• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Ăn của rừng, của trời…

(TT&VH) - Dân nhậu ở Sài Gòn không khó khăn lắm để tìm một quán bán thịt thú rừng để chiêu đãi bạn bè và chiến hữu làm ăn. Chính vì nhu cầu cao của các “thượng đế” như thế đang khiến cảnh săn bắt thú rừng đưa về phố vô cùng nhộn nhịp.

Những thực đơn hàng trăm món từ thịt thú rừng sẵn sàng phục vụ quý khách. Đặc biệt, hiện món ăn “đặc sản” khỉ đuôi dài đang “nở rộ” khiến nhiều bầy khỉ ở ngay huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Ở TP.HCM chuyện mua bán động vật hoang dã đang diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” và chỉ cần có nhu cầu, dám chi tiền là có... tất cả. Dạo một vòng người viết không khó để nhận thấy các loại chim trời như cò trắng, gà nước, chim cuốc, bìm bịp, vịt trời, tràng nghịch, diệc, coòng coọc, le le, cò đất... được bày bán nhộn nhịp tại nhiều khu vực ngoại thành mà không ai ngăn chặn.

Thảm sát chim trời


Chim hoang dã được bán công khai

Chúng tôi có mặt tại đường dẫn qua cầu Phú Mỹ, nằm bên phía quận 2, TP.HCM vào một buổi chiều, hàng loạt những điểm bán các loại chim mọc lên hai bên đường. Rất nhiều chim rừng được người bán vặt lông, thui vàng ươm, được đặt trên nắp thùng xốp và bán cho người qua đường.

Chúng tôi ghé lại một điểm bán, cách chân cầu Phú Mỹ không xa, người đàn ông tên Thành vồn vã mời chúng tôi mua thịt cu ngói với giá 200.000 đồng/kg.

“Hôm nay mới có hàng cu ngói đó mấy ông, ăn ngọt thịt lắm. Mấy hôm trước kiếm không có đâu, món này về nhậu “bắt” mồi là khỏi chê luôn” - anh Thành chào hàng. Theo anh Thành những con chim này được đưa từ các tỉnh miền Tây lên, sau đó được vặt lông, khò bằng bình gas mini và mỗi ngày, riêng anh Thành bán gần 10kg thịt chim các loại.

Qua quan sát, có hơn 10 điểm bán thịt chim tại khu vực này, những người kinh doanh thịt chim cho biết, khu vực bày bán chim tự phát này hoạt động từ đầu năm nay và bán nhộn nhịp vào giờ sáng và giờ tan tầm. Chỉ hơn 20 phút quan sát chúng tôi thấy kẻ mua người bán tấp nập. Chúng tôi quay sang hỏi anh Thành có bán thịt chim rừng không? Anh Thành cho biết: “Có một ông chuyên bán thịt chim rừng. Thường thì ông ấy bán từ sáng đến chiều luôn, nhưng chiều nay bán hết hàng rồi nên ông ta về sớm. Mấy ông muốn mua, sáng mai ghé sớm là gặp. Ổng không có ngồi yên một chỗ như tụi tôi mà chạy xe máy lòng vòng khu vực này vậy đó”.

Chúng tôi đặt vấn đề về kiểm tra của lực lượng thú y và về vệ sinh thực phẩm của những loại thịt chim này, anh Thành nói ngay: “Bán ở mấy đường khác còn sợ chứ, ở đây khỏe re. Có gì thì “nhảy” xe chạy qua cầu sang quận 7 là hết chuyện, mà bán từ bữa giờ có thấy kiểm tra gì đâu. Còn chất lượng chim, mấy ông yên tâm, nhiều người mua đây rồi, có sao đâu. Nếu ăn bị gì, mấy ông cứ quay lại đây tìm tôi, tôi bán thường xuyên ở đây mà (?!)”. Không chỉ tại khu vực đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, trên tuyến đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định (quận 2), vẫn có rải rác những điểm bán thịt chim với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/kg.

Theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định rõ người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi nhốt; giết động vật rừng trái pháp luật; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước.
Từ lâu thịt chim được xem như món ăn độc đáo, hấp dẫn của dân nhậu. Hàng ngàn nhà hàng đang hoạt động ầm ĩ tại đất Sài Gòn này, phục vụ cho các “thượng đế” những món đặc sản chim trời, thú rừng... Thế nhưng để đáp ứng cho nhu cầu đó, giờ đây những vườn chim với nhiều chủng loại ở ĐBSCL đã thưa thớt, giảm nghiêm trọng. Anh Nguyễn Vĩnh Lộc, là người con của quê hương vùng đất “chín rồng” này và cũng là tay nhiếp ảnh nghiệp dư cay đắng nói: “Hình ảnh những đàn chim, cò... bay trắng đồng chỉ còn ghi lại trong hình ảnh tuổi thơ của tôi mà thôi. Bây giờ để có thể chụp được những tấm ảnh như vậy, thật không phải là dễ. Con người đã thảm sát... chim trời”.

