• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Thú chơi chim họa mi chọi ở Hà Nội

Chào các bạn!

Mình là Đức, ở Hà Nội.
Bên cạnh công việc và gia đình, hai điều gắn bó thường nhật trong cuộc đời của mỗi chúng ta, mình còn có hai "mảnh trời riêng", hai niềm đam mê cháy bỏng là chơi chim họa mi chọi và chơi chó GSD. Hiện nay, mình là hội viên chính thức của Hội chim họa mi chọi Hà Nội đồng thời cũng đã đăng ký làm thành viên của CLB GSD Vietpet Hà Nội.
Tham gia diễn đàn khá lâu nhưng mình chưa thấy ai nói về chủ đề chim họa mi chọi nên ngày hôm nay mình mạo muội lập topic này. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các bạn!
Trước hết mình xin phép gửi tới diễn đàn một vài hình ảnh về chim họa mi ngoài thiên nhiên
(Nguồn: aquabird.com.vn)











Trên lãnh thổ Việt Nam, chim họa mi sinh sống chủ yếu ở các vùng rừng núi phía Bắc, trải dài theo dãy núi Trường Sơn cho tới Đèo Ngang, Quảng Bình. Tương truyền, thú chơi chim họa mi chọi bắt đầu xuất hiện từ thời Lý khi các bậc vương hầu, quý tộc được tặng những cặp chim chọi của các hào trưởng vùng sơn cước. Từ một thú chơi cung đình, chọi chim họa mi nhanh chóng lan rộng trong nhiều giai tầng xã hội bởi tinh thần thượng võ và tính thanh cao, tao nhã của nó.
Trong tự nhiên, chim họa mi ưa sống độc lập, riêng lẻ, mỗi con có một lãnh địa riêng ("độc thung"). Mỗi năm, mùa xuân là mùa sinh đẻ của loại chim này; vào thời điểm đó chim mới sống có đôi có cặp trống mái. Mùa xuân cũng là mùa chim trống hót hay nhất (để quyến rũ con mái) và thể hiện sức mạnh sung mãn nhất (để thực hiện chức năng duy trì nòi giống, tranh giành và giữ bạn tình). Khi có con chim lạ đến xâm phạm lãnh địa nó sẽ thể hiện sức mạnh và uy quyền của mình để xua đuổi, trước tiên là bằng giọng hót quát tháo, nếu kẻ xâm phạm vẫn ngoan cố thì sẽ có một trận thư hùng xảy ra cho đến khi một trong hai kẻ phải chấp nhận bỏ đi. Và kẻ thua cuộc đương nhiên sẽ mất hết tất cả (mất đất, mất vợ).
Người chơi chim họa mi chọi đã lợi dụng hai đặc tính của con chim họa mi để nâng thành một thú chơi tao nhã nhưng đầy tinh thần thượng võ, đó là: (1) Tinh thần độc lập, tự cường, giữ đất, giữ nhà không chấp nhận kẻ ngoại bang xâm phạm; và (2) Đòn ghen để giữ bạn tình. Vì vậy, chơi con chim họa mi chọi là làm sao phải giữ cho nó được cái "tính rừng" thì mới phát huy được các bản năng chiến đấu trong từng cá thể. Mỗi con chim trống được nuôi riêng lẻ, không cho nhìn thấy mặt hoặc nghe thấy tiếng của chim trống khác; mỗi con chim trống bao giờ cũng có một con chim mái đi kèm khi thi đấu ("hộ chiến").
Từ thời phong kiến cho tới bây giờ, tuy phong trào chơi chim họa mi chọi của người Hà Nội có những lúc thăng trầm khác nhau nhưng niềm đam mê thì không bao giờ phai nhạt. Hiện tại, Hội chim họa mi chọi Hà Nội có khoảng hơn 200 hội viên chính thức, Ban chấp hành gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, ban thư ký và các chức danh, phân công công việc rất rõ ràng, quy củ. Sinh hoạt (chọi chim) tại chùa Kim Liên, Nghi Tàm, Hà Nội vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Bên cạnh hệ thống thi đấu và cơ cấu giải thưởng chính thức của Hội còn có một "sân chơi" khác của các anh em thi đấu đối kháng (đánh đôi ăn tiền) diễn ra vào sáng thứ bảy hàng tuần tại Gò Đống Đa, Hà Nội. Tuy không nằm trong hệ thống thi đấu và cơ cấu giải thưởng của Hội chim họa mi chọi Hà Nội nhưng sân chơi thi đấu đối kháng cũng thu hút rất đông anh em trong giới tham gia vì ở đây tập trung những con chim "bảng hạng" nhất ở đất Hà Thành.
Trên đây, mình chỉ tạm trình bày một vài nét tổng quan về thú chơi chim họa mi chọi ở Hà Nội. Trong những bài viết sắp tới mình sẽ đi sâu vào phân tích từng khía cạnh cụ thể của nghề chơi như thể lệ và cách thức thi đấu, phụ kiện nghề chơi, cách chọn chim, những con chim tài năng...
Rất cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi chủ đề này!
 
Top