• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đàn voọc Cát Bà đã tránh được nguy cơ tuyệt chủng.

KimCuong

Active Member
[imgl="Voọc Cát Bà"]http://www.envietnam.org/E_News/E_240/Images/E_240_image_012.jpg[/imgl]
Từ chỗ đàn voọc Cát Bà chỉ có 53 cá thể và đang có nguy cơ tuyệt chủng, hiện nay, sau 7 năm thực hiện dự án bảo tồn loài động vật quý hiếm này tại Vườn Quốc gia Cát Bà, đàn voọc đã tăng thêm 11 con, đưa tổng đàn lên 64 cá thể và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bà Rossi Stenker - Giám đốc dự án đã cho biết như vậy.

Voọc “đầu trắng“ ở Cát Bà là loài linh trưởng quý hiếm hiện còn rất ít trên thế giới

Dự án bảo tồn loài động vật quý hiếm này do Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) của Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ và chính thức được triển khai vào đầu tháng 11/2000. Kết quả nêu trên đã được nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đánh giá là "kỳ diệu" và là điều chưa có tổ chức, cá nhân nào làm được. Thành công bước đầu của dự án khẳng định, vườn quốc gia Cát Bà có môi trường sống thuận lợi để loài linh trưởng này phát triển.

Dự án bảo tồn loài voọc Cát Bà tập trung vào 3 mục tiêu chính là làm ổn định quần thể thông qua tuyên truyền người dân không săn bắn; thiết lập khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo đảm sinh cảnh thích hợp cho quần thể voọc đang tồn tại, phát triển và tăng khả năng sinh sản của chúng. Trong giai đoạn đầu, hoạt động của dự án tập trung vào các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn cho người dân, đồng thời nâng cao khả năng bảo vệ toàn diện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các nhóm bảo tồn ở mỗi địa phương.

Dự án đã vận động người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng và động vật hoang dã thông qua việc hỗ trợ 6 xã, thị trấn của đảo Cát Bà thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ rừng. Các câu lạc bộ này bao gồm hai bộ phận nòng cốt: Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng (đại diện các lãnh đạo xã) và Tổ xung kích Bảo vệ rừng (đại diện các hộ gia đình). Các câu lạc bộ hoạt động dưới sự giám sát của Hạt kiểm lâm huyện Cát Hải và được hỗ trợ về tài chính từ dự án. Hàng tháng, các Câu lạc bộ có 10-15 buổi tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của các xã và thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tại khu dân cư về quy định pháp luật đối với công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ chim di cư và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án còn hướng dẫn các gia đình quản lý rừng và các khu có voọc sinh sống gần địa bàn của từng xã, thiết lập và duy trì mạng lưới giữa các gia đình với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, coi giáo dục bảo tồn là nhiệm vụ chính và tổ chức các hoạt động tuyên truyền độc lập.

Hoàng Vân (Nguồn: monre.gov.vn)
 
Top