• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bệnh sán dây của chó ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam

quế anh

Member
Bệnh sán dây là một bệnh rất phổ biến ở đàn chó nước ta. Một số loài sán dây gây hại cho chó cũng là tác nhân gây bệnh cho người và một số loài thú khác. Việc tìm hiểu các đặc điểm sinh học của những loài sán dây chủ yếu ký sinh ở chó để từ đó xây dựng các quy trình phòng trị thích hợp không những cần thiết cho việc bảo vệ đàn chó nghiệp vụ và chó cảnh, mà còn góp phần phòng chống bệnh sán dây cho người và một số loài thú nuôi khác.

Trong tài liệu này; trên đây xin trình bày khái quát những kết quả nghiên cứu về bệnh sán dây của chó Việt Nam và những biện pháp kỹ thuật phòng trị.

* Thành phần sán dây ký sinh trên chó tại miền Bắc Việt Nam.

ở miền Bắc Việt Nam, từ trước đến nay đã có nhiều tài liệu điều tra và nghiên cứu về bệnh sán dây trên chó: Casaux (1914) Caid và Rongie (1918), Montais (1920), Joyeux và Houdemer (1928), Drodz và Malczevsky (1967), Dorothy Judith (1968), Đặng Văn Ngữ và Đỗ Dương Thái (1974), Trịnh Văn Thịnh và Đỗ Dương Thái (1978), Phạm Sỹ Lăng (1989), Ngô Huyền Thúy (1998). Theo các tác giả trên, 8 loài sán dây đã được xác định trên chó:

1. Diphllobothrium mansoni (Cobbold, 1882).

2. Diphyllobothrium reptans (Dies, 1850).

3. Dipylidium caninum (Linnéu, 1785).

4. Taenia hydatigena (Pálla, 1768).

5. Taenia pisiformis (Bloch, 1780).

6. Multiceps multiceps (Leske, 1780).

7. Echinococcus granulosus (Batcah, 1786).

8. MEsocestoides lincolus (Goeze, 1782).

* Bệnh sán dây của chó Việt Nam.

Trong số 8 loài sán dây đã phát hiện, có 2 loài chủ yếu gây bệnh cho chó nước ta là:

Diphyllobothrium mansoni và Dipylidium caninum. Bởi vậy, chúng tôi chỉ trình bày bệnh sán dây do hai loài sán kể trên gây ra cho chó.

1. Sán dây Diphyllobothrium mansoni.

Hình thái:

Sán trưởng thành ở ruột non của chó, mèo, người, dài 60cm, chiều ngang 5-6mm. Mỗi đốt có chiều ngang lớn hơn chiều dài. Đầu sán có chiều ngang khoảng 1mm, trông giống như hình tứ giác có môi tạo thành khe rãnh để bám. Trên mỗi đốt có tinh hoàn và tuyến nuôi dưỡng trứng ở hai bờ của đốt. Số tinh hoàn có từ 300-540 ở mỗi đốt. Lỗ sinh dục cái ở phần trước của mỗi đốt, ấu trùng Sơarganum erinacei sống ở mô và cơ của động vật có xương sống và người, dài 8-36cm, ngang 0,1-12mm, không có bộ phận sinh dục.

Sinh thái:

Chó hoặc mèo ăn phải ấu trùng thì sau khoảng 13 ngày sẽ có sán trưởng thành trong ruột. Sán trưởng thành bài xuất trứng qua phân ra ngoại cảnh. Trứng sẽ hình thành ấu trùng hình cầu có nhiều lông và chui ra khỏi trứng sau 21 ngày. ấu trùng vào các loài giáp xác Cyclops stremus, Diaptonnus racilis. Giáp xác được coi là vật chủ phụ. ấu trùng phát triển trong thời gian 20 ngày có thể gây nhiễm được cho vật chủ trung gian là các loài ếch nhái. ếch nhái do ăn phải giáp xác có ấu trùng và ấu trùng sẽ chuyển vào sống ở phúc mạc hoặc cơ của ếch nhái. ở một số địa phương có tập quán dùng ếch nhái giã nhỏ đắp vào mắt người khi bị đau mắt. Nếu ếch nhái có ấu trùng thì ấu trùng này sẽ chuyển vào trong kết mạc mắt và gọi là bệnh sán nhái, gây thành các u ở mắt. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam có tới 75% ếch nhái mang ấu trùng của sán Diphyllobothrium mansoni. Ngoài ếch nhái, ấu trùng còn có thể ký sinh ở chuột và các loài động vật khác.

