• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Ngựa và đua ngựa ở Bắc Hà

amifidele

Member
Trong tuần du lịch văn hóa Bắc Hà (Lào Cai) diễn ra từ 30/5 – 1/6/2008, hoạt động được lấy làm trọng tâm cho đợt lễ hội là Giải đua ngựa truyền thống ở cao nguyên Bắc Hà. Đây là hoạt động thể thao thượng võ lâu đời, hiếm có mới được khôi phục, tổ chức ở quy mô lớn. Cuộc đua ngựa Bắc Hà – 2008 có số lượng ngựa đua tham gia nhiều nhất từ trước tới nay.

Cán Cấu theo tiếng Mông là "Cái Hồ Cạn", có xã Cán Cấu và chợ Cán Cấu. Cái chợ lạ lùng này nằm ở lưng chừng núi, nằm giữa con đường từ thị trấn huyện Bắc Hà đến thị trấn huyện Si Ma Cai, cách Bắc Hà khoảng 15km. Tuần chợ họp có một phiên, vào ngày thứ 7 hàng tuần. Đây là chợ trâu ngựa to nhất hiện nay của huyện Bắc Hà...

1. Em Cư Sao Quang, 20 tuổi, người Mông ở Tả Van Chư hôm nay dắt theo con ngựa đực đen 5 tuổi xuống chợ Cán Cấu để bán. Quang đưa ra giá ngựa 6, 5 triệu đồng. Lái buôn trả 5,7 triệu, rồi chê ngựa của Quang bị xước da vài chỗ, dáng hơi dài thân, thồ không được tốt. Mặc cả một hồi, người bán hạ xuống 6,2 triệu, người mua tăng lên 5,9 triệu. Quang nhất định không hạ nữa. Lái buôn giả vờ bỏ đi, nhưng mắt vẫn nhìn về con ngựa của Quang... Hỏi Quang bảo sao không hạ giá tiếp mà bán để về không trưa mất, Quang nói, lái họ thích con ngựa của em lắm rồi, nhưng còn muốn bớt nữa, nhưng rồi sẽ mua thôi...


Cư Sao Quang và con ngựa đen giá 6,2 triệu
Không phải chỉ riêng chợ Cán Cấu mới có bán trâu ngựa. Trước đây chợ Si Ma Cai cũng là chợ trâu ngựa, (tiếng Mông “si ma cai” nghĩa là “chợ ngựa mới”). Chợ Bắc Hà cũng có phố trâu ngựa. Nhưng dần dần, hai chợ này (nằm giữa trung tâm thị trấn hai huyện) được quy hoạch giữa phố xá, đem trâu ngựa đến nhiều mất vệ sinh, nên người ta chuyển dần sang Cán Cấu, có bãi rộng.


Một góc chợ trâu ngựa Cán Cấu

Chợ Cán Cấu nằm ở lưng núi, nền chợ giật làm 3 cấp, cấp trung bình là... chợ phở và thắng cố. Chị em người Mông xuống chợ phiên xúng xính trong bộ quần áo dân tộc “úp nơm” kín mít lòe xòe, chẳng tỏ ra phiền hà gì lắm giữa trưa nóng gắt. Đa số họ tụ tập ở mấy quán phở, bánh phở đen đen đỏ đỏ nhưng rất dai, không nát như bánh phở dưới xuôi. Cánh đàn ông thì la đà ngồi xổm ghế tre, ghế gỗ trong quán thắng cố ngựa, thắng cố trâu, chó, hàng rượu ngô. Tầng cao nhất của chợ ngang với mặt đường, bán quần áo, thổ cẩm, đồ gia dụng, hàng xén. Mấy chàng Mông lờ đờ gà gật xúm quanh hàng thuốc lào hút miễn phí làm nghẽn cả đường... Chợ trâu, bò, ngựa nằm ở bãi rộng dưới một cái hủm thấp dưới chân đồi...


2. Phiên chợ ngày 31/5 có khoảng hơn một trăm con trâu bò và khoảng ba bốn chục con ngựa. Hai chiếc ô tô tải to dưới xuôi lên đánh hàng đỗ sẵn ở một góc. Người Mông, Tày, Nùng, La Chí, Phù Lá... ở các xã Lầu Thí Ngài, Tà Chải, Tả Củ Tỷ, Na Hối, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố... kẻ đứng người ngồi, túm tụm xem xét bàn tán oang oang như "vỡ chợ". Có cả mấy anh Trung Quốc mặc quần áo rằn ri, đội cái mũ ra dáng "giang hồ xạ phang" từ bên kia biên giới cũng sang đây tìm hàng...


