• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

các bài viết liên quan đến chó-sưu tầm

tran minh

Member
Chuyện hàng ngày ở chung cư

Phan Thị Vàng Anh


Cứ đến khoảng 10g tối là cả khu chung cư lại phát điên : con chó ở tầng một bắt đầu sủa.

Đó là một con béc-giê to dềnh dàng, nghe nói đã từng được đi học (may mà đã đi học). Chủ của nó trốn nợ nên không dám về nhà ngủ hàng đêm. Ban ngày anh ta nhờ mấy cô bán cá mở cổng vào cho ăn. Cả sáng, cả chiều con chó im thin thít. Đến đêm, nó đói khát và buồn, nên nó sủa.

Người trong khu tập thể gặp nhau, cứ sau câu chào là có câu : “ Con chó sủa điên quá nhỉ ! ”. Có thể nói, cứ nhìn mặt thì đoán được trong đầu ai cũng có ý nghĩ, “ Đánh bả nó chết đi cho xong.” Tuy nhiên, chẳng ai dại gì nói ra miệng cái câu đấy. Giải pháp gọn nhất là đến gõ cửa ông tổ trưởng cụm dân cư, đề nghị ông, với cương vị của mình, phải làm cho con chó thôi sủa.

Ông tổ trưởng hơn lúc nào hết nhận rõ vai trò của mình là cầu nối giữa dân với chính quyền, bèn ăn mặc chỉnh tề, đi tìm anh cảnh sát khu vực. Anh bảo, phải giải quyết tận gốc. Phải bắt ông chủ của con chó cho nó ăn đêm, để nó “ căng da bụng, chùng da mắt ”.

Anh cảnh sát khu vực sau đó vài bận tạt qua nhà đương sự. Cổng lúc nào cũng khóa im ỉm, ban ngày con chó ngủ như chết. Anh bèn viết một mẩu thư, quăng vào sân, yêu cầu chủ nhà lên phường làm việc. Vài ngày sau lại đến, dòm vào sân, thấy cái thư vẫn nằm nguyên chỗ cũ, nhem nhuốc đến thảm thương.

Thấy anh cảnh sát bất lực, nhân dân bèn hiến bao nhiêu là kế : thay khoá cổng để chính chủ nhà cũng không vào được, phải lên phường làm việc ; mời thú y đến bắn thuốc mê cho con chó ngủ rồi đưa nó đi nhốt tạm một nơi nào đó, bắt chủ nhà phải xuất hiện để nhận về ; cùng đóng tiền để thuê chị bán cá cho con chó ăn thêm bữa chiều để nó no... Kế nào cũng bất thành vì không ai chịu đứng ra làm. Ba, bốn “ đầu gấu ” của khu tập thể cũng vì chuyện này mà xuống thớ hẳn, vì đúng lúc cần ra tay du đãng thì lại cứ xử sự như người lương thiện.

Đang như thế thì xuất hiện cô nhà báo đến thuê nhà trong khu tập thể. Cô sống một mình, mặt mũi lúc nào cũng căng thẳng, tay lăm lăm cái điện thoại di động. Được một tuần, cô sang nhà ông tổ trưởng, đặt vấn đề con chó lên bàn, cạnh đó là vấn đề năng lực yếu kém của chính quyền địa phương trong giải quyết vụ việc, cạnh đó nữa là vấn đề thiếu ý thức của cộng đồng. Không biết có phải là một cách doạ không, nhưng cô nói nếu viết chuyện này lên báo thì sẽ rất “ ê ” cho địa phương đấy. Chuyện để chó sủa ồn là vi phạm luật rành rành mà không giải quyết được.

Ông tổ trưởng mát mẻ, vâng, cô quen biết nhiều, nhờ cô kiện hộ chúng tôi, nhờ cô phản ánh lên báo giúp chúng tôi, cho cái con chó chết ấy nó chết hẳn thì tốt quá.

Cô nhà báo về nhà, nghĩ mình mà kiện chuyện này thì người ta nói mình điên mất. Nước mình chưa có cái lệ này. Ở nước mình, cứ dính đến kiện cáo thì bất kể thắng thua, trong mắt người ngoài mình đã như một kẻ điên. Chưa kể đây là kiện về một con chó. Mình lại chưa chồng, mọi người sẽ nghĩ tại mình khó tính...

Nhưng thôi, ít nhất cũng phải gửi một cái thư chính thức cho chính quyền địa phương, trong đó có chữ ký của các hộ chung cư, để xem dưới áp lực của số đông thì họ giải quyết ra sao chứ.

Cô lại sang nhà ông tổ trưởng, hỏi địa chỉ chính xác của nhà “ con chó ”. Ông đọc cho cô, nhưng lưu ý cô rằng ngoài con chó này, khoảng một tuần nay, hai con chó của nhà giữ xe cũng sủa theo ghê lắm. Cùng là béc-giê cả nên nghe khá giống nhau...

Cô nhà báo ra ban công nhìn xuống. Dưới kia, trong bóng đêm, hai con chó nhà giữ xe đuổi nhau huỳnh huỵch...

Chẳng lẽ mách tội con kia mà không mách tội hai con này ? Nhà giữ xe, cô suy tính, thuộc đối tượng cần phải lấy lòng, vì nếu làm cho họ ghét mình, họ sẽ không nhận giữ xe cho mình nữa, lúc ấy mới thực là tai hoạ...

Từ đó tới nay đã một năm rồi, cả khu tập thể chẳng ai màng tới tiếng chó sủa nữa. Vả lại, nhiều con sủa quá, cũng chẳng phân biệt được rõ con nào với con nào để mà còn tức điên lên.
 

