó sẽ ra đi để đổi lấy khoản tiền lớn cho Viễn, nó sẽ không sao đâu, anh đừng lo. Viễn ứa nước mắt. Anh quẳng chiếc các vi dít vào sọt rác và lao ra ngoài gió lạnh.

Cổng bệnh viện đông nghịt người. Một tay cò có mớ tóc bết bẩn sán lại gần.

- Có chỗ chưa?

- Chưa.

- Ba chục.

- Sao đắt thế?

- Chú thông cảm, năm hết Tết đến đắt hơn thường hai choác. Một buổi sáng mà có đến gần trăm người xếp hàng. Ai cũng mau chóng để về quê cả. Biết chú là sinh viên nên mới lấy rẻ. Người thường phải bốn chục.

Nhìn hàng người xếp dài ngút, Viễn thở dài lùa tay vào túi quần. Đã có kinh nghiệm nhiều lần, Viễn biết rằng không qua cò, anh có xếp hàng đến đêm giao thừa cũng không đến lượt. Cầm hai tờ tiền, cò vui vẻ.

- Lấy cách đây lâu chưa?

- Một tháng.

Cò ngắm Viễn từ đầu đến chân.

- Tao sợ rằng không được. Chú mày xanh thế.

Viễn cắn chặt môi, chen vào giữa hàng người. Nhờ có thẻ số ghi sẵn của cò, Viễn chỉ mất nửa tiếng là đến lượt. Anh điền vào tờ khai màu xanh một cách thành thạo, rồi vén cao áo để làm thủ tục kiểm tra huyết sắc tố. Vừa bóc ống xi lanh, người mặc áo blu trắng cất giọng đều đều theo đúng thủ tục.

- Lấy lâu chưa?

- Cách đây hai tháng. – Viễn nói dối.

- Định lấy bao nhiêu?

- 400.

- Không được đâu. Trông cậu xanh quá. – Người y tá nhìn thẳng vào khuôn mặt lởm chởm râu của Viễn bằng ánh mắt lạnh lẽo.

- Tạng tôi thế, nhưng khỏe. Tôi chịu được.

Viễn ra ngoài, uống hết chai muối loãng mang theo. Anh ngồi nhập vào đám người đang chờ đợi. Không ai nhìn nhau, tất cả đều cúi đầu, nhẫn nhục và chịu đựng như cách mà con Vích kéo chiếc áo gi lê đặt lên bàn chân chủ nó.

- Hoàng Đình Viễn.

Viễn vội vàng nhào vào trong, trước ánh mắt ghen tị đang chờ đến lượt của những người xung quanh.

- Lấy bao nhiêu?

- 400. – Quai hàm Viễn gợn lên.

- Không, 250 theo đúng quy định. Cậu không chịu được đâu. Nguy hiểm lắm.

- Xin chị. – Viễn ngước mắt lên. – Tôi cần phải đóng tiền nhà. Nếu không…

Viễn chưa nói hết câu, mũi kim đã chọc vào lần ven xanh tái. Viễn cảm thấy máu huyết, tinh lực, trí tuệ, năng lượng và ý thức đang bị rút dần khỏi cơ thể. Anh chới với, song cố bám chặt tay phải vào thành ghế.

- 250 thôi nhé. – Người y tá nhắc lại.


- Không, chị cứ lấy cho 400.

Ống xi lanh vẫn lùi dần lùi dần cho đến khi thứ dung dịch màu đỏ sậm đã ở ngưỡng 400ml. Anh đứng thẳng người, đi thẳng ra cửa. Song ra đến cổng, một luồng gió lạnh khiến Viễn xây sẩm. Anh rời ngón tay khỏi cục bông gòn đang rỉ máu, nhét vội 3 tờ tiền vào túi áo ngực. Ba trăm nghìn, đủ để không bị tống ra ngoài đường vào giữa đêm giao thừa lạnh lẽo.

Con Vích đón anh bằng những cái vẫy đuôi lo lắng. Anh đổ hộp sữa cấp phát của bệnh viện vào liễn cho nó rồi loạng choạng lên giường, vùi bàn chân lạnh toát vào lớp chăn bông lạnh toát và vùi ý niệm vào những giấc mơ màu đỏ.