Thú rừng, thú quý lên bàn nhậu

Chúng tôi lại tiếp tục có mặt tại nhà hàng mang tên khá kêu “T.T” quận 3, TP.HCM. Bước vào bên trong nhà hàng, đập vào mắt chúng tôi là những bình rượu to được ngâm với con bìm bịp, bào ngư, tắc kè... trang hoàng trên tường của nhà hàng, cùng với những câu đối sặc mùi... “ăn nhậu”.

Thực đơn gồm toàn món từ thịt thú rừng của nhà hàng T.T

Sau khi yên vị, nhân viên phục vụ đưa cho chúng tôi 2 cuốn menu (thực đơn), trong đó 1 menu chuyên về “đặc sản rừng” gồm: rắn hổ mang bành, rắn hổ mang chúa, bàn tay gấu, trút, chồn, heo rừng, nhím, cheo cheo, le le, dúi, dơi, kỳ tôm... Anh nhân viên quảng cáo: “Nhà hàng cung cấp thịt rừng tươi sống nên tính theo ký. Giá bàn tay gấu khoảng 2,8 triệu đồng/kg, nhưng phải đặt trước một ngày, kỳ tôm hơn 300.000 đồng/kg... Đảm bảo hàng chất lượng, trừ bàn tay gấu ra, nếu đặt hàng các món còn lại phải chờ khoảng 45 phút để nhân viên đi lấy hàng về cho khách xem, cân lên và sau đó là chế biến”.

Nhà hàng T. T chỉ là một trong hàng trăm những nhà hàng đang kinh doanh các loại thịt rừng, động vật hoang dã trên địa bàn TP.HCM. Hiện các khu vực thuộc quận 3, 1, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức... là tập trung nhiều nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng nhất. Cứ vào mỗi tối, khu vực phường Bình Thọ (Thủ Đức) với hàng chục nhà hàng đặc sản thịt rừng hoạt động nhộn nhịp, bởi khách trong nội thành tản ra vùng ven nhậu cho mát. Chỉ cần vào “Google” và tìm kiếm thì có rất nhiều những nhà hàng quảng cáo bán các loại đặc sản thịt rừng và không thể biết được mỗi ngày có bao nhiêu kg động vật hoang dã lên bàn nhậu.

(còn nữa)

Thái Nguyên - Anh Đ
 
Khỉ Cần Giờ cũng bị đe dọa

(TT&VH) - Cuối tháng 4, trong chuyến công tác về chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ) chúng tôi được ông Cát Văn Thành, Phó BQL rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết: “Hơn một tháng qua, tình trạng săn bắt thú rừng trái phép có chiều hướng gia tăng, đối tượng hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi. Đặc biệt chúng còn săn bắt cả khỉ đuôi dài".

Không quá khó khăn để mua một cái “pín” cọp, bàn tay gấu, mật gấu, rắn hổ mang cho đến cao khỉ... và nhiều loại “thượng hạng” khác ở ngay Sài thành này. Chỉ cần có tiền, quý khách sẽ có hàng theo yêu cầu. Một cú điện thoại cho các đầu nậu quen biết và khoảng 3 - 5 ngày là có hàng...

Cao khỉ, “pín” cọp, rượu rắn hổ mang…

Thông qua anh N.Đ.N, một người kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, đã cung cấp cho chúng tôi số điện thoại của Thương, một người chuyên cung cấp những hàng “độc” cho các đại gia “lắm tiền nhiều của”.

Khỉ ở Cần Giờ

Chúng tôi liền điện thoại với Thương trong vai một người giàu có, chuyện tiền bạc là không thành “vấn đề” và đang có nhu cầu mua cao khỉ và tìm một số hàng “độc” để ngâm rượu bồi bổ cơ thể. Qua điện thoại, Thương nhanh nhảu nói: “Bây giờ anh thích ngâm rượu loại gì? Chỉ cần đồng ý giá cả, cho thời gian và địa điểm, bất cứ hàng “độc” nào cũng có. Riêng cao khỉ thì hiện giờ đang hết hàng nên các anh đợi 5 ngày sau sẽ cho biết cụ thể giá cả luôn”.

Không có “cao khỉ”, chúng tôi yêu cầu phải “thiết kế” một bình rượu chất lượng, có giá trị và được xếp vào loại “đỉnh” trong các loại dược tửu, Thương tư vấn ngay: “Anh ngâm rượu “pín” cọp đi, công dụng hay lắm, đảm bảo anh không chê vào đâu được, giá 20 triệu đồng một bộ. Ngoài ra, có thể làm một bình rượu rắn hổ mang chúa loại 10 kg/con, có giá trọn gói 10 triệu đồng. Hoặc là làm một bộ hà nàm (bào thai) của hươu có giá 2,7 triệu đồng/bộ. Những món này đều là hàng chất lượng, nếu đồng ý, anh cho địa chỉ, khoảng 3 - 5 ngày sau sẽ đến giao hàng tận nhà”.

