• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hổ trong vườn thú cắn chết nhân viên khu du lịch

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Làm sao Hổ có thể vượt rào?

Theo vnExpress

Cận cảnh khu vực hổ sổng ra cắn chết người

Một giả thiết được đưa ra là có thể con hổ đã leo lên cây si trong chuồng để nhảy qua tường rào hơn 3m và tấn công các nhân viên vườn thú tại khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, chiều 10/9.


Nơi ở của con hổ tấn công người (trái). Sát vách tường này còn có một cây si và nền xi-măng cao khoảng hơn nửa mét, nơi con hổ thường nằm. Do vậy, có một giả định được đưa ra là con hổ đã bám vào cây trong chuồng để nhảy qua chuồng bên cạnh - nơi các nhân viên đang trồng cây xanh và tấn công họ.


Các chuồng hổ được cách nhau bằng vách ngăn cao khoảng hơn 3m như thế này.


Đám đất mới đào - nơi 2 nhân viên bị hổ cắn khiến một người tử vong, người khác bị thương nặng. Một thanh niên khác đã nhanh trí nhảy xuống hồ nước bảo vệ và lặn trốn bên dưới nên thoát nạn.


Chuồng của mỗi con hổ rộng khoảng 500 m2, được tạo dựng giống thiên nhiên hoang dã với cây cỏ và cả những món đồ chơi cho loài chúa sơn lâm như lốp xe treo lủng lẳng.


Hổ Đông Dương, chung loài với con chúa sơn lâm tấn công người. Con hổ "gây án" đang bị cách ly. Loài này có trọng lượng trưởng thành từ 150 đến 200 kg.


Con đường khách tham quan đi ngắm hổ được ngăn cách bằng kính chịu lực.


Trước mặt khách là tấm chắn kính chịu lực cao hơn 2m. Bên dưới là tường xi măng có gắn xung điện cũng có độ cao tương tự. Tiếp đó là hồ nước có mặt nước thấp hơn đường đi 2m. Như vậy, từ nơi khách đứng đến nơi ở của hổ cách khoảng 5m chiều dài và 4m chiều cao.


Sau tai nạn, khu du lịch Đại Nam đã dán cảnh báo trước chuồng. Toàn bộ hổ trong khu du lịch đã bị nhốt lại, đóng cửa chuồng, chờ hoàn thiện hàng rào lưới dự kiến cao khoảng 5m có song sắt nhọn vòm bên trên đỉnh.

Minh Tâm
 

ruacon80

New Member
Mình ko nhớ rõ đã đọc ở đâu, hình như là 1 tác phẩm văn học nào đó thấy nói là đối với loài hổ thì nếu nhảy tại chỗ thì nó ko nhảy cao được nhưng nếu có đà đủ xa thì độ cao và xa nó có thể vượt qua là rất đáng kinh ngạc. Nói chung với khoảng cách và chiều cao cách ly giữa người xem và động vật như thế này thật sự ko thật an toàn. Bạn hãy tưởng tượng con hổ nặng khoảng 200kg vượt được tường rào và xâm nhập vào khu khách du lịch. Hậu quả lúc đó thì thật đáng tiếc....
 

Hoangminh

Member
Giây phút kinh hoàng dưới nanh vuốt hổ

XÃ HỘI
Thứ bảy, 12/9/2009, 00:29 GMT+7

E-mail
Bản In
Giây phút kinh hoàng dưới nanh vuốt hổ
Dù đã thoát được an toàn dưới hồ nước nhưng khi thấy hổ lao đến tấn công đồng nghiệp, anh Danh chạy lên dùng gậy đánh. Mãnh thú bất ngờ quay sang cấu xé khiến anh tử vong tại chỗ.
> Hổ sổng chuồng cắn chết nhân viên / Cận cảnh khu vực hổ sổng chuồng
Theo lời các nhân chứng tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương, khoảng 4h chiều 10/9, một nhóm nhân viên khoảng 4-5 người vào trồng cây xanh trong một chuồng hổ bỏ trống. Bất ngờ họ bị con hổ vằn - loài thú Đông Dương có trọng lượng khoảng 200 kg - ở chuồng kế bên nhảy qua vách ngăn cao hơn 3 m lao tới tấn công.
Anh Nguyễn Công Danh (47 tuổi) vội nhảy xuống hồ nước gần đó ẩn nấp. Trên bờ, anh Nguyễn Văn Giàu (21 tuổi), cán bộ thú y, người thường ngày hay chăm sóc các con hổ, cất tiếng quát nạt lại. Cứ ngỡ con hổ vẫn nghe lời như mọi khi, không ngờ sau tiếng quát của anh Giàu nó nhảy bổ đến và dùng 2 chân trước liên tục đánh mạnh vào đầu anh.
Ba nhân viên khác đã dùng gậy xông vào đánh tới tấp mãnh thú, nhưng nó càng tấn công hung bạo hơn. "Nỗi sợ dường như đã tan biến khi chứng kiến anh Giàu bị nó tấn công, loay hoay tôi chụp được một thanh gỗ tiến đến đánh mạnh vào đầu con hổ mong giải thoát cho anh Giàu. Sau cú đánh, con thú thả anh Giàu ra, nhe nanh đầy vẻ giận dữ nhìn thẳng về phía chúng tôi", anh Trương Minh Chánh, một trong số các nhân viên bàng hoàng thuật lại.
Anh Nguyễn Văn Giàu được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Minh Tâm.Lúc này dù đang ở dưới nước ẩn nấp, nhưng thấy các đồng nghiệp phía trên đang chống trả quyết liệt, anh Danh lao lên tiếp ứng. Không ngờ, con hổ chuyển hướng sang tấn công một mình anh. Anh vội tháo chạy, nhưng con thú vồ thẳng vào lưng và dùng nanh vuốt cấu xé khiến người đàn ông này tử vong tại chỗ.
"Sự việc xảy ra quá nhanh, trong khi chúng tôi lo kéo anh Giàu đi cấp cứu đồng thời chạy thoát thân thì con vật quay lại tấn công anh Danh. Bị đánh đau nó càng trở nên hung dữ hơn. Chúng tôi lúc đó đành bất lực nhìn đồng nghiệp của mình nằm bất động", anh Chánh kể tiếp, "Tôi không tin vào mắt mình nữa. Một cảnh mà dường như chỉ có trong phim. Đến giờ tôi vẫn ngỡ đó là giấc mơ kinh hoàng".
Ngay sau đó, nhân viên vườn thú được huy động lùa hổ trở về chuồng cũ và đưa công nhân bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Chiều 11/9, tại khu hậu phẫu bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, người thân anh Giàu cho biết, khi vừa tỉnh lại, anh vẫn hết sức hốt hoảng, thì thào nói không nghĩ là mình còn sống được. Bệnh nhân này bị thủng sọ, tổn thương não, anh phải trải qua 2 ca phẫu thuật để chữa những vết thương.
Bác sĩ Hoàng Văn Diệu, trưởng khoa Phẫu thuật, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh nhân Giàu đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe đang hồi phục.
Khu du lịch Đại Nam chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho anh Giàu và chi phí lo hậu sự việc an táng, chôn cất người đã mất.
Các chuồng hổ cách nhau bằng vách ngăn cao khoảng hơn 3m như thế này. Ảnh: Minh Tâm.Tại buổi làm việc với báo chí sáng 11/9 ở khu du lịch lịch sử vạn cảnh Đại Nam Văn hiến, ông Thái Truyền, Phó giám đốc cơ quan kiểm lâm vùng III cho biết, việc chưa có quy chuẩn chung trong xây dựng chuồng trại nuôi nhốt thú đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý ngành kiểm lâm thời gian qua.
Hiện tại, 3 đơn vị được phép nuôi hổ thí điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có: công ty Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An) có 31 con hổ, khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) có 9 con; khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một) có 18 con. Tất cả đều do chủ đầu tư tự xây dựng phương án, sau đó trình cơ quan chức năng đánh giá, phê duyệt.
Tháng 6 vừa qua, hội đồng đánh giá gồm đại diện các ngành chức năng đã đến kiểm tra và có ý kiến kết luận phương án xây dựng của tại các chuồng trại nuôi hổ ở Đại Nam là chưa tập trung nhiều vào các điền kiện và yếu tố an toàn.
"Tháng 10 tới, hội đồng có cuộc thẩm định lại phương án xây dựng nuôi các loài động vật hoang dã, trong đó có hổ tại khu du lịch Đại Nam. Chúng tôi sẽ tập trung vào các điều kiện an toàn cho cả người nuôi lẫn du khách tham quan nhất là sau khi sự cố xảy ra", ông Truyền nói. Sau buổi làm việc, cơ quan kiểm lâm vùng III có báo cáo nhanh với cục kiểm lâm Việt Nam liên quan đến sự cố này.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Dương Thành Phi, Giám đốc vườn thú Đại Nam cho biết, ngay từ tối xảy ra sự việc, ban quản lý đã tổ chức ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khu vực 2 chuồng thú này. Hiện khu vực đã được kê nới thêm lưới bên trên, tuy nhiên tất cả các con hổ ở khu chuồng này đều đã được nhốt vào khu vực cách ly an toàn cho đến khi hoàn thành các biện pháp xây dựng thêm hệ thống hàng rào bảo vệ xung quanh chuồng. "Khu vực kính chịu lực ở khu nhà hàng dùng để cho thực khách tham quan ngắm hổ
 

