• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tiêu chảy - bệnh thường gặp trên chó (ST)

ilovedog

Member
Tiêu chảy được định nghĩa là sự gia tăng số lần đi phân ra ngoài, gia tăng hàm lượng nước trong phân và gia tăng thể tích của phân. Tiêu chảy là một trong những hội chứng thường xảy ra, thế nhưng sự điều trị lại ít được hệ thống hóa và ít khi đạt kết quả mong muốn.

Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng, về mặt sinh lý cơ thể, tình trạng của phân chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chất lượng và số lượng thức ăn mà chúng ta cung cấp cho chó.

Khi nói đến bệnh tiêu chảy, chúng ta phải hiểu một điều là triệu chứng bệng rất khác nhau tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh là nhanh hay chậm và nguyên nhân gây bệnh định vị (khu trú) tại ruột non hay ruột già.

Trên thực tế, khi đến một phòng khám thú y, việc quan trọng phải xác định trên cơ sở lâm sàng là trả lời được hai câu hỏi sau đây:

1/ Cơn tiêu chảy đang ở mức độ nào?

Cấp tính hay mãn tính? Tiêu chảy mãn tính tức là cơn tiêu chảy kéo dài trên một tháng với cường độ có thể liên tục, có thể ngắt quãng. Tiêu chảy cấp tính là cơn tiêu chảy với cường độ cao, làm cho chó suy nhược nhanh chóng và có thể gây chết nếu không chữa trị kịp thời. Cơn tiêu chảy mãn tính có thể gây ra do những nguyên nhân không phải từ trong hệ tiêu hóa, có thể từ hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh…

2/ Nơi xuất phát của bệnh từ đâu?

Ở đây, chúng ta cần phân biệt hai thuật ngữ: Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính. Về mặt hệ thống, nơi tiết những dịch tiêu hóa là những phần đầu của ống tiêu hóa và ruột non; sự hấp thụ dưỡng chất xảy ra ở phần ruột non. Sự tái hấp thụ nước xảy ra ở ruột non sau đó ở kết tràng thông qua quá trình giữ phân trong ruột già.

Có 4 loại cơ chế tiêu chảy khác nhau, có thể kết hợp với nhau ít hay nhiều và là nguyên nhân gây ra tiêu chảy:

Tiêu chảy thẩm thấu (tiêu chảy do giảm hấp thu nước):

Đây là cơ chế thường xảy ra nhất và là nguồn gốc của đa số các ca tiêu chảy. Sự tái hấp thu nước bị hạn chế bởi sự hiện diện của các chất gây ra rối loạn hấp thu tại khu vực ruột già. Những chất này có thể là những nguyên liệu không tiêu hóa được (khẩu phần sai lệch, dùng thuốc); cũng có thể là những chất dinh dưỡng không tiêu hóa được (khó tiêu hóa hoặc không tiêu hóa được, thay đổi đột ngột khẩu phần ăn) cũng có thể gây ra sự lên men các vi khuẩn trong đường ruột gây ra sự sình hơi trong ruột và những chất độc gây trầm trọng thêm các triệu chứng và làm giảm khả năng hấp thu. Các chất gây rối loạn hấp thu cũng có thể là các chất thông thường tiêu hóa được nhưng hiện nay lại không tiêu hóa được là do sự biến đổi chức năng hấp thu của thành ruột (viêm ruột cấp tính hay mãn tính). Nhịn ăn là phương pháp điều trị đầu tiên của dạng tiêu chảy này và là phương thuốc bảo đảm cho các cách điều trị khác có hiệu quả.

Tiêu chảy tiết dịch:

Được định nghĩa là sự tràn ra trong lòng ống tiêu hoá các chất sau: các protein, máu, màng nhầy gây ra bởi một hay nhiều vết thương trong ruột như loét, viêm các loại. Ở loại này, chúng ta sẽ thấy bao gồm tất cả các loại viêm ruột, cấp tính hay mãn tính do bất kỳ nguyên nhân nào gây ra do ký sinh trùng hay các loại vi khuẩn. Khác với tiêu chảy thẩm thấu ở trên, sự rối loạn vẫn còn ngay cả sau khi thực hiện chế độ nhịn ăn. Đối với loại tiêu chảy này cần có sự can thiệp đặc hiệu của các bác sĩ thú y.