Viễn thấy mọi thứ trong cơn ác mộng đều hóa đỏ lừ, cả máu của anh, bàn chân bàn tay anh, màu lông của con Vích và cả ngôi nhà nữa. Mắt anh mơ hồ, da anh bỏng cháy. Anh nghe tiếng kêu thảm thiết của con Vích. Nó đang gọi anh, song Viễn không tài nào mở mắt ra nổi. Cuối cùng, nó ngoạm vào chân anh đau điếng. Viễn bừng tỉnh dậy trong tiếng xôn xao, tiếng bước chân chạy rầm rập và tiếng sủa hoảng sợ của con Vích. Anh nhìn thấy lửa cháy, không phải trong mơ, mà là có thật. Nhà anh đang cháy. Viễn vừa bị ngủ lịm, đúng hơn là vừa bị ngất đi. Anh vội vàng ôm con Vích nhao ra ngoài. Những bóng người đang cuống cuồng cứu hỏa. Những cột lửa đỏ máu bốc cao ngùn ngụt, như sẵn sàng trong giây phút thiêu tàn cả vạn vật, trong đó có anh và con Vích.

***​
(Còn tiếp)​


 

Ti Bui

Member
Bữa Tiệc đêm Cuối Năm

BỮA TIỆC ĐÊM CUỐI NĂM​

Truyện ngắn của Di Li


- Anh phải tống con chó này đi.

Sáng nay gã trưởng phòng đã nói như thế khi hắn tình cờ nghe thấy âm thanh không thể chối cãi chứng minh sự tồn tại của một con chó.

- Anh phải tống con chó đi, hoặc là anh tự tống cổ mình ra khỏi công ty. Chưa bao giờ có tiền lệ một con vật lại sống chen giữa chúng ta. Khách hàng sẽ nghĩ sao. Giám đốc mà biết điều này thì ngay cả tôi cũng bị đối xử chẳng khác gì con chó của anh. Tôi là người gia ân cho anh, anh đừng có lấy ơn làm oán. Tôi muốn ngay chiều nay, con chó phải biến đi cho khuất mắt.

Nói xong, gã bấm số điện thoại bàn, ý rằng đã xong, không còn việc gì để anh luẩn quẩn ở đây nữa. Viễn lùi ra ngoài, nặng nhọc bấm mũi tên trước cửa thang máy. Anh đang đứng trước sự lựa chọn. Mất việc, mất chỗ ở hay là mất con Vích? Anh đã trải qua một năm dài thất nghiệp sau khi cầm bằng tốt nghiệp nên thấm thía khái niệm “mất việc làm” là như thế nào. Trong suốt một năm trời, anh và con Vích cầm cự bằng đủ mọi loại công việc kỳ lạ mà cho đến giờ, anh vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng.

Một ngày đẹp trời may mắn, anh được nhận vào công ty, với một đồng lương rẻ mạt cho một nhân viên chạy việc hạng bét. Công ty có nhà kho vật phẩm ngay đằng sân sau và một ga ra bỏ hoang ở bên cạnh. Viễn rụt rè hỏi ý kiến trưởng phòng xem anh có thể ở lại trong cái ga ra cũ đó được không. Dĩ nhiên là cũng chẳng hại gì, công ty có thêm một nhân viên trực kho đêm miễn phí. Viễn mừng rỡ, giá cả ngày một leo thang đến chóng mặt, và anh không thể chi trả cho tiền thuê nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ này. Tuy nhiên, con Vích đã làm hỏng tất cả. Mặc dù đã vô cùng cẩn thận trong việc nhốt con chó trong nhà, nhưng anh không thể cấm nó phát ra tiếng động.

Suýt tí nữa thì Viễn cũng đành theo bước đường cùng này, nhưng nhớ lại cuộc bán chó năm nào ngoài chợ giao thừa, anh lại rùng mình. Anh không tin tưởng ở bất kỳ người chủ mới nào. Họ trước sau cũng sẽ chỉ coi Vích như một con chó, sẽ tống cổ nó đi bất cứ khi nào họ chán, và rất có thể nó sẽ bị đập một nhát búa vào đầu, bị cứa dao lên cổ để cắt tiết. Nghĩ đến đó, anh thấy gai người như thể lưỡi dao của tên đồ tể đang lướt trên da thịt mình.

Cuối cùng, Viễn lóe ra một sáng kiến. Chiều hôm đó, anh tròng vào mõm con chó một cái rọ bằng da. Mới đầu nó cho đó là đồ chơi, mới ra sức cắn xé, quật bên nọ, quật bên kia. Song sau thấy tác hại của thứ đồ chơi này cho làm nó không thể mở miệng được, Vích trở nên ngạc nhiên, rồi từ ngạc nhiên chuyển sang giận dữ. Viễn kéo con Vích lại gần, nâng cằm nó lên, và nhìn thẳng vào đôi mắt màu nâu.

