• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hoa lộc vừng

amifidele

Member
Bác Tai Vểnh ơi, xin cho hỏi, ở Hà Nội, mùa này lộc vừng đã nỡ hoa chưa? Câu này amifidele đã hỏi bác cách đây gần 2 năm, bây giờ xin hỏi lại :)

Nhớ cái topic Hoa Lộc Vừng bên diễn đàn xưa lắm. Bác nào có hứng thú, xin post vài ảnh hoa lộc vừng Hồ Gươm cho mình ngắm với.
 

TaiVenh

Active Member
Kính bác ami, lâu lắm mới gặp lại bác :D.

Câu hỏi của bác em chưa trả lời chính xác được, để chiều về em chạy qua Hồ Gươm xem sao nhé. Thi thoảng đi ngoài đường thì em vẫn gặp hoa lộc vừng nở, tuy nhiên không rộ lên như theo kiểu vào mùa hoa.

Phải chăng bác đang có kế hoạch ra HN ngắm hoa lộc vừng ;;)? Nếu đúng thì PM cho em biết lịch của bác nhé :beer
 

catsamac

Member
Hoa lộc vừng khoe sắc bên Hồ Gươm

Lộc vừng nở 2 vụ trong năm vào tháng 6, 7 và 10, 11 âm lịch

Bên hồ Hoàn Kiếm, 2 cây lộc vừng cùng nhau khoe sắc.



Hoa lộc vừng thường nở vào giữa mùa thu và thời gian hoa nở trong khoảng nửa tháng. Chiều chiều, vào lúc ánh sáng trời yếu dần, hoa bắt đầu nở, hương thơm nồng nàn. Thời điểm đẹp nhất của lộc vừng là vào ban đêm.



Ngay từ lúc mới nở, lộc vừng đã đỏ, hòa mình vào màu xanh của lá.



Rủ kín như buông mành.



Lấp loáng cùng các vệt ánh sáng để tạo nên vẻ đẹp riêng.



Có những cành rủ xuống với những quả lộc vừng lác đác, trơ trọi. Hạt vừng có màu đen và trắng, còn hoa lộc vừng màu đỏ.



Đứng quan sát từ ven hồ, những cành lộc vừng trông bé nhỏ, cánh hoa bé li ti.



Trong ánh nắng tàn lộc vừng vẫn thể hiện được vẻ đẹp lãng mạn.



Những buổi sớm mai thu, khi sương sớm còn giăng mỏng qua con đường ven hồ, mọi người sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một tấm thảm màu hồng hoa lộc vừng rụng xuống liên kết và bồng bềnh trên mặt nước.



nguồn Vnexpress.net
 

amifidele

Member
Cảm ơn bác Tai Vểnh và bác catsamac nhiều nhiều.

Amifidele chưa có được cái duyên ra Hà Nội vào mùa thu (đang gạ gẫm xếp, không biết có ép-phê không, vì đây cũng là thời điểm tựu trường... của công ty) nhưng nếu may mắn sắp xếp được 1 chuyến ra ngoài đó thì sẽ không để cho các bác...yên đâu :) (bác Gỗ Cầu Kỳ, bác Mỡ Nó Rán Nó...)

Hội nhiếp ảnh Vietpet đâu sao không mở trại sáng tác Hoa Lộc Vừng Thu Hà Nội?
 

amifidele

Member
Bác Tai Vểnh đi bằng gì ra bờ Hồ mà lâu có câu trả lời thế ;)?

Thôi, trong khi chờ bác và các bác trong Hội Phó Nhòm Vietpet, cho mình được link vào topic này một bài tuỳ bút của nhà văn Nguyễn Quang Thân, đức lang quân của nhà văn Dạ Ngân, viết về tấm lòng của nhà văn đối với cây lộc vừng.

Mong những dự án phát triển, tôn tạo, ...khu vực Hồ Gươm trong tương lai không bức tử những cụ lộc vừng nơi đây.

Thương lắm lộc vừng ơi !




Người viết: Nguyễn Quang Thân
31/01/2008

Làng tôi cũng như nhiều làng khác, cũng xanh bóng tre, cũng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ reo… Nhưng làng tôi còn nổi tiếng nhờ những rặng cây mưng, tức là cây lộc vừng, ngay vùng Hà Tĩnh quê hương tôi cũng rất ít nơi có.

