• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

truyện ngắn: con cu li của tôi(của tác giả Vũ Hùng)

duc_NA

Member
em lang thang trên mạng tìm được truyện ngắn này nên pos lên cho các bác đọc :D
nguồn :vu-hung.com
Chương 1

Tôi đã qua một đêm khủng khiếp nhất trong đời.

Lần ấy là một đêm mùa đông, giữa một cánh rừng hoang trên lưng Trường Sơn. Trời giá buốt. Những hốc núi tỏa hơi lạnh làm chúng tôi rét run. Đêm tối đen và vắng lặng, nghe rõ tiếng rào rào của những vòm lá run rẩy trên cành. Cú kêu "hu! hu!" Giữa tiếng gió thổi hun hút rền rĩ trên các vách đá, tiếng kêu nghe càng lạnh lẽo. Thỉnh thoảng một con chim "gầm ghì" hít hơi rất mạnh, nghe như một tiếng thở dài ưu phiền.

Đơn vị quân báo chúng tôi ngủ trong một chiếc lán dựng vội lúc ban chiều bằng những chạc cây. Đống lửa bếp đã bị dập tắt ngay sau bữa ăn tối để giữ bí mật. Trên sàn lán gập ghềnh người nọ nằm sát người kia, chăn trấn thủ kéo cao đến cằm, đầu quấn kín trong một chiếc khăn dù, chỉ để hở cặp mắt và hai lỗ mũi. Trừ hai người gác đứng khuất dưới bóng cây ngoài xa, chúng tôi đều ngủ thiếp sau một ngày hành quân xuyên rừng mệt nhọc.

Nửa đêm một vật gì dài và nặng trườn ngang người chúng tôi trên lớp chăn, từ người nọ qua người kia. Cả lán cùng choàng dậy.Tôi sờ tay vào cái vật dài đang chuyển động đó và thấy tay mình nhớp nháp. Hình như mọi người cùng làm như tôi và tuy luôn có thói quen kìm giữ mọi xúc động, một người nào đó dã kêu thét lên. Tiếng kêu thảng thốt giữa lúc nửa tỉnh nửa mê âm vang trong cái vắng lặng rờn rợn của đêm rừng.

Một con rắn rất dài, đúng hơn là một con trăn, đang bò qua người chúng tôi. Nghe tiếng la hét bỗng nhiên nổi lên, con vật gồng cứng mình lao vút đi. Nó hất tung những cánh tay của chúng tôi và biến mất sau một cái văng mình.

Tôi không ngủ lại được. Đêm vẫn yên tĩnh nhưng bỗng đầy đe dọa. Tất cả những chuyện rùng rợn tôi nghe kể về rừng lúc này bỗng hiện ra trước mắt. Tôi như thấy tiếng bò trườn, tiêng bước rón rén ở khắp nơi. Tưởng chừng mọi thú rừng đang vây quanh và rình rập tôi trong bóng tối. Chúng nhìn tôi bằng những cặp mắt trợn trừng lấp sau các cụm lá, chờ đợi từng sơ hở của tôi, còn tôi thì không mảy may nhìn thấy chúng.

Tất cả chúng tôi thao thức. Những người nằm ngoài cùng trăn trở hơn hết: tưởng chừng họ sẽ là người phải gánh chịu tất cả mọi nguy hiểm nếu xảy ra một điều gì đó khác thường.

Ấn tượng khủng khiếp ám ảnh tôi mãi. Đêm đêm tôi luôn mơ thấy mình bị rắn đuổi bắt: chúng quăng quật xung quanh tôi, lưỡi lo le, nhìn tôi bằng cặp mắt ti hí, ruỗi dài những khúc sẵn sàng quấn lấy tôi trong khi chân tay tôi bủn rủn không sao cử động được để chạy trốn.

Suốt ngày hành quân tôi chỉ băn khoăn với một câu hỏi duy nhất: đêm nay đơn vị sẽ ngủ lại ở đâu, ở một nơi bình yên hay khủng khiếp.

Chẳng gì làm kẻ đi đường xa cảm thấy bơ vơ hơn nỗi khiếp sợ khi không tìm được chỗ trú chân yên ổn. Rừng trở nên hiểm độc. Mỗi bụi cây như chứa đựng một bất ngờ. Sau mỗi tảng đá là một kẻ thù đang rình đợi. Vì thế cứ lúc chiều xuống là tôi trở nên bồn chồn lo lắng, chỉ bình tâm lại khi đêm đã qua đi.


