• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hôi thảo về bảo tồn tại Phú quốc

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Vào ngày 6 tháng 3 tại Phú quốc Trung tâm Khuyến Nông -Khuyến ngư Quốc gia đã tổ chức 1 chương trình hội thảo lớn về chuyên đề bảo tồn. Khoảng hơn 300 người gồm các nhà khoa học , nhà quản lý , nhà sản xuất và các nông dân cùng tham dự.





Chuyên đề về chó Phú quốc do Thạc sĩ Nguyễn Văn Biện trình bày được hội thảo quan tâm .



Tin và hình ảnh của Dingoo
 

duc_NA

Member
nếu như chó PQ được quan tâm đúng mức thì giống chó quí này của VN sẽ được cả thế giới công nhận.:-bd=D>
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Chương trình hội thảo xoay quanh chủ đề trong lãnh vực là trồng trọt , chăn nuôi trong việc bảo tồn và du lịch sinh thái. Sau khi được sự đồng ý của Trung tâm khuyến nông -Khuyến ngư quốc gia và sự cho phép DĐ Viet pet , chúng tôi sẽ giới thiệu một số báo cáo đến các bạn cùng tham khảo.
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Xin lần lượt trích đăng 1 số bài tại cuộc hội thảo ở Phú quốc Ngày 6-3-2009

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM TỪ SIM VÀ HỒ TIÊU SAU THU HOẠCH Ở HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC
Ts. Nguyễn Minh Thủy - Đại Học Cần Thơ

Với diện tích phát triển và sản lượng cung cấp ổn định sim rừng và hồ tiêu rất lớn ở Phú Quốc hiện nay thì việc định hướng cho việc sử dụng nguồn nguyên liệu này sau thu hoạch là vấn đề cấp thiết nhằm làm tăng giá trị sử dụng từ chúng. Các hoạt động sau thu hoạch được thực hiện tốt sẽ khuyến khích người dân trồng và bảo vệ những cánh rừng sim hiện có, tăng hiệu quả trồng hồ tiêu theo tập quán canh tác địa phương sẵn có và mục đích cuối cùng là tăng thu nhập cho những người dân nghèo ở những vùng sâu vùng xa trên đảo từ hai nguồn nguyên liệu sim và hồ tiêu hiện có này.

Là nguồn nguyên liệu lớn ở đảo Phú Quốc, rừng sim phân bố đều từ Bắc đến Nam đảo. Rừng sim ở vùng Hàm Ninh còn nhiều (khoảng 300 ha), là nơi trái sim có chất lượng cao nhất và hội đủ các điều kiện cho vùng nguyên liệu trong tương lai.
Cây sim rừng đã hiện diện từ rất lâu trên đảo Phú Quốc, những cánh rừng sim mọc bạt ngàn theo triền đồi, ven suối và dưới các thung lũng nhưng chưa được chú ý đúng mức, trái sim chỉ được hái ăn tươi hoặc được bán với giá thành thấp và số lượng tiêu thụ không lớn. Thực tế cho thấy các sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp thường có giá trị thấp khi sử dụng nguồn nguyên liệu thô. Giá trị tăng thêm của các sản phẩm nông nghiệp chỉ đạt một khi chúng được chuyển sang dạng sản phẩm chế biến với chất lượng cao và khả năng bảo quản lâu dài. Vấn đề quan tâm hiện nay còn là việc đảm bảo vệ sinh an toàn cho người tiêu thụ từ các dạng sản phẩm đã được chế biến ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng chống bệnh tật. Các sản phẩm chế biến còn góp phần vào ngân sách nhà nước thông qua chính sách thuế.

Sản phẩm chế biến từ sim hiện nay ở Phú Quốc chỉ có rượu, góp phần tiêu thụ một lượng lớn sim và khắc phục tính thời vụ trong nông nghiệp. Tuy nhiên với sản phẩm duy nhất này chưa tận dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có, chưa được sử dụng như một loại sản phẩm phổ biến cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội và chưa mang lại hiệu quả kinh tế thật sự từ chúng.
Do vậy chế biến đa dạng hoá các sản phẩm, đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp khép kín từ trồng, thu hoạch và nghiên cứu sử dụng hiệu quả các nguyên liệu này sau thu hoạch là hướng đi tốt nhằm tăng giá trị kinh tế từ quá trình trồng, tạo thêm công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các nông hộ lúc nhàn rỗi và khuyến khích họ bảo tồn nguồn nguyên liệu có giá trị này. Hơn nữa việc tạo ra sản phẩm chế biến còn tạo điều kiện cho nông dân ở các vùng sâu vùng xa trên đảo tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, tạo việc làm ổn định cho người trồng, góp phần bảo vệ rừng và khai thác rừng theo hướng bền vững nhất.
Với màu sắc quyến rũ, những quả sim chín căng tròn và vị ngọt thanh mát còn là nguồn nguyên liệu có khả năng cung cấp giá trị dinh dưỡng và đa dạng hoá sản phẩm theo nhu cầu sử dụng thực phẩm đa dạng của con người. Sim còn được gọi là đương lê, sơn nhậm, nhậm tử hoặc đào kim nương. Tên khoa học của cây sim là Rhodomyrtus tomentosa Wight (Myrtus Tomentosa Ait., Myrtus canescens Lour.) thuộc họ Sim Myrtaceae.

