• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hết thời hoàng kim, gấu bị “trảm” không thương tiếc

Hoangminh

Member
Thứ Tư, 10/06/2009 - 10:34 AM

Hết thời hoàng kim, gấu bị “trảm” không thương tiếc

(Dân trí) - Khi mật gấu đang ở “đỉnh cao” về giá, những chú gấu được nâng niu, chăm bẵm như ông hoàng. Thời hoàng kim qua đi, mật gấu rớt giá, cũng là lúc gấu bị đày đọa, xẻ thịt không thương tiếc.
>> Nuôi gấu lấy mật - Những sự thật “lạnh người”
Vì gấu được nuôi lén lút nên không thể thống kê chính xác ở Nghệ An có bao nhiêu con gấu bị nuôi nhốt, nhưng chắc chắn con số không dưới 200, khiến Nghệ An trở thành một trong những địa phương có lượng gấu bị nuôi nhốt trái phép nhiều nhất trong cả nước.

Thời hoàng kim...

Không rõ công dụng thật của mật gấu như­ thế nào, như­ng vào những năm 2002, trong một cuộc nhậu mà có ly rư­ợu ngâm mật gấu thì sang và quý lắm. Những ông bà già bong gân, nhức xương cốt mà được biếu vài ml mật gấu thì sư­ớng biết nhường nào.
Cũng không rõ cái thú xài mật gấu xuất xứ từ đâu như­ng sức lan toả của nó phải nói là chóng mặt. Xứ Nghệ thời đó được mệnh danh là xứ sở của gấu. Những năm 1995, Nghệ An cũng từng được mệnh danh là xứ sở của hươu. Lúc đó, một con hươu cái có giá từ 60-80 triệu đồng, thậm chí lên đến 100 triệu đồng; nhưng không lâu sau đó, hươu nhanh chóng mất giá, trở thành những miếng mồi ngon tại các nhà hàng, quán nhậu.
Số phận loài gấu ở Nghệ An cũng vậy!
Ông K ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vốn được mệnh danh là “cha của các đại gia”. Ông từng sang tận Lào mua chú gấu ngựa con nặng 30kg về nuôi tại nhà, chỉ để hút mật tẩm bổ. Không chỉ ông K, nhiều đại gia đất Nghệ khác cũng thi nhau nuôi nhốt gấu trong nhà, có nhà nuôi hẳn 3, 4 con, như­ vư­ờn bách thú.
Khi gấu được khoảng 100kg là thời điểm có thể hút mật. Con gấu sẽ bị đánh thuốc mê, dùng máy siêu âm để xác định vị trí túi mật rồi dùng kim tiêm dài khoảng 10cm hút mật ra. Mỗi lần hút đư­ợc vài chục ml mật, tuỳ thuộc vào trọng lư­ợng của gấu.
Thời gian đó, mật gấu được coi là “hàng chất lượng cao”, 1ml đã có giá 250 - 300 ngàn đồng. Theo đó, mỗi lần hút mật, một chú gấu sẽ cho chủ nuôi khoảng 5 - 6 triệu đồng. Lợi nhuận quá cao nên người ta đổ xô nuôi gấu lấy mật. Cũng vì khả năng “in tiền” đó mà gấu được “nâng nh­ư nâng trứng”, được chăm sóc, bảo vệ như ông hoàng, được tính toán chu kỳ hút mật để đảm bảo sức khỏe.


Một chú gấu đang bị gây mê để hút mật. Bên cạnh là chiếc máy siêu âm để dò vị trí túi mật (Ảnh tư liệu)