Hoangminh

Member
Kinh hoàng hổ sổng chuồng cắn chết người

Kinh hoàng hổ sổng chuồng cắn chết người
'Con hổ nhảy ào ra khỏi chuồng, chúng tôi liền hét lên nhưng vừa dứt lời thì nó đã ngoạm vào cổ anh Giàu, sau đó thì nhảy sang cấu xé anh Danh khiến anh ngã xuống", một nạn nhân thoát chết trong vụ hổ sổng chuồng, kể.
Một ngày sau khi xảy ra vụ hổ sổng chuồng cắn chết người ở khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, gia đình anh Danh đang làm tang lễ tiễn đưa người thân. Tại nhà anh, chỉ cách khu du lịch Đại Nam 1 cây số, bao trùm không khí tang thương. Bên cạnh di ảnh người cha xấu số, ba đứa con với những vành tang trắng, vợ anh, nước mắt đỏ hoe. Trong 3 đứa con của anh Danh, một đứa năm nay vào đại học, đứa nhỏ đang học cấp 1. Tai nạn xảy ra đã cướp đi một người trụ cột của gia đình.
Vị trí đám đất mới đắp, nơi con hổ đã vồ chết nạn nhân.
Trong khi đó, chiều nay, những nhân chứng đồng thời là các nạn nhân khác cũng chưa hết thất thần sau phút giây rơi vào nanh vuốt của hổ dữ, họ kể lại những khoảnh khắc kinh hoàng.
"Con hổ nặng gần 200kg ào tới, ngoạm vào cổ anh Giàu. Dù rất hoảng sợ nhưng chúng tôi cũng cố tìm mọi cách để sống sót. Chúng tôi vớ lấy những cây gậy để chống trả", anh Trương Minh Chánh, một trong những người thoát khỏi nanh hổ, kề lại.
Chiều 10/9, anh Chánh (tổ trưởng tổ chăm sóc cây xanh ở khu du lịch Đại Nam)cùng anh Nguyễn Công Danh (47 tuổi), Phan Thanh Giàu (21 tuổi, cán bộ thú y) và 2 người khác đang trồng cây xanh trong khu vực chuồng trống thì con hổ ở chuồng cạnh bên nhảy qua bức tường cao hơn 3m lao tới.
"Con vật quật mạnh nạn nhân xuống đất, đầu con hổ sát bên đầu của anh Giàu, chúng tôi liều chết cầm gậy xông tới nhưng không dám bổ xuống. Tuy nhiên, khi thấy con thú cắn càng lúc càng mạnh vào cổ đồng nghiệp, chúng tôi đành lấy hết can đảm và cùng phang mạnh", anh Chánh kể.
Trong bán kính chừng 2m, ba bốn người đã vây đánh con thú dữ để cứu nạn nhân Giàu. Bị một đòn trúng đầu, con vật liền nhà cổ nạn nhân ra và buông con mồi bỏ chạy. Mọi người ngay lập tức tìm cách kéo anh Giàu ra phía ngoài.
Nhưng bất ngờ, con hổ không chạy trốn mà quay lại tấn công anh Danh càng hung dữ hơn. "Sự việc xảy ra quá nhanh, trong khi chúng tôi lo kéo anh Giàu đi cấp cứu đồng thời chạy thoát thân thì con vật lại quay lại tấn công người. Bị đánh đau nó càng trở nên hung dữ hơn", anh Chánh kể tiếp cảnh kinh hoàng.
Cùng lúc đó, dù đã thoát được an toàn dưới hồ nước nhưng khi thấy hổ lao đến tấn công đồng nghiệp, anh Danh chạy lên dùng gậy đánh. Mãnh thú bất ngờ quay sang cấu xé khiến anh tử vong tại chỗ. "Thật kinh hoàng, tôi không tin vào mắt mình nữa. Một cảnh mà dường như chỉ có trên phim, chúng tôi lúc đó đành bất lực nhìn đồng nghiệp của mình nằm bất động sau cú vồ của con hổ dữ", anh Chánh buồn bã.
Hổ Đông Dương, đang được nuôi tại khu du lịch Đại Nam.
Cũng như anh Chánh, những nhân viên khác thoát chết, sau một ngày vẫn còn thất thần, mặt mày hốc hác. Họ nói, những gì chứng kiến đối với họ không thể quên được trong suốt cuộc đời còn lại.
Còn anh Nguyễn Văn Giàu, chiều 11/9, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, hiện nằm hồi sức ở khoa hậu phẫu, anh thều thào cho biết không nghĩ là mình đã sống sót. Anh hỏi thăm những người cùng bị nạn với mình và cảm ơn nhưng người đã cứu anh thoát khỏi nanh vuốt hổ dữ.
Sau sự cố, cơ quan kiểm lâm cũng đã có buổi làm việc tại khu du lịch Đại Nam Văn hiến. Ông Thái Truyền, Phó Giám đốc cơ quan kiểm lâm vùng III cho biết trong tháng 10, sẽ có phương án thẩm định lại chương trình nuôi động vật hoang dã, trong đó có việc nuôi hổ tại khu du lịch Đại Nam.
Xuân Hoàng
 

NguyenNhuThach

Active Member
...ông Dương Thành Phi, Giám đốc vườn thú khu du lịch Đại Nam cho biết, hổ chỉ có thể nhảy từ chuồng này sang chuồng kế bên chứ không thể vượt ra ngoài khu vực bảo vệ, bởi bao bọc các chuồng hổ là hệ thống xung điện hàng rào cùng hồ nước rộng 8m sâu 4m.
Ban giám đốc vườn thú đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao con hổ này có thể vượt qua vách ngăn có gắn xung điện giữa 2 chuồng dẫn đến sự cố đáng tiếc nêu trên.
Theo nhận định ban đầu của ban quản lý vườn thú, nhiều khả năng các con hổ đã bị hoảng sợ khi nhân viên vườn thú dùng cần cẩu để trồng cây xanh.
Minh Tâm
Có lẽ sự hiểu biết về hổ của những người quan lý nơi này còn qua kém nên mới không lường được những chuyện xảy ra như vầy . Khi những con thú nổi điên lên thì sẽ nguy hiểm vô cùng, phải lường trước được những điều này và tránh dể nó xảy ra .
Phải chi có hình của hiện trường thì hay biết mấy, dể coi cái hàng rào cao 5m có gắn điện nó như thế nào mà hổ "nhảy bổ" qua được .


