• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tết Tết Tết sắp đến rồi ....

TaiVenh

Active Member
Chỉ còn hơn chục ngày nữa là tới Tết nguyên đán, khắp nơi nơi trên mảnh đất Việt Nam đều tràn ngập không khí tưng bừng chuẩn bị đón Tết, đón Xuân. Em xin mạn phép lập topic này để tất cả anh chị em Vietpet ta cùng đóng góp các bài viết, thư, hoạ, postcard về Tết cổ truyền của dân tộc... Gọi là góp chút không khí Tết cho Diễn đàn :D

Và em xin mở đầu bằng bài viết của báo Thanh Niên về tranh Đông Hồ, một trong những nghề cổ truyền của đất Bắc.


Lưu giữ và bảo tồn tranh Đông Hồ

(TNO) Là người dân Việt Nam, ai cũng biết đến những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng của mảnh đất Kinh Bắc. Theo như lời của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thì không có thể loại tranh dân gian nào mang đậm không khí Tết như những bức tranh Đông Hồ này. Làng tranh Đông Hồ xưa có tới 17 dòng họ làm tranh, nhưng đến nay chỉ còn hai dòng họ vẫn giữ được nghề truyền thống là dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Và để góp phần níu giữ những phong vị dân gian của dòng tranh truyền thống đã tồn tại trên 500 năm này, cụ Nguyễn Đăng Chế đã cùng gia đình xây dựng Trung tâm lưu giữ và bảo tồn tranh Đông Hồ. Sau đây là những hình ảnh tại khu bảo tồn này:

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bên bộ lịch tranh Đông Hồ năm Kỷ Sửu – 2009, với hình ảnh tiêu biểu của bức tranh Cưỡi trâu thổi sáo. Cụ Chế cho biết, riêng về tranh dân gian thì chỉ có duy nhất dòng tranh Đông Hồ là có tranh về con trâu, hình ảnh cưỡi trâu thổi sáo thể hiện thông điệp “Hà điệp cái thanh thanh”, cầu mong sự thanh bình luôn đến với mọi nhà.


Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bên bản tranh ván gỗ Nghỉ ngơi

Nghệ nhân trẻ tỉ mỉ thực hiện từng đường nét trên tranh ván gỗ

Quét giấy điệp. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người ta nghiền nát vỏ con điệp trộn với hồ, rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên một màu trắng với ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng.

Giấy điệp sau khi quét xong phải được phơi khô thật kỹ. Rồi sau đó mới sử dụng vẽ hoặc in tranh.

Tranh được in xong cũng phải được phơi khô để màu tranh được đều, đẹp và sắc nét.

Một góc bộ sưu tập các bản khắc gỗ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Anh Nguyễn Đăng Tâm – con trai của cụ Chế - kiểm tra những bản khắc gỗ cổ gia truyền có gần 200 năm nay. Anh Tâm là một trong những người con kế tục cụ Chế trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống nổi tiếng của gia đình và đất nước mình.

Thiện Tâm – Hiền Nhi
 

TaiVenh

Active Member
Món ăn ngày Tết ba miền



Bánh chưng, bánh tét Cần Thơ

(TNO) Mỗi khi Tết đến người ta thường nghĩ ngay đến những món ăn truyền thống, kiểu như: “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...”. Nhưng hãy thử phiêu lưu cùng Thanh Niên đến với các miền đất nuớc, các bạn sẽ thấy có vô vàn phong vị Tết hiện ra thật đặc sắc, lôi cuốn.

Này nhé, trong cái lạnh tê tái của Sa Pa, phóng viên Thanh Niên đã có dịp lót dạ bằng một gói xôi gấc đỏ ửng, ngọt lịm đến chân run. Loanh quanh một lúc vẫn không thấy ấm, chợt thấy bên hông nhà thờ đá có một cô gái ngồi bán bắp nướng thật thơm và nhất là có món trứng vịt... nướng mà có cố tìm đến mấy cũng không có ở dưới xuôi. Nhưng thú vị nhất vẫn là món thịt lợn xông khói của bà con người dân tộc Dao đỏ ở trong bản Tả Phìn. Nếu gặp may sẽ được họ mời một bữa cơm Tết thịnh soạn với “thịt lợn rừng cắp nách” hay thịt hoẵng, nhưng ngon nhất vẫn là các món rau như: ngồng su hào, đọt su su luộc ngọt lừ.​

Về đến Hà Nội sau một chuyến xe lửa xình xịch, chúng tôi lao ngay đến quán phở Thìn để thưởng thức cái ngọt thoang thoảng hương quế, hương tai vị và cả một chút cay cay của gừng trong bát phở Bắc. Và thế nào cũng phải bát phố sau đó để mua lấy một số quà Tết mang phong vị Bắc như ô mai với vô vàn chủng loại chẳng hạn. Cũng ráng nhớ trước khi lên máy bay về phương Nam phải ghé hàng “chè chén” để chiêu lấy một ngụm trà nóng hôi hổi, cắn một thanh kẹo đậu cho thấy tết nhất ở đầu môi.

