• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hội Hoa lan ở Huyện Hải Hậu - Tỉnh Nam Định !

anh_hanam

Member
....Còn khi buồn, khi có nỗi niềm nặng nề, tôi lại thích nhao về nông thôn - ở đây tôi có những bạn viết. Văn chương của họ cũng bình bình vậy thôi, chưa nhiều người biết tiếng. Nhưng họ sống thành thật. Họ nghèo nhưng họ lại có những thứ giống như những liều thuốc giảm đau vậy. Một trong những người tôi hay lui tới là anh Nguyễn Bổng. Bổng hơn tôi một tuổi và cùng nhập ngũ một dạo. Hết chiến tranh, Bổng về quê trước tôi. Về làng, làm người dân, kiếm sống bằng đủ mọi nghề cực nhọc. Hai mươi sáu tuổi thì được dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã Hải Tây. Giữ chân chủ tịch được mấy năm lại làm bí thư suốt từ bấy đến nay - đã hai mươi lăm năm có lẻ. Bổng được tín nhiệm lâu bền thế, bạn bè có nhiều cách giải thích khác nhau, cách nào cũng là thiện chí. Riêng tôi, tuy không nói ra với Bổng, tôi cho rằng cái thú chơi lan đã góp phần mang lại cho anh diễm phúc ấy. Bổng đã thấm nhuần triết lý của các loài lan, vận dụng vào phong cách sống của mình. Dĩ nhiên ở đây không phải Ngọc Lan, Lan Tiêu, Lan Tây... mà ta thường trồng ở cửa đền, chùa, trong khuôn viên các công sở hay trước sân nhà ta ở. Các loài lan này phổ thông lắm, ai muốn là có ngay thôi. "Vua chơi lan, quan chơi trà" ấy là nói các loại địa lan dành cho vua chúa mới là lan quý, lan thiêng. Nghe nói các loại địa lan này có từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, do người Trung Hoa thuần hoá từ các loài phong lan hoang dã nơi thâm sơn cùng cốc. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng thì trong vườn của ông vua này đã có vài chục loại địa lan. ở ta phải đến triều đại nhà Trần thì các loại địa lan mới xuất hiện nhiều trong cung điện cũng như ở các vườn kim quất Thiên Trường.

Ngày nay, thú chơi lan không còn là thú độc quyền của một ai nữa nhưng không phải ai cũng chơi được địa lan. Địa lan có hàng trăm loài; loài càng quý càng kén người chơi. Hội hoa xuân ở Hải Hậu có tới hơn trăm thành viên nhưng hội chơi lan thì chỉ có hơn chục người. Họ là những viên chức đã về hưu hoặc còn đương nhiệm, lại có cả những thợ cày, thợ cấy. Không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, họ cụm lại với nhau thành hội chơi lan là bởi cùng chung một sở thích, đồng cảm với nhau ở cái tâm, đồng điệu với nhau ở cái trí. Các ông Lại Văn Thân (hội trưởng), Đử Văn Mạch, Nguyễn Tường, rồi ông Bỉnh, ông Quang, ông Bình, ông Khoa... đều là những chuyên gia trồng lan nổi tiếng. Trong vườn nhà các ông hiện nay có vài chục triệu đồng tiền lan, có người hàng trăm triệu đồng. Ông Sáng, ông Tác thì bán cả thổ đất để lấy tiền ươm lan. Trong vườn nhà hai ông hiện nay có những chậu lan trị giá 5-7 triệu đồng. Gia tài nhà các ông không bằng một vườn lan nhưng ai đến trả giá mua lan các ông cũng không bán. Bà Nhung, bà Vóc, bà Hồng tuy là nông dân chính hiệu nhưng vào thăm vườn lan nhà các bà không ai dám coi thường cái khiếu thẩm mỹ của các bà.

