• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thử chó dại cắn bằng… hạt cây

ilovedog

Member
27 năm nay, ông Nguyễn Tiến Năm ở Hưng Yên đã dùng một hạt cây lạ để thử chó dại, rắn độc cắn giúp người.

Duyên kỳ ngộ

Trong căn nhà nhỏ tại thôn Cốc Khê (xã Phạm Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên), ông Nguyễn Tiến Năm kể cho chúng tôi nghe về sự hữu duyên với hạt cây của mình. Đó là vào năm 1968, khi ông Năm đang làm nhiệm vụ tại chiến trường Khăm Muộn (Vương quốc Campuchia). “Lúc bấy giờ, bộ đội của ta thường đóng quân tại rừng rú nên việc bị rắn cắn thường xuyên xảy ra”, ông Năm kể.

Một hôm, trong lúc đang làm việc, ông Năm đã được một người dân Campuchia tới nói chuyện. Cuối buổi trò chuyện ấy, người dân nọ bảo ông: “Chúng mày sang đây giúp chúng tao, hay phải nằm ở rừng rú, nhiều rắn lắm. Tao cho mày mấy hạt cây để thử và chữa rắn cắn, chó dại cắn”. Nói rồi, người dân nọ móc trong túi đưa cho ông Năm một quả cây khô có chiều dài khoảng 20cm, hình dáng như quả me và hướng dẫn cách thử rắn, chó dại cắn. Nhận món quà, ông Năm đem cất kỹ trong chiếc ba lô của mình. Cũng may cho ông Năm cũng như đồng đội, trong suốt thời gian chiến đấu trong rừng rú, không ai bị rắn hoặc chó dại cắn, cũng bởi thế quả cây của ông Năm vẫn “tại vị” trong chiếc ba lô mấy chục năm trời.

Thế nhưng, về hưu năm 1981 thì đến năm 1982 ông Năm có dịp “trổ tài”. “Bệnh nhân” đầu tiên đến cầu cứu ông Năm chính là vợ của người em họ cùng làng. Khi bị chó cắn, người em chưa thể xác định được chó dại hay không, trong khi “đi tiêm thì hại người và tốn tiền lắm”. Thương em nghèo túng, ông Năm đã về nhà bóc quả lạ lấy được 4 hạt, sau đó phá lớp vỏ của hạt cây thì lại có 2 hạt bé ở trong. Ông cầm 1 hạt đem ra thử cho em. Thật không may, ca đầu tiên ông thử cũng chính là ca bị con chó dại cắn thật. Ông liền khuyên em đến bệnh viện huyện, và tại đó, các bác sĩ đã đề nghị chuyển ca bị chó dại cắn này xuống bệnh viện Trung ương.

Vật giữ nhà

Tiếng lành đồn xa, hầu như tất cả những người ở trong làng ngoài xã bị rắn, chó cắn đều tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Năm để thử như con nhà ông Hút, ông Binh (người cùng xã). Thậm chí, có nhiều người ở huyện khác cũng tìm đến nhà ông khi chẳng may bị rắn, chó cắn. Cho đến bây giờ, ông Năm cũng chẳng nhớ hết được mình đã thử cho bao nhiêu người: “Tôi có chữa bệnh đâu mà ghi bệnh án. Chỉ là ai đến thì tôi dùng cái hạt ấy để thử thôi mà”, ông Năm cười. Cũng bởi thế, nên “chi phí” cho mỗi lần thử thuốc chỉ là… “zêzô” hoặc chăng là bao thuốc, ấm chè.

Rồi, ông Năm kể cho chúng tôi nghe về phương pháp thử của mình theo phương châm: “Muốn thử được thì phải có… máu”. Ấy là việc khi người bị chó, rắn cắn còn dính máu, ông Năm sẽ dùng cồn rửa qua vết thương rồi lấy hạt cây đặt vào chỗ bị thương vẫn đang dính máu ấy. Nếu là rắn độc hoặc chó dại cắn, hạt cây sẽ dính chặt vào vết thương, còn nếu không phải chó dại hoặc rắn độc, hạt cây sẽ rời ra. Trong trường hợp nếu vết cắn đã khô thì phải khêu cho chảy máu ra mới thử được. Sau khi thử, để “hoàn nguyên” cho hạt, ông Năm đem hạt ngâm vào rượu trong khoảng 5 phút rồi lại bỏ ra, cất đi.

