Ti Bui
Member
BỮA TIỆC ĐÊM CUỐI NĂM
Truyện ngắn của Di Li

Anh phải tống con chó này đi.
Viễn thở dài, cái nắm tròn xoe chạy đi chạy lại trước mặt anh trở nên nhòe nhoẹt. Màu trắng toát như tuyết đã biến thành những quầng xanh, đỏ, vàng. Những đốm màu sắc mờ ảo có vẻ đang tiến sát lại gần anh. Viễn hầu như không còn nhìn thấy gì, song bàn tay lạnh buốt cảm thấy một luồng hơi nóng ẩm ướt. Anh lắc mạnh đầu, đôi mắt nâu tròn xoe buồn bã đang ở phía trước. Nó rón rén đặt bàn chân cũng đã lạnh toát lên tay Viễn. Anh lặng lẽ cúi xuống, cọ một bên má vào tai con chó. Con Vích không ngần ngại đáp trả lại bằng sự âu yếm cố hữu của loài chó. Mùi hôi quen thuộc phả qua khứu giác đã tê liệt làm Viễn thấy cay đắng.
Đã ba ngày nay dạ dày anh rỗng không, đương nhiên con Vích cũng thế, chỉ kém anh một ngày, vì anh đã để dành lại nửa cái bánh mì cuối cùng. Qua một ngày đêm, mẩu bánh mì đông cứng dưới nhiệt độ 100C. Viễn ngâm nó vào nước nóng. Loài chó không ăn dè, hoặc giả nó biết đó là miếng ăn cuối cùng song không kìm nén được bản năng truyền kiếp. Chiếc đĩa đựng mẩu bánh mì ngâm nước chỉ sau hai phút đã sạch sẽ không tì vết. Nó ngước mắt lên nhìn anh dò hỏi, giống hệt thế này. Không, không phải như thế này. Viễn kinh hoàng khi bắt gặp đôi mắt con Vích. Vòng tròn màu nâu mở lớn như không phải đôi mắt chó. Nó hiểu tất cả, nó đang thương hại anh. Viễn quay đi lảng tránh ánh nhìn của nó. Khắp người anh run rẩy, vì đói, vì lạnh, và vì nhục nhã.
Anh gặp con Vích rất tình cờ. Một ngày áp Tết, Viễn đang trên đường về nhà trên chiếc xe đạp cũng rệu rã như người chủ của nó. Song bụng anh rất vui. Trong túi áo ngực của Viễn có một xấp tiền mỏng gấp làm đôi. Đó là tiền thù lao dạy học cho một đứa trẻ lớp năm và tiền công khuân vác dọn dẹp cho một gia đình chuyển nhà mới, cộng thêm món nợ nho nhỏ tưởng không thể nào đòi được từ một người bạn cũ. Viễn chưa bao giờ có nhiều tiền như thế từ ngày lên thành phố trọ học. Lúc đỗ xe ở một ngã tư, có một gã áp sát Viễn. Theo phản xạ, Viễn túm chặt lấy túi áo ngực.
- Mua chó không em giai?
Viễn nhìn xuống tay gã. Bên dưới là một chiếc lồng sắt rỉ, với túm lông trắng nhỏ xíu. Viễn nhếch mép méo xệch.
- Người còn đang đói ăn. Ai dám chơi thú xa xỉ thế.
- Mua đi, bán rẻ cho chú mày. Một trăm thôi được con chó sang cửa sang nhà. Giống Nhật thuần chủng đấy.
- Thôi, nuôi chó lằng nhằng lắm. – Viễn sốt ruột nhìn cột đèn đỏ đang nhảy số.
- Năm chục nhé, ngày Tết có con chó đón khách… - Gã bán chó níu lấy cánh tay Viễn.
Anh nhìn hắn ta chờn chợn. Một thằng nghiện ngập đạo chích không từ thứ gì, thậm chí là một con chó mới đẻ. Bất thình lình một luồng gió lạnh thốc qua, Viễn thoáng rùng mình. Cùng lúc, con chó rên lên khe khẽ. Vòng tròn màu nâu ngước nhìn Viễn. Nó lạnh, và có lẽ cũng đang đói như Viễn. Anh buột miệng.
- Được rồi, năm chục, đưa chó đây.