Nếu ở Cần Thơ, hãy bát phố bến Ninh Kiều để kiếm mua chả lụa, lạp xưởng, tôm khô, củ kiệu chua. Nhất là những đòn bánh tét lá cẩm tím tê tái một màu. Lại thấy bánh chưng, mua thử một cái. Ô hô, bánh chưng phương Nam gói bằng lá chuối, nhân hơi ngọt khác xa loại bánh phương Bắc. Chợt nhận ra, phàm cái gì lai căng đều không thấy thú vị.

Lên tàu ra Phú Quốc xuất hành đầu năm lấy hên. Hên thật khi được khám phá vô số món ăn. Từ cá chỉ vàng nướng, cá xanh xương nướng cho đến con bào ngư cực kỳ quý tộc cũng ê hề, giá rẻ. Đem nướng là nhất. Tối về được bà chủ nhà hàng Vườn Táo đãi cho món bánh xèo hải sản với nhân bánh là thịt con ghẹ, nghe đã đời chưa!

Du Xuân ba miền mới thấy, Tết nhất ngày nay bên những phong vị cổ truyền đã có những cái mới xen vào. Thưởng thức hết mới thấy câu nói “Ăn chơi ba ngày Tết” là quá đúng.


Bào ngư Phú Quốc


Cá chỉ vàng Phú Quốc


Cá xanh nướng


Chả cá Lã Vọng


Thịt hoẵng Sa Pa

Thịt lợn xông khói

Hồng Hạnh - Hà Giang
 

TaiVenh

Active Member
Chùm ảnh: Người dân vùng cao sắm Tết

(ANTĐ) - Khi hoa mận, hoa mai nở trắng núi rừng, cũng là lúc bà con các dân tộc vùng cao xuống chợ phiên sắm Tết. Xin gửi tới bạn đọc những hình ảnh này tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái của phóng viên Việt Anh.



Thiếu nữ người H'Mông chọn mua tua trang trí cho trang phục


Người già cũng sắm váy áo mới diện Tết


Ai cũng cố mua cho mình một thứ đồ mới như : Chảo nấu thắng cố...


... giày mới để đi chơi Tết!

Tha hồ lựa chọn

Tranh thủ kéo sợi lanh trên đường xuống chợ

Lá dong chờ được chở về xuôi

Chờ bạn cùng về bản

Việt Anh
 

TaiVenh

Active Member
Hoa Đào - biểu tượng của mùa Xuân phía Bắc


Đào Nhật Tân

Đào rừng Tây Bắc



Chợ hoa thời xa xưa - Đôi chút Nostalgie
 

TaiVenh

Active Member
Bánh chưng - biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt

Tương truyền có từ thời vua Hùng thứ 6, bánh chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Câu đối đặc trưng cho Tết cổ truyền: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ xuân về.



Bánh chưng - biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong... Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giổ tổ Vua Hùng).


Những người từng trải qua những cái Tết xưa (những năm 40-50 của thế kỷ trước) thường nhớ về Tết cổ truyền với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, từ chiếc lá dong cho tới cọng lạt tre. Với những ai trải qua những cái Tết trong chiến tranh, và cả những năm còn trong thời kỳ bao cấp, nồi bánh chưng gợi lại cho họ kỷ niệm khó quên một thời khó khăn, thiếu thốn.


Ngày nay, đối với những bạn trẻ sinh vào nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tục nấu bánh chưng ngày Tết có vẻ như chỉ còn là một nghi thức. Thế hệ 9X sống tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng quây quần quanh nồi bánh chưng với gia đình. Giờ đây, bánh chưng cho ngày Tết được mua tại các siêu thị, cửa hàng hoặc qua hình thức cung ứng dịch vụ. Ở nông thôn, hương vị Tết còn cảm nhận được phần nào qua nồi bánh chưng Tết.


Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật những ngày giáp tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng .



Hình ảnh gói bánh trưng ngày Tết

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm... Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay có nơi, có chỗ bị thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga. Dù sao thì Tết đến, xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta về giá trị dân tộc truyền thống …


Thời nay, những nguyên liệu làm bánh chưng vẫn vậy: vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong. Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi khi cắt nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc Việt.



Qua hình dáng chiếc bánh chưng, bánh dày, không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Phát xuất từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. "Lẽ vuông tròn" đó nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du: "Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?", hay câu:

"Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".

Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hoà quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết. Do vậy, năm hết, Tết về người là lại nhớ và có bánh chưng. Vì thế, công việc chuẩn bị gói bánh chưng mỗi khi Tết đến đã là một phong tục đẹp trong văn hoá Việt Nam.


Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho giới trẻ. Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hoá để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

Sưu tầm từ Internet
 

TaiVenh

Active Member
Cách gói Bánh chưng

Bánh chưng



Bánh chưng từ lâu đã là món bánh đặc biệt trong những ngày Tết dân tộc. Món bánh chưng ăn với dưa chua, củ kiệu thì tuyệt vời.

Nguyên liệu:
Phần vỏ
2 ký nếp ngon
Muối vừa đủ ( khoảng 2 muổng cà phê )
Lá dong,( hay lá chuối ) dây cột
Khuôn bánh ( 20cm x 20cm)
Nhân bánh
700g đậu xanh cà
1 ký thịt đùi hay ba rọi
Hành tím, tiêu, muối ( bột ngọt)


Cách làm

Phần vỏ
Lá dong rửa sạnh để ráo, gọt bớt sóng lá cho mỏng, lau sạch để sẳn hoặc có thể đo lá cho vừa khuôn bánh, cắt lá và xếp.
Mua dây lạt bán sẳn, dây lạt trước khi gói, phải được ngâm nước cho mềm. ( Hoặc lấy dây nhợ cột thịt rôti cũng được)
Nếp lượm những hạt thóc ra (nếu có), đem vo thật sạch, xong trộn muối vào nếp, xóc cho đều.
Phần nhân
Đậu xanh ngâm nước cho tróc vỏ, đãi sạch, chà đậu trong rổ cho rụng mầm đậu. (Nếu có đậu xanh cà sẩn, thì cũng phải ngâm, và đãi đậu lại cho kỹ).
Bánh chưng lâu hư , nhờ vo nếp thật sạch, và đãi đậu
Đậu đãi sạch để ráo, cho đậu vào nồi hầm mềm như cách làm nhân bánh phu thê, quai vạc.
Xào hành tím cho thơm, đổ hành, mỡ và muối vào trộn đều, vắt thành từng nắm, để sẵn.
Bánh chưng có thể làm với thịt đùi hay thịt ba rọi.
Thịt rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng có bản rộng và dày từ 2,5 cm đến 3 cm.
Ướp thịt với hành tím xắt mỏng+ muối tiêu+ ( bột ngọt ) để độ 2 giờ cho thịt thắm .

Cách gói

Mỗi bánh chưng cần ít nhất 4 lá dong. Lá được xếp đôi theo chiều dài sống lá, cạnh xếp đôi được đo bằng cạnh khuôn bánh, ta có thể xén lá nhỏ hơn 1 hay 2 ly cho lá dễ lọt vào khung. - Trước khi gói bánh, đặt 2 sợi dây lạt theo hình chữ thập dưới khuôn bánh.

Lớp là thứ nhất được xếp vào một góc khuôn. Thay vì để lá tràn đầy khuôn. Nhưng vì mặt lá này là bề mặt của bánh nên ta phải xếp lá cho gọn lại theo đường chéo như lá thứ nhất mà để nguyên cho đầy mặt khuôn.

Lớp lá thứ hai được xếp vào góc đối diện với lớp lá thứ nhất. Lớp lá này ta không phải xếp chéo như lá thứ nhất mà để nguyên cho đầy mặt khuôn.

Lớp thứ ba và thứ tư xếp vào 2 góc còn lại và được xếp như lớp lá thứ hai.

Lưu ý tất cả mặt láng xanh của lá dong ( hay lá chuối ) được xếp vào trong, mặt mờ ra ngoài.
Sau khi đã xếp 4 lớp lá dong vào khuôn, ta xếp chèn thêm lá chuối ở 4 góc, lá chuối cũng được xếp hình góc như lá dong, chèn thêm lá để bánh không bị bể góc.

Sau cùng cắt một miếng lá chuối hình vuông bằng với diện tích của khuôn bánh lót trên lớp lá dong.