tran minh

Member
CHÓ- BẠN CỦA CON NGƯỜI
Hồ Tĩnh Tâm
Không biết tự bao giờ, người ta đã lấy con chó làm biểu tượng cho một năm, cùng 11 con vật khác tạo thành một giáp. Chó sống gần như ở khắp nơi trên trái đất. Chúng săn mồi bằng cách chạy đuổi, rồi nhảy vồ lên cắn xé; và bao giờ cũng vậy, chó luôn tìm cách ngoạm cổ con mồi để hạ thủ.
Ở Việt Nam, có hai loại chó rừng: Giống có mõm ngắn, đầu to, tai ngắn và tròn; giống này sống thành từng đàn, và có thể ăn được thú lớn trong rừng. Giống có chân tương đối ngắn, mõm nhọn, đuôi ngắn. Hai giống chó này thường gọi là chó sói, hay sơn cẩu.
Do sự thuần dưỡng và chọn lọc lâu đời, hiện nay loài nguời đã chọn ra được vài trăm nòi chó khác nhau về tầm vóc, màu lông và trọng lượng. Có nòi dùng để đi săn, có nòi dùng để chăn cừu, chăn bò, có nòi dùng để kéo xe trên tuyết, có nòi dùng để phát hiện thuốc phiện, có nòi dùng để tấn công đối phương, có nòi chỉ để nuôi làm kiểng trong nhà. Các giống qúy như chó xi, chó phốc, chó mặt cọp Hoa Kỳ, chó pọc tê Ăng Lê, chó bẹc giê của Đức, của Nga; nhưng cũng có giống người ta nuôi chỉ để hạ thủ làm thịt cầy bảy món . Ở nước ta, chó xoáy xám Phú Quốc, được xếp vào một trong bảy loài chó nổi tiếng thông minh của thế giới.
Con chó sống gắn bó với con người, cùng với con người đi cả vào văn học.
Chuyện xưa kể rằng: Ở làng nọ có một anh trò nghèo, bao giờ đi học ngang qua đình làng, cũng thấy con chó đá ngoe nguẩy đuôi, tỏ ý vui mừng. Về sau, anh ta đỗ trạng nguyên, được bổ làm tri huyện. Nhớ tới con chó đá ở quê nhà, ông tân quan tìm về thăm nó, nhưng con chó đá lại nhe răng, trừng mắt, tỏ ra căm giận. Qủa nhiên về sau, quan tri huyện do ăn của đút lót, do hạch nhiễu chúng sinh, đi tới đâu cũng nghe lời oán thán, xỉ vả đủ điều của trăm họ.
Trên đây chỉ là chuyện huyền thoại, khó có thể tin được. Chắc người đời chỉ dựng lên để răn dạy lẫn nhau. Bây giờ tôi xin kể chuyện thật, được dân gian ghi lại về bầy chó của tướng quân Nguyễn Xý.
Tướng Nguyễn Xý xưa kia nuôi một bầy chó hơn trăm con. Sớm chiều dùng tiếng nhạc ngựa làm hiệu lệnh; ông rèn luyện chúng nhất cử nhất động đều răm rắp.
Được tin Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Xý đem cả đội quân ấy về theo Lê Lợi. Nhiều trận đánh, ông đã dùng nhạc ngựa điều khiển cho cả bầy chó lăn xả vào quân thù mà cắn xé, làm cho giặc trở tay không kịp. Mã Kỳ, tướng giặc Minh rất sợ bầy chó của Nguyễn Xý. Có lần Nguyễn Xý dùng chó làm nghi binh, cho mỗi con đeo một cái nhạc. Trong đêm tối, bầy chó nhảy xổ vào trại giặc Minh. Phía ngoài chỉ có vài người đánh trống tiến quân. Bọn giặc Minh mất ngủ cả đêm, mệt mỏi, bắn loạn xạ. Nhưng tên cứ bắn trên không, chó thì chạy dưới mặt đất, nhạc rung vang lên mỗi lúc mỗi gần, làm cho quân giặc càng thêm hốt hoảng.
Sáng ngày, bọn thám báo của giặc chỉ thấy vết chân chó ở quanh trại, mới báo cho Mã Kỳ, thì quân Minh đã tốn hàng chục vạn mũi tên rồi. Nghĩa quân lại thâu lượm và dùng chính những mũi tên ấy để đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước ta.
Sở dĩ chó có thể làm được điều ấy là vì nó biết phân biệt được tiếng nói cũng như mùi mồ hôi của người quen và người lạ. Chó phân biệt được tiếng nói phản ánh tâm trạng của người nuôi nó. Khi có lỗi bị chủ mắng, nó biết thân phận và lủi đi nằm ở một xó. Nếu được chủ khen, nó biết lăng xăng mừng rỡ.
Chó cũng rất có nghĩa với chủ. Một nhà phẫu thuật mổ cho con chó bị xe cán qùe chân, rồi chăm sóc rất chu đáo trong thời gian nó bị đau. Những ngày ấy, nó rất quyến luyến với ân nhân của nó. Khỏi chân, nó bỏ đi, trở về nhà chủ cũ. Và như vậy, rõ ràng là ân tình của nó với chủ cũ còn sâu nặng. Sau vài tháng nó trở lại với phòng mổ, nhà phẫu thuật phấn khởi tưởng rằng nó sẽ ở lại hẳn với mình. Nhưng không, nó kéo áo nhà phẫu thuật để giới thiệu một con chó khác, bạn nó, bị qùe chân và nhờ ông cứu chữa.
Ở Luân Đôn, có một cô gái bị mù từ nhỏ. Con chó mà cô nuôi đã dẫn đường cho chủ đi dạo phố hàng chục năm. Đến khi cô gái được mổ và chữa khỏi đôi mắt, thì con chó đã già yếu và bị mù lòa. Bây giờ đến lượt người phụ nữ đó dẫn con chó nghĩa tình đi dạo phố…

Trên đây là những mẫu chuyện tôi sưu tầm được, tôi muốn kể ra để bạn đọc biết được, chó là con vật rất trung thành với con người, quấn quýt với con người, được con người xem như người bạn trong cuộc đời. Nhưng chó cũng như người, có rất nhiều loại, rất nhiều tính cách.