Gã kia mừng rỡ, mở cửa chuồng và đưa cục bông dúm dó cho Viễn. Anh rút tiền, cho con chó vào bụng, kéo phéc mơ tuya lại và nhấn bàn đạp.
Làn da bụng của anh ấm dần lên. Một vật thể sống đang ngọ ngoạy bên dưới. Viễn vẫn chưa hết ngơ ngác vì hành động bốc đồng vừa rồi. Có lẽ anh sẽ đem tặng nó cho một cô bạn nào đó cùng lớp. Một lần nữa đèn đỏ. Viễn phanh kít lại và không nén nổi tò mò liếc mẳt vào trong bụng áo. Chẳng trông thấy gì ngoài hai đốm sáng rực đang ngơ ngác nhìn lên. Sinh vật này, nó cũng cô đơn như Viễn.
Đêm giao thừa đầu tiên ở một thành phố xa lạ, Viễn không còn cô độc. Anh đã có con Vích. Nó là một con chó còn đang bú sữa mẹ. Nuôi nó thật dễ. Anh chỉ cần một ống xi lanh nhựa và hộp sữa đặc, vậy là con Vích đã có thể ăn Tết. Khi rút ra khỏi bụng áo, sườn con Vích hóp lại như lão ăn mày sắp chết đói. Anh pha sữa bằng nước ấm, hút đầy một ống xi lanh, đặt nó nằm ngửa trên bàn tay trái và đặt xi lanh vào bên mép, rồi đẩy từ từ. Những ngày đầu không quen với công việc kỳ quặc này, Viễn luôn làm nó sặc đến trợn cả mắt. Sau vài ống xi lanh sữa thì bụng nó căng tròn như mặt trống, đi lại khụng khiệng khó nhọc và thỉnh thoảng ngã lăn kềnh vì cái bụng nặng nề. Đêm đầu tiên, nó rên ư ử vì nhớ mẹ. Viễn đành bọc nó vào bụng mình. Nó bò lổm ngổm trong chăn ấm, ngủ không yên giấc, giật mình liên tục hệt một đứa trẻ. Nó đã bị giằng ra khỏi mẹ, cũng không khác gì Viễn, cô độc trên cõi đời này từ lúc lọt lòng.
Nhưng chỉ hai ngày sau, con Vích đã quên biến mất câu chuyện đau lòng của mình. Nó hớn hở đi theo Viễn như thể đã tìm thấy người mẹ thứ hai. Cũng giống như những đứa trẻ con mới đẻ, con Vích không ăn được nhiều, song ăn liên tục, cứ hai tiếng ăn một lần. Buổi sáng đến lớp, Viễn thường lừa lúc ra chơi lại tạt về nhà nhồi cho nó một xi lanh sữa rồi mới vào học tiếp.
Chuyện Viễn nuôi một con chó mới đẻ trong nhà trọ đều khiến bạn bè phì cười, không phải vì một gã nghèo kiết xác học đòi thú chơi xa xỉ mà vì những hành động luẩn quẩn của một trang nam nhi chẳng khác nào bà mẹ sề đang lấn bấn vì con. Mặc dù việc có con chó trở nên cực kỳ bất tiện, kể cả những lúc đi làm thêm, anh đều phải mau chóng về nhà cho nó ăn, Viễn vẫn không thể rời con Vích. Sợi dây tình cảm duy nhất khiến tâm hồn khô cằn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là lương thực cho ngày mai đã mềm dần trở lại. Mỗi lần con Vích ra đón anh bằng cái đuôi ngắn ngủn xoay tít trên lớp da bụng lép kẹp, Viễn thấy lòng rộn lên pha chút xót xa. Anh vẫn chưa quen với việc này, chưa quen với ý nghĩ rằng có một sinh vật đang đợi mình trở về.