Hàng rào tạm theo kiểu B40 phun bê tông(chưa chi đã nứt) như thế này thì gắn xung điện ở đâu? và làm sao ngăn được con hổ,rào điện ngăn cách với mương nước cũng chẳng thấy đâu.
Tôi tham quan chuồng hổ lúc Đại Nam chưa mở cửa đón khách,lúc đó chỉ có 4 con(bây giờ là 18 con) thấy chuồng rất rộng,vách giữa 2 chuồng làm bằng bê tông kiểu giả vách đá,cao khoảng 3 mét,trên có 2 sợi dây điện song song,có cả hàng rào điện ngăn không cho hổ xuống mương nước (để có thể ra ngoài),chắc do có thêm hổ nên người ta mới ngăn thêm kiểu này,làm chuồng chó thì được.
Sáng nay đọc báo lại thấy 2 công nhân chết ngạt trong lòng cống sâu ở quận 7,chắc lại là thiếu trang bị kiến thức và phương tiện trợ giúp,cứu hộ....
 
Nhiều giả thiết về nguyên nhân hổ sổng chuồng cắn chết người
Bị hoảng loạn do tiếng động mà nhóm nhân viên làm việc gây ra, hung dữ hơn vì đang giai đoạn động dục và được ăn nhiều thịt sống, tường ngăn không đủ cao..., là những giả thiết về nguyên nhân con mãnh thú Khu du lịch Đại Nam tấn công và cắn chết người.
Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Phó giám đốc Thảo Cầm Viên (TP HCM) cho rằng, đây là lần đầu tiên tại VN xảy ra việc hổ khu du lịch sổng chuồng cắn chết người.

Ông Lâm nhận định, không loại trừ những nguyên nhân chủ quan đã tác động trực tiếp đến “ông ba mươi” này. Điều dễ nhận ra là cấu trúc chuồng trại tại khu du lịch có thể chưa hợp lý, độ cao bức tường ngăn chưa đủ tiêu chuẩn (chỉ cao khoảng 3 m). "Hiện nay, tại các khu nuôi dưỡng thú hoang trên thế giới, người ta xây dựng những bức tường ngăn có độ cao 5 m để đảm bảo các con thú không thể phóng qua", ông nói.

Vị tiến sĩ còn cho rằng, cách thức điều hành công việc của các nhân viên tại đây đã thiếu “am hiểu” về đặc tính của loài thú dữ, cụ thể là con hổ này. Theo các nhân chứng kể lại, hôm đó trước khi vào trồng cây xanh trong một chuồng bỏ trống, những nhân viên vườn thú đã dùng xe cẩu để đưa cây từ ngoài vào trong chuồng.



Hổ vằn Đông Dương, cùng loài với mãnh thú "gây án" thường hung bạo hơn nhiều lần trong thời kỳ động dục. Ảnh: M.T.

“Bình thường, hổ có thể rất hiền, coi mình như bạn, nhân viên tại khu du lịch có thể lại gần vuốt ve. Trong trường hợp này, nó đã bị hoảng loạn bởi những tiếng động do cần cẩu mà những công nhân gây ra khi làm việc, dẫn đến hành vi bất thường. Chính những tác động ngoại cảnh đã khiến con thú xem những 'động vật' trước mặt mình là kẻ thù và quyết định tấn công”, ông Lâm nhận định.

Ngoài ra, ông Lâm còn cho biết thêm, loại mãnh thú này có tính “chủ quyền” lãnh thổ rất cao. Có thể trước đây chính khu vực các công nhân làm việc là “nhà” của nó, nên khi bị xâm phạm hay “làm phiền”, nó đã có phản ứng tiêu cực như trên.


Hổ tại vườn thú của khu du lịch Đại Nam được nuôi theo hình thức bán hoang dã trong một khu vực cách ly với du khách bằng một hào nước sâu 4m , rộng 5-8m ,bên ngoài còn có một vách ngăn bằng kính cao 2 m và một rào bê-tông giả gỗ cao hơn 1 m. Vị trí nạn nhân bị hổ vồ chết là một chuồng trống trong khu cách ly và được ngăn với khu nuôi con hổ vàng bằng một tường đắp ximăng mỏng, cao chỉ khoảng 3 m.

Theo một chuyên gia, con hổ vàng gây án có thể đang trong giai đoạn động dục. Ở giai đoạn này, trong bán kính sinh sống, sự hung dữ của nó sẽ tăng lên gấp bội và rất dễ vượt qua bức tường có độ cao nói trên.

Một số tư liệu còn cho biết việc xây hồ nước để ngăn hổ chỉ có tác dụng không có chỗ đệm cho hổ phóng ra ngoài. Trên thực tế, loài hổ bơi rất giỏi và có thể sát hại con mồi ngay cả khi nó đang trong môi trường nước.

Theo nhân viên kỹ thuật của vườn thú Đại Nam, đơn vị này có sử dụng dòng điện một chiều có điện áp 10.000V nhằm ngăn không cho hổ đến gần để leo trèo sang chuồng kế bên. Một chuyên gia nhận xét, việc thiết kế hệ thống xung điện này tuy nói là an toàn, nhưng trong trường hợp giả định đột ngột mất điện mà không có nguồn điện dự phòng kịp thời, thì quả thật hậu quả sẽ rất khó lường.

Mặt khác, một trong những nhận định được đưa ra là nền xi măng trong chồng hổ có độ cao hơn mặt đất và nền cứng kèm theo cây xanh mọc sát bờ vách tường ngăn chính là “cái đà” hay “chiếc thang” giúp con hổ bắt trớn dễ dàng phóng sang mà không hề chạm đến xung điện ở vách ngăn.

Ông Dương Thành Phi, Giám đốc vườn thú Đại Nam, cho biết, trước đây các khẩu phần ăn của hổ là thịt được nấu chín nhưng để tăng cường khả năng sinh sản cho chúng, vườn thú đã cho ăn thịt bò tươi. Bản tính hoang dã của chúng càng trở nên hung dữ như ngoài tự nhiên nếu ăn thịt sống có máu lâu ngày
Theo vị tiến sĩ Việt Lâm, bất cứ một cơ sở nuôi dưỡng thú dữ nào cũng cần phải có phương án quản lý động vật, phòng tránh thú hoang dã sổng chuồngHiện nay, Nhà nước không khuyến khích việc nuôi dưỡng thú hoang, chưa có một quy định bắt buộc cụ thể nào về tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy vậy, chính các cơ sở này phải tự trang bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả con người và thú dữ.

“Nếu trước khi tiến hành việc tu sửa chuồng, khu du lịch Đại Nam nhốt con hổ này vào một nơi an toàn thì hậu quả đã không xảy ra. Chính thái độ chủ quan của mọi người đã tự gây nguy hiểm cho tính mạng mình”, vị tiến sĩ nói.