Sau đây là một vài lượm lặt về chuyện con chó mà bản thân tôi đã từng được chứng kiến.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ CÓ TÊN GIÔN XƠN
Năm 1966, má tôi đi chợ và mua về cho tôi một con chó trắng, thuộc giống chó săn của người Mường. Bấy giờ gia đình tôi đang sơ tán ở xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ đầu, thấy nó có vẻ hung hăng, năm anh em trai tôi họp lại, quyết định đặt tên nó là Giôn Xơn.
Giôn Xơn là một con chó cái, nhanh nhẹn, rất hay cắn nhau với chó của hàng xóm. Càng lớn, tính cách hung hăng của nó càng biểu hiện rõ nét. Không có một con chó nào của hàng xóm dám lởn vởn vào sân nhà tôi, bởi vì chỉ cần nhìn thấy là Giôn Xơn đã lao ra cắn xé thục mạng. Nó không biết sợ cả những con chó to lớn hơn, nhiều tuổi hơn. Bất luận thế nào nó cũng xả thân lao vào cuộc chiến. Nhiều phen nó bị đối phương làm cho đẫm máu; nhưng cuối cùng, bao giờ nó cũng chiến thắng được đối thủ.
Tôi đi đâu, Giôn Xơn cũng đi theo. Nó thường chạy phía trước, và bao giờ cũng sục sạo các lùm bụi. Tự nó, nó có thể rình bắt được chuột- có khi còn vồ được cả chim đa đa ở trên đồi. Còn như bắt gà, tôi chỉ cần ném đá vào một con nào đấy, Giôn Xơn sẽ đuổi con gà chạy thục mạng, rồi nhanh chóng ngoạm cổ tha về một cách dễ dàng. Nếu tôi biết huấn luyện, chắc chắn nó sẽ là một con chó săn thực thụ.
Bấy giờ Hợp tác xã thuộc đội 4, nơi tôi đang sống, có nuôi một bầy vịt thả đồng. Chẳng ai dạy cả, vậy mà nó tự động rình mò, lâu lâu lại cắn chết một con tha về. Tuổi còn nhỏ, nên năm anh em tôi thích lắm, cứ lén lút làm thịt con vịt ấy để ăn. Vì vậy, Giôn Xơn lại càng ra sức lùng bắt vịt ngoài đồng. Hình như nó tha về đến con thứ tư thì bị người ta rượt đuổi, chém xả một bên chân. Tôi phải xích nó lại một thời gian, và phải phạt đòn nó, nó mới thôi không bắt vịt tha về.
Thằng em tôi dạy nó nhảy vòng và bắt bóng. Hai trò này nó làm rất thành thạo. Chúng tôi đã thử dạy nó làm toán. Nhưng rõ ràng nó không có năng khiếu về môn này, bởi đơn giản là nó không đủ sức kiên trì ngồi yên một chỗ. Nhưng khi tôi cho nó đi theo vào lớp học, không hiểu sao nó lại chịu nằm im lặng suốt cả tiết học dưới gầm bàn.
Rất tiếc là khi chuyển về Nghệ An, vì không thể đưa nó theo, má tôi đã phải bán nó cho một người phường săn. Tôi đeo vòng cổ và xích nó lại, nó nhìn tôi và khóc.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt ấy của Giôn Xơn.

CHUYỆN CHÚ CHÓ XÙ MI LU
Mi Lu là con chó xù lông vàng xám, có bờm trên cổ, ức rất rộng. Con chó này vợ tôi xin từ người bạn học, có tên là Mỹ Yến.
Lúc hai vợ chồng tôi đi Vũng Tàu, vì nó còn qúa nhỏ, nên chúng tôi phải đem theo.
Chúng tôi bỏ nó trong giỏ xách, nó không hề sủa hoặc kêu rên lấy một tiếng. Nhưng khi đăng ký khách sạn, thì nhân viên quản lý phòng ở phát hiện ra nó. Tôi phải tổ chức nhậu khuya tại tiền sảnh để năn nỉ, cuối cùng mấy tay bảo vệ mới cho đem Mi Lu vào phòng. Chắc nó hiểu luật khách sạn, nên không hề đái bậy ra phòng- dù rằng lúc ở nhà nó vẫn thường đái bậy như bất cứ một chú chó con nào.
Khi đem nó ra bãi biển, tôi nhảy xuống nước, lập tức nó cũng nhảy theo. Sóng đánh nó chìm lỉm, nhưng nó vẫn cố ngoi lên để bơi theo tôi. Tôi mướn chiếc phao, nó nằm xoãi trên phao, và ôm rất vững. Nói chung, nó là một con chó không hề sợ nước.
Người ta nói, gái theo trai, còn chó đực thì chạy rông theo cái. Nhưng với Mi Lu thì hoàn toàn ngược lại. Khi đến tuổi trưởng thành, nó chạy đi đâu đó vào ban đêm, và dẫn về một cô nàng lông vàng, vừa mới dậy thì. Bằng tình yêu của mình, nó giữ được chân cô nàng, cho đến lúc cô nàng mang thai. Vì sợ con vàng sanh con, tôi đã đem cô nàng cho bạn bè ở Sở Văn hóa. Mất bạn, Mi Lu buồn ngơ ngẩn cả tháng trời. Mấy ngày đầu nó bỏ cơm, ban đêm thường ra trước sân, ngửa đầu lên trời, cất tiếng tru rất thống thiết. Do bị tôi trừng trị, nó không dám tru nữa, nhưng tính tình trở nên rất nóng nảy. Trẻ con đi học về ngang nhà tôi, thường bị nó xồ ra đe dọa. Và nó cũng chỉ gầm gừ đe doạ, chứ chẳng cắn ai bao giờ.
Dịp Tết, vợ chồng tôi phải về thành phố, biết tính nó dữ, không thể gởi hàng xóm, tôi đành phải đem Mi Lu cho người bạn, là hoạ sĩ Nguyễn Thái Bình ở phường 4.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ MỰC
Mực là giống chó săn, nòi Tây Ninh, Trần Văn Bái ở Trường chuyên Trà Vinh tặng vợ chồng tôi. Nó còn là một con chó con, nhưng đã biết rình bắt chuột.
Nhà tôi chỉ vỏn vẹn 31 m2, không đủ không gian cho Mực trổ tài. Bởi vậy, những khi vồ bắt chuột không được, bao giờ nó cũng rượt theo. Những cú nhảy tấn công của nó, đã đem lại không ít tai vạ. Có nghĩa là do những cú nhảy vồ mồi, Mực làm đổ bể khá nhiều đồ đạc trong nhà. Tất nhiên là vì tiếc của mà nó thường xuyên bị tôi đánh. Ý thức được việc bị đánh đòn, nhưng mực không thể bỏ được bản tính săn bắt chính nòi của nó.
Con mực lớn như thổi. Còn chó con, nhưng nó đã biết đi sục sạo săn bắt ở các lùm bụi trong xóm. Chính điều này đã gây ra tai họa. Nó bị dính bả của lũ ăn trộm chó chuyên nghiệp.
Thằng Tí lớn hàng xóm, nói với tôi:
- Cháu biết nó bị dính bả ngoài bờ sông. Nó lồng chạy về nhà chú, dùng hai chân trước cào vào cánh cửa để mở. Mở không được, nó chạy trở ra bờ sông, nhảy xuống nước. Rồi nó lại về gọi cửa. Nhưng có lẽ thuốc đốt ruột nó nóng qúa, nó lại chạy ra sông, rồi nhảy xuống.
Không nhìn thấy, nhưng tôi vẫn hình dung ra phút lâm chung cháy gan cháy ruột của Mực. Tội ác qủa thật là khủng khiếp!