*

Cuối cùng sau mười đêm ngủ rừng đầy lo âu chúng tôi đã tới làng. Một làng của những người thợ săn Xêk gồm năm sáu căn nhà nhỏ, có lẽ nên gọi đó là những chiếc chòi thì phải hơn, đứng rung rinh trên những cọc cây gầy guộc. Rừng mọc sát nhà. Những tán lá rậm, những chùm dây leo chằng chịt và xám mốc, những tảng đá im lìm tỏa bóng tối lên các bức vách. Quanh nhà là hàng rào nứa cao và nhọn, ghép sát nhau. Đó là cách chống thú dữ có hiệu quả, vùng này nhiều cọp.

Cuộc sống trong nhà và ngoài rừng hầu như không có ranh giới. Vào những buổi bình minh xôn xao, lợn rừng đến tìm thức ăn ở phía hàng rào nơi bên trong có chuồng lợn nhà. Lũ gà trống rừng nhanh nhẹn và đẹp mã gọi đàn gà mái nhà chui khỏi rào ra bên ngoài và khi có người đi tới, chúng bay vù lên như chim. Những buổi hoàng hôn hoang vắng, khi tìm về chỗ ngủ trên đỉnh núi cao, đàn sơn dương vẫn lỡ chân gạt những viên sỏi khiến chúng lăn lóc cóc xuống tận bờ rào. Vách đá dội lại những tiếng động khẽ khàng đó thành những âm vang.

Tôi thấy sảng khoái khi được bước chân lên những bậc thang gỗ ngả nghiêng. Đường chiến dịch còn rất dài nhưng dù sao thì những đêm ngủ rừng cũng tạm thời chấm dứt để được thay thế bằng một vài đêm ngủ ấm áp trong căn nhà, có hơi người và tiếng người, có lửa sưởi.

Thoạt vào nhà tôi đã bị bất ngờ. Từ trên gác bếp, nơi người ta cất những bó mây và những gói thịt khô để hong khói, một cái mõm nhọn và hai con mắt bắt ánh lửa long lanh chằm chằm nhìn vào tôi, kèm theo những tiếng khụt khịt nặng nề như tiếng hít hơi của lợn rừng. Rồi một con vật màu xám lớn như con chó bẩy tám tháng tuổi toài xuống, cái đuôi sum sê của nó phủ một mảng bóng tối di động trên vách nứa.

Con vật đến ngồi chồm hổm bên cạnh người chủ nhà và khi thấy tôi đặt ba lô xuống sàn, nó chạy lại hít hơi cái ba lô, thọc cái mõm nhọn của nó vào các nắp túi.

"Con gì vậy, bác ?"Tôi lạ lùng hỏi người chủ nhà.

"Con chồn bắt rắn, bác trả lời. Nó tìm xem có con rắn nào chui vào nằm trong cái túi của anh hay không. Mấy người đã bị thế rồi. "

Ngoài cọp vùng này còn rất nhiều rắn. Những đồi tranh gần nhà là nơi tìm mồi của trăn. Nhiều lúc có thể nhìn thấy chúng đi kiếm ăn: những lùm cỏ tranh lay động rất nhẹ và giữa khung cảnh bình yên bỗng thấy một cái đầu trăn bèn bẹt nhô lên, lừ lừ tiến lại gần một chú hươu non đang ngơ ngác.

Có khi rắn độc bò cả lên nhà, nằm nấp trong manh chiếu hoặc cuộn tròn trong chiếc ống tre đựng muối, chờ đợi một bàn tay vô ý thọc vào. Vì thế nhà nào cũng phải nuôi một con chồn bắt rắn.

Đêm đêm con chồn săn rắn như một con mèo săn chuột. Ban ngày nó theo chủ lên nương, lùi lũi đi trước dọn đường như một con chó. Nhờ có nó không bao giờ người ta giẫm phải những con rắn nằm cuộn khoanh trên lối đi.

Tất cả những đồ đạc đội quân báo để ngổn ngang trên sàn đều được con chồn bắt rắn kiểm tra rất kĩ. Gặp những chiếc ba lô đặt sát nhau, nó lấy cái mõm cứng như khúc gỗ rũi vào giữa rồi hất mỗi chiếc sang một bên để hít ngửi. Không một nắp túi nào lọt qua được cặp mũi phập phồng của nó.

Người chủ nhà nói với vẻ tự hào:

"Thôi, không thấy gì thì thôi. Vào gần bếp mà sưởi.

Hiểu lời chủ, con chồn bắt rắn rời xa đống đồ đạc, đến nằm dài cạnh bếp.

Đêm trong nhà ấm áp. Bếp lửa chụm bằng ba bốn cây gỗ cháy rừng rực. Người nhà không có chăn. Họ nằm ngủ quanh bếp lửa giống như ở thời hoang dã xa xưa. Thoạt đầu họ quay mặt vào bếp và khi ngực đã nóng ran, họ xoay ngực ra ngoài cho cái lưng giá lạnh đến lượt được sưởi ấm. Cứ thế họ trở mình thâu đêm.