Hiện các cơ quan chức năng xác tiếp tục định nguyên nhân "gây án" của con hổ tại khu du lịch Đại Nam.

Vũ Mai-Minh Tâm VnExprees
 
trước tiên là K cũng chia buồn cùng gia đình. thật không thể tượng tượng nổi ...

chuồng hổ, mới nghe tên đã thấy hơi sờ sợ rồi. trong chuồng hổ có hổ, đi nhìn tụi nó còn có cảm giác sợ hơn. thế mà đằng này lại có vụ việc đáng tiếc kia. có lẽ chỉ 1 cái kính với chiều cao như vậy thì không an toàn được đâu. thà cứ làm song sắt như các khu du lịch khác xem ra còn an toàn hơn. giả dụ như nó nhảy qua được thì sao ? nếu như hôm đấy khách người ta không đến xem hổ thì may rồi. nhưng có vấn đề khác là thế thì nó sẽ chạy quanh khu du lịch đấy hoặc có thể ra ngoài luôn ấy chứ lị. vậy thì bắt nó khó khăn lắm, thậm chị là còn có thêm ng ... nhưng chẳng may có khách du lịch đứng quanh đấy thì ... ( hổng dám nói tiếp nữa ) ...

nói chung là chỉ với vật chắn như thế thì chả thấy an toàn tí nào. cũng may K ở xa khu du lịch đấy :D
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Khiếp đảm vì đàn hổ nuôi sát cạnh nhà

Liên quan vụ hổ Khu du lịch Đại Nam cắn chết người, chúng tôi về thăm những trại nuôi hổ ở Bình Dương và biết một sự thật lạnh người: Hổ ở các trại nuôi đã nhiều lần sổng chuồng, thậm chí hổ còn chạy… vào nhà dân.

Trồng dâm bụt để… ngăn hổ

Chiều 13/9, chúng tôi đã đến trại nuôi hổ có quy mô lớn với 31 con hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific) tại ấp Nội Hóa I, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trại nuôi hổ nằm giữa khu dân cư đông đúc, cửa chuồng đóng kín im lìm. Khi tiến sát bên vách tường, tôi giật thót tim khi nghe tiếng hổ gầm rú.

Các hộ dân sống xung quanh trại nuôi hổ Công ty Bia Thái Bình Dương cho biết: Sau khi nghe thông tin con hổ Khu du lịch Đại Nam nhảy khỏi chuồng cắn chết người, cả khu dân cư Nội Hóa I, xã Bình An, đêm ngày lo sợ đàn hổ dữ của ông Ngô Duy Tân đang nuôi trong khu liệu có sổng chuồng?

Chúng tôi đến nhà ông Lê Thanh Thiều ở ấp Nội Hóa I, xã Bình An, huyện Dĩ An. Nhà ông nằm sát bên bức tường rào chuồng nuôi hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương. Ông Thiều nhớ lại sự kinh hãi cách đây 3 năm về trước: Lúc đó khoảng 4-5 giờ chiều, một con hổ to 50-60kg đã nhảy vọt qua hàng rào chạy thẳng vào sân nhà ông. Mọi người trong nhà cả người lớn và trẻ em hoảng loạn la lên và kêu nhau chạy vào nhà đóng cửa lại.

Ông Thiều hãi hùng kể: “Con hổ cứ ve vởn trong sân, tôi sợ quá báo cho Công ty Thái Bình Dương. Lúc đó, anh Vệ nhân viên nuôi hổ mới chạy qua tìm cách xua đuổi con hổ chạy về chuồng”.


Khu du lịch Đại Nam, nơi xảy ra vụ hổ vồ chết người "hoang đường". (Ảnh: Công Quang)

Ông Thiều cho biết thêm: Cách đây mấy năm, khi mới đưa hổ về nuôi, ông Tân chưa kịp xây hàng rào cao mà chỉ dùng hàng cây dâm bụt trồng để ngăn đàn hổ. Sau khi con hổ sổng chuồng chạy sang khu vực nhà dân, ông có báo lên chính quyền xã Bình An xuống kiểm tra và yêu cầu ông Tân xây tường rào cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Chiên sống trong căn nhà có tường rào rất cao, song bà cho biết hàng ngày vẫn “sợ xanh da” khi đàn hổ của ông Tân buôi bên cạnh nhà. Vào mùa động dục, đàn hổ gầm rú suốt ngày, cao điểm là lúc 4-5 giờ sáng hổ kêu rất dữ dội khiến người dân luôn sống trong thất thỏm lo âu.

Bà Chiên bức xúc nói: “Ai đời đưa đàn hổ dữ mấy chục con nuôi trong khu dân cư rất đông người dân sinh sống. Mỗi lần trời chuyển mưa, cả đàn hổ kêu rú và từ chuồng tỏa ra mùi hôi thối rất khó chịu. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền việc nuôi hổ của ông Tân trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cần chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn như cũ”.

Năm 2007, sau khi ở Bình Dương dấy lên chuyện các “đại gia” nuôi hổ, 4 trại được nuôi thí điểm gồm: Khu du lịch Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương, Khu du lịch Thanh Cảnh và trại nuôi hổ Huỳnh Phi Ngọc. Nhưng sau khi bị hổ sổng chuồng, anh Ngọc đã hiến tặng đàn hổ cho Khu du lịch Đại Nam nên đến nay Bình Dương chỉ còn lại 3 trại nuôi thí điểm.

Quan chức đến ngắm thú rồi về?

Điều khá ngạc nhiên là sau khi Chính phủ cho Công ty Cổ phần Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương và Khu du lịch Thanh Cảnh được gây nuôi thí điểm động vật hoang dã, nhiều cơ quan gồm: CITES VN, Kiểm lâm vùng III, Kiểm Lâm Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường... đã thành lập Hội đồng thẩm định phương án của các trại nuôi thí điểm. Dư luận cho rằng: không có quy chuẩn thì căn cứ đâu thẩm định? Liệu các đợt kiểm tra là để cho các quan chức đến ngắm thú rồi… về?

Được nuôi thí điểm nhưng không có quy chuẩn chuồng trại

Sau khi xảy ra sự cố hổ cắn chết người, đoàn công tác cơ quan kiểm lâm vùng III và Kiểm lâm Bình Dương mới vào cuộc điều tra thực trạng và nguyên nhân vụ việc. Các quan chức kiểm lâm thừa nhận rằng: đến nay chưa có văn bản hay quy định nào về quy chuẩn chuồng trại nuôi thú dữ, đặc biệt là nuôi hổ nên rất khó kiểm soát được.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ năm 2007, các cơ sở nuôi nhốt thú dữ, trong đó có loài hổ, đều căn cứ theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 20/8/2006 về “Quản ly hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam là nước thành viên tham gia “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, được gọi là Công ước CITES.

Sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, theo đó trong năm 2007, Chính phủ đã cho phép 3 cơ sở nuôi hổ với tư cách là nuôi động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng gồm có: Công ty bia Thái Bình Dương (huyện Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (huyện Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một).

Do Việt Nam đã là thành viên của CITES, vì vậy về tính chất nuôi hổ của các cơ sở này chủ yếu là phục vụ cho mục đích công tác gây nuôi nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ nhằm phục vụ cho công tác khoa học, tham quan, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại. Trên thực tế, quá trình nuôi thí điểm bước đầu đã có những thành công cho mục đích bảo gồn, gây nuôi sinh sản. Cụ thể, các cơ sở này bắt đầu có những kết quả khích lệ khi thực hiện thành công, riêng ở khu du lịch Đại Nam đến nay đã có 8 con hổ được sinh sản tại vườn thú.