CHUYỆN VỀ CON CHÓ TỪNG ĐƯỢC GỌI LÀ SƯ TỬ
Họa sĩ Bửu Lộc xin được một con chó con màu xám. Con chó càng lớn càng hung hăng, gặp ai cũng sủa. Chẳng những sủa, nó còn xồ ra gầm gừ. Sợ nó cắn trẻ con, Bửu Lộc thường ngày vẫn phải cột nó dưới gốc trứng cá.
Bị cột, con chó càng trở nên hung tợn. Nó gầm gừ với bất cứ ai. Nó lồng lên sủa dữ dội với bất cứ người nào đi ngang qua. Nhà văn Phạm Trung Khâu gọi nó là sư tử.
Một hôm, thấy ai vứt trên nóc sân thượng một con thú nhồi bông, có hình rất giống con cọp. Trung Khâu nói Bửu Lộc đưa con sư tử lên cho nó chơi với con cọp giả. Ai dè, mới nhìn thấy con thú nhồi bông, sư tử đã cúp đuôi, cụp tai, bốn chân run lẩy bẩy, té đái ra cả một vũng.

CHUYỆN VỀ TÌNH MẸ CON CỦA CHÓ
Chó của cô Phượng lao công ở Hội Văn nghệ tỉnh, sanh được một đàn bốn con. Khi lũ chó con biết ăn cơm, Phượng đem biếu ông Ba Lâm một con. Ba Lâm thích thú, ra chợ mua sợi dây xích, xích con chó lại. Hàng ngày, đến bữa cơm, Ba Lâm nhai đồ ăn cho con chó ăn, hy vọng nó sẽ quen hơi người.
Cả một tuần lễ trôi qua.
Một hôm, vào buổi trưa, Trung Khâu nhìn thấy Phượng từ Sở Văn hóa về, trên tay ôm theo con chó đã cho Ba Lâm, anh nói:
-Ủa, bộ đòi lại sao mầy?
Phượng lắc đầu:
- Hổng phải đòi cậu ơi! Suốt cả tuần, con mẹ nhớ con, lúc nào cũng tru khóc thảm thiết. Bỏ cơm riết, nó gầy rạc, bầy con cũng gầy rạc. Coi tội lắm! Con mượn lại đem về cho mẹ nó, rồi tính sau.

CHUYỆN CON CHÓ THẦN GIỮ CỦA
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ba Lâm, có một con chó nổi tiếng, được mệnh danh là thần giữ của.
Con chó này thuộc giống nhỏ con, nhưng tinh khôn đáo để. Không hiểu vì sao, nó ăn được cả kẹo bánh, trái cây, rau củ. Hàng ngày, nó thường cuộn mình nằm dưới hộc tủ. Có khách vào nhà, nó chỉ ngóc đầu nhìn, chứ không bao giờ thèm sủa lấy một tiếng. Nhưng nếu ai đó cầm lên một thứ gì trong nhà, lập tức nó cất tiếng gầm gừ. Còn nếu chủ nhà đi vắng, mà khách bước ra cửa, thì không bao giờ yên với nó. Trước tiên là nó chui ra và sủa. Nếu khách không đứng lại, mà tiếp tục bước ra, thể nào cũng bị nó cắn.
Họa sĩ Hứa Văn Chiến nói với tôi:
- Không cần cầm đồ, chỉ cần mình nheo mắt nhìn nó, nó cũng sủa. Làm như nó ghét ánh nhìn không thật thà và ánh nhìn xấc xược của con người với nó.

CHUYỆN VỀ CON CHÓ MÊ NGƯỜI
Anh Giảng tài xế trường tôi, có một con chó đốm, giống lùn. Không hiểu vì sao, sáng nào nó cũng mò lên phòng hành chánh, chui xuống nằm dưới gầm bàn của cô Ba văn thư. Nó nằm yên ở đó cả buổi, cho đến lúc cô Ba ra về. Lạ là, cô Ba đi đâu, nó cũng lót tót đi theo. Cun cút đi theo như cái bóng.
Buổi chiều, cô Ba nghỉ việc, dù có ai quen biết dụ dỗ, nó cũng không bao giờ theo lên văn phòng.
Người ta nói, nó mê cô Ba ngay từ lần đầu tiên, khi cô Ba xuống căng tin ăn hủ tiếu, thẩy cho nó một cục xương, rồi dùng tay vuốt ve đầu nó.
Tôi chưa thấy nó đeo theo chó cái bao giờ, dù rằng nó là một con chó đực chánh hiệu.

Bản thân tôi cũng từng có một con chó như vậy, nó tên là con Ky, lông màu xám, do con Giôn Xơn đẻ ra. Con Ky ngay từ nhỏ đã lẽo đẽo theo tôi. Mới đầu chỉ quanh quẩn trong làng. Về sau nó theo tôi vào rừng, và đi bất cứ đâu, nếu như tôi không đuổi nó về. Nhiều lúc tôi đi cả ngày, nó cũng theo cả ngày. Tôi chơi với bạn bè cùng trang lứa, còn nó nằm đâu đó canh chừng tôi. Có khi tôi vui với bạn bè, quên không cho nó ăn, nó cũng chỉ nằm im một chỗ. Nhiều đêm chúng tôi ra chơi ở giếng đình, trời trong gió mát, chúng tôi thường ngủ quên bên bờ giếng tới qúa nửa đêm, mới giật mình tỉnh dậy ra về. Bao giờ cũng vậy, con Ky đến nằm áp vào người tôi. Khi nào sương xuống nhiều, nó thường liếm lên mặt tôi để đánh thức.
Con Ky hiền chứ không dữ như mẹ nó. Lúc nào trong nhà có trẻ con thì nó vui hẳn lên, tự động bày ra nhiều trò để đùa giỡn. Những lúc như vậy, nó hay nhảy nhót, rồi cuộn mình lăn tròn, rồi sủa vang vang thích thú. Nó thích bắt chuột, nhưng không hay lùng sục, mà chỉ nằm rình một chỗ rất kiên trì. Tôi chỉ cần rờ vào đầu nó, là nó lập tức dụi ngay cái mũi ươn ướt vào người tôi, rồi dim mắt lại rên ư ử. Hôm nào tôi đi đâu mà không cho nó theo, nó buồn ra mặt.