Tiêu chảy bội tiết (tiết dịch quá nhiều):

Loại tiêu chảy này gây ra do chảy quá nhiều nước và các chất điện giải, đặc biệt là trong ruột non, cùng với sự tiết nhiều chất nhầy. Loại tiêu chảy này rất ít xảy ra, và cũng giống loại tiêu chảy ở trên, sự rối loạn vẫn tiếp tục ngay cả sau khi nhịn ăn. Đặc biệt có sự tham gia của các loại vi khuẩn tiết độc tố khác nhau.

Tiêu chảy do rối loạn các chức năng vận động:

Sự gia tăng nhu động ruột là nguyên nhân đầu tiên gây ra tiêu chảy trên động vật ăn thịt. Ngoài ra còn có thể do vấn đề tại trực tràng đặc biệt gây ra bởi sự điều trị thuốc lâu dài, đây thường là nguyên nhân phát sinh ra bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp tính

Đây là bệnh tiêu chảy xuất hiện nhanh, đa phần là xuất hiện từ khu vực ruột non. Nguyên nhân rất đa dạng và thường khó có thể xác định trong điều kiện thực tế. Loại tiêu chảy thẩm thấu thường chiếm đa số.

Triệu chứng

Các triệu chứng rất đa dạng và thường thấy nhất là sốt, đờ đẫn và mệt mỏi. Chó thường ăn ít hoặc bỏ ăn nhưng rất khát nước, nguyên nhân là do mất nước ngoại bào (lớp nước ở giữa các tế bào bị thất thoát đi làm cho chó khát nước). Đặc biệt là triệu chứng sốc gây suy sụp chó rất nhanh khi mắc tiêu chảy cấp tính.

Chúng ta cũng có thể quan sát tình trạng phân (xem bảng) để xác định vị trí rối loạn nằm tại đâu: tại ruột non hay tại ruột già. Ngoài ra, một số triệu chứng tiêu hoá như ói mửa cũng xảy ra, vùng bụng sôi ùng ục, xoang bụng phồng lên và đau khi nhấn vào vùng bụng.

Xét nghiệm

Thông thường, để chẩn đoán chính xác hơn thì xét nghiệm phân là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán tốt nhất. Còn nếu làm các xét nghiệm về vi sinh thì không có giá trị cao, lý do là sự kết hợp của rất nhiều loại vi sinh có thể gây bệnh. Ngoài ra, cũng có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm máu là protein huyết tương hoặc các xét nghiệm về điện giải đều có giá trị trong chẩn đoán.

Nguyên tắc điều trị

Điều trị đặc hiệu nếu chúng ta biết được chính xác nguyên nhân.

Cho nhịn ăn nghiêm ngặt trong vòng 24 đến 48 giờ (đặc biệt khi tiêu chảy xuất phát tại ruột non). Nếu cho ăn lại cũng thật dè dặt và từ từ. Thức ăn phải được nấu chín (gạo nấu thật chín, thịt cũng phải thật chín), được phân ra nhiều bữa ăn thật nhỏ, nhằm mục đích tránh sự tái phát tiêu chảy thẩm thấu. Chế độ thức ăn này vẫn tiếp tục cho đến khi phân trở lại tình trạng bình thường , sau đó sử dụng chế độ ăn hằng ngày nhưng cũng phải từ từ.

Về điều trị thuốc thì cần phải có sự tham khảo với các nhà chuyên môn, nhưng nói chung tránh dùng những chất chống tiêu chảy theo cơ chế chống nhu động ruột, vì những chất này giữ lại những chất độc trong đường ruột không tốt cho chó. Sau đó có thể dùng những chất hấp thu đưa vào trong ruột như: muối nhôm; than hoạt tính; những chất rửa có gốc permanganate. Việc dùng kháng sinh là cần thiết đối với tiêu chảy cấp tính. Đặc biệt rất quan trọng là bù đắp phần rối loạn trong cân bằng nước và các chất điện giải. Có thể sử dụng dung dịch Ringer và muối kali trong trường hợp tiêu chảy kéo dài.

Bài viết được sưu tầm theo BS.Nguyễn Ngọc Bình​
 
Top