Thí điểm nuôi hổ, "thí điểm" cả chuồng trại khiến hổ đã nhiều lần vượt rào, xông vào cả nhà dân. (Ảnh: Công Quang)

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nguyên, việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã mà không ban hành các quy chuẩn trong nuôi thú dữ khiến Kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn, nan giải trong khâu quản lý nhà nước. Mặc dù hàng năm Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, đôn đúc các chủ trại nuôi thú hoang dã thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối cho người và đàn thú, nhưng đến nay, việc chưa có quy chuẩn nào đưa ra nên đã làm khó cho đơn vị, ông Nguyên nhìn nhận!

Dư luận ở Bình Dương lên tiếng: nếu chưa có quy chuẩn về chuồng trại thì rõ ràng không nên tiếp tục cho nuôi “thí điểm”, nhất là về sự an toàn cho người dân khi các loại thú dữ được nuôi giữa khu dân cư.

Được biết cả 3 trại gây nuôi thí điểm động vật hoang dã đã nhiều lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều nói không đạt và phải làm lại. Riêng Khu du lịch Đại Nam cho biết đã ba lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều bắt chỉnh sửa, khiến đơn vị cứ mãi loay hoay với việc lập phương án xây dựng chuồng trại.

Cho đến ngày hôm nay, sau khi để xảy ra vụ hổ cắn chết nhân viên, Khu du lịch Đại Nam đã đóng cửa các chuồng nuôi hổ trong vòng 15 ngày để chờ sửa chữa chuồng trại, gia cố thêm sắt hàng rào cao 5m.

Ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam cho biết: hàng rào hiện hữu sẽ được tăng thêm một lớp thứ hai cao 5m nhằm tuyệt đối an toàn mới phục vụ du khách trở lại. Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết.

Xử lý hình sự vụ buôn bán hổ chết

Năm 2006, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt 4 Việt kiều Úc đang mua bán một con hổ chết tại nhà một “đại gia” nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, thị xã Thủ Dầu Một. Vụ việc sau đó chìm vào “quên lãng” gần 3 năm, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo nối lại điều tra.

Được biết, liên quan vụ buôn bán hổ này, Kiểm lâm Bình Dương đã báo cáo lên Cục Kiểm lâm và xin ý kiến xử lý. Cục Kiểm lâm sau đó có công văn yêu cầu không được xử lý vụ việc vi phạm hành chính mà kiến nghị Bình Dương khởi tố vụ án hình sự. Nhưng vụ việc trở nên phức tạp vì khi đó UBND tỉnh đã ra công văn xử lý hành chính vụ việc nói trên, nhưng giữa các ngành có ý kiến mâu thuẫn nhau. Sau đó, vụ việc phải đưa ra họp bàn, tìm cách xử lý lại. Mãi đến tháng 6/2009, tại cuộc họp giữa Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm với UBND tỉnh mới đạt được kết luận: Xử lý vụ buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc với mức độ vụ án hình sự.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết: Việc buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc trước đây đã được UBND tỉnh cho xử lý vi phạm hành chính. Nhưng sau khi báo cáo lên Cục Kiểm lâm không đồng ý xử lý hành chính mà yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và vụ việc đang được Công an điều tra, chưa có kết luận cụ thể nào.

Dương Chí Tưởng

TTXVN
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Khoảnh khắc kinh hoàng khi bị hổ tấn công

Chiều 11/9, nạn nhân bị thương trong vụ một con hổ Đông Dương tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương tấn công người, đã qua cơn nguy kịch, hồi tỉnh lại và kể về những giây phút kinh hãi đối diện với hổ.

Anh Nguyễn Thanh Giàu, 21 tuổi, bị hổ tấn công chiều 10/9, trọng thương ở đầu, tai, cổ và mất nhiều máu. Trong tiếng thở còn khó khăn, anh Giàu kể về khoảnh khắc kinh hoàng khi bị con hổ lao vào tấn công.

Anh cho biết, lúc đó anh đang đứng giữ cây để những người khác trồng. Đột nhiên, ở chuồng bên cạnh con hổ lao qua nhanh như cắt, xông đến chỗ mọi người đang làm. Anh la to lên, ra hiệu đuổi con hổ quay về chỗ cũ song nó không tuân theo mà lao thẳng vào anh. Anh bị hổ vồ mạnh vào đầu, ngã xuống và không biết gì nữa.

Một công nhân thoát nạn kể lại, vào 15h30 ngày 10/9, có 5 công nhân đang tiến hành trồng cây xanh trong chuồng nuôi hai con hổ trắng được nhốt an toàn. Trong lúc trồng cây, con hổ vàng Đông Dương ở chuồng bên cạnh bất ngờ leo qua hàng rào và lao vào nhữn công nhân này.


Hổ nuôi tại Đại Nam

Ba người nhanh trí lao xuống ao nước sâu lánh nạn, hai công nhân dùng cành cây đập mạnh nhằm xua đuổi con hổ. Tuy nhiên, nó lao vào tấn công anh Nguyễn Thanh Giàu trọng thương ở đầu, cổ và tai rồi bỏ đi.

Thấy con hổ đã chạy khuất vào bức tường, anh Nguyễn Công Danh từ dưới ao nước ngoi đầu lên nhìn, bất ngờ con hổ quay lại nhanh như chớp vồ mạnh vào cổ làm anh chết ngay tại chỗ. Sau đó, các công nhân còn ở trong chuồng dũng cảm dùng cây đập con hổ và ép nó vào khu vực chuồng nhốt.

Khi con hổ tấn công các công nhân, bên ngoài rất đông người nhưng đành bất lực đứng nhìn, không thể giải cứu. Sau khi lùa được con hổ vào chuồng, nhân viên Đại Nam dùng cần cẩu đang trồng cây xanh đưa các nạn nhân ra bên ngoài để vào bệnh viện điều trị.

Kiểm tra thực tế tại chuồng nuôi và địa điểm con hổ cắn chết người, đoàn kiểm tra nhận định: tại nơi con hổ nhảy qua bức tường ximăng giữa hai chuồng chỉ cao 2,5m. Mặc dù có gắn xung điện cao 60cm nhưng nhìn chung bức tường quá thấp so với sức mạnh của con hổ trưởng thành nặng hàng trăm kg.

Sau khi sự cố xảy ra, Khu du lịch Đại Nam mới dùng lưới B40 ngăn tạm bức tường; việc làm này quá thiển cận và chủ quan. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chặt bỏ ngay một cây xanh ở ngay nơi con hổ nhảy qua.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Vườn thú Đại Nam nhìn nhận: việc quá chủ quan không nhốt tất cả đàn hổ vào chuồng trước khi tiến hành sửa chữa, trồng cây xanh là bài học đắt giá; xảy ra án mạng trong chuồng hổ là bài học không chỉ cho Khu du lịch Đại Nam mà còn cho các khu nuôi hổ trong cả nước.

Đồng thời, các nới nuôi hổ chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối, dùng lưới sắt ngăn không cho thú dữ có cơ hội tuồn ra ngoài.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Vườn thú Đại Nam gia cố ngay các hàng rào sắt cao, chắc chắn hơn nhằm đảm bảo tuyệt đối cho du khách; không chỉ các chuồng nuôi thú dữ mà các loài thú ăn cỏ cũng sẽ được gia cố chuồng trại, bảo đảm tuyệt đối an toàn mới mở cửa phục vụ người xem.