Vì tất cả những điều đó, tôi rất yêu thích chó. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều truyện về chó. Những truyện như “Con bim trắng tai đen”, “Con chó trắng chạy dọc theo bờ biển”, “Con chó chạy hoang trong thành phố”, truyện “Ca Dăng”, truyện “Con Bấc”, truyện “Một ngàn lẻ một con chó đốm”, truyện “Con chó trinh sát”… tôi đều mua và đọc từ khi còn rất nhỏ. Sau này bản thân tôi cũng viết nhiều truyện về chó. Khởi đầu là “Chuyện chó”, đăng trong tuyển tập truyện ngắn “Hiến dâng”, được giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiếp đến là các truyện “Ông lão bán vé số”, truyện “Cô giáo và con chó trắng”, truyện “Cái chết giữa dòng sông”. Ngay cả trong truyện “Chị Én và…” đăng trên báo Tuổi trẻ, tôi cũng nhắc đến giống chó Lài lông vàng của người Mường. Tôi có ấn tượng đẹp về chó Lài từ khi tôi sống với người Mường ở Thanh Hóa, được họ cho biết chó Lài là giống chó săn to như con bê, và không hề biết sợ cọp là gì. Trong truyện ngắn “Trở về với dòng sông”, được rất nhiều báo đăng tải, tôi cũng đem chó vào thành một nhân vật bên cạnh con người. Bởi tôi nghĩ, con chó từng sống lâu đời với con người, trung thành với con người như vậy, hữu ích với con người như vậy, tại sao lại không coi nó như một người bạn. Và tất nhiên, chó cũng như người, cũng có tật hay tật dở. Vấn đề còn lại, bao giờ cũng thuộc về sự nhìn nhận của chúng ta. Nói như ông bà mình: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau qủa bồ hòn cũng méo”.
Nếu ngay bây giờ, ta có nghe trẻ con nghêu ngao, rằng:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Thì xin bạn hãy tin rằng, điều đó là do chính con người chúng ta mà ra.
 

tran minh

Member
Năm Tuất kể chuyện loài chó

Không biết tự bao giờ người ta lại lấy “con cầy” (con chó) là biểu tượng cho một năm cùng 11 con vật khác tạo thành một giáp. Chó sống gần như ở khắp mặt quả đất. Chúng săn mồi bằng cách chạy đuổi. Giống chó phổ biến là giống ca-nít gồm có nhiều loại chó rừng, chó sói...

Ở Việt Nam, có hai giống chó rừng: Giống có mõm ngắn đầu to, tai ngắn và tròn; giống này sống thành từng đàn và có thể ăn được thú lớn trong rừng. Giống có chân tương đối ngắn, mũi nhọn, đuôi ngắn. Hai giống chó rừng này nhân dân ta thường gọi là chó sói hay sơn cẩu.

Do sự thuần dưỡng và chọn lọc lâu đời, hiện nay loài người đã tạo ra được vài trăm loài chó khác nhau về tầm vóc, màu lông và trọng lượng.

Chó mẹ thường đẻ mỗi lần từ 3 đến 4 con. Nó nuôi con rất chu đáo, cho con bú tới hơn một tháng tuổi. Từ sáu đến chín tháng tuổi là lúc dạy nó tốt nhất. Chừng mười lăm tuổi thì chó đã già, thời kỳ này lông rụng dần và chó già trở nên chậm chạp. Chó có thể sống được tới vài ba chục năm.

Chó là loài gia súc được loài người nuôi rất sớm, cách đây từ mười hai nghìn năm. Người đi săn nào cũng có một con chó thân thiết, nó sục sạo khắp nơi. Chính con chó này giúp chủ đi săn tìm mồi ở đồng bằng cũng như ở trong rừng rậm. Lúc người ta chưa phát hiện ra vết chân lợn rừng, hay nghe thấy tiếng cành cây khô gãy răng rắc dưới chân con hươu, con hoẵng... thì con chó, nhờ mũi thính đặc biệt, nó đã đứng dừng ngay lại, nghếch mũi đánh hơi.

Con chó đã giúp việc người đi săn rất trung thành và tận tuỵ: từ bao ngàn năm nay con người đã nuôi dạy được chó ngay từ thời kỳ xa xôi mà loài người chưa biết dùng súng đạn và phải săn mồi bằng cung tên.

Chuyện cổ Ai Cập kể rằng: Cách đây sáu ngàn năm, người ta đã thấy có tranh vẽ những người nô lệ đang dẫn bầy chó (bấy giờ chó đã có nhiều giống: chó có bụng thon, tai vểnh, chó mõm ngắn tai cụp...) đi săn.

Ở Đông Nam á là trung tâm nuôi chó sớm nhất, từ đây chó theo người tới Châu Đại Dương và các nước phương Tây.

Ở nước ta, chó được nuôi từ trong thời kỳ đồ đá mới. Thời ấy, ông cha ta nuôi chó để đi săn và giữ nhà.

Biết canh gác và đi chăn bò

Ngay từ thời tiền sử, chó đã biết giúp chủ đi săn mồi và biết giữ nhà, chăn gia súc, cứu thương ngoài mặt trận, kéo xe... loài người đã sử dụng không những cái mũi thính của chó, mà cả bộ giò của con vật nữa.

Đàn gia súc tăng lên đông đúc thêm từ năm này qua năm khác, chiếc gậy cầm ở tay, một chàng trai đi theo đàn gia súc. Con chó giúp chàng trai đó coi đàn bò, không cho chng tản ra trên thảo nguyên. Có vô số những bức tranh giá trị đã miêu tả cảnh chó chăn bò và chăn cừu.

Người ta đã từng kể bao nhiêu câu chuyện về con vật đó, nó biết giúp những người bị thương ngoài mặt trận, canh giác ở biên cương... Lúc ở nhà cũng như lúc đi săn, ở ngoài tiền tuyến cũng như trong phòng thí nghiệm, con chó luôn luôn là loài vật giúp ích cho con người.

Biệt tài đánh hơi

Để thử tài một con chó, người ta cử một người đi đến một chợ quê đông người cách xa nhà tới hai chục cây số. Rồi cho chó ngửi quần áo người đó, xong thả nó ra. Con chó này chưa hề có dịp thấy người mà nó phải tìm, nhưng chỉ nhờ ngửi hơi mà đi, nó đi thẳng đến chợ và cắn vào quần áo người nó phải tìm.

Lại có chuyện kể rằng, trong nhiều mùa cùng đi với đoàn thăm dò địa chất ở Môi va (vùng U-ran) hai con chó béc-giê: Giéc-đa và Rai đã tìm thấy quặng đồng, sắt, chì, vôn-phơ-ram và các quặng kim loại khác. Khi ngửi mùi thấy những mùi quặng này, chúng sủa vang để những cán bộ địa chất chú ý tới. Hiện nay nhiều con chó ở đây đang được huấn luyện để tìm quặng.

