• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bệnh da liên quan đến dinh dưỡng

ilovedog

Member
Bệnh da gây ra do dinh dưỡng thường ít khi xảy ra, thế nhưng nếu như xảy ra thì rất khó phát hiện đúng nguyên nhân để điều trị đúng cách và dễ gây hoang mang cho chủ chó vì thường khó chửa lành.

Những chất dinh dưỡng có liên quan đến bệnh da thường là những axít béo thiết yếu (axít béo mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, phải cung cấp qua đường thức ăn), các chất đạm, một vài chất khoáng (đồng, kẽm) và các vitamin A, B, E. Sự thiếu hụt những chất này trong một thời gian dài dễ dẫn đến những rối loạn trên da; riêng vitamin A thì thiếu hay thừa cũng gây ra những ảnh hưởng ở vùng da.

Sự thiếu hụt axít béo

Trường hợp này thường gặp ở những con chó ăn duy nhất loại thức ăn đóng hộp hay thức ăn khô mà không được bảo quản kỹ hoặc đã quá hạn sử dụng. Sự ôi dầu, mỡ dễ dàng xảy ra đối với những loại thức ăn đóng hộp nếu dự trữ quá một năm, và dễ xảy ra đối với những loại thức ăn khô dự trữ quá sáu tháng trong môi trường nhiệt độ cao, môi trường này sẽ phá hủy các axít béo thiết yếu cũng như các vitamin D, E và biotin.

Người ta cũng ghi nhận sự thiếu hụt này trong những con chó có tình trạng không ổn định đường ruột, đường ruột hấp thu yếu, thiểu năng tuyến tụy hoặc suy gan mãn tính. Sự thiếu hụt axít béo phải kéo dài nhiều tháng trước khi biểu hiện thành bệnh rõ rệt trên da.

Lúc bắt đầu, bộ lông trở nên khô và xấu đi, thường xuất hiện ở những vùng da bị dày lên, xuất hiện vảy. Sao đó, sự chảy dịch trên da và lông gây ra sự viêm da có mủ, nhất là những vùng kẽ da.

Trong các axít béo thiết yếu, axít linolenic đóng vai trò quan trọng nhất vì có thể tham gia chuyển hóa với các axít khác như linolenic, arachidonic. Nếu bệnh da thật sự có liên quan đến việc thiếu hụt các axít béo này thì cần thiết phải bổ sung trong khẩu phần một lượng lớn trong vòng một đến hai tháng. Chúng ta nên dùng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, nếu thiếu axít arachidonic thì bắt buộc phải dùng mỡ động vật, vì chỉ có mỡ động vật mới chứa axít này.

Sự bổ sung chất béo không nên quá lạm dụng để không dẫn đến tình trạng béo phì (muỗng cà phê dầu thực vật và một muỗng cà phê mỡ động vật mỗi ngày là đủ). Trên thực tế, trong những trường hợp lâm sàng, việc thiếu axít béo có thể kết hợp cùng một lúc với sự thiếu kẽm, thiếu vitamin A hay vitamin B.

Sự thiếu hụt chất đạm

Hầu hết các loại thức ăn công nghiệp dành cho chó đều cân đối khẩu phần tập trung nhiều vào hàm lượng đạm, nên nếu dùng những thức ăn này thì sự thiếu hụt rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài trường hợp xảy ra vì nhiều lý do, có thể do người chủ cung cấp không đủ trong khẩu phần ăn cho chú chó của mình. Sự phát triển bình thường của bộ lông và sự keratin hóa lớp biểu bì trên da cần sự cung cấp mỗi ngày 25% - 30% chất đạm. Sự thiếu hụt chất đạm nhanh chóng dẫn đến những vết thương trên da, nhất là trên những vùng da cần chất đạm để phát triển. Những vết thương trên da thường biểu hiện hiện tượng tích tụ nhiều keratin, tích tụ nhiều sắc tố nhưng trên lông lại mất sắc tố.

Người ta cũng ghi nhận hiện tượng rụng lông thành từng mảng với những sợi lông mỏng hơn, sần sùi, khô, dễ gãy. Những vết thương này cũng tạo thành những vảy cứng, có thể xuất hiện cùng một lúc khắp toàn thân như đầu, lưng, ngực, bụng, chân, ngón.

Sự cung cấp một chế độ thức ăn đầy đủ chất đạm, khoảng 25% tổng khối lượng khô có thể giúp chữa lành bệnh rất nhanh chóng. Nhưng lưu ý nên dùng nguồn cung cấp đạm chất lượng cao như thịt, trứng, sữa.