- Nghe này Vích, mày không được kêu hiểu chưa. Nếu mày làm thế, cả tao và mày sẽ bị đuổi cổ khỏi đây và… chết đói.

Viễn hy vọng con chó sẽ hiểu toàn bộ lời dặn dò của mình với một niềm tin mù quáng. Con Vích nghiêng một bên tai vẻ suy nghĩ, nhưng nghe thấy từ cuối cùng, nó nghển cổ lên và rên một tiếng khe khẽ. Sống với Viễn năm năm trời, nó đã hiểu đầy đủ ý nghĩa của cái từ ghê rợn ấy.

Hết giờ làm, gã trưởng phòng xuống ga ra cũ. Viễn hết sức hồi hộp và căng thẳng. Anh đã rọ mõm con chó cẩn thận và nhốt nó xuống dưới gầm giường, song chó vẫn chỉ là chó, nó không thể sủa nhưng vẫn có thể rít. Tuy nhiên, con Vích im lặng như chết rồi. Nó hiểu tình cảnh khốn khổ của mình. Gã trưởng phòng hài lòng, nhưng trước khi quay ra vẫn dặn với một câu.

- Tôi hy vọng cậu đã tống nó đi thật, đừng nghĩ cách đối phó. Nếu tôi phát hiện ra cậu đang nói dối tôi… - Gã nhún vai, kiểu mọi sự đã rõ ràng không cần phải bàn cãi thêm nữa.

Từ bữa đó, con Vích hoàn toàn sống trong im lặng. Nó bị rọ mõm từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, trừ hai bữa ăn. Khi màn đêm buông xuống dày đặc, khi toàn bộ khu vực nhà kho đã chìm vào im lặng tĩnh mịch, Viễn mới mở rọ mõm và cho nó ra sân hít thở chút khí trời. Mỗi lần quay trở về nhà sau một ngày làm việc kiệt sức, nhìn đôi mắt buồn bã và nhẫn nhục lấp ló sau chiếc rọ bằng da, Viễn thấy ngực trái se lại. Anh lại áp miệng vài tai nó thì thầm.

- Vích ơi, cố gắng lên. Tao hứa chuyện này sẽ chóng qua thôi. Im lặng là đáng sợ nhưng không phải là đáng sợ nhất. Tao cũng như mày thôi, cả ngày hôm nay tao phải im lặng. Hết ngày này qua ngày khác tao đều phải im lặng. Rồi cũng ổn cả thôi.

***


- Anh phải tống con chó này đi.

Thị nói với anh bằng giọng của gã trưởng phòng năm nào. Thị nói với anh câu đó sau đám cưới hai ngày.

- Tôi không chịu được mùi hôi của chó, mà một căn hộ sang trọng thế này, có một con chó già lẩm cẩm ngồi lù lù giữa sân, chỉ anh mới có thể chịu đựng được.

Viễn không phủ nhận điều đó. Anh biết thị nói có lý, có lý về phía thị. Đối với thị và tất cả những người khác, con Vích chẳng có nghĩa gì, còn đối với anh, nó hầu như là tất cả. Nó gắn kết với anh bằng một sợi dây vô hình không phải như cách của con người và con vật. Anh yêu con Vích, thậm chí còn hơn cả yêu vợ mình, hơn rất nhiều. Dường như trong đầu óc u tối của thị cũng lờ mờ hiểu ra điều đó, và ấy là thứ khiến thị khó chịu hơn cả mùi hôi của con chó.

- Thế nào, năm hết Tết đến rồi, anh có quyết định tống cổ cái của nợ này đi hay để đến lúc ba phải phàn nàn vì thói ương gàn của anh?

Ba của thị, hay là bố vợ của anh, cũng đồng thời là tổng giám đốc của công ty có cái ga ra cũ bỏ hoang. Anh cúi đầu. Không biết tự lúc nào anh nhận ra rằng mình đã nhiễm cái thói quen cúi đầu của con Vích.

- Được rồi, để tôi tính.

- Mai là hạn cuối cùng nhé. – Thị nheo mắt.

- Được rồi.