Con vật trung thành

Chó là loài vật phân biệt được tiếng nói của người quen với người lạ. Chó phân biệt được tiếng nói phản ánh tâm trạng khác nhau của người nuôi nó. Khi có lỗi bị chủ mắng, nó biết thân phận và lủi đi nằm ở một xó. Nếu được chủ khen, nó lăng xăng vẫy đuôi mừng rỡ.

Chó rất có nghĩa với chủ. Một nhà phẫu thuật mổ con chó bị xe cán què chân, rồi chăm sóc rất chu đáo trong thời gian nó bị đau. Những ngày ấy, nó rất quyến luyến ân nhân của nó. Khỏi chân, nó bỏ đi, trở về nhà chủ cũ. Và như vậy, rõ ràng là ân tình của nó đối với chủ cũ còn sâu nặng. Sau vài tháng nó trở lại phòng mổ, nhà phẫu thuật phấn khởi tưởng rằng nó sẽ ở lại hẳn với mình. Nhưng không, nó kéo áo nhà phẫu thuật để giới thiệu một con chó khác, bạn nó, bị què chân và nhờ ông cứu chữa.ở Luân Đôn, có một cô gái mù từ nhỏ. Con chó cô nuôi đã dẫn đường cho chủ đi dạo phố hàng chục năm đến khi cô gái được mổ và chữa khỏi đôi mắt, thì con chó đã già yếu và bị mù loà. Bây giờ đến lượt người phụ nữ đó hàng ngày đã dắt con chó nghĩa tình đi dạo phố... Còn nhiều chuyện kể về chó mến chủ tới mức độ khi chủ chết, chó buồn rầu bỏ ăn rồi chết theo.

Từ con chó đến những vị thuốc

Từ lâu, nhân dân ta đã dùng thịt chó; dương vật và tinh hoàn của chó, xương chó để làm thuốc.

Một trăm gram thịt chó có từ mười sáu đến mười tám gram đạm. Thịt chó có chất lượng tốt, vì có đầy đủ các A-xít a-min cần thiết và ở tỷ lệ khá phong phú.

Y học dân gian dùng xương chó đen đốt cháy, tán thành bột, hoà lẫn với dầu vừng để bôi vào những chỗ bị bỏng nước sôi tuột da.
Người ta dùng dương vật và tinh hoàn của những con chó khoẻ mạnh và không già quá để chữa bệnh suy thận, đau mỏi lưng gối... Tây y dùng tinh hoàn dưới dạng cao để điều trị bệnh rối loạn nội tiết. Cao tinh hoàn được dùng với mục đích thay thế cho chức năng của một hạch nội tiết bị suy yếu, hoặc kích thích hay điều hoà chức năng.

Trong y học dân gian còn dùng xương sống mũi chó vàng và xương sống mũi chó đen kết hợp với phú cổ chỉ, kim anh và củ sóng mọc ở ao, hồ, đầm để chữa bệnh di tinh và mộng tinh.

Từ xa xưa đến giờ, loài chó mang lại nhiều ích lợi cho con người. Xem ra có nhiều vẻ đáng yêu, đáng quý, đấy là chưa kể đến chuyện:

Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
 

tran minh

Member
Chó - một động vật gần gũi với con người, cũng là bạn trung thành nhất. Chó khôn ngoan, lanh lẹ, nhẹ nhàng đôi lúc hung hăng khi gặp kẻ lạ, hiền lành quấn quít bên chân chủ. Thành thử chúng ta có câu ca dao như sau:

"Nhà này có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng"

Qua sự tiếp cận với loài chó, chúng ta thường nghe nói những câu truyền khẩu: “Lanh như chó, khôn như chó, hung như chó, ăn hỗn như chó ..v..v…

Đa số chúng ta rất thích nuôi chó để giữ nhà trông coi gia súc. Do vậy, chó thường được nuôi nhiều nhất ở nông thôn, thành thị nuôi ít hơn. Chồn hoặc mèo hoang rình rập bắt gia cầm ban đêm, hoặc kẻ gian lẻn vào nhà cửa ban ngày khi vắng chủ, ban đêm chủ nhà say nồng trong giấc ngủ, bị chó đánh hơi phát hiện kẻ gian, sủa lên "gâu gâu" để báo động. Tiếng sủa mỗi lúc mỗi hăng say và dồn dập cố ý cho chủ thức giấc tằng hắng hoặc lên tiếng để kẻ gian lẫn tránh vì biết có người thức giấc. Một phần chủ "xịt" cho chó hăng lên tiến vào kẻ gian, để kẻ gian chùn chân lẫn trốn. Khi kẻ gian đi khuất, chó thu mình nằm im thiêm thiếp ngủ, nhưng lúc nào cũng canh giữ cẩn mật. Chó đánh hơi rất tài tình, tai rất thính mỗi khi lắng nghe động tỉnh nơi nào đó phát ra, hai mắt nhìn chăm chú rồi chó vội vàng đứng dậy và tiến tới.

Ở quê nhà chúng ta, khi cần nuôi chó chỉ cần xin những nhà trong xóm có chó con, thường thì xin trước khi chó chưa đẻ, biết trước chó mẹ khôn ngoan lanh lợi càng tốt. Đặc biệt lựa chó nuôi rất phức tạp, quen thân chủ mới cho lựa chó tốt để mà nuôi.

Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi để lựa chó như sau:

Mắt: to, phía trên hai chân mày, điểm đậm màu hơn lông "gọi là chó bốn mắt", ở quê nhà Ninh Hòa của chúng ta thường kêu.
Tai: vểnh "thẳng" rất tốt khi lắng nghe
Lưỡi: phải có bớt đen
Chân: bốn chân trước sau đều có “móng đeo”. Nếu móng đeo 2 cái cùng lúc một trong 4 chân càng tốt. Đó là chó rất khôn.
Đuôi: chóp đuôi cong về phía phải
Mổng chó: không có bớt "chỉ có một màu" là chó không ăn hỗn.

Ngày đầu tiên chúng ta đem chó về nuôi, vì xa mẹ nhớ vú phần vì thiếu hơi ấm của chó mẹ, chó con không tài nào ngủ được Khi đêm xuống, kêu la "gâu gâu, ẳng ẳng" cả đêm, làm cho cả nhà cũng mất ngủ. Khoảng vài ba đêm chó con quen dần với cảnh sống mới, thích gần gũi với người mới hết kêu la. Chừng 1 năm tuổi trở lại, chó con nghịch phá ưa cắn xé quần áo, giầy dép tha đi chỗ này, rồi bỏ chỗ kia.

