• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chó, bạn của con người

Sưu tầm từ Internet.

Không biết tự bao giờ, người ta đã lấy con chó làm biểu tượng cho một năm, cùng 11 con vật khác tạo thành một giáp. Chó sống gần như ở khắp nơi trên trái đất. Chúng săn mồi bằng cách chạy đuổi, rồi nhảy vồ lên cắn xé; và bao giờ cũng vậy, chó luôn tìm cách ngoạm cổ con mồi để hạ thủ.
Ở Việt Nam, có hai loại chó rừng: Giống có mõm ngắn, đầu to, tai ngắn và tròn; giống này sống thành từng đàn, và có thể ăn được thú lớn trong rừng. Giống có chân tương đối ngắn, mõm nhọn, đuôi ngắn. Hai giống chó này thường gọi là chó sói, hay sơn cẩu.
Do sự thuần dưỡng và chọn lọc lâu đời, hiện nay loài nguời đã chọn ra được vài trăm nòi chó khác nhau về tầm vóc, màu lông và trọng lượng. Có nòi dùng để đi săn, có nòi dùng để chăn cừu, chăn bò, có nòi dùng để kéo xe trên tuyết, có nòi dùng để phát hiện thuốc phiện, có nòi dùng để tấn công đối phương, có nòi chỉ để nuôi làm kiểng trong nhà. Ở nước ta, chó xoáy Phú Quốc, được xếp vào một trong bảy loài chó nổi tiếng thông minh của thế giới.

Con chó sống gắn bó với con người, cùng với con người đi cả vào văn học.
Chuyện xưa kể rằng: Ở làng nọ có một anh trò nghèo, bao giờ đi học ngang qua đình làng, cũng thấy con chó đá ngoe nguẩy đuôi, tỏ ý vui mừng. Về sau, anh ta đỗ trạng nguyên, được bổ làm tri huyện. Nhớ tới con chó đá ở quê nhà, ông tân quan tìm về thăm nó, nhưng con chó đá lại nhe răng, trừng mắt, tỏ ra căm giận. Qủa nhiên về sau, quan tri huyện do ăn của đút lót, do hạch nhiễu chúng sinh, đi tới đâu cũng nghe lời oán thán, xỉ vả đủ điều của trăm họ.
Trên đây chỉ là chuyện huyền thoại, khó có thể tin được. Chắc người đời chỉ dựng lên để răn dạy lẫn nhau. Bây giờ tôi xin kể chuyện thật, được dân gian ghi lại về bầy chó của tướng quân Nguyễn Xý.
Tướng Nguyễn Xý xưa kia nuôi một bầy chó hơn trăm con. Sớm chiều dùng tiếng nhạc ngựa làm hiệu lệnh; ông rèn luyện chúng nhất cử nhất động đều răm rắp.
Được tin Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Xý đem cả đội quân ấy về theo Lê Lợi. Nhiều trận đánh, ông đã dùng nhạc ngựa điều khiển cho cả bầy chó lăn xả vào quân thù mà cắn xé, làm cho giặc trở tay không kịp. Mã Kỳ, tướng giặc Minh rất sợ bầy chó của Nguyễn Xý. Có lần Nguyễn Xý dùng chó làm nghi binh, cho mỗi con đeo một cái nhạc. Trong đêm tối, bầy chó nhảy xổ vào trại giặc Minh. Phía ngoài chỉ có vài người đánh trống tiến quân. Bọn giặc Minh mất ngủ cả đêm, mệt mỏi, bắn loạn xạ. Nhưng tên cứ bắn trên không, chó thì chạy dưới mặt đất, nhạc rung vang lên mỗi lúc mỗi gần, làm cho quân giặc càng thêm hốt hoảng.
Sáng ngày, bọn thám báo của giặc chỉ thấy vết chân chó ở quanh trại, mới báo cho Mã Kỳ, thì quân Minh đã tốn hàng chục vạn mũi tên rồi. Nghĩa quân lại thâu lượm và dùng chính những mũi tên ấy để đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước ta.
Sở dĩ chó có thể làm được điều ấy là vì nó biết phân biệt được tiếng nói cũng như mùi mồ hôi của người quen và người lạ. Chó phân biệt được tiếng nói phản ánh tâm trạng của người nuôi nó. Khi có lỗi bị chủ mắng, nó biết thân phận và lủi đi nằm ở một xó. Nếu được chủ khen, nó biết lăng xăng mừng rỡ.
Chó cũng rất có nghĩa với chủ. Một nhà phẫu thuật mổ cho con chó bị xe cán qùe chân, rồi chăm sóc rất chu đáo trong thời gian nó bị đau. Những ngày ấy, nó rất quyến luyến với ân nhân của nó. Khỏi chân, nó bỏ đi, trở về nhà chủ cũ. Và như vậy, rõ ràng là ân tình của nó với chủ cũ còn sâu nặng. Sau vài tháng nó trở lại với phòng mổ, nhà phẫu thuật phấn khởi tưởng rằng nó sẽ ở lại hẳn với mình. Nhưng không, nó kéo áo nhà phẫu thuật để giới thiệu một con chó khác, bạn nó, bị qùe chân và nhờ ông cứu chữa.
Ở Luân Đôn, có một cô gái bị mù từ nhỏ. Con chó mà cô nuôi đã dẫn đường cho chủ đi dạo phố hàng chục năm. Đến khi cô gái được mổ và chữa khỏi đôi mắt, thì con chó đã già yếu và bị mù lòa. Bây giờ đến lượt người phụ nữ đó dẫn con chó nghĩa tình đi dạo phố…