Theo TTXVN/Vietnamnet
 

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Những gia đình sống cạnh chuồng hổ

Sau sự cố hổ vồ chết người tại vườn thú khu du lịch Đại Nam, người dân trong khu phố thuộc ấp Nội Hoá, huyện Dĩ An (Bình Dương) lại xôn xao bàn tán về câu chuyện “ông ba mươi” ngồi liếm mép ở phòng khách của một gia đình trong xóm.

Theo chỉ dẫn của người dân khu phố, nhà bà Lê Thị Thảo là nơi đã được chúa sơn lâm ghé thăm vào hơn một năm trước.

Tại căn biệt thự 3 tầng, bà Thảo khẽ rùng mình, co người lên ghế, chậm rãi kể về ngày kinh hoàng đối với gia đình bà.


Chuồng hổ sát vách nhà bà Thảo.

Buổi trưa hôm đó, bà vừa bế cháu đi sang hông nhà thì thấy một vật gì đó phóng qua rất nhanh, quay người nhìn lại không thấy gì. Ít phút sau, bà Thảo vừa quay lên nhà trước thì “chết điếng” khi thấy một con hổ đang nằm chễm trệ ngay giữa phòng khách.

“Tôi cứ ngỡ là mình bị hoa mắt. Thế nhưng, nhìn kỹ thì thấy con hổ to tướng đang nằm liếm bộ ria mép. Người tôi rung lên bần bật, toát cả mồ hôi. May mắn là tôi đã bình tĩnh được, nhanh tay đóng sập cửa lại và thét lên truy hô. Ông nhà tôi cuống cuồng chạy sang gọi người nuôi hổ của Công ty TNHH bia Thái Bình Dương để lùa hổ trở về chuồng”, bà Thảo bàng hoàng kể lại.

Phần chuồng trại của Công ty bia Thái Bình Dương có một mặt hướng ra đường, mặt sau chính là sân chơi dành cho hổ rộng khoảng 500 m2, nằm sát vách nhà bà Thảo.

Chỉ tay về đoạn vách tường cao khoảng 6 m, có dấu ghép nối, chồng bà Thảo cho biết, nó được công ty xây nâng gấp đôi ngay sau khi sự cố hổ nhảy sang “thăm” nhà ông. Tuy nhiên, đến giờ, ngay cả sau khi bờ tường đã được cơi nới thì tâm trạng của gia đình vẫn còn lo lắng. Ngay cạnh sân thượng nhà bà Thảo, cách khoảng 1,5 m còn có cây dừa nằm trong sân chơi của hổ vói phần ngọn cây cao ngất. Gia đình cho biết, tuy công ty đã cho rào kẽm gai xung quanh phần trên của cây dừa nhưng họ vẫn luôn mường tượng đến khả năng phóng nhảy, leo trèo của hổ, nhất là cây dừa này còn tiếp tục phá triển cao hơn nữa.

“Do lo sợ nên cứ tàu lá nào vươn qua nhà là bố đều chặt hết”, con gái bà Thảo chỉ tay về ngọn dừa dấu vết bị chặt còn mới toanh.

Thỉnh thoảng, câu chuyện của vợ chồng bà Thảo lại bị ngắt quãng bởi tiếng gầm thét của “ông ba mươi” phát ra từ khu chuồng sát vách nhà khiến những người khách tưởng như mình đang lọt vào nơi hoang dã nào đó, chứ không phải đang đứng chân trong biệt thự ở một đô thị sầm uất tại Bình Dương.


Ngọn dừa trong sân chơi của hổ chỉ cách sân thượng nhà bà Thảo 1,5m.

“Sống chung” với hổ suốt một thời gian dài, hằng ngày đều nhìn thấy 2 “ông ba mươi” có tổng trọng lượng trên dưới 400 kg chơi đùa, gầm rú khiến đứa cháu gái chưa lên năm của bà Thảo giờ đây không khác gì một “chuyên gia” khi nói và kể về hổ. Cháu miêu tả một cách khá tỉ mỉ về hình dáng, tiếng hổ gầm rú hàng ngày như thế nào…

“Có lẽ ở trong độ tuổi của cháu, ít có đứa trẻ nào có được ‘cơ hội’ được tiếp cận với hổ cả trong không gian và thời gian thật đến vậy. Nỗi sợ hãi về sự nguy hiểm của loài mãnh thú này dường như không có trong tâm trí của cháu”, mẹ cô bé cười đùa cho biết. “Lúc nhỏ cháu ngủ rất hay giật mình mỗi khi nghe tiếng hồ gầm thét bất kể giờ giấc. Rồi cháu lớn lên trong âm thanh này nên đến giờ đã quen không khác gì đứa trẻ nghe tiếng mèo kêu vậy”.

Nhiều người dân ở khu phố nghi ngại, loài thú dữ ở nơi đây sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới và điều đó càng làm gia tăng thêm nỗi bất an của những người nơi đây. Họ bảo rằng, may mắn như gia đình bà Thảo chắc không có lần thứ 2. “Nguy hiểm thì chực chờ, mùi hôi thối từ chuồng trại, tiếng gầm thét của hổ theo chiều gió bất kể ngày đêm “tra tấn” chúng tôi suốt thời gian qua”, một người dân không giấu nỗi bức xúc nói.

Mặc dù đã đến công ty liên lạc nhiều lần, phóng viên không thể gặp được bất cứ lãnh đạo nào trong công ty.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hiện có 3 đơn vị được phép nuôi hổ thí điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có: Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một). Tại thời điểm kiểm tra vào tháng 6 vừa qua, Công ty Bia Thái Bình Dương đang nuôi 31 con hổ, 7 con báo, 6 con gấu ngựa và 670 con cá sấu nước ngọt.

Cũng trong lần kiểm tra này, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có kiến nghị yêu cầu về chuồng trại, công ty phải khẩn trương gia cố để đảm bảo độ vững chắc, an toàn tuyệt đối cho người nuôi và cộng đồng dân cư xung quanh. Đồng thời, kết luận này cũng đã lưu ý, khu vực nuôi hổ nằm trong khu dân cư, về lâu về dài công ty phải có kế hoạch di dời vị trí nuôi hổ đến vị trí mới đảm bảo điều kiện nuôi và an toàn.

Theo VnExpress
 

salemka

Member
Trên dantri có bài báo này, ở cuối bài có ghi "Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết". Tại sao lại làm như thế cơ chứ? Con hổ có tội gì? Tội là ở mấy ông quản lí thiếu trách nhiệm kia. Khổ thân quá, mà chẳng biết làm thế nào :( . Hổ là động vật quý hiếm, vậy mà bỏ đói cho đến chết là điều người ta cho phép làm à? Săn bắt hổ thì bị phạt tù, nuôi hổ để nó chết đói lại không làm sao à? Lại còn đăng lên báo nữa chứ? Ôi chả hiểu thế nào nữa! Con người có quyền phạt con người, chứ con người tự cho mình quyền phạt thiên nhiên, phạt các loài động vật khác hay sao?
Bức xúc! >_<
 
Khiếp đảm vì đàn Hổ nuôi sát cạnh nhà
Liên quan vụ hổ Khu du lịch Đại Nam cắn chết người, chúng tôi về thăm những trại nuôi hổ ở Bình Dương và biết một sự thật lạnh người: Hổ ở các trại nuôi đã nhiều lần sổng chuồng, thậm chí hổ còn chạy… vào nhà dân.

