• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Vườn cò biến thành lò sát sinh

Thật ra thì dù không muốn, chúng ta vẫn phải công nhận rằng, các loài chim hoang dã từ thượng cổ đến giờ, chúng vẫn bị con người vặn cổ, vặt lông và... đánh chén.

Phục vụ khách “du lịch sinh thái” tại chính vườn cò Ngọc Nhị.

Con chim trên trời, con cá bơi dưới nước, ai mà quản lý hết được. Dẫu rằng lâu nay, khi nhận thức bảo tồn được nâng cao, người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung đã kịch liệt phản đối việc làm thịt chim thú hoang dã.

Tuy nhiên, để có một chuyện tày đình, thách thức cơ quan chức năng và những người có tri thức, có lương tâm với bảo vệ môi trường và các loài động vật hoang dã như ông chủ vườn cò Ngọc Nhị (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đang làm thì... thật khó hình dung. Thật đáng sửng sốt!

“Chủ vườn” mỗi ngày giết hơn 700 con cò...

Một vườn cò nổi tiếng từ mấy chục năm qua, chỉ nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 60km, là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi dịp cuối tuần hay lễ lạt..., đã được sách báo ca tụng rất nhiều - thế nhưng nó bị những người “có máu kinh doanh” biến thành lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam.

Một công việc kỳ dị, quái đản và tàn độc đã diễn ra nhiều năm nay, thách thức cơ quan chức năng với những vi phạm lè lè, oái oăm thay, lại do chính ông chủ của khu “đất lành chim đậu” tiến hành! Mỗi ngày, hàng trăm, có khi đến... ngót một nghìn con cò bị làm thịt chính trong khuôn viên của “vườn cò” - nơi mà các nhà bảo tồn động vật, các nhà khoa học “đức cao vọng trọng” từng gửi gắm bao nhiêu tâm huyết và cống hiến.

Cò bị “lên giàn hoả thiêu” bởi chính bàn tay của ông, bà chủ vườn cò cùng cả chục nhân viên mẫn cán của họ bằng cung cách như sau: Mỗi tối, họ dùng vợt, lưới, dùng thang gấp kim loại và các loại “vũ khí” tự tạo “trên cả hoàn hảo” của mình để tấn công đàn chim hoang dã hàng vạn con kia.

Chủ vườn cò Ngọc Nhị - cầm đầu là ông Phùng Đoài Học - đang tâm tàn sát cò, vạc, nông, giang và nhiều loài chim di cư khác một cách không thương tiếc. Lực lượng kiểm lâm địa phương xác nhận với nhà báo: Họ đã được nghe bà con và những người tố cáo rất nhiều lần, họ biết về cái mánh “chủ vườn cò” làm “du lịch sinh thái” bằng cách tận diệt chính đàn chim cò “cả tin” hàng vài trăm con mỗi ngày để phục vụ thực khách.

Chủ vườn cò quái đản, khách ăn thịt chim cò tại vườn cò khi đi du lịch sinh thái cũng lại càng quái đản. Lực lượng kiểm lâm Ba Vì không ít lần đã theo dõi, ập vào kiểm tra, nhưng chủ vườn cò đã tẩu tán tang vật bằng cách thả cò sống bay ra... vườn, đám cò đang bị vặt lông và thui nướng thì được nại lý do rằng cò ngã, cò què, cò bị rắn cắn, chủ nhà tiếc của đem thịt vài con, có sao! Cò đậu trên vườn nhà tôi, đất nhà tôi, tôi thịt “cải thiện bữa ăn nghèo” vài “con cò mà đi ăn đêm/đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, có sao.

Một sự thật đau lòng như sau: Chủ vườn cò - ông Phùng Đoài Học - đã giàu lên trông thấy, có xe hơi sang trọng, bán thịt vài trăm con cò/ngày. Lực lượng kiểm lâm tỏ ra... bất lực, chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở rồi... mặc kệ (theo lời bà Lý - vợ ông Học).

Ông Học vừa mua thêm vài hécta đất, rào dây thép B40 kín tứ bề, trồng thêm tre trúc để dụ cò và các loài chim hoang dã tìm về, anh ta tổ chức nhân viên mặc đồng phục “bảo vệ” đứng trước phom cổng sắt hoành tráng với dòng chữ: “Rừng cò Ngọc Nhị - kính chào quý khách” rồi thu tiền gửi xe máy, ôtô. “Thực khách” vào, không một ai trông thấy cò, họ “du lịch sinh thái” bằng cách... ăn thịt chim hoang dã, đặc sản “cò đủ món”, có cả... lẩu cò.