Viễn nhớ lại lời hứa với con chó. Năm này qua năm khác, anh luôn tâm niệm lời hứa ấy như một đức tin. Anh vẫn cho rằng, chừng nào anh chưa phản bội lại lời hứa, nghĩa là anh chưa phản bội lại chính mình. Viễn đã lường trước vấn đề này. Anh để ý trong số những khu biệt thự đắt tiền xung quanh có một căn nhà lụp xụp ở đối diện. Ra vào ngôi nhà đó là một cậu thanh niên mặt mũi non choẹt. Có vẻ như người chủ ngôi nhà đang ở đâu đó rất xa, có lẽ sống ở nước ngoài, và họ cho cậu sinh viên kia thuê nhà trọ học, mục đích chỉ là để có người trông nom cho đỡ hoang lạnh.

Viễn nhìn thấy ở cậu sinh viên hình ảnh của mình 8 năm về trước. Anh ngỏ ý gửi nhờ con chó để cậu nuôi cho có bầu có bạn và hứa sẽ chu cấp toàn bộ tiền nhà cho cậu ta cũng như tiền ăn của con chó. Thoạt đầu cậu sinh viên tỏ vẻ không mấy hứng thú với một con chó cái già nua, nhưng sau nghe thấy điều khoản mà Viễn hứa hẹn, mắt cậu ta sáng lên và ngay chiều hôm đó, Vích được chuyển sang nhà mới.

Trước khi trao sợi dây xích cho người chủ mới, Viễn nhìn thẳng vào đôi mắt nâu buồn thảm của người bạn tri kỉ.

- Vích, tao vẫn luôn ở bên cạnh mày, chỉ cách có một con đường nhỏ thôi mà, đúng không nào? – Viễn chỉ tay qua đường, về phía ngôi nhà năm tầng bao phủ bởi hàng rào hoa giấy. – Mày vẫn nhìn thấy tao hàng ngày, và tao cũng thế. Tao hứa vẫn sẽ chiều chiều cho mày đi dạo. Từ giờ trở đi, mày có thể sủa thoải mái, không phải im lặng nữa, không bị đói nữa.

Viễn đứng dậy, bước đi mà không ngoái cổ lại.

***


- Anh phải tống con chó này đi.

Thị trở mình quần quật trên giường và rít lên.

- Cái của nợ ấy sủa thế này tôi ngủ thế nào được.

- Chắc hôm nay trở trời, em cứ nhạy cảm thế, anh có nghe thấy gì đâu nào.

Viễn nói dối, anh nghe thấy toàn bộ tiếng rền rĩ thảm thiết của con Vích và thị thì hoàn toàn không nhạy cảm. Vợ anh không hề có sự nhạy cảm bản năng của người phụ nữ. Thị sinh ra đã là một sự nhẫn nhục của cha thị, để rồi ông nhẫn nhục gả thị cho một gã nhân viên quèn nghèo kiết xác.

Anh hiểu nguồn cơn của tiếng rền rĩ ấy. Con Vích nhớ anh. Nó đã 11 tuổi và như một người già thiếu thốn tình cảm, nó đang cố gắng níu kéo sợi dây tinh thần cuối cùng của đời mình. Lúc chiều nay, Viễn dừng xe trước cửa nhà. Anh ngước nhìn cánh cửa gỗ nâu đồ sộ, nhìn vào ga ra, nhìn sang chiếc Mercedez kính đen và cuối cùng ngồi phệt xuống vỉa hè. Ông giám đốc, bố vợ của anh dường như vẫn đang sừng sững trước mặt, trỏ thẳng tay về phía trước.

- Tôi chán nản năng lực của cậu, nếu không vì cháu nội tôi, cái công ty này sẽ không bao giờ là của cậu.

Viễn gục mặt xuống gối, anh sợ phải vào nhà, sợ phải nhìn thấy vợ anh, sợ nhìn thấy khuôn mặt thằng con trai ba tuổi có cái mũi hếch giống hệt mẹ nó. Bỗng nhiên, có một thứ gì mềm ấm và ẩm ướt quen thuộc khẽ chạm lên má anh.

- Vích. – Anh ứa nước mắt. – Mày ở đâu ra thế?