Đong một chén nếp đổ vào, để cho nếp nằm đều vào các góc, bóp dẹp nắm đậu xanh để trên nếp, kế đến miếng thịt để nằm gọn vào giữa, sau đó đến một lớp đậu xanh , lấy tay đè cho thịt và đậu chặt xuống. Sau cùng, múc một chén nếp đổ lên trên, lùa nếp vào 4 góc cho thật chặt, xếp một lớp lá chuối trên mặt nếp, rồi xếp từ từ các lớp lá dong xuống

Rút khuôn bánh ra khỏi tay bên trái, cột sơ hai dây lạt, sau đó lấy khuôn bánh ra khỏi tay, sẽ cột thêm dây và xiết chặt bánh, thường bánh được xiết 3 dây dọc, 3 dây ngang.
Sau khi gói bánh xong, xếp những cọng lá dong vào dưới đáy thùng để nấu bánh , xếp bánh vào thùng đổ ngập nước.

Nấu bánh


Bắc thùng lên bếp đun củi liên tục, tùy theo bánh lớn hay nhỏ, số lượng bánh nhiều hay ít . Nếu làm bánh cở 20cm x 20cm nấu khoảng 5 cái bánh, thì nấu khoảng 4 tiếng .

Khi thấy nước trong thùng vơi đi, ta phải để nước sôi vào cho ngập bánh, nếu không bánh sẽ bị sượng.

Bánh chín vớt ra , để cho ngay, sau đó để lên một miếng ván, để vật nặng lên trên miếng ván, cho bánh được ráo nước.

Ba giờ sau, treo bánh nơi thoáng cho bánh có thể để lâu được.

Bánh làm khéo hay không là cần nhìn, những góc bánh phải vuông, lá xanh mướt, nhân bánh bùi béo, bánh có hương vị đặc biệt của lá dong và thịt mỡ.

PKT​
 

HieuKTS

Member
"Tôi yêu hương vị tết ngày xưa !... Mái tranh dưới hàng dừa ..." :love struck: bây giờ tìm được cái tết như ngày xưa thật khó ... dần dần chúng ta đang bị mất dần đi cái hay của phong tục tết cổ truyền ! Cảm ơn Bác Taivenh !:)
 

trangphuong

Active Member
Bác TV làm em sốt ruột quá một năm qua đi không làm được gì nhiều,nhưng cũng may sao lại biết được các huynh đệ Vietpet.....:-bd
 

TaiVenh

Active Member
Hình ảnh ngay Tết 2009

Xin cám ơn các bác đã ủng hộ. Em xin post thêm phóng sự ảnh về không khí Tết tại Sài thành. Nguồn: Phi Huynh blog.



Bên hông chợ Bến Thành



Trái cây miền Tây



Đi chợ hoa



Đội thêm "cái nồi điện" cho nó chắc ăn



Làm dáng mừng xuân



Du khách thăm chợ hoa



Bonsai Việt Nam











Chọn đào Nhật Tân



Mua giúp cho em - Em chờ, em đợi



Hoa Mai Sài Thành






Bonsai



Mai vàng sắp nở



Mai vàng đón xuân




Kiểng quất



Anh đưa em về "dinh"



Kiểng rồng miền Tây



Chọn lựa - phân vân



Bonsai
 

HieuKTS

Member
Tình cờ đọc được trên ngoisao.net có bài viết này - đọc thấy hay hay mạn phép tác giả xin được post lên chia sẻ cùng anh em nhân dịp tết sắp về !!! :D ( Lúc lắc cùng bác Taivenh :D)

Đón Tết

Còn hơn mười ngày nữa là tới Tết. Đây đúng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm, nhất là khi bước qua ngày hai mươi âm lịch.

Khoảng mười ngày trước Tết là những ngày chộn rộn nhất để chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa, mua mới chút đỉnh đồ đạc. Hôm qua đã thấy mẹ lên thực đơn cho mấy ngày Tết, đã thấy bạn bè đồng nghiệp cũng lao xao chuẩn bị sắm sửa về quê. Bỗng dưng trong lòng cũng thấy chút nao nao...

Có một số việc mà cũng có thể gọi là vài thú vui ngày xuân, một năm chỉ thực hiện được trong khoảng thời gian này. Danh sách thú vui ngày xuân này so với ngày xưa thì giờ đã ngắn lại một chút. Ví dụ như cái thú lặt lá mai, ngày xưa cỡ khoảng rằm tháng chạp là mấy cây mai trong sân sẽ bị vặt trụi lá trơ cành. Mà cái việc lặt lá mai này trong nhà không ai được xí phần, coi như là mình đã được độc quyền rồi. Giờ thì không có mai để mà lặt lá. Có một, hai cây mai bonsai bé tí tẹo, chừng hai chục cái lá, ba phút là xong. Mà mấy nàng mai này cũng nở lai rai từ hồi đầu tháng chạp rồi. Xem như đã mất đi một cái thú vui ngày Tết.

