• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Vài câu chuyện về quyền cho thú cưng ở Hoa Kỳ

Phu Dung

Moderator
SGTT - Giữa thành phố Los Angeles có một nghĩa địa dành cho... chó. Nó giống như những nghĩa địa dành cho người ở Mỹ, nghĩa là không có mộ mà chỉ có bia. Hàng ngàn tấm bia đá thẳng tắp, trên mỗi tấm có khắc tên, năm sinh và năm... từ trần của chó. Có nhiều ngôi mộ cắm hoa tươi và có hình, thậm chí có cả bức tượng của con chó.

Sướng như chó


Nghĩa địa chó ở Los Angeles.
Ảnh: Võ Đắc Danh

Một người Mỹ mới quen, chị Jacqueline cho biết, người Mỹ vĩnh biệt con chó cũng xúc động như vĩnh biệt một con người. Nhà chị Jacqueline nuôi năm con chó, mấy năm trước có một con bị ung thư máu, theo tập quán của người Mỹ thì họ có thể mang đến bệnh viện thú y nhờ tiễn nó đi bằng một liều thuốc, nhưng vợ chồng chị không nỡ nên phải thay máu cho nó hết 10.000 USD.

Chúng tôi vào một trung tâm thương mại dành riêng cho chó rộng hàng mấy hecta – gọi là petsmart – ở đây họ bán hàng trăm mặt hàng từ thức ăn đến đồ chơi và các vật dụng phục vụ cho chó như nhà ở, giường ngủ, chăn, nệm..., có cả phòng mạch, thẩm mỹ viện, nhà trẻ và khách sạn dành cho chó. Nếu cả gia đình đi du lịch, người ta sẽ đưa chó vào gởi cho khách sạn với giá từ 50 USD một con trong vòng 24 giờ. Trong petsmart còn có một nơi gọi là viện mồ côi chó. Chị Jacqueline giải thích, ở Mỹ, hầu như nhà nào cũng nuôi chó, nhưng khi người ta mất việc làm thì cũng có nghĩa là bị mất nhà, nhất là trong những năm gần đây, khi kinh tế Mỹ suy thoái thì tình trạng gia chủ bị ngân hàng thu hồi nhà xảy ra như cơm bữa. Và dĩ nhiên, chó cũng mất nhà và mất luôn cả chủ! Chính phủ quy định không để xảy ra tình trạng chó vô chủ lang thang ngoài đường nên xe bắt chó có nhiệm vụ đi gom chúng vào viện mồ côi, ở đó chúng được chăm sóc chu đáo cho đến khi ai đó có nhu cầu nuôi chó thì đến làm thủ tục xin nhận về. Và, chị Jacqueline cho biết, trong năm con chó nhà chị chỉ có một con là phải tốn tiền mua, bốn con còn lại chị xin từ viện mồ côi.

Vui như chim

Ở thành phố El Monte thuộc quận Cam có một khu vực được gọi là “thế giới của loài công”. Trên các đường phố, hàng ngàn con công nhảy múa, ca hát, kêu la inh ỏi giữa khu dân cư. Anh Trường, người quen lái xe đưa chúng tôi dạo chơi cho biết: “Chúng cứ kêu la cả ngày lẫn đêm như thế, ai không chịu được thì dời nhà đi nơi khác chớ không được quyền đụng đến chúng, vì đây là thế giới riêng của chúng, luật đã quy định như thế. Chúng có thể vào tận nhà anh, hoặc leo trèo lên cây, hoặc ngủ, hoặc múa, hoặc hát trước hành lang. Nhưng nếu anh vì bực mình mà xâm phạm đến chúng là cảnh sát tới tóm anh ngay. Thậm chí anh không được quyền ném thức ăn cho chúng, người ta sẽ nghi ngờ anh bỏ thuốc độc hoặc thức ăn của anh không bảo đảm “an toàn vệ sinh thực phẩm cho chim công”. Việc ăn uống, phòng bệnh, chữa bệnh cho chúng đã có nhân viên chính phủ chăm sóc mỗi ngày”.