Quả sim có vị ngọt chát, mùi thơm, thành phần hoá học có chứa sắc tố anthocyan, tanin và đường, tính mát. Trái tươi hoặc khi ủ thành rượu thì rượu sim có thể được xem như vị thuốc chữa bệnh suy nhược thần kinh, thiếu máu, kiết lỵ, bổ huyết và một số chứng bệnh đường ruột... Màu tím của quả sim còn tốt cho những bệnh nhân bị các chứng nổi tĩnh mạch xanh dưới da. Nhiều tài liệu cho thấy các loại quả có màu tím, xanh, trắng chứa nhiều chất flavonoid, đặc biệt các loại quả chứa nhiều sắc tố như proanthocyanidin và anthocyanidin mang lại màu xanh tím đặc trưng trong trái sim là những chất có hoạt tính cao và tăng cường tính bền chắc cho hệ thống mạch máu. Sử dụng các loại quả này còn giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cải thiện độ chắc của răng. Các chất có màu tím (có trong nhóm phytochemical) còn làm giảm cholesterol, triglyceride và thromboxane (là những thành phần tham gia vào sự phát triển bệnh tim mạch) trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và còn có khả năng chống sự lão hóa, già nua của tế bào.
Với các tính chất rất tốt của sim, nếu được đầu tư thích đáng thì các dạng sản phẩm chế biến từ sim có thể góp phần đa dạng hoá bên cạnh rượu sim đang là đặc sản của Phú Quốc. Bằng việc đầu tư khoa học và kỹ thuật, các dạng sản phẩm có thể phát triển từ trái sim bao gồm: si-rô sim, giấm vang sim, mứt đông sim. Ngoài ra việc tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật cho sản phẩm rượu vang sim nhằm duy trì chất lượng, bảo vệ màu tím tự nhiên của sản phẩm là vấn đề có thể thực hiện để tạo đầu ra những sản phẩm từ sim thực sự có giá trị và phát triển ở nhiều địa phương trong nước cùng với việc đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.



Si-rô sim được chế biến theo công nghệ xử lý enzyme cho hiệu suất trích ly cao, sản phẩm có vị ngọt thanh khiết, mùi thơm đặc trưng của trái sim và sử dụng rất tiện lợi. Một lát chanh nhẹ hoà quyện với sirô sim sẽ cho một loại nước uống thơm mát đặc biệt. Phương pháp chế biến giấm vang sim theo công nghệ cải biến từ phương pháp cổ truyền tạo sản phẩm có vị thanh, mùi thơm nhẹ và có thể sử dụng trực tiếp cho các món salad khai vị hoặc các món lẩu chua đặc sản. Sản phẩm mứt đông sim được sản xuất theo công nghệ chân không có khả năng duy trì được màu tím đặc trưng, mùi thơm của trái sim và giá trị dinh dưỡng cao. Sản phẩm này được sử dụng nhanh và tiện lợi với bánh mì vào buổi sáng sẽ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho một ngày mới. Trà hoa sim được đầu tư nghiên cứu với công nghệ lên men và cả các chế phẩm từ trà hoa sim (sản phẩm nước trà uống ngay) có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm và nước uống đa dạng của cộng đồng xã hội. Các sản phẩm trà sim được đầu tư chế biến với mong muốn tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, màu sắc và mùi thơm đặc trưng mà không lẫn với bất kỳ sản phẩm trà nào hiện đang rất đa dạng trên thị trường hiện nay. Với các công nghệ chế biến được áp dụng, tất cả các sản phẩm chế biến từ sim cũng đảm bảo được tính vệ sinh và an toàn khi sử dụng.

Bên cạnh sim, diện tích trồng tiêu của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang dần được khôi phục (sau một thời gian sụt giảm mạnh) và hiện đã đạt 800 hecta, tương đương với thời điểm cách nay 10 năm. Diện tích trồng tiêu ở Phú Quốc được khôi phục nhanh do giá bán hạt tiêu ổn định trong những năm qua đã làm cho nông dân bắt đầu quay trở lại đầu tư loại cây trồng này. Với năng suất trung bình đạt 3 tấn/ha, vấn đề quan tâm và tồn tại của ngành hồ tiêu hiện nay là đảm bảo tính ổn định chất lượng sản phẩm và đầu tư vào việc tăng cường chất lượng nguồn nguyên liệu này sau thu hoạch.

Trong hạt tiêu có hai alkaloid là Piperine và Chavicine, tinh dầu, chất béo, tinh bột, cellulose, muối khoáng. Chavicine là một chất lỏng sền sệt, có vị cay hắc và làm cho tiêu có vị cay nóng. Chavicine tập trung ở vỏ ngoài nên tiêu sọ ít hắc hơn tiêu đen. Piperine không mùi, không màu, dùng nhiều sẽ độc. Tiêu có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, xua đuổi sâu bọ…
Bảo quản và duy trì chất lượng hồ tiêu sau thu hoạch bằng các biện pháp chế biến phù hợp nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng bảo quản lâu dài là vấn đề cấp thiết và yêu cầu cao trong tình hình Phú Quốc sản xuất hồ tiêu với số lượng lớn. Ngoài ra công việc này còn góp phần đảm bảo nhu cầu buôn bán trong nước hoặc xuất khẩu khi nước ta đang đáp ứng 50% thị phần mặt hàng này trên thế giới hiện nay.

