• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên- Bảo vệ động vật hoang dã.

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên- Bảo vệ động vật hoang dã.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, (tiếng Anh: World Wide Fund For Nature - WWF) là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên. Tên cũ là Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới hoặc Quỹ Bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế giới (World Wildlife Fund)

Lịch sử

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) được thành lập ngày 11 tháng 9 năm 1961 tại Thụy Sĩ, với tên ban đầu là World Wildlife Fund. Ngay năm đầu tiên, WWF đã có chi nhánh tại Thụy Sĩ, Vương quốc Liên hiệp AnhHoa Kỳ, sau đó là những chi nhánh tại Áo, Đức, Hà Lan, và Nam Phi. Ngày nay, WWF có chi nhánh tại 59 quốc gia trên thế giới.
Năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, và vì mở rộng phạm vi hoạt động nên WWF quyết định đổi tên thành World Wide Fund For Nature, ngoại trừ tại Hoa Kỳ và Canada còn giữ lại tên cũ.
Biểu tượng là hình phác họa theo mẫu một con gấu trúc lớn tên Chi Chi đang sống tại Sở thú Luân Đôn lúc thành lập WWF. Năm 2002, WWF đã thắng trong một cuộc tranh kiện, làm Công ty Đấu Vật Thế giới - World Wrestling Federation phải đổi tên là World Wrestling Entertainment (WWE) [3].



Mục đích

WWF đưa ra những mục tiêu sau :
WWF mong muốn giảm bớt sự tàn phá thiên nhiên toàn cầu để xây dựng một tương lai mà con người sống hòa hợp cùng thiên nhiên.
  • Bảo tồn sự đa dạng sinh học của thế giới.
  • Đảm bảo duy trì sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh.
  • Xúc tiến việc giảm bớt ô nhiễm môi trường và tiêu thụ lãng phí. [4]
Hoạt động


Bong bóng với biểu tượng WWF ở Ba Tây


Trong biên bản thành lập có ghi hoạt động của WWF là "bảo vệ động vật, thực vật, rừng, cảnh quan, nước, nền đất và những nguồn tài nguyên thiên nhiên qua sự mua và quản trị những khu vực. Những khoản tài trợ sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu và giáo dục các tầng lớp, thông tin công chúng, điều hợp những cố gắng và liên kết những nhóm quan tâm". [5] Theo đó, WWF tạo sự khác biệt với những tổ chức bảo vệ môi trường khác là chú trọng vào những công việc vận động hành lang cổ điển, liên kết với những công ty thương mại để tài trợ những dự án bảo vệ hệ sinh thái dài hạn, thay vì tạo những chiến dịch nổi bật gây dư luận và thu hút truyền thông đại chúng ngắn hạn như tổ chức Hòa bình xanh. Trong quá trình hoạt động, WWF đã mở rộng phạm vi hoạt động trở thành một tổ chức bảo vệ thiên nhiên phổ thông, đặc biệt chú trọng về việc ngăn ngừa hiệu ứng nhà kính gây ra do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, thành lập những khu vực được bảo vệ (conservator) để bảo vệ dài hạn những động- và thực vật bị đe đọa, thay vì chỉ nhắm vào động- thực vật hoang dã như mục tiêu ban đầu.
Từ năm 1961, WWF đã tài trợ cho khoảng 12.000 dự án trong 153 quốc gia và 1.500.000 cây số vuông đã có thể chuyển thể thành vườn quốc gia.
Trên thế giới hiện có khoảng chừng 4000 nhân viên trên 100 quốc gia hoạt động trong khoảng 300 khu vực được bảo hộ. Trên 5 triệu người trên thế giới ủng hộ, nhờ đó năm 2006 trên 374 triệu Euro đã được quyên góp để sử dụng cho các mục đích bảo vệ thiên nhiên, trong đó riêng năm 2006 là 2000 dự án bảo vệ thiên nhiên và môi trường [2] .



Chú thích

  1. ^ Trong tiếng Việt, hiện nay tên tổ chức này có nhiều lối dịch khác nhau và chưa thống nhất : Quỹ Thiên nhiên thế giới, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn Cầu, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Toàn cầu cho Thiên nhiên, Quỹ Toàn thế giới vì thiên nhiên, Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên Nhiên, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế...


Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Mèo rừng trong quán bia

Mèo rừng trong quán bia

21-07-2008


Con mèo rừng thu giữ tại cửa hàng bia Hoàng Hoa​


10h ngày 02/07, Đội 2 - Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) – Công an thành phố Hà Nội, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Quản lý kinh tế và chức vụ – Công an quận Đống Đa, tiến hành kiểm tra đột xuất quán bia Hoàng Hoa, tại ngõ 91, phố Nguyễn Chí Thanh, phát hiện tại đây đang nuôi nhốt 1 con mèo rừng, loài động vật thuộc nhóm 1B - động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm nuôi nhốt, săn bắt, mua bán, giết mổ...

Tại buổi kiểm tra, chủ quán bia hơi Hoàng Hoa là anh Hoàng Quốc Thắng (SN 1971), trú tại phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho biết, cách đây một tuần đã mua con mèo trên tại chợ Hàng Da và đem về nuôi nhốt trong cửa hàng từ đó đến nay.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ con mèo rừng trên và bàn giao lại cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội theo quy định. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.


Theo An Ninh Thủ Đô, 04/04/200
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Tàn nhẫn khi sử dụng mật gấu nguyên chất

Tàn nhẫn khi sử dụng mật gấu nguyên chất

Con người sẽ phải trả giá cho những việc làm không đúng của mình ngày hôm nay. (Ảnh: ENV)​


ThienNhien.Net - Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình 24 tỉnh thành trong cả nước đã liên tục phát sóng một đoạn phim ngắn 30 giây về nạn khai thác mật gấu. Đoạn phim nhằm hỗ trợ chiến dịch chấm dứt nạn khai thác mật gấu trái phép ở Việt Nam của ENV

Đoạn phim cho người xem thấy được sự tàn nhẫn mà những chú gấu phải hứng chịu thông qua những tiếng kêu đau đớn trong quá trình hút mật gấu “Thứ âm thanh của một nền công nghiệp đọa đầy và giết dần giết mòn loài gấu”.

Thông qua đoạn phim để kêu gọi cộng đồng “Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Mật gấu - 100% tàn nhẫn. Hãy nói KHÔNG với mật gấu.” Công chúng có thể thông báo về các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD thông qua đường dây nóng 1800 – 1522 của ENV.

Một số các quảng cáo tập trung vào sự tàn nhẫn của ngành công nghiệp khai thác mật gấu do Ogilvy sản xuất cũng được đăng tải trên một số tạp chí nổi tiếng. Mẫu quảng cáo là hình một chai sôđa dán nhãn “Mật gấu”. Dưới tấm nhãn là biểu ngữ “Đảm bảo tuyệt chủng”. Bên cạnh lon nước là dòng chữ “Mua hôm nay. Trả giá mai sau” - chúng ta sẽ phải trả giá cho những hành động sai lầm của mình ngày hôm nay. Ngoài ra, dòng phụ đề cuối trang còn cho biết việc sử dụng mật gấu không chỉ tàn nhẫn, mà còn là hành vi phạm pháp và sẽ đẩy loài gấu đến bờ tuyệt chủng.

Để biết thêm thông tin về đoạn phim ngắn trên có thể xem tại:
http://www.youtube.com/watch?v=gC6rDIPlMzA (Bản Tiếng Việt)
http://www.youtube.com/watch?v=QaZEZBPt9Gc (Bản dịch Tiếng Anh)


Theo ENV (ngày 31/07/2008)
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Kon Tum: Bắt giữ vụ vận chuyển thú rừng trái phép

Kon Tum: Bắt giữ vụ vận chuyển thú rừng trái phép

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam).​


Chiều 15/07, Chi cục kiểm lâm Kon Tum đã thả 46 con nhím và chồn còn khỏe mạnh vào rừng đặc dụng Đắk Uy, huyện Đắk Hà. Đây là số thú rừng thu được từ một vụ vận chuyển trái phép do Cảnh sát giao thông Kon Tum phát hiện ngày 12/07.