Ở Mỹ, chim với người sống thân thiện với nhau đến mức hầu như không còn khoảng cách. Loài quạ đen ở nước ta gần như tiệt chủng, nhưng ở Mỹ chúng có mặt khắp mọi nơi, từ bờ biển, đồng quê đến trung tâm các thành phố lớn. Còn loài vịt trời quê tôi thường làm ổ đẻ trứng giữa đồng năng vào khoảng tháng sáu âm lịch, mỗi ổ trên 20 trứng, to như trứng gà. Đã mấy chục năm rồi, loài chim này đã bị lãng quên trong ký ức, không phải do thời gian mà do chúng đã vắng bóng trên đồng ruộng quê mình. Bất ngờ tôi gặp lại chúng sau hơn ba mươi năm với khoảng cách không gian bằng nửa vòng trái đất, trước Nhà Trắng, giữa thủ đô Washington. Hàng trăm con bơi lội, lặn hụp, tung bay trên mặt hồ xanh biếc, chúng thản nhiên hoà quyện với hàng ngàn du khách mà chẳng chút sợ hãi như những chú le le từng bị tôi rượt đuổi thuở thiếu thời.

Đi vào một chợ chim, thấy tôi trầm trồ ngạc nhiên với giá một con chim két lên đến 5.000 USD, Trường nói có gì lạ đâu, nếu anh mang được con chích choè lửa sang đây anh sẽ bán được giá 4.000 USD. Tôi lại ngạc nhiên: giá một con chích choè lửa ở Sài Gòn cao lắm cũng chỉ bốn triệu đồng.

Rồi như một sự trùng hợp tình cờ, mấy ngày sau tờ nhật báo Việt Herald đưa tin: một người Mỹ gốc Việt tên Sony Đông vừa bị toà án California tuyên phạt 20 năm tù giam về tội nhập lậu 14 con chim chích choè lửa từ Việt Nam. Ông Đông đã dùng vải quấn 14 con chim và cột nó trong ống quần, mỗi bên bảy con và anh đã bị nhân viên hải quan phát hiện khi vừa xuống phi trường Los Angeles.

Người ta hay nói nước Mỹ là biểu tượng của thế giới tự do, nhưng vì sao tội nhập lậu 14 con chim lại bị xử phạt tương đương với tội giết người? Anh Trường giải thích, 14 con chim ấy có thể mang mầm bệnh cúm từ châu Á, nó có thể làm tuyệt chủng các loài chim ở Mỹ, nơi tội phá hoại môi trường được xếp ngang với tội giết người. Theo luật của liên bang, muốn mang động vật hoang dã vào Mỹ phải xin giấy phép trước, con vật phải được cơ quan y tế xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận an toàn. Tất nhiên là chi phí cho quy trình thủ tục này rất lớn. Và ông Đông có thể không kiếm được tiền lời nếu phải làm đúng thủ tục cho 14 con chích choè lửa kia.

Quyền của thú


Chị Jacqueline với con két trị giá 5.000 USD
Ảnh: Võ Đắc Danh

Tình cờ tôi quen với anh Võ Hùng Danh – một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học – Danh lái xe chở tôi từ Ohio đi West Virginia xuyên qua những con đường rừng, thỉnh thoảng gặp biển báo giao thông với hình con nai đang chồm tới, có nghĩa là tài xế hãy cẩn thận với khu vực có thú rừng qua đường, thế nhưng trên đường lại la liệt nào nai, heo rừng, nào chồn, cheo, nào dúi... bị xe cán chết. Danh nói có khi xe đang chạy, một con nai to lao ra, sừng cắm vào kính xe, đâm thẳng vào ngực tài xế. Cô Hồng Vân, một sinh viên cùng đi với chúng tôi kể, có lần cũng trên con đường này, một đoàn xe bị kẹt nối dài chỉ vì chờ một con rùa bò qua đường. Tôi hỏi sao tài xế không xuống xe hốt nó ném vô rừng mà phải chờ, Vân nói làm vậy là xâm phạm đến quyền của nó, tức là phạm luật! Tôi hỏi những con thú bị xe cán chết thì sao? Vân nói đó là trường hợp bất khả kháng, coi như không phạm luật, thậm chí anh có thể đem những con thú tử nạn về ăn thịt cũng không sao, nhưng nếu anh xẻ thịt nó mang đi bán thì anh bị phạt, thậm chí bị bỏ tù.