Các sản phẩm chế biến từ hồ tiêu sau thu hoạch có khả năng thực hiện được là sản phẩm tiêu đen, tiêu sọ và các sản phẩm hồ tiêu tươi như tiêu ngâm giấm hoặc ngâm trong nước muối…Vấn đề vẫn còn gặp trở ngại hiện nay là hồ tiêu tươi dễ bị biến đen sau thu hoạch và hạt tiêu khô vẫn còn bị ẩm mốc và giảm chất lượng sau thời gian tồn trữ. Do vậy để có các sản phẩm chất lượng cao và phù hợp cho quá trình sản xuất từng mặt hàng đặc biệt thì cần chọn thời điểm thu hoạch tốt, áp dụng các điều kiện và phương pháp xử lý sau thu hoạch, các biện pháp bao bì và chống ẩm mốc được áp dụng sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu này, góp phần đa dạng hoá sản phẩm bằng các dạng chế biến tươi hoặc dạng sấy khô.

Như vậy, định hướng và thực hiện tiếp nối các hoạt động chế biến sim và hồ tiêu sau thu hoạch sẽ đáp ứng được mục tiêu của các dự án bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu của huyện đảo Phú Quốc. Việc nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào các hoạt động sau thu hoạch sẽ phát triển tính đa dạng sinh học của Phú Quốc, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính hoàn chỉnh của việc khép kín mô hình sản xuất và phát triển các nguồn nguyên liệu đặc sản với sự hợp tác của cả cộng đồng và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời cũng đủ sức hỗ trợ cho việc đa dạng hoá các sản phẩm sim và hồ tiêu với thương hiệu Phú Quốc vươn rộng thêm ra các thị trường trong nước và quốc tế.

Tư liệu : Từ Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia .
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Vườn cò Bằng Lăng Cần Thơ

Vườn cò Bằng Lăng Cần Thơ
Tham luận của Ông Nguyễn Ngọc Thuyền.
Địa chỉ: Ấp Thới An, Xã Thới Thuận, Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ .

Vườn cò Bằng Lăng là khu du lịch , thuộc ấp Thới An, xã Thới Thuận, có tổng diện tích 16.400 m2, do Nguyễn Ngọc Thuyền (Bảy Thuyền) chủ sở hữu.

Vào năm 1976, tôi lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái, xung quanh bờ bao trồng tre, lúc đó thì cò bắt đầu đến trú ngụ. Ban đầu thưa thớt và theo mùa. Đến khoảng 1993 – 1994 cò đến rất nhiều.
Bốn giống cò chiếm tỷ lệ lớn là cò ma, cò cá, cò ruồi và còng cọc. Các giống khác chiếm tỷ lệ ít hơn như cò xanh, cò lép, cò rằn, vạc, diệc, điên điển, bìm bịp, bồ nông, quốc, cò đúm, cò nhạn, cò ngà, cò quắm, cò rán, cò sen… Trong vườn, cò trú ngụ quanh năm. Nhưng tập trung theo mùa, đông nhất vào những tháng nước nổi 8,9,10,11 ước chừng hơn 1.000.000 con, và thưa nhất trong những tháng khô hạn 1,2,3 ước chừng 300.000 con. Sáng sớm cò đi tìm mồi rất xa (ruộng lúa, ao cá gần vườn cò không đáp, cắn phá), chỉ còn lại tại vườn 20 – 25% số lượng. Đến 5 – 6 giờ chiều cò về, lúc này rất ồn ào, náo nhiệt.


Ảnh : TTCT

Tháng 09 năm 1997, tôi hợp tác với công ty du lịch Cần Thơ đưa khách du lịch đến tham quan vườn cò. Công ty đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều việc như: cho vay vốn với lãi suất ưu đãi 0,9%/tháng để xây dựng tháp xem cò, cải tạo lại vườn cây, hỗ trợ ghế đá cho khách tham quan ngồi…

Những thuận lợi của vườn cò mang lại
+ Bảo tồn được thiên nhiên, con người (theo khoa học nghiên cứu “loài động vật hoang dã được an toàn thì con người mới được an toàn”, giữ lại cho con cháu đời sau biết được các loài chim hoang dã.
+ Tạo cho địa phương có được điểm tham quan du lịch, một vườn sinh thái tự nhiên với sự hiếu kỳ của khách du lịch, là tận mắt thấy được nhiều chủng loại cò với số lượng rất lớn.