Thú vui thứ hai là đọc báo xuân. Cả năm đọc báo mà gần tới Tết lại nôn nao chờ mua báo xuân. Hồi nhỏ nghèo nên ráng lắm báo xuân cũng chỉ mua được chừng năm tờ. Giờ đỡ nghèo hơn nên số lượng báo xuân cũng hoành tráng hơn. Mà một tờ báo mua về đâu phải một mình mình coi. Có bốn người trong nhà coi. Sau đó tới bốn nhà hàng xóm, vị chi thêm ít nhất mười sáu người nữa. Một tờ báo có tới hai chục người coi thì coi như không lỗ vốn rồi. Báo xuân mua về chỉ đọc sơ qua rồi để đó. Đến mấy ngày Tết thảnh thơi mới đem ra nghiền ngẫm lại từ từ. Mấy chục năm đọc báo xuân mình rút ra được một kết luận: báo xuân hơn báo thường ở điểm nào? Đẹp hơn, to hơn, đắt hơn, nhiều trang hơn, và nhiều quảng cáo hơn! Nhiều tờ số trang quảng cáo còn nhiều hơn nội dung nữa! Ở báo Phụ nữ xuân năm nay có bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Con cúi đầu xin mẹ quá hay, đọc mà ngậm ngùi mãi...

Thú vui thứ ba là nghe nhạc. Cả năm nghe nhạc không biết là bao nhiêu lần. Vậy mà có vài bài hát ngày thường không nghe, hoặc rất ít nghe, để dành cho dịp Tết. Happy New Year của Abba thì đã nghe lai rai trong công ty từ hồi Noel. Đêm ba mươi Tết thì nhất định phải ngồi một mình nghe Anh đến thăm em đêm ba mươi của Vũ Thành An để mơ về một chiếc lá vàng. Còn mấy ngày trước Tết như vầy thì hay nghe lại Đón xuân này nhớ xuân xưa của Châu Kỳ, nghe để rồi rấm rứt, da diết nhớ về xuân cũ người xưa, nhớ đến ông bà những ngày Tết nào còn tề tựu, giờ thì đã thành dĩ vãng nghìn trùng...

Thú vui thứ tư là làm mứt. Mà chỉ làm duy nhất một loại mứt là mứt tắc (quất). Hôm chủ nhật đi chợ đã lựa được một cân tắc tương đối đẹp để khai trương. Nghĩ cũng ngộ, một người chẳng có năng khiếu bếp núc nội trợ như mình mà lại mê làm cái món đòi hỏi sự tỉ mỉ và khó tính như vậy. Làm mứt tắc đã thành một thói quen hơn mười năm nay. Không làm cứ thấy thiêu thiếu sao đó. Dù khi làm xong để dành khoe với dòm thôi chứ chẳng ăn được bao nhiêu (vì thứ mứt này làm xong trông rất đẹp).

Thú vui thứ năm là thú vui của ngày trước đêm giao thừa: gói bánh tét. Dù mình chỉ là người phụ trợ lau lá cột dây thôi mà cũng háo hức lắm. Tết nào không gói bánh tét là năm đó chẳng thấy vui, cứ thấy nhợt nhạt, lạt lẽo. Yêu làm sao cái khoảnh khắc khi nồi bánh tét vừa chín, vớt ra từng cặp bánh treo lên trong giàn bếp. Mùi lá, mùi nếp cứ thoang thoảng khắp cả nhà. Mùi của Tết đấy!

Tết, như một cuộc hôn nhân vậy. Những ngày trước Tết thế này là những ngày trước khi cưới, những ngày tình yêu chín muồi, hồi hộp, nôn nao, chờ đợi. Ngày 30 Tết là ngày cưới với ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Ngày mùng một, mùng hai là những ngày trăng mật. Còn hết mùng là những ngày hậu hôn nhân. Chỉ có một điều khác là hết Tết này ta lại chờ Tết sau, còn hôn nhân thì không! :))
Thật tình vì không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân nên chẳng biết so sánh có khập khiễng không nữa.

Một chút vui cho những ngày sắp Tết...

Chào xuân!
 

