Khổ vì bò tót
Khổ vì bò tót
TT - Một con bò tót tách bầy, về làng húc bị thương ba người, phá nát hàng chục hecta nương rẫy, đang làm người dân xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) điêu đứng. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm đang gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm tính mạng cho cả người lẫn bò tót.
Bò tót về rẫy - Ảnh: V.Sự
Xuất hiện từ hơn một năm nay, con bò tót đực đen trũi, nặng gần 1 tấn này đã chọn mé rẫy ven sông Cái thuộc thôn Pạc Rây 2, xã Phước Bình làm “đại bản doanh”.
Quyết không về rừng
Sau một thời gian mai phục, chiều ngày 5-9, chúng tôi đã gặp được bò tót tại tiểu khu 20 – VQG Phước Bình.
Từ TP Phan Rang, ngược 80km đường rừng, chúng tôi chạm ngõ rừng Phước Bình. Đây là vườn quốc gia với hệ sinh thái nhiệt đới và cận nhiệt đới, giáp giới với cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) và VQG Bi Duop (Khánh Hòa), có hệ động, thực vật rất phong phú.
Trước lúc dẫn chúng tôi vào tiểu khu 20, anh Phạm Ngọc Thành, Trạm trưởng trạm Pạc Rây 1 - Hạt kiểm lâm khuyến cáo: “Ngay cả chúng tôi ở đây cũng chỉ thấy bò tót từ xa chứ không mấy khi đến gần vì con bò tót này rất hung dữ, đã húc bị thương ba người rồi đấy!”.
Ba kiểm lâm với đầy đủ phương tiện bảo vệ và người dẫn đường Pinăng Quang đã đưa chúng tôi vào tiểu khu 20, nơi con bò tót tách bầy xuất hiện thời gian gần đây. Dọc đường, theo mé sông Cái, nhiều rẫy bắp, khoai của bà con Rắc Lây đã bị bò tót phá nát. Chọn căn chòi rẫy bỏ hoang cạnh rẫy điều, chúng tôi mai phục suốt một buổi sáng. Cuối cùng, 15g chiều 5-9, bò tót đã xuất hiện.
Giữa đám trúc rừng lô nhô, một khối đen trũi, lẫm lũi bước ra bãi cỏ nơi có đám bê con và bò cái thả rong đang ăn cỏ.
Khoảng cách lúc này từ chúng tôi đến bò tót khoảng hơn 100m, nhưng cũng đủ nhận thấy con bò rất to, gấp ba đến bốn lần con bò nhà to nhất đứng cạnh đó. Anh Thành ước tính: “Con bò này nặng từ 8 tạ đến 1 tấn. Nó có thể là con bò đầu đàn của một đàn bò tót”.
Sau chừng 15 phút thăm dò, chúng tôi đề nghị anh Thành và người dẫn đường Pinăng Quang cho dấn sâu hơn đến bò tót. Anh Thành ngần ngừ. Rồi từng bước chậm rãi, 70m, 50m và cuối cùng là 20m, chúng tôi cách thật gần con bò tót.
Từ khoảng cách rất gần này có thể nhận thấy đầy đủ chân dung loài thú vốn được xem là có sức mạnh và nguy hiểm chỉ kém loài hổ tại các cánh rừng nhiệt đới. Thân mình đen trùi trũi, từng khối cơ nổi lên, bốn chân trắng toát và đặc biệt là bò tót không có cục u trên lưng như bò nhà mà có hẳn một sống cơ nổi lên chạy dài dọc sống lưng.
Xung quang bò tót lúc này là một con bò mẹ và hai chú bê con. Anh Pinăng Quang cho biết bò tót rất ghét bò đực nhà nuôi, gặp là đuổi chạy chí chết và đã từng húc chết một con bò kéo của ông Ngô Văn Chuẩn ở thôn Pạc Rây 2. Tuy nhiên với bò cái và bê con thì lại rất thân thiện. Thậm chí bò tót còn theo cả một số bò cái về tận chuồng vào ban đêm và không chịu về rừng khiến gia chủ hốt hoảng bỏ chạy.Dù đứng từ khoảng cách 20 m, nhưng chúng tôi vẫn nghe rất rõ tiếng thở phì phò của bò tót.
Tất cả cái máy ảnh đều đã sẵn sàng, nhưng khi vừa giơ máy lên chụp được vài kiểu thì tức thì bò tót găm sừng xuống đất, hất tung cỏ, phồng mũi và mắt long sọc lên. Anh Thành ra lệnh: “lùi lại, bỏ máy ảnh xuống”. Sau khi lùi lại, anh Thành nói rõ đó chính là thái độ muốn tấn công của bò tót, nếu còn tiếp tục giương máy ảnh lên bò tót sẽ hiểu đó là thái độ khiêu khích và phóng tới ngay lập tức. Đã có một người dân thôn Pạc Rây 2 vì dùng điện thoại chụp ảnh mà bị bò tót rượt đuổi, đạp toác da đầu.
