• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Dịch vụ gửi chó, mèo ngày tết Kỷ Sửu.

Gửi chó mèo ra khách sạn để... đi chơi Tết08:29' 29/01/2009 (GMT+7)
- Dù giá dịch vụ gửi chó mèo ngày Tết không hề “mềm”, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội chọn giải pháp này cho “an toàn” khi có việc bất khả kháng, không thể tự chăm sóc thú cưng những ngày Tết.


Cháy phòng “khách sạn”

Ngày 28 Tết Kỷ Sửu chúng tôi tìm đến “Khách sạn chó - mèo” của ông Nguyễn Bảo Sinh (số 30/167 Trương Định, Hà Nội). Thực ra, cái tên “Hotel chó - mèo” đã khá nổi tiếng, khi cách đây dăm năm ông Sinh từng tổ chức cuộc thi “sắc đẹp chó - mèo” đầu tiên, sau đó thì dành hẳn một phần đất để xây dựng thành “hotel”.

Khách sạn chó - mèo.


Ông chủ dùng cái khách sạn ấy để chuyên phục vụ cho chó - mèo mà khách hàng mang đến gửi vào bất cứ dịp nào trong năm, đặc biệt là dịp Tết; còn chó của mình, ông nhốt trong chuồng ở phía đối diện.

“Khách sạn” gồm 2 tầng với khoảng 30 “phòng” lớn nhỏ, có cổng và biển hiệu đàng hoàng. Theo quan sát, lượng “khách” đã gần kín, chỉ còn vài phòng trống. Gần trưa, có một ông bố đi cùng 2 cô con gái mang một bầy mèo đến quầy lễ tân xin gửi. Đó là 1 con mèo tam thể mẹ và 3 con con của nó, hai cô chủ nhỏ ra chiều hết sức quyến luyến, cứ vuốt ve mãi lũ mèo con trước khi chúng được anh nhân viên đưa vào chuồng.

Cô con gái lớn tên Tố My, năm nay 16 tuổi. Em cho hay, con mèo mẹ đã được 3 tuổi. Tết Kỷ Sửu này, cả gia đình My vào thăm nhà nội ở miền Nam đến khoảng mùng 5 Tết mới quay ra Hà Nội, không có người chăm sóc nên phải đi gửi bầy mèo.






Hai chị em My (trái) ôm 2 chú mèo con; ông Việt (phải) đứng đăng ký gửi 2 chú chó phốc


Bố My - anh Trần Anh Thơ khá cẩn thận, đi cùng với nhân viên “khách sạn” vào xem phòng nằm trên tầng 2 của bầy mèo. Khi thấy bên dưới tầng 1 là một con chó khá to, anh Thơ e ngại: “Liệu lũ chó sủa thế có làm cho bầy mèo hoảng mà chạy mất không?”. Tuy nhiên, anh nhân viên đã cam kết đảm bảo an toàn 100%.

Một lát sau, lại có người đến gửi 2 con chó phốc. Đó là ông Trịnh Xuân Việt (trú tại số 8, Q.22, tập thể Trương Định), thời gian gửi chó là 10 ngày (từ ngày 28 - mùng 8 Tết). Giá gửi 2 con chó phốc/ngày đêm là 260 nghìn đồng, vị chi sau Tết ông Việt sẽ phải trả tổng cộng 2,6 triệu. Nếu đem số tiền này đi mua thì đúng bằng… 2 con chó phốc con.

Ông Việt cho hay, thực ra 2 con chó này là của gia đình người con cả ở khu Mai Động nhờ ông mang gửi. Do người giúp việc đã về quê ăn Tết, ông bà chủ lại quá bận bịu nên không đủ thời gian chăm sóc chúng, phải đem gửi.

Tết này vắng bóng khách “Tây”

Ông Bảo Sinh nhận xét, dù Tết năm nay vẫn đông khách đến gửi chó - mèo nhưng lại vắng bóng "khách" là người nước ngoài. Thông thường, hằng năm có khoảng 40% lượng khách là đối tượng này.
Ông Bảo Sinh.


Họ là các cán bộ ngoại giao tại Việt Nam; các gia đình vợ Việt - chồng Tây và ngược lại; các doanh nhân đến làm ăn…vào dịp Tết cổ truyền của người Việt họ cũng về nước nghỉ ngắn ngày và mang thú cưng đi gửi.

Ông Sinh còn nhớ mãi một câu chuyện đã diễn ra cách đây chừng 2 năm, ở một cơ sở nhận gửi chó mèo khác (vì lý do cùng kinh doanh như nhau, lại là chỗ quen biết nên ông không tiện nêu tên - PV). Khi đó, có một ông khách người Mỹ đến gửi một con chó béc-giê; giá trông coi (bao gồm cả ăn uống, chữa bệnh) được hai bên thoả thuận là 200 nghìn đồng/ngày-đêm.

Sau 2 tháng trời, vị khách quay lại nhận chó và dứt khoát không chịu thanh toán số tiền 12 triệu đồng cho cơ sở trông coi. Chủ cơ sở cho rằng khách định quịt tiền, liền báo công an địa phương. Công an tới, vị khách bèn kiện ngược cơ sở trên với lý do chăm sóc chó tồi.

Khi bắt đầu gửi, con chó nặng 40 kg, nay tụt mất 5 kg; người lại bị ghẻ do ve, bọ chét cắn. Ông khách khép tội cơ sở là “ngược đãi súc vật”; khổ nỗi, ở Việt Nam thì chưa có điều luật nào về khoản này để mà áp dụng nên sự việc nhùng nhằng không giải quyết được, bên nào cũng có lý.