TaiVenh

Active Member
Tết sớm tại làng bánh chưng Tranh Khúc

Tại làng Tranh Khúc - làng chuyên gói bánh chưng ở Thanh Trì, Hà Nội - những ngày này, nhà nào cũng tràn ngập màu xanh của lá dong, mùi thơm ngậy của đậu xanh đang đun trên bếp, nồi luộc bánh chưng to sụ...

Trên con đường nhỏ vào làng tấp nập xe ôtô ra vào, chở lá dong, chuyển bánh chưng... Sân nhà nào cũng thấy đống lá dong đã rửa sạch sẽ, xếp sẵn chuẩn bị gói cao đến cả mét, nếu không thì là chồng bánh chưng cao ngất.

Chẳng ai biết được làng đã làm nghề này từ khi nào. Nhưng có lẽ từ lâu lắm rồi, cứ cha truyền con nối, hết đời này sang đời khác. Người làng đã đem bánh chưng đi khắp Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Văn Thanh trưởng thôn cho biết, cả làng có 218 hộ thì có đến 70% có nghề làm bánh chưng. Làng làm bánh quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp Tết. Bình thường mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái mỗi ngày thì dịp gần Tết phải 500, có nhà làm 1.500 chiếc một ngày.


Nhà cụ Nhàn 73 tuổi, ở làng Tranh Khúc đã có nghề làm bánh chưng cũng phải 5-6 đời. Ảnh: N.P.

Làm bánh có nhiều công đoạn, lại làm nhiều nên nhà nào cũng phải huy động hết các thành viên trong gia đình. Người già, trẻ em không làm việc nặng thì rửa lá, xếp lá, đánh nhuyễn đỗ, mỗi người mỗi việc.

"Bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói trong lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu", ông Thanh chia sẻ.

Đơn giản như việc chọn số lượng lá cũng phải xem thời tiết. Nếu thời tiết thuận, lạnh chỉ cần vừa lá, thông thường gói bộ cần 6 lá. Nhưng những khi trời nồm và nóng thì phải gói dầy lá lên, có khi phải gói 10 lá. Như thế việc bảo quản bánh sẽ tốt hơn rất nhiều.

Gạo nấu bánh có rất nhiều loại: của Bắc Ninh, Thái nhưng nếu chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu là ngon nhất. Hạt tròn, thơm, dẻo trắng, đều, không gãy. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo, chứ không nên ngâm gạo qua đêm. Vì như thế gạo sẽ hút nước, nở hết cỡ, khi gói bánh sẽ không được chặt, còn làm bánh nhanh chua.

Lúc gói chỉ cần dấp qua nước, như thế gạo không bị chảy, gói gọn bánh, cho thêm ít muối để bánh không bị nhạt. Với cách làm này, bánh vừa tơi vừa nhừ, dền lại gọn bánh, xâu bánh rất chắc.


Lá dong phải cắt sống lá để khi gói bánh không bị gãy. Ảnh: N.P.

Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo. Trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo.

"Một số nơi gói bằng đậu sống nên khi ăn còn mùi ngai ngái, nhưng ở làng này chúng tôi nấu gạo lên như nấu cơm, sau đó chắt nước luộc đi rồi mới đánh nhuyễn. Như thế đậu xanh sẽ không có mùi này", ông Thanh nói.

Bánh chưng muốn ngon, ngậy một phần cũng do thịt lợn, thường là loại thịt ba chỉ. Nhưng những lúc làm nhiều bánh, cũng có thể lấy thịt vai, thịt mông gói thay nhưng phải là loại ngon nhất. Sau đó trần qua nước nóng trước khi thái, miếng thịt vừa sạch lại cứng, ướp hạt tiêu, mắm muối đầy đủ.

Bánh phải gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, người ta thường rửa qua nước lạnh cho bánh được sạch, lá không bị khô, xấu lá. Rồi sau đó dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết đi. Lúc đấy bánh vẫn còn đang mềm, làm như vậy cũng có tác dụng làm cho bánh nở đều, các góc chặt như nhau.

Thường công đoạn làm lá được tiến hành buổi sáng, chiều mới gói, và cuối buổi chiều thì bắc bếp. Tối đến, bếp nhà nào nhà nấy bập bùng suốt đêm. Sáng ra, bánh được vớt, ép và chuẩn bị đưa đi.
Bánh chưng ngon là khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn vào có vị thơm và béo ngậy. Giá bánh còn tùy vào người đặt, thường là 15.000-20.000 đồng, cũng có nhà gói tới 50.000 đồng một chiếc.