Trong khu vườn xinh xắn trước sân nhà Nguyễn Bổng cũng có hàng trăm chậu lan và không hiếm những chậu lan quý như Hoàng Điểm, Thanh Vũ, Ngọc Bảo, Kim Bào... Bổng cũng là thành viên của hội lan Hải Hậu nhưng anh chỉ dám nhận mình là người đang tập trồng lan. Anh nói, nghề nào cũng có thầy, có trò. Nghề càng khó càng hiếm thì đạo thầy trò càng phải lấy làm trọng. ở Hải Hậu, nghề trồng địa lan có rất sớm. Những năm chiến tranh chống Mỹ đất Hải Hậu không chỉ phải hứng những quả bom, quả rốc-két từ những chiếc máy bay F4H, F105 bắn xuống mà còn hứng hàng vạn quả đạn pháo tầm xa từ những chiếc tàu chiến của hạm đội 7 bắn vào. Đất Hải Hậu có ngày giống một cái chảo lửa. Nhưng ngay từ ngày ấy, trên đất này đã xuất hiện những loại địa lan quý như Lan Bạch Ngọc, Lan Tứ Quý và tác giả của chúng là các cụ Đử Kim Huệ, Lưu Ngọc Quỷnh, Nguyễn Vũ Kiểm rồi dần dần bổ sung thêm cụ Duy, cụ Đính, cụ Quảng, cụ Phiu... Người chơi lan thuở ấy trong đầu ít nhiều có đôi ba chữ thánh hiền, biết dăm bảy câu thơ Đường Phủ, Lý Bạch. Một bát nước mưa cuối đông hiếm hoi các cụ dành pha trà một nửa, dành cho lan một nửa. Những chậu lan như có thiên tính đã gắn chặt cuộc đời các cụ lại với nhau.

Nguyễn Bổng khoe với tôi rằng, hội chơi lan ở Hải Hậu được rất nhiều người chơi hoa quanh vùng nể trọng. Hải Hậu có cái thuận là sẵn đất trồng lan. Kinh nghiệm dày dạn của những chuyên gia bậc thầy về lan thì cứ đất nào trồng được lúa tám xoan là đất ấy sẽ trồng lan lý tưởng. Đất sa bồi Hải Hậu trồng lúa tám xoan thơm ngon nức tiếng xưa nay, trách gì những chậu địa lan của Hải Hậu đưa lên thành phố, người sành chơi nhìn thoáng là nhận ra ngay: rễ giàu, tỏi mẩy, kệ bền, hương thơm dai. Cứ tháng mười ta, khi lúa tám xoan vừa gặt, đất ruộng cày lật phơi khô, người ta lại lấy lớp đất trên cùng chặt nhỏ (chặt chứ không phải giã) vo cạnh cho tròn viên đất rồi đổ vào chậu trồng lan hoặc thay đất cho lan. Khâu chọn giống, ươm giống, chăm sóc mới thật là công phu. Để có một chậu lan đơm hoa phải chăm sóc, nâng niu từ một năm đến vài ba năm. Người nôn nóng, thực dụng sẽ rất xa lạ với nghề ươm lan.

Ngoài vườn lan của Nguyễn Bổng, tôi đã có dịp thăm một số vườn lan khác trong hội chơi lan Hải Hậu. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ trước các loài lan quý, trang trọng, thành kính và đắm say. Tôi cảm giác thấy cái tinh tuý của đất, của nước, của gió, của mưa, của hương thơm con gái dậy thì kết tinh, hội tụ, thẩm thấu trong mửi cánh hoa. Tôi phục lắm những ai đó đã đặt tên cho các loài lan bởi cái tên phản ánh đúng bản chất từng loài: Thanh Vũ, Thanh Ngọc thì mảnh mai, lấp lánh; Hoàng Cẩm Tố, Đại Trường Diệp bông vươn cao, phóng túng; Hoàng Vũ thì kiêu sa, quý phái...