Công an đành khuyên hai bên nên tự hoà giải. Tức mình, ông khách móc túi ra luôn 2.000 USD, gọi chủ cơ sở đến nhận với cam kết, số tiền thừa phải được để cứu trợ cho những con chó bị ngược đãi khác.

“Tôi kể câu chuyện này để thấy hai quan niệm khác hẳn nhau về vật nuôi của ta và người nước ngoài” - ông Sinh nói.






Những vị khác ở khách sạn Tết Kỷ Sửu.


Công bằng mà nhận xét, cái khách sạn chó mèo của ông Sinh khá sạch, không có mùi khai nồng vẫn thấy ở các trại chó. Ông Sinh bảo, đa phần những người mang gửi chó-mèo đều là những người yêu thú nuôi, có điều kiện kinh tế và chắc chắn là kỹ tính.

Nhiều khi số tiền gửi chăm sóc chó mèo còn lớn hơn cả giá trị của chúng, vì vậy thực sự phải hết sức chu toàn lo cho chó mèo của khách, thậm chí còn hơn cả chó mèo của mình. Ông Sinh kể thêm, có người đến gửi một con chó Phú Quốc, còn cẩn thận bắt nhân viên “khách sạn” đưa chó lên bàn cân để đảm bảo khi nhận về, con chó vẫn giữ trọng lượng đó.

Chó Phú Quốc là giống chó săn, nên nếu chăm sóc tốt quá, để chúng béo ị ra cũng không được. Thậm chí, người chủ đó còn rút máy ảnh ra chụp lại độ bóng của lông, để đảm bảo sau thời gian gửi bộ lông không bị xơ xác; và yêu cầu nếu chó bị bệnh phải báo ngay, đồng thời khi chữa phải giữ lại vỏ thuốc đã tiêm….

Nhưng những điều này không làm các nhân viên của ông Bảo Sinh khó chịu. Họ quen và hiểu rằng, con chó Phú Quốc đó đã may mắn gặp phải người chủ tốt.

Những chuyện ngoài “khách sạn”

“Tình cảm của chủ đối với chó mèo nhiều khi không chỉ là chăm sóc lúc chúng còn sống” - ông Sinh khẳng định - “Nhiều khi con vật sống với chủ cả chục năm đột ngột chết, nhiều gia đình cảm thấy như mất đi một thành viên“.




Ở khách sạn có từ những chú chó rất to đến những con mèo nhỏ.


Không nói đâu xa, chính ông Bảo Sinh là một minh chứng. Ông Sinh có một con chó được coi là con chó tổ của ngành chó kinh doanh, tên Ami. Ông Sinh bắt đầu nuôi Ami từ năm 1978, đến năm 1990 thì nó mắc bệnh karê (bị phá huỷ toàn bộ ruột, phổi, thần kinh). Thời điểm đó, Việt Nam chưa có thuốc chữa loại bệnh này nên ông Sinh đành nhìn con thú cưng chết.

Đến giờ, trong phòng khách của mình ông Sinh vẫn treo ảnh Ami. Còn ngoài khu vườn rộng đến 700m2, ông Sinh dành một vị trí trang trọng nhất lập bàn thờ cho chó “tổ” Ami, với đầy đủ tượng chó đá, bia đá, bát hương.

Nhiều vị khách khác cũng thế, nhưng họ khác ông Sinh ở chỗ không có đất vườn mà an táng chó mèo. Ông Bảo Sinh kiêm luôn dịch vụ này, đất rộng nhưng “ông gàn” (nhiều người gọi ông như thế-P.V) không thiết xây nhà lầu, khách sạn kiếm lời mà cho xây nghĩa trang cho chó mèo.

Chủ nhân sẽ trả cho một suất mộ phần ở đây là 2, 5 triệu đồng, còn việc hương khói ngày rằm, mùng 1…do ông Sinh và nhân viên lo. “Sinh linh nào thì cũng đều có số phận, cũng giống như số phận con người vậy” - ông Sinh khẳng định chắc nịch.

Thường, sau vài năm, người chủ cũng dần quên con vật đã chết. Cũng có khi con thú mới thay thế đã kịp trưởng thành, vì thế chỉ còn ông Sinh chăm sóc những mộ phần kỳ lạ trên. Nhưng diện tích đất vườn của ông cũng chỉ có hạn, nên thêm một thời gian nữa thì ông cho hoá cốt của chúng, chỉ giữ lại bài vị mà thôi, dành chỗ cho những con thú khác.



Cảnh vật xung quanh hotel chó mèo.


Không những thế, sau Tết Kỷ Sửu này ông Bảo Sinh còn đang dự định chi hẳn 3 tỷ đồng làm một đài hoá thân nổi trên mặt hồ dành cho chó mèo toàn thành phố. “Tôi đến với chó mèo từ năm lên 6 tuổi, năm nay đã gần thất thập vẫn yêu thương chúng, nên số tiền bỏ ra làm mọi việc từ khách sạn đến đài hoá thân cho chó mèo chẳng nên so đo làm gì. Nhưng có một cái tôi được, đó là thấy trong xã hội ngày càng có nhiều người có tấm lòng với chúng”- ông Sinh nói.

  • Đỗ Minh
Gửi tin qua E-mail
In tin
 
Top