Người Trung Quốc sang mua trâu ngựa ở chợ Cán Cấu

Trâu đen trâu trắng đủ loại được người bán dắt ra giữa bãi rộng, đứng nhẩn nha vẫy tai chẳng màng gì đến những gã lái vạch vòi chê khen. Riêng ngựa "động" hơn, hay cuồng cẳng, được để riêng trong rừng ven bãi đất trống, vừa để tránh nắng, vừa để có chỗ buộc vào gốc cây. Mấy con ngựa đực thấy ngựa cái là lồng lên hí ầm ĩ.

Thấy tôi đến gần, con ngựa đen của Quang hất đầu, nhe răng rồi giằng dây chạy quanh chỗ buộc làm tôi giật mình lùi lại. Quang cười bảo, không sợ đâu, ngựa ta hiền lắm, không cắn người như ngựa Tầu đâu. Thì ra, Quang giải thích vì đây là chợ vùng biên, nên thương lái từ bên kia biên giới Trung Quốc cũng đem ngựa sang mua bán. Nhưng ngựa từ bên đó bán sang hay bị tiêm thuốc, rất dữ, thấy người lại gần là cắn như chó. Mới đầu mua về thồ kéo rất khỏe, nhưng yếu rất nhanh, ai nuôi giỏi lắm chỉ độ 1 năm sau là chết. Do vậy nên bây giờ người ta chỉ bán trâu ngựa cho bên kia chứ rất ngại mua về...


Ngựa buộc trong rừng đợi bán

Thấy tôi tò mò tìm hiểu về ngựa, Quang giải thích cho tôi cặn kẽ cách xem con ngựa hay. Chung quy, nếu ít kiến thức về ngựa, cứ xem con ngựa tốt trước hết là phải béo. Rồi xem bờm, xem đuôi, xem chân, xem dáng, xem răng, mầu lông cũng ảnh hưởng đến giá ngựa, như mầu sơn xe máy vậy. Ngựa mua ở chợ sợ nhất là mắc bệnh về đường thở hoặc viêm phổi. Nếu bị viêm phổi, thì ức và con ngựa giật giật liên hồi. Trời nóng 38 độ, ngựa bệnh chỉ phơi nắng ở Cán Cấu 3 tiếng là chết. Mua ngựa tốt nhất là lên cưỡi thử, chạy ba vòng quanh bãi. Nếu ngựa chạy về xong thở dốc là xem như cho đi gặp... chảo thắng cố là vừa! Ở Cán Cấu, trâu và ngựa giá ngang nhau, trung bình từ 5 – 10 triệu/con, giá bò thấp hơn. Ngựa đực đắt hơn ngựa cái 1 - 2 triệu (trừ ngựa cái giống đẹp giá tiền cũng không kém ngựa đực).

3. Đến với Bắc Hà là đến với văn hóa chợ phiên. Chợ thị trấn Bắc Hà, thị trấn Si Ma Cai họp phiên chính vào ngày chủ nhật. Chợ phiên Cốc Ly cuối nguồn sông Chẩy họp vào ngày thứ ba (đây là một cái chợ đặc biệt, dùng tiền trao đổi rất ít, chủ yếu dùng hàng đổi hàng). Còn một chợ phiên nhỏ nữa vào ngày thứ năm. Người bán hàng dưới xuôi cứ theo chợ phiên họp mà đi vòng quanh huyện suốt tuần. Không bán ngựa được ở Cán Cấu, người dân tộc ở xa có thể dắt ngựa xuống Bắc Hà hoặc lên Si Ma Cai ngủ lại, mai đến phiên ở đó bán tiếp, cũng là đi chơi cuối tuần luôn thể. Đợt rét khốc hại vừa rồi, trâu ở miền núi chết nhiều, ngựa chịu được rét nên chết ít hơn.

Toàn huyện Bắc Hà hiện nay vừa thống kê chỉ còn 3.956 con ngựa. Trước đây thì nhiều hơn gấp vài lần, nhưng từ khi xe máy tràn vào ồ ạt, thì số ngựa giảm đi rõ rệt. Ở vùng cao, hình ảnh hữu tình buổi sáng chồng dắt ngựa vợ cưỡi trên lưng nghễu nghện xuống chợ; chiều về chồng say nằm vắt như cái bao tải nhúng nước trên yên thồ, vợ bám đuôi ngựa leo lên núi dần thay bằng hình ảnh hai vợ chồng ngồi trên con Win Tầu phi vèo vèo bạt mạng. Lúc về, may do vợ không đi được xe máy nên chồng cũng phải uống rượu ít đi, và dưới chợ do đó cũng bớt đi các chàng Mông say rượu vạ vật. Tôi gặp cảnh chiều muộn rồi mà đôi vợ chồng người Mông nhăn nhó ngồi bên đường tưới nước suối lên máy xe đợi cho nó nguội, hết tụt hơi thì mới đi tiếp được. Hiện đại nửa vời đâm ra lại chậm về đến nhà.