Con Vích có vẻ gầy. Nó không còn phong độ đĩnh đạc và kiêu hãnh như thời tuổi trẻ. Cái lưng của nó hơi còng xuống, lớp lông trên mặt đã rụng thành từng mảng, còn trơ chiếc mũi khô khốc và cặp mắt nâu buồn bã. Viễn không giữ được lời hứa thường xuyên dẫn nó đi dạo. Anh chỉ làm được điều đó đôi ba lần ở những ngày đầu tiên, rồi công việc ngập đầu trong một đời sống giành giật khiến anh quên mất mình từng có một con chó. Vài bận bắt gặp nó đang đứng ngơ ngác trước cửa, mừng quýnh khi nhìn thấy anh và bộ sương xườn trơ khấc vồng lên khỏi lớp da bụng. Anh nghiêm khắc quở trách cậu sinh viên.

- Ngày xưa, tôi nuôi nó, đói khổ gấp trăm lần cậu, con Vích cũng không đến nỗi thảm hại thế này.

Anh tăng chi phí khẩu phần ăn của con chó. Người chủ mới vâng vâng dạ dạ rồi đâu lại vào đấy. Cậu ta đi tối ngày, và không thể chốc lát chạy về chăm chó như trông con mọn được. Viễn đành cam chịu. Ngày xưa, anh có thể làm được điều đó là vì tình yêu đối với con Vích, còn bây giờ thằng bé kia nuôi con Vích là vì tiền. Nó không tống cổ con Vích ra khỏi nhà đã là sự may mắn cho anh rồi. Mỗi lần nhìn thấy con chó, anh đều thấy xót xa. Và Viễn trốn tránh sự thực bằng cách tránh không gặp nó nữa.

- Mày khổ lắm phải không? Tao xin lỗi. – Viễn thấy gò má mình ướt lạnh và con Vích lại thể hiện sự an ủi quen thuộc bằng động tác của loài chó.

Viễn choàng tay lên người nó, gãi lớp da cổ bẩn thỉu đầy chấy rận và áp miệng vào cái tai ủ rũ.

- Tao cũng thế, còn khổ hơn mày. – Viễn thì thầm. – Nếu mày đau đớn, mày còn có thể kêu lên được.

Có thể vì cuộc gặp sáng nay đã gợi lại tình cảm lạ kỳ giữa anh và con Vích mà giờ nó mới rền rĩ thảm thiết. Rất nhiều lần, vợ anh yêu cầu tống cổ con chó đi mặc dù nó chẳng liên quan hay ảnh hưởng gì đến thị. Thị chỉ lấy lý do rằng nhìn con chó ghẻ lở lởn vởn ở một khu dân cư sang trọng thế này là rất ngứa mắt.

- Rồi mấy hôm nữa Tết nhất, khách khứa đến thăm đông đúc, nó lại tru lên như thế thì sao?

- Mọi năm nó có kêu gì đâu.

- Nhưng giờ nó đang rống lên rồi đấy thôi.

Viễn im lặng. Cậu sinh viên hôm nọ cũng thông báo với anh rằng cậu sắp phải trả nhà để đi thực tập, anh liệu tìm người để trông nom con Vích.

- Mà nó già rồi, anh hóa kiếp cho nó đỡ khổ. – Cậu ta gợi ý.

Cái quắc mắt dữ tợn của Viễn khiến cậu ta cụp mắt xuống.

- Là em đùa thế.

Viễn vẫn hy vọng rằng sẽ có một cô sinh viên năm nhất nào đó đến thế chỗ của cậu ta, và anh sẽ bằng mọi cách đàm phán về việc con chó. Nhưng cho đến giờ thì sự thể đã khác. Viễn không thể giả điếc trước yêu cầu quái ác của vợ anh.

Tuy nhiên, bẵng đi mấy hôm sau, Viễn không thấy thị kêu gào vì chuyện con chó nữa. Phần vì con Vích chỉ cất tiếng kêu duy nhất có một đêm hôm đó thôi và phần vì đã sát năm mới, thị có quá nhiều việc để làm. Năm nay, ông giám đốc chỉ thị cho anh phải mở tiệc giao thừa tại nhà để tiếp đãi các quan khách của công ty.

- Quan trọng lắm đấy. Năm sau tôi về hưu, trao lại trọng trách cho vợ chồng cậu, nên lấy đó làm trọng mà tiếp đón người ta cho tử tế.