Những con đường làng vòng bên ngoài lũy tre hay nối liền các xóm thường được gọi là đường tà-vẹc vì hàng trăm năm nay những đàn trâu vẫn sáng chiều dẫm đất sét thành bùn làm mặt đường nổi lên những rãnh sâu và gờ cao cách đều nhau giống tà-vẹc đường sắt. Cái mặt đường đặc biệt ấy cũng không ăn nhằm gì với dân làng quanh năm đi chân đất và mãi đến những năm bốn mươi thế kỷ trước vẫn chưa hề nhìn thấy chiếc xe đạp. Người ta chỉ quan tâm một điều duy nhất là làm sao con đường đừng bị sụt lở và biến mất trong những trận lụt và mưa bão kinh hoàng. Có lẽ vì thế mà hai bên một số đoạn đường ven làng, ven ao, dễ đến hàng mấy trăm năm trước, các cụ tỷ tổ chúng tôi đã trồng hai dãy mưng – lộc vừng. Đó là hàng lính gác, là thần hộ mệnh cho mạch máu làng tôi. Không còn đường, dù là những con đường tà-vẹc thì làng tôi chỉ là ốc đảo.

Với hàng trăm năm tuổi, những cây mưng đã có gốc gần một người ôm, nổi u bò xù xì, dấu hằn không thể quên của năm tháng nhọc nhằn cho đất, cho cây và cho cả những con người vẫn được gọi là “hoa của đất” như một sự mỉa mai. Lộc vừng là loại cây thiêng có rễ ăn sâu cả trong nước và bùn, rễ và gốc lộc vừng ngăn không cho con đường đất sét bị sụt lở, tán lộc vừng phủ bóng mát cho đám thợ cày thợ cấy vào giấc trưa. Những con trâu mệt mỏi sau một buối sáng kéo cày đất ải lấy làm thích thú và yên phận khi được cột bên gốc lộc vừng để trốn gió Lào, nằm nhai lại dưới bóng mát tán cây. Hoa lộc vừng rủ xuống mình trâu như ân huệ của Trời Phật.

Hình như đám súc vật tưởng là vô tri vô giác cũng có thể cảm được cái mát mẻ êm dịu và rất đỗi thần tiên ấy trong buổi trưa hè, “những buổi trưa không biết ở thời nào, những buổi trưa nhè nhẹ như ca dao, có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ!” trong bài thơ Đi Giữa Đường Thơm tuyệt tác của Huy Cận. Ôi, giá như tôi có quyền được thêm vào một vài chữ: “ có cu gáy, có bướm vàng và hoa lộc vừng nữa chứ!”

Chúng tôi, những đứa trẻ được sinh ra vào những năm ba mươi, lớn lên thuở làng còn mông muội u uất, bốn bề bùn lầy nước đọng, quanh năm không bước ra khỏi lũy tre, con đường nào cũng là đường tà-vẹc. Chúng tôi tránh dẫm vào hố nước bằng cách nhảy lò cò từ mô đất này sang mô đất kia để đến trường, với chúng tôi thì những hàng lộc vừng trỗ hoa vào dịp xuân về hay Tết đến đã thành niềm vui, niềm hy vọng chiếu sáng cả tuổi thơ tuy khổ cực, thậm chí hoang dã nhưng đó là những buổi trưa đời rực rỡ. Vào cữ rằm tháng chạp bọn chúng tôi đã leo lên những cây lộc vừng cụ kỵ nhất lấy dao tiện một cành bị gió vặn vẹo nhiều năm, thớ gỗ xoắn xuýt chặt chẽ như bện chão mang về đẽo gụ, tức là những chiếc con quay bao giờ cũng sẵn trong cặp học trò thuở ấy. “Nhất ổi nhì mưng, tam trưng tứ mít”, đó là bảng xếp hạng gỗ làm con quay học trò để lại trong tục ngữ quê tôi. Con quay gỗ lộc vừng tiếng kêu như sáo diều, chịu đòn không có sẹo và cái này còn quan trọng với những đứa trẻ chân yếu tay mềm như chúng tôi là rất dễ đẽo, rất mềm khi còn ướt nhưng lại rắn như thép khi đã khô.