Sự thiếu hụt vitamin

Vitamin A: vitaminA được gọi là vitamin của lớp biểu bì. Do vậy, sự thiếu hụt hay dư thừa loại vitamin này đều gây ra những ảnh hưởng trên da (biểu hiện lâm sàng của hiện tượng thiếu hay thừa cũng như nhau). Sự thiếu hụt sẽ tạo ra sự tích tụ keratin trên bề mặt lớp biểu bì cùng với sự keratin hoá tuyến bã nhờn dưới da, gây tắc nghẽn và làm ngăn cản sự tiết chất nhờn. Tình trạng lông bị mất sắc thái thông thường, với những mảng rụng lông, rất dễ nhạy cảm với nhiễm trùng.

Để điều trị, chỉ cần chích một lần duy nhất dung dịch cung cấp 6.000UI (UI-đơn vị quốc tế) vitamin A cho mỗi kilogam thể trọng là sẽ giải quyết được vấn đề.

Thế nhưng vì lý do cơ thể dự trữ vitamin A rất dễ dàng, nên người ta thường quan tâm nhiều hơn đến hiện tượng dư thừa hơn là thiếu hụt. Rất nguy hiểm khi chỉ cho ăn gan trong thời gian quá dài. Liều dùng mỗi ngày bằng đường miệng không vượt quá 400UI/kg thể trọng trong 10 ngày liên tiếp.

VitaminE: vitaminE, selen và axít béo là tập hợp các chất có mối quan hệ cân bằng với nhau. Sự dư thừa chất béo hay thiếu hụt vitamin E đều gây ra trên lân sàng một hội chứng tiết dịch gống như là bệnh nghẻ demodex trên chó (nhưng không có ký sinh trùng). Về mặt phòng thí nghiệm, sự thiếu hụt sẽ dẫn đến sự rối loạn trong sự trưởng thành của lympho bào (tế bào bạch cầu- thành phần chính trong hệ miễn dịch). Hội chứng này thường thấy trên những con chó được nuôi hoàn toàn bằng những thức ăn quá béo, ví dụ như thịt cá ngù hộp.

Sự bổ sung khoảng 10mg vitamin E mỗi kilogam thể trọng là tương đối đủ. Ở liều mạnh hơn, khoảng 400UI chia làm hai lần mỗi ngày cũng cho kết quả tốt, đặc biệt khi sự viêm nhiễm sâu trong lớp biểu bì.

Vitamin B: các vitamin thuộc nhóm B thường được xem như là chung một nhóm. Sự thiếu hụt một trong các loại vitamin này rất hiếm và thường có những triệu chứng rất giống nhau.

Những vitamin B được tổng hợp từ hệ vi sinh đường ruột, thế nhưng do vitamin nhóm B là loại tan trong nước và không dự trữ được, nên cần phải cung cấp thường xuyên. Chưa từng ghi nhận trường hợp nào liên quan đến dư thừa vitamin B.

Trong các vitamin nhóm B, lưu ý sự thiếu hụt về biotin, riboflavin và niacin có khả năng gây ra những rối loạn về lâm sàng.

Biotin dễ dàng bị bất hoạt nếu khẩu phần chứa quá nhiều lòng trắng trứng sống, lý do là lòng trắng trứng sống chứa nhiều chất avidin có thể kết hợp với biotin và gây bất hoạt. Cũng như vậy, nếu sữ dụng kháng sinh bằng đường uống để điều trị lâu dài cũng gây thiếu biotin. Dấu hiệu đặc trưng nhất của sự thiếu hụt biotin là những vết rụng lông hình tròn ở khu vực xung quanh mặt và mắt, cần phải phân biệt với bệnh gây ra do ghẻ demodex hay bệnh viêm da mặt. Trong những trường hợp nặng hơn, có thể xuất hiện những vết thương có vảy ở khắp nơi kèm theo hiện tượng dị ứng, tiêu chảy và gầy ốm.

Riboflavin rất hiếm khi thiếu trong khẩu phần vì chỉ cần một mẩu thịt hoặc chỉ cần một lượng nhỏ sản phẩm sữa là đã cung cấp đủ riboflavin trong ngày rồi. Tuy nhiên, sự thiếu hụt dễ gây ra viêm da tiết nhầy khu vực xung quanh mắt, ở vùng bụng cũng như viêm ở vùng môi.

Niacin chỉ thiếu khi nào trong khẩu phần chứa quá ít chất đạm nhưng lại nhiều phụ phẩm lúa mì. Lúa mì, cũng như tất cả các loại ngũ cốc khác chứa rất ít tryptophan, là tiến chất của niacin (chất dùng để tổng hợp ra niacin). Tất cả các sản phẩm thương mại đều chứa một lượng lớn đầy đủ vitamin này. Sự thiếu hụt sẽ tạo thành những vết loét, gây tiêu chảy, gầy ốm; đặc biệt là viêm da gây ngứa ở vùng chân sau và vùng bụng.