Từ bên ngoài đôi lúc lại vẳng về những tiếng "bép! bép!" xa thẳm. Người thợ săn bảo đó là tiếng con cọp đi săn mồi.

"Lát nữa nó sẽ đến", bác nói.

Con cọp sẽ đến, dù biết có đến cũng vô ích: mọi gia súc đều nhốt trong lớp rào, nó không đủ sức nhẩy qua những hàng nứa vát chéo cao và nhọn tua tủa, làm thành những dãy chông.

Câu nói của bác thợ săn làm không khí trong nhà trầm xuống. Chúng tôi không phải chờ lâu. Chỉ một lát sau, nhìn qua kẽ liếp đã thấy con cọp vụt hiện ra dưới ánh trăng, đi quanh nơi nhốt gia súc với những bước chân nhẹ như nhung.

Người thợ săn kéo một sợi dây dòng từ trong nhà ra ngoài sân. Một loạt những chiếc mõ gỗ đổ hồi lóc cóc.

Con cọp vụt biến mất, bất ngờ như lúc nó hiện ra.

Tôi nói với người chủ nhà về cái đêm mà tôi coi là một đêm khủng khiếp nhất trong đời tôi. Bác nhìn tôi lắc đầu thương hại và mỉm cười. Con vật mà chúng tôi kinh sợ chỉ là một con trăn đất. Nó đi tìm một chỗ ngủ ấm cho qua đêm giá lạnh. Nếu không hốt hoảng xua đuổi nó thì sớm mai, lúc tỉnh dậy, chúng tôi sẽ thấy nó cuộn tròn nằm ngủ hiền lành trong tấm chăn của một người.

Phải tay người chủ nhà, bác sẽ gói gọn nó trong tấm chăn, bỏ vào gùi dem về, bác qủa quyết như vậy. Một con trăn cỡ ấy có thể mang về thả cho bắt chuột thay mèo. Có nó trong nhà, những con rắn khác sẽ thôi không dám tìm đến nữa... Hoặc nếu làm thịt thì có thể đủ bữa cho mười người, lại được bộ da may túi đựng mồi săn.

Chúng tôi ở lại nhà người thợ săn ba hôm để lấy sức cho những chặng đường sau. Đó là những ngày an nhàn hiếm hoi trong đời lính, ngắn ngủi và rất mau qua.

Suốt ba hôm người thợ săn đãi chúng tôi đủ loại thịt rừng. Buổi sáng, chúng tôi thường được ăn những con thú mắc bẫy mà bác cài từ chiều hôm trước: gà rừng, gà sao, sóc, chồn bông lau... Bữa tối, chúng tôi ăn những con mồi bác săn được trong ngày: phượng hoàng đất, cheo cheo, hoẵng...

Trước lúc chia tay, để cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác, tôi tặng bác mảnh vải dù mà đêm đêm tôi vẫn chùm đầu và quấn quanh cổ. Bác có thể dùng nó thay cho tấm chăn khi ngủ và ban ngày để khoác ngoài chiếc áo đã quá rách của bác.

Món quà cỏn con ấy làm bác cảm động. Ở nơi này người ta có thể dễ dàng kiếm được thức ăn nhưng không kiếm đâu ra đồ mặc.

Người thợ săn ôm mãi mảnh vải trong lòng. Rồi bác bỗng hỏi tôi:

"Sợ rừng đêm, sợ rắn lắm phải không?"

Tôi khe khẽ gật đầu.

Người thợ săn vào căn buồng nhỏ, nơi bác cất dấu những đồ qúy của gia đình. Đôi khi cửa buồng hé mở, tôi vẫn thoáng nhìn thấy cả một tài sản qúy giá của bác: những bó sừng hươu, những bó xương, có lẽ đó là xương hổ hay xương khỉ, những vệt sáng ẩn hiện trong bóng tối, chừng như là những cặp ngà...


Người thợ săn cúi nhặt trong góc buồng, mang ra cho tôi một khúc gỗ xù xì. Dưới ánh lửa chập chờn, khúc gỗ bỗng lấp lánh một màu vàng nâu, trong trẻo như đắp bằng mật ong. Đó là một khúc trầm hương, thứ lâm sản qúy nhất trong rừng.

Tôi nhìn khối trầm hương với vẻ dửng dưng. Tôi đã có kinh nghiệm: trong những cuộc hành quân liên miên, với ba lô và súng đạn nặng nề trên vai, nhiều khi một cái bát, một đôi đũa cũng trở thành những vật thừa phải vất bỏ và khó lòng mà tôi có thể giữ khối trầm hương đó tới lúc chiến dịch kết thúc.

