• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Lễ 2/9, nghĩ về những người bạn của lính Trường Sa

amifidele

Member
Những "người bạn" của lính Trường Sa

Anh lính trẻ và chú chó Bốp trên đảo Thuyền Chài

Đó là những chú chó. Chúng sống cả đời trên đảo hoặc theo tàu lênh đênh trên những chuyến tuần tra...

Tàu vào gần đảo chìm Thuyền Chài. Đón chúng tôi là một đàn chó sủa nhộn nhạo, chờn vờn nhảy nhót bên mép nước. Một cu cậu hứng khởi nhảy ùm xuống làn nước biển xanh ngắt, miệng kêu ư ử, chân vừa đạp nước bơi về phía xuồng: chú "tiên phong" đi đón khách.

Ở đảo này có cả thảy 13 chú chó, "đồng phục" một màu kem nhạt đẹp mắt. Cô cậu chó nào nhìn cũng săn chắc, chứ không... bụng phệ như chó ở đất liền! Trong đám này có Bốp nhìn phong độ nhất, to lớn và uy dũng. Bốp là thủ lĩnh chó ở Thuyền Chài này! Năm nay Bốp 20 tuổi, có thể bơi xa đảo hơn 1km, thường bắt cá to 2-3kg. Các anh lính kể vào những buổi anh em chiến sĩ bắt cá cải thiện bữa ăn, Bốp luôn dẫn đầu đàn chó xuống nước đuổi cá vào lưới. "Nó khôn nhất đàn, còn biết huấn luyện các con chó khác nữa" - một chiến sĩ trẻ nói. Không biết Bốp huấn luyện hay cỡ nào, chỉ biết khi bắt được cá - dù lớn hay bé - chẳng chú chó nào dám xơi mà chỉ đem vào bờ "nộp" cho các anh lính.

Những chú chó thủ lĩnh trên đảo thường có điểm chung là luôn được những chú chó khác nể phục. Ở Trường Sa Đông, John là con chó đầu đàn. Không ai để ý nó bao nhiêu tuổi, chỉ biết nó sống trên đảo này lâu nhất trong tất cả những con chó khác. John rặt một màu đen, to lớn và khỏe mạnh. "Nó chỉ hừ một cái là những con chó khác sợ ngay" - Minh Dũng, một lính quân y, cho biết.

Người bạn giữa trùng dương



Những chú chó ở đảo Đá Tây A

Không ai nhớ chính xác chó được đem ra Trường Sa từ năm nào, ai là người đầu tiên đem chó ra. Chỉ biết giữa vùng trời nước mênh mông, chó luôn là con vật bầu bạn, đáng yêu và trung thành nhất của người lính đảo. Đêm trên đảo vắng, nghe tiếng chó sủa âm âm mà nhớ quê nhà...

"Đi trực đêm, có cả đàn chó vây quanh gác cùng, những lúc ấy mình thấy đỡ cô quạnh, đỡ nhớ nhà hơn, mình nói gì nó cũng lắng nghe cả…" - Thanh Phong, người lính ở Trường Sa Đông tâm sự. Ở nhà quân y trên đảo vừa có thêm 11 chú chó con. Mới sinh ra chúng đã được nuôi nấng cẩn thận, khẩu phần sữa của anh em trong nhà cũng được dành riêng chăm chút cho những thành viên bé bỏng dễ thương này. Ở đây, chúng là "những đứa trẻ con" duy nhất. Lớn lên giữa trùng khơi, những chú chó mỗi đêm đều ra biển thức canh đảo, lại biết bơi, bắt cá. "Chó ở đảo mình còn sang bên khu hậu cần nghề cá của Bộ Thủy sản kéo can nước ngọt về nữa" - Tiến Trình, đảo Đá Tây A, tự hào.

Chó ra đảo không dễ sống bởi điều kiện thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt. Chỉ những con thật khỏe mới có thể tồn tại. Anh Trần Văn Long, trạm trưởng Trạm khí tượng hải văn Trường Sa Lớn, cho biết: "Vừa rồi mới đem ra năm con, nhưng bốn con không chịu nổi sóng biển từ từ chết mất. Con cuối cùng hôm chúng tôi ra đảo còn sống mạnh khỏe, vậy mà cách đây vài hôm lại nghe tin nó ngã bệnh và chết sau đó”. "Dùng đủ loại thuốc cũng không nuôi nổi" - Quang Thu, quân y ở Trường Sa Lớn, nói. Để tránh tình trạng chó đảo "con cháu cưới nhau" sẽ gây lụi giống, thỉnh thoảng anh em trên đảo phải đưa chó từ đất liền ra hoặc đưa chó đảo này sang đảo kia.