Hai chủng loại gấu đư­ợc nuôi ở Việt Nam là gấu chó và gấu ngựa đều thuộc loại 1B (cực kỳ quý hiếm), cần đư­ợc bảo tồn, cấm nuôi nhốt, trừ vư­ờn bách thú và đoàn xiếc. Như­ng với khoản siêu lợi nhuận từ gấu mang lại, gấu vẫn bị săn lùng ráo riết.
Để cứu loài gấu, Bộ NN&PTNT đã quy định gấu nuôi nhốt từ tr­ước tháng 3/2005 phải đư­ợc gắn chíp điện tử và kể từ sau 3/2005, hộ nào nuôi gấu sẽ bị tịch thu và truy cứu trách nhiệm hình sự. Như­ng xem ra quy định này không có tác dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc nuôi nhốt gấu trái phép, không gắn chíp vẫn diễn ra công khai. Và khi mật gấu đã bão hoà, kém chất lư­ợng, gấu bị giết thịt một cách thảm hại.
“Trảm” gấu vô tội vạ
Việc nuôi gấu đơn giản, chi phí thấp, lợi nhuận cao nên người dân Nghệ An ồ ạt nuôi gấu. Nghệ An cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn giáp Lào nên nguồn gấu con không thiếu. Tuy nhiên khi gấu nuôi ngày càng nhiều, mật gấu ngày càng rẻ, thì các chủ nuôi bắt đầu “phá rào” về chu kỳ và quy trình lấy mật.
Nếu như tr­ước đây gấu nuôi sau 3 tháng lấy mật một lần với số lư­ợng nhất định thì nay các chủ gấu lấy vô tội vạ, có khi 2 tháng hoặc hơn 1 tháng lại hút mật gấu một lần; thậm chí có chủ gấu còn bơm n­ước vào mật gấu rồi rút ra. Tr­ước đây họ dùng máy siêu âm dò tìm vị trí túi mật rồi mới chọc kim hút thì nay để giảm trừ chi phí, chủ gấu gây mê gấu rồi dùng kim dài khoảng 10cm không khử trừng chọc tứ phía để tìm mật. Chính vì thế không ít ngư­ời dùng mua phải mật gấu nhiễm khuẩn mà không biết. Đã không ít lượng mật gấu bán ra thị trư­ờng bị cơ quan chức năng phát hiện thiếu vệ sinh như­ nhiễm mủ, phân, máu...


Gấu bị giết thịt, tay chân gấu được bán để ngâm rượu.
Tr­ước đây, gấu đư­ợc chăm sóc chu đáo nh­ư ăn t­ươi, tắm rửa hàng ngày, vệ sinh chuồng trại… Nhưng khi mật rớt giá, gấu bị đày đoạ, tàn sát không thương tiếc. Phần lớn những con gấu bị nuôi nhốt trong lồng chật chội, ăn uống nghèo nàn, không được tiếp cận nguồn nư­ớc nên ảnh h­ưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ dẫn tới suy dinh dư­ỡng; khớp, cơ bị teo; thị lực giảm; răng nanh bị bẻ gãy để không cắn phá…
Như­ng thảm nhất vẫn là những con gấu già không còn khả năng cho mật hay mật kém bị giết thịt. Lư­ợng gấu nuôi bị bán để giết thịt nhiều tới mức có những nhà hàng chuyên kinh doanh thịt gấu phục vụ khách.
Ở huyện miền núi Con Cuông, không mấy ai không biết đến nhà hàng T.L chuyên kinh doanh các sản phẩm từ gấu. Một đĩa thịt gấu hấp, xào, nấu giả cầy… có giá khoảng 50.000 đồng, còn rẻ hơn thịt dê; hay một bộ tay gấu đư­ợc bán giá 1 - 1,5 triệu đồng cho người mua về ngâm rượu… Mỗi tháng nhà hàng này tiêu diệt gọn từ 5 đến 7 con gấu, chủ yếu là gấu nuôi.
Trong vài năm gần đây, l­ượng gấu nuôi ở Nghệ An giảm nhanh. Với tình trạng này chỉ một hai năm nữa lượng gấu nuôi sẽ không còn. Thời hoàng kim của gấu, gấu con bị bắt triệt để; giờ gấu nuôi trư­ởng thành cũng bị giết dần. Chẳng mấy chốc trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ không còn một cá thể gấu.
Cách đây không lâu, tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã ra mắt trung tâm cứu hộ gấu và công bố ra mắt khu bán hoang dã đầu tiên dành cho gấu. Trung tâm sẽ đ­ưa 200 con gấu nuôi nhốt về phục hồi và cho hoà nhập vào thiên nhiên. Tỉnh Nghệ An không có kinh phí để thành lập những trung tâm như­ thế như­ng việc quản lý không cho giết mổ gấu bừa bãi không phải là không làm đư­ợc. Chỉ cần một biện pháp mạnh tay từ các cấp chính quyền, vì sự an toàn của một loài thú quý hiếm.
Duy - Hùng
 