Trong những ngày gió Lào, khi chuối cũng cháy khô và thực sự có nhiều vườn chuối đã bốc cháy cùng với nhà cửa, đụn rơm trong những trận cháy nhà kinh hoàng xẩy ra như cơm bữa, để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong ký ức chúng tôi thì những dãy lộc vừng trăm năm vẫn tươi xanh và trỗ hoa. Tươi xanh nhờ rễ của chúng len lỏi được qua lớp đất thịt nay đã cứng nổi màu gan gà xuống tận đất đen, tươi xanh nhờ chúng luôn được trồng bên bờ ao, bờ đầm và có lý hơn cả, nhờ chúng là lộc vừng, đơn giản vậy thôi!

Thuở đó cây lộc vừng làng tôi là bạn của dân làng, là bóng mát, niềm an ủi tuổi thơ và điểm nhấn của vẻ đẹp dân dã. Cây lộc vừng chưa dính dáng gì đến thói vụ lợi. Gia đình tôi là nhà nho, giàu có, ông nội ngoại tôi đều đỗ tú tài, trong họ có người đỗ đến hoàng giáp, tóm lại là chữ nghĩa có thừa. Nhưng tuyệt nhiên tôi không nghe ai trong nhà nói chuyện trồng cây lộc vừng thì sẽ “có lộc”, sẽ giàu sang, sẽ “đi tươi về tốt”, “đi một về mười”, hốt của thiên hạ về làm giàu thoải mái. Ông nội tôi bút hiệu Xuân Đình có bài thơ tứ tuyệt chữ Hán về cây lộc vừng, có câu “ lộc vừng là kẻ có đức che mưa đội nắng cho dân làng”. Cha ông chúng tôi đều dạy bảo con cái rằng muốn có cái ăn, cái để, học hành đỗ đạt thì chỉ có một con đường duy nhất là phải “tu nhân tích đức”, làm việc thiện. Ngay cả những ông trọc phú khao khát làm giàu cũng không ai đưa lộc vừng về trong sân, trong vườn, có chăng chỉ trồng bên bờ ao.
Những năm gần đây người Hà Nội giàu lên trông thấy, nhà cửa cũng đẹp lên nhiều. Người Hà Nội đã có tiền có thói quen làm đẹp bản thân và nhà cửa. Nhà đẹp vườn đẹp, kể cả dinh thự, trụ sở cơ quan. Những nhà có khuôn viên hay chỉ một mảnh sân nhỏ đều trồng hoa, cây cảnh, cố đưa một chút thiên nhiên vốn hiếm hoi nơi thị thành vào không gian sống nhà mình.

Và lộc vừng! Đâu đâu cũng thấy cây lộc vừng! Không biết từ đâu, từ kinh nghiệm bản thân hay sách vở bói toán mà người ta tin rằng cây lộc vừng, do có chữ lộc nên trồng nó thì sẽ ăn lộc của Trời Phật thoải mái. Và bản thân tôi, luôn đau đáu nỗi nhớ làng, thường mải mê dừng lại bên những cây lộc vừng của ai đó trồng trong khuôn viên hay trước sân nhà. Dừng xe lại một lúc ngắm những cây lộc vừng cổ thụ trong phố, tự thấy tâm hồn mình tĩnh lặng, yên ổn, quên được chốc lát nỗi nhọc nhằn cuộc sống. Và tôi thán phục những ai đã dày công nuôi dưỡng được những cây cổ thụ như thế trong sân nhà mình, giữa những dãy phố đông đúc, bụi bặm.

Nhưng rồi một lần về quê, sau khi thăm hỏi bà con, tôi đi thăm khu mộ gia đình và thả bộ dọc con đường lộc vừng của thời thơ ấu. Một cảnh tang thương diễn ra trước mặt tôi: những cây lộc vừng trăm năm đã biến mất như có phép lạ. Con đường thì lở lói những hố sâu hai bên mép, đất chỗ còn đỏ tươi, chỗ cỏ đã mọc lên che lấp. Một toán nông dân ba bốn người đang hì hục đào bới quanh một cây lộc vừng cổ thụ cuối cùng. Tim tôi đau nhói: phải chăng họ đang đào nốt cây lộc vừng cuối cùng? Anh D. một người bà con xa, ngừng cuốc bảo tôi: “ Cây này họ trả năm trăm ngàn, chúng tôi đang cố cho kịp vì chiều nay xe họ đến chở đi”.