Chó Trường Sa không dễ thân thiện với người lạ, thậm chí rất dữ. Có người đã từng bị chúng đè xuống, gầm gừ nhe răng ngay cổ, nếu cựa quậy sẽ bị cắn ngay. Chỉ có một điều: nếu đem chó đảo về đất liền thế nào nó cũng sẽ thành "ngơ ngơ”, héo mòn mà chết…

Những ngày ở Trường Sa, lúc đàn chó quấn quít bên chân, những người lính thấy quê nhà thật gần.



Micky, chú chó suốt đời theo tàu vượt sóng ra khơi

Ở Trường Sa, chúng tôi còn gặp một chú chó khác, suốt đời chỉ sống trên tàu trực giữa trùng dương tên là Micky. Micky năm nay 11 tuổi, ở trên tàu trực Trường Sa 12. Đi tàu, anh em chiến sĩ, sĩ quan say sóng nó cũng say, cũng bị sóng đánh cho lăn từ bên này thành tàu sang bên kia thành tàu, mệt quá thì nằm nghỉ. Anh em trên tàu trực ai cũng nhận xét Micky "khôn và nhiều chiến công!". Micky từng theo tàu trực đi bắt cướp vùng biên giới Tây Nam, đi cứu hộ bão, hỗ trợ anh em chiến sĩ cứu ghe, cứu người, phát hiện người lạ, vật lạ trên biển...


LÊ QUỲNH

Tuổi Trẻ Online
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y

Cảm phục tác giả đã viết bài rất chuyên nghiệp về cún cưng nơi đảo xa. Sao lại không? Bạn thân thiết nhất của những anh lính xa nhà lại là những chú chó trung thành .
 

amifidele

Member
Những con vật thân thương ở Trường Sa



Chó đùa giỡn với chiến sĩ Trường Sa

Bò ăn bìa các tông, ăn gạch, lợn chở lính đi dạo, chó biết bắt tay, tạm biệt…Những gì tôi chứng kiến về các loài vật nuôi ở quần đảo Trường Sa đều hết sức thú vị, thậm chí khó tin.

Bò nghiện ăn bìa các tông, quần áo…

Thật bất ngờ, trên hòn đảo nhỏ giữa trùng khơi, tôi đã nhìn thấy một đàn bò ung dung gặm... bìa các tông. Ở quần đảo Trường Sa, chỉ duy nhất đảo Song Tử Tây nuôi được bò và sự có mặt của loài gia súc này cũng đã đưa đến nhiều giai thoại. Đưa bò từ đất liền ra Trường Sa là cả một đại vấn đề, ngay cả khi chỉ làm thịt chứ chẳng phải để nuôi.

Còn nhớ cách đây hơn mười năm, một chuyến tàu chở hàng có “cõng” theo một chú bò để lính đảo Trường Sa ăn Tết đã gặp bão nên đi lệch hướng khiến cho hải trình phải kéo dài ngoài dự kiến. Cỏ khô dự trữ đã hết, bò có nguy cơ chết đói. Bí quá, thủy thủ thử đưa giấy gói hàng cho bò ăn. Mới đầu bò còn chê, nhưng sau đói quá cũng phải nhá.

Rồi giấy cũng hết, bộ phận hậu cần của tàu bàn nhau: Cho bò ăn cơm. Thế là, trên tàu thêm một suất cơm. Nhưng bò chưa kịp ăn cơm thì đã khuỵu xuống chết lúc tàu vẫn còn lênh đênh trên biển...

Câu chuyện ấy đã khiến tôi giật mình khi nhìn thấy đàn bò vàng béo mẫm ở đảo Song Tử Tây. Những con bò đầu tiên đặt chân lên đảo đã phải chịu đựng những cơn say sóng, đói cỏ tươi để rồi bắt đầu một cuộc sống mới vắng màu xanh của đồng ruộng mà thừa thãi màu xanh ngút ngát của đại dương.

