• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đời voi

Tây Nguyên từng một thời có đàn voi nhà đông đúc, lừng lẫy với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Giờ đây, đàn voi chỉ còn tập trung ở Đắk Lắk, nhưng sự sút giảm của quần thể voi nhà đang cần những giải pháp cứu nguy.

Một thời vang bóng


Voi chở khách du lịch ở hồ Lắk

Trong căn nhà của con trai Khăm Phết Lào, ông Ama Kông lần tay sờ từng sợi dây da trâu đen, săn chắc, những kỷ vật quý giá còn lại của một thời làm “vua” săn voi nức tiếng buôn gần, buôn xa. Trên tấm da thuộc lớn, một tờ giấy trắng khổ A3 được dán chặt với dòng chữ chú thích: “Dụng cụ vua voi Bản Đôn - Ama Kông - Săn bắt voi rừng 298 con, trong đó có 3 con voi trắng”. Đôi mắt ông hấp háy, vẻ mặt rạng lên khi nghe hỏi đến chuyện voi: “Cả vùng Buôn Đôn ngày xưa voi nhiều lắm, vào rừng Yok Đôn chỉ nửa ngày là gặp voi rừng, còn đi trên đường buôn nào cũng đụng voi nhà. Chiều chiều voi đưa bà con đi rừng, đi rẫy về tắm táp, đùa giỡn ầm ĩ cả một khúc sông Sêrêpốk. Quanh năm, hết buôn này đến buôn kia trong vùng đều có lễ cúng voi. Đầu tiên là cúng thần Nguăch Ngual (thần bảo vệ voi), rồi cúng các thần rừng, thần núi để người chủ voi có sức mạnh sử dụng những đồ dùng săn bắt voi, phải cúng cái brắt bung (dây cột voi), cúng cái kreo (dùi móc điều khiển voi)...”.

Cứ thế, những hồi ức về voi làm Ama Kông hứng khởi hẳn lên. Ông lấy chiếc tù và ra thổi. Âm thanh u u trầm bổng thoát ra từ chiếc tù và mà ngỡ như tiếng vọng của núi rừng. Ông bảo, thổi để nhớ những ngày sung sức ngồi trên bành voi nhà, xông vào giữa đại ngàn quăng tròng bắt con voi rừng; rồi trở về, tiếng tù và giục giã báo cho bà con trong buôn chuyến đi săn thắng lợi...

Nhưng như Ama Kông nói, ông chưa thể sánh với ông ngoại của mình là Y Thu Knul (1828-1938), người tù trưởng nổi tiếng với sự nghiệp chinh phục voi rừng và khai phá, gây dựng nên các buôn làng vùng Buôn Đôn. Ông Y Thu được phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp, “vua săn voi” đích thực, bởi thành tích săn hơn 400 con voi rừng, trong đó có những con voi trắng tặng cho nhà vua Xiêm (Thái Lan). Giờ đây, du khách đến Buôn Đôn tìm hiểu “văn hóa voi” không thể không ghé thăm khu nghĩa trang thiêng dành riêng cho những gru (dũng sĩ săn voi) nổi tiếng. Mộ của Khun Ju Nốp nằm nổi bật giữa rừng cây xanh thẫm...

Ít ai biết rằng, ông Vong Nhi Ksơr, Phó bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, là pho từ điển sống về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đơn giản vì ông là con trai một trong những người nuôi voi nhiều nhất đã quá cố cuối thế kỷ trước, ông Nay Phăn ở buôn Đrang Phốk. Cách đây chục năm, ông Vong Nhi cũng có đàn voi đông nhất nhì Tây Nguyên, chừng 6-7 con, hiện giờ chỉ còn 2 con. Ông kể, thuở trước, buôn Đrang Phốk nằm lọt thỏm giữa rừng Yók Đôn, cả buôn chưa đến 50 nóc nhà, nhưng gần như nhà nào cũng có voi. Ông Nay Phăn là “đại gia” với đàn voi đông nhất (30 con) và là người chuyên đứng ra tổ chức các cuộc đi săn voi ở buôn Đrang Phốk. Những thợ săn chuyên nghiệp nổi tiếng nhất trong buôn phải kể đến Y Bay, Y Srưh, Ama Két, Ama Srưn, Nay Phải...

Vì đâu nên nỗi?