Đêm giao thừa, khách khứa đông chật phòng khách nhà anh. Nhạc bật ồn ào, nến thơm lung linh huyền ảo, champagne nổ tưng bừng, những lời chúc tụng tuôn ra như suối và thực đơn thì toàn những món hảo hạng nhất. Viễn thấy lâng lâng, hai má nóng đỏ. Anh đã chờ đợi giây phút này từ quá lâu rồi. Chỉ vài tiếng nữa, qua thời khắc giao thừa, công ty sẽ thuộc về anh. Chỉ còn vài tiếng nữa, hơn 30 năm quá khứ tủi nhục sẽ chỉ còn là ảo ảnh và dĩ vãng.

Các cô phục vụ bưng từng khay đồ ăn đến bên thực khách. Những sơn hào hải vị được chế biến cầu kỳ và đẹp mắt. Vợ anh, người đàn bà có thân hình cường tráng như một thanh niên dậy thì khoác chiếc khăn lông thú trên vai và đi lại tươi cười mời khách.

- Đây là món ăn cực kỳ đặc biệt, chỉ có thể được nấu ở bếp ăn nhà chúng em. Mời quý vị thưởng thức. – Thị chìa tay về chiếc đĩa trắng phau đựng thịt nướng được trang trí bằng xà lách và cánh hoa hồng.

- Ngon quá. – Một thực khách tấm tắc.

- Tuyệt thật, món gì thế? – Nhiều tiếng lao xao nổi lên.

- Anh cũng ăn đi chứ. – Thị chìa khay thức ăn ra trước mặt Viễn.

- Tất nhiên rồi, phải thử tài đạo diễn của nữ chủ nhân chứ. – Viễn hân hoan nháy mắt với vợ.

Có lẽ lần đầu tiên anh có cử chỉ âu yếm với vợ mình mà không thấy ngượng ngùng. Viễn gắp một miếng thịt và bỏ vào mồm. Anh không để ý đến món ăn vì còn vội nhai, vội nuốt và vội nói chuyện với khách.

- Có ngon không? – Thị nheo mắt hỏi.

- Ngon, em giỏi lắm.

- Biết thịt gì đấy không?

- Không.

- Thịt con Vích. – Thị phá lên cười và tiếp tục ngửa cổ lên trời cười sằng sặc như đang nhập vai diễn quỷ Satan trong một vở bi hài kịch.

Ngọn đèn chùm phút chốc xoay tít trên đầu Viễn. Tiếng cười của thị hòa cùng những tràng cười của thực khách, của ông bố vợ tạo thành một bản hợp âm ma quái. Viễn chạy thốc vào nhà vệ sinh. Anh gục đầu xuống bồn cầu nôn thốc nôn tháo. Trong ánh đèn vàng lờn lợt, Viễn thấy rõ như in đôi mắt nâu buồn bã của con Vích đang chăm chắm nhìn anh qua làn nước bẩn thỉu.

Và hình như, đôi mắt chó vừa nở một nụ cười.


 

LION_2009

Active Member
Câu truyện rất hay. Rất xúc động nhưng kết cục thì quá buồn . Cảm ơn bạn đã sưu tầm
 

DoGiaHaI

Member
Truyện hay quá , không thực tế - hơi Liêu Trai nhưng vẫn thấy hay , cảm động . Nam nhi đại trượng phu đọc mà cũng rưng rưng nước mắt . Có lẽ mọi người cũng rút ra được vài điều khi đọc truyện này , cám ơn bạn
 

Phu Dung

Moderator
Theo mình, một người đàn ông mà không bảo vệ được cho con chó của mình, phải sống bám vào váy đàn bà để tiến thân thì còn lâu mới chạm được vào hai chữ Manly. Những kẻ như thế cần phải xem những bài viết về cô Vân - người đàn bà sống lang thang bằng nghề bán chổi mà cưu mang hàng chục chú chó bị bỏ rơi để thấy rằng mình là kẻ hèn hạ. Đáng thương là con Vích, "Chích khuyển phệ Nghiêu" (Con chó của thằng ăn trộm Chích vẫn sủa cả vua Nghiêu), con chó chỉ biết có ông chủ của nó mà thôi, ông chủ là cả bầu trời và cả mặt đất của nó; nó đâu biết rằng ông chủ của nó là kẻ hèn hạ như thế.
 