Người thợ săn chậm rãi nói:

"Cầm lấy để dùng dần. Mỗi tối anh gọt một mẩu nhỏ rồi đem đốt lên. Hương trầm xua đuổi muỗi độc, dĩn và rắn rết. Dù gỗ cháy đã hết nhưng hương còn vương ở đâu thì chúng còn bảo nhau lánh xa."

Tôi cầm khúc trầm hương đưa lên ngửi. Một mùi hương nhè nhẹ thoảng bay, hoang dại như mùi nhựa cây rừng đã se ở những vết chặt trên thân cây mà thợ săn vẫn đánh dấu lối về.

Tôi hít một hơi dài. Người thợ săn tỏ vẻ vừa lòng. Bác nhìn tôi bằng cặp mắt thông cảm. Rồi bác cúi xuống thổi bếp. Lửa bùng cháy. Cái bóng cao lớn của bác chắn ánh sáng, trùm một mảng đen lừng lững trên vách. Ánh lửa đỏ tưởng như đang đổ một lớp dầu lỏng trên thân hình nổi đầy gân bắp của người thợ săn. Bác đi tới một góc sàn. Ở đó có một bàn thờ nhỏ đặt một khúc gỗ tạc một khuôn mặt quái đị. Phiá trước là một phiến đá nham nhở, đẽo theo hình một chiếc cối, bên trong đầy tro.

Người thợ săn bẻ một vài vụn trầm bỏ vào cối và nhóm lửa. Phút chốc mùi trầm đã tỏa đầy căn nhà, một thứ mùi ngào ngạt của khói hương làm cho lòng người bỗng dạt dào niềm thành kính.

Người thợ săn đứng yên trước lư đá, chắp tay giơ cao lên trán, mắt đăm đăm nhìn dòng khói đang bốc lên từ những mảng trầm cháy âm ỉ. Rồi bác bỗng hú lên một hồi lanh lảnh làm hết thảy chúng tôi giật mình: bác cầu xin sự che chở của các thần vật mà bác thờ phụng.

Sau chuỗi tiếng hú rờn rợn, bác lấy bùa săn đeo vào cổ. Đó là một vòng vuốt cọp. Những chiếc vuốt nhọn hoắt, vàng màu ngà non, sáng long lanh trong ánh lửa và nhẩy nhẩy trên bộ ngực vạm vỡ theo nhịp thở của bác.

Người thợ săn đốt một bó đuốc rất lớn vừa để soi đường vừa để đuổi thú dữ, xuỵt xuỵt vài tiếng gọi con chồn bắt rắn rồi xuống sàn. Trong một xó tối con chồn chạy ra xuống thang trước bác. Nó sẽ chọn cho bác con đường an toàn trong rừng đêm.

Nhìn qua khung cửa khép hờ, tôi thấy ánh đuốc loang loáng đi rất xa rồi biến vào bóng tối sâu thẳm. Tôi đoán chừng người thợ săn đi tìm bùa ngải cho chúng tôi. Ngoài nghề săn chắc bác còn làm nghề tìm trầm, thứ hương liệu tinh túy đọng trong cốt lõi loại gỗ nào đó mà chỉ riêng những người như bác mới nhận biết được và tìm ra.

Người dưới đồng bằng đồn đại bao nhiêu truyện về những kẻ tìm trầm. Họ luyện được những thứ bùa ngải giúp họ tránh thú dữ, rắn độc, cất kĩ trong những hang sâu, khi cần thì mới tới lấy về.

Chừng nửa đêm người thợ săn trở lại. Bác dụi tắt đuốc rồi bước lên sàn, đeo trước ngực một con vật bé nhỏ có bộ lông đọng lấm tấm những hạt sương đêm.

Tôi chờ đợi bùa ngải xem đó là cái gì nhưng không thấy. Chỉ thấy người thợ săn nhẹ nhàng gỡ con vật bám trên ngực bác và đặt vào tay tôi:


"Mang cả nó đi nữa. Nó sẽ có ích khi anh ngủ rừng, còn có ích hơn cả trầm hương."

Đó là một con vật xinh xắn và nhút nhát. Bộ lông của nó màu vàng pha những sợi bạc lấp lánh, mịn và cực đẹp. Nó ghé đôi mắt rất to ngạc nhiên nhìn những cây gỗ đang cháy trong bếp rồi chừng như bị chói, nó rúc rúc cái đầu nhỏ nhắn vào tay áo tôi. Tôi vuốt lên lưng nó và cảm thấy những luồng run rẩy làm tay tôi rung động.