Trên đây là những mẫu chuyện tôi sưu tầm được, tôi muốn kể ra để bạn đọc biết được, chó là con vật rất trung thành với con người, quấn quýt với con người, được con người xem như người bạn trong cuộc đời. Nhưng chó cũng như người, có rất nhiều loại, rất nhiều tính cách.

Sau đây là một vài lượm lặt về chuyện con chó mà bản thân tôi đã từng được chứng kiến.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ CÓ TÊN GIÔN XƠN
Năm 1966, má tôi đi chợ và mua về cho tôi một con chó trắng, thuộc giống chó săn của người Mường. Bấy giờ gia đình tôi đang sơ tán ở xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ đầu, thấy nó có vẻ hung hăng, năm anh em trai tôi họp lại, quyết định đặt tên nó là Giôn Xơn.
Giôn Xơn là một con chó cái, nhanh nhẹn, rất hay cắn nhau với chó của hàng xóm. Càng lớn, tính cách hung hăng của nó càng biểu hiện rõ nét. Không có một con chó nào của hàng xóm dám lởn vởn vào sân nhà tôi, bởi vì chỉ cần nhìn thấy là Giôn Xơn đã lao ra cắn xé thục mạng. Nó không biết sợ cả những con chó to lớn hơn, nhiều tuổi hơn. Bất luận thế nào nó cũng xả thân lao vào cuộc chiến. Nhiều phen nó bị đối phương làm cho đẫm máu; nhưng cuối cùng, bao giờ nó cũng chiến thắng được đối thủ.
Tôi đi đâu, Giôn Xơn cũng đi theo. Nó thường chạy phía trước, và bao giờ cũng sục sạo các lùm bụi. Tự nó, nó có thể rình bắt được chuột- có khi còn vồ được cả chim đa đa ở trên đồi. Còn như bắt gà, tôi chỉ cần ném đá vào một con nào đấy, Giôn Xơn sẽ đuổi con gà chạy thục mạng, rồi nhanh chóng ngoạm cổ tha về một cách dễ dàng. Nếu tôi biết huấn luyện, chắc chắn nó sẽ là một con chó săn thực thụ.
Bấy giờ Hợp tác xã thuộc đội 4, nơi tôi đang sống, có nuôi một bầy vịt thả đồng. Chẳng ai dạy cả, vậy mà nó tự động rình mò, lâu lâu lại cắn chết một con tha về. Tuổi còn nhỏ, nên năm anh em tôi thích lắm, cứ lén lút làm thịt con vịt ấy để ăn. Vì vậy, Giôn Xơn lại càng ra sức lùng bắt vịt ngoài đồng. Hình như nó tha về đến con thứ tư thì bị người ta rượt đuổi, chém xả một bên chân. Tôi phải xích nó lại một thời gian, và phải phạt đòn nó, nó mới thôi không bắt vịt tha về.
Thằng em tôi dạy nó nhảy vòng và bắt bóng. Hai trò này nó làm rất thành thạo. Chúng tôi đã thử dạy nó làm toán. Nhưng rõ ràng nó không có năng khiếu về môn này, bởi đơn giản là nó không đủ sức kiên trì ngồi yên một chỗ. Nhưng khi tôi cho nó đi theo vào lớp học, không hiểu sao nó lại chịu nằm im lặng suốt cả tiết học dưới gầm bàn.
Rất tiếc là khi chuyển về Nghệ An, vì không thể đưa nó theo, má tôi đã phải bán nó cho một người phường săn. Tôi đeo vòng cổ và xích nó lại, nó nhìn tôi và khóc.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt ấy của Giôn Xơn.