Hoangminh

Member
Nuôi gấu lấy mật - Những sự thật “lạnh người”

Nuôi gấu lấy mật - Những sự thật “lạnh người”

(Dân trí) - Gấu bị nhốt trong những chiếc lồng chật chội khiến khớp, cơ bị teo; bị bẻ răng nanh; ăn uống nghèo nàn; sức khỏe suy kiệt; các túi mật bị phá hủy nặng nề do nhiều năm bị hành hạ trong các trại gấu....
“Nhân chứng” cho sự dã man
Trong thung lũng xinh đẹp tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Tam Đảo cách Hà Nội 70km về phía Bắc ngày 14/5 đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Công bố ra mắt khu bán hoang dã đầu tiên dành cho gấu tại Việt Nam và chính thức khởi động giai đoạn II của dự án Trung tâm cứu hộ gấu.


Khởi động dự án Trung tâm cứu hộ gấu giai đoạn II tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc (Ảnh: LH)
24 cá thể gấu đã được cứu hộ về trung tâm là bước khởi đầu cho thoả thuận của Tổ chức Động vật châu Á với Chính phủ Việt Nam trong việc cứu hộ 200 cá thể gấu, chấm dứt những đau đớn của chúng trong nhiều năm trong tay các chủ trại nuôi gấu lấy mật.
Chị Leanne Clark - bác sỹ thú y, người trực tiếp chăm sóc những con gấu từ những ngày đầu về trung tâm - kể: Chúng bị nhốt trong những cái lồng chật chội, chế độ ăn uống nghèo nàn, ngay cả việc tiếp cận đến những nguồn nước cũng không có, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của các con gấu.
Khi bị nhốt trong những chuồng nhỏ như vậy, gấu không có chỗ để duỗi chân. Tình trạng này kéo dài dẫn tới các khớp, cơ của gấu bị cứng, teo đi và các bác sỹ ở đây phải sử dụng rất nhiều thời gian để phục hồi các cơ xương cho chúng được vận động bình thường. Chế độ ăn uống nghèo nàn còn làm cho thị lực bị suy giảm rất nhiều do tác hại của việc suy dinh dưỡng kéo dài…
Dã man hơn, người ta còn cắt răng nanh của gấu để hạn chế việc gấu cắn chuồng. “Vì vậy, khi chúng tôi tiếp nhận gấu về thì thấy chúng thường có vấn đề về răng. Điều này không chỉ khiến gấu gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống mà còn tạo ra kẽ hở cho vi rút, vi khuẩn thâm nhập vào máu và lan ra khắp cơ thể” - bác sỹ Leanne Clark nói.
Hầu hết các cá thể gấu được cứu hộ đều bị mất chân do chúng bị đánh bẫy. Phần lớn các túi mật của các cá thể gấu đều bị huỷ hoại nặng nề do nhiều năm bị hành hạ trong các trại gấu.

Tiến sỹ Tuấn Bendixsen - trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam còn cho biết: Gấu con khi được phát hiện hầu hết đều trong tình trạng rất nguy kịch do bị tách mẹ từ quá sớm. Thường những người đi săn gấu chọn giải pháp giết gấu mẹ rồi bắt gấu con vì gấu mẹ có thể tấn công lại. Nhưng khi bắt gấu con, họ lại không biết cách chăm nom, thậm chí chẳng cho ăn uống gì cả.
Theo thông tin từ trung tâm cứu hộ gấu, hầu hết các cá thể gấu được cứu hộ đều bị mất chân do chúng bị đánh bẫy. Phần lớn các túi mật của các cá thể gấu đều bị huỷ hoại nặng nề do nhiều năm bị hành hạ trong các trại gấu.
“Chúng tôi lo sợ một số cá thể gấu bị chứng viêm màng bụng do các phương pháp hút mật thô sơ sử dụng những chiếc kim dài không vệ sinh chọc liên tiếp vào bụng chúng trước khi hút mật”, bà Angela Leary - quản lý truyền thông nói.


