• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đi tìm những "cụ" rùa Hồ Gươm khổng lồ

Hoangminh

Member
Đi tìm những "cụ" rùa Hồ Gươm khổng lồ
24/09/2009 09:52 (GMT +7)
Người dân cả nước đều rất háo hức, xúc động mỗi khi “cụ rùa” Hồ Gươm thò cái đầu lên mặt nước thở phì phò, hoặc bò lên bãi cỏ ven tháp rùa phơi nắng. Truyền thuyết trả gươm thần ở Hồ Gươm đã khiến hình tượng con rùa trở nên vô cùng linh thiêng, huyền bí.

Chuyện về "cụ" rùa 900 tuổi trong đền Ngọc Sơn

Rùa Hồ Gươm quan trọng trong văn hóa tâm linh người dân cả nước đến nỗi, mỗi lần “cụ” nổi lên trên mặt nước, cũng khiến hàng triệu người quan tâm, để ý, thậm chí còn lo lắng rằng “cụ” đang… khó ở. Riêng với PGS-TS Hà Đình Đức, được những người yêu mến gọi là “giáo sư rùa”, thì “cụ rùa” Hồ Gươm là thần, là thánh, chứ không phải là… rùa. Vậy nên, mỗi khi “cụ rùa” có biểu hiện lạ là ông mất ăn mất ngủ. Chẳng thế mà, mấy lần, ngồi tiếp chuyện với ông, mấy lần ông mắng mỏ tôi vì tội gọi “cụ rùa” là “con rùa”, “loài rùa”, “giống rùa”.

Ông Đức trong căn phòng bộn bề tài liệu , bài báo về loài rùa.
Ông Đức say mê rùa đến nỗi, cả ngày, cả tháng, cả năm, ông sẵn sàng tiếp chuyện bất cứ ai muốn tìm hiểu về rùa Hồ Gươm. Ông sẽ nổi giận đùng đùng nếu ai đó gọi “cụ rùa” Hồ Gươm là con giải, hoặc giải Thượng Hải.
Bất kể việc các nhà khoa học trong nước và thế giới đã làm các nghiên cứu, xét nghiệm AND và khẳng định rùa Hồ Gươm là giải Thượng Hải, ông Đức vẫn cứ bảo lưu ý kiến của mình: Rùa Hồ Gươm là loài mới! Và ông đặt cho “cụ rùa” tên loài mới với tên quốc tế là Rafetus Leloii.
PGS Hà Đình Đức dùng ống nhòm để nghiên cứu rùa Hồ Gươm.
Mặc ai nói ngược, nói xuôi, ông Đức vẫn khẳng định “cụ rùa” Hồ Gươm đã 700 tuổi và là loài mới phát hiện, chưa tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Hồ Gươm. Cũng theo ông Đức, hiện tại, Hồ Gươm chỉ có một “cụ rùa”, nhưng ít ai biết rằng, đã có rất nhiều “cụ rùa” bị đánh bắt ăn thịt.

Thương tâm nhất là “cụ rùa” khổng lồ 900 tuổi bị những người đánh cá sát hại vào ngày 2/6/1967. Hôm đó, vào lúc gần trưa, sát ven bờ, tại khu vực nhà Thủy Tạ bây giờ, có rất nhiều người xúm xít xem rùa nổi. Thấy nhiều người tập trung, lực lượng công an đã tìm đến giải tán nhân dân vì sợ máy bay địch ném bom bất ngờ và cũng là bảo vệ “cụ rùa”.

“Cụ rùa” có vẻ yếu lắm, cứ nổi trên mặt nước. Trên cái mai rêu mốc ấy có một đám bọt màu hồng to như cái mũ sùi lên. Nhìn đám bọt ấy, người ta biết rằng cụ đã bị thương.
Mai "cụ rùa" bị rêu bám kín.
Trong khi hai đồng chí công an đang “đội bom” bảo vệ “cụ rùa”, thì có toán người của Quốc doanh cá phóng mô tô ba bánh đến nhìn ngó. Một ông chỉ đạo đội thợ mang lưới ra quây, kéo “cụ rùa” vào bờ, một mặt sai người chạy đi gọi đại diện Công ty Thực phẩm đến định giá. Ngày đó, việc khai thác thủy sản ở Hồ Gươm là nhiệm vụ và quyền lợi của họ, nên công an cũng không can thiệp được.
Ngày đó, Quốc doanh cá thả lưới bủa vây suốt ngày ở Hồ Gươm, nhưng chỉ được cá, chứ tuyệt đối không được “ba ba” khổng lồ, nên việc tóm được chú “ba ba” ngoại cỡ này quả là chiến tích, dễ được tặng bằng khen về thành tích khai thác thủy sản, nên ai cũng hồ hởi ra mặt. Cả chục công nhân đánh cá nhảy xuống hồ vần “cụ” lên bờ, rồi vật ngửa “cụ” ra.

"Cụ rùa" nổi lên mặt nước.
Nhằm đúng lúc “cụ rùa” thò đầu ra thở, họ tròng dây thừng thít cổ, rồi hò dô kéo “cụ” sềnh sệch trên mặt đất cứ như kéo pháo. Ông Đức lôi cho tôi xem cái biên bản đánh máy vẫn còn ghi rõ sự kiện này và ông Đức rất giận khi trong văn bản ấy họ gọi “cụ rùa” ở Hồ Gươm là con ba ba.

Vì là con “ba ba” khổng lồ, hiếm có, nên nó được định giá khá cao, tới... 2,7 đồng một kg. Công ty thực phẩm đang khiêng “ba ba” lên xe thì ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng ra chỉ thị gấp cho công an phải bảo vệ “cụ rùa”, bên y tế thì có trách nhiệm cứu chữa khẩn cấp. Có ý kiến của ông Trần Duy Hưng, ông chủ nhiệm Quốc doanh cá mới bỏ ý định bán rùa Hồ Gươm để xẻ thịt.

"Cụ rùa" lên đảo phơi nắng.
“Cụ rùa” được đem về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm cứu chữa, nhưng do vết thương rất nặng, lại bị mấy thợ đánh cá thít cổ kéo đi, nên cụ đã qua đời ngay trong chiều hôm đó. Người ta đã mang thước ra đo, thấy chiều dài của “cụ rùa” lên tới 2,1m, ngang 1,2m, cao 0,3m và “cụ” nặng tới 250kg. Người ta cũng đo được vết thương trên lưng cụ có đường kính tới 5cm và sâu thấu phổi.
Khi đó, khu vực quanh Hồ Gươm thường xuyên bị bom Mỹ dội, nên ai cũng đoán cụ bị trúng mảnh bom. Tuy nhiên, khi mổ xẻ thì không thấy mảnh bom nào. Thế là các chiến sĩ công an vào cuộc điều tra.
Hồ Gướm xưa
Chẳng có gì khó khăn, công an đã tìm được “hung thủ” là ông Thu, một thợ đánh cá của Quốc doanh cá. Trong khi nhóm thợ đang kéo lưới vét thì bỗng thấy nặng trịch, như lưới mắc vào vật cản. Ông Thu bơi thuyền lại gỡ lưới, thì phát hiện một con “ba ba” khổng lồ đang mắc vào lưới. Ông Thu đã lấy xà beng, thủ thế trên thuyền rồi ráng sức đâm thật lực vào lưng nó. Do đâm sâu quá, ông Thu còn bị “ba ba” kéo chạy trên mặt nước. Phải mất nhiều sức mới rút được xà beng ra khỏi lưng “ba ba”.
Sau khi gây ra cái chết cho “cụ rùa”, bị dư luận lên án, ông Thu đã trốn biệt về quê ở Thái Bình. Lúc đó, đang chiến tranh ác liệt, nên người ta cũng chả đi "hỏi tội" ông Thu làm gì.

Ngay khi “cụ rùa” chết, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã chỉ đạo làm tiêu bản. Ông cụ tên Vũ đã moi hết ruột gan, bóc hết thịt “cụ rùa”, rồi nhồi bông vào bụng. Hiện “cụ rùa” được đặt trong tủ kính và trưng bày ở đền Ngọc Sơn cho hàng triệu người chiêm ngưỡng “ngọc thể” khổng lồ của loài rùa Hồ Gươm.