Chiều 13/9, chúng tôi đã đến trại nuôi hổ có quy mô lớn với 31 con hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific) tại ấp Nội Hóa I, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trại nuôi hổ nằm giữa khu dân cư đông đúc, cửa chuồng đóng kín im lìm. Khi tiến sát bên vách tường, tôi giật thót tim khi nghe tiếng hổ gầm rú
Các hộ dân sống xung quanh trại nuôi hổ Công ty Bia Thái Bình Dương cho biết: Sau khi nghe thông tin con hổ Khu du lịch Đại Nam nhảy khỏi chuồng cắn chết người, cả khu dân cư Nội Hóa I, xã Bình An, đêm ngày lo sợ đàn hổ dữ của ông Ngô Duy Tân đang nuôi trong khu liệu có sổng chuồng?

Chúng tôi đến nhà ông Lê Thanh Thiều ở ấp Nội Hóa I, xã Bình An, huyện Dĩ An. Nhà ông nằm sát bên bức tường rào chuồng nuôi hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương. Ông Thiều nhớ lại sự kinh hãi cách đây 3 năm về trước: Lúc đó khoảng 4-5 giờ chiều, một con hổ to 50-60kg đã nhảy vọt qua hàng rào chạy thẳng vào sân nhà ông. Mọi người trong nhà cả người lớn và trẻ em hoảng loạn la lên và kêu nhau chạy vào nhà đóng cửa lại.

Ông Thiều hãi hùng kể: “Con hổ cứ ve vởn trong sân, tôi sợ quá báo cho Công ty Thái Bình Dương. Lúc đó, anh Vệ nhân viên nuôi hổ mới chạy qua tìm cách xua đuổi con hổ chạy về chuồng”.


Khu du lịc Đại Nam nơi vụ hổ vồ chết người " hoang đường "

Ông Thiều cho biết thêm: Cách đây mấy năm, khi mới đưa hổ về nuôi, ông Tân chưa kịp xây hàng rào cao mà chỉ dùng hàng cây dâm bụt trồng để ngăn đàn hổ. Sau khi con hổ sổng chuồng chạy sang khu vực nhà dân, ông có báo lên chính quyền xã Bình An xuống kiểm tra và yêu cầu ông Tân xây tường rào cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Chiên sống trong căn nhà có tường rào rất cao, song bà cho biết hàng ngày vẫn “sợ xanh da” khi đàn hổ của ông Tân nuôi bên cạnh nhà. Vào mùa động dục, đàn hổ gầm rú suốt ngày, cao điểm là lúc 4-5 giờ sáng hổ kêu rất dữ dội khiến người dân luôn sống trong thất thỏm lo âu.

à Chiên bức xúc nói: “Ai đời đưa đàn hổ dữ mấy chục con nuôi trong khu dân cư rất đông người dân sinh sống. Mỗi lần trời chuyển mưa, cả đàn hổ kêu rú và từ chuồng tỏa ra mùi hôi thối rất khó chịu. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền việc nuôi hổ của ông Tân trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cần chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn như cũ”.

Năm 2007, sau khi ở Bình Dương dấy lên chuyện các “đại gia” nuôi hổ, 4 trại được nuôi thí điểm gồm: Khu du lịch Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương, Khu du lịch Thanh Cảnh và trại nuôi hổ Huỳnh Phi Ngọc. Nhưng sau khi bị hổ sổng chuồng, anh Ngọc đã hiến tặng đàn hổ cho Khu du lịch Đại Nam nên đến nay Bình Dương chỉ còn lại 3 trại nuôi thí điểm.

Được nuôi thí điểm nhưng không có qui chuẩn chuồng trại
Sau khi xảy ra sự cố hổ cắn chết người, đoàn công tác cơ quan kiểm lâm vùng III và Kiểm lâm Bình Dương mới vào cuộc điều tra thực trạng và nguyên nhân vụ việc. Các quan chức kiểm lâm thừa nhận rằng: đến nay chưa có văn bản hay quy định nào về quy chuẩn chuồng trại nuôi thú dữ, đặc biệt là nuôi hổ nên rất khó kiểm soát được.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ năm 2007, các cơ sở nuôi nhốt thú dữ, trong đó có loài hổ, đều căn cứ theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 20/8/2006 về “Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam là nước thành viên tham gia “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, được gọi là Công ước CITES.

Sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, theo đó trong năm 2007, Chính phủ đã cho phép 3 cơ sở nuôi hổ với tư cách là nuôi động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng gồm có: Công ty bia Thái Bình Dương (huyện Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (huyện Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một).

Do Việt Nam đã là thành viên của CITES, vì vậy về tính chất nuôi hổ của các cơ sở này chủ yếu là phục vụ cho mục đích công tác gây nuôi nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ nhằm phục vụ cho công tác khoa học, tham quan, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại. Trên thực tế, quá trình nuôi thí điểm bước đầu đã có những thành công cho mục đích bảo gồn, gây nuôi sinh sản. Cụ thể, các cơ sở này bắt đầu có những kết quả khích lệ khi thực hiện thành công, riêng ở khu du lịch Đại Nam đến nay đã có 8 con hổ được sinh sản tại vườn thú.
Quan chức đến ngắm thú rồi về?

Điều khá ngạc nhiên là sau khi Chính phủ cho Công ty Cổ phần Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương và Khu du lịch Thanh Cảnh được gây nuôi thí điểm động vật hoang dã, nhiều cơ quan gồm: CITES VN, Kiểm lâm vùng III, Kiểm Lâm Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường... đã thành lập Hội đồng thẩm định phương án của các trại nuôi thí điểm. Dư luận cho rằng: không có quy chuẩn thì căn cứ đâu thẩm định? Liệu các đợt kiểm tra là để cho các quan chức đến ngắm thú rồi… về?


Thí điểm nuôi hổ, "thí điểm" cả chuồng trại khiến hổ đã nhiều lần vượt rào, xông vào cả nhà dân. (Ảnh: Công Quang)
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nguyên, việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã mà không ban hành các quy chuẩn trong nuôi thú dữ khiến Kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn, nan giải trong khâu quản lý nhà nước. Mặc dù hàng năm Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, đôn đúc các chủ trại nuôi thú hoang dã thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối cho người và đàn thú, nhưng đến nay, việc chưa có quy chuẩn nào đưa ra nên đã làm khó cho đơn vị, ông Nguyên nhìn nhận!

Dư luận ở Bình Dương lên tiếng: nếu chưa có quy chuẩn về chuồng trại thì rõ ràng không nên tiếp tục cho nuôi “thí điểm”, nhất là về sự an toàn cho người dân khi các loại thú dữ được nuôi giữa khu dân cư.

Được biết cả 3 trại gây nuôi thí điểm động vật hoang dã đã nhiều lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều nói không đạt và phải làm lại. Riêng Khu du lịch Đại Nam cho biết đã ba lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều bắt chỉnh sửa, khiến đơn vị cứ mãi loay hoay với việc lập phương án xây dựng chuồng trại.

Cho đến ngày hôm nay, sau khi để xảy ra vụ hổ cắn chết nhân viên, Khu du lịch Đại Nam đã đóng cửa các chuồng nuôi hổ trong vòng 15 ngày để chờ sửa chữa chuồng trại, gia cố thêm sắt hàng rào cao 5m.

Ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam cho biết: hàng rào hiện hữu sẽ được tăng thêm một lớp thứ hai cao 5m nhằm tuyệt đối an toàn mới phục vụ du khách trở lại. Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết.

Xử lý hình sự vụ buôn bán hổ chết

Năm 2006, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt 4 Việt kiều Úc đang mua bán một con hổ chết tại nhà một “đại gia” nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, thị xã Thủ Dầu Một. Vụ việc sau đó chìm vào “quên lãng” gần 3 năm, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo nối lại điều tra.