Tôi sẽ làm gì với con vật bé bỏng này giữa những đêm rừng lạnh lẽo đầy đe dọa? Nó sẽ có ích gì cho tôi? Trong lúc nguy biến, người ta cần những kẻ giúp việc có sức mạnh, đâu cần đến một con vật yếu đuối thế này!

Tôi đang băn khoăn với những câu hỏi đó thì người thợ săn đã chậm rãi nói:

"Hãy nuôi nó cho cẩn thận. Nó sẽ giúp anh được nhiều việc và làm cho anh vui."

Rồi người thợ săn không nói nữa, bác vốn rất ít lời.

Tôi nhìn đăm đăm vào con chồn bắt rắn đang nằm thở khụt khịt bên bếp lửa. Có khi người thợ săn đem nó cho tôi còn hơn. Đoán được ý nghĩ của tôi, bác nói:

"Anh không mang nó đi được. Ngoài việc bắt rắn, nó không làm được việc gì khác."

Rồi người thợ săn vuốt lên bộ lông mềm mại của con vật đang nép vào tay tôi, nói tiếp:

"Mang nó đi hơn."

Tôi gặng hỏi:

"Nhưng nó là con gì ?"

Người thợ săn ngạc nhiên nhìn tôi. Bác tưởng tôi đã từng vượt Trường Sơn, đã đến được cái làng heo hút này của bác thì tôi cũng phải có chút ít hiểu biết về rừng và những con vật thường gặp trong đó.

"Anh không biết à? Nó là con cu li."

Lúc ấy tôi mới biết con vật bé bỏng mà tôi đang có ở trong tay là con cu li.

*

Đội trưởng quân báo cầm khúc trầm hương ngắm nghía mãi và bảo tôi: "Đài trưởng ạ, gắng đem nó về xuôi, cậu sẽ có cả một tài sản."

Một tài sản không lớn gì nhưng cũng đủ để mỗi khi hành quân qua những thị trấn kháng chiến, mời bè bạn một vài li cà phê hoặc một li trứng đường đã được đánh lên xốp như bông.

Nhưng trong hai thứ mà người thợ săn tặng cho tôi, tôi chỉ đủ sức mang đi một. Tôi thích một cái gì sống động, có hồn. Đôi mắt con cu li nhìn tôi đăm đăm làm tôi thương mến nó ngay phút đầu.

Tôi quyết định giữ nó lại và trả khúc trầm hương cho người thợ săn. Bác đã nói nó sẽ có ích cho tôi hơn cả trầm hương thì giữ lại khối trầm hương làm gì!

Tôi gượng nhẹ buộc một sợi dây dù vòng qua cổ và nách con cu li của tôi rồi đặt nó ngồi trên nắp ba lô. Nó sẽ sống với tôi ở đây như ở trong tổ nó trên rừng.

Đeo ba lô lên vai, tôi chào người thợ săn rồi cùng các bạn bước xuống thang. Đứng trên sàn, bác dặn theo tôi: "Hãy chăm nom con cu li cho cẩn thận nhé!"

Tôi phải làm những gì cho nó thì tối hôm qua, sau khi biết tôi mới thấy con cu li lần đầu, người thợ săn đã căn dặn tôi tỉ mỉ bên bếp lửa. Đừng quên cho nó uống nước, nó rất hay khát nhưng lại không biết kêu để đòi uống. Đừng bắt nó ăn cơm nhiều vì thức ăn chính của nó là sâu và các qủa rừng. Thỉnh thoảng tắm và chải lông cho nó đừng để nó có rận. "Con cu li hiền lắm, ít lời lắm", người thợ săn nói, "đừng như những người chủ thờ ơ, thấy nó không đòi hỏi người ta lãng quên để nó phải đói khát. "


Buổi sớm mùa đông rừng đầy sương. Không phải làn sương mỏng và nhẹ của những tháng hè mà là một lớp sương nặng nề la đà dưới các vòm cây, che lấp cả lối mòn trước mặt. Mùi của sương, nhạt và lạnh, át hết cả mùi thơm của nhựa rừng vẫn thường tỏa lan mỗi ban mai.

Trên vai tôi con cu li run rẩy. Có lẽ nó rét. Tôi chuyển nó ra phiá trước và thấy bộ lông nó ướt đẫm vì những giọt sương rỏ xuống từ trên lá. Tôi lấy khăn lau khô nó, để nó bám trước ngực và phủ kín nó trong tấm khăn cho ấm.

