• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cứu ong khỏi tội phá rừng

Rừng Việt Nam không chỉ biến mất vì nạn khai thác gỗ bừa bãi, vì lâm tặc hoành hành, vì các dự án thủy điện tràn lan hay do mở trang trại trồng cà phê, cao su mà còn bởi nghề... nuôi ong!
Khó tin được nghề thầm lặng ấy cũng góp phần phá rừng nguyên sinh, nhưng đó là điều có thật và mức độ tàn phá rừng do nuôi ong cũng thật khủng khiếp.
Ong “xơi” những rừng gỗ quý
Suốt hơn 47 năm qua, kể từ ngày nghề nuôi ong xuất hiện ở VN - mạnh nhất tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Đồng Nai - thì “nhà” cho ong ở đều được đóng băng những loại gỗ tốt nhất được khai thác từ rừng nguyên sinh: kiền kiền, sao, cà chít, căm xe... Vì chỉ làm bằng danh mộc thì thùng ong mới để được ngoài trời năm này sang năm khác, chịu đựng nắng mưa, di chuyển...
Cứ mỗi mét khối gỗ quý chỉ đóng được 30-40 thùng ong. Mỗi đàn ong sống trong một thùng. Mỗi trại nuôi ong thường có 1.000-2.000 đàn ong. Cứ nhân lên cũng hình dung được số gỗ quý đã được sử dụng.

Về lý thuyết, đóng cửa rừng cũng có nghĩa nghề nuôi ong ở VN phải “đóng” theo. Chúng ta đã đóng cửa rừng kể từ đầu thập niên 1990. Quãng năm 1996, tổng số đàn ong ở VN đạt khoảng 7.000 đàn, sản lượng mật mỗi năm chỉ vài trăm tấn, kém Thái Lan rất xa. Thế nhưng hiện ước tính VN đã có đến 1 triệu đàn ong với lượng mật thu được trên 20.000 tấn/năm, đã bỏ xa Thái Lan và đứng hàng thứ hai ở châu Á chỉ sau Trung Quốc.

Thời gian qua, bất chấp khủng hoảng kinh tế, mật ong VN xuất khẩu vẫn ung dung thẳng tiến: giá từ 1,6-1,8 USD/kg tăng lên 2,1-2,3 USD/kg (giá xuất sang Canada và Mỹ). Từ vài công ty nuôi ong, nay cả nước có trên 20 doanh nghiệp chuyên nuôi ong lấy mật xuất khẩu với hàng trăm trại nuôi ong lớn nhỏ. Trước chỉ nông dân Lâm Đồng, Đồng Nai nuôi ong thì nay toàn Tây nguyên, miền Tây Nam bộ, rồi miền Bắc và ngay cả dải đất nghiệt Trung bộ cũng bắt đầu nuôi ong.

Một nhà nuôi ong chuyên nghiệp có thâm niên hơn 30 năm ở Tây nguyên thừa nhận: “Muốn có những loại gỗ làm thùng nuôi ong phải biết “quan hệ” với các lâm trường, tử tế với kiểm lâm!”. Ông cho biết hễ nghe bất kỳ nơi đâu có kế hoạch khai thác rừng là tìm đến ngay để “đặt vấn đề”, thậm chí còn “đặt hàng” lâm tặc. Nghĩa là phải huy động mọi kiểu phá rừng để có nguồn gỗ từ rừng nguyên sinh đủ kích thước đóng thùng ong.

Các nhà nuôi ong khẳng định ngành nuôi ong VN chắc chắn sẽ phát triển mạnh hơn nữa vào những năm tới (vì kinh tế trang trại đang lớn mạnh, nền nông nghiệp phát triển tạo điều kiện để ngành nuôi ong phát triển) và dự báo có thể đạt tới 7-15 triệu đàn ong. Làm một phép tính, 7 triệu đàn ong phải cần đến 200.000-250.000m3 gỗ đóng thùng, 15 triệu đàn phải cần có 400.000-500.000m3 gỗ. Nghĩa là mất cả một cánh rừng gỗ quý chỉ có trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Nhà cho ong làm từ... rác thải
Một sáng mùa hè năm 2005 trong một quán cà phê tại TP.HCM, hai người đàn ông trò chuyện bên tách cà phê đầu ngày. Người lớn tuổi hơn quê ở Bảo Lộc, nuôi ong đã lâu năm than với chàng trai đồng hương Đặng Ngọc Chương (28 tuổi) rằng ông không còn tìm đâu ra gỗ để đóng thùng nuôi ong.

Còn trẻ nhưng Đặng Ngọc Chương từng trải qua đủ nghề: bốc xếp hàng, phụ xe tải đường dài, phiên dịch tiếng Anh, theo dõi bảo dưỡng và tư vấn mua sắm các thiết bị cơ khí nhỏ cho các nhà thầu thi công công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Sê San, Nhà máy ximăng Hà Tiên, đường hầm Hải Vân... Vài tháng sau buổi cà phê sáng ấy, anh khăn gói trở về Bảo Lộc. Câu chuyện về thùng ong cứ bám lấy Chương, khiến anh phải trở về quê với khát khao sẽ tạo ra một loại nhà cho ong không làm bằng gỗ rừng.

Rác nilông sau khi thu gom về được rửa sạch và phơi khô - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Rác được xay nát, nấu chảy rồi trộn với trấu để ép thành miếng - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Một thùng ong được làm từ rác nilông

Chương mở một thùng ong được làm từ rác nilông do anh tạo ra - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Hiện mỗi tháng xưởng của Chương tiêu thụ 20 tấn rác nilông khó phân hủy trong tự nhiên. Gần đây, anh thu gom bao nilông phế thải ở tận Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Đà Lạt rồi sang cả Đăc Nông, Đồng Nai... “Bây giờ nông dân nhiều vùng thường gom bao nilông lại, sau đó gọi điện cho tôi tới chở. Có lẽ họ không còn coi bao nilông là thứ bỏ đi nữa” - anh kể.

Hai năm nay, ở hai vùng nuôi ong lớn là Bảo Lộc và Đồng Nai, người nuôi ong đã dùng thùng nhựa trộn trấu của Chương. Dù còn sản xuất đơn giản nhưng số thùng ong xuất xưởng cũng lên đến số chục ngàn.

Với giá thành chỉ 190.000 đồng/thùng, sử dụng được nhiều năm không sợ hư hỏng bởi nắng mưa, những “nhà ong” của Chương đã góp phần cứu những cánh rừng nguyên sinh ít ỏi còn lại ở VN. Những người trong giới nuôi ong tin rằng hàng triệu đàn ong ở VN dần dà cũng sẽ sống trong kiểu “nhà” thời đại đó.
Nếu chứng kiến quy trình biến rác thải nilông thành “nhà ong” của Đặng Ngọc Chương, những nhà tổ chức giải thưởng “xanh”, giải thưởng môi trường hẳn sẽ trao giải cao nhất cho anh.

Tôi hỏi Chương đã mang phát minh đáng nể (dù anh cho là nhỏ nhoi) ấy đăng ký sở hữu trí tuệ chưa thì được trả lời: “Bây giờ phải lo tập trung làm thùng cái đã, mùa đánh mật đến rồi, bà con đang hối thúc quá chừng!”.

Tuổi trẻ
 

emily_vn

Member
Mình đảm bảo nếu ko đăng ký nhanh, anh sẽ mất trắng. VN là thế. Intellectual property còn lỏng lẻo lắm.
 
Top