Đảo nhỏ thiếu cỏ tươi, “cái khó ló cái khôn”, đàn bò đành tập ăn bìa các tông. Dần dần, thứ bìa giấy cứng đó cũng bị bò xơi hết. Bò lại chuyển sang chén thùng gỗ. Nhưng khi thùng gỗ bị giấu đi, bò ăn cả gạch khiến cho anh em công binh mấy phen toát mồ hôi. Rồi khi hết những món “khoái khẩu”, bò còn “đột nhập” vào doanh trại chén cả quần áo, giày dép của bộ đội... “Bần cùng” như vậy nhưng đàn bò trên đảo Song Tử Tây vẫn sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc.

Đàn bò có một không hai này trở thành niềm tự hào của lính đảo Song Tử Tây. Đây cũng là đảo duy nhất ở Trường Sa mà trong khẩu phần của lính có 0,6/kg thịt bò/ quý. Thứ thịt của những con bò ăn bìa các-tông, lá bàng vuông...ngon đến khó tả. Chẳng ở đâu có được thứ thịt bò đặc biệt như hòn đảo nhỏ giữa trùng khơi này.

Cưỡi lợn đi dạo

Nếu như bò ở Trường Sa vẫn là “của hiếm” thì lợn đã được nuôi đại trà từ lâu. Hôm ở đảo Nam Yết, lợn nhiều quá khiến tôi không đếm nổi. Tiến Dũng – anh nuôi của đảo cười bảo: “Anh đừng đếm mất công, Nam Yết có khoảng 200 con lợn”.

Lợn thả rông, chạy trên đảo kiếm ăn. Không cần chuồng trại gì nhưng chẳng bao giờ sợ mất lợn cả vì bốn bề có biển bao bọc. Lợn cứ thế “tuỳ nghi di tản”, ngủ ở bụi cây, góc công sự hay dưới gầm giường của lính, nói chung là tuỳ thích.

Tuy vậy, nhưng lợn được các chiến sỹ huấn luyện để sống có nền nếp, biết “phục tùng tổ chức”. Chỉ cần một hồi kẻng, tất cả các chú lợn ở khắp nơi trên đảo lại lũ lượt kéo về nơi “tập trung”. Đó thực sự là một cảnh tượng sinh động, vui mắt.

Những chú lợn choai đang kỳ sung sức, bụng thon chân khỏe chạy vun vút. Mấy chị lợn sề lê cái bụng chạm đất, chậm chạp từng bước, một đàn con lon ton chạy theo sau. Lợn ỉn õng ẹo, vừa bước vừa vẫy đuôi vẻ điệu đà... Lợn trắng, lợn đen, lợn khoang, to nhỏ lớn bé chen chúc dưới gốc cây bàng, chờ “lệnh”.

Chăn lợn ở Trường Sa​



Lợn ở Trường Sa sinh đẻ một cách hoang dã. Sắp đến ngày sinh, “chị” lợn tự tìm cho mình một nơi để lót ổ. Có “chị” đột nhiên vắng mặt trên đảo mất mấy hôm, thế rồi ngày nọ dẫn về cả một đàn con đẹp như tranh khiến lính phải ngỡ ngàng. Cũng có những “chị” lợn được các chiến sỹ lấy quần áo cũ, bao tải rách lót cho cái ổ êm ái để “mẹ tròn con vuông”.

Sau khi sinh, lợn nái được hưởng chế độ đặc biệt, lính đảo nấu cháo bưng đến tận ổ. Sau hai tuần, lợn mẹ bắt đầu dẫn con tự đi kiếm ăn. Nhưng có lúc, trong đàn có nhiều lợn con của đàn khác lẫn vào để “bú hôi”. Lợn mẹ có khi không nhận ra những kẻ “bú hôi” đó ở đàn khác. Vì thế, nhiều khi lính ta phải canh chừng cho “lợn em” khỏi mất chỗ bú mẹ.

Ở Trường Sa, lợn không đơn thuần là loài vật nuôi lấy thịt, mà chúng trở thành bạn của lính đảo và được chiều chuộng. Có những lúc lợn ốm, lính nhường cả thuốc của mình. Lợn được ăn thịt hộp, được ưu tiên tắm nước ngọt, có bác sỹ khám bệnh và làm bà đỡ. Nhiều chú lợn đáng yêu đã được lính đặt cho những cái tên rất kêu như: Hoàng Oanh, Quỳnh Mai...