Con cu li sẽ giúp tôi được những gì, vừa đi tôi vừa tự hỏi mình. Tôi mang máng nhớ lại thời thơ ấu: mỗi khi bị đứt tay vì chơi dao, mẹ tôi thường đắp cho tôi một món thuốc mà mẹ gọi là "lông cu li" và lập tức vết đứt cầm máu. Về sau tôi mới biết mình lầm: thứ lông cu li đó là một thứ lông tơ màu vàng xẫm phủ bên ngoài một loại cây rừng mà những người thợ rừng khéo tay mang về cắt gọt thành hình những con cu li hoặc con hươu, con nai, đem xuống bán dưới chợ. Nhưng lúc ấy, tôi vẫn đinh ninh với con cu li của tôi, tôi đã có một thứ thuốc cầm máu kì diệu cho tôi và bạn bè. Còn những ích lợi khác của con cu li, dần dần tôi sẽ biết khi quen với nếp sinh hoạt của nó, người thợ săn đã bảo tôi như thế...

Sương tan dần và nắng đã lên cao. Ánh nắng làm không khí trở nên ấm áp, rọi qua những khoảng trống giữa các vòm cây, đọng thành những vũng long lanh. Những thân cây phủ rêu lấp lánh muôn ngàn hạt nước.

Tôi mở tấm khăn cho con cu li. Tôi thấy đôi mắt nó nhắm nghiền. Nhưng mỗi khi đi khỏi một vũng nắng, lọt vào bóng mát của lùm cây thì đôi mắt ấy lại mở ra. Vẫn đôi mắt rất to, nhìn mọi thứ với vẻ ngạc nhiên thơ trẻ mà tôi từng thấy đêm qua bên bếp lửa.

Tôi nhận ra ngay: đôi mắt của con cu li màu vàng, cũng giống đôi mắt con cú mèo, con cầy hương. Đó là đôi mắt sinh ra để nhìn đêm: chỉ cần một chút ánh sáng lờ mờ rớt xuống từ những vì sao xa xôi là đủ để con cu li của tôi nhìn rõ mọi vật trong rừng. Ánh sáng ban ngày quá rực rỡ, quá chói chang đối với đôi mắt nhạy cảm của nó khiến nó phải luôn luôn giơ tay lên che mặt. Để nó khỏi nhức mắt, tôi ngắt một tàu lá vả rất to gài lên quai ba lô, phủ xuống đầu nó một mảng bóng râm.

Thoạt đầu tôi cho con cu li của tôi ăn cơm. Nó bốc những hạt cơm rời rạc đưa lên miệng rồi buông rơi lả tả xuống đất. Nó không quen ăn loại thức ăn này. Không ăn những thức ăn lạ, dù thức ăn đó có mùi vị hấp dẫn, là tập tính bẩm sinh của mọi con thú. Nó sợ bị ngộ độc.

Tôi cố dành chút ít thời giờ hiếm hoi của tôi đi bắt sâu, bọ ngựa, cánh cam, bọ dừa cho nó. Nhưng đó không phải là thứ dễ tìm trong rừng: những con sâu nổi trên lá đều đã bị bầy vẹt, bầy sáo ăn hết, sâu chìm trong gỗ thì bị bọn gõ kiến moi móc bằng cặp mỏ nhọn.

Tôi kiếm trái cây nhưng mùa quả đã tàn từ khi chớm có gió may. Lúc này rừng chỉ còn khế và cam dại là có trái nhưng chua quá, con cu li của tôi không ăn được.

Mặc dù vào mùa đông con cu li không ăn nhiều, nhưng vì quá thiếu thức ăn nó đã gầy sút đi. Cặp mắt trong veo của nó trở nên u tối và ngơ ngác, bộ lông bữa nào còn rất mịn thì nay đã bắt đầu cứng khô.

Tôi đã mất nhiều công tìm kiếm mới phát hiện ra một thứ mà nó chịu ăn. Tôi nắm cơm thành những nắm nhỏ, bóp rất mịn, mỗi nắm dài như một con sâu gỗ. Để những nắm cơm bé nhỏ đó trên một tàu lá, tôi đưa đến cho con cu li. Nó chậm rãi nhặt từng miếng đưa lên mồm. Có phải vì nó quá đói? Hay nó lầm tưởng đó là những con sâu gỗ, món ăn quen thuộc của nó từ đã bao đời?


Mỗi lần đi qua những nương rẫy bỏ hoang, con cu li của tôi mới được ăn no. Ở đó tôi có thể bắt được nhiều châu chấu, cào cào, muồm muỗm. Có những con châu chấu rất lớn, không thấy ở dưới đồng bằng, to và dài như một con châu chấu tết bằng lá dừa vẫn bán trên những chuyến tầu điện ở Hà Nội hồi tôi còn nhỏ, mỗi bữa chú cu li phải gắng mới ăn hết một con.