Chúng ta huấn luyện dạy dỗ chó khi còn nhỏ, chó rất khôn hiểu ý chủ và các thành viên sống trong nhà kể cả những con vật khác cùng nuôi chung, đôi lúc cũng hăng lên rượt gà vịt chạy tứ tung. Chó rất thích đùa giỡn, tung nhảy lên cao hoặc chạy nhảy cùng chủ nó, khi ta cần thảy một vật ra xa, chó phóng theo thật nhanh ngậm chặt vật đó vào mồm mang về cho chủ.

Chó rất ghét những con mèo hoang, hể thấy mèo hoặc nghe tiếng mèo kêu bằng mọi cách chó phải rượt bắt mèo cho được. Khi dí mèo vào đường cùng, chó cắn thật chặt rảy qua rảy lại. Những con mèo xấu số khi bị chó bắt thì chỉ có chết mà thôi. Còn nói về chó rình bắt chuột, thật là vui, năm khi mười họa chó mới chụp trúng một con cũng giống như chuyện chó táp nhầm ruồi. Khi bị chó tha, chuột được bỏ xuống chó đùa giỡn nhảy cà tưng, cà tưng theo xung quanh con chuột. Chuột nhỏ và lanh hơn giả nằm lừ đừ, bất thình lình chuột phóng vào đống củi hoặc đóng than chất quanh bếp trốn mất. Khi chó không thể bắt lại miếng mồi được, tức tối kêu la rít lên từng tiếng, chân bước tới bước lui lăng xăng nhảy vào đống củi, kê mũi hít khịt khịt lia lịa. Không tài nào bắt chuột lại được, chó đành bỏ đi.

Chó cũng phân chia lãnh địa theo từng vùng trong xóm, bất khả xâm phạm. Chó đầu đàng phải to, khỏe mạnh, cắn và đánh bại những con chó trong xóm, nên chiếm vị trí hàng đầu. Cứ mỗi lần gặp chó khác xóm, hoặc chó lạ xâm phạm lãnh địa, con chó nào trong xóm thấy trước thì sủa "gâu gâu". Tiếng sủa báo động những chó khác trong xóm chạy ra tập trung để hùa cắn chó lạ. Chó đầu đàng lanh lẹ và tấn công trước, chó lạ sợ bị bao vây thủ thế sát hàng rào, nằm trên hai cẳng sau, hai chân trước đứng thủ thế, nhe răng gầm gừ tìm cách phản công nhưng trong sự cố gắng tìm cách thoát thân không khỏi bị thương, có khi bị cắn trúng chân nên què, cụp đuôi chạy cà nhắc bằng 3 chân. Sau trận chiến, chó lạ không bao giờ dám bén mảng đến nữa.

Những vết thương của chó, nằm trong vòng liếm của lưỡi thì mau lành, vậy nên tục ngữ có câu "chó liền da, gà liền xương”. Chó khôn ngoan đánh hơi rất tài tình, quen hơi của tất cả những thành viên trong gia đình. Một thành viên nào đó đi làm ăn xa, dù xa nhà một ngày, tháng hoặc năm, khi trở về còn ở đầu ngõ, chó đã đánh hơi từ xa, tai rất thính, biết được người quen. Động tác đầu tiên của chó là mắt ngó về phía đầu ngõ đuôi ngoắt qua ngoắt lại sát mặt đất khi chó đang ngồi với hai chân trước thẳng đứng. Bỗng bật dậy chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, chó báo động cho người nhà biết, rồi phóng ra khỏi ngõ miệng rít lên từng tiếng khi gặp người thân, mừng rỡ vẫy đuôi lia lịa, sau cùng đến gần nhảy bổ lên người chủ chụp lấy kêu từng hồi dài, lè lưỡi liếm chủ của mình, người chủ đáp lại bằng cách ôm vuốt đầu vỗ lưng vài cái, xong chó trút xuống đi quấn quít bên chủ về đến nhà; đó là điều trung thành tuyệt vời của loài chó.

Những ngày giáp Tết, chó rất sợ pháo khi nghe tiếng pháo nổ, chỉ trốn trong nhà không dám chạy rong. Nhất là đêm giao thừa trời tối đen như mực, tiếng pháo nổ xé trời đón Xuân mỗi lúc một nhiều, chó trông thấy ánh sáng và tiếng nổ rất sợ. Chó thường trốn dưới gầm giường, đợi khi im tiếng pháo chó mới chui ra. Tiếng chó tru trong đêm thanh vắng nghe thánh thót và lạnh người, tiếng sủa "gâu gâu" kéo dài vô tận, dứt từng đợt rồi tru tiếp một, hai hay ba lần, tru liên tục. Khi chó tru không tiến tới mà chỉ bước thụt lùi mà thôi, nên ở xóm Rượu tôi thường nghe nói "chó tru là chó gặp ma" hoặc câu:"sủa ma lùi xuống, sủa người tiến lên".

Một đặc điểm của loài chó là khi muốn ói mữa, chó chỉ cắn nuốt vài lá cỏ xước, sau đó ói ra lẫn lộn với thức ăn, rồi khỏe mạnh vui đùa chạy nhảy cùng với chủ.

Nói tóm lại, chó là một động vật rất gần gũi với con người, khôn ngoan dễ dạy và rất trung thành.
 

tran minh

Member
Chó chồn biết đẩy xe lăn
http://chuyen102.sky.vn/archives/4287

Ở Trịnh Châu, Trung Quốc, có một chú chó chồn (dachshund) mà người dân trong vùng không ai không biết! Chú nổi tiếng bởi việc đẩy xe lăn cho ông chủ…

Guai Guai - 2 tuổi - thường đứng dưới gầm, đặt hai chi trước lên chỗ để chân của chiếc xe lăn và dùng hai chân sau đẩy nó đi.

Chú chó chồn này rất nhỏ - nhưng nhanh nhẹn - đã khiến nhiều người đi qua lầm tưởng là xe lăn của chủ chú được… gắn mô-tơ!

Chủ của Guai Guai - bà Vương ở Trịnh Châu, cho biết chú học cách đẩy xe lăn cho bố bà từ khi còn là một chú chó con. Và từ đó tới tận giờ, Guai Guai vẫn thích trốn dưới gầm xe.

anhcq1363095.jpg

“Khi tôi đẩy cha tôi đi dạo, Guai Guai thường ngồi dưới gầm xe. Hai chân trước của của nó đặt lên chỗ để chân của cha tôi, và Guai Guai sẽ nhảy nhót trên hai chân sau”, bà Vương nhớ lại.

