Mạn đàm thêm về chim cu gáy.
1- Về mầu lông:
- Thường ban đầu quan sát mầu lông của cu gáy để chọn người ta kết hợp quan sát cả mầu lông mình chim và mầu lông phao chim. Mầu lông phao chim đã được bạn Lộc abc đề cập khá kỹ. Còn mầu lông mình chim người ta phân làm 03 loại:
+ Mã kẻ mực: Mầu lông xám tối, chim dở nhát giong không hay, không nên chọn
+ Mã phấn hồng: Lông có sắc phớt hồng như có phấn, chim mau nổi, giong thường được nên chơi.
+ Mã sậm tía: là mầu ở giữa 2 mầu trên, lông chim có sắc sẫm tía, chim nuôi lâu nổi nhưng đã nổi rất bền, chim gan, thường làm chim mồi bẫy, chim gáy bất kỳ lúc nào.
2- Cách phân biệt chim đực- cái:
- Chim đực:
+ Đầu nhỏ, tròn, lông đầu xanh.
+ Mỏ to, gồ.
+ Dáng đứng: khi đứng trên cầu đuôi hay cụp xuống (lưng gù, đuôi cụp).
+ Xương bụng phía dưới gần hậu môn chụm.
+ Khi gáy: Chim đực có khả năng đảo giọng.
3- Mầu chân chim:
- Thường người chơi cho rằng chim non là chân đỏ son. Điều này đúng nhưng không đủ, vì theo vùng có chim rất già nhưng chân vẫn đỏ son. Người chơi kỹ lại lấy tiêu chí chim già mà chân vẫn đỏ son để chọn.
- Chim có móng trắng, được cho là chim hay.
4- Hình dạng lông cách chim:
- Có hai loại chính:
+ Loại hình tròn (quy me?): chim nuôi mau nổi, không bền chim
+Loại hình nhọn đầu (quy tràng rên?): chim nuôi lâu nổi, những lại bền chim.
5- Đặc điểm của chim theo vùng:
- Thường người chơi (phía Bắc) chọn chim vùng: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam Ninh (cũ). Chim ở miền Trung thường có mép cánh trắng, không phải không có chim có giọng gáy hay nhưng thật xuất sắc thường rất hiếm và chim thường không đẹp,lại nhỏ con hơn chim các vùng phía Bắc.
Trong sách "Nghệ thuật nuôi chim hót - chim cảnh" xuất bản năm 1993 tác giả việt chương có viết:
"... một chim Cu thuộc vào loại tốt nhất ... phải có những điểm đặc biệt sau:
- Nhứt Huỳnh kiên: Tức là chim có cườm màu vàng. Cườm này phải xuống tận vai, nhưng không đóng ở trên lưng.Loại này hiếm khi gặp được.
- Nhì Liên giáp: Tức là hình dáng của chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt.
- Tam Quá khoé: Có cái chỉ màu đen chạy dưới khoé mắt, dài quá khoé mắt một chút mới tốt.
- Tứ Chân khô: Có nghĩa là chân chim phải vuông cạnh, và khô. Vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên.
- Ngủ Liên hoàn: Cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt. Thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi, phần ức không có cườm.
- Lục Cườm rựng: tức là có cườm lót. Chim mà có cườm rựng là chim có gù hậu, tức là gáy dai dẳng.
Ngoài ra, cũng còn có những chi tiết quan trọng sau đây cũng phải lưu ý tới:
- Chim Cu mà đuôi vót, tức là ở bắp đuôi thì lớn, chót đuôi thì nhỏ lại, mới là con chim tốt và khôn.
- Chim có gián cánh, tức là có lông trắng ở trên một cánh hay cả hai cánh. Đó là chim tốt nên chọn nuôi.
- Chim có móng trắng gọi là bạch đề: chị cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng, là chim quí hiếm.
- Chim có mỏ đỏ, là chim sát thủ, tức là chim rất dữ, cọn làm mồi thì chỉ toàn gặp may.
Ngoài ra, ta phải chọn chim có đầu nhỏ, có mỏ cong, có hình bầu, có cổ lãi(cổ cao), có chân thấp, đuôi nhọn, có cánh phủ mình hay cánh chéo, lông phủ đầu gối..."
