• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đau xót rừng ươi.

KimCuong

Active Member
[imgl="Một đoàn người hái ươi trở về. Với lối tận diệt ươi bằng cách đốn ngang, e sau này họ không còn ươi để kiếm ăn - Ảnh: VÕ ÁNH"]http://halong.tuoitre.com.vn/TianyonE/ImageView.aspx?ThumbnailID=281418[/imgl]
"Rắc... ầm!", một cây ươi cổ thụ gốc to bằng mấy người ôm đổ gục xuống sau mấy tiếng rít lạnh sống lưng của cưa máy. Gần đó, rải rác những cây khác cũng vừa bị hạ, gốc còn tứa nhựa tươi...

Khi trái ươi bắt đầu chín đỏ trên những cánh rừng miền tây Quảng Nam cũng là lúc người dân đổ xô vào rừng đốn chặt ươi một cách vô tội vạ. Những cây ươi cứ thế đổ xuống tức tưởi, nằm la liệt trên khắp các khu rừng ở Nam Giang, Phước Sơn, Trà Mi... Giống cây quý của đại ngàn Trường Sơn đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Ào ạt "đi ươi"

Cả tháng nay thôn Dung (Thành Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) trở nên vắng vẻ, nhiều nhà đóng cửa im ỉm suốt ngày. Hỏi thì mấy đứa trẻ con chỉ tay vào rừng bảo: "Người làng đi ươi hết rồi!". Chiều tối mới có lác đác người cõng gùi về, gương mặt phờ phạc. Rừng gần bây giờ không còn cây ươi nữa, muốn tìm được chỉ có cách vào sâu trong rừng già. Dân đi ươi thường phải lặn lội, "nằm" trong rừng ba, bốn ngày liền, thậm chí cả tuần mới về.

Ông Ahó Bươi, trưởng thôn Dung, cho biết: "Mùa ươi thường bắt đầu từ giữa tháng bảy kéo sang đầu tháng tám. Đó là thời gian dân trong thôn đều kéo nhau vào rừng sục sạo tìm ươi. Trước kia người dân ở đây chỉ đi nhặt trái ươi đã chín rụng xuống, còn bây giờ cứ cưa ngang cây xuống mà hái. Năm nay ươi nhiều trái lắm, lại được giá nên cây ươi càng bị triệt hạ nhiều hơn". Ở thôn Dung hầu như nhà nào cũng đi ươi. Nhiều nhà cả cha mẹ, con cái đều dắt díu nhau vào rừng, đi bao giờ ươi đầy gùi mới quay về.

Mới 3g sáng nhưng chợ Thành Mỹ khá ồn ã. Mấy tốp người với lỉnh kỉnh cưa máy, dao, rựa... đang ngồi ăn uống chuẩn bị lên đường. Họ từ huyện Đại Lộc kéo lên đây khai thác ươi. Được trang bị đồ nghề chuyên nghiệp hơn nhiều so với dân địa phương và thường cắm trụ dài ngày trong rừng nên đoàn người này đi đến đâu là những thân ươi đổ rạp xuống đến đó. Thấy người ngoài đến phá, dân địa phương nóng ruột cũng... sắm cưa máy kéo vào rừng hạ ươi. Cứ thế họ thi nhau hạ hết, không kể cây nhỏ hay cây to, cứ cây nào có quả là hạ.

Tận diệt

[imgl="Một gốc ươi trên trăm tuổi bị hạ sát - Ảnh: GIANG ANH"]http://halong.tuoitre.com.vn/TianyonE/ImageView.aspx?ThumbnailID=281419[/imgl]
Theo chân anh Arất Nghiếu (thôn Dung, thị trấn Thành Mỹ, Nam Giang), chúng tôi lội bộ cả ngày trời vào rừng để chứng kiến tận mắt cảnh người ta khai thác ươi. Đi khoảng 3-4 giờ đã bắt đầu thấy những thân ươi vừa mới bị hạ từ đầu mùa.

