Thấy con cá của chú Hưng khổng lồ quá, anh tặng chú bài phógn sự này nhé hehe...
Săn cá vược
Có lẽ ông là ngư phủ duy nhất ở miền biển Phú Yên cả đời gắn bó với nghề săn cá vược. Để chinh phục được loài cá vừa to, vừa rất khôn lanh và hung tợn này, ông đã sáng kiến bốn “chiêu” khai thác từ câu ống, phóng lao, đến bắn tên sắt và đánh lưới quây tròn. Cứ mỗi độ xuân về, cá vược lại xuất hiện ở dọc dài cửa đầm Ô Loan, nên ông cùng các con vác lưới lên đường!
Sát cá
Ba đứa con ông Phép đang đánh bắt cá vược bằng lưới ở vùng cửa đầm Ô Loan Một buổi trưa cuối năm, trời trong xanh, nắng dát bạc trên mặt đầm Ô Loan. Ba anh em trai Lê Văn Tiến, Lê Văn Sĩ, Lê Quý Đoan chèo chiếc xuồng lao nhanh ra giữa dòng nước, rồi luôn tay thả lưới giăng bao tròn một khoảng đầm rộng vài mươi sải tay. Một người cởi trần trùng trục nhảy vào bên trong lưới, dùng cây đập nước, đuổi cho cá vược chạy mắc vào lưới. Ba người đồng thanh hô to: Nào, một… hai… ba… kéo lưới! Nhanh như chớp tấm lưới được kéo lên thuyền với 3 con cá vược to, dài và trắng (sau này mới biết 3 con cân nặng 29,3kg và bán được gần 1 triệu đồng). Cá vược sống dai và rất hung tợn, nên được đậy kín trong khoang thuyền, và ba anh em nhà họ Lê lại vội vã chèo thuyền chạy đi bán cá…
- Hôm nay, chúng nó quây lưới bị “sẩy” mất ba con rồi, tiếc quá! – Một lão ngư đứng gần tôi ở góc cầu gỗ An Hải lên tiếng.
- Sao ông quả quyết như vậy! – Tôi ngạc nhiên hỏi
- Ba đứa vừa bắt cá là con của tôi. Hồi nãy nó về nhà lấy lưới cho biết là có 6 con cá vược quần tụ bên rạng đá trong đầm.
Dường như biết tôi chưa hiểu hết từng “công đoạn” trong giăng lưới bắt cá vược, ông giải thích ngay: Cá vược rất khôn lanh, nên phải biết kỹ thuật đánh bắt một cách tinh vi. Cứ mỗi khi trời êm, cá vược thường bơi đứng tại chỗ ở gần gộp đá và thỉnh thoảng nổi lưng trên mặt nước. Do vậy, người săn cá phải bơi lặn dưới nước để phát hiện chính xác vị trí cá đứng, rồi xác định địa hình xung quanh với nguồn nước nông, sâu, sau đó mới gọi người nhà mang lưới ra quây bắt cá.
Ông Lê Văn Phép đang thao lưới cá vược
Cá vược rất khôn lanh, có đôi mang sắc cạnh, nên khi gặp nguy hại, nó lấy số “de” rồi đâm thẳng tới làm cho lưới rách và thoát ra ngoài. Tôi nhớ trước đây có lần đánh bắt được cá vược to bỏ vào khoang ghe nan, thì lúc sau con cá vùng vẫy, dùng sức đâm thủng ghe thoát xuống nước! Cá vược sống được ở nước lợ và mặn (ở ngoài biển còn gọi là cá sủ), thịt ăn rất thơm ngon, nên giá tương đối cao. Có lẽ đây là loài cá có trọng lượng lớn nhất sinh sống trong vùng cửa đầm Ô Loan...
“Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm”
Theo lời kể, ông bắt đầu chuyên nghề đi săn cá vược từ năm 15 tuổi. Lúc ấy trong làng chỉ có 5 người làm nghề này, và ông trở nên nổi tiếng bởi biết dùng câu ống bằng cước nẻ câu được rất nhiều cá. Đến năm 40 tuổi, khi cá vược đã thưa dần và không còn ai theo nghề câu nữa, thì ông chuyển sang dùng “chiêu” phóng lao vào cá. Khi đầu nhọn cây lao cắm phập vào thân cá, ông thả lỏng dây cước dậu (được cột ở đuôi cây lao) cho cá chạy đến khi mệt nhừ và nằm im, rồi ông bơi theo dây cước đến bắt cá.
Lates calcarifer (Bloch), thường gọi là cá vược hay cá chẽm, là một loài cá có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á và Thái Bình Dương. Cá vược thuộc loài rộng muối và có tính di cư xuôi dòng, cá tìm thấy ở vùng cửa sông, hồ hay các đầm nước lợ có nồng độ muối dao động 30-32%.
Nghề phóng lao đâm cá vược cũng sống được, nhưng chẳng được bao lâu ông đành bỏ nghề, do bà con làng xóm khuyên đừng làm cái nghề “Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm”! Khổ nỗi ông mê săn cá vược, nên ngày đêm lại tiếp tục mày mò chế tạo ra loại phương tiện mới bằng súng bắn mũi tên sắt ở dưới nước. Cũng giống như mũi lao, mũi tên cũng được cột dây cước dậu, khi cá trúng tên bỏ chạy, ông cũng bơi lần theo dây để bắt cá.
Giờ đây ở tuổi “ngoại ngũ tuần”, ông vẫn hăng say bơi lặn bắn tên bắt cá vược. “Người đi săn cá vược bằng bắn mũi tên dưới nước, đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn, sức khỏe dẻo dai, bơi lặn giỏi” – ông tâm sự. Đến năm 2000, ông lại sáng kiến dùng cước câu cá ngừ đại dương để đan lưới (cao 4 sải, dài 150 sải) đánh quây tròn bắt cá vược. So với ba “chiêu” câu ống, phóng lao, bắn tên sắt, “chiêu” bắt cá vược bằng lưới quây tròn cần nhiều người với nhiều công sức hơn, nhưng bù lại khai thác được nhiều cá, bán giá cao thu lợi nhiều hơn. Do vậy, dù tuổi cao sức yếu, ông chỉ truyền dạy lại cho các con nghề đánh lưới quây bắt cá vược. Nhờ áp dụng kinh nghiệm đánh lưới quây của cha, ba người con: Tiến, Sĩ, Đoan luôn bắt được cá to, có ngày “trúng” cá bán được gần 2 triệu đồng.
Ông luôn tự hào rằng: chỉ có duy nhất gia đình ông còn “giữ” nghề khai thác loại cá này ở vùng cửa đầm Ô Loan. Ông tên là Lê Văn Phép, 62 tuổi, ở xã An Hải (huyện Tuy An).
Nguyên Hương