CHUYỆN CHÚ CHÓ XÙ MI LU
Mi Lu là con chó xù lông vàng xám, có bờm trên cổ, ức rất rộng. Con chó này vợ tôi xin từ người bạn học, có tên là Mỹ Yến.
Lúc hai vợ chồng tôi đi Vũng Tàu, vì nó còn qúa nhỏ, nên chúng tôi phải đem theo.
Chúng tôi bỏ nó trong giỏ xách, nó không hề sủa hoặc kêu rên lấy một tiếng. Nhưng khi đăng ký khách sạn, thì nhân viên quản lý phòng ở phát hiện ra nó. Tôi phải tổ chức nhậu khuya tại tiền sảnh để năn nỉ, cuối cùng mấy tay bảo vệ mới cho đem Mi Lu vào phòng. Chắc nó hiểu luật khách sạn, nên không hề đái bậy ra phòng- dù rằng lúc ở nhà nó vẫn thường đái bậy như bất cứ một chú chó con nào.
Khi đem nó ra bãi biển, tôi nhảy xuống nước, lập tức nó cũng nhảy theo. Sóng đánh nó chìm lỉm, nhưng nó vẫn cố ngoi lên để bơi theo tôi. Tôi mướn chiếc phao, nó nằm xoãi trên phao, và ôm rất vững. Nói chung, nó là một con chó không hề sợ nước.
Người ta nói, gái theo trai, còn chó đực thì chạy rông theo cái. Nhưng với Mi Lu thì hoàn toàn ngược lại. Khi đến tuổi trưởng thành, nó chạy đi đâu đó vào ban đêm, và dẫn về một cô nàng lông vàng, vừa mới dậy thì. Bằng tình yêu của mình, nó giữ được chân cô nàng, cho đến lúc cô nàng mang thai. Vì sợ con vàng sanh con, tôi đã đem cô nàng cho bạn bè ở Sở Văn hóa. Mất bạn, Mi Lu buồn ngơ ngẩn cả tháng trời. Mấy ngày đầu nó bỏ cơm, ban đêm thường ra trước sân, ngửa đầu lên trời, cất tiếng tru rất thống thiết. Do bị tôi trừng trị, nó không dám tru nữa, nhưng tính tình trở nên rất nóng nảy. Trẻ con đi học về ngang nhà tôi, thường bị nó xồ ra đe dọa. Và nó cũng chỉ gầm gừ đe doạ, chứ chẳng cắn ai bao giờ.
Dịp Tết, vợ chồng tôi phải về thành phố, biết tính nó dữ, không thể gởi hàng xóm, tôi đành phải đem Mi Lu cho người bạn, là hoạ sĩ Nguyễn Thái Bình ở phường 4.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ MỰC
Mực là giống chó săn, nòi Tây Ninh, Trần Văn Bái ở Trường chuyên Trà Vinh tặng vợ chồng tôi. Nó còn là một con chó con, nhưng đã biết rình bắt chuột.
Nhà tôi chỉ vỏn vẹn 31 m2, không đủ không gian cho Mực trổ tài. Bởi vậy, những khi vồ bắt chuột không được, bao giờ nó cũng rượt theo. Những cú nhảy tấn công của nó, đã đem lại không ít tai vạ. Có nghĩa là do những cú nhảy vồ mồi, Mực làm đổ bể khá nhiều đồ đạc trong nhà. Tất nhiên là vì tiếc của mà nó thường xuyên bị tôi đánh. Ý thức được việc bị đánh đòn, nhưng mực không thể bỏ được bản tính săn bắt chính nòi của nó.
Con mực lớn như thổi. Còn chó con, nhưng nó đã biết đi sục sạo săn bắt ở các lùm bụi trong xóm. Chính điều này đã gây ra tai họa. Nó bị dính bả của lũ ăn trộm chó chuyên nghiệp.
Thằng Tí lớn hàng xóm, nói với tôi:
- Cháu biết nó bị dính bả ngoài bờ sông. Nó lồng chạy về nhà chú, dùng hai chân trước cào vào cánh cửa để mở. Mở không được, nó chạy trở ra bờ sông, nhảy xuống nước. Rồi nó lại về gọi cửa. Nhưng có lẽ thuốc đốt ruột nó nóng qúa, nó lại chạy ra sông, rồi nhảy xuống.
Không nhìn thấy, nhưng tôi vẫn hình dung ra phút lâm chung cháy gan cháy ruột của Mực. Tội ác qủa thật là khủng khiếp!