Tôi thăm dò Bổng rằng xem lan, thưởng thức lan vào lúc nào là thích nhất. Bổng nói rằng hoa lan rất lâu tàn, từ lúc hé mở cho đến độ mãn khai trung bình phải nửa tuần trăng. Hương lan toả liên tục nhưng để cảm được trọn vẹn nhất là buổi sớm và buổi tối. Đấy là nói thưởng thức cá nhân. Còn ở Hải Hậu mấy năm nay hội chơi lan sáng tạo ra một cách thưởng thức có tính tập thể, nghĩa là cả hội cùng ngắm hoa trong một thời điểm, gọi là tiệc lan. Tiệc lan? - Tôi ngạc nhiên - Lần đầu tiên tôi nghe nói tiệc lan đấy.

- Gọi tiệc lan là đích danh nhất - Bổng nói. Đâu phải cứ mâm cao cử đầy, cao lương mỹ vị, rượu tây, rượu tàu mới xứng đáng gọi là tiệc! Này nhé, để có một bữa tiệc như thế trong thời buổi này chỉ cần nhấc máy điện thoại bấm mấy số gọi về một khách sạn thì một hai tiếng sau đã có thể ngồi vào mâm nâng cốc. Còn để có một tiệc lan, đôi bàn tay của chúng tôi phải hoá thân vào bàn tay của hoá công một năm mới dọn nổi, tiệc mặn mà xơi nhiều sẽ quá khẩu thành tàn, thậm chí còn rước hoạ. Còn thưởng thức lan, cũng như văn chương, nghệ thuật, nào ai dám bảo đã đi tới tận đỉnh rồi?.

Tiệc lan của hội chơi lan Hải Hậu được tổ chức vào ngày mồng bảy tết Nguyên đán hàng năm. Tại sao lại là ngày mồng bảy? Tôi hỏi thì Bổng cho biết, dịp ấy tiết xuân bắt đầu đẹp, đất trời giao hoà, mưa bụi lất phất, mỏng tang, giăng như sương, như khói. Những chậu lan qua dịp Tết đã đến kỳ nở rộ. Cả hội lan, tất cả các thành viên đều phải tắm táp cho sạch sẽ, sau đó mửi ngày bê một chậu, nghĩa là một loài lan (theo sự phân công từ tiệc lan mồng bảy tết năm ngoái) mang đến nơi đã hẹn. Đó là một căn phòng thoáng đãng, có thế phong thuỷ nhuần hoà. Sau lời khai mạc ngắn gọn, súc tích và minh triết của ông hội trưởng, mọi người nhấp một chén trà ướp hương hoa rồi bắt đầu vào tiệc. Họ ngồi quây quanh từng chậu lan ngắm nghía rất kỹ, thưởng thức từng nét cong của cành hoa cho đến màu xanh của cọng lá, hít thật sâu mùi hương vào phổi, nhắm mắt lại như toạ thiền để cho hương lan thấm vào từng mạch máu, từng tế bào; cảm nhận thật sâu linh khí mà "Chúa xuân" ban phát. Sau khi thưởng thức hết lượt các loài lan, cả hội ngồi quây lại phẩm bình, cho điểm từng chậu. Ai có thơ về lan thì đọc hoặc ngâm vịnh. Căn phòng nơi diễn ra tiệc lan bửng trở thành một "ngôi đền" thiêng. "Chúa Xuân" ngự trong mửi cánh hoa lan trở thành "Đức Chúa". Các thành viên trong hội lan trở thành những "tông đồ" mặc cho ngoài kia cơ chế thị trường mua bán lao xao, lẻng xẻng kim tiền. Kết thúc tiệc lan, ông hội trưởng phát biểu bế mạc và phân công chuẩn bị cho tiệc lan năm sau.