Nguyễn Ngọc Thuyền (chủ vườn cò)

Tư liệu : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Bảo tồn và phát triển vật nuôi bản địa gắn với du lịch sinh thái ở Việt nam

Bảo tồn và phát triển vật nuôi bản địa gắn với du lịch sinh thái ở Việt nam
PGS.TS Hoàng Văn Tiệu
Viện trưởng Viện chăn nuôi
TS Võ Văn Sự
Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học, Viện chăn nuôi

Đất nước ta trải dài hàng ngàn km, có sông, biển, núi, nền kinh tế cũng chưa phát triển lắm như các nước công nghiệp nên rất mừng vẫn còn nhiều loại thực vật động vật hơn nhiều nước khác. Và hơn thế, với sự đa dạng trong nền văn hoá, kinh tế … nên nhân dân vẫn lưu giữ và sáng tạo chọn tạo nên được khá nhiều giống vật nuôi. Ít nhất có 70 giống/nguồn gen vật nuôi được phát hiện. Và trong từng giống một lại có những dòng, cá thể “muôn màu, muôn kiểu”.
Tạo được một giống không phải ngày một ngày hai, nên thực ra, nguồn gen vật nuôi – không đơn thuần là “nguồn sống”, mà là sản phẩm văn hoá và trí tuệ của các cộng đồng dân tộc Việt nam. Điều này đã được nêu trong các văn bản luật của nhà nước và việc bảo tồn và phát huy nó là nhiệm vụ xứng đáng, cần thiết và phải làm. Du lịch nên vươn ra trong lĩnh vực này.

1. Các giống vật nuôi Việt nam
Việt nam, một nước có sự đa dạng sinh học lớn, và cũng rất đa dạng về các giống vật nuôi. Sự giàu có đó có từ sự đa dạng về sinh thái, kinh tế, tập quán của 60 dân tộc từ Nam tới Bắc. Sau đây là một số con giống khá đặc biệt trước tiên về ngoại hình.
Viện chăn nuôi từ năm 1990 đã phát hiện thêm 35 giống, đưa số giống vật nuôi lên 70 giống. Đã phát triển ra thương trường các giống: Gà Hmông, Cừu Phan Rang, Vịt Bầu Quỳ, lợn Vân Pa, Dê Ninh Thuận... Có những sản phẩm như gà Hmông đã được nuôi hàng vạn con và tạo nên lợi nhuận hàng tỉ. Đó là những bằng chứng chúng ta đang đi đúng hướng phát huy lợi thế các giống bản địa trong xu thế hội nhập.



Phát biểu của PGS.TS Hoàng Văn Tiệu tại diễn đàn (ảnh Dingoo)

1.2 Những giống gà khá đặc biệt
Việt nam nói chung và dãy Trường sơn nói riêng, là cái nôi thuần hoá gà. Và một đặc điểm nữa là hầu như khá đa dạng.
Các giống đặc biệt
- Gà Xước (Hà Giang)
- Gà chân lông (Hà Giang)
- Gà Đông Cảo
- Gà Mía -
- Gà Hmông
- Gà ác (Long An)

1.3 Những giống lợn đặc biệt
- Lợn ỉ
- Lợn Móng Cái
- Lợn nâu Hà Giang

1.4 Những giống đại gia súc đặc biệt
- Trâu đầm (cũng thường có ở các nước Đông Nam Á)
- Hươu sao
- Hươu lợn (Miến Điện)
- Cừu Phan Rang


Tư liệu : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia
 
Mình nghĩ Việt Nam ngoài chó Phú Quốc ra còn có nhiều loài chó quý khác nữa cũng cần được bảo tồn.
 

amifidele

Member
Bài viết liên quan đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam


Trái sim rừng Phú Quốc, nguồn nguyên liệu chế biến ra nhiều đặc sản như mật sim, rượu sim, trà sim…

Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức diễn đàn KN@CN với chủ đề “Bảo tồn và phát triển cây trồng, vật nuôi bản địa gắn với du lịch sinh thái. Tham gia diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và trên 100 nông dân đến từ 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái phát triển khá mạnh ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây, con bản địa để khai thác lợi thế du lịch sinh thái lại ít được những người làm du lịch quan tâm từ đó dẫn đến các mô hình này thường có đặc điểm na ná giống nhau, không thu hút được du khách. ThS. Nguyễn Văn Biện (Đại học Cần Thơ) cho rằng, Phú Quốc có rất nhiều cây, con bản địa để có thể phát triển du lịch sinh thái như hồ tiêu, sim rừng, chó Phú Quốc…

Tuy nhiên, hầu như các lợi thế này vẫn chưa được đầu tư quan tâm đúng mức. Chẳng hạn loài chó Phú Quốc đang đứng trước rất nhiều mối đe dọa như buôn bán chó con, dịch bệnh, bị ăn thịt hoặc sự lai tạp với các giống chó khác. Trong đó, nguy cơ bán chó là nguy cơ thường xuyên và nghiêm trọng nhất đối với sự tồn tại của chúng. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc bảo tồn giống chó quý hiếm này trước khi còn chưa quá trễ. Công việc này nếu được làm tốt sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân trong vùng và chính sách phát triển du lịch của đảo. Về khai thác du lịch sinh thái từ loài chó này, ông Biện đã chỉ ra một số loại hình như tour du lịch săn thú trong rừng (quy hoạch khu vực rừng săn du lịch, thả một số loài động vật như heo rừng, thỏ, trăn cho du khách vào săn), huấn luyện chó để tổ chức những show trình diện cho du khách…