Danh nói ở Mỹ mỗi năm người ta được phép săn nai từ tháng 10 đến giữa tháng 11, tức vào thời kỳ nai không sinh sản. Nhưng người đi săn phải có giấy phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, ví dụ như tuần lễ đầu anh chỉ được săn bằng cung tên (lúc ấy nai đi thành đàn, dễ săn), tuần thứ hai được săn bằng súng bắn tên, tuần thứ ba bằng súng trường, thời gian còn lại anh mới được phép bắn đạn chài.

Bài và ảnh: Võ Đắc Danh

Nguồn: http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Phong-su-Ky-su/124679
 
Thực ra khi Xh phát triển thì nhu cầu cao hơn trong khi những con vật cưng với tính trung thành và sự gắn bó với chủ nên ngày càng được đối sử tốt hơn .
 
Mới đây bang Cali còn bang hành thêm luật mới là nếu cảnh sát hay hàng xóm nghe trong nhà nào có tiếng chó, mèo...rên la thì cảnh sát có quyền vào xét nhà người đó mà không cần phải xin trát tòa như trước đây. Vì nếu xin được trát tòa khi tới nơi thì có thể con vật bi hành hạ chết rồi. Bởi vậy tụi bạn mình hay đùa nếu ở Mỹ có bị chửi là "đồ chó" thì cũng không có gì là buồn. Vì con chó có khi còn sướng hơn con người :).
 

ohcuey

Member
Cô Hồng Vân, một sinh viên cùng đi với chúng tôi kể, có lần cũng trên con đường này, một đoàn xe bị kẹt nối dài chỉ vì chờ một con rùa bò qua đường. Tôi hỏi sao tài xế không xuống xe hốt nó ném vô rừng mà phải chờ, Vân nói làm vậy là xâm phạm đến quyền của nó, tức là phạm luật!
Thế này có quá đáng quá không?
 
Không có quá đáng vì ở Mỹ có nhiều luật vô cùng kỳ cục và lãng nhách :). Không ai muốn mình bị phạt nên ráng mà "chiều chuộng" các anh rùa hay chó, mèo...Giống như đi chơi xa vài ngày là không được bỏ các anh chó, mèo...ở nhà 1 mình mà phải kiếm người chăm sóc. Để các anh ấy ở nhà 1 mình là bị phạt tội hành hạ động vật.
 

Mintha

Member
Thế này có quá đáng quá không?
Có thể là quá đáng, nhưng mình thấy nó có tác dụng rất tốt trong việc phổ biến ý thức và rèn luyện thói quen trân trọng những thứ xung quanh mình.

Chờ con rùa, chờ đàn cua, chờ con gà túc tắc kiếm ăn trên đường... rất nhiều bài báo như vậy rồi bạn ạ.
 

Shakhi Viet

Active Member
Có khi nào vì đợi rùa bò qua đường mà:
Một con người nào đó bị bỏ lỡ một cơ hội làm thay đổi cuộc đời?
Một cặp đôi phải chia tay nhau vì lỡ hẹn
Một em bé bị căng thẳng do phải đợi bố/ mẹ quá lấu.
vv...
 
Có khi nào vì đợi rùa bò qua đường mà:
Một con người nào đó bị bỏ lỡ một cơ hội làm thay đổi cuộc đời?
Một cặp đôi phải chia tay nhau vì lỡ hẹn
Một em bé bị căng thẳng do phải đợi bố/ mẹ quá lấu.
vv...
Hi vọng là không có chuyện đó xảy ra. Vì ý thức cộng đồng của họ cao lắm. Từ nhỏ trong trường là các em bé đã được học cách xếp hàng chờ đợi, ý thức bảo vệ động vật...Còn nếu cặp đôi nào phải chia tay vì 1 con rùa thì quá lãng nhách =)) chia tay luôn là vừa:D
 
Top