Đôi khi, chủ vườn cò còn khoe, anh ta yêu cò, đi đánh giặc ở phía nam, thấy các sân chim đông đúc, rất là thương nhớ. Anh ta leo lên ngọn tre, đặt cây màng tang thơm ngan ngát vào tán lá để dụ cò về làm tổ. Tất cả chỉ là một cách nói... điêu.

Hằng ngày, hằng đêm, chủ nhà hàng ăn uống “Học Lý” (tên hai vợ chồng chủ vườn cò) cùng hàng chục nhân viên trẻ khoẻ, mỡ màng bắt mắt... thả sức bắt cò, vặt lông và chế biến thịt cò. Theo quan sát của chúng tôi, cũng như theo một dịp tiết lộ của vợ ông Học với nhà báo, tốc độ làm thịt cò vạc của gia đình anh ta khoảng gần... 800 trăm con cò/ngày. Toàn bộ “trang trại” của chủ “Vườn cò Ngọc Nhị” có rào giậu, có bãi đỗ ôtô với lưu lượng dăm bảy chục chiếc, vài trăm xe máy, ngày nghỉ, ngày lễ cứ... chật ních như cái chợ, như nhà có đám ma, đám cưới!

Làm thịt cò.

Hầu như không một thực khách nào đến vườn cò để “du lịch sinh thái” mà không ăn thịt cò. Chúng tôi quan sát, có cả xe cứu thương biển Hà Nội ở trong vườn cò.

Chủ vườn treo biển rất rõ ràng: Cò quay, cò hấp, cứ 40.000 đồng/con; cò xáo măng: 20.000 đồng/bát; rồi thì lẩu cò, cò nướng, cò thun rau dăm...

Một nhà báo cùng làm vụ “lò sát sinh cò lớn nhất Việt Nam” với tôi đã ngồi nhẩm tính trước mặt bà Lý - vợ ông Học, sau khi chị ta tiết lộ “năng lực phục vụ” của “quán thịt cò” nằm trong “vườn cò Ngọc Nhị” - như sau: Với 780 con cò bị giết, giá 40.000 đồng/con, vị chi một ngày, chủ vườn cò thu lợi: 31,2 triệu đồng nhờ vào việc giết cò.

Công nghệ dụ dỗ “bố mẹ cò”!

Hàng nghìn du khách từ thủ đô và khắp nơi đến với vườn cò Ngọc Nhị mỗi tuần, tôi không dám chắc ai trong số họ cũng ăn thịt cò rào rào như trong chùm ảnh đi kèm bài viết này đã thể hiện. Nhưng quả thật, gần chục năm qua, chưa bao giờ chúng tôi ghé qua cái vườn cò đông đúc, địa thế đẹp, từng được giới khoa học nghiên cứu và đầu tư khá quy mô này mà không... đau xót khi gặp cảnh “thảm sát” chim hoang dã.

Đây cũng không phải lần đầu tiên báo chí lên tiếng về việc chủ vườn cò Phùng Đoài Học kinh doanh thịt cò với tốc độ chóng mặt và quái đản như thế này.

Điều hết sức ngạc nhiên là: Sự thách thức pháp luật, sự thách thức các quy định bảo tồn và lòng nhân ái của con người với thiên nhiên kia cứ lồi lồi diễn ra. Là một du khách bình thường, chúng tôi chụp được hàng trăm tấm ảnh “đại tiệc thịt cò” trong khu du lịch sinh thái thăm ngắm vườn cò thủ đô, thế mà cơ quan kiểm lâm nói rằng... bó tay. Bó tay hay là không ra tay?

Mỗi ngày hàng trăm con cò bị lên “giàn thiêu”...

Như báo chí đã thống kê, ngày cao điểm, gần một nghìn con chim hoang dã được đưa vào lò sát sinh, ở chính “vườn chim” nổi tiếng trong sách báo, trên các trang quảng bá du lịch và tài liệu bảo tồn thiên nhiên hoang dã! Đó là một kỷ lục đau lòng. Trong vườn cò, ông Phùng Đoài Học - trong tư cách chủ vườn chim - treo một cái tấm biển đẹp đẽ: “Nội quy vườn cò: Cấm săn bắt cò và lấy trứng, cấm leo trèo gây động mạnh...”; phía trong, các nhà khoa học và các cơ quan tôn vinh các ý tưởng bảo tồn, từ hàng chục năm qua đã dựng giữa “vườn cò” một ngọn tháp bằng sắt khổng lồ, có cầu thang đi lên để ngắm cò.