Gặp những buổi đốt rẫy, thức ăn cho con cu li của tôi càng dễ kiếm. Khói và lửa làm từng đàn châu chấu bốc lên cao, xanh và dày đặc như một đám mây. Phiá trên chúng, từng đàn chim đang liệng vòng để chờ mồi. Thế là chúng bay rạt ra xung quanh rồi rơi xuống rào rào, tôi chỉ việc chạy lại nhặt đầy một ống nứa, dành cho chú cu li ăn dần vài ba ngày.

Có đủ thức ăn, con cu li của tôi lại béo mập. Lông nó rất mượt, vuốt lên thật êm mịn, chẳng khác gì đặt tay lên một chiếc cổ áo bằng nhung.

Tôi rất thích lúc cho con cu li ăn. Mở to cặp mắt long lanh, nó nhìn tôi đăm đăm rồi đưa bàn tay xinh xắn cầm lấy mồi, đưa lên miệng.

Ăn xong nó lại đưa bàn tay ra đòi nữa, van vỉ bằng đôi mắt vì không biết kêu. Ai mà nỡ từ chối khi nhìn cặp mắt khẩn khoản của nó. Tôi đưa mồi cho đến lúc nó không giơ tay ra nữa. Cặp mắt của nó ánh lên một vẻ thỏa mãn bình yên rồi từ từ khép lại: con cu li chìm dần vào một giầc ngủ say sưa.

Nó ngủ gần như suốt ngày.

*

Con cu li của tôi còn non. Nhìn nó là biết ngay điều đó. Vào những lúc nắng sớm chưa chói chang, nó chơi đùa như một đứa trẻ. Nó mân mê những chiếc khuy và những chiếc khóa ba lô với vẻ mải mê thích thú.

Cho nó một chiếc nấm độc, nó biết vất đi nhưng cho một nhành hoa một búp lá thì nó cầm. Ngồi vắt vẻo trên chiếc nắp ba lô, nó đưa những thứ đó lên, hết nhìn ngắm lại hít ngửi. Cứ thế, mãi tới khi nắng bằt đầu rực rỡ nó mới mỏi mắt và buông rơi những thứ đang cầm trong tay. Úp mặt vào đôi bàn tay bé nhỏ, nó lại ngủ.

Hiền như vậy mà con cu li của tôi đã không gặp may. Nó bắt đầu cuộc sống chung với tôi bằng những ngày nhàm chán, đầy nghi kị. Mặc dù nó không làm phiền ai, những thói quen âm thầm của nó chẳng có hại gì cho nhiệm vụ bí mật của đơn vị, nó cũng đã bị nhiều người không thích. Người ghét nó nhất là Miên, một chiến sĩ quay máy phát điện của điện đài.

Miên có một cái đồng hồ đeo tay. Có lần cho con cu li ăn, tôi bỗng thấy Miên nhìn xuống đồng hồ. Việc này xảy ra vài ba lần nhưng tôi không để ý. Rồi trong một buổi sinh hoạt cuối tuần Miên kể ra vanh vách: trong bảy ngày vừa qua, mỗi ngày tôi cho con cu li ăn mấy lần, mỗi lần bao nhiêu con châu chấu, mất bao nhiêu phút và để kiếm được số mồi đủ cho nó ăn, tôi phải mất thêm bao nhiêu phút nữa.

Đầu óc của Miên không phải sinh ra cho sự phán đoán và trí tưởng tượng mà cho sự cóp nhặt và tích lũy. Miên tính toán chi li như một bác hà tiện đếm từng củ dưa hành khi dọn bữa ăn cho gia đình. Thời ấy bất cứ cái gì cũng làm người ta suy diễn: cứ đà này không bao lâu tôi sẽ sao lãng công việc, ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, Miên phê bình tôi như vậy.

Vì đâu Miên ghét con cu li?


Lúc đầu tôi hoàn toàn không hiểu. Có lẽ sự săn sóc mà tôi dành cho nó làm Miên không vừa lòng. Hình như xuất thân từ một nơi quen bị ne nét và hắt hủi, Miên không thể tưởng tượng được rằng người ta có thể tận tụy săn sóc một con thú, coi nó như một con người.

Tôi chẳng biết làm thế nào cho Miên hiểu, chỉ cầu mong con cu li của tôi sẽ làm được một việc gì đó không những có ích cho tôi mà cho cả đơn vị để khẳng định sự tồn tại của nó ở đây là cần thiết.

Tôi chờ đợi hoài như chờ đợi một phép lạ nhưng phép lạ đó không hề xảy ra.