Trong các tiệc lan mấy năm nay ở Hải Hậu, ta thấy các loại lan tham dự có đủ màu sắc, nhưng nổi trội và chiếm số nhiều vẫn là màu vàng (hoàng) và màu đen (mặc). Màu vàng thì có Ngọc Bảo, Kim Bào, Thanh Trường; đặc sắc hơn thì Đại Hoàng, Hoàng Vũ... Thế còn màu đen, tôi nói với Bổng rằng, tôi chưa cảm thấy hết cái đẹp thực sự của những cánh hoa lan màu đen. Xưa nay đã nói đến hoa trong tôi chỉ có khái niệm màu hồng, đỏ, vàng, trắng, xanh, tím, nâu... chứ màu đen thì hình như tôi chỉ mới biết có bông tuylip trong tác phẩm của Alêcxăng Đuyma (con) và bây giờ thì biết qua hội lan Hải Hậu. Bổng nói:

- Các loài địa lan có hoa màu đen mang những đặc điểm rất riêng đấy. Lá của nó như dày hơn, cứng cáp hơn, màu xanh đậm hơn, khi có gió khẽ vặn mình theo lườn thuận. Những giò lan màu đen trông rất mập mạp, khoẻ khoắn, nhưng lại có vẻ khiêm nhường; cánh hoa phân bổ rất nghệ thuật, hợp lý. Dù Huyền Lan, Đại Mặc hay Mặc Biên đều có mùi hương dịu mát, bịn rịn. Từ khi ngậm sương hé mở đến lúc mãn khai, các cánh hoa như vũ nữ biến hoá tài tình trong bộ cánh nâu đen nhánh, thâm u, huyền bí...

- Vậy thì trong các màu lan, màu nào là chúa tể? - Tôi hỏi Bổng.

- Cho đến tận xuân này - Bổng đáp, người ta vẫn còn chia hai phái tranh luận. Phái chuộng màu vàng thì nói Hoàng là quý phái, sang trọng, là chúa tể (điều này thì ai cũng thừa nhận rồi, khỏi phân tích nữa). Phái của màu đen thì khẳng định Mặc mới là chủ soái. Và cuộc tranh luận này chắc còn dài dài. Như thế cuộc sống mới vui, mới phong phú và có ý nghĩa. Thẩm mỹ không phải là thứ bất biến, nó sẽ tự điều chỉnh theo văn hoá của từng thời đại, từng khu vực địa lý. Chẳng hạn như người phương Tây quan niệm màu đen là màu xúi quẩy; họ thiên về chơi màu vàng. Phương Đông thì quan niệm màu đen uyển chuyển hơn. Màu đen tượng trưng cho tang tóc nhưng lại có nghĩa là sự hoá kiếp trở về điểm khởi thuỷ. Thuỷ là nước. Vậy màu đen là màu tượng trưng của nước. Kinh Thánh nói: "Khởi thuỷ là hành động". Đêm ba mươi, trước giao thừa người ta kín nước mang về nhà là để cầu cho mưa thuận gió hoà, giàu như nước lên. Hoành phi, câu đối, thờ tự trong đền chùa, bàn thờ tổ tiên cũng thường tô sơn đen bóng. Ngày tết xưa, các cụ đều áo the, khăn xếp, ô che đầu là màu đen tuyền cả. Các tranh thuỷ mặc treo chơi tết cũng chỉ một màu đen. Tóc, mắt, lông mày - những thứ trọng yếu làm nên vẻ đẹp của con người, chẳng là màu đen đó sao! Vậy ai dám bảo màu đen không có ý nghĩa, không sang trọng?.

Bổng tỏ ra tiếc nuối vì còn nhiều loại lan quý chưa có mặt trong các tiệc lan hàng năm ở Hải Hậu như: Hội Điểm mùa Hạ, Trần Mọng mùa Thu, Đông Mặc mùa Đông... Vậy nên những lời bình về nó hãy còn bỏ ngỏ. Đất trời huyền bí lắm. Các loài địa lan cũng vô cùng huyền bí. Những người chơi lan đều phải tìm ra những chìa khoá của nó. Nhưng có điều mà tôi nhìn thấy: những ai biết chơi lan thì ít nhiều họ cũng có một triết lý sống nào đó tuỳ theo sự cảm nhận, suy ngẫm của họ trước mỗi nhành hoa, và tôi cam đoan rằng tất cả những triết lý đó đều mang tính thiện, đều đáng trân trọng. Sống gần những người như thế ta thấy yên tâm lắm!

(Nguồn: haihau.org - namdinhfc.org)
 
Top