Thường chỉ vài tiếng sau, bánh luộc ra sẽ theo chân người làng hoặc người đặt hàng đi khắp các siêu thị, chợ và nhiều gia đình ở nội thành Hà Nội và các vùng lân cận.
Nam Phương
 

TaiVenh

Active Member
Mùa Tết
-… Nhà nhà mở tung cánh cửa lớn chờ xuân. Người người háo hức đợi mùa Tết đến. Trẻ khoe áo mới, già hạnh phúc ngắm lộc biếc xanh cây. Mùa Tết để con người sống trầm hơn, suy ngẫm kỹ hơn về nhân tình thế thái, về cuộc đời, cõi nhân sinh. Ai bảo đời người là chuỗi ngày khổ ải, ai bảo đời là bể khổ, tình là dây oan…



Hoa cải bên sông...Nguồn ảnh: Blog360yahoo.com


Cứ ngày nối ngày, đêm nối đêm, lạnh giá và sương mù nối nhau sao mà nhanh mà chóng. Không ai đếm thời gian, không ai khắc lên tờ lịch mới những chuỗi ngày cuối mà sao ngày tháng cứ vùn vụt trôi đi. Vỏn vẹn chưa đầy chục ngày nữa là Tết, cái ngày mà bọn trẻ háo hức đón chờ những niềm vui nho nhỏ, trong sáng.

Còn tôi, mỗi thời khắc như thế này, tôi nhớ lắm những kỷ niệm vẹn nguyên một thời thơ ấu chân trần trong gió mùa đông bắc, dang rộng vòng tay hít hà hơi lạnh hanh khô của tiết trời cuối đông. Tôi luôn thích đi đến tận cùng của những cảm giác con người. Lạnh phải thấu xương thấu thịt, nóng cũng phải dầm dề mồ hôi... [/SIZE]

Mùa Tết đang về, mùa của nhung nhớ. Tôi gọi những ngày giáp Tết hối hả thế này là mùa Tết. Mùa Tết ngắn nhưng có hàng ngàn việc phải làm. Ai ai cũng bận rộn, cũng mong một kỳ nghỉ dài hơi cho bạn bè, họ hàng. Mùa Tết, tôi nhớ bạn xưa, nhớ đêm năm ấy tôi và bạn, dù ở hai đầu đất nước nhưng có chung một nỗi niềm thương nhớ quê da diết.

Những giọt nước mắt đàn ông mà lăn dài ướt đẫm cả gối khi đêm đen vây kín, lạnh lẽo đến ghê người bởi trong khoảnh khắc thời gian ấy của những xưa cũ là bếp lửa bập bùng, thơm lựng hương gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ “ùng ục” trong chiếc nồi nhôm lớn.

Đó là hỉnh ảnh cha tất bật lo toan gánh củi, khúc gỗ dành dụm cả năm cho một mùa xum họp ngắn ngủi, đón những đứa con phiêu bạt trở về. Đó là dáng mẹ tảo tần phiên chợ sớm tìm những con cá lớn vàng óng béo ngậy để đêm nằm trong chăn ấm mà vẫn nghe tiếng mỡ cháy xèo, thơm lựng cả khoảng sân.

Con thuyền nào rồi cũng đỗ bến, con người nào ra đi rồi cũng có ngày về. Có những khi xa biền biệt, có những khi dấu kín nỗi nhớ vào sâu thẳm con tim và dành trọn khối óc cho những bộn bề hôm sớm. Thế mà mỗi khi nín lặng một mình, lại nhớ đến nao lòng và mong mỏi khát khao ngày đoàn tụ.

Phố Hà Nội lộng lẫy hương mùa Tết. Nguồn ảnh: Blog360yahoo.com


Thời gian gánh trên mình sứ mệnh đón đưa, chứng kiến những niềm vui nỗi buồn nhiều khi lạnh lùng đến tàn nhẫn khiến con người ta thấy bất lực trước sự vĩnh hằng của thời gian. Tôi bước dài trên con phố thân quen, phố dài rộng thế, tấp nập thế nhưng vẫn thấy lạnh.

Lạnh của mùa cuối đông, hay của những gương mặt vội vã, tất tả khi mùa Tết đến? Họ đang có một nơi chốn đợi chờ sự trở về trong ngày đoàn tụ thiêng liêng, để mang đến cho những người thân yêu niềm hạnh phúc tột cùng. Còn tôi, hoài niệm cho một mùa xuân đang đến gần, hoài niệm cho một tình yêu đang chớm nở như nụ tầm xuân chúm chím trên cành lộc biếc.