GS.TS. Ngyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, phát triển cây trồng bản địa kết hợp với du lịch sinh thái là một hướng hoạt động có nhiều cơ hội đạt hiệu quả cao. Khi được kết hợp một cách hài hòa thì sản phẩm của ngành này sẽ “kích cầu” ngành kia, thúc đẩy cùng nhau phát triển. Nếu làm tốt thì điểm du lịch sẽ trở thành “điểm hẹn” thu hút khách đến đông hơn, qua đó các mặt hàng nông lâm hải sản được tiêu thụ nhiều hơn, đồng thời góp phần “quảng bá” nông sản xuất khẩu.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì việc khai thác du lịch từ các loài cây con bản địa có rất nhiều hình thức, tùy theo du khách thuộc kiểu nào: già trẻ; giới tính; khách nội địa hay ngoại quốc…

Nhưng chủ yếu được khai thác ở 3 cấp độ: 1- Xem: mức độ thông thường nhất; 2- Thử nghiệm: cưỡi (đà điểu, trâu, bò), nếm, thưởng thức (chẳng hạn ăn thịt cá sấu, uống rượu sim…), sử dụng thử (thử điều khiển trâu kéo cày, bừa); chụp ảnh chung… 3- Sở hữu: mua cây, con đó mang về nhà hoặc mua cả mô hình đó…

Thực tế cho thấy, nếu các loài cây, con bản địa được bảo tồn và phát triển đồng thời gắn với khai thác du lịch sinh thái sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Chẳng hạn như Làng du lịch Mỹ Khánh (Phong Điền, Tp. Cần Thơ), Vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt, Cần Thơ), Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ (Củ Chi, Tp. Hồ Chính Minh), Làng cá sấu Sài Gòn (Q. 12, Tp. Hồ Chí Minh).

Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, Chủ vườn cò Bằng Lăng - Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm, muốn khai thác du lịch sinh thái từ cây, con gì thì người làm du lịch phải có sự am hiểu cũng như phải thật sự yêu mến chúng mới mong có được thành công. “Gia đình tôi chỉ có hơn 1,6ha đất, tôi chỉ có ý định lên liếp vườn trồng cây ăn trái nhưng không ngờ cò về ngày càng nhiều. Từ đó, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc bảo vệ chúng và kinh doanh du lịch sinh thái. Tôi hợp tác với Cty du lịch Cần Thơ để đưa khách đến tham quan, Cty hỗ trợ kinh phí để đầu tư cải tạo vườn cò” – ông Thuyền nói. Được biết, vào năm 2006, vườn cò của ông Thuyền đã được Cty TNHH thương mại du lịch Đang (An Giang) thỏa thuận mua lại với giá 5 tỷ đồng.

Cần đưa lễ hội vật nuôi truyền thống vào chương trình du lịch sinh thái
Theo PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi thì từ năm 1990, Viện Chăn nuôi là đơn vị bảo tồn chính các giống vật nuôi bản địa. Cả nước có 40 cơ sở tham gia công tác này. Đến nay chương trình đã cứu thoát khỏi tuyệt chủng các giống lợn ỉ, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà mía. Đồng thời đã phát hiện thêm 40 giống nâng nguồn gen lên là 70, trong đó có các giống đặc sắc như gà H’mông, ngựa bạch, lợn hung. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều các lễ hội vật nuôi gắn với du lịch sinh thái như lễ hội tịch điền ở Hà Nam, lễ hội đua bò Bảy Núi ở An giang, lễ hội đua ngựa ở Phú Yên, lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.

Tuy nhiên, một số lễ hội sau khi con vật thắng hay thua đều bị đem giết thịt, làm mất đi nguồn gen quí. PGS.TS Hoàng Văn Tiệu đề nghị để bảo tồn và phát triển vật nuôi bản địa gắn với du lịch sinh thái cần: (1) Đưa các lễ hội truyền thống như Hội đua bò Bảy Núi, Hội chọi Trâu Đồ sơn… vào các chương trình du lịch sinh thái; (2) Gây dựng các đàn vật nuôi đặc sắc của Việt Nam mà trước tiên là gà ở những vùng có năng lực du lịch; (3) Đa dạng hoá các hoạt động săn bắn, ăn uống, cưỡi, giải trí trên các loài vật nội địa...
TS Nguyễn Văn Bắc
ĐÀO CHÁNH
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>

Trái sim rừng Phú Quốc, nguồn nguyên liệu chế biến ra nhiều đặc sản như mật sim, rượu sim, trà sim…

n, ăn uống, cưỡi, giải trí trên các loài vật nội địa... [/I][/COLOR][/SIZE]
TS Nguyễn Văn Bắc
ĐÀO CHÁNH
Nội dung chương trình Hội thảo tại Phú quốc khá phong phú , Cám ơn chị Amifidele đã bổ sung thêm vào nhóm bài này .
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Phần tiếp theo .

