• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bảo tồn cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm

TaiVenh

Active Member

Cây Lộc Vừng 195 tuổi tại Đền Bến, phường Đông Thành - thành phố Ninh Bình.

Trong 2 năm 2006-2007, được đầu tư 150 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, Hội Sinh vật cảnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện đề tài "Điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".

Đề tài áp dụng phương pháp chuyên gia để xây dựng chỉ tiêu đánh giá cây cổ thụ, cây cảnh cổ và xây dựng quy chế bảo tồn cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm; áp dụng phương pháp khoan phôi tăng trưởng theo tiêu chuẩn Nhà nước "1979 - TCVN 357-7.0 - Gỗ - phương pháp xác định số vòng năm" để xác định niên đại tuổi cây; áp dụng phương pháp điều tra xã hội học để điều tra toàn diện cây cổ thụ, cây cảnh cổ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề tài còn sử dụng công nghệ kỹ thuật số để xây dựng bản đồ phân bố cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm để phục vụ công tác quản lý và tham quan du lịch…

Sau 2 năm tổ chức thực hiện, đề tài đã thu được những kết quả quan trọng và thiết thực. Đề tài đã xây dựng chuẩn 4 tiêu chí cho cây cổ thụ và cây cảnh cổ là niên đại (tuổi) từ 100 năm trở lên; vị trí cảnh quan, chứng tích lịch sử của cây; tầm vóc, thế dáng và sự quý hiếm của từng chủng loại cây.

Đề tài đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 300 cán bộ hội sinh vật cảnh từ tỉnh đến cơ sở và 145 chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn về phương pháp điều tra, các tiêu chí đánh giá cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm. Từ lực lượng hạt nhân này, đề tài đã phát động 4.000 hội viên hội sinh vật cảnh tham gia. Kết quả, chỉ sau 3 tháng, đề tài đã thu về 635 phiếu điều tra/700 phiếu phát ra có đầy đủ 28 chỉ tiêu cho mỗi phiếu điều tra. Kết quả xử lý phiếu điều tra cộng với đi khảo sát thực địa, đề tài đã thu được 635 cây đạt tiêu chí, trong đó có 38 cây cảnh cổ quý hiếm.

Kết quả điều tra cho thấy, cây cổ thụ được phân bố khắp các huyện, thành phố, thị xã, nhưng tập trung nhiều nhất là ở huyện Hoa Lư (148 cây); huyện Yên Khánh (148 cây); thành phố Ninh Bình (132 cây). Về chủng loại, có tới 20 loại cây cổ thụ nhưng tập trung nổi bật là cây đa (136 cây); cây nhãn (97 cây); lộc vừng (44 cây); sanh (40 cây); đại (40 cây) và gạo (39 cây).


Đối với 38 cây cảnh cổ quý hiếm, đề tài cũng đã xác định 28 cây sanh, 5 cây lộc vừng, 2 cây si, 1 cây đa, 1 cây vạn tuế và 1 cây hoa ngâu. Rõ ràng, cây sanh chiếm vị trí độc tôn trong làng cây cảnh cổ quý hiếm bởi sức sống mãnh liệt trong điều kiện khắc nghiệt trên các ang, chậu vì bộ rễ khoẻ, lá xanh tốt quanh năm tạo ra những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ.


Bằng phương pháp khoan phôi và điều tra xã hội học, đề tài đã xác định được 10 cây cổ thụ điển hình trên địa bàn tỉnh. Đó là: cây Lộc vừng ở đền Bến; cây Đa lông ở đền Phương Đình, chùa Phi Đế, đền Dâu, đình làng Lưu Phương; Bồ đề ở Trường THPT Yên Mô A; cây Lùn xanh ở thôn Bích Sơn; cây Thị ở chùa và động Thiên Tôn, chùa Hưng Long; cây Bàng ở chùa Hưng Long.


Được sự giúp đỡ của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và các ngành chức năng trong tỉnh, đề tài cũng đã xây dựng bản đồ kỹ thuật số phân bố cây cổ thụ Ninh Bình. Đồng thời còn biên tập cuốn sách "Ninh Bình - Cây cổ thụ, một tài sản vô giá" và xây dựng được cơ sở dữ liệu với 200 ảnh cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm.


Đặc biệt, đề tài cũng đã xây dựng hoàn thiện bản dự thảo "Quy chế bảo tồn cây cổ thụ, cây cảnh cổ quý hiếm tỉnh Ninh Bình" với 5 chương, 15 điều trình UBND tỉnh ban hành và làm căn cứ để các ngành chức năng hoạch định các chính sách bảo tồn và khai thác giá trị nhân văn phù hợp và đạt hiệu quả cao. Đề tài cũng đã nhấn mạnh giải pháp bảo tồn có chiều sâu là cần phải tiến hành gắn tên, treo biển, hướng dẫn kỹ thuật bảo tồn, tuyên truyền giá trị nhân văn để công tác bảo tồn phát triển cây cổ thụ của tỉnh ngày càng hoàn thiện và đạt hiệu quả cao hơn.


Bài, ảnh
: Đỗ Bảng (Ninh Bình online)
 
Top