Ngay sau đó, anh Đàng Năng Huy, một kiểm lâm của VQG Phước Bình đã tách ra và làm hiệu lệnh để thu hút sự chú ý của bò tót nhằm giúp chúng tôi có điều kiện chụp ảnh. Sự giúp đỡ này của anh Huy đã rất hữu ích, những tấm ảnh và nhiều đoạn phim về bò tót đã được TTO ghi lại. Thỉnh thoảng, phát hiện có người chĩa máy ảnh từ hướng khác, con bò tót lại đe dọa nhưng thấy chúng tôi rút lui, sau một hồi bò tót lại trở lại bình thường.
Ông Pinăng Hiền, chủ đám rẫy điều nay đã thành “đại bản doanh” của bò tót, cho biết bò tót thường xuất hiện lúc 16g, ở lại qua đêm với bò cái nhà ông và đến sáng sớm hôm sau lại lủi về rừng. Các nhân viên kiểm lâm cho biết thêm khi mới xuất hiện, bò tót chỉ mon men ở các đám bắp lưng chừng núi, nhưng sau đó ngày càng dạn dĩ, xộc thẳng vào các đám rẫy ven suối.
Từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 bò tót không xuất hiện, nhưng thời gian gần đây thì xuất hiện liên tục và ngày càng tỏ ra không ngán ngại con người. Nhân viên kiểm lâm và người dân nhiều lần hợp sức đuổi bò tót về rừng nhưng ngay hôm sau đã thấy xuất hiện trở lại và hung hãn hơn.
Các cán bộ Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Phước Bình tiếp cận bò tót - Ảnh: Viễn Sự
Dân mất ăn mất ngủ
Ông Pinăng Hà, cha của em Pinăng Tém (10 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng khi con mình vừa mới xuất viện do bị bò tót móc lòi ruột: “Con bò này khỏe lắm, mình vừa thấy nó ở đầu xa, kêu con chạy đi nhưng nó phóng có ba bước đã tới chỗ, móc bay thằng nhỏ”. Trước đó, bò tót cũng từng say máu rượt đuổi và làm bị thương hai người khác là anh Nguyễn Đức Thành bị đạp vô mặt và Pinăng Kít bị đạp tróc da đầu.
Anh Pinăng Quang và đám bắp đã bị bò tót dẫm nát - Ảnh: VIỄN SỰ
Trưởng thôn Pạc Rây 2 Katơ Hậu cho biết bò tót đã bốn lần bơi qua sông Cái vào ban đêm, leo lên bờ cỏ sát đường lớn thuộc khu dân cư làm bà con bỏ chạy. Trong những lần đột nhập đó, bò tót đã húc chết một con bò đực lớn và đe dọa bất cứ ai tới gần. Hiện người dân thôn Pạc Rây 2 chỉ canh tác các đám rẫy ven sông Cái, còn các đám rẫy lưng chừng núi đều phải bỏ hoang vì sợ bò tót tấn công sẽ không kịp tháo chạy. Đã có ba chòi rẫy bị bò tót húc đổ, người dân chỉ dám đi làm ban ngày, còn ban đêm đều trở về nhà mà không dám ở lại chòi rẫy như trước.
Có ít nhất ba đàn bò tót tại Ninh Thuận
Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, con trưởng thành cao đến 1,9m, nặng 800-1.000kg, chân trắng, mình đen, hung dữ chỉ đứng sau loài hổ. Tại VN, bò tót được đồng bào dân tộc ít người gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do có hình dáng tương tự loài trâu. Riêng đồng bào Raglay tại Ninh Thuận thì gọi là kvây - con vật hung dữ và to lớn. Các chuyên gia động vật học thế giới đã công nhận loài bò tót VN là một trong những loài bò tự nhiên to nhất thế giới.
Hiện cả bò tót lẫn bò rừng ở VN còn khoảng 200 con, trong đó bò tót ít hơn nên quý hiếm hơn. Riêng tại Ninh Thuận, những cứ liệu gần đây cho thấy có ít nhất ba đàn bò tót đang sống. Trong đó một đàn sống tại Ma Nới (Ninh Sơn) không xác định số lượng. Hai đàn còn lại sống tại vườn quốc gia Phước Bình, có địa bàn cư trú lấn sang cả vườn quốc gia Biduop (Khánh Hòa), có từ 30-40 con.
Ngoài việc đe dọa đến tính mạng con người, con bò tót này còn phá nát hàng chục hecta bắp, mì, đậu. Chỉ vào những đám rẫy bắp héo vàng dọc sông Cái từ chân cầu treo đến giáp giới tiểu khu 20, ông Katơ Hậu nói chưa thống kê được thiệt hại của bà con nhưng khu rẫy của hơn 30 hộ dân trên 20ha này đã tan hoang từ cả tháng nay sau khi bị bò tót vào ăn và đạp nát.