Bảo tồn và phát triển vật nuôi bản địa gắn với du lịch sinh thái ở Việt nam
PGS.TS Hoàng Văn Tiệu
Viện trưởng Viện chăn nuôi
TS Võ Văn Sự
Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học, Viện chăn nuôi


2. Vai trò các giống vật nuôi trong văn hoá
Các giống vật nuôi này xuất hiện nhiều nơi giúp tăng tính hấp dẫn đời sống văn hoá:
-Lễ hội
-Các khu du lịch
-Các vườn thú

2.1.Lễ hội
Nhìn chung trong những năm sau này các lễ hội sử dụng vật nuôi khá nhiều. Có thể kể ra đây:
1.Hội chọi trâu Đồ sơn
2.Lễ hội chọn trâu xã Hải Lựu huyện LậpTthạch Vĩnh phú
3.Phù Ninh (Phú Thọ) cũng đang có ý định khôi phục lễ hội nuôi trâu
4.Lễ hội đua bò huyện bảy núi (An Giang)
5.Lễ hội đua ngựa Phú Yên
6.Lễ hội đua ngựa Bắc Hà - Lào Cai
7.Lễ hội rước lợn La phù (Hoài Đức – Hà Tây)
8.Lễ hội chạy lợn Làng Điền - Phú Xuyên – Hà Tây
9.Hội chém lợn (xã Khắc Niệm – Tiên Du – Hà Bắc)
10.Rước lợn “ông Bồ” xã Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng
11.Hội chọi gà
12.Đua chó ở Vũng Tàu

Những ưu điểm: các lễ hội khá hoành tráng, vui vẻ thu hút được nhiều người, tầng lớp xã hội tham gia.
Những nhược điểm : nhìn từ góc độ “quyền động vật” mà thế giới đang quan tâm, đó là việc chém giết trong và sau lễ hội những đối tượng được rước, hoặc là “chiến binh”.
Có ít nhất 4 lễ hội trực tiếp phô diễn cảnh giết lợn, chém trâu. Tất cả mọi con trâu được thua đều bị giết và thịt chia cho dân chúng.
Thêm nữa việc giết bỏ đi những con trâu tốt gây nên giảm nguồn gen quý gây nên sự suy giảm di truyền.

2.2 Các khu du lịch
Thường họ nuôi dạng một vài con để trình diễn mà thôi - và thường là động vật hoang dã.
Một số khu du lịch có cả quần thể vật nuôi “giả”. Thí dụ như khu Sinh thái Hoàn Cầu – Ninh Thuận.

2.3 Các làng văn hoá có những loại “vật nuôi” đặc biệt
Cũng đã có một số làng có các giống đặc biệt mà thường trong một chuyến tour được đề cập đến. Đó là:
Gà Mía: Đó là giống gà mang tên làng Mía của Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà nội). Đó là một giống gà đỏ, thịt ngon.
Gà Đông Cảo: Đó là giống gà mang tên làng Đông Cảo, Khoái Châu, Hưng Yên. Đó là một giống có chân to như chân “voi”, thịt có thể nấu đông như thể thịt lợn. Vùng này gắn chặt với sự tích công chúa Tiên Dung và chàng trai đánh cá nghèo Chữ Đồng Tử.
Gà Hồ: Đó là giống gà mang tên làng Hồ, Thuận thành, Hà bắc. Đó là một giống có trong các bức vẽ của Làng Hồ, đất Kinh bắc ngàn năm văn vật.
Gà Móng: Làng Móng – Hà nam. Gà khá ngon. Có thể kết hợp với thăm viếng Làng đá.
Ngựa bạch: xã Hữu kiên, huyện Lạng sơn.
Cừu Phan rang: Có nhiều ở Ninh thuận.



Ảnh : Chụp từ diễn đàn trong bài phát biểu của bác Hoàng Văn Tiệu

3.Khách muốn thưởng thức gì
Cũng tuỳ theo khách kiểu nào, trẻ – già, ngoại quốc – nội địa. Xem, thử nghiệm và sở hữu..
Xem: Mức độ thông thường
Thử nghiệm: Cưỡi (đà điểu), nếm (thịt), sử dụng thử (cày bừa thử), được chụp ảnh chung
Sở hữu: Mua về, thí dụ như khi gặp mùa cắt nhung hươu, khách sẵn sàng mua 1-2 lạng cho đến 1-2 kg để làm quà. Hoặc mua các mô hình đó.
Cho đến giờ hình như mọi việc rất xa.
4.Những khó khăn
-Bệnh dịch – khiến khó có thể mang khách tứ xứ đến thăm.
-Việc tổ chức ăn uống cho khách du lịch.

5.Kêt luận
Nhìn chung, việc sử dụng các loài vật nuôi nói chung và bản địa nói chung trong du lịch sinh thái của Việt nam có những khôi phục khá ấn tượng. Tuy nhiên để thành một trong những “tiết mục” liên tục trong chương trình du lịch, hoặc các khu sinh thái thì chưa được đề cập nhiều và cần phải đầu tư thêm.