Chẳng biết những chú lợn đầu tiên đặt chân lên quần đảo Trường Sa năm nào, nhưng giờ đây “dân số” họ nhà Trư Bát Giới đã lên tới trên 500 con và sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Trên đảo Nam Yết, tôi đã thấy một “cụ” lợn giống, to như một con bò nằm bên gốc cây bàng vuông. “Cụ” lợn này là cha đẻ của hầu hết lợn trên đảo. “Cụ” phải nặng cỡ ba tạ, có nhiều anh lính đã cưỡi “cụ” đi dạo trên đảo như người ta cưỡi ngựa vậy.

Những chú chó mang tên “người đẹp”

Hôm xuồng cập đảo chìm Colin, tôi đã “choáng” vì thấy vây quanh mình rất nhiều chó. Chó mực, chó vàng, chó khoang, chó đốm, chó trắng...con vẫy đuôi, con sủa ăng ẳng, con nhảy chồm lên. Hòn đảo nhỏ như bàn tay mà có mấy chục con chó, mật độ quá đông nhưng điều đó đem lại niềm vui cho lính đảo.

Giữa mênh mông sóng nước, anh em chiến sỹ ở đảo Colin chỉ có chó làm bạn. Những đêm bồng súng đứng gác, chỉ có biển một bên và chó một bên. Đêm khuya gió lạnh thổi rét tê tái, chú chó đứng cạnh, liếm cái lưỡi ấm áp vào bàn tay run vì lạnh của anh lính. Anh lính bỗng cảm thấy ấm áp, bỗng cảm thấy được chia sẻ rất nhiều.

Chó ở đảo đã rèn luyện được nhiều khả năng đặc biệt như bắt cá, bơi trên sóng, đứng hai chân để “bắt tay” hay “tạm biệt” khách. Chó ở đây được quý đến mức các chiến sỹ lấy tên những ca sỹ mình hâm mộ để đặt tên cho chó.

Nhưng không phải ca sỹ nào cũng được đặt tên cho chó. Tên được đặt phải là ca sỹ tên tuổi, đang được yêu mến. Vậy nên tên chó Trường Sa cũng thay đổi theo thị trường ca nhạc trong nước và ca sĩ nào đang hot nhất cũng đồng nghĩa với việc tần suất được dùng đặt tên cho chó nhiều nhất.

Về sau, có người góp ý không nên đặt tên như thế, sợ các ca sĩ hiểu nhầm, lính đảo lại lấy những tên thông thường để đặt cho chó như Vàng, Vện, Mực, Míc. Thế nhưng chó sinh ra ngày một nhiều, những tên ấy đã hết, lại dễ trùng lặp, nên có đảo lại chuyển sang đặt tên cho chó theo con số: 1,2,3,4...

Những chú chó đã trở thành bạn bè thân thiết của người lính đảo​


Có đảo, các chiến sỹ lại lấy tên những người con gái mình thương nhớ để đặt tên cho chó như Hoa, Hồng, Huệ, Cúc... Lại có đảo vì lính nhớ rau đất liền nên tên chó được khoác tên các loài sau: Muống, Húng, Quế, Hành...

Những Muống, Húng, Mực, Vện chẳng mấy khi bị giết thịt cho dù nhiều khi anh em lính đảo thiếu chất tươi, thèm món “mộc tồn” và cũng trồng được cả lá mơ, riềng sả. Vì thế những chú chó đã trở thành bạn của lính đảo ấy sinh sôi ngày một nhiều.

Ai đó đến Trường Sa đã từng nói chó ở đây nhiều như cộng lại nỗi cô đơn của người lính đảo…Và chẳng biết có phải chó cũng yêu đảo đến mức không thể rời xa hay không mà bất cứ một con nào được đưa từ Trường Sa về đất liền nuôi đều ốm yếu, gầy mòn mà chết…

Đối với các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, những vật nuôi đó như một loại biệt dược chữa bệnh nhớ nhà, nhớ quê hương. Nếu Trường Sa chỉ có sắt thép, những hầm hào công sự mà vắng đi tiếng gà gáy, chó sủa…thì chắc sẽ đơn điệu biết nhường nào.

Một ngày ở Trường Sa, nhìn thấy mấy con bò thủng thẳng đi lại, đàn lợn ủi đất bên gốc cây bàng vuông, vài chú chó chạy dọc bờ biển, nghe tiếng gà gáy ran trên đảo, tôi cứ ngỡ như mình đang ở một làng quê nào đó.

Tiếng gà gáy dường như cũng mang “hồn phách” của một ngôi làng quê nước Việt thì phải. Tất cả dường như có giá trị như một thứ bia chủ quyền.

(Sưu tầm)
 
Top