Đấy là chuyện của một năm về trước. Con Vích bây giờ không ăn bằng xi lanh nữa. Cơ thể của con chó một tuổi ngày một đòi hỏi nhiều hơn. Con Vích có dáng dấp của một nàng chó quý tộc. Có thể bố mẹ và người chủ trước của nó cũng thuộc giống quý tộc. Mớ lông trắng toát mượt mà rủ sát đất, dáng người tròn lẳn, bốn chân lùn chũn, mũi đen lay láy luôn ẩm ướt và đôi mắt nâu tinh anh là tất cả những gì khiến bất kỳ người chủ nào sở hữu đều thấy tự nào. Viễn chăm sóc nó cũng chẳng khác gì một con chó quý tộc. Vích được tắm táp hàng ngày đến thơm nức, ăn trong bát đĩa sạch sẽ và ngày lễ đều được thắt nơ, là mẩu lụa đỏ mà Viễn nhặt được trong lần phục vụ tiệc tối ở một nhà hàng. Mùa đông con Vích có hai chiếc gi lê thay ra thay vào, được chế từ một trong hai chiếc áo nỉ dài tay duy nhất của Viễn. Nó chưa bao giờ bị đói, ít ra là như Viễn. Ví thử có những bận đã hết sạch thực phẩm, anh luôn để dành lại một chút cho Vích. Anh đói, còn có thể suy nghĩ tìm cách xoay sở, còn con Vích, nó đói, chỉ còn biết trông vào một người duy nhất là anh.
Con Vích mới đầu có vẻ ngạc nhiên vì đã qua bữa mà chủ nó chưa lấy ra chiếc đĩa màu vàng chanh quen thuộc. Nó cũng ngạc nhiên khi không thấy Viễn lách cách bát đĩa như thường lệ. Chủ nó không ăn, nó lấy lý do gì để mà đòi hỏi. Đến bữa thứ ba thì Vích hết chịu nổi, nó chống hai chân lên sủa riết róng như thói quen muôn thuở của loài chó. Sau dường mệt quá, nó đành nằm ẹp xuống đất mà rít lên thảm thiết. Nhưng bây giờ, nó không sủa, không rít, không rên ư ử, mà im lặng chạm nhẹ cái lưỡi màu hồng lên mặt Viễn. Viễn không dám nhìn vào đôi đồng tử buồn bã ấy. Dường như con Vích đã mất đi bản năng của loài chó, và đôi mắt tinh khôn kia chỉ còn toát ra một cái nhìn thông cảm.

Viễn đứng bật dậy. Anh cuống cuồng mặc thêm áo cho con chó như sợ mình sẽ thay đổi quyết định. Anh lấy sợi dây xích inox hầu như chẳng dùng bao giờ tròng vào cổ Vích rồi vội vàng dắt nó ra cửa. Anh không hy vọng sẽ có người đi mua chó vào một chiều cuối năm như thế này. Nếu gặp may, anh sẽ gặp được bà mẹ nhân từ nào đó đưa con gái đi chơi chợ hoa. Đứa nhỏ nhất định sẽ thích con Vích, và bà mẹ buộc lòng phải chiều ý con gái. Số tiền ít ỏi đủ để Viễn sống qua năm ngày Tết cho đến khi nhận được công việc mới. Bằng không, cực chẳng đã, anh sẽ cho không bất kỳ người nào muốn nhận con chó này, bất kỳ người nào có thể cung cấp ngày hai đĩa cơm cho con Vích. Ít ra nó cũng không bị chết đói. Anh có thể nhịn thêm năm ngày nữa, còn con Vích thì không thể.
Mới đầu con Vích có vẻ vui lắm. Nó ít được đi chơi. Nó chõ mồm vào những người khệ nệ ôm cành đào đi ngang qua mặt và sủa ầm lên thích thú. Hầu như ai đi qua cũng đều phải liếc mắt nhìn Vích. Nó là một con vật đẹp và duyên dáng. Thỉnh thoảng Viễn ra hiệu cho nó đứng thẳng một lúc bằng hai chân trước, chắp tay chào, giơ tay vẫy rồi nhảy thăng bằng qua một cái que. Chẳng mấy chốc nó tụ tập quanh mình một đám đông như gánh xiếc. Vích được vài chiếc bánh và kẹo lót dạ, càng phấn chấn. Tuy nhiên, ngày cuối năm ai cũng bận cả, không ai muốn bận tâm nhiều về một con chó.
Trời đã sẩm tối, chợ vãn dần và Vích không còn khán giả. Lúc này nó đã thấm mệt và nằm ẹp bụng xuống đất. Chợt có bốn bàn chân dừng lại trước mặt Vích. Nó giật mình sủa dữ dội. Loài chó rất nhạy cảm với cái đẹp và cực kỳ căm ghét những kẻ lôi thôi luộm thuộm, dáng vẻ không đàng hoàng.
- Chó bán bao nhiêu?