Anh N.Đ.N cho chúng tôi xem những tấm ảnh con rắn hổ mang chúa khi bị tay đầu nậu tên Thương kẹp chặt đầu và rạch bụng lấy mật. Trở lại chuyện cao khỉ, thịt khỉ, anh kể: “Cách đây vài tháng, mấy ông bạn làm ăn rủ tôi góp tiền để đến một nhà hàng ở quận 3 thưởng thức món óc khỉ sống, nhưng tôi từ chối không tham gia. Thực sự tôi không thể chịu đựng được cảnh một con khỉ còn sống bị “hành hạ” dã man như vậy. Còn xác khỉ mang đi phơi khô và sau đó là... nấu cao”.

Hiện nay trên thị trường 1gram cao khỉ có giá khoảng 500.000 đồng. Theo thông tin trên nhiều trang mạng, toàn bộ xương các loài khỉ phơi khô được dùng để nấu cao. Có công dụng làm thuốc bổ máu, bổ toàn thân. Chính vì thế loài khỉ cũng như các loại động vật quý hiếm khác đang bị đe dọa từng ngày.


Miếng cao khỉ


Nỗi lo về đến Rừng Sác

Cuối tháng 4, trong chuyến công tác về chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ) chúng tôi được ông Cát Văn Thành, Phó BQL rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết: “Hơn một tháng qua, tình trạng săn bắt thú rừng trái phép có chiều hướng gia tăng, đối tượng hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi. Đặc biệt là săn bắt khỉ đuôi dài, đào địa sâm, bẫy chim, dùng chích điện để đánh bắt nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Cụ thể là ngày 24/3, qua tuần tra cán bộ BQL đã phát hiện một vụ bẫy khỉ tại tiểu khu 10b, thu giữ 1 bẫy khỉ, 20m dây thép, 15 bao cước và 1kg bắp dùng để làm mồi nhử. Trước đó, Trạm Kiểm lâm An Thới Đông, phát hiện một vụ bẫy chim tại tiểu khu 10c. Hiện nay BQL rừng phòng hộ đã tăng cường lực lượng kiểm tra và đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, các Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm, Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra các điểm kinh doanh mua bán động vật trái phép, tuyên truyền, vận động người dân không hành nghề săn bắt thú rừng. Riêng BQL rừng đã nhờ phát thanh của huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân”.



Phát hiện bẫy khỉ ở rừng Cần Giờ
“Tôi được biết khỉ bắt sống và bán ra ngoài thị trường với giá hơn 2 triệu đồng một con. Ngay khu vực sát BQL rừng phòng hộ, chúng tôi có khoảng 50 con khỉ, nhưng vẫn đang bị lùng bắt. Trước đó 1 tuần, chúng tôi đã bắt được một xe vận chuyển trái phép 1 con khỉ đuôi dài nhưng không bắt được người. Khỉ đuôi dài là loài linh trưởng phục hồi mạnh mẽ nhất của “vùng đất chết” Cần Giờ và được xếp vào nhóm IIB, nhóm hạn chế khai thác. Từ năm 1978, khi rừng Cần Giờ chính thức được khôi phục, khỉ đuôi dài phát triển rất mạnh lên đến hàng ngàn con. Nó chính là một trong những biểu tượng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. “Tuy rằng chưa chính thức bắt được vụ vi phạm nào, nhưng những sự việc trên đang là hồi chuông cảnh báo cho công tác quản lý và bảo vệ loài khỉ đuôi dài, cũng như các loài động vật hoang dã khác” - Ông Cát Văn Thành cho biết thêm.

Vì lợi nhuận mà nhiều năm qua, thú rừng vẫn bị “thảm sát” bởi bàn tay con người và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Mỗi lần đi Tây Nguyên chính chúng tôi cũng đã được các vị “chủ nhà” mời ăn thịt thú rừng, những quán thịt rừng ở “phố núi” thường có hàng tươi sống và rẻ hơn. Chính vì lẽ này hầu như đi tỉnh nào chúng tôi cũng bắt gặp nhà hàng, quán xá bán đồ nhậu là thịt thú rừng, chứ chẳng riêng gì ở TP.HCM. Có phải chúng ta đang tiếp tay cho nạn săn bắt và ăn thịt thú rừng, khiến cho nó đang đi đến bờ tuyệt chủng?

Thái Nguyên - Anh Đức
 
Top