Được biết, liên quan vụ buôn bán hổ này, Kiểm lâm Bình Dương đã báo cáo lên Cục Kiểm lâm và xin ý kiến xử lý. Cục Kiểm lâm sau đó có công văn yêu cầu không được xử lý vụ việc vi phạm hành chính mà kiến nghị Bình Dương khởi tố vụ án hình sự. Nhưng vụ việc trở nên phức tạp vì khi đó UBND tỉnh đã ra công văn xử lý hành chính vụ việc nói trên, nhưng giữa các ngành có ý kiến mâu thuẫn nhau. Sau đó, vụ việc phải đưa ra họp bàn, tìm cách xử lý lại. Mãi đến tháng 6/2009, tại cuộc họp giữa Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm với UBND tỉnh mới đạt được kết luận: Xử lý vụ buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc với mức độ vụ án hình sự.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết: Việc buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc trước đây đã được UBND tỉnh cho xử lý vi phạm hành chính. Nhưng sau khi báo cáo lên Cục Kiểm lâm không đồng ý xử lý hành chính mà yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và vụ việc đang được Công an điều tra, chưa có kết luận cụ thể nào.


Dương Chí Tưởng

TTXVN
 

Manonero

Member
Hổ là động vật quý hiếm, là chúa sơn lâm, là động vật trong sách đỏ cần được cả thế giới bảo vệ v.v... hàng ngày chúng ta vẫn dạy con em chúng ta những điều như vậy, vẫn tôn sùng vẻ đẹp và sự oai mãnh của ông ba mươi. Vậy mà một giám đốc của trung tâm nuôi nhốt hổ lại có thể phát biểu " Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết. " Thật đáng buồn và đáng căm giận cho cái sự trốn tránh trách nhiệm, cho cái sự nhu nhược của con người này!
Mãnh thú luôn luôn là mãnh thú, con hổ luôn có bản năng sinh tồn của nó, vụ việc thương tâm xảy ra nào có thể đổ hết trách nhiệm lên đầu nó. CON NGƯỜI - những người không tìm hiểu về tập tính loài hổ, nuôi nhốt một cách cẩu thả, xây dựng chuồng trại nuôi "chúa sơn lâm" như nuôi nhốt chó mới là kẻ phải chịu trách nhiệm chính trong cái chết thương tâm này. Một cái chết đã xảy ra, đừng để thêm một cái chết vô ích nữa. Một cái chết chỉ để trả thù và che dấu sự cẩu thả tắc trách của con người, để trốn tránh trách nhiệm và " trả đũa báo chí".
Tôi cực lực phản đối hành động này và con người đã nêu ra hành động này. Một hành động thiếu nhân tính chứ chưa muốn nói là tàn bạo và hèn nhát, thiếu trách nhiệm!
 

HChuong

Member
Trên dantri có bài báo này, ở cuối bài có ghi "Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết". Tại sao lại làm như thế cơ chứ? Con hổ có tội gì? Tội là ở mấy ông quản lí thiếu trách nhiệm kia. Khổ thân quá, mà chẳng biết làm thế nào :( . Hổ là động vật quý hiếm, vậy mà bỏ đói cho đến chết là điều người ta cho phép làm à? Săn bắt hổ thì bị phạt tù, nuôi hổ để nó chết đói lại không làm sao à? Lại còn đăng lên báo nữa chứ? Ôi chả hiểu thế nào nữa! Con người có quyền phạt con người, chứ con người tự cho mình quyền phạt thiên nhiên, phạt các loài động vật khác hay sao?
Bức xúc! >_<
Bỏ đói cho đến chết??? Con hổ tấn công con người là vì bản năng, mà không riêng gì con hổ đó, con nào cũng có thể làm việc đó nếu có điều kiện. Trách là trách con người không biết cách tự bảo vệ mình và người khác, mọi chuyện thật ra đều trong tầm tay. 3m! khoảng cách quá thấp đối với một con hổ.

Thật là bức xúc quá! Con hổ chứ có phải con người đâu mà bắt nó "giết người đền mạng", thật là bất công cho loài vật quá!:angry::angry::angry:
 
NMMT xin mến chào tất cả các anh chi, và cậcan vẫn khoẻ

Dạ, Thu xin rất cảm ơn các anh chị và các bạn đã đăng tải thêm về vụ kiện chẳng may đã xảy ra trong chuồng hổ cách đây vài ngày, dạ, có lẽ trong cuộc đời, Thu nghĩ chắc ít ai có thể học được chữ Ngờ, dạ, theo như Thu nghĩ chắc sự cố đã vô tình xảy ra ngoài sự dự đoán của mọi người, nhưng điều thương tâm nhất, là đã dẫn tới cái chết thật thương tâm cho người làm :(, sau khi đọc xong bài, và xem qua những hình ảnh kèm theo, Thu hông thể nào ngăn được dòng lệ của mình đã rơi:(, dạ, nên xin phép từ đáy lòng thành của một kẻ tha phương nơi đất khách này, Thu xin gởi lời chân thành phân ưu cùng gia đình của nạn nhân trên :(, Thu xin cầu nguyện cho linh hồn của anh sẽ sớm được trở về miền cực lạc và yên giấc ngàn thu :(, và Thu cũng xin cầu nguyện sao cho những nạn nhân đang được điều trị ở trong viện sẽ được sớm trải qua những giây phút hiểm nguy và sớm được hồi phục lại sức khoẻ, cùng với tinh thần, và thêm lần nữa, Thu xin thành tâm chia buồn cho những sự việc thật đáng tiếc và thật thương tâm đã xảy ra vừa qua tại khu vườn này :(, và xin rất cảm ơn anh chị và các bạn cho những thông tin đã mến lưu, và Thu cũng hy vọng là trong mỗi chúng ta, sẽ học được thêm bài học quý và đáng ghi nhớ, và trước khi xin phép được hạ bút, Thu xin được gởi lời mến chúc tất cả anh chị cùng gia đình những chuỗi ngày an khang, và dễ thương nhất nơi đất Mẹ

Dạ, và Thu xin được gởi lời thành kính phân ưu tới người công nhân đáng thương trên :(

Thân ái

NuocMatMuaThu
 

LINHANH

Member
Sự việc thì xong hết rồi...
Anh em cho hỏi con Hổ giờ sao rồi ạ? thấy bác Hchuong bảo "Giết người đền mạng" => em sợ nếu thực hiện thế dễ mang con hổ đi "nấu cao" lắm... hic
 

NguyenNhuThach

Active Member
Tình hình bệnh nhân Giàu tương đối ổn,các vết thương không có dấu hiệu nhiễm trùng,đã có thể chống tay tự ngồi dậy được,cũng không đau lắm,nhưng rất khó chịu vì cứ ù cái tai bị thương.Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cũng không biết phải làm sao nên đã chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy chiều hôm qua,sáng nay tai vẫn còn ù........
Tình hình chú Hổ thì vẫn bình thường,nó đã làm ông D. và Khu Đại Nam thêm nổi tiếng thì đâu có lý do gì ổng đem nấu cao nó được.
Mời xem ở đây:
http://forum.vietpet.com/showthread.php?t=33089

Và tôi thấy cái mục này cũng nên khép lại.
 

amifidele

Member
Tình hình chú Hổ thì vẫn bình thường,nó đã làm ông D. và Khu Đại Nam thêm nổi tiếng thì đâu có lý do gì ổng đem nấu cao nó được.
Mình cũng định không tham gia bình luận gì nữa nhưng đọc câu này của BS Thạch mình thấy làm sao ấy!:thingking:

Nổi tiếng gì đây? Nổi tiếng vì đã làm ăn thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng là làm chết một mạng người ư?
 
Top