Du khách, giờ đây, ăn thịt cò cỡ... vài con/người xong, vẫn liều mình trèo lên tháp cũ kỹ, cao vài chục mét để chiêm ngưỡng bát ngát vùng bán sơn địa xã Cẩm Lĩnh, bát ngát vườn cò Ngọc Nhị bên bờ suối Hai thơ mộng của xứ Đoài. Phong cảnh vẫn khá thơ mộng, chỉ có điều, vườn cò được tôn vinh trong tất cả các tài liệu là hơn 30.000 con chim hoang dã các loại, giờ chỉ còn lác đác vài nghìn chú. Chủ vườn cò rất có ý thức dụ cò nơi khác về vườn nhà mình, không phải để bảo tồn, mà là để... tóm cổ làm thịt.

Các kế hoạch tàn sát cò thật nhẫn tâm. Trong vườn, không một hoạt động tham quan, nâng cao nhận thức bảo tồn hay tôn vinh sinh thái nào diễn ra, chủ vườn dĩ nhiên là không tổ chức, du khách cũng chẳng ai có ý định “thực hiện”, đơn giản, khách và chủ coi vườn cò là một thực quán, ẩm quán, cứ nhậu thịt cò các món, từ nướng, hấp, băm, rán, đến... lẩu cò lẩu vạc. “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Ba cái đều béo vặt lông cái nào?... Vặt lông tất tật cho tao/ Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn”. Câu đồng dao... tếu táo thuở nhỏ của chúng tôi, giờ trở thành sự thật 100%, sự thật diễn ra 8 tiếng mỗi ngày ở vườn cò Ngọc Nhị nổi tiếng của thủ đô.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì, vườn cò Ngọc Nhị có ít nhất 50 loài chim trú ngụ, đông đúc nhất là cò trắng, cò bợ, cò khoang, cò lửa, cò mốc và vạc; bên cạnh đó là các loài quý như: Chèo bẻo, gõ kiến, ưng Ấn Độ, diều hoa Miến Điện, cuốc ngựa trắng... “Kho báu” thiên nhiên ấy đang bị tàn sát, trong khi đó, hạt lúng túng và tỏ ra “bất lực” trước sự ương bướng và... tinh vi biến rừng cò thành lò sát sinh cò lớn nhất Việt Nam của chủ vườn cò Ngọc Nhị.

Đặc biệt, trong quá trình trăn trở với số phận của rất nhiều vườn cò xứ Bắc, nhóm PV chúng tôi đã phát hiện ra một sự thật còn khủng khiếp hơn ở Ngọc Nhị. Đấy là: Ông Phùng Đoài Học không chỉ biến vùng “đất lành cò đậu”, biến tài sản sinh thái môi trường chung - cái nôi của các loài chim hoang dã với không ít loài quý hiếm kia trở thành quán nhậu khổng lồ; mà hơn thế, ông Học và tay chân còn mở rộng địa bàn “thảm sát chim cò” bằng cách đánh xe đi nhiều tỉnh để lùng mua chim cò về “mở rộng thực quán”.

Trên báo Lao Động cũng đã đăng phóng sự “Ai mua tôi bán vườn cò”, trích lời ông giáo Quyển - chủ vườn cò Đào Mỹ nổi tiếng ở Bắc Giang, người đã được giải thưởng môi trường quốc tế, rằng: Ông Quyển thường xuyên phải tiếp ông chủ vườn cò Ngọc Nhị Phùng Đoài Học lên gạ... mua buôn cò. Ông Học gạ ông Quyển: Tội gì, cứ bắt cò, bán hàng loạt cho anh ta về làm các món nhậu kiếm lời.

Bất ngờ thay, khi về xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, trò chuyện với bà Vũ Thị Khiêm - người “mẹ cò” đã chắt chiu chăm sóc vườn chim hoang dã kỳ diệu tại nhà mình gần nửa thế kỷ qua, bà Khiêm cũng kể: Có cái ông Học ở Ngọc Nhị lên gạ bà bắt trói thật nhiều cò “đổ buôn” cho ông ta.

Sự thật thì dân gian vẫn đánh cò, bắn cò, bẫy cò bằng nhựa mít; thật khó để cấm tiệt cái cảnh bán cò về làm thịt ở các vùng thôn ổ. Sự thật thì cò, vạc không là thứ động vật hoang dã đứng ở tầm nguy cấp, cần gấp rút bảo tồn như hổ, báo, gấu, voi...; thật khó để xử lý một ông chủ vườn cò làm thịt dăm ba con cò. Nhưng, cái việc một ông chủ vườn cò biến chính vườn cò nổi tiếng của quốc gia, biến dịch vụ du lịch sinh thái đang được tôn vinh kia thành trò kinh doanh quán nhậu với tốc độ vài trăm đến ngót... nghìn con cò một ngày, thì thật kinh hoàng. Cái lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam này, nó còn tồn tại, thì chúng ta còn và sẽ còn phải xấu hổ.

Lao động
 
Top