- Năm trăm.
- Mày có điên không đấy. Chó Nhật hết thời từ cách đây hai mươi năm rồi. Bây giờ bọn này chỉ cho vào nồi thôi. – Tiếng cười phá lên trộn lẫn tiếng chó sủa riết róng.
- Nó biết làm nhiều trò, phân biệt được khách lạ và hiểu được gần hai chục khẩu lệnh.
Hai gã kia quay sang trao đổi với nhau khe khẽ.
- Bây giờ cân hơi chỉ năm nghìn một ký. Con này chắc độ bảy cân là hết đất.
- Hai chục nhé. – Một gã cúi xuống định nhấc thử con chó nhưng Vích đã lùi lại, hai mép nhếch lên lộ chiếc răng nanh dữ tợn.
- A con này láo, sắp vào nồi đến nơi còn tinh tướng.
Viễn thấy chân tay bải hoải tựa hồ cơn đói đến giờ mới hạ gục thân xác kiệt quệ của anh. Viễn nhấc con chó trên tay rồi bước thẳng ra khỏi khu chợ. Gió xuân mướt lạnh thổi những cánh đào rụng lả tả và táp vào mái tóc rối bù của anh. Chỉ còn chưa đầy năm tiếng nữa là đến giao thừa.
***
Anh phải tống con chó này đi.
Con Vích bây giờ đã thay đổi tính cách. Nó không còn là con chó nhắng nhít như thời trẻ nít. Một mùa giao thừa nữa trôi qua làm nó trưởng thành hơn. Nó đã đuổi kịp tuổi anh. Nếu là con người thì có thể nó đã là một cô gái 20 tuổi. Dường như càng ngày con Vích càng mất dần bản năng hoang dại của loài chó. Nhìn vào mắt Viễn, nó có thể hiểu hết tất cả những gì đang diễn ra trong đầu anh, và điều đó làm anh thấy khổ sở.
Cách đây một tuần, có người tình cờ nhìn thấy anh dắt con Vích đi dạo. Thực tế là một tuần anh mới cho phép mình dành thời gian làm chuyện xa xỉ đó một lần. Người đàn ông ngồi trong chiếc Subaru màu tím than. Ông ta dừng lại phía bên kia ngõ và quan sát cả người lẫn chó qua cửa sổ kính đen. Vích mặc gi lê nỉ xám, tuy đã cũ nhưng rất sạch sẽ, cổ thắt nơ đỏ. Vích là một con chó có giáo dục và kiêu hãnh, nên thấy người lạ nó không sấn đến chúi mũi vào lốp xe đánh hơi như thói quen của loài bốn chân. Trái lại nó nhẩn nha, nghển cổ ngắm đường phố. Biết rằng có người đang chiêm ngưỡng mình, nó hứng chí đứng thẳng bằng hai chân sau và đưa tay vẫy. Viễn cũng hứng chí không kém, anh ngồi thụp xuống vỉa hè, giơ thẳng hai cánh tay ra trước để con Vích nhảy qua nhảy lại như đang biểu diễn trên sân khấu lớn ở Monte Carlo. Sau rốt, Viễn bước đi một quãng và giả bộ làm rơi bao thuốc. Ngay lập tức, Vích lao vút tới ngoạm vật đánh rơi và chạy vượt lên thả vào tay chủ.
Người đàn ông hạ cửa kính xuống và ngoắc Viễn lại gần.
- Có bán chó không?
Viễn ngần ngừ.
- Chó để nuôi, không bán.
- Một triệu có bán không?
Viễn kinh ngạc, song anh im lặng không nói gì.
- Triệu rưởi nhé.
- Tôi… con chó này…. tôi… nuôi từ nhỏ… không bán được.
- Hai triệu. Giá cuối cùng.
Viễn ngạt thở. Anh há hốc miệng không nói được câu nào. Con Vích hiểu rằng cuộc đàm phán này đang xoay quanh số phận của nó, nên có vẻ hết sức căng thẳng. Nó đi tới đi lui dưới chân Viễn, thi thoảng ngước cặp mắt màu nâu lên nhìn chủ. Sau cùng Viễn thốt lên.
- Không, tôi không bán nó được.