Nói chung, sự thiếu hụt vitamin nhóm B thường gây ra rụng lông, bỏ ăn và gầy ốm. Sự bổ sung rất dễ dàng bằng cách thêm vào khẩu phần men bia hoặc tiêm vitamin nhóm B.

Sự thiếu hụt khoáng chất

Kẽm, đồng và canxi là ba khoáng chất có tác động hiệp lực với nhau, trong đó nếu có bất kỳ tỉ lệ nào không cân đối giữa các chất sẽ gây những hậu quả trên da.

Đồng

Sự thiếu hụt đồng chỉ biểu hiện ra lâm sàng khi dư thừa kẽm trong khẩu phần. Đồng cần thiết cho men tham gia vào quá trình chuyển hoá melanin (sắc tố trên da) cũng như quá trình sản xuất từ chất tiền keratin tạo thành keratin ở lớp ngoại bì.

Sự thiếu hụt đồng biểu lộ ra bằng triệu chứng rối loạn sắc tố, hoạt động keratin hoá kém thể hiện trên da và lớp biểu bì với bộ lông khô, mất màu.

Các loại thức ăn thương mại thường chứa đầy đủ lượng đồng cần thiết cho cơ thể.

Kẽm

Thường xảy ra hai hội chứng được ghi nhận trên chó:

Hội chứng 1:

Đó là bệnh đặc biệt thường ảnh hưởng trên các giống chó làm việc (chó Siberia, chó Alaska) và cả trên các giống chó Dobermann và Danois. Trên một vài giống chó con, hội chứng phát triển trước tuổi dậy thì, thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên chó trưởng thành. Ban đầu sẽ là triệu chứng đỏ da, tiếp sau đó sẽ là rụng lông, sau đó mưng mủ ở vùng dưới cằm, chung quanh xoang miệng, mắt và lỗ tai. Âm hộ, da quy đầu và vùng hậu môn sinh dục cũng bị ảnh hưởng. Ghi nhận được luôn luôn có sự tiết nhiều chất nhờn. Những lớp vảy dày xuất hiện ở cùi chỏ và ở những khớp khác. Ngoài nguyên nhân dinh dưỡng, sự thiếu hụt cũng có thể là do di truyền hoặc do thiểu năng tuyến giáp. Những con chó mắc bệnh thường là do khẩu phần quá nhiều canxi và ngũ cốc, hoặc đã bị tiêu chảy mãn tính nên hấp thu kém.

Hội chứng 2:

Đầu tiên xuất hiện là viêm da có mủ, thường thấy trên những chú chó con tăng trưởng nhanh chóng và được cung cấp quá mức vitamin và muối khoáng. Rất nhiều giống chó bị ảnh hưởng nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là các giống chó Danois, Dobermann, Berger Đức, Pointer và Poodle.

Ngay trong cùng một đàn chó thì mức độ của vết thương gây ra cũng khác nhau: một vài con không biểu hiện gì cả, một vài con khác có thể bỏ ăn và mệt mỏi.

Việc lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng kẽm xuống thấp rất bất thường, thế nhưng kỹ thuật này rất khó khăn do mẫu xét nghiệm dễ bị nhiễm tạp chất kẽm từ môi trường bên ngoài.

Việc điều trị thường cho kết quả tốt nhất là đối với hội chứng 2. Thông thường, chúng ta cho uống kẽm sulfate với liều 10 mg mỗi ngày. Tránh dùng quá liều vì sẻ ngăn cản sự hấp thu của đồng và sắt vào cơ thể.

Chúng ta cũng có thể cung cấp kẽm dưới dạng kẽm – methionin với liều dùng mỗi viên nén cho 10kg thể trọng mỗi ngày. Đối với chó con, ngưng điều trị khi đạt độ tuổi trưởng thành. Khẩu phần thức ăn giàu đạm với liều dùng chính xác vitamin D sẽ giúp cho sự hấp thu kẽm tốt hơn.

Cách tổng quát để điều trị bệnh da liên quan đến dinh dưỡng

Dùng một công thức bổ sung chung, ví dụ cho giống chó từ 10 đến 15kg dùng mỗi ngày:

- Dầu thực vật: 1 muỗng cà phê

- Gan: 50 – 75g

- Kẽm sulfate: 100 mg

- Cồn iod: 1 giọt

Công thức trên cho vào khẩu phần một lần trong ngày. Theo đó, có thể bổ sung vào khẩu phần chất béo , chất đạm, vitamin A và E, Biotin,Riboflavin, Niacin, Lod và kẽm.

Bài viết được sưu tầm theo Bs.Nguyễn Ngọc Bình​
 
Top