“Khi đó, nó còn đứng không vững vì quá bé và hay vấp. Nhưng khi chúng tôi lôi nó ra ngoài thì Guai Guai lại tìm cách chui trở lại gầm xe”.

Cứ như thế, cuối cùng Guai Guai đã học được cách tự mình đẩy xe cho ông chủ.

“Bố tôi nặng hơn 50kg và cứ khi nào nhìn thấy ông ngồi vào xe là Guai Guai lon ton chui vào gầm xe và chuẩn bị đẩy nó đi”.

“Tới bây giờ, việc đẩy xe giống hệt như môn thể dục mà hàng ngày không tập qua, Guai Guai không thể chịu được. Mỗi ngày, nó phải đẩy xe ít nhất là một lần. Nếu không, nó cứ nhảy nhót trong nhà và sủa ầm ĩ”.
 

tran minh

Member
Giữa Sài Gòn "nuôi" trăm con chó đá

http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/01/536271/

(VietNamNet) - Trong mảnh vườn nhà chị Tú Anh, những chú chó đá bị hắt hủi ở các vùng quê, nay lại có chỗ để nghếch mõm thi gan cùng tuế nguyệt giữa đất Sài Gòn.


Muôn vẻ... chó đá

Một đàn chó đá giữa chốn thị thành

Người ta nuôi chó Nhật, chó tây, chị Tú Anh "nuôi" chó ta, mà lại là chó đá! Chẳng có ai như chị, đặt vào chỗ làm việc của mình một ... con chó đá. Gọi "cún đá" thì đúng hơn - nhỏ nhắn, nũng nịu chẳng khác chi chó thật. Chị bảo chị yêu nhất chú cún con này nên chú ta mới được ưu tiên thế. Đồng loại của chú, chị đặt thành hàng, thành lớp ngoài sân vườn.

Căn theo quan niệm chó là con vật thiêng, có nơi gọi bằng ông hoàng thạch thì chị có phần thất kính vì dám xếp các cụ hoàng thạch ngoài vườn. Còn căn theo quan niệm chó đá trừ tà ma, thì với bầy chó cả trăm con này, có lẽ đến yêu tinh cũng không dám mò vào nhà chị.


Cún buồn

"Đối với tôi, chó đá thật gần gũi, là biểu tượng của những gì tốt đẹp, an bình. Tôi chỉ nghĩ, chó đá có mặt trong đời sống người dân xưa cũng đơn giản như vườn nhà bao giờ cũng có chuối, có chanh vậy". Cái nhìn không vướng bận những quan điểm truyền đời trong dân gian lẫn sách vở ấy đã giúp việc sưu tầm chó đá của chị trở nên nhẹ nhàng hơn. Không vì một điều to tát nào cả".

Tú Anh nói chị sưu tầm chó đá vì... bản thân chị. Nhưng nếu thấy chó đá đã gần như "tuyệt chủng" ở nông thôn Bắc Bộ thì mới hiểu chị không chỉ giữ chó đá cho riêng mình. Chừng nào chó đá còn được "nuôi", thì hình bóng một nét văn hóa độc đáo ngàn xưa còn tồn tại.

Yêu chó đá, đôi chân phụ nữ của chị đã rong ruổi khắp miền Bắc để cứu những con chó sắp vào lò nung vôi hoặc bị lún dần xuống dưới lớp bê tông của làng quê thời đô thị hóa. Chưa thể đưa hết những chú cún đá đáng yêu về Sài Gòn, chị đành gửi lại một số ở quê nhà.

Đất Sài Gòn dường như chỉ có chị sưu tầm chó đá. Hà Nội còn có anh em nhà họa sĩ Thành Chương. Chẳng mấy ai biết chị có một bầy chó đá, thế nên mới có chuyện ban tổ chức đường hoa xuân TP.HCM Tết Bính Tuất này phải vời một họa sĩ ở Hà Nội đưa chó đá vào để trưng bày.



Nũng nịu

Chó đá không chỉ quẩn quanh chuyện ông hoàng thạch hay vật trừ tà. Mỗi chú chó như một thực thể. Con ngang tàng, con hiền lành; con buồn rầu, con vui vẻ v.v... Đó là cả một tập thể ... chó sống động.

Người ta cho rằng vẻ mặt, dáng hình buồn vui của chúng như thế nào tùy thuộc tâm trạng của người tạo tác ra chúng. Chó đá chủ yếu được tạc từ đá xanh, đá vôi. Những bàn tay của nghệ nhân dân gian không tên đã tạo hình những chú chó đá thật sinh động. Song cũng có những chú chó đá được đục đẽo sơ sài, thậm chí chỉ là một cục đá có dáng dấp chú chó đang ngồi mà vị chủ nhà nào đó nhặt về đặt trước nhà.

Bộ sưu tập của chị Tú Anh hầu hết là chó để thờ, giữa bụng có đục lỗ để nhét bùa chú vào. Thân hình chú nào cũng loang lổ những đốm vôi trắng, dấu vết của nhiều đợt "tân trang" mà gia chủ tiến hành trên thân các chú chó mỗi lần năm hết Tết đến trong quá khứ. Đặc biệt bộ sưu tập của chị có một chú chó mang trên mình mấy chữ Thạch cẩu đô úy, tức là một chú chó mang chức quan to thời phong kiến.



"Đường làng quê tôi đã bê tông hóa. Chú chó đá tuổi thơ của tôi bị chôn ngập đến hông. Tết trước đây thôi chỉ còn thấy đôi tai nhỏ nhắn nhô lên. Chẳng biết Tết này về có còn thấy chú nữa không? Thôi thì để chú trở về với đất...", chị Tú Anh tâm sự.

Tượng lân, tượng hổ đã dần thay thế chức năng trấn giữ của tượng chó. Đến hôm nay, hình ảnh chú chó đá trước cổng đình, chùa, nhà dân cũng đã dần biến mất. Bây giờ người ta giữ nhà bằng tường rào kiên cố, chào khách bằng đủ loại chó kiểng, chứ chẳng còn chỗ nào dành cho chó đá cả.

Dạo trước, những chú chó đá nhà chị còn đứng nằm ngổn ngang ngoài vườn phơi nắng mưa. Chủ nhân của chúng bận bịu công việc, hơn nữa ỷ lại chuyện chó bằng đá thì chẳng hư hao gì. Năm Tuất sắp đến, các chú cún đá của chị đã được đưa lên kệ để đàng hoàng đón Tết...

Chó đá bị hắt hủi ở những vùng quê, nay lại có chỗ để nghếch mõm lên thi gan cùng đất trời và thời gian giữa chốn thị thành.
 
Top