Vũ Lâm (Ghi chép nhiều kỳ)
 

amifidele

Member
Tướng ngựa, bệnh ngựa...và tình con ngựa vùng cao!

Anh Vương Văn Triển, người dân tộc Tày (thôn Na Áng, Na Hối, Bắc Hà) đứng tự hào vuốt “tóc” con ngựa tên Hoa có đốm sao trước trán 6 tuổi đang nhai cỏ tại chuồng. Cô bạn đi cùng đoàn chúng tôi hỏi, rất ngây thơ: “Sao không cắt bớt cái bờm trán cho nó khỏi che mắt ngựa?". Anh Triển cười, tỏ vẻ độ lượng: “Bây giờ cắt cái bờm trán này là ra chợ ngựa mất giá cả triệu ngay, lông đuôi ngựa ngắn cũng mất giá”.


Con ngựa thồ trên phố Bắc Hà

Chiều mùng 1/6, hai chú cháu anh Triển cưỡi con ngựa Hoa và con Xám 9 tuổi tham dự cuộc đua ngựa tại sân vận động Bắc Hà. Xã Na Hối góp mặt vào cuộc đua nhiều nhất, tới 15 kỵ mã và kỵ sĩ...

Chúng tôi tìm đến nhà "kỵ sĩ" Vương Văn Triển ở thôn Na Áng một cách rất tình cờ bởi việc đi tìm hoa lan, tìm mận, tìm rượu ngô... những đặc sản Bắc Hà để "khuân" về Hà Nội. Anh Triển sinh năm 1971, thuộc hộ kinh tế khấm khá, có nhà gỗ tường đất hai tầng, rộng gần 100m2. Ngoài việc chăm vườn mận và nghề nấu rượu ngô... đến mùa khô, anh đánh xe chở vật liệu xây dựng với hai con ngựa đực cường tráng mua cách đây 5 năm (với giá lúc đó gần 5 triệu cả đôi). Tuy xe máy nổ thay thế sức ngựa nhiều, nhưng không gì thay được con ngựa thồ hàng trên những con đường triền núi cheo leo dốc đứng. Hoặc, kéo xe chở mọi loại hàng tới những vùng chẳng có đường…


Một con ngựa bạch giữa rừng núi Bắc Hà

Ai từng đọc truyện ngắn Chuyện tình kể trong đêm mưa của Nguyễn Huy Thiệp, hẳn sẽ có con mắt khác về con ngựa vùng cao sau khi đọc đoạn tả này "con ngựa của người miền núi Tây Bắc, chân thấp, tướng mạo xấu xí, trông giống một con la già, chạy không nhanh nhưng dai sức, khi leo núi thì không khác gì sơn dương. Loại ngựa này đặc biệt nhạy cảm với địa hình miền núi, nó ăn rất ít và chịu được khát". Giống ngựa vùng cao thấp nhỏ, cao chừng 1,5m. Người miền núi có cách để bờm cho ngựa rất kỳ quặc. Đó là để bờm trán rất dài. Bờm dọc cổ ngựa thì xén ngắn, chót lưng lại để dài, giống kiểu tóc của một gã trai làng, để mấy cọng tóc lòa xòa trước trán, đỉnh đầu húi cua, sau gáy lại để dài "như bờm ngựa". Con ngựa bờm đẹp, là phải dày rậm, chân bờm phẳng đều tăm tắp, mọc đều thẳng đứng trên cổ ngựa như một cái bàn chải mới. Bàn chân ngựa thẳng, cao. Ngựa miền núi có đặc điểm là cẳng chân rất nhỏ, nhưng cứng (do đó không cày được, vì thụt bùn), nhưng leo dốc đá thì tuyệt hảo. Ngựa tướng đẹp là ức phải rộng, béo, lông mượt, đùi to, thuần tướng không cắn không đá. Con ngựa thân dài, mảnh thì trông đẹp, chạy nhanh. Nhưng người mua ngựa để thồ thì thích ngựa thân ngắn, leo, thồ tốt hơn. Muốn biết tuổi ngựa, thì xem răng, khi bề mặt hai hàm răng phẳng như cối xay, tức là ngựa khoảng 12 tuổi…

Anh Triển cho biết, con ngựa hay mắc nhất là bệnh nhiễm trùng. Chằng yên thồ không khéo, nếu để ngựa xước da mà không chữa, thì mấy tiếng sau là nổi u lên ở bụng ngay. Nhưng nếu biết cách chữa, thì rất dễ, người Tày hay lấy cây “nhả púng mạ" (Cỏ "púng mạ" - tiếng Tày), nấu nước rửa hoặc xát lên vết thương của ngựa là khỏi. Người Mông còn dùng loại cỏ "púng mạ" này nấu nước uống chữa đau bụng. Anh Triển dẫn tôi ra vườn, nhổ một túm lá "púng mạ" cho tôi xem, loại lá này dài dài giống lá xương xông, vò ra hăng hắc thơm thơm. Có lẽ có chất kháng sinh trong thân cây.