Còn về giọng gáy của chim Cu thì tác giả VIỆT CHƯƠNG viết:
"...chim Cu có cả thảy 5 giọng là giọng Trơn, giọng Một, giọng Hai, giọng Ba, và giọng Cà lăm.
- Giọng Trơn: Cúc cu cu ( mỗi lần gáy chỉ thốt ra ba tiếng đơn giản, cụt ngủn).
- Giọng Một: Cúc cu cu...cu ( có thêm một tiếng cu hậu ở dằng sau, nghe hay hơn).
- Giọng Hai: Cúc cu cu... cu cu ( có thêm hai tiếng cu hậu ở đằng sau, nghe càng hay hơn).
- Giọng Ba: Cúc cu cu... cu cu cu ( có ba tiếng cu hậu ở đằng sau, nghe càng hay hơn nữa. Ở đâu mà có con cu rừng nào hót hay như thế này thì dù có xa xôi cách mấy, người gác Cu cũng mò đến bắt cho bằng được, vì đây là chim quí khó tìm).
- Giọng Cà lăm: Con chim này gáy giọng khi thế này lúc lại thế khác, tiếng nọ xọ tiếng kia, nghe không ra làm sao cả...chỉ có đem thịt mà thôi.
Nghe giọng chim Cu gáy xong, ta còn phải xem cái âm của nó hay dở ra sao nữa. Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chỉ những người lão luyện trong nghề mới phân tích được kỹ càng, dù là tai họ chỉ mới nghe phớt qua.Còn người mới vào nghề thì chắc chắn không tài nào hiểu nổi.
Giọng chim Cu gáy có bốn loại âm chính: Âm thổ, âm đồng, âm son và âm kim.
- Âm Thổ: Chim gáy có âm thổ thì giọng trầm. Loại chim này được đánh giá là loại chm khôn nhất. Trong âm thổ còn có bốn âm sau đây:
1/Thổ đồng: âm trầm ngân vang như tiếng chiêng cồng.
2/Thổ bầu: âm trầm mà ồm to lên.
3/Thổ sấm: âm trầm mà rền như tiếng sấm.
4/Thổ dế: âm trầm mà rỉ rả nỉ non như tiếng dế gáy.
- Âm Đồng: Chim gáy có âm đồng thì tiếng ngân vang. Ân đồng cũng có nhiều loại như sau:
1/Đồng pha thổ(âm ngân vang nhưng lại trầm trầm).
2/Đồng pha son(âm càng lúc càng ngân vang)
3/Đồng pha kim(âm càng lúc càng nhỏ, nhưng vẫn vang xa).
-Âm Son: Chim gáy có âm son, có người gọi là âm chuông, vì giọng chim ngân vang như tiếng chuông rền, nghe có vẻ hùng tráng, oai vệ. Âm son cũng có nhiều loại như:
1/Son pha đồng(âm to mà rền vang như tiếng sấm).
2/Son pha kimâm khởi đầu rền vang như tiếng chuông ngân, nhưng sau cứ nhỏ dần...).
- Âm Kim: Chim gáy có âm kim thì tiếng nhỏ và vang xa. Trong âm kim cũng có nhiều loại như:
1/Kim pha son
2/Kim pha thổ
3/Kim pha đồng
...muốn phân tích một giọng chim Cu thật chính xác không phải là chuyện dễ dàng. Ai hiểu thấu đáo được điều này chắc chắn người đó sẽ gặp nhiều điều thú vị khi lắng tai nghe chim đang gáy.Đến đây, thì chắc chúng ta không còn ngạc nhiên nhiều khi biết tại sao người ta lại có thể say mê nuôi một con chim có bề ngoài không sắc sảo này đến thế!....Vì rằng, chọn được con chim mồi vừa ý, những đặc điểm ưu việt kể trên đâu phải là chuyện dễ. Đôi khi trăm con, hoặc ngàn con mới có một ! Chắc gì trong một đời người có thể chọn được cho mình một hoặc hai con mà nuôi? Do đó, giá trị con Cu mồi tốt nhất cũng độ nửa lượng vàng, nhưng người ta vì quá quí nó đến nổi có người dù nghèo, nhưng ai mua với giá nào cũng không bán, thề"sống nuôi chết chôn"; đôi khi họ còn dám đem thân mình bảo vệ cho chim."