Vào thời điểm trên, khi đang làm nhiệm vụ, Cảnh sát giao thông Kon Tum đã phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 52Z – 6306 của Công ty TNHH Thành Phát (ở Hố Nai 3, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) do lái xe Trần Ngọc Châu, sinh năm 1954 điều khiển chạy quá tốc độ quy định. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã truy đuổi, yêu cầu dừng xe để kiểm tra và đã phát hiện trên xe chở 60 con thú rừng. Trong số đó, có 14 con bị chết và đã được tiêu hủy.

Theo tường trình của lái xe, Trần Ngọc Châu được Công ty TNHH Thành Phát thuê chở số thú rừng trên từ tỉnh Đắk Nông để đưa đi tiêu thụ tại tỉnh Quảng Trị. Khi đưa về cơ quan chức năng để lập biên bản về hành vi chuyên chở thú rừng trái phép, chủ hàng đã bỏ trốn nên chưa xác định được danh tính.

Cùng với việc tịch thu và thả số thú rừng nói trên về rừng, Chi cục kiểm lâm Kon Tum đang tạm giữ tang vật là chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 52Z – 6306 để tiếp tục điều tra và xử lý.



Theo Pháp Luật Việt Nam, 16/07/2008
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
CITES siết chặt kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã

05-08-2008

Săn giết voi vì mục đích thương mại ở châu Phi. (Ảnh: AP).​


ThienNhien.Net – Nạn buôn bán voi, tê giác, hổ và gỗ gụ đã trở thành tâm điểm của hội thảo về công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp) do Cơ quan thư ký của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) điều hành hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Willem Wijnstekers - Tổng thư ký CITES phát biểu khai mạc hội thảo: “Cần phải có các giải pháp mới đủ mạnh mới có thể kiềm chế và kiểm soát sự suy giảm của các loài. Lãnh đạo các nước thuộc nhóm G8 cũng đã nhận ra điều này và thể hiện cam kết thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với việc giảm buôn lậu các loài hoang dã và cải thiện quan hệ giữa hoạt động nghiên cứu, công chúng và những người làm chính sách”.

300 đại biểu đến từ 173 nước thành viên của CITES ở khắp nơi trên thế giới đã tham gia hội thảo. Một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo là số lượng ngà voi được dự trữ ở 4 nước khu vực Nam Phi và vấn đề cấp phép xuất khẩu. Theo thỏa thuận đã ký kết hồi năm ngoái, Botswana, Namibia, Nam Phi and Zimbabwe được phép bán toàn bộ kho hàng ngà voi thuộc sở hữu của chính phủ đã đăng ký cuối năm 2007. Thỏa thuận quy định sau khi chuyển xong đợt hàng này, sẽ không có bất cứ buôn bán nào khác được CITES xem xét trong vòng 9 năm.

Hội thảo cũng tập trung vào vấn đề đang gây nhiều tranh cãi về nuôi nhốt hổ ở châu Á. CITES đã quyết định quần thể hổ nuôi nhốt phải được giới hạn số lượng ở mức hỗ trợ bảo tồn hổ hoang dã và cấm việc nuôi nhốt phục vụ mục đích thương mại. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề cập đến những nỗ lực chống lại nạn buôn bán trái phép da, xương hổ và các bộ phận tương tự ở các loài mèo lớn (như báo) vẫn đang tiếp diễn.

Các mức xuất khẩu gỗ gụ từ Amazon cũng được đưa ra thảo luận. CITES cho biết hệ thống kiểm soát gỗ hiện nay còn thiếu và khuyến cáo những hệ thống mới đang phát triển cần đảm bảo việc khai thác bền vững và buôn bán hợp pháp.

CITES cũng đang chuẩn bị thiết lập một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để giải quyết vấn đề buôn lậu sừng tê giác. Quần thể tê giác ở Cộng hòa dân chủ Công-gô, Ấn Độ, Mô-dăm-bich, Nê-pan, Nam Phi và Zimbabwe đang bị săn bắn trộm ráo riết. Các nhà khoa học cảnh báo tê giác có thể sẽ tuyệt chủng ở Công-gô.


Đào Thu Hiền biên dịch (Theo UN News Centre, 14/07/2008)
 
Top