Ti Bui

Member
Theo mình, một người đàn ông mà không bảo vệ được cho con chó của mình, phải sống bám vào váy đàn bà để tiến thân thì còn lâu mới chạm được vào hai chữ Manly. Những kẻ như thế cần phải xem những bài viết về cô Vân - người đàn bà sống lang thang bằng nghề bán chổi mà cưu mang hàng chục chú chó bị bỏ rơi để thấy rằng mình là kẻ hèn hạ. Đáng thương là con Vích, "Chích khuyển phệ Nghiêu" (Con chó của thằng ăn trộm Chích vẫn sủa cả vua Nghiêu), con chó chỉ biết có ông chủ của nó mà thôi, ông chủ là cả bầu trời và cả mặt đất của nó; nó đâu biết rằng ông chủ của nó là kẻ hèn hạ như thế.
Biết là thế, nhưng vẫn thấy cay cay với cuộc đời này, bản thân mình cũng tìm thấy nhiều chi tiết trong câu chuyện khi mình chăm sóc cún Ti Bụi của mình, chỉ có điều, đúng như PD nói, mình "womanly" hơn nhân vật kia, mình kiên quyết bảo vệ cho Bụi khi người kia có ý kiến bắt buộc phải cho Bụi đi...

Đáng ra định post chuyện này vào dịp giao thừa, nhưng thấy dư vị của chuyện sao buồn quá, nên điợi Tết hết mới đưa lên !
 
hôm mùng 8 tết nhà em cũng có 1 chuyện buồn,em đã mất đi 1 cún chihuahua mới 2 tháng tuổi.em vừa chôn nó ở gốc cây trong vườn vừa rơi nước mắt.cún bị chết do bị lạnh nên xưng phổi.
đây là hình ảnh cún nhà em.

đây là cún tên kent em mới tậu về để thay thế cún đã mất.
đây là ảnh cún đã mất.




 

Ti Bui

Member
hôm mùng 8 tết nhà em cũng có 1 chuyện buồn,em đã mất đi 1 cún chihuahua mới 2 tháng tuổi.em vừa chôn nó ở gốc cây trong vườn vừa rơi nước mắt.cún bị chết do bị lạnh nên xưng phổi.
đây là hình ảnh cún nhà em.

đây là cún tên kent em mới tậu về để thay thế cún đã mất.
Chúc cho cún Kent của em ăn no chóng lớn nhé !

* “Khuyển mã chi tình” - người xưa nói thế - ai cũng hiểu chó là con vật trung thành, gắn bó nhất với con người. Có rất nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật mô tả về mối quan hệ này ở khắp trái đất đã làm biết bao người xúc động rơi nước mắt, đau đớn, đắng cay… Cái đề tài ấy rất cũ nhưng lúc nào cũng là “đương đại”.

Thể loại sáng tác yêu thích của Di Li như cô tự nhận là trinh thám, kinh dị. Nhưng truyện ngắn này không có chút gì trinh thám, chỉ có cái chết của con chó Vích là “kinh dị”, bữa tiệc đêm cuối năm ấy là sự quái đản tàn nhẫn của con người. Một kết cục thật đau đớn, nhưng nhận thức được sự đớn đau ấy con người sẽ trưởng thành hơn. Di Li thích viết truyện có “kịch tính”. Một lần nữa, cô đã làm được điều đó.


Y Trang (Báo NLĐ)​
 

1stLady

Member
Lâu rồi VP mới có 1 bài tôi đọc kỹ từ đầu đến cuối - nhờ chị TB mà tôi cũng biết đến tác giả Di Li (cùng tuổi với tôi).
Có điều buồn cười là DiLi ghét Nguyễn Thế Hòang Linh - còn tôi thì ngược lại :D

Truyện nói chung hư cấu và không có thực (?) - nhưng cảm hứng và tình tiết của truyện là rất đời - diễn ra hàng ngày xung quanh ta.
Dễ cảm!

Thanks again.
 

Tomy-SP

Member
Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Biết là thế, nhưng vẫn thấy cay cay với cuộc đời này, bản thân mình cũng tìm thấy nhiều chi tiết trong câu chuyện khi mình chăm sóc cún Ti Bụi của mình, chỉ có điều, đúng như PD nói, mình "womanly" hơn nhân vật kia, mình kiên quyết bảo vệ cho Bụi khi người kia có ý kiến bắt buộc phải cho Bụi đi...

Đáng ra định post chuyện này vào dịp giao thừa, nhưng thấy dư vị của chuyện sao buồn quá, nên điợi Tết hết mới đưa lên !
Thanks Ti Bụi về câu chuyện cảm động. Cuộc đời có nhiều người khác nhau. Tình cảm như Viễn thì ắt yếu ớt trong 1 vài lĩnh vực. Có thế cuộc đời mới có nhiều thứ để khám phá.
Viễn mang cún về bất đắc dĩ. Chúng ta thì khác.
Chó chỉ khác ta là chúng không biết nói.