Lo lắng cho tính mạng và tài sản của người dân, sáng 6-9 tổ cảnh báo bò tót gồm các cán bộ thôn, nhân viên kiểm lâm và một số thanh niên có sức khỏe đã được thành lập. Tổ sẽ thường xuyên túc trực tại cầu treo sông Cái, thông báo cho bà con để có biện pháp xua đuổi khi bò tót xuất hiện.
Tiến thoái lưỡng nan
Sự xuất hiện của bò tót là một niềm vui ở vườn quốc gia Phước Bình vì sự đa dạng sinh học được khẳng định thêm. Dù vậy, ông Nguyễn Công Vân - giám đốc vườn quốc gia Phước Bình - rất lo lắng: “Bò tót là loài có tên trong Sách đỏ, bằng mọi giá phải bảo vệ. Tuy nhiên tính mạng của người dân còn cao hơn và chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Phương án đuổi bò tót về lại rừng đã được thử suốt cả năm qua, nhưng theo ông Vân, chắc chắn không thực hiện được bởi lẽ đây là con bò đã bị bầy đàn tẩy chay không muốn quay về rừng và ngày càng dạn hơi người.
Phương án thứ hai được tính tới là bắn thuốc mê và di chuyển bò tót ra nơi khác cũng khó khả thi. Bởi lẽ bò tót khác với voi, hổ... rất khó thuần hóa vì chúng có sức mạnh ghê gớm, không thể nuôi nhốt. Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cũng chưa từng có tiền lệ cứu hộ được bò tót. Đồng thời cũng không thể cho bò tót nhập bầy khác như với trường hợp voi Tánh Linh (Bình Thuận) được đưa về Yok Đôn (Đắk Lắk) vì đặc tính tự nhiên của bò tót không cho phép.
Trong lúc chưa có phương án nào khả thi, người dân và nhân viên kiểm lâm vẫn phải sống trong sự phập phồng. Vườn quốc gia Phước Bình đã trích ngân sách 8 triệu đồng để lo thuốc men, lương thực cho một số bà con bị thương và nương rẫy bị phá hại do bò tót gây ra. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý cấp 25 triệu đồng cho vườn quốc gia Phước Bình để sử dụng vào việc bảo vệ và canh giữ bò tót.
Một nỗi lo lắng khác cũng rất thực tế là thông tin về bò tót hiện đã xuất hiện trên nhiều tờ báo và những thợ săn chuyên nghiệp từ nơi khác sẽ nhòm ngó, lúc đó công tác bảo vệ bò tót sẽ còn khó khăn hơn. “Chúng tôi sẽ sớm có công văn gửi Cục Bảo tồn VN và bằng mọi giá phải sớm có giải pháp để bảo đảm sự an toàn cho người dân và tính mạng của con bò tót này” - ông Nguyễn Công Vân cho biết.
Chưa xác định việc có bê con lai bò tót
Những ngày qua, một số tờ báo đưa tin, hình ảnh về một con bê được cho là con của một bò cái nuôi nhốt lai với bò tót. Ông Nguyễn Công Vân cho biết đây là thông tin chưa được xác tín. Ngoài báo Tuổi Trẻ và TTXVN, thời gian qua không có phóng viên nào vào ghi hình bò tót, và những hình ảnh về con bê lai bò tót trên cũng không phải do vườn quốc gia Phước Bình cung cấp.
Theo các nhân viên kiểm lâm tại Phước Bình, đúng là có hiện tượng bò tót đòi giao phối với bò nhà nhưng vì trọng lượng bò tót quá lớn nên chưa ghi nhận trường hợp giao phối thành công. Riêng con bê nghi lai với bò tót có to hơn các bê cùng lứa nhưng về màu lông, vóc dáng cũng chưa thể khẳng định lai với bò tót.
Sau gần hai giờ đồng hồ tiếp cận, trời chuyển mưa và sầm sập tối, chúng tôi quyết định rút lui trước khi mưa có thể làm hỏng máy ảnh. Và những hình ảnh dưới đây, theo các cán bộ của VQG Phước Bình là sau nhiều năm theo dõi bò tót họ cũng chưa từng tiếp cận và ghi bò tót từ khoảng cách gần như vậy.
Từ khoảng cách 50m
Cận cảnh bò tót - Ảnh: VIỄN SỰ
Cũng như bò nhà, bò tót cũng ăn cỏ và nhai lại - Ảnh: VIỄN SỰ
Thấy chúng tôi chụp ảnh, bò tót làm rất nhiều động tác: ủi đất, phồng mũi, ngoác đầu, chạng chân… để đe dọa - Ảnh: VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ - SƠN LÂM