Những đồn đại về đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ gặp may mắn cũng đem lại thêm nỗi đau cho voi nhà và kéo theo công nghệ... làm giả lông đuôi voi. Hầu hết những con voi du lịch ở Đắk Lắk đều bị nhổ trộm lông đuôi, chiếc đuôi còn lại trông trơ trụi, xơ xác. Năm ngoái, con voi Na Khun của ông Lê Văn Quyết, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đang phục vụ du lịch tại huyện Lắk đã bị kẻ trộm chặt mất một đoạn đuôi dài gần 40 cm. Lông đuôi voi càng hiếm, giá càng đắt, mỗi sợi lông từ 300.000 - 400.000 đồng hoặc cao hơn đã khiến nhiều nài voi không bỏ qua. Một hướng dẫn viên du lịch ở Buôn Đôn tiết lộ, chính các nài voi đã góp phần vặt trụi đuôi voi của mình (để khỏi bị nhổ trộm) và sẵn sàng cung ứng lông đuôi cho khách du lịch với giá cao (!).
Thời hưng thịnh của đàn voi nhà ở Đắk Lắk dường như đã qua. Những năm gần đây, tin tức những con voi nhà bị chết làm nhiều người sốt ruột. Kết thúc cuộc điều tra khảo sát voi nhà và voi rừng trên địa bàn Đắk Lắk vào tháng 11 vừa qua, tiến sĩ Bảo Huy cùng nhóm cộng sự tại Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường - Khoa Nông lâm nghiệp ĐH Tây Nguyên bắt tay vào tập hợp số liệu và viết báo cáo tình hình. Mấy ngày sau, họ nhận được tin buồn: một con voi ở Ea Rbin, một xã vùng sâu của huyện Lắk, bị chết. Như vậy, trong những năm qua, gần như năm nào cũng có voi nhà “ra đi”.
Theo số liệu điều tra của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, năm 1979, số lượng voi nhà của cả tỉnh này là 502 con; nhưng đến năm 1990, chỉ còn 298 con. Tốc độ giảm sút đàn voi đáng kinh ngạc: năm 1999 còn 112 con voi, đến năm 2000 đã giảm xuống còn 96 con. Đầu năm 2007, thống kê đàn voi Đắk Lắk chỉ còn 64 con. Một tài liệu điều tra đã ghi nhận trong hai năm 2005-2006, số lượng voi của Đắk Lắk hao hụt ở mức kỷ lục: 20 con; trong đó, 12 con bị chết, 8 con bị bán hoặc cho ra ngoài tỉnh. Huyện Buôn Đôn mất đi nhiều nhất, đến 9 con. Trong số voi bị chết, chỉ có 2 con ở độ tuổi 60, số còn lại từ 30 đến 40, 50. Một “kỷ lục” khác là trong vòng một tháng (5.2008), có 3 con voi nhà ở Đắk Lắk bị chết. Đầu tiên là con voi 50 tuổi của ông Ma Nia ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn bị chết đột ngột ngày 13.5. Hôm sau, con voi có tên Khăm Phanh của gia đình bà H'Be ở buôn Tul A, xã Ea Wel, cùng huyện, cũng lìa đời sau nửa tháng bỏ ăn, nằm liệt. Đến ngày 27.5, con voi Y Trút 68 tuổi của ông Đàn Văn Long ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk đã gục ngã trong Khu du lịch sinh thái Buôn Jun...

Phần lớn những con voi nhà bị chết trong thời gian gần đây do già yếu hoặc bệnh tật. Có những con chết bởi nguyên nhân bị biến thành voi làm du lịch hoặc cho lâm tặc thuê lén lút kéo gỗ quá sức, ngay cả khi đang đau ốm. Nhắc đến chuyện voi làm du lịch, ông Vong Nhi Ksơr, Phó bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, không khỏi lo lắng: “Voi chở khách đi chơi đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Đắk Lắk, nhưng vì thế mà voi nhà yếu sức đi nhiều. Con voi cần ăn cả ngày mới đủ no. Làm du lịch thì không còn thời gian đi ăn, chỉ được hưởng chút ít mía, chuối của du khách cho thi làm sao đủ dinh dưỡng. Tập tính loài voi khi đau ốm thường vào rừng tìm loại lá cây chỉ nó biết để tự chữa trị. Nhiều voi nhà bị bệnh vì thức ăn của con người cung cấp không sạch, nhưng do bận làm du lịch, voi không được vào rừng tìm thuốc nên càng yếu thêm”.

Voi bị xích hàng ngày chờ khách ở khu du lịch

Năm 2006, sau những chuyến điền dã ở Đắk Lắk, GS-TSKH Lê Huy Bá – Trung tâm Sinh thái, Môi trường và Tài nguyên (CEER), cho biết, voi nhà Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ của những cơn lốc tuyệt chủng và với tốc độ suy giảm như hiện nay thì trong vòng 30 năm nữa, voi nhà có thể không còn tồn tại.

Đã có những đề xuất về bảo tồn và phát triển voi nhà ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả vẫn chưa được xem xét, thực thi; trong khi đàn voi nhà tiếp tục “rơi rụng” dần.n

Bài & ảnh: Trần Ngọc Quyền
 
Top