Phố Hà Nội bắt đầu lộng lẫy hương mùa Tết. Hoa tràn ngập làm rạo rực lòng người. Nước hồ mùa lạnh vẫn cứ xanh thăm thẳm, tay trong tay, vai chen vai xích lại gần nhau cho hơi ấm tràn về, đêm đỡ dài lê thê trong thàng thốt mùa xuân gõ cửa.

Đào năm nay kém sắc, Nhật Tân thành phố phường tấp nập, nhà cao tầng kín mít…Hàng nối hàng cau vua thẳng tắp có làm ấm những đào quất vàng tươi, có làm vang lên không khí lễ hội ngày xuân trong rộn rã lòng người. Ai đó chép miệng tiếc nuối những cũ xưa của một thời cổ kính linh thiêng. Ai đó háo hức đón chào mùa xuân hiện đại đủ đầy.

Trầu cau ai có thắm đỏ những đôi môi, kẹo bánh ngọt ngào có xoá đi dư vị chia ly tiếc nuối. Đôi mắt ai xa xăm trên bờ sông, nhìn gió lồng lộng thổi đổ ngang những ngọn ngô đồng bước vào mùa tàn úa, đợi chờ ngày xanh tốt cho một mùa vụ mới mơn mởn lớn khôn. Rồi đây, cây nêu câu đối, thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh có làm nên xuân ấm áp, đàn én có đủ đông đúc để kéo xuân về...

Nhà nhà mở tung cánh cửa lớn chờ xuân. Người người háo hức đợi mùa Tết đến. Trẻ khoe áo mới, già hạnh phúc ngắm lộc biếc xanh cây. Mùa Tết để con người sống trầm hơn, suy ngẫm kỹ hơn về nhân tình thế thái, về cuộc đời, cõi nhân sinh. Ai bảo đời người là chuỗi ngày khổ ải, ai bảo đời là bể khổ, tình là dây oan.


Mùa Tết về trên từng kẽ lá, từng lộc non...Nguồn ảnh: farm4.static.flickr.com


Cõi người nhẹ tênh lắm. Cõi vĩnh hẳng kia mới là vĩnh viễn, ta chỉ vay tạm cuộc đời để mà hỉ nộ ái ố, mà ai oán trong hạnh phúc, trong khổ đau. Cầu khấn, mong mỏi trong thời khắc thiêng liêng những điều tươi đẹp, ước mong được hạnh phúc đủ đầy, được viên mãn cuộc đời, nhưng ta cũng biết đâu là điểm dừng của tham vọng, để tâm hồn thanh thản.

Tôi bước đi như vô định, nhìn gánh hàng hoa thanh nhã những cành lay ơn đỏ thắm. Hoa tô điểm cuộc đời để cuộc đời chưa bao giờ là cũ, chưa bao giờ là vô nghĩa. Hoa có hạnh phúc không, có sung sướng không, cái thân hình mai mảnh ấy nở rực rỡ rồi lụi tàn úa héo?

Từng hồi chuông ngân vang, gió càng lạnh nhưng thành phố tràn ngập hơi thở mùa Tết. Tôi bỗng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê xa. Thèm quá hơi ấm của đôi bàn tay gầy guộc của mẹ, đã nuôi tôi lớn khôn. Tôi nhớ tiếng lách tách của thanh củi khô cha đã dành dụm cả năm dài. Tiếng lép bép nổ của những hạt trấu vàng xuộm trên than hồng đỏ rực.

Mùi canh măng khô sực nức, cạp lồng mỡ trắng tinh treo trên góc tường bếp đung đưa trong khói trắng mịt mù. Lũ trẻ đua nhau khoe áo mới với niềm kiêu hãnh ngây thơ. Tôi lại nhớ phiên chợ nghèo ven con sông hiền hoà, cánh đồng hoa cải nở vàng cả góc sông. Ai cũng rạng rỡ nụ cười hạnh phúc, bao dung…

Tôi lắng nghe tim mình, lắng nghe trong tâm hồn hương vị mùa Tết về, trên từng kẽ lá, từng lộc non, cành biếc. Hơi ấm trong câu chuyện bà kể năm nào. “Tiếng” mùa xuân tí tách trong giọng hát bi bô bé thơ tập nói. Tất cả, như hơi thở mát lành đâu đây, như háo hức đón đợi mùa xuân. Và tôi gọi đó là mùa Tết.
  • Nghiêm Tuấn Anh
 
Top