Chú gấu này đã được chấm dứt những chuỗi ngày đau đớn kéo dài nhiều năm trong trại gấu
Nguy cơ sử dụng mật “nhiễm bẩn”
Nhiều người dùng mật gấu vẫn không biết những nguy cơ của việc sử dụng các sản phẩm từ mật gấu. Người ta phát hiện mật gấu ở Trung Quốc có dính nước tiểu, phân, máu và mủ đang được xuất khẩu trái phép sang Việt Nam.
Tại Việt Nam, các chủ trại gấu hút mật với sự hỗ trợ của máy siêu âm, ống thông và bơm y tế. Các cá thể gấu bị gây mê, bị trói vào dây thừng và bị đâm liên tiếp vào bụng bằng kim dài 10cm không được tiệt trùng cho đến khi túi mật được tìm thấy. Mật được hút ra bằng ống thông và bơm. Quá trình thực hiện nay hoàn toàn mất vệ sinh và gây đau đớn cho các cá thể gấu.
Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại hơn là chính vịêc làm này còn gây nguy hiểm cho chủ trại gấu và chính những người sử dụng mật gấu. Theo ông Tuấn, nhiều người dùng mật gấu vẫn không biết những nguy cơ của việc sử dụng các sản phẩm từ mật gấu. Người ta phát hiện mật gấu ở Trung Quốc có dính nước tiểu, phân, máu và mủ đang được xuất khẩu trái phép sang Việt Nam.
“Việc sử dụng con gấu không được khỏe mạnh sẽ có tác động tới sức khỏe của con người. Mật gấu cũng không phải là bài thuốc duy nhất bởi theo nghiên cứu thì có tới 54 loại thuốc đông y khác hoàn toàn có thể thay thế được” - bác sỹ Leanne Clark cho biết thêm.
Mặc dù nuôi gấu trang trại đã bị cấm từ năm 1992 tại Việt Nam, nhưng ngành công nghiệp này vẫn đang phổ biến và có khoảng 4 nghìn cá thể gấu vẫn đang bị nhốt trong các trang trại.

Những chú gấu đưa về Trung tâm, được sống trong môi trường vừa được chăm sóc nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên (Ảnh: LH)
Năm 2008, ở Quảng Ninh đã phát hiện trường hợp 80 con gấu được cho phép nuôi ở Quảng Ninh. Hiện 1 trong số 80 con gấu đó đã được cơ quan chức năng tịch thu và chuyển về trung tâm. “Chúng tôi có đầy đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận 79 con gấu còn lại nhưng hiện nay các cơ quan chức năng chưa giải quyết được việc này. Chúng tôi cũng đã có ý kiến với Quốc hội Việt Nam từ tháng 5/2008 nhưng chưa thấy phản hồi” – ông Tuấn cho biết.
Bà Jill Robinson - sáng lập viên, đồng thời là Tổng Giám đốc của Tổ chức Động vật châu Á - khẳng định: Cộng đồng quốc tế chưa thực sự hài lòng khi các cơ quan chức năng Việt Nam chưa hoàn toàn thực hiện hết trách nhiệm trong việc đóng tất cả các trại nuôi gấu và chuyển các con gấu đó cho chúng tôi chăm sóc.
Nhưng có lẽ việc chưa chấm dứt được ngành công nghiệp nuôi gấu xuất phát chính từ nhu cầu mua mật gấu. Diễn viên Maggie Q - Đại sứ Chương trình Cứu hộ Gấu Việt Nam cho rằng: Việc chúng ta vẫn tiếp tục để xảy ra quá trình thương mại trong việc lấy mật gấu sẽ là không công bằng cho những tổ chức cứu hộ gấu.
Chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa để giảm cầu, đơn giản là không mua mật gấu nữa thì mới có thể ngăn chặn được ngành công nghiệp này phát triển. “Nó giống như việc chúng ta tẩy chay các nhà máy có sử dụng lao động trẻ em bằng cách không mua sản phẩm của nhà máy đó” - diễn viên Maggie Q nói.
Lan Hương
 

Ly Sam

New Member
Cầu mong 1 ngày nào đó, loài người sẽ biết xót thương những loài vật khác vốn chỉ sinh tồn theo bản năng.
 
Top