Người đàn ông, hoặc là kẻ thừa thãi không biết làm cách nào giải quyết cho hết đống tiền khổng lồ của mình, hoặc là kẻ đã quen với quyền muốn gì được nấy, và thỉnh thoảng muốn khẳng định lại điều này cho chắc chắn. Ông ta đưa cho Viễn một tấm các vi dít sau khi giải thích lý do rằng mình đang muốn tìm một món quà sinh nhật cho con trai mà chưa nghĩ ra được ý tưởng nào vì thứ gì trên khắp cái thành phố rộng lớn này cậu ta cũng có rồi.
- Nếu thay đổi ý định, hãy gọi điện cho tôi. Chỉ trong vòng một tuần thôi, vì nếu qua sinh nhật của con trai tôi, con chó này là thứ vô dụng không đáng một xu.
Nói xong, ông ta kéo cửa kính và chiếc xe màu xanh tím lướt đi hầu không một tiếng động. Khi chiếc xe đã khuất dạng, Viễn dường như nghe thấy tiếng thở hắt ra của con chó. Anh cúi xuống, áp miệng vào cái tai có mùi hôi quen thuộc.
- Tao hứa, sẽ giữ mày ở lại cho đến ngày cuối cùng của mày.
Vích đáp trả bằng cái lưỡi màu hồng ẩm ướt và kêu khe khẽ một tiếng đầy biết ơn.
Nhưng giờ thì anh sắp phản bội lời hứa của mình. Phản bội một con người, Viễn cho rằng cũng không hèn hạ bằng phản bội một con chó, trong khi nó không mảy may có ý nghĩ phản bội anh. Sáng nay, người chủ cho thuê nhà đã cảnh cáo rằng nếu anh không tạm ứng ít nhất là nửa số tiền nhà của quý tới, thì tốt nhất anh nên đón giao thừa trên vỉa hè. Ông ta nói thế nào sẽ làm thế ấy, và anh nên lấy đó làm lòng biết ơn, vì ông ta đã dằn lòng cho cả người lẫn chó thuê một ngôi nhà kiên cố với giá rẻ mạt nhất thành phố này.
Viễn đã vun lại đống tài sản của mình để cố tìm cho ra một thứ khả dĩ có thể đổi lấy tiền. Song vật duy nhất có thể bán được là chiếc xe đạp quý giá của anh, cũng đã ra đi từ tháng trước để kiếm một khoản bù đắp vào học phí. Mấy tháng nay Viễn bị mất việc. Năm cuối, bài vở của anh ngập đầu và không ông chủ nào chấp nhận lịch làm việc thất thường của Viễn.
Viễn đi tới đi lui theo chiều dọc ngắn ngủn của ngôi nhà, chiếc các vi dít nhàu nát trong lòng bàn tay. Con Vích ngồi yên lặng trong góc quan sát chủ nó. Cuối cùng, nó ngập ngừng tiến vài bước về phía chiếc thùng các tông, trên nóc có chiếc áo gi lê nỉ gấp gọn ghẽ. Nó dùng răng cắn chiếc áo và kéo lê ra trước mặt Viễn, đầu cúi xuống nhẫn nhục. Nó muốn thay áo đi chơi? Hay nó biết Viễn sắp ra một quyết định ảnh hưởng đến sinh mệnh của nó, nên có ý nói rằng hãy chuẩn bị đồ đạc cho nó, nó sẽ ra đi để đổi lấy khoản tiền lớn cho Viễn, nó sẽ không sao đâu, anh đừng lo. Viễn ứa nước mắt. Anh quẳng chiếc các vi dít vào sọt rác và lao ra ngoài gió lạnh.
Cổng bệnh viện đông nghịt người. Một tay cò có mớ tóc bết bẩn sán lại gần.
- Có chỗ chưa?
- Chưa.
- Ba chục.
- Sao đắt thế?
- Chú thông cảm, năm hết Tết đến đắt hơn thường hai choác. Một buổi sáng mà có đến gần trăm người xếp hàng. Ai cũng mau chóng để về quê cả. Biết chú là sinh viên nên mới lấy rẻ. Người thường phải bốn chục.
Nhìn hàng người xếp dài ngút, Viễn thở dài lùa tay vào túi quần. Đã có kinh nghiệm nhiều lần, Viễn biết rằng không qua cò, anh có xếp hàng đến đêm giao thừa cũng không đến lượt. Cầm hai tờ tiền, cò vui vẻ.