Thì ra những hàng lộc vừng quê tôi, hình ảnh mộng mơ và lành lặn của quê tôi đã được trả giá và đã được bán dần theo năm tháng. Dễ phải hàng năm nay người ta đã mua đã bán những cây lộc vừng phía sau bức màn hư ảo của ký ức tôi, bỏ lại những con đường lở lói! Thương lắm lộc vừng ơi! Đâu có ngờ cổ thụ cũng có ngày theo chân đàn mãnh thú đại ngàn để “gậm một khối căm hờn trong cũi sắt” và mùa xuân êm ả và lành mạnh của làng quê cũng đi theo về phố. Để làm đẹp cho ai? Ban lộc cho ai nếu thật sự những cây lộc vừng của tôi cũng có thể ban lộc. Tôi bàng hoàng nhớ lại một câu thơ của Nguyễn Du: “Hoa là để tặng cho người mình sợ”.
Biết đến bao giờ người nông dân quê tôi không còn quá nghèo để bán đi một phần hồn của mình cùng những cây lộc vừng quý giá?

Cập nhật ( 01/02/2008 )
 

uyenisme

Member
mới ngắm thôi đã thấy cãm giác rùng mình vì cái vẻ đẹp thanh thoát, không biết khi nào mới có dịp ra HN để ngắm lộc vừng nhỉ
 

der_Hund

Member
Siêu Mod Tai vểng còn là chuyên gia về LV nữa à, kính nể quá!!! Bác cho em hỏi cây LV nhà em năm nay chỉ ra 1 chùm hoa hồi đầu hè và sau đó thành 1 dây quả khá to rồi rụng, đến h ko thấy ra hoa nữa là sao ah.
 

TaiVenh

Active Member
@ chị Ami: Sorry chị, em bận đi công tác lu bù nên quên béng việc thăm cây Lộc vừng Hồ Gươm :-D. thật là tội lỗi tội lỗi.

Bài chị sưu tầm được đọc xong đau thật. Đúng là từ lúc cây lộc vừng được (bị ???) đánh đồng với việc đem lại "lộc" cho gia chủ thì phong trào trồng lộc vừng phát triển kinh khủng. Và hệ quả tất yếu của việc "phát triển" này là các cây cổ thụ bị đào bới, tàn sát không thương tiếc. Cá nhân em thì không ủng hộ việc này, và em chỉ chơi mấy cây trồng từ lúc nhỏ lên thôi.

@ bạn der_hund: Mình cũng chỉ tập tọng chơi thôi, không có kinh nghiệm gì nhiều đâu. Về kinh nghiệm để lộc vừng ra hoa, bạn có thể đọc lại mấy bài cũ trong topic này, hình như cũng đủ cả đấy ạ. Good luck.
 

amifidele

Member
Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy bác ơi, bao nhiêu là cổ thụ đã phải bỏ rừng, xuống núi để vào chậu. May thì sống vất vưởng thân kiểng trong vườn nhà còn không thì cũng đành làm củi, làm rác, thấy mà thương :(
 

tran an an

New Member
Hay quá!!! Cảm ơn các bác nhé. Mình nghe hoa lộc vừng lâu lắm rồi mà bây giờ mớ được xem tận mắt đấy. Đẹp thật!!!!!!!!!
 

amifidele

Member
Hoa lộc vừng năm nay có còn vui?

Sau một tháng trổ màu vàng và thay lá, đêm qua cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm bắt đầu nở hoa và đến sáng nay rụng đỏ rực trải thảm đường đi và trên mặt nước. Nhiều người dân thích thú nhặt cả vốc mang về cho trẻ em chơi.




Trong hai cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm, chỉ một cây hoa nở. Mỗi năm hoa nở hai lần, đầu mùa hạ và giữa mùa thu.




Thường nở trong khoảng nửa tháng, mỗi ngày một lần. Chiều tối, vào lúc ánh sáng trời yếu dần hoa tỏa hương thơm nồng nàn.








Trong cái giá lạnh mới về sáng nay, hoa vẫn tỏa nét đẹp riêng biệt.





Rụng xuống, 'ngự' trên thân cây.





Trải thảm đường đi.




Đỏ rực trên ghế đá.





và trên mặt nước ven hồ Gươm.





Người dân thích thú nhặt hoa mang về.






Du khách nước ngoài ngỡ ngàng.



Giới nhiếp ảnh bắt đầu tìm đến sáng tác.