Suốt đêm con cu li của tôi không ngủ. Mặc dù đã được ăn no không phải đi kiếm mồi, nó vẫ mở đôi mắt chong chong, theo bản năng của dòng giống nó. Khác với những con vật khỏe mạnh sau khi kiếm được mồi rồi thì ngủ rất nhiều giờ, con cu li của tôi vì quá yếu đuối và nhiều kẻ thù nên luôn luôn thức tỉnh. Nó sinh ra không phải để kháng cự mà để ẩn náu. Mối quan tâm lớn nhất của nó là được sống an toàn. Nó bò quanh quẩn trên đầu giường của tôi, trong phạm vi mà sợi dây buộc cho phép. Những đêm trời rét, nó nép sát vào tấm khăn tôi quấn quanh cổ cho bớt lạnh.

Tôi đã quen với nếp sinh hoạt của con cu li. Chỉ cần nhìn ánh mắt nó, tôi biết nó muốn gì. Vậy mà đã bao đêm ròng rã, tôi không thấy một điều gì khác thường xảy ra để chứng minh cho lời nói của người thợ săn: nó sẽ giúp tôi được nhiều việc.

Công việc hàng ngày của tôi rất nặng nề. Đơn vị hành quân liên miên. Sau mỗi chặng đường, người khác được nghỉ nhưng tôi phải làm việc. Chọn một hướng thích hợp, ban ngày căn cứ vào mặt trời, ban đêm căn cứ vào vị trí của các vì sao, tôi căng "ăng ten" lên một ngọn cây và mở điện đài liên lạc với điện đài của Bộ chỉ huy ở nhà.

Dãy Trường Sơn với những vách đá dựng đứng và những cánh rừng mịt mùng là một trở ngại ghê gớm cho sóng điện. Tách biệt được những tín hiệu mong manh, thoáng hiện lên rồi lại thoáng mất đi giữa tiếng rú rít của những nhiễu loạn điện trời là một việc rất khó khăn. Các phiên việc thường kéo dài khiến tôi còn lại rất ít thời giờ. Không phải ngày nào tôi cũng may mắn được hành quân qua một nương rẫy để kiếm vội vàng một ít mồi ăn cho con cu li. Ít ai muốn giúp tôi việc này vì mọi người vẫn cho rằng nuôi nó là một việc phù phiếm, không ích gì.

Thế là bắt buộc con cu li của tôi lại phải ăn cơm. Dạo này nó ăn cơm đã quen. Mặc dù không lớn hơn một chiếc chày giã cua, mỗi bữa nó cũng ăn hết một phần sáu nắm cơm bé bỏng của tôi. Nhường phần cho nó, tôi đói. Tôi phải giấu giếm, làm như phần ăn của nó chẳng đáng bao nhiêu. Tôi sợ những cái nhìn nghiêm khắc và những cái lắc đầu mỗi khi có người bắt gặp tôi cho nó ăn.

Dần dần con cu li đối với tôi thực sự trở thành một gánh nặng, mặc dù nó cân không được quá một kilô. Chiếc túi áo trước ngực tôi, nơi nó bám, đã sã xuống và rách tung.

Những ai hành quân đường dài thỉnh thoảng lại phải cân nhắc từng chút đồ đạc mang trên vai. Người ta không thể tự dễ dãi với mình, phải vất đi hết thẩy những gì thừa, dù vật đó nhỏ xíu. Vậy mà tôi cứ đằng đẵng đeo theo mình gần một kilô vô ích, lại còn mất công nuôi sống cái khối nặng nề ấy nữa. Nhiều người bảo tôi nên thả nó đi. Có người còn khuyên tôi đem nó nấu cháo, vừa có thức ăn vừa thoát được cái nợ. .

"Đài trưởng ạ, lính đâu phải là những kẻ mơ mộng", họ nói với vẻ hài hước. "Củ sả, muối tiêu: đó là những cái thích hợp nhất với con cu li. "

Dù sao tôi luôn luôn tin rằng con cu li của tôi sẽ không đến nỗi vô dụng. Nếu không có niềm tin ấy có thể tôi đã thả nó vào rừng. Còn đem nó nấu cháo thì không bao giờ!


Trong những ngày đầu tiên long đong ấy, tôi luôn luôn có ý nghĩ: tôi sẽ giữ con cu li của tôi mãi mãi. Nếu bất hạnh nó chết, ai biết được những may rủi nào sẽ xảy ra với những kẻ gắn bó đời mình với người lính, tôi sẽ đem nó đi chôn. Giống như trong thời thơ ấu, tôi đã cùng các bạn của tôi chôn những con cánh cam, bọ dừa, dưới một nấm mồ nhỏ bé nhưng đầy tiếc thương.
còn tiếp...
 

duc_NA

Member
em pos bài nhầm cõho, nhờ mod chuyển sang muc "góc văn nghệ Viêt Pet" giúp em
 
Top