Ông Năm bảo, người cho ông hạt cây có dặn rằng thứ hạt này có thể chữa khỏi rắn độc và chó dại cắn theo phương pháp phải đặt hạt cây vào vết thương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp (mỗi lần đặt trong khoảng thời gian 5 phút). Thế nhưng, ông Năm không bao giờ dám tự chữa mà chỉ dùng hạt cây để thử. Những người được ông “kết luận” cũng chưa thấy bị sai trường hợp nào. Sau đó, ông sẽ đưa ra khuyến cáo có phải dại hay không để người bệnh tự đi đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Tuy nhiên, ông cho hay, trong quá khứ, người anh rể của ông đã từng dùng hạt cây này để chữa trị cho 1 người bị rắn độc cắn ở Đông Anh (Hà Nội).

Câu chuyện về hạt cây kỳ lạ của ông Năm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. Họ tò mò tìm đến nhà ông để “mục sở thị” hạt cây ấy. Đã không ít người hỏi mua nhưng ông bảo, chẳng bao giờ có ý định bán bởi nó đã trở thành “vật giữ nhà”. Hơn thế, hạt cây không thể dùng vĩnh viễn, chỉ một thời gian khoảng gần 1 năm (tính từ lúc bắt đầu sử dụng) là hạt ấy sẽ bị teo lại, đến một lúc nào đó sẽ không dùng được nữa. Hiện tại, ông Năm vẫn còn 1 hạt rưỡi và nó được cất giữ như một bảo vật của gia đình.

Ông Trần Ngọc Đính (57 tuổi), nhân viên y tế của trạm y tế xã Phạm Ngũ Lão

Có thể thử được chó dại cắn

Đúng là có chuyện ông Nguyễn Tiến Năm có thứ hạt cây thử chó dại, rắn độc cắn. Có nhiều người đã tìm tới ông Năm để thử và nếu ông ấy kết luận không phải dại thì sau khi trở về cũng không có vấn đề gì thật. Con tôi cũng đã từng thử bằng phương pháp này khi bị chó cắn. Ông Năm cũng không dùng hạt ấy để chữa trị dù có nhiều người yêu cầu. Ngày trước, tôi phục vụ trong quân ngũ, công tác tại chiến trường ở Lào và Campuchia cũng thấy nói đến loại hạt này.

Th.S Ngô Đức Phương, khoa Tài Nguyên – Dược liệu (Viện Dược liệu):

Họ đậu có khả năng chữa rắn độc cắn

Nhìn bằng mắt thường thì hạt cây của ông Năm thuộc họ đậu nhưng để xác định tên khoa học cũng như công dụng thực của nó thì cần phải có mẫu đủ tiêu chuẩn như cành lá, có hoa, quả lá. Tuy nhiên, tôi được biết đã có một số bài thuốc dân gian sử dụng họ đậu để chữa rắn độc cắn như: hạt bàm bàm (Entada phaseoloides) có công dụng hút độc (phương pháp áp dụng như với hạt kỳ lạ của ông Năm); hạt cốt khí muồng hoặc muồng lá khế (Cassia occidentalis), dùng hạt nhai nước nuốt, bã đắp vào vết rắn cắn. Ngoài ra, trong một bài thuốc chữa rắn cắn cũng có 1 vị thuộc họ đậu là lá mắt mèo (Caesalpinia bonduc) kết hợp với một số vị thuốc khác.

Sưu tầm theo tintuconline.vietnamnet.vn
 

Hoan2008

Member
Cảm ơn bạn ilovedog đã đưa ra một bài viết đem lại thông tin rất bổ ích. Tuy nhiên, xin gửi gắm bạn chút lời: nếu bài này của bạn tự có thông tin và tự viết thì quá tuyệt rồi; còn nếu của tác giả khác hoặc từ nguồn khác thì nên bổ sung tý ty về nguồn cho hoàn thiện nhỉ. Dẫu sao thì đây là một bài rất hữu ích.
 
Top