“Sao VTV3 lại dạy trẻ con dìm mèo?”
Hàng triệu độc giả ngồi trước màn hình VTV3 tối 17/4/2011 đã không thể ngờ phân cảnh dìm một con mèo xuống nước lại trở thành một bài học giáo dục trẻ em.
Độc giả Hải An (Hà Nội) kể lại: Con trai mình gần 2 tuổi khi xem đến cảnh con mèo bị buộc vào chai rồi thả xuống nước đã lao về phía màn hình ti vi, giơ hai tay đòi nắm lấy chú mèo, giọng thì ngọng líu ngọng lô mếu máo: “Mẹ, mẹ, mèo ngã, mèo ngã, cứu…”.
Mình đã phải bế bé lên và giải thích là 'đấy là những trò đùa của các anh trong tivi, sẽ có người cứu bạn mèo, bạn ấy sẽ không sao đâu con ạ'.
Anh Lê Trung ngậm ngùi chia sẻ: “Thật sự tôi sốc khi xem chương trình cùng 2 con và sợ ảnh hưởng tiêu cực đến con, tôi phải nói với con: không phải mèo thật đâu con ạ, người ta làm giả đấy. Với tôi, việc VTV3 có cắt đoạn này hay không không quan trọng bằng cái phông kiến thức của nhóm làm phim, và của cả những người kiểm duyệt”.
Hầu hết các ý kiến gửi về VietNamNet đều thể hiện một thái độ sốc và bức xúc khi chứng kiến cảnh bốn em bé buộc một con mèo vào hai chai nước rồi thả xuống hồ bơi.
Con vật nào cũng có quyền được sống
Độc giả Hoàng Minh bình luận: “Là người rất yêu quý vật nuôi, nhất là mèo, tôi không thể chấp nhận màn hành hạ mèo phát sóng trên VTV3 hôm vừa rồi. Đây là chương trình văn hóa giáo dục mà đưa hình ảnh phản cảm vậy sao? Những hình ảnh như thế sẽ chỉ làm cho con trẻ sống lạnh lùng và vô cảm hơn trước nỗi đau và cái chết".
Một bạn khác nói: “Chưa biết trẻ em Việt Nam xem chương trình này sẽ có suy nghĩ và hành động như thế nào, riêng việc để 4 em nhỏ trong clip chứng kiến cảnh chú mèo con vẫy vùng trong nước đã là vô nhân đạo”.
Bạn đọc Gia Phùng chia sẻ thêm: “Tôi cũng tình cờ xem chương trình đó và giật mình vì sự thiếu hiểu biết của những người làm chương trình. Góc quay rõ ràng một chú mèo thật bị buộc chặt vào chai nhựa, khi thả xuống nước thì chú mèo bị lộn ngược rồi chìm nghỉm dưới nước.
Một hình ảnh dã man, bất nhẫn, đối với những cậu bé đã đủ tuổi để nhận thức vấn đề. Đặc biệt đây lại là một chương trình giáo dục trên Đài truyền hình Quốc gia”.
“Con vật nào cũng có quyền được sống. Càng không thể dùng một con mèo đang sặc sụa nước để làm một thí nghiệm giáo dục như vậy. Là admin của Hội Những Người Yêu Động Vật
www.yeudongvat.org và Hội Những Người Yêu Mèo
www.facebook.com/hoiyeumeo, tôi và hàng chục ngàn thành viên đang đợi câu trả lời của Ban biên tập VTV3?’ – Hoàng Yến, admin của trang web Hội Những Người Yêu Động Vật viết.
TS – Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý:
Hành vi hành hạ thú vật mang tính bạo lực
Có lẽ ý tưởng của chương trình không xấu, nhưng cách diễn đạt không thành công. Người sản xuất chương trình đã không nghĩ ở nhiều góc độ, họ chỉ nghĩ đến việc lấy ví dụ là con mèo để dạy trẻ, mà không nghĩ đến việc đó là hành động hành hạ thú vật mang tính bạo lực, độc ác.
Tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực học đường đang tràn lan hiện nay khiến nhiều phụ huynh, khán giả giật mình khi xem chương trình trên là điều dễ hiểu. Bởi đây là chương trình dành cho trẻ em, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ của trẻ.
Lẽ ra, trong đoạn phim trên nên có thêm một phân đoạn giải thích trong chương trình, rằng hành động của cậu bé là sai, là hành hạ động vật, khuyên trẻ sống nhân ái hơn với loài vật. Cách giáo dục như thế sẽ đầy đủ hơn.
Một chương trình như thế là thiếu kiểm duyệt. Cần phải lưu ý người sản xuất phải nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ, nếu không, đưa nó lên truyền hình sẽ gây phản giáo dục, bức xúc trong dư luận.
Dù sao đây là một chương trình lớn, của đài quốc gia, cần phải xem xét kỹ hơn nữa trước khi trình chiếu tới khán giả, cũng như cần phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn cẩn thận hơn.
Quỳnh Anh (ghi)
Sơn Khê (thưc hiện)