Theo mình, một người đàn ông mà không bảo vệ được cho con chó của mình, phải sống bám vào váy đàn bà để tiến thân thì còn lâu mới chạm được vào hai chữ Manly. Những kẻ như thế cần phải xem những bài viết về cô Vân - người đàn bà sống lang thang bằng nghề bán chổi mà cưu mang hàng chục chú chó bị bỏ rơi để thấy rằng mình là kẻ hèn hạ. Đáng thương là con Vích, "Chích khuyển phệ Nghiêu" (Con chó của thằng ăn trộm Chích vẫn sủa cả vua Nghiêu), con chó chỉ biết có ông chủ của nó mà thôi, ông chủ là cả bầu trời và cả mặt đất của nó; nó đâu biết rằng ông chủ của nó là kẻ hèn hạ như thế.
Thế nào là manly?
Tóm lại các cụ đúc kết: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chưa bảo được vợ, nên cơm cháo gì.
Chỉ sợ PhuDung gặp phải người manly quá lại...khổ.
Cái gì quá cũng không tốt.
 
Đây là bài mà cháu cảm thấy rất cảm động và là bài mà cháu đọc rất kỹ!!!Một người chủ giữ lời hứa với chú chó của mình nhưng cái cần nhất của Vích bây giờ là tình cảm của người chủ chứ không phải sự giàu sang phú quý, ăn no mặc ấm...Kết thúc câu chuyện thật là buồn...Trong câu chuyện này cháu thấy mụ vợ là phản cảm nhất đối với cháu...
 

Ti Bui

Member
Đây là bài mà cháu cảm thấy rất cảm động và là bài mà cháu đọc rất kỹ!!!Một người chủ giữ lời hứa với chú chó của mình nhưng cái cần nhất của Vích bây giờ là tình cảm của người chủ chứ không phải sự giàu sang phú quý, ăn no mặc ấm...Kết thúc câu chuyện thật là buồn...Trong câu chuyện này cháu thấy mụ vợ là phản cảm nhất đối với cháu...
Đúng là nhân vật Viễn trong câu chuyện thật đáng trách, nhưng nếu xem xét kỹ hơn, trong cuộc sống của chúng ta, quả là có rất nhiều điều lực bất tòng tâm, chỉ mong sao là trong đời thực, số phận của các chú cún như Vích sẽ ngày càng ít dần, và con người sống vị tha yêu thương động vật nhiều hơn nữa...

Cún nào cũng là cún (VN hay giống ngoại) mình nghĩ hạnh phúc của cún là có 1 người chủ tốt yêu thương cún giống như cún yêu thương chủ. Chỉ vậy thôi !
 
đúng là một câu chuyện hay nhưng thật buồn.đúng là trên đời này có rất nhiều điều đáng để ta quí và coi cuộc sống này có ý nghĩa.cám ơn bạn nhiều
 
câu chuyện hay và cũng rất cảm động. Song theo suy nghĩ riêng của tôi thì con chó này cũng đã có 1 quãng đời hạnh phúc bên người chủ nó, dù bản tính cũng hơi nhu nhược nhưng người chủ cũng đã giữ nó bên mình đến lúc nó già, ngay cả ngoài đời bây giờ cũng có nhiều con chó còn đáng thương hơn nhiều. Đáng trách là người phụ nữ đã nhẫn tâm làm thịt nó và càng ác độc hơn là đem cho chồng mình cũng là người chủ của nó ăn để thoả mãn sự tức tối của mình, người như vậy thì nguy hiểm lắm, có ngày dám giết chồng vì bưc tức cũng nên...Không hiểu sao người chồng vẫn chấp nhận được.
 

HieuKTS

Member
Mình mới đọc được 2 câu chuyện " Về đi cún con ơi " và " bữa tiệc đêm cuối năm " của TiBui gửi mà thấy hay và cảm động quá ! Cảm ơn bạn đã chia sẻ cùng mọi người !!:) Chúc bạn luôn vui bên cún cưng và Post truyện hay lên thường xuyên bạn nhé ! :love struck:
 
MÌnh đã khóc khi đọc truyện này....................................Mình sẽ giữ lời hứa, bằng mọi cách..................
 
Top