Anh Vương Văn Triển và nữ phóng viên Thúy Hà bên chuồng ngựa

Ngựa còn hay mắc mấy bệnh nữa là viêm phổi, sổ mũi, đau bụng. Chỉ cần con ngựa đi mệt về, đang uống nước, nếu ai làm con ngựa giật mình là bị đau bụng ngay. Cách chữa cũng đơn giản, lấy thảo quả giã nhỏ pha với nước, cho vào ống tre, cho vào mồm ngựa rồi dốc ngược đầu ngựa lên để nó uống hết vào. Sau đó hai người lấy cỏ tranh hoặc đòn gánh gột gột vào ức để nước thuốc trôi xuống bụng, là khỏi. Nếu ngựa bị đau bụng khó tiêu, người Tày nhét một cái ống tre vào hậu môn, rồi đánh cho nó chạy nước kiệu nhẹ, bao giờ nó rơi ống tre ra thì ngựa cũng thông hậu môn, đại tiện ra được, là khỏi. Thường thì nếu ngựa bị đau bụng là rất khó chữa, nếu như không có kinh nghiệm.

Anh bạn đi cùng đoàn nghe chuyện thấy thích, gạ anh Triển đổi ngựa lấy một con xe máy. Anh Triển cười bảo, không nuôi được ngựa đâu, tốn lắm. Nếu cho đi kéo xe, một ngày con ngựa ăn hết 50.000 tiền cỏ, cám, thóc, hoặc ngô. Nếu không cho ngựa đi làm, thì để ở nhà ăn còn tốn hơn Anh Triển giải thích đến đây tôi mới hiểu tính "sinh học" của một vài câu ví von từ con ngựa. Tại sao người ta nói: "Thẳng ruột ngựa" (chỉ người bộc tuệch thẳng thắn), là vì con ngựa dạ dày đơn, không phải dạ dày kép nhiều ngăn như trâu bò, nên ngựa có thể ăn liên tục suốt đêm, ăn đến đâu ị ra đến đấy...

Hai con ngựa Xám và Hoa của anh Triển sống rất thân thiết, cùng buộc một chuồng. Con ngựa Xám nhiều tuổi hơn, như "đàn anh", nên con này làm gì, con Hoa cũng làm theo (vì chuyện này nên xẩy ra một việc rất hài hước ở cuộc đua, chúng tôi sẽ kể sau). Nếu bị nhốt lâu tù cẳng, hai con cũng có hục hặc chút đỉnh. Nhưng nếu tách ra đi làm một con, thì con ở nhà nhớ bạn, hí liên tục đã đành, con đi làm cũng nhớ, cũng hí liên tục, cho đến khi về chuồng gặp nhau mới thôi. Và một con ngựa ốm thì con kia cũng bỏ ăn luôn ("Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" có lẽ do vậy). Đó mới chỉ là hai "anh đực" ở chung chuồng đã thế. Có lần anh Triển đánh con Xám đi làm, gặp phải con ngựa cái đang "hớn đực". Con Xám ngửi thấy mùi con cái, về bỏ ăn ba ngày. Anh Triển không biết làm thế nào, nghe theo mẹo của ông Chiu người đánh xe ngựa 20 năm nay, cắt móng một con ngựa cái khác về đốt lên xông, rồi đun với nước cho ngựa uống. Con ngựa mới hết "tương tư"…

Thấy chúng tôi hăng hái nói năng một hồi bên chuồng ngựa, người hàng xóm anh Triển sang chơi, nghe chuyện, nói với anh Triển một câu gì đó bằng tiếng Tày: “Tu căn phài hóc tu má tu ma lai”. Hai người đều cười, tôi hỏi, anh kia nói gì đấy. Anh Triển bảo: "Nó nói, ối giời ơi, về con ngựa, con chó, thì người ta phải học chúng nó nhiều đấy"...


Vũ Lâm
 

amifidele

Member
Vài hình ảnh về cuộc đua:


Trên đường về đích


Chạy thử trên đường đua


Bứt phá


Sắc màu cổ động viên

Phạm Ngọc Triển - Ngọc Bằng
Tiền Phong Online
 
Top