CHUYỆN VỀ CON CHÓ TỪNG ĐƯỢC GỌI LÀ SƯ TỬ
Họa sĩ Bửu Lộc xin được một con chó con màu xám. Con chó càng lớn càng hung hăng, gặp ai cũng sủa. Chẳng những sủa, nó còn xồ ra gầm gừ. Sợ nó cắn trẻ con, Bửu Lộc thường ngày vẫn phải cột nó dưới gốc trứng cá.
Bị cột, con chó càng trở nên hung tợn. Nó gầm gừ với bất cứ ai. Nó lồng lên sủa dữ dội với bất cứ người nào đi ngang qua. Nhà văn Phạm Trung Khâu gọi nó là sư tử.
Một hôm, thấy ai vứt trên nóc sân thượng một con thú nhồi bông, có hình rất giống con cọp. Trung Khâu nói Bửu Lộc đưa con sư tử lên cho nó chơi với con cọp giả. Ai dè, mới nhìn thấy con thú nhồi bông, sư tử đã cúp đuôi, cụp tai, bốn chân run lẩy bẩy, té đái ra cả một vũng.

CHUYỆN VỀ TÌNH MẸ CON CỦA CHÓ
Chó của cô Phượng lao công ở Hội Văn nghệ tỉnh, sanh được một đàn bốn con. Khi lũ chó con biết ăn cơm, Phượng đem biếu ông Ba Lâm một con. Ba Lâm thích thú, ra chợ mua sợi dây xích, xích con chó lại. Hàng ngày, đến bữa cơm, Ba Lâm nhai đồ ăn cho con chó ăn, hy vọng nó sẽ quen hơi người.
Cả một tuần lễ trôi qua.
Một hôm, vào buổi trưa, Trung Khâu nhìn thấy Phượng từ Sở Văn hóa về, trên tay ôm theo con chó đã cho Ba Lâm, anh nói:
-Ủa, bộ đòi lại sao mầy?
Phượng lắc đầu:
- Hổng phải đòi cậu ơi! Suốt cả tuần, con mẹ nhớ con, lúc nào cũng tru khóc thảm thiết. Bỏ cơm riết, nó gầy rạc, bầy con cũng gầy rạc. Coi tội lắm! Con mượn lại đem về cho mẹ nó, rồi tính sau.

CHUYỆN CON CHÓ THẦN GIỮ CỦA
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ba Lâm, có một con chó nổi tiếng, được mệnh danh là thần giữ của.
Con chó này thuộc giống nhỏ con, nhưng tinh khôn đáo để. Không hiểu vì sao, nó ăn được cả kẹo bánh, trái cây, rau củ. Hàng ngày, nó thường cuộn mình nằm dưới hộc tủ. Có khách vào nhà, nó chỉ ngóc đầu nhìn, chứ không bao giờ thèm sủa lấy một tiếng. Nhưng nếu ai đó cầm lên một thứ gì trong nhà, lập tức nó cất tiếng gầm gừ. Còn nếu chủ nhà đi vắng, mà khách bước ra cửa, thì không bao giờ yên với nó. Trước tiên là nó chui ra và sủa. Nếu khách không đứng lại, mà tiếp tục bước ra, thể nào cũng bị nó cắn.
Họa sĩ Hứa Văn Chiến nói với tôi:
- Không cần cầm đồ, chỉ cần mình nheo mắt nhìn nó, nó cũng sủa. Làm như nó ghét ánh nhìn không thật thà và ánh nhìn xấc xược của con người với nó.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ MÊ NGƯỜI
Anh Giảng tài xế trường tôi, có một con chó đốm, giống lùn. Không hiểu vì sao, sáng nào nó cũng mò lên phòng hành chánh, chui xuống nằm dưới gầm bàn của cô Ba văn thư. Nó nằm yên ở đó cả buổi, cho đến lúc cô Ba ra về. Lạ là, cô Ba đi đâu, nó cũng lót tót đi theo. Cun cút đi theo như cái bóng.
Buổi chiều, cô Ba nghỉ việc, dù có ai quen biết dụ dỗ, nó cũng không bao giờ theo lên văn phòng.
Người ta nói, nó mê cô Ba ngay từ lần đầu tiên, khi cô Ba xuống căng tin ăn hủ tiếu, thẩy cho nó một cục xương, rồi dùng tay vuốt ve đầu nó.
Tôi chưa thấy nó đeo theo chó cái bao giờ, dù rằng nó là một con chó đực chánh hiệu.