Tư liệu : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia.
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Khu Dự Trữ Sinh Quyển Rừng Ngập Mặn Cần Giờ

KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ TPHCM VÀ DU LỊCH SINH THÁI
TS. Trần viết Mỹ
Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ chí Minh


I. Khái quát về rừng ngập mặn Cần Giờ
Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện được xem là tài nguyên phong phú và hết sức giá trị của TP. Hồ chí Minh. Năm 1911, người Pháp đã lấy 4.000 ha rừng xem như là rừng phòng hộ với mục đích cải thiện khí hậu cho nội thành Sài Gòn,và 500 ha quanh các làng được giữ lấy để bảo vệ chống xói mòn, gió bão. Phần còn lại được coi là rừng dự trữ cung cấp gỗ, củi cho Sài Gòn. Cho đến thập niên 60 thế kỹ 20 rừng nguyên sinh Cần Giờ không còn nữa, thay vào đó là rừng thứ sinh do tác động của con người như chặt phá bừa bãi, làm củi, đốt than…Và nhất là,do hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng triệu lít hợp chất khai hoang đã được rải xuống.Từ 1964 đến 1970, Mỹ đã rải liên tục xuống rừng Cần Giờ 1.017.515, gallons chất khai hoang, trong đó 62,2 % là hợp chất màu da cam( Ross, 1975), tương đương với 4.619.518 lít đã sử dụng, làm cho hệ sinh thái rừng trở nên nghèo kiệt, một số loài cây như chà là, ráng và các loài cây kém giá trị lấn chiếm, phát triển như Cóc kèn, Muống biển,Sam biển...Mất rừng, đất đai bị xói mòn nghiêm trọng, trở thành các “ sa mạc mặn” mênh mông, vắng bóng người và các loài chim thú hoang dã, các loài thủy sản nước lợ cũng không còn nữa.
Sau năm 1975, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai, và đến năm 1978 mới chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Sau 30 năm gây trồng, khôi phục và quản lý bảo vệ, đến nay rừng ngập mặn Cần Giờ đă có gần 35.000 ha, chiếm 50% diện tích tự nhiên toàn huyện.
Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang hóa, trơ trụi bị hủy diệt năm xưa trở thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển. Hiện hệ sinh thái rừng Cần Giờ có 700 loài động vật thủy sinh, 137 loài cá, hơn 40 loài động vật có xương sống, khoảng 130 loài chim đang sinh sống. Nhiều loài chim thú quý trở lại và tăng đàn rất nhanh. Tại tiểu khu 21 có đàn khỉ đuôi dài trên 1.000 con, tại tiểu khu 15 đàn dơi nghệ khoảng 500 con, và sân chim Vàm Sát( Lý Nhơn) có khoảng 2.000 con thuộc 26 loài. Heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thú khác có mặt khắp các gò đất cao trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Về thực vật, so với các nước Đông Nam Á, hầu hết các loài thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ, với 42 loài thuộc 36 chi, 24 họ (Quỳnh, 1997)
Tháng 01năm 2000, nhờ kết quả tốt đẹp của việc khôi phục, chăm sóc, bảo vệ; rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, gia nhập vào hệ thống các khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.



Ảnh: Wikipedia


Từ khi rừng được phục hồi, sản lượng thủy sản khai thác được ngày càng tăng, trong đó nghề nuôi nghêu, sò, tôm sú phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương, phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho cư dân bản địa.

(Còn tiếp)

Nguồn : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia.
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
Phần tiếp .
KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ TPHCM VÀ DU LỊCH SINH THÁI
TS. Trần viết Mỹ
Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ chí Minh


Rừng có tác động rõ rệt đến khí hậu trong vùng, làm cho khí hậu trở nên mát mẽ hơn, và mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ít hơn. Trên thế giới có rất nhiều thí dụ điển hình về việc mất rừng, kể cả rừng ngập mặn, kéo theo sự thay đổi khí hậu. Sau khi thảm thực vật không còn, cường độ bốc hơi nước tăng cao dẫn đến độ mặn nước và đất tăng, mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng, có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp; tốc độ gió tăng lên đột ngột, gió to gây ra sóng lớn làm xói lở bờ sông, bờ biển mà việc gia cố bờ sông hoặc di dời khu dân cư tốn rất nhiều tiền của xã hội, gây bất an cho đời sống người dân. Vì bị mất rừng mà ở vùng núi thường xảy ra thảm họa lũ quét; ở đồng bằng thì lũ lụt, sạt lở bờ sông có khi mất cả một khu dân cư lâu đời thật đáng tiếc.

So sánh tại Cần Giờ trong khoảng 30 năm qua cho thấy, có sự thay đổi rất khác biệt về môi trường khí hậu theo chiều hướng thuận lợi cho đời sống và sản xuất. Nay đi vào rừng không khí ấm áp, mát mẽ dễ chịu, đặc biệt là khi vừa từ nội thành ra. Rừng Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, có tác dụng hấp thụ khí độc hại thải ra từ sản xuất công nghiệp và giao thông, đồng thời trả lại cho môi trường khí oxy cần thiết cho quá trình sống của con người,cung cấp hơi ẩm cho nội thành qua hệ thống gió thổi từ biển Đông vào, lọc nước thải từ các quận nội thành đổ về, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, với ưu thế của một vùng sông nước, phong cảnh hữu tình, hệ động thực vật đa dạng, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đang dần dần hình thành khu du lịch sinh thái độc đáo và đầy tiềm năng không những của T.P Hồ chí Minh mà là cả nước.