- Lấy cách đây lâu chưa?
- Một tháng.
Cò ngắm Viễn từ đầu đến chân.
- Tao sợ rằng không được. Chú mày xanh thế.
Viễn cắn chặt môi, chen vào giữa hàng người. Nhờ có thẻ số ghi sẵn của cò, Viễn chỉ mất nửa tiếng là đến lượt. Anh điền vào tờ khai màu xanh một cách thành thạo, rồi vén cao áo để làm thủ tục kiểm tra huyết sắc tố. Vừa bóc ống xi lanh, người mặc áo blu trắng cất giọng đều đều theo đúng thủ tục.
- Lấy lâu chưa?
- Cách đây hai tháng. – Viễn nói dối.
- Định lấy bao nhiêu?
- 400.
- Không được đâu. Trông cậu xanh quá. – Người y tá nhìn thẳng vào khuôn mặt lởm chởm râu của Viễn bằng ánh mắt lạnh lẽo.
- Tạng tôi thế, nhưng khỏe. Tôi chịu được.
Viễn ra ngoài, uống hết chai muối loãng mang theo. Anh ngồi nhập vào đám người đang chờ đợi. Không ai nhìn nhau, tất cả đều cúi đầu, nhẫn nhục và chịu đựng như cách mà con Vích kéo chiếc áo gi lê đặt lên bàn chân chủ nó.
- Hoàng Đình Viễn.
Viễn vội vàng nhào vào trong, trước ánh mắt ghen tị đang chờ đến lượt của những người xung quanh.
- Lấy bao nhiêu?
- 400. – Quai hàm Viễn gợn lên.
- Không, 250 theo đúng quy định. Cậu không chịu được đâu. Nguy hiểm lắm.
- Xin chị. – Viễn ngước mắt lên. – Tôi cần phải đóng tiền nhà. Nếu không…
Viễn chưa nói hết câu, mũi kim đã chọc vào lần ven xanh tái. Viễn cảm thấy máu huyết, tinh lực, trí tuệ, năng lượng và ý thức đang bị rút dần khỏi cơ thể. Anh chới với, song cố bám chặt tay phải vào thành ghế.
- 250 thôi nhé. – Người y tá nhắc lại.
- Không, chị cứ lấy cho 400.
Ống xi lanh vẫn lùi dần lùi dần cho đến khi thứ dung dịch màu đỏ sậm đã ở ngưỡng 400ml. Anh đứng thẳng người, đi thẳng ra cửa. Song ra đến cổng, một luồng gió lạnh khiến Viễn xây sẩm. Anh rời ngón tay khỏi cục bông gòn đang rỉ máu, nhét vội 3 tờ tiền vào túi áo ngực. Ba trăm nghìn, đủ để không bị tống ra ngoài đường vào giữa đêm giao thừa lạnh lẽo.
Con Vích đón anh bằng những cái vẫy đuôi lo lắng. Anh đổ hộp sữa cấp phát của bệnh viện vào liễn cho nó rồi loạng choạng lên giường, vùi bàn chân lạnh toát vào lớp chăn bông lạnh toát và vùi ý niệm vào những giấc mơ màu đỏ.
Viễn thấy mọi thứ trong cơn ác mộng đều hóa đỏ lừ, cả máu của anh, bàn chân bàn tay anh, màu lông của con Vích và cả ngôi nhà nữa. Mắt anh mơ hồ, da anh bỏng cháy. Anh nghe tiếng kêu thảm thiết của con Vích. Nó đang gọi anh, song Viễn không tài nào mở mắt ra nổi. Cuối cùng, nó ngoạm vào chân anh đau điếng. Viễn bừng tỉnh dậy trong tiếng xôn xao, tiếng bước chân chạy rầm rập và tiếng sủa hoảng sợ của con Vích. Anh nhìn thấy lửa cháy, không phải trong mơ, mà là có thật. Nhà anh đang cháy. Viễn vừa bị ngủ lịm, đúng hơn là vừa bị ngất đi. Anh vội vàng ôm con Vích nhao ra ngoài. Những bóng người đang cuống cuồng cứu hỏa. Những cột lửa đỏ máu bốc cao ngùn ngụt, như sẵn sàng trong giây phút thiêu tàn cả vạn vật, trong đó có anh và con Vích.
***
(Còn tiếp)