Dịch tễ học:

Các nước thuộc châu á có tỷ lệ nhiễm ấu trùng ở ếch nhái rất cao. Do đó, tỷ lệ nhiễm sán của chó cũng cao, đặc biệt là chó săn và chó trinh sát. ở Nhật Bản, có vùng tỷ lệ nhiễm sán của chó lên tới 95% và ở mèo 20%. Tỷ lệ nhiễm sán của người rất khó xác định nhưng nhìn chung là thấp. Người bị bệnh sán là do ăn phải động vật có mang ấu trùng mà không được nấu chín cẩn thận.

Năm 1982-1985, chúng tôi đã theo dõi 138 trường hợp bị bệnh sán dây, xác định 37 trường hợp do Diphyllobothrium mansoni, chiếm 26,09%.

Bệnh học:

Chó, mèo ăn phải ếch, nhái sống có ấu trùng Sparganum erinacei thì khoảng 13 ngày sau đã có sán trưởng thành trong ruột. Do sán chiếm đoạt các chất dinh dưỡng nên hầu hết chó rất gầy yếu, lông xơ xác, bần huyết, giảm khả năng sinh sản.

Trong quá trình ký sinh, sán bám vào vách ruột gây ra những tổn thương niêm mạc, làm chảy máu ruột, kích thích làm cho chó nôn mửa, ăn kém. Tổn thương niêm mạc ruột do sán còn dẫn đến tình trạng viêm ruột thứ phát do các vi khuẩn gây bệnh đường ruột như: Salmonella, Proteus, E.coli....

Độc tố do sán tiết ra còn gây ra hội chứng thần kinh ngơ ngác, nằm lì hoặc trở nên dữ tợn và thường làm cho chó bị rối loạn tiêu hóa: lúc táo bón, lúc tiêu chảy, đặc biệt là ở chó con trong khoảng 1-4 tháng tuổi. Chó con nhiễm sán phần lớn thể hiện viêm ruột cấp và chết 60-70%. Chó trưởng thành thường bị bệnh mạn tính: gầy dần, thiếu máu, chết do kiệt sức (Phạm Sỹ Lăng, 1989).

Nếu chó, mèo nhiễm sán thì thường trong phân có từng đoạn sán già, tự rụng ra theo chu kỳ, có thể phát hiện được bệnh qua đốt sán trong phân, trong như sơ mít nên còn gọi là "sán sơ mít".

2. Sán dây Dipylidium caninum.

Hình thái:

Sán dây Dipylidium caninum dài 15-40cm, chiều ngang tối đa 2-3mm, là một loài sán dây nhỏ. Đầu sán rộng 300-400 micromet, có bộ phận nhô ra khá rõ rệt và có 4 vòng móc dùng để bám vào thành ruột, có từ 100-200 móc. Những đốt sán ở gần đầu rất nhỏ. Những đốt sán già có hình hạt dưa nên còn có tên là "sán hạt dưa". Đốt sán có lỗ sinh dục chạy về hai bên của đốt. Trứng sán hình tròn, đường kính 30-40 micromet và thường chụm với nhau thành từng đám trong một nang có từ 8-20 trứng.

Sinh thái:

Đốt sán già thải ra ngoài có mang theo trứng. Đốt sán vỡ ra, trứng thải ra tự nhiên được các vật chủ trung gian là bọ chó (Ctenocephalides canis), bọ mèo (Ct. felis), chấy (Pulex irritans) ăn phải sẽ phát triển thành ấu trùng. Chó mèo và các thú ăn thịt khác ăn phải vật chủ trung gian có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán dây. Đa số các trường hợp nhiễm sán chỉ có 1 sán, nhưng cũng có thể gặp nhiều sán trên một chó.

Dịch tễ học:

Sán Dipylidium caninum thường gặp phổ biến ở chó Việt Nam. Nơi ký sinh của sán là ruột non. Phần đầu của ruột non ít khi thấy sán ký sinh. Chó con bị nhiễm sán từ rất sớm. ở Hà Nội, chúng tôi phát hiện chó con 27-30 ngày tuổi đã bị nhiễm sán.

Chó nuôi trong thành phố chủ yếu bị bệnh sán dây do Dipylidium caninum. Quan sát và theo dõi 138 chó bị bệnh sán dây thì có 101 chó bị nhiễm Dipylidium caninum, chiếm tỷ lệ 73,91%.

Trong điều kiện nóng ẩm ở nước ta, các loài bọ chét chó, bọ chét mèo phát triển quanh năm, do đó ấu trùng sán cũng có điều kiện phát triển liên tục trên những vật chủ trung gian này và được truyền bá rộng rãi cho chó, mèo và người.