"Cụ rùa" trong đền Ngọc Sơn.
Một “cụ rùa” Hồ Gươm xấu số nữa cũng đã bị giết, hiện bộ xương đang được bảo quản trong chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi cất giữ cổ vật của Bảo tàng Hà Nội. “Cụ rùa” này cũng bị một vết thương lớn ở trên mai.

Cái chết của “cụ rùa” này là một bí ẩn mãi mãi không được khám phá. Chỉ đến khi “cụ” chết nổi lềnh bềnh, người ta mới phát hiện và vớt “cụ” về lọc lấy bộ xương đem bảo quản. Trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, khi Bảo tàng Hà Nội hoàn thành, dân chúng sẽ được chiêm ngưỡng di cốt của “cụ”.

Còn tiếp…

Theo Phạm Ngọc Dương
 

my_lucky

Active Member
Híc, nhà mình ở ngay gần sát chùa Hưng Ký mà giờ này mình mới biết là trong chùa có bộ xương của cụ rùa Hồ Gươm.Kiểu này phải chạy sang xin sư cụ cho xem luôn mới được.
 

Hoangminh

Member
Phát hiện thêm nhiều “họ hàng” của “cụ” rùa Hồ Gươm





Tìm kiếm:
Đường dây nóng VTCNews: 0942.368.555
Thứ Sáu, ngày 25 tháng 9 năm 2009


Chữ nhỏ | Chữ to
PHÓNG SỰ KHÁM PHÁ
Phát hiện thêm nhiều “họ hàng” của “cụ” rùa Hồ Gươm
22/09/2009 09:56
Khi đưa hình ảnh các loài rùa hiện đang có mặt tại Việt Nam, một người đàn ông tại Yên Bái đã không ngần ngại mà chỉ ngay vào cụ rùa Hồ Gươm mà khẳng định: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!”.

Vừa qua, một người dân ở huyện T., tỉnh Yên Bái thông tin cho báo về việc họ vẫn thỉnh thoảng gặp những con giải rất to ở đầm gần nhà. PV đã lập tức lên đường tìm hiểu.

Ông T.T.D.: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!”


Có mặt tại khu đầm M. (xã M., huyện T., Yên Bái), chúng tôi gặp ông T.T.D. Ông D. là người sống tại đầm hơn 60 năm. Ông cho biết, thời ông còn nhỏ, hầu như mỗi lần đi đánh lưới, đi câu cá đều có thể gặp những con giải to bằng cái nong, cái nia đang bơi lội tung tăng.

Cho đến năm 1984, có ông B. (là xã đội trưởng) bắt được một con giải dài hơn 1 mét, nặng 1,4 tạ. Ông B. phải mang trâu đi kéo về nhà rồi xẻ thịt cho cả làng đến ăn. Hiện tại nhà ông B. vẫn còn lưu giữ chiếc mai của con rùa khổng lồ đó.

Tại thời điểm này, ông D. cho biết hầu như cứ đến mùa đông, những con giải ở khu đầm M. vẫn thỉnh thoảng nổi lên mặt nước để thở.

Ông T.T.D.: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!”

Cũng theo ông D., cách đây vài năm các điều phối viên Chương trình Rùa Việt Nam của Chương trình Rùa châu Á đã sống nhờ nhà ông gần nửa năm trời để “mai phục” chụp ảnh con vật ở đầm.

Trước đó, tháng 4/2008 các chuyên gia thuộc Chương trình Rùa châu Á vừa phát hiện ra một loài rùa khổng lồ, quý hiếm (được cho là cùng loài với rùa Hồ Gươm) ở một hồ phía tây thành phố Hà Nội. Đến tháng 11/2008, tại sông Tích Giang (Sơn Tây, Hà Nội), một ngư dân cũng bắt được một con rùa lớn nặng tới 70 kg. Cá thể rùa này đã được các cơ quan chức năng đem thả xuống hồ D. (Ba Vì, Hà Tây cũ).

Theo các chuyên gia thuộc Chương trình Rùa châu Á cả hai cá thể rùa tìm được vào tháng 4 và tháng 11 năm 2008 đều là loài Rafetus swinhoei. Loài rùa Rafetus swinhoei thuộc loại cực kỳ quý hiếm trên thế giới. Phần đầu của chúng khá dài với phần miệng giống như mõm lợn.

Kích thước của nó có thể dài trên 100cm, rộng hơn 70 cm và cân nặng khoảng 120-140kg. Mai của chúng có thể dài và rộng hơn 50 cm. Đầu dài hơn 20cm và chiều ngang hơn 10 cm. Con đực nói chung nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn. Rafetus swinhoei đang trong quá trình tuyệt chủng do việc săn bắt để bán, hoặc ăn thịt hoặc sử dụng mai và xương trong y học. Đầu rùa cũng thường bị lưu giữ làm kỷ niệm.

Nếu tính cả hai cá thể rùa được phát hiện vào năm ngoái thì hiện tại Việt Nam đang có 3 cá thể Rafetus swinhoei.

Tuy nhiên, nếu những thông tin mà chúng tôi nhận được từ ông T.T.D. (xã M., huyện T., Yên Bái) thì Việt Nam đang có không dưới 4 cá thể Rafetus swinhoei.

Theo một chuyên gia của Chương trình Rùa châu Á, lưu vực sông Hồng có thể là môi trường lý tưởng của loài Rafetus swinhoei. Cũng theo báo cáo của Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam thì rùa Hồ Gươm thuộc loài giải Thượng Hải.

Còn theo nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Quảng Trường, Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), rùa Hồ Gươm thuộc loài giải swinhoei (hay giải Thượng Hải).

Kết quả nghiên cứu cũng cho kết luận rùa Hồ Gươm và những mẫu xương rùa thu thập được tại sông Mã (Thanh Hóa), Lương Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Tây), Hạ Hòa (Phú Thọ) đều cùng thuộc loài giải Thượng Hải.

Và theo khảo sát của PV, ở nhiều đầm mà trước kia thông với sông Hồng như đầm M. (xã M., huyện T., Yên Bái); một số đầm ở Hạ Hòa (Phú Thọ); một số đầm, hồ ở Hà Tây (cũ)… đều đã từng xuất hiện loài giải Thượng Hải.

Ai cũng biết rằng khoảng 6-8 thế kỷ trước, hồ Gươm, hồ Tây của Hà Nội ngày nay cũng đều thông với sông Hồng. Điều này đặt ra giả thiết rất có thể cụ rùa Hồ Gươm có họ hàng với các loài rùa vừa được phát hiện!?

Thêm một minh chứng nữa, khi anh Thuận đưa hình ảnh các loài rùa hiện đang có mặt tại Việt Nam ông T.T.D. không ngần ngại mà chỉ ngay vào cụ rùa Hồ Gươm mà khẳng định: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!”.

(Vì lý do an toàn cho các cá thể rùa, chúng tôi tạm thời viết tắt các địa danh, con người. Chúng tôi sẽ công bố vào thời điểm thích hợp)

Theo CAND
 

Hoangminh

Member
"Cụ rùa dạo phố" và những tai nạn thương tâm

"Cụ rùa dạo phố" và những tai nạn thương tâm
25/09/2009 15:09 (GMT +7)
Đúng lúc "cụ đang dạo phố" thì mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt "cụ"… phi nước đại.
>>http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/phongsukisu/408386/index.htmlĐi tìm những "cụ" rùa Hồ Gươm khổng lồ
PGS-TS Hà Đình Đức với niềm đam mê rùa “ngồ ngộ” của mình, cứ kể mãi với tôi chuyện mấy người trẻ đã xơi tái “cụ rùa” Hồ Gươm.

Hồi ấy, vào khoảng năm 1963, trời mưa to, nước ngập, một “cụ rùa” hứng chí muốn ngắm phố phường Hà Nội, đã bò lên vườn hoa Chí Linh. Đúng lúc ấy, mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt cụ… phi nước đại.