Du lịch Sinh thái:
Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch khá đặc trưng, gắn với cảnh quan môi trường, sử dụng tài nguyên nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Đây là loại hình du lịch mà đối tượng được chọn lọc, lợi ích kinh tế không phải là mục tiêu cuối cùng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong 20 địa điểm được chọn để xây dựng khu du lịch quốc gia. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đầu tư tái tạo không chỉ để làm chức năng lá phổi xanh cho thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là khu du lịch quy mô lớn với nhiều loại hình phong phú hấp dẫn. Hệ thống cầu-đường nối liền trung tâm Thành phố với Cần Giờ dần được hoàn thiện. Từ cuối năm 1999, được sự hỗ trợ của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Lâm Viên Cần Giờ, nay là công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, đã từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương giữ nước, tạo ra hệ thống giao thông thủy nội bộ phục vụ khách tham quan; xây dựng các nhà hàng ăn uống, hệ thống khu nhà nghỉ do Tổ chức Rừng ngập mặn Nhật Bản tài trợ; phục chế lại mô hình căn cứ cách mạng rừng Sác; sữa chữa lại Nhà bảo tàng, xây dựng bãi cắm trại, hệ thống đường-cầu trong rừng.

Bước đầu, Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ đã hình thành một số loại hình dịch vụ để phục vụ khách tham quan như đi thuyền, lướt ván len lỏi giữa các kênh rạch, ngắm nhìn vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn; tham quan căn cứ rừng Sác, thưởng thức các món ăn một thời của chiến sĩ rừng Sác; cắm trại và sinh hoạt dã ngoại trong rừng ngập mặn; tham quan nhà bảo tàng Cần Giờ; tắm biển ở khu bãi biển với cảnh quan thoáng mát, không khí trong lành, nhìn ra biển Đông.

Hiện nay, Ban quản lý khu du lịch Cần Giờ đang tiến hành dự án bảo tồn, khôi phục loài cá sấu nước lợ Cần Giờ với sự tài trợ của GEF (Global Environment Facilities), UNDP. Nhật Bản bắt đầu đầu tư xây dựng ở đây một Trung tâm giáo dục và phát triển vùng sinh thái rừng ngập mặn để hàng năm đưa sinh viên của họ đến đây thực tập dã ngoại .Để khơi dậy hơn nữa tiềm năng du lịch của rừng ngập mặn Cần Giờ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt "Quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2010". Theo đề án này, huyện Cần Giờ sẽ được quy hoạch phát triển thành 3 phân khu chức năng du lịch sinh thái gồm khu du lịch sinh thái biển, khu sinh thái rừng và khu sinh thái nông nghiệp. Trong đó, các khu vực tập trung phát triển du lịch sinh thái là khu lâm viên Cần Giờ (2.200 ha), khu du lịch Vàm Sát (1.800 ha), khu du lịch Rừng Sác (250 ha)...

Nguồn : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia.
 

dingoo

<color="Orange">Chuyên gia</color>
ĐÔI NÉT VỀ CÁ TRÊ PHÚ QUỐC (CÁ CHÌNH SUỐI PHÚ QUỐC)
ĐẶNG KHÁNH HỒNG


Cá trê Phú Quốc (Tên gọi địa phương là cá chình suối Phú Quốc), thịt cá rất ngon, thơm, màu sắc cá bóng mượt và có những chấm màu vàng nhạt như hình hoa vân trên thân cá, là loài cá đặc sản có trong suối ở Phú Quốc của Tỉnh Kiên Giang Cỡ cá từ 1-1,2 con/kg có chiều dài 55-60 cm, thân cá thon dài, hình dáng và màu sắc bên ngoài của cá rất bắt mắt. Quan sát màu sắc của cá và chất lượng thịt người dân địa phương chia ra làm 3 loại : Loại thân cá có màu vàng đỏ, thịt ngon, thơm, trọng lượng cá tìm thấy khoảng là 2,5 kg/con lớn hơn cá có màu trắng thịt hơi mềm nhão và loại cá thân có màu đen thịt chát. Khi chúng tôi chuyển cá về đất liền hầu hết các đôi râu của cá đều bị hoại tử khi thay đổi môi trường nước và vi ngực của cá thường bị rụng sau 3-5 ngày. Cá có trọng lượng từ 7-10 con/kg sau 1 năm nuôi đạt trọng lượng 1-1,2 con/kg. Giá bán của loại cá này trên thị trường : Cỡ cá từ 400-800gr/con thương lái đến cân tại chỗ giá 80.000 đ/kg và cỡ cá trên 1kg/con giá dao động 90.000-110.000 đồng/kg. Loài cá này có thể nuôi trong ao đất, bể xi măng hoặc bể lót bằng bạt , mực nước trong bể phải đạt 1-1,2m, lục bình chiếm ¾ diện tích mặt bể nên sử dụng thức ăn viên vì do đặc thù của đảo Phú Quốc rất hiếm nước ngọt, nguồn nước chủ yếu sử dụng để nuôi cá là nước mưa và nước suối. Xung quanh bể phải rào lưới cao 1 m trở lên, vân lưới phải được chôn chặt để không cho cá đi.

Nguồn : Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia.[/QUOTE]
 
Việc phát triển của VN bây giò cần phải được gắn liền với bảo vệ môi trường thì mới có thể bền vững được,các hội thảo như thế nay cần được phát huy nhiều hơn và cũng cần phải thay đổi ý thức của phần lớn người dân về việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.(hình như mình hơi lạc đề)
 
Top