Bệnh học:

Sán Dipylidium trưởng thành gây ra ba tác hại chủ yếu cho chó và những vật chủ khác: chiếm đoạt chất dinh dưỡng, gây tổn thương cơ giới trên niêm mạc ruột và tiết độc tố gây rối loạn bệnh lý đường tiêu hóa. Chó thường bị bệnh ở hai thể: cấp tính và mạn tính.

- Thể cấp tính: Không gặp ở chó con từ 1-4 tháng tuổi. Chó thể hiện: ăn kén, nôn mửa liên tục do sán kích thích vào niêm mạc ruột. Trong trường hợp này thấp phân có máu, mầu sẫm hoặc đỏ tươi. Tiếp đó là quá trình viêm ruột cấp, làm cho chó tiêu chảy liên tục và trong phân có nhiều niêm mạc ruột tróc ra. Nếu không được điều trị kịp thời, chó sẽ chết với tỷ lệ cao: 60-90% trong tình trạng mất máu, mất nước, rối loạn chất điện giải.

- Thể mạn tính: xảy ra phổ biến ở chó trưởng thành. Những triệu chứng thường gặp cũng giống như ở chó nhỏ: nôn mửa, ăn kém, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột mạn, nhưng nhẹ hơn và kéo dài. Chó vì vậy bị suy nhược, thiếu máu, kiệt sức, mất khả năng sinh sản và làm việc (đối với chó nghiệp vụ) và thường chết do các bệnh thứ phát, (Phạm Sỹ Lăng, Hồ Đình Chúc, 1990).

Đặc biệt trong bệnh sán dây ở chó trưởng thành, chó vẫn ăn khỏe, nhưng gầy rạc dần, trong phân sẽ phát hiện thấy đốt sán già, những đốt sán này khi ra ngoài vẫn cử động được trong vài giờ.

3. Điều trị và phòng bệnh.

3.1. Điều trị.

Có nhiều thuốc điều trị sán dây. Những loại thuốc sau đây đã được điều trị có kết quả cho chó nghiệp vụ và chó cảnh.

a) Yomesan: Thuốc do CHLB Đức sản xuất, dạng viên 500mg, mầu vàng nhạt. Một số nước khác cũng sản xuất biệt dược tương tự: Niclosamide, Devermin.

Chó điều trị với liều 50mg cho 5kg thể trọng. Liệu trình như sau:

- 8 giờ sáng cho uống 1/2 liều.

- 20 giờ sáng cho uống tiếp 1/2 liều.

Cho chó nhịn ăn đến 12g30. Chỉ có thể cho uống với nước đường. Thuốc tán nhỏ, hòa với đường cho uống. Buổi chiều cho chó ăn cháo. Chó chửa không được uống.

b) Nước sắc hạt cau: Trong hạt cau có Arecolin có tác dụng tẩy sán dây. Liều như sau: dùng 100g hạt cau sống thái nhỏ đổ 500ml nước, đun cạn lại còn 200ml nước sắc, đem lọc kỹ.

Cho chó uống: Cứ 1kg thể trọng cần 5-10ml. Trước khi cho chó uống, cho nhịn đói 4-5 giờ. Sau khi chó uống 1/2 giờ, cho tẩy bằng MgSO4. Cho uống nước hạt cau dễ bị kích ứng gây nôn, có thể dùng thêm các loại thuốc chống nôn (Trịnh Văn Thịnh, 1963).

c) Các biệt dược khác: Hiện nay, các nước còn dùng các loại biệt dược khác để điều trị các bệnh sán dây cho chó như: Cestodin, Droncit, Hetrazan, Notezin, Praziquentel, các chất dẫn xuất của Quinin... ở nước ta, các biệt dược này còn chưa được dùng nhiều để phòng trị bệnh sán dây cho chó.

3.2. Phòng bệnh.

Cần áp dụng các biện pháp sau:

- Cho chó ăn thức ăn nấu chín, tránh cho ăn thịt động vật sống để tránh ăn phải ấu trùng sán dây (Cysticercus, Sparganum...), không cho chó uống nước ở các ao hồ bẩn để tránh uống phải các giáp xác có mang ấu trùng của sán Diphyllobothrium mansoni.

- Thường xuyên tắm cho chó. Nếu chó có nhiều bọ thì dùng Ectomin 1% tắm cho chó để diệt bọ chó-ký chủ trung gian truyền bá sán dây Dipilidium caninum.

- Cho chó ỉa, đái đúng quy định, phân cho vào hố xí tự hoại hoặc trộn vôi bột để diệt đốt sán và trứng sán (nếu có), tránh phát tán mầm bệnh.

Nguồn:tuyenquangkhcn.org.vn
 
Top