"Cụ rùa" phơi nắng và nhắm mắt ngủ ngon lành trên bãi cỏ.
Chở mấy thanh niên nghịch ngợm một lúc thì “cụ” mệt, nằm thở phì phò. Không còn sức chống cự, mấy anh chàng bám một bên mai vật ngửa “cụ”, rồi hè nhau khiêng về mổ thịt, đem xương đi… nấu cao! Mấy người này, ông Đức thường gọi họ là mấy ông “ăn thịt di tích”!

Ngược dòng thời gian vào năm 1945, đúng dạo nước sông Hồng lên cao, mưa lớn ngập khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” đã bò lên phố Lê Thái Tổ. Mấy ông chạy xe ba gác nhìn thấy con “ba ba” khổng lồ liền đuổi theo tóm lại rồi khiêng lên xe ba gác chở về… nấu chuối xanh. Cũng may mà chính quyền đuổi theo đòi lại được. Nhưng số phận “cụ rùa” này đến nay vẫn là một ẩn số.

Sau đó hơn chục năm, vào năm 1956, bão gió, lụt lội khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” lại mò lên đền Hàng Trống. Một ông đạp xích lô đâm phải gã chỏng vó. Tức mình, ông ta hô người khiêng “cụ” lên xe, kéo về phố Hàng Hành.
Thi thoảng "cụ rùa" lại nổi.
Người ta dùng thừng thít cổ cụ, treo lên xà nhà để chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt như mổ heo trong nhà máy bên Tây. Cũng may mà quần chúng phát hiện báo công an giải cứu “cụ rùa” đúng lúc cụ đang ngắc ngoải. Do “cụ” yếu quá, nên người ta thả cụ vào ao bán nguyệt trong Vườn Bách Thảo.
Sau vụ “cụ rùa” bị đâm chết bằng xà beng năm 1967, người ta chỉ còn thấy hai cụ rùa nữa mà thôi, một cụ rùa khổng lồ là “cụ bà”, nặng đến 2 tạ và một “ông rùa” chưa đến một tạ, nhỉnh hơn bánh xe đạp một chút. Theo dự đoán của một số người, có thể “ông rùa” nhỏ này chỉ là hàng cháu chắt của “cụ rùa” khổng lồ kia.

Nhưng đau xót thay, năm 1997, PGS Hà Đình Đức đã phải viết “huyết thư” gửi ông Võ Văn Kiệt và các cán bộ chủ chốt của Hà Nội. Thư rằng, một “cụ rùa” đã bị đả thương rất nặng. Theo như mô tả của ông Phùng Quang Bỉnh, đội trưởng đội bảo vệ trật tự an ninh khu vực Hồ Gươm, thì “ông rùa” có cái mai bằng vành xe đạp bị thương nặng, vết thương lở loét, trắng bợt ở phần mai và chân trái.

"Cụ rùa" trong đền Ngọc Sơn.
Không hiểu “ông rùa” kia bị thương vì lý do gì, bị kẻ trộm đâm bằng đinh ba, hay móc vào lưỡi câu khổng lồ của bọn câu trộm, nhưng có một điều, từ bấy không ai thấy “cụ rùa” này nổi lên nữa. Bao nhiêu năm nay, dù có người nói nhìn thấy hai “cụ”, người thấy những 4 “cụ”, song ông Đức khẳng định chỉ còn một “cụ rùa” duy nhất.

Có thể nói, một thời Hồ Gươm có rất nhiều “cụ rùa”, nhưng giờ đây, người ta chỉ dám chắc chắn có một “cụ rùa” mà thôi. Thi thoảng, vào những dịp trọng đại, “cụ rùa” này hứng chí nổi lên, khiến bao trái tim người Việt lại bồi hồi xúc động.

Theo PGS Hà Đình Đức, Hồ Gươm nhỏ vậy, mà “cụ rùa” tồn tại được đến ngày hôm nay, sống thọ đến mấy trăm tuổi, ngoài nỗ lực bảo vệ của chính quyền và toàn thể nhân dân, thì “cụ” cũng phải tinh lắm.

Hàng trăm năm qua, không ít kẻ trộm nhòm ngó tìm cách làm thịt “cụ”. Rồi mấy chục năm trời, đến tận năm 1993, Quốc doanh cá vẫn còn kéo lưới ở Hồ Gươm, song “cụ rùa” vẫn thoát khỏi lưới vét cả ngần lần.

Thời đó, những người ở Quốc doanh cá chẳng ưa gì mấy “cụ rùa” Hồ Gươm, vì các “cụ” xơi mất không ít cá của họ. Rồi khi lưới mắc, các “cụ” dùng móng vuốt xe toạc lưới, thậm chí làm kênh lưới cho cá trốn thoát hết. Chẳng thế mà, hồi năm 1967, khi phát hiện một “cụ rùa” dính lưới, họ đã lấy xà beng đâm cụ chí chết, rồi khi tóm được cụ, thì liền gọi Công ty Thực phẩm đến định giá liền.
Rùa tai đỏ xuất hiện rất nhiều ở Hồ Gươm do người dân thả xuống.
Hồi năm 1992, ông Chử Văn Chừng (giờ là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường độ thị), thuê 3 thợ lặn để vừa tóm “cụ rùa”, vừa tìm hiểu xem dưới lòng hồ có mấy “cụ rùa”. Việc bắt rùa là để bảo toàn tính mạng “cụ” trong quá trình nạo vét, hút bùn dưới đáy hồ. Những thợ lặn này được trang bị đầy đủ bình ôxy, kính lặn. Họ mang theo một cây gậy, đoạn dây thừng dài hơn 5m làm thòng lọng, rồi lặn xuống hồ càn quét suốt mấy ngày liền.
Thế nhưng, suốt mấy ngày lặn ngụp, dùng gậy chọc nát cả đáy Hồ Gươm, song tuyệt nhiên không thấy “cụ rùa” nào. “Cụ rùa” to như cái nong, bơi lội chậm chạp, bì bạch như vậy, lại sống trong cái hồ không phải lớn lắm, lại rất nông, mà những thợ lặn tìm mãi không thấy kể cũng lạ.

Theo ông Đức, loài rùa khổng lồ ở Hồ Gươm có 95% thời gian sống dưới bùn. Khi nằm dưới bùn, chúng thở rất ít. Chỉ khi cần thở, chúng mới nổi mình lên để lấy ôxy. Do đó, để tìm được “cụ rùa” không phải đơn giản.

Tôi rất ngạc nhiên khi ông Đức cho biết, vào mùa mưa, nước lớn, chỗ sâu nhất của Hồ Gươm chỉ là 1,4m. Mùa nước cạn, Hồ Gươm chỉ sâu chừng 1m mà thôi. Nhiều chỗ ven bờ, chỉ sâu 30-40cm. Thế nhưng, lớp bùn dưới đáy hồ lại sâu đến hơn 1m.

Hồ Gươm với vẻ đẹp thanh bình.
Lý giải chuyện Hồ Gươm mỗi này một nông hơn, ông Đức cho biết, ngoài việc rác rưởi, chất thải, rong tảo, lá cây trút xuống hồ, thì hiện tượng sụt lún, xây dựng quanh khu vực Hồ Gươm mới là thủ phạm chính biến Hồ Gươm thành đầm lầy. Việc người ta đóng cọc xây nhà cách Hồ Gươm hàng cây số, cũng có thể khiến lớp nền đất yếu dưới đáy Hồ Gươm trồi lên.

Những tòa nhà cao tầng quanh Hồ Gươm đang lún hàng ngày, rồi xe cộ trọng tải lớn chạy trên mặt đường, khiến đường lún xuống, cũng là tác nhân khiến lòng Hồ Gươm dâng lên. Và theo ông Đức, cứ với tình hình này, chỉ vài chục năm nữa, Hồ Gươm sẽ biến thành đầm lầy. Lúc đó, không hiểu “cụ rùa” sẽ sống ở đâu?

Sửa sang lại “ngôi nhà” cho “cụ rùa” là chuyện khoa học hiện đại làm được dễ dàng. Nhưng giữ được mạng sống “cụ rùa” để con cháu nhiều đời sau được chiêm ngưỡng “cụ” mới là điều mà các nhà khoa học cũng như người dân Việt Nam mong muốn.

Còn tiếp…

TheoPhạm Ngọc Dương
 
theo tui dc biet cu rua o ho guom la cu rua nuoc ngot tren the goi co phai ko
Chào thành viên mới đến từ Thái Bình :wel:=D>

Bạn nhớ lần sau post bài nên dùng tiếng Việt có dấu nhé và không nên viết tắt.
PS : đừng dùng ngôn ngữ CHAT , sẽ bị các Mod nhắc nhở và cảnh cáo trei nich 1 tuần đấy.
Thân ái !:)
 

salemka

Member
Ah, nhà mình ở gần hồ Gươm, thỉnh thoảng thấy cụ rùa nổi lên :D. Trước kia salem cứ nghĩ rùa trong đền Ngọc Sơn là rùa dỏm, giờ mới biết là rùa thật. Thú vị thật đấy. Không biết ngày nay còn ai nhòm ngó săn trộm cụ rùa không nhỉ?
 

Hoangminh

Member
Vương quốc" rùa khổng lồ và những vụ tàn sát

(VTC News) - Ông Thường cầm cây tre đực to bằng bắp chân đâm vào đầu “cụ”, bị “cụ” rùa đớp trọn. Mấy thanh niên ráng sức lôi khúc tre mà không ra nổi. “Cụ rùa” nghiến một lúc thì nát bét cả gốc tre đực.

>
"Cụ rùa Hồ Gươm dạo phố" và những tai nạn thương tâm
> Đi tìm những "cụ" rùa Hồ Gươm khổng lồ
http://vtc.vn/394-226759/phong-su-kham-pha/cu-rua-ho-guom-dao-pho-va-nhung-tai-nan-thuong-tam.htm

Trong khi cả thế giới chỉ còn tồn tại rất ít con giải Rafetus swinhoei (người Việt quen miệng và yêu mến gọi loài giải này là rùa Hồ Gươm), thì ở Hạ Hòa (Phú Thọ) có tới 3 “cao thủ” săn rùa. Thời trai tráng, họ đã làm thịt hàng chục con rùa khổng lồ.


Ngồi trên “du thuyền” dạo một vòng quanh Ao Châu, mới thấy nó đúng như tên gọi, đẹp và xanh biếc như một viên ngọc minh châu. Đầm Ao Châu nằm trên địa phận 3 xã Ấm Thượng, Ấm Hạ và Y Sơn của huyện Hạ Hòa, đón nước từ 7 con suối.

Đầm Ao Châu.
Anh chàng hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư giới thiệu: “Đầm này rộng 200 ha vào mùa khô, mùa mưa nước dâng cao khiến hồ rộng tới 300 ha. Độ sâu của hồ cũng khủng khiếp, nhiều chỗ từ 20 đến 30 mét. Vì hồ rộng lớn, nước sâu, trong lành, nên có nhiều loài cá lớn, đặc biệt là loài rùa cùng giống với rùa Hồ Gươm khổng lồ, lưng to bằng tấm chiếu!”.

Tôi hỏi: “Có thật còn rùa lớn thế không?”, anh ta khẳng định còn và bảo tôi: “Nếu không tin, anh cứ gặp ông cụ Thường thì biết”.

Ông Trần Văn Thường năm nay tròn 80 tuổi, sống ngay cạnh đầm Ao Châu, rất vui vẻ, xởi lởi. Hỏi về rùa khổng lồ, ông bảo: “Dưới đầm Ao Châu không có rùa khổng lồ, con nào to nhất chỉ 3-4 kg thôi. Chỉ có con giải là to, cứ bằng cái nong một, to như con giải ở Hồ Gươm ấy”. Hóa ra, người dân nơi đây gọi loài rùa Hồ Gươm là con giải.

Ông Trần Văn Thường: "Ao Châu từng có rất nhiều giải mai to bằng tấm chiếu"
Ông Thường là công nhân của nhà máy giấy Lửa Việt, dựng nhà sinh sống ngay cạnh đầm Ao Châu từ năm 1954. Ngày xưa, công nhân lương thấp, không đủ sống, nên hàng ngày ông đóng bè đi qua đầm vào rừng lấy nứa bán kiếm thêm.

Ngày đó, rùa khổng lồ nhiều đến nỗi trên đường vào rừng hoặc đi ra, kiểu gì ông cũng gặp một vài con nổi như cái “đảo tí hon” giữa hồ. Nhiều khi hứng chí chúng đuổi nhau, đầu ngóc lên mặt nước, trông xa cứ như đàn chuột.

Ông Thường và đám thanh niên nghịch ngợm chèo bè nhẹ nhàng, rồi nhảy bổ lên lưng cưỡi rùa như thầy trò Đường Tăng cưỡi quy thần sang sông đi lấy kinh. Rùa ta hoảng sợ lặn mất, đám trai tráng lại cười sằng sặc. Ông Thường cũng lấy làm lạ là con người cứ trêu nó vậy, nhưng tuyệt nhiên nó không cắn ai bao giờ.

"Những con giải to bằng mặt bàn này nhiều lắm".
Người dân sống ven hồ gặp rùa thường xuyên, nhưng họ không tìm cách bắt chúng. Việc người dân không tìm cách bắt chúng không phải vì chê thịt loài rùa này, mà đơn giản là vì không thể bắt nổi. Chúng vừa tinh khôn vừa khỏe như hà mã, nên sức người không thể vật nhau với chúng ở dưới nước.

Tuy nhiên, quanh hồ, có 3 cao thủ săn rùa là ông Nguyễn Văn Áo, ông Trần Ước và ông Tô Ban. Những ông này đã lôi lên từ lòng hồ không biết bao nhiêu rùa khổng lồ để xẻ thịt ăn, đem bán và chia cho dân làng cùng hưởng.

Bản thân ông Thường cũng hay đi theo ông Tô Ban, giúp sức ông Tô Ban kéo rùa lên bờ, nên mỗi khi săn được rùa, đều được ông Tô Ban xẻ cho một cái đùi. Đùi rùa to và nhiều thịt hơn cả đùi lợn, nên chặt ra nấu một nồi đại, cả nhà ăn không hết. Thịt rùa khổng lồ mùi vị cũng không khác mấy thịt ba ba, nên ông cũng không ấn tượng lắm. Ngày trước, ba ba ở đầm Ao Châu nhiều và dễ bắt như cóc ngoài vườn, chả mấy ai thiết ăn.

Ông Nguyễn Văn Ao và chiếc sọ của một con rùa khổng lồ mà ông từng săn được.
Ông Tô Ban có kỹ nghệ săn rùa khổng lồ rất tuyệt diệu. Ông dùng nứa đan một chiếc thuyền trông rất lạ, thả xuống hồ trông như cái đĩa, lướt nhẹ trên mặt hồ lại không gây ra tiếng động. Chiếc thuyền kiểu dáng này đi chậm, nhưng rất vững chãi, khó bị lật.

Dụng cụ săn rùa gồm 3 chiếc đinh ba, một chiếc đinh một, chiếc móc sắt, chiếc búa và những sợi dây lạt. Những chiếc đinh ba được thửa cầu kỳ, chắc chắn, vừa lớn, vừa sắc. Đinh ba gồm 3 thanh sắt nhọn, một đầu hàn vào nhau, một đầu tua tủa ra và được đóng vào cây tre.

Khi phát hiện rùa nổi ở khu vực nào, những thợ săn này sẽ chèo thuyền tiến lại, dọa cho chúng lặn thẳng xuống bùn. Nếu chúng lặn xuống khu vực sâu trên 10 mét thì không thể bắt được, nhưng nếu ở chỗ sâu vài mét, thì sẽ tiến hành truy bắt.

Ngay sau khi rùa khổng lồ lặn xuống, chúng sẽ chạy dưới lòng hồ để tìm chỗ trốn. 4 chân ở hai bên mai khi cào xuống bùn sẽ tạo thành hai đường tăm thẳng hàng trên mặt nước. Điều quan trọng là người săn rùa phải tính được độ sâu của khu vực rùa lặn, tốc độ rùa chạy thì mới xác định đúng điểm cần đâm.

Người săn rùa sẽ dùng đinh một đâm đón đầu vào điểm giữa của hai dải tăm để trúng tâm mai rùa. Nếu đâm trượt, rùa hoảng chạy thoát thân thì cả khu vực rộng lớn sẽ đục ngầu, không thể tìm được rùa nữa, hoặc chúng bơi ra chỗ nước sâu, chui vào hầm đá thì cũng bó tay.

Nếu đâm trúng mai rùa, người thợ săn sẽ dùng búa đóng đinh thật lực, để đinh xuyên qua chiếc mai cứng như đá, cắm vào phần nội tạng của rùa, sau đó, tiếp tục phóng những chiếc đinh ba xuống rồi đóng tiếp. Quá trình đóng đinh vào lưng rùa rất vất vả, bởi loài rùa này rất khỏe, chúng kéo thợ săn chạy nháo nhào trên mặt nước.

Ông Trần Văn Thường: "Giải khổng lồ ra hết sông Hồng hồi vỡ đập rồi".
Khi con rùa đã đuối sức, thợ săn sẽ thả móc sắt xuống, móc chặt vào một bên mai, kéo mạnh, khiến rùa bị lật ngửa lên mặt nước. Họ sẽ dùng những dây lạt dẻo buộc chéo chân rùa lại, khiến nó không thể giãy giụa được nữa. Lúc này, người thợ săn chỉ việc buộc thừng kéo rùa vào bờ.

Mỗi khi săn được rùa, những thợ săn này lại xuống Việt Trì gọi mối lái lên mua. Khi tìm được mối lái, họ mới xẻ thịt rùa khổng lồ. Ngày đó, phương tiện bảo quản không có, nên không tìm được nhiều mối lái, xẻ thịt một con rùa cỡ hơn một tạ, phân phát cho cả xóm ăn cũng không hết.

Theo ông Trần Văn Thường, kể từ ngày vỡ đập do lũ sông Hồng vào năm 1971, rùa khổng lồ ở đầm Ao Châu ít hẳn, thậm chí gần như biến mất. Có thể chúng đã ra sông Hồng hết. Sau trận vỡ đập năm đó, 3 thợ săn kỳ cựu gồm ông Nguyễn Văn Áo, ông Trần Ước và ông Tô Ban, mỗi ông chỉ săn được một con rùa nữa. Trong đó, ông Áo săn được một con nặng 140kg vào năm 1972, ông Ước săn được một con cỡ một tạ cũng vào năm đó, và năm 1974, ông Tô Ban bắt được một con kỷ lục, nặng tới 250 kg.

Liệu đầm Ao Châu có còn giải khổng lồ?
Ông Thường vẫn nhớ như in vụ ông Tô Ban quần thảo với “cụ rùa” khổng lồ suốt một ngày ở đầm Ao Châu. Cụ rùa này to như tấm chiếu, sống dễ đến ngàn năm tuổi và sức khỏe thì vô địch.

Ông Tô Ban đâm trúng “cụ rùa” lúc 9 giờ sáng, mà phải đến 5 giờ chiều, cùng sự giúp sức của ông Thường và mấy thanh niên nữa mới "dìu" được “cụ” vào bờ. Lúc khiêng “cụ” lên bờ, lật “cụ” ra, ai cũng choáng váng vì thân thể to lớn, tấm mai mốc rêu ngàn năm như tảng đá của “cụ”.

Lưng bị xuyên thấu bởi mấy chiếc đinh ba, máu chảy bọt sùi tràn thành vũng, song “cụ” rùa vẫn rất khỏe, dữ tợn. Ông Thường cầm cây tre đực to bằng bắp chân đâm vào đầu “cụ”, bị “cụ” rùa đớp trọn. Mấy thanh niên ráng sức lôi khúc tre mà không ra nổi. “Cụ rùa” nghiến một lúc thì nát bét cả gốc tre đực.

Từ bấy, không ai tóm được “cụ rùa” khổng lồ nào ở đầm Ao Châu nữa.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

 

TrầnTrungNam

New Member
Rùa Hồ Gươm theo mình được biết là loại Rùa nước ngọt lớn nhất thế giới chỉ có ở Hồ Gươm - Việt Nam, tuy niên hiện nay trong Hồ Gươm xuất hiện nhiều loại rùa khác do người dân sau khi chán nuôi thì thả xuống. Đây là việc làm ảnh hưởng sấu tới sự bảo tồ nguồn gen của rùa Hồ Gươm.
 

Hoangminh

Member
"Cụ" rùa Đồng Mô và cá thể rùa khổng lồ thứ tư trên thế giới

"Cụ" rùa Đồng Mô và cá thể rùa khổng lồ thứ tư trên thế giới
19/10/2009 14:54 (GMT +7)
Khi con rùa mắc lưới, 6 người cùng nhảy xuống sông vật lộn mãi mới đưa được nó lên bờ. Lúc khênh lên bờ, mấy cậu nghịch ngợm dẫm lên lưng nó, thế mà nó cứ chạy ầm ầm.
Rafetus Swinhoei là loài rùa quý hiếm nhất thế giới và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Theo một số chuyên gia nghiên cứu về rùa, trong nhiều năm qua, người ta chỉ ghi nhận được 3 cá thể, hai cá thể ở Trung Quốc và một ở Hồ Gươm.

Với quyết tâm tìm được những cá thể rùa khổng lồ ở Việt Nam ngoài Hồ Gươm, các nhà khoa học, đặc biệt là các chuyên gia của Chương trình rùa Việt Nam (thuộc Chương trình bảo tồn rùa châu Á), đã dành nhiều năm trời khảo sát, tìm kiếm dọc sông Hồng từ Lào Cai xuống tận Hà Nội, rồi dọc lưu vực sông Mã. Tuy nhiên, kết quả tìm được chỉ là những câu chuyện kể nhuốm màu huyền thoại và những bộ mai rùa, sọ rùa hoặc tiêu bản rùa khổng lồ được người dân giữ lại làm kỷ niệm.


Anh Nguyễn Xuân Thuận và tiêu bản rùa khổng lồ ở Hòa Bình
Vất vả nhiều năm, rồi ông trời cũng không phụ công những người yêu thiên nhiên hoang dã. Sau nhiều năm tìm kiếm, các chuyên gia cũng khoanh vùng được một hồ nước rộng tới hơn ngàn ha ở thị xã Sơn Tây có nhiều dấu hiệu xuất hiện rùa khổng lồ.

Cách đây 3 năm, khi nghe phong thanh, tôi cũng đã tìm lên hồ Đồng Mô để hỏi người dân sống quanh hồ và được nghe rất nhiều chuyện ly kỳ về rùa khổng lồ. Nào là thi thoảng có 2 con nổi lên mặt nước thở phì phò, nào là rùa to như cái nong bò lên bờ phơi nắng, nào là có người chạy thuyền máy đâm vào lưng rùa lật nhào… Tuy nhiên, ăn chực nằm chờ mấy ngày liền mà tôi chẳng thấy có dấu hiệu rùa nổi.

Nhưng Giám đốc Chương trình rùa châu Á, ông Douglas Hendrie, cùng các cộng sự thì kiên trì tìm kiếm rùa khổng lồ bằng cách dựng lều trại tại bờ hồ, rồi đêm ngủ tại lều, ngày theo ngư dân đánh cá để tìm kiếm rùa.

Sau hơn năm trời dãi gió dầm sương, vào một ngày đẹp trời tháng 3/2007, anh Nguyễn Xuân Thuận, cán bộ của Chương trình rùa Việt Nam, đã lần đầu tiên nhìn thấy một cá thể rùa nổi trên mặt hồ Đồng Mô. Tuy nhiên, phải đến tháng 6/2007, anh Thuận mới chụp được hình “cụ” rùa này.


Một góc hồ Đồng Mô
Như vậy, sau bao nhiêu năm vất vả tìm kiếm, lần đầu tiên, các cán bộ của Chương trình rùa châu Á đã xác định được cá thể rùa khổng lồ thứ hai ở Việt Nam (và thứ 4 của thế giới) còn sống sót.

Theo như kinh nghiệm phân tích hình ảnh, con rùa chụp được tại hồ Đồng Mô có cân nặng chừng 80-90kg, mép màu vàng, đầu đốm rằn ri và mai màu xanh xám. Hồ Đồng Mô vốn là một nhánh của sông Hồng, do đắp đê mà thành, nên chuyện tại hồ này xuất hiện loài rùa khổng lồ cũng là điều dễ lý giải.


Hình ảnh rùa Đồng Mô do anh Nguyễn Xuân Thuận chụp được
Chuyện chụp được ảnh “cụ” rùa chẳng khác nào bắt được vàng. Không hiểu các chuyên gia nghiên cứu rùa có tổ chức hội thảo để công bố không, nhưng thông tin được giữ kín đến tận mới đây, khi “cụ” rùa "sổng" ra sông Tích Giang, gây dư luận ầm ĩ cả nước.

Đó là vào ngày 26/11/2008, người dân thôn Cời (phường Trung Sơn Trầm, Sơn Tây) loan tin ầm ĩ về một con rùa khổng lồ bị người dân bắt được. Ngay lập tức, người hiếu kỳ khắp nơi đã đổ về nhà ông Nguyễn Duy Là để tận mắt con rùa quý này. Bữa đó, tôi cũng có mặt chen chúc trong đoàn người đông nghịt để xem rùa.

Anh Nguyễn Quang Toàn kể, cách đó nửa tháng, chính anh ta đã nhìn thấy một con rùa nổi trên sông Tích Giang. Anh Toàn đã âm thầm cùng ông Nguyễn Duy Là và 4 người nữa trong gia đình tìm cách giăng lưới bắt rùa.

Mấy lần nhìn thấy nó nổi, nhóm người này liền bủa lưới vây. Rõ ràng nó đã mắc lưới, song con rùa này đều xé lưới tẩu thoát, hoặc chúi xuống bùn để lưới quét qua. Để tóm được rùa, nhóm người này đã giăng 4 lớp lưới dày chặn đoạn sông, rồi dùng gậy chọc xuống lòng sông, xua rùa vào lưới.


Rùa Đồng Mô mà người dân tóm được
Khi con rùa mắc lưới, 6 người cùng nhảy xuống sông vật lộn với nó mãi mới đưa được nó lên bờ. Những người này đã đặt con rùa lên bàn cân và thấy nó nặng 68kg. “Lúc khênh nó lên bờ, mấy cậu nghịch ngợm dẫm lên lưng nó, thế mà nó cứ chạy ầm ầm. Giống rùa này khỏe kinh khủng thật!” – ông Toàn kể.

Ngay khi khênh được rùa về nhà, các lái buôn khắp nơi đã đổ về ngã giá cứ như ở sàn đấu giá. Ban đầu, con rùa được trả giá 10 triệu đồng, rồi giá tăng dần lên gấp 10 lần số đó. Cũng may mà lực lượng công an, kiểm lâm đã có mặt kịp thời để ngăn chặn việc mua bán động vật quý hiếm.

Sau khi công an, kiểm lâm giải thích pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, rồi các chuyên gia, trong đó có cả ông Douglas Hendrie, tìm cách tuyên truyền, giáo dục tình yêu thiên nhiên, những người tóm được rùa cũng thấy xuôi tai và quyết định nhận tiền thưởng để trả rùa về với môi trường tự nhiên.

Rùa khổng lồ nhanh chóng được đưa lên xe chuyên dụng, các chuyên gia chấm thuốc sát trùng vào các vết thương. Ngay trong ngày hôm đó, con rùa này được thả về hồ Đồng Mô. Con rùa có chiều dài 90cm, ngang 70cm và qua phân tích các dấu vết, màu sắc trên trên đầu, ông Douglas khẳng định đây chính là “cụ" rùa đã thoát ra từ hồ Đồng Mô trong trận lụt lịch sử.

Ông Douglas khẳng định đã làm xét nghiệm AND rùa Đồng Mô tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật và kết quả xét nghiệm cho thấy rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hồ Gươm, cùng loài với cả 2 con giải hiện đang được nuôi dưỡng trong vườn thú ở Trung Quốc.


Một chiếc sọ rùa tìm được ở Thanh Hóa
Ông Peter Richard, nhà khoa học hàng đầu thế giới về loài Rafetus Swinhoei, sau khi so sánh các bộ xương rùa ở Việt Nam và Trung Quốc cũng khẳng định, loài rùa khổng lồ từng bị ăn thịt rất nhiều ở Việt Nam chính là giải Thượng Hải.
Theo GS Hà Đình Đức, người đã có nhiều năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, thì con rùa ở Đồng Mô cũng như những con rùa bị người dân xẻ thịt ở Phú Thọ, Yên Bái đúng là loài giải. Còn rùa ở Hồ Gươm là loài mới hoàn toàn, chứ không phải con giải. Để chứng minh “cụ" rùa Hồ Gươm không phải là giải, ông Đức đã đưa ra hàng loạt phân tích về màu sắc da, đặc điểm hình thái…

Cuộc tranh luận rùa Hồ Gươm là... rùa hay giải thì còn là vấn đề dài dài, dành cho các nhà khoa học. Nhưng có một thực tế là loài rùa khổng lồ này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Với tất cả tình yêu thiên nhiên, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đang mất ăn mất ngủ vì rùa, thông qua báo chí, kêu gọi đồng bào, thợ săn rùa, rắn, ba ba, cá mú cả nước, nếu phát hiện ở đâu có loài rùa khổng lồ quý hiếm này, hãy báo ngay cho chính quyền, các tổ chức bảo tồn rùa, để có phương án bảo vệ rùa sớm nhất.

TheoPhạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
Ly kỳ chuyện rùa khổng lồ tấn công trâu mộng giữa sông Hồng

Ly kỳ chuyện rùa khổng lồ tấn công trâu mộng giữa sông Hồng
15/10/2009 15:38 (GMT +7)
Ông Kỉnh dùng hết sức bình sinh phóng cây luồng vào lưng rùa. Con rùa khổng lồ lặn mất tăm kéo con trâu mộng mất hút trong dòng nước phù sa đỏ au cuồn cuộn.


Trong thời gian loanh quanh ở quanh đầm Vân Hội thuộc địa phận xã Hiền Lương, nơi có đền thờ Mẫu Âu Cơ nổi tiếng, tôi được người dân chỉ gặp ông Lê Xuân Kỉnh, người từng chứng kiến vụ một con trâu mộng bị rùa khổng lồ tấn công ở sông Hồng.

Nhà ông Kỉnh nằm ngay sau UBND xã Hiền Lương. Ông Kỉnh ngoài 60 tuổi, dáng người gầy gò, khắc khổ. Quê ông ở xã Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ), vùng đất đá sỏi gan trâu, chỉ có bạch đàn sống nổi. Thời trai tráng, ông làm nghề buôn luồng, nứa dọc sông Hồng, từ Yên Bái, Hạ Hòa về Tam Nông, thậm chí tận Ba Vì, Hà Nội. Sau này, ông lập nghiệp ở Hạ Hòa rồi đưa vợ con lên đây sống.
"
Đoạn sông Hồng chảy qua làng Chí Chủ từng nhiều lần xuất hiện rùa khổng lồ
Mấy chục năm lênh đênh kiếm sống trên sông Hồng, nên mọi luồng lạch, ngóc ngách dòng sông từ Yên Bái về cầu Phong Châu ông đều nắm rất rõ. Theo ông Kỉnh, trong quá trình đi buôn luồng dọc sông Hồng, đã có hàng trăm lần ông gặp rùa khổng lồ, to như cái nong, nặng cả tạ, khi loài rùa này lên bãi bồi giữa sông, bãi cát ven sông phơi nắng, hoặc nổi đầu lên ở những khúc sông rộng, nước chảy nhẹ.

Có 3 khu vực trên sông Hồng mà ông Kỉnh hay gặp rùa khổng lồ, gồm khu vực xã Xuân Quang (Tam Nông), khu vực thôn Chí Chủ (xã Chí Tiên, Thanh Ba) và đoạn giáp ranh giữa hai xã Hiền Lương (Hạ Hòa) và Minh Quân (Trấn Yên). Những khu vực này đều có đặc điểm là lòng sông rất rộng, có nhiều bãi cát, bãi lầy rậm rạp ven sông, có những hầm đá, vụng nước rất sâu và nước chảy hiền hòa.

Đề cập đến chuyện ông từng chứng kiến rùa khổng lồ tấn công trâu mộng giữa sông Hồng, ông Kỉnh trở nên rất hào hứng.

"
Làm tiêu bản rùa khổng lồ. (Ảnh sưu tầm).
Vào một buổi trưa mùa hè năm 1999, khi bè luồng trôi đến xã Xuân Quang, ông Kỉnh điều khiển bè neo vào bờ để về nhà nghỉ ngơi. Khi đang chuẩn bị lên bờ thì một cậu bé gọi thất thanh: “Ông ơi! Cứu trâu của cháu với!”.

Ông Kỉnh nhìn lại phía doi đất, thấy một cậu bé đang đứng trên bờ kêu cứu, còn con trâu mộng đang trồi lên thụp xuống giữa dòng nước, cách bờ chừng 20m. Cậu bé kể rằng, khi cậu đang thả trâu xuống sông đằm nước, thì một con rùa bơi đến kéo trâu ra giữa sông.

Ông Kỉnh đẩy bè nứa trôi lại chỗ con trâu đang ngấp ngoải trong dòng nước đỏ au. Cách xa chừng 10m, ông nhìn rõ một con rùa khổng lồ, lưng bám đầy rêu mốc, to bằng cả manh chiếu, cổ bằng cái phích, đầu bằng cái giành tích, đang ngoạm chặt vào kheo chân con trâu mộng. Cuộc vật lộn rất khốc liệt, trâu giãy đạp rất mạnh, cố ngoi lên mặt nước kêu rống, còn con rùa khổng lồ thì cứ nghiến chặt vào chân trâu.

Dùng hết sức bình sinh, ông Kỉnh phóng cây luồng vào lưng rùa. Con rùa khổng lồ lặn mất tăm, con trâu mộng cũng mất hút trong dòng phù sa đỏ au cuồn cuộn.

Chờ mãi không thấy xác trâu nổi lên, ông Kỉnh hô hào mọi người giăng lưới chặn sông ở đoạn gần cầu Phong Châu. Đúng như dự đoán, đến chiều thì xác con trâu trôi đến và mắc lưới. Mọi người buộc thừng vào sừng trâu mộng, rồi dùng thuyền máy kéo về bờ sông thuộc khu 8, xã Xuân Quang.

"
Nơi rùa khổng lồ từng tấn công trâu mộng
Ai cũng kinh hoàng khi thấy từ bàn chân đến đùi con trâu mộng bị cắn nát bét, rách toạc da, đứt hết cả gân. Răng con rùa khổng lồ này phải sắc như dao và bộ hàm phải khỏe như kìm cộng lực mới có sức mạnh như thế.

Với ông Kỉnh và người dân xã Xuân Quang, chuyện rùa khổng lồ xuất hiện ở sông Hồng không có gì lạ, họ thường xuyên nhìn thấy rùa nổi ngoài sông. Cứ từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, người dân nơi đây lại bơi thuyền ra bãi cát giữa sông, lần lục trong các bãi lau sậy ven sông để kiếm trứng rùa. Một ổ trứng rùa đựng đầy một thúng, cả nhà ăn chán chê.

Từ hồi bé xíu ông Kỉnh đã nghe ông bà dọa thuồng luồng ngoài sông Hồng, cốt để bọn trẻ không ra bờ sông nghịch ngợm. Lớn lên, ông nhìn thấy “thuồng luồng” to như cái nong, bò lổm ngổm trên bãi cát mới biết nó là con rùa.


Về con rùa khổng lồ làm chết trâu mộng, ông Kỉnh và người dân xã Xuân Quang đã gặp rất nhiều lần. Từ năm lên 10 tuổi, ông đã cùng đám bạn cưỡi trâu bơi ra sông Hồng để xem con rùa khổng lồ này nổi. Con rùa tuy to lớn song rất hiền lành, không tấn công bọn trẻ chăn trâu bao giờ.

Nhiều lần nó bò lên bãi cát phơi nắng, bọn trẻ thường đứng từ xa cầm gạch ném, hoặc hò hét, con rùa hoảng sợ chạy một mạch xuống sông Hồng lặn mất tăm.

Điều kỳ lạ là sau vụ rùa khổng lồ tấn công trâu mộng, người dân ở ven sông Hồng đoạn chảy qua xã Xuân Quang và những xã lân cận không còn gặp nó lần nào nữa.

(Còn tiếp)


Theo Phạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
Nghệ An:

Nghệ An:
Hai “cụ” rùa được chuyển ra chùa Bái Đính chăm sóc
07/10/2009 09:08 (GMT +7)
Sau gần nửa tháng chăm sóc tại ngôi chùa 1.600 tuổi, hai “cụ” rùa đã có biểu hiện sức khoẻ không được tốt nên đã được chuyển đến chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) để được chăm sóc theo dõi.
>> Hai “cụ” rùa bất ngờ xuất hiện ở ngôi chùa 1.600 tuổi
Ông Nguyễn Nghĩa Bình, người tình nguyện trông giữ chùa Đại Tuệ cho biết, ngày 3/10 vừa qua hai “cụ” rùa đã được chuyển từ chùa Đại Tuệ ra chùa Bái Đính để tiện chăm sóc.

Gần 15 ngày “lưu trú” tại chùa Đại Tuệ, nhận thấy hai “cụ” có biểu hiện không ổn về sức khỏe (một “cụ” bị nấm ở bụng, một “cụ” chảy nước mắt và ăn uống rất kém), sau khi hỏi thăm ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan, ông Bình đã liên hệ với chùa Bái Đính đưa cả hai “cụ” ra đó để được chăm sóc tốt hơn.
Ông Nguyễn Nghĩa Bình: Hai “cụ” được chuyển ra chùa Bái Đính mong được bình yên.
Được biết, ngay sau khi tiếp nhận 2 cụ, chùa Bái Đính đã liên hệ với các chuyên gia chăm sóc rùa ở vườn Quốc gia Cúc Phương để có những biện pháp chữa bệnh, chăm sóc kịp thời…
Như đã đưa tin, hai “cụ” rùa xuất hiện tại chùa Đại Tuệ vào ngày 23/9/2009, đã gây sự tò mò, chú ý của người dân địa phương. Cả 2 “cụ” có trọng lượng 30 kg và được dự đoán khoảng 140 tuổi.
Hiện hai “cụ” rùa đang được chăm sóc tại chùa Bái Đính.
Theo Nguyễn Duy
 

Hoangminh

Member
Hành trình tìm người săn rùa khổng lồ ở Yên Bái

Hành trình tìm người săn rùa khổng lồ ở Yên Bái
02/10/2009 09:52 (GMT +7)
Xưa nay, các nhà khoa học nghiên cứu về rùa vẫn giữ kín những thông tin về xuất xứ các loài rùa, giải nghi ngờ có họ hàng với các “cụ rùa” Hồ Gươm.
Ngay như hồ Đồng Mô (Ba Vì, Hà Nội), là hồ nước được các nhà khoa học để ý, nghiên cứu kỹ lưỡng và nghi ngờ có rùa khổng lồ từ mấy chục năm nay, song thông tin mà các nhà khoa học cung cấp cho bạn đọc chỉ là: “Phát hiện loài rùa có nguồn gốc với rùa Hồ Gươm tại hồ nước cách Hà Nội 60km về phía Tây!”. Chỉ đến khi một “ông rùa” bò ra khỏi hồ, bơi lõm bõm ở sông Tích Giang và được báo chí thế giới loan tin ầm ĩ, thì người ta mới biết rằng, hồ Đồng Mô có “rùa Hồ Gươm”.
Người dân dọc sông Hồng coi loài mai cứng mới là rùa.
Chẳng thế mà chuyện một ông xã đội trưởng dùng súng AK bắn chết một “cụ rùa” ở Yên Bái từ năm 1984, được hầu hết các “nhà rùa học” nước ta và rất nhiều nhà khoa học yêu rùa trên thế giới biết đến, song hàng triệu người dân Việt Nam yêu mến “cụ rùa” Hồ Gươm vẫn không hay biết.
Tôi lang thang nhiều ngày dọc các hồ nước lớn ven sông Hồng từ ngã ba Bạch Hạc, qua huyện Cẩm Khê, Sông Thao, Thanh Ba, Yên Lập, Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ, đến tận huyện Trấn Yên của Yên Bái hỏi về loài rùa khổng lồ, song ai cũng lắc đầu không biết. Nhưng ai cũng bảo: “Rùa bé lắm, chỉ có con giải là to thôi, to như con giải ở Hồ Gươm ấy!”.

Tôi vô cùng yêu mến “nhà rùa học” Hà Đình Đức, người đã có trọn 15 năm nghiên cứu “cụ rùa” Hồ Gươm, và nhất nhất khẳng định rùa Hồ Gươm là loài rùa mới, có tên Rafetus Leloii, chứ không phải là con giải như hầu hết các nhà khoa học trong nước và thế giới phát biểu. Nhưng chuyện 100% người dân ở vùng đất dọc ven sông Hồng gọi “cụ rùa” Hồ Gươm là con giải, thì tôi cũng đành phải gọi “cụ rùa” Hồ Gươm là con giải cho dễ hỏi thăm.

Còn "cụ rùa" Hồ Gươm thì người ta gọi là con giải.
Cứ lần dò hỏi han dọc bờ sông Hồng, rồi tôi cũng có được địa chỉ của một người nổi tiếng… khắp xã Minh Quân (Trấn Yên, Yên Bái), đó là ông Hoàng Xuân Bốn. Ông Bốn nổi tiếng chỉ vì từ chục năm nay, liên tiếp có các nhà khoa học, có cả những ông Tây da trắng, cao lênh khênh đi ôtô xịn tìm gặp, thậm chí ăn ở nhà ông nhiều ngày chỉ để chụp ảnh, quay phim, ngắm nghía cái mai và cái sọ con giải đã mục.

Họ tỉ mẩn hỏi ông về tập tính loài giải, cách săn giải, cách phát hiện ra giải và kết cục là họ muốn có một câu trả lời: Đầm Minh Quân còn giải khổng lồ hay không? Mỗi khi ra về, họ đều ngỏ lời được đẽo một mẩu mai rùa bằng đầu tăm để đem đi phân tích.

Với người dân nơi dây, chuyện ông Bốn sở hữu cái mai rùa thì chả có gì đáng nói, bởi người dân nơi đây thường xuyên ninh mai rùa khổng lồ để nấu chuối xanh, hoặc đem nấu cao như nấu cao khỉ, đem pha với rượu uống tăng cường… khả năng đàn ông.

Đã có không biết bao nhiêu lượt nhà khoa học trong và ngoài nước dựng lều, hoặc ở trọ trong các gia đình bên đầm Minh Quân, cái đầm khổng lồ ngay sau nhà ông Hoàng Xuân Bốn, chỉ để mong tìm được câu trả lời: Đầm còn rùa hay không? Họ thất bại hay thành công thì có giời mới biết. Dù có may mắn chụp được ảnh cụ rùa ngóc đầu lên mặt nước thở phì phò như trâu, hoặc bới được cả đống trứng rùa to như trứng ngỗng trên đảo lau sậy, thì họ cũng chả dại gì mà công bố cho đám săn “ba ba” mai mềm khổng lồ mò đến hành nghề.

Loanh quanh mãi ở mấy cái đập của đầm Minh Quân, rồi tôi cũng tìm thấy nhà ông Hoàng Xuân Bốn.

Dù bị liệt nửa người, dù trí nhớ qua cơn "địa chấn" tai biến đã không còn rành mạch, song khi hỏi về vụ sát hại con giải khổng lồ, ông Hoàng Xuân Bốn vẫn kể lại với giọng vừa hào hứng vừa… sờ sợ.
Còn tiếp
 

Hoangminh

Member
Nghệ An:Hai “cụ” rùa bất ngờ xuất hiện ở ngôi chùa 1.600 tuổi

Nghệ An:
Hai “cụ” rùa bất ngờ xuất hiện ở ngôi chùa 1.600 tuổi
27/09/2009 11:19 (GMT +7)
Mấy ngày nay người dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bàn tán xôn xao chuyện hai “cụ” rùa đen nhánh xuất hiện tại Chùa Đại Tuệ, trên ngọn núi Đại Huệ linh thiêng.
Chùa Đại Tuệ có tuổi đời 1.600 năm, chùa nằm trên núi Đại Huệ, ở độ cao trên 420m so với mặt nước biển. Chùa nhỏ, đơn sơ nhưng rất cổ kính, không có trụ trì mà chỉ có một số người dân xã Nam Anh tình nguyện lên đây trông coi, hương khói.
Theo người canh giữ chùa Đại Tuệ, hai cụ rùa có tuổi thọ khoảng 140 năm và là lần đầu tiên xuất hiện tại đây

Ông Nguyễn Nghĩa Bình - người tình nguyện lên đây canh giữ Chùa Đại Tuệ từ năm 1991 - kể lại: “Gần 20 năm canh giữ chùa tôi chưa từng gặp bất kỳ một con rùa nào. Nhưng khoảng 8 giờ sáng ngày 23/9 vừa qua, tôi đang quét dọn thì bỗng phát hiện hai cụ rùa ẩn sau Chùa Đại Tuệ. Hai cụ nằm im lặng, không nhúc nhích. Tôi đã thắp hương cấu khấn, xin được bế hai cụ vào trong chùa cho nghỉ…”.
Hai "cụ" rất hiền, chỉ ăn mỗi chuối chín và ăn rất ít
Ông Bình cho hay, hai “cụ” rùa nặng mỗi cụ nặng hơn 15kg, mai đen nhánh, có độ tuổi khoảng 140 năm. Ông Bình tỏ ra rất bối rối không biết chăm sóc thế nào cho tốt “món quà” bất ngờ này. Ông đang liên hệ với Kiểm lâm Nghệ An và một số chùa ở nơi khác để tìm hiểu cách thức chăm sóc rùa.

Hiện hai “cụ” rùa được ông Bình chăm sóc rất cận thẩn. Theo ông Bình, hằng ngày hai “cụ” chỉ ăn chuối chín, các loại côn trùng, thịt… tuyệt đối hai “cụ” không động đến.
Anh Bùi Văn Dũng, một người dân địa phương, thích thú đến nỗi ôm hôn luôn cả "cụ". Anh bảo: "Hai cụ về đây chắc là điềm linh của chùa Đại Tuệ..."

Trong những ngày qua, nhiều người dân đổ về Chùa Đại Tuệ để tận mắt ngắm hai “cụ” rùa. Bà Nguyễn Thị Hạnh, người xã Nam Anh cho biết: “Tôi nghe đồn về việc hai “cụ” rùa bất ngờ xuất hiện ở Chùa Đại Tuệ từ mấy ngày qua, lúc đầu tôi không tin. Nhưng khi lên xem thì quả là quá ngỡ ngàng, không biết rùa từ đâu ra giữa núi rừng này. Quanh chùa này không có hồ ao, hay khe suối gì cả”.
Một góc Chùa Đại Tuệ, hiện đang được UBND tỉnh Nghệ An tôn tạo và nâng cấp

Trao đổi với PV , ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Chính quyền xã đang cho xây hai cái bể cạnh Chùa Đại Tuệ để tiếp tục nuôi dưỡng hai “cụ” rùa. Chúng tôi cũng đã báo với bên Kiểm lâm và nhờ các chuyên gia ở Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ dẫn cách nuôi cũng như chăm sóc hai “cụ” rùa quý hiếm này”.
Hai "cụ" rùa đang được nuôi dưỡng tại Chùa Đại Tuệ
Theo Nguyễn Duy
 
Top