Bản thân tôi cũng từng có một con chó như vậy, nó tên là con Ky, lông màu xám, do con Giôn Xơn đẻ ra. Con Ky ngay từ nhỏ đã lẽo đẽo theo tôi. Mới đầu chỉ quanh quẩn trong làng. Về sau nó theo tôi vào rừng, và đi bất cứ đâu, nếu như tôi không đuổi nó về. Nhiều lúc tôi đi cả ngày, nó cũng theo cả ngày. Tôi chơi với bạn bè cùng trang lứa, còn nó nằm đâu đó canh chừng tôi. Có khi tôi vui với bạn bè, quên không cho nó ăn, nó cũng chỉ nằm im một chỗ. Nhiều đêm chúng tôi ra chơi ở giếng đình, trời trong gió mát, chúng tôi thường ngủ quên bên bờ giếng tới qúa nửa đêm, mới giật mình tỉnh dậy ra về. Bao giờ cũng vậy, con Ky đến nằm áp vào người tôi. Khi nào sương xuống nhiều, nó thường liếm lên mặt tôi để đánh thức.
Con Ky hiền chứ không dữ như mẹ nó. Lúc nào trong nhà có trẻ con thì nó vui hẳn lên, tự động bày ra nhiều trò để đùa giỡn. Những lúc như vậy, nó hay nhảy nhót, rồi cuộn mình lăn tròn, rồi sủa vang vang thích thú. Nó thích bắt chuột, nhưng không hay lùng sục, mà chỉ nằm rình một chỗ rất kiên trì. Tôi chỉ cần rờ vào đầu nó, là nó lập tức dụi ngay cái mũi ươn ướt vào người tôi, rồi dim mắt lại rên ư ử. Hôm nào tôi đi đâu mà không cho nó theo, nó buồn ra mặt.

Vì tất cả những điều đó, tôi rất yêu thích chó. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều truyện về chó. Những truyện như “Con bim trắng tai đen”, “Con chó trắng chạy dọc theo bờ biển”, “Con chó chạy hoang trong thành phố”, truyện “Ca Dăng”, truyện “Con Bấc”, truyện “Một ngàn lẻ một con chó đốm”, truyện “Con chó trinh sát”… tôi đều mua và đọc từ khi còn rất nhỏ. Sau này bản thân tôi cũng viết nhiều truyện về chó. Khởi đầu là “Chuyện chó”, đăng trong tuyển tập truyện ngắn “Hiến dâng”, được giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiếp đến là các truyện “Ông lão bán vé số”, truyện “Cô giáo và con chó trắng”, truyện “Cái chết giữa dòng sông”. Ngay cả trong truyện “Chị Én và…” đăng trên báo Tuổi trẻ, tôi cũng nhắc đến giống chó Lài lông vàng của người Mường. Tôi có ấn tượng đẹp về chó Lài từ khi tôi sống với người Mường ở Thanh Hóa, được họ cho biết chó Lài là giống chó săn to như con bê, và không hề biết sợ cọp là gì. Trong truyện ngắn “Trở về với dòng sông”, được rất nhiều báo đăng tải, tôi cũng đem chó vào thành một nhân vật bên cạnh con người. Bởi tôi nghĩ, con chó từng sống lâu đời với con người, trung thành với con người như vậy, hữu ích với con người như vậy, tại sao lại không coi nó như một người bạn. Và tất nhiên, chó cũng như người, cũng có tật hay tật dở. Vấn đề còn lại, bao giờ cũng thuộc về sự nhìn nhận của chúng ta. Nói như ông bà mình: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau qủa bồ hòn cũng méo”.
Nếu ngay bây giờ, ta có nghe trẻ con nghêu ngao, rằng:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng


Thì xin bạn hãy tin rằng, điều đó là do chính con người chúng ta mà ra.
H.T.T.​
 
Top