Càng vào sâu trong rừng càng bắt gặp nhiều gốc ươi bị cưa ngang, nhựa tứa ra đỏ quạch, thân cây nằm la liệt khắp rừng. Một cây ươi như thế ngã xuống là bao nhiêu cây khác gãy rạp theo, cả một khoảng rừng bị phạt phăng. Bốn phía cánh rừng, sau tiếng cưa máy ì ầm là tiếng cây đổ. Ươi ngã đấy. Nhìn một cây rất to vừa đổ gục, Arất Nghiếu tiếc nuối: "Cây đó cũng phải 60-70 tuổi là ít. Dân mình cứ khai thác kiểu này thì còn chi là ươi, còn chi là rừng!".

Theo nhiều người dân, trước kia những cánh rừng xung quanh thôn Dung, thôn Mực, thôn Pa Dương... có rất nhiều ươi. Cứ đến mùa ngồi trong nhà mở cửa nhìn ra cũng thấy trái ươi chín đỏ rực trong rừng. Người dân chỉ việc chờ ươi khô đi, rụng xuống là mang gùi đi nhặt về ăn hoặc bán. Còn bây giờ tìm đỏ mắt ở đây cũng không thể tìm nổi được cây ươi nào. Dân đi ươi có khi phải vào sâu trong rừng cả ngày trời mới tìm được ươi. Những cánh rừng Y Mười, Khe Cát, Khe Lon, Khe Plau... đâu đâu cũng có bước chân dân đi ươi, đâu đâu cũng thấy những thân ươi bị hạ xuống nằm ngổn ngang khắp rừng.

Chỉ cần hạ một cây ươi sai quả, thu chừng vài chục kilôgam là đã có tiền triệu nên họ cứ thế tranh nhau tìm hạ. Nếu may mắn một chuyến đi 3-4 ngày mỗi người có thể kiếm được cả triệu đồng, ít cũng vài trăm nghìn. Với những người dân nghèo khó ở đây đó là một khoản tiền rất lớn.

Ươi là một giống cây khá kỳ lạ, năm này ra quả thì có khi phải đến sáu, bảy năm sau mới ra quả trở lại. Bởi thế nhiều cây ươi chưa đến kỳ có quả mới có cơ hội tồn tại. "Nhưng cứ đà này vài năm nữa là hết thôi, con cháu sau này sẽ không còn biết đến cây ươi nữa! - thôn trưởng Ahó Bươi than thở - Trước đây mùa ươi kéo dài đến mấy tháng vì người ta còn phải chờ trái ươi rụng xuống. Chứ bây giờ hễ đến mùa là tụi nó đưa cưa máy vào cưa phăng hết, chỉ hơn nửa tháng là tất cả cây ươi có trái đã nằm rạp hết xuống rừng rồi".

* Dạo qua khắp các thôn Dung, thôn Mực, Pa Dấu, Pha Dương, Đồng Râm... của thị trấn Thành Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), đâu cũng thấy ươi phơi đỏ trong các sân và nhiều thương lái tìm đến tranh nhau mua. Giá ươi cứ tăng lên vùn vụt, đầu mùa giá 1kg ươi bay loại đẹp (quả ươi chín khô rồi bay xuống đất) chỉ 50.000 đồng thì nay đã lên hơn 90.000 đồng. Giá ươi xanh phơi khô cũng xấp xỉ 50.000 đồng.

* Ươi bay là loài cây thân gỗ, cao 25-30m, phân bố chủ yếu ở Trung Trung bộ và Tây nguyên. Gỗ ươi mềm, có vân đẹp, giá trị xuất khẩu cao. Đặc biệt, quả ươi có giá trị dược liệu và làm nước giải khát. Hiện nay quả ươi được xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc.


Ở Quảng Nam trước đây cây ươi có nhiều ở hầu hết các huyện miền núi. Tuy nhiên do tình trạng khai thác tràn lan nên số lượng ngày càng giảm và có nguy cơ mất hẳn. Hiện nay ươi còn nhiều nhất là ở các vùng núi cao Nam Giang, Phước Sơn... Các huyện khác như Trà Mi, Quế Sơn... hiện còn rất ít, nhiều vùng cây ươi hoàn toàn bị xóa sổ.

(Tuoitre online)
 
Top