Hoàng Hà
Vnexpress
(amifidele copy và paste vào diễn đàn chứ tự sáng tác không nỗi.)
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Cảm ơn Amifidele - người Sài gòn mà đắm say Hoa Lộc vừng Hồ Gươm, Hà nội. Một loài hoa nhanh rụng nhưng kể cả cánh hoa rụng vẫn đẹp như bản tính tự nhiên của nó. Chưa ai ngắm Lộc Vừng mà thấy buồn cả.



Rụng nhưng vẫn đẹp, vẫn quyến luyến với lá xanh !



Một hoa rụng để muôn vàn nụ Lộc vừng sắp nở !




HOA LỘC VỪNG

Bên hồ rủ bóng rèm hoa

Long lanh đáy nước , thướt tha tơ trời

Mơ màng đôi hạt sương rơi

Phải chăng ngọc lệ mắt ngời mỹ nhân ??? …


Tác giả:

hoasimtim64

 

amifidele

Member
Amifidele luôn yêu một Hà Nội thơ mộng với muôn vàng sắc hoa. Hôm trước cũng sững sờ với màu trắng hoa sưa (xem trên mạng). Màu hoa lộc vừng đỏ thắm, nhiệt thành, tâm huyết. Chỉ làm người ta muốn làm thơ!
 

Anhcv

Member
Em cũng mê đắm cây lộc vừng mùa ra hoa. Cách đây khoảng 2 tuần em có thấy ở đường Hoàng Văn Thụ chỗ mấy người bán cây dạo 1 chậu lộc vừng rất nhiều nụ. Lúc đó mà không vướng 8/3 và 14/3 thì em đã mua rồi. Vào mùa này em thích xem lộc vừng và bò cạp nước nở hoa. À mùa này cũng gần mùa có chái dầu ( chòi nâu) rụng rồi. Hôm nào vào mùa trái dầu rơi dắt cún ra Bưu Điện Thành Phố chụp ảnh. Trong nam mình không có nhiều hoa nở theo mùa như ngoài Bắc. Tiếc lắm đường Trần QUốc Toản vàng đượm hoa điệp. Giờ thì sang bằng để làm vỉa hè :(. Các trường học cũng đốn nhiều cây phượng để xây thêm phòng học. Giờ chỉ còn lác đác đây đó. Tiếc thật.
Cũng may sáng nào trên đường đi làm cũng ngang qua mấy cây bò cạp nước. Mục tiêu là vườn nhà mình phải có 1 cây lộc vừng và 1 cây bò cạp nước. Cố lên cố lên.
 

amifidele

Member
Sài Gòn bây giờ chỉ còn hoa...trên pa-nô quảng cáo nước xã thơm quần áo!!! Phượng đỏ, điệp vàng (cây lim xẹt), bằng lăng tím, dần dần chỉ còn trong sách giáo khoa!
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Cảm xúc bằng thơ về Hoa Lộc Vừng.


Thu về xanh ngắt trời mây
Cúc vàng mấy độ thơ ngây có còn
Lộc vừng hoa chuỗi màu son
Rắc rơi nỗi nhớ héo mòn lối xưa

mimoda www.tuoitredatquang.com





LỘC VỪNG ƠI!

Muadaingan

Hoa lộc vừng cháy đỏ những khát khao
Như tình yêu trong em sáng bừng lên nét mặt
Hoa nói thay tim - khối tình dâng tha thiết
Giữa chốn đông người ta vẫn nhận ra nhau

Chỉ có dòng sông, mặt nước hiểu nông - sâu
Nên hoa rụng... cứ nhận về tất cả
Tình yêu lớn dần lên, thương mình và thương em quá!
Những chớp lửa cuối trời... lộc vừng cứ rưng rưng

Cơn mưa đến nhanh, cánh hoa đỏ tần ngần
Rơi rớt rụng chẳng thể nào cưỡng nỗi
Lộc vừng ơi, ta yêu em quá đỗi
Rưng rức một đời - ngọn lửa cháy khát khao!
 

amifidele

Member
Quá tuyệt vời, cảm ơn bác sĩ greenvet nhiều lắm. Ảnh đẹp, thơ hay, người post bài có lòng!
 

duc_NA

Member
:-bd:-bdem đã hiểu vì sao cây Lộc